TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 86/2017/HSST NGÀY 25/10/2017 VỀ TỘI MUA BÁN, TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP CHẤT ĐỘC
Ngày 25 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tiến hành mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 82/2017/TLST - HS ngày 03 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo:
Phan Thị M - Sinh năm 196X; nơi ĐKNKTT: Tổ A, khối phố L, phường H, thành phố T, tỉnh Quảng Nam; trình độ học vấn: 9/12; nghề nghiệp: Buôn bán; con ông H và bà N; bị cáo có chồng là Mai T, có 5 con, con lớn nhất sinh năm 197X và nhỏ nhất sinh năm 199X; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 25 tháng 4 năm 2001 đến ngày 15 tháng 9 năm 2001 thì bỏ trốn, sau đó đầu thú, tạm giữ ngày 29 tháng 9 năm 2016 và chuyển tạm giam từ ngày 08 tháng 10 năm 2016.
Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1/ Trần Thị P1 - Sinh năm 195X; trú tại: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam: Vắng mặt không có lý do;
2/ Trần Thị P2 - Sinh năm 196X; trú tại: Thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam: Vắng mặt không có lý do;
3/ Mai Văn T - Sinh năm 198X; trú tại: Tổ A, khối phố L, phường H, thành phố T, tỉnh Quảng Nam: Có mặt.
NHẬN THẤY
Bị cáo Phan Thị M bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Từ ngày 12/3/2001 đến ngày 25/4/2001, Phan Thị M và chồng là Mai T cùng với Phan Thị Ph đã chung vốn để mua bán 300 kg Natri Cyanua và 4.000 kíp nổ để bán kiếm lời. Số kíp nổ và Natri Cyanua trên được T, M, Ph1, Ph2 và T (con của M) vận chuyển vào nơi cất giữ và được Trần Thị Ph2 đồng ý cất giấu. Mai T và M đã bán hết kíp nổ, Mai T đã bán được 90 kg Natri Cyanua cho những người không rõ lai lịch, còn lại 210 kg Natri Cyanua đang cất giữ tại nhà Ph1 và Ph2 thì bị bắt quả tang vào ngày 25 tháng 4 năm 2001. Tại Bản kết luận giám định số 1186/C21(P5) ngày 11/5/2001, Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Natri Cyanua là chất độc, liều chết người qua đường tiêu hóa 1mg/kg cơ thể, qua đường hô hấp là 0,15mg/lít không khí. Trong thời gian tạm giam, do xác định Phan Thị M bị bệnh tâm thần nên cơ quan thẩm quyền đưa Phan Thị M đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian theo dõi, điều trị tại bệnh viện, ngày 15 tháng 9 năm 2001, M đã bỏ trốn khỏi bệnh viện và đã bị cơ quan có thẩm quyền truy nã. Hành vi phạm tội của Mai T, Trần Thị Ph1, Trần Thị Ph2 đã bị xem xét, xử lý tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/HSST ngày 24 tháng 02 năm 2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam và Bản án hình sự phúc thẩm số 521/2002/HSPT ngày 01 tháng 8 năm 2002 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
Ngày 29 tháng 9 năm 2016, Phan Thị M ra đầu thú. Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, bị cáo Phan Thị M xác định sức khỏe đảm bảo, tinh thần ổn định, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như trước đây đã khai báo, đồng thời khai rằng bị cáo bị Mai T đánh đập, hành hạ, nên hành vi mua bán kíp nổ và Natri Cyanua trước đây là do Mai T cưỡng bức, đe dọa, ép buộc.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc” theo điểm a khoản 3 Điều 238, tội “Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo điểm a, b khoản 2 Điều 232 và tội“Trốn khỏi nơi giam” theo khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự 1999, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử:
- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 238, điểm g khoản 1 Điều 48, điểm i, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Phan Thị M từ 04 năm đến 04 năm 06 tháng tù về tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc;
- Áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 232, điểm g khoản 1 Điều 48, điểm i, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Phan Thị Mtừ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù về tội Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ;
- Áp dụng khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Phan Thị M từ 03 tháng đến 06 tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam; áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt, xử phạt Phan Thị M từ 06 năm 03 tháng tù đến 07 năm 06 tháng tù.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng,
XÉT THẤY
Lời khai nhận của bị cáo và kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện: Từ ngày 12 tháng 3 năm 2001 đến ngày 25 tháng 4 năm 2001, Phan Thị M và chồng là Mai T cùng Trần Thị Ph1 đã chung vốn để mua bán 300 kg Natri Cyanua và 4.000 kíp nổ. Số kíp nổ trên M và T đã bán hết cho những người không rõ lai lịch, số Natri Cyanua đã bán được 90 kg, còn lại 210 kg chưa bán thì bị bắt giữ. Trong thời gian tạm giam và được điều trị bệnh tâm thần, ngày 15 tháng 9 năm 2001, Phan Thị M bỏ trốn và ngày 29 tháng 9 năm 2016 Phan Thị M đầu thú. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 57/GĐTT ngày 07 tháng 9 năm 2001 của Tổ giám định pháp y tâm thần thành phố Đà Nẵng, xác định Phan Thị M có biểu hiện không bình thường về mặt tâm thần, còn năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi mua bán chất độc, vật liệu nổ. Tại Văn bản số 28/BATT ngày 27 tháng 04 năm 2017, Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng xác định tình trạng của Phan Thị M lúc trốn viện là “Bệnh tạm ổn về giấc ngủ và hành vi” và kết luận cần căn cứ Bản giám định pháp y tâm thần số 57/GĐTT ngày 07 tháng 9 năm 2001 để xem xét năng lực trách nhiệm hình sự.
Đối chiếu lời khai nhận tội của bị cáo, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các kết luận giám định về mặt tâm thần đối với bị cáo, kết luận giám định về chất độc, Hội đồng xét xử kết luận hành vi của bị cáo Phan Thị M liên quan đến việc mua bán, tàng trữ 300kg Natri Cyanua do Phan Thị M, Mai T, Trần Thị Ph1, Trần Thị Ph2 cùng thực hiện đã phạm tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc” theo Điều 238 Bộ luật hình sự năm 1999; hành vi tàng trữ, mua bán 4.000 kíp nổ của bị cáo Phan Thị M cùng với Mai T, Trần Thị Ph1, Trần Thị Ph2 đã phạm tội “Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999; hành vi bỏ trốn khỏi nơi điều trị bệnh trong thời gian tạm giam của Phan Thị M đã phạm tội Trốn khỏi nơi giam theo Điều 311 Bộ luật hình sự 1999. Như vậy, Cáo trạng số 05/CT – VKS ngày 07 tháng 9 năm 2017 của
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.
Theo khoản 3 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 2015 thì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn” được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 238 Bộ luật hình sự năm 1999 đã bị xóa bỏ; chất độc liên quan đến vụ án (NaCN) không thuộc Hóa chất bảng 1, bảng 2 và bảng 3 của Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Đây là những nội dung mà Điều 311 Bộ luật hình sự 2015 quy định có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 theo hướng giữ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn” tại điểm a khoản 3 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV về việc thi hành Bộ luật hình sự sô 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và hiệu lực thi hành Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13, không xác định cụ thể thời gian có hiệu lực của các tình tiết quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 mà lần sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã xóa bỏ. Theo đó, Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm hình sự của Phan Thị M đối với tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc theo quy định tại Điều 238 Bộ luật hình sự năm 1999 và cân nhắc yếu tố chính sách pháp luật thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội tại Điều 311 Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét khi lượng hình, đảm bảo quyền lợi của bị cáo.
Ngoài ra, mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử nhẹ hơn mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999.
Căn cứ điểm b khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV về việc thi hành Bộ luật hình sự sô 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và hiệu lực thi hành Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, Hội đồng xét xử thống nhất với đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam tại Công văn số 215/VKS – P2 ngày 19 tháng 9 năm 2017 và nội dung luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa, xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo Phan Thị M theo mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hành vi của bị cáo xâm phạm đến quản lý độc quyền của Nhà nước về chất độc và vật liệu nổ, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng, gây nguy hiểm cho xã hội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và tạo nên các điều kiện để phát sinh các loại tội phạm khác liên quan. Hành vi nhiều lần mua bán, tàng trữ trái phép chất độc, vật liệu nổ của Phan Thị M cùng các đồng phạm thể hiện sự câu kết chặt chẽ, phân chia trách nhiệm góp vốn, phân công nhiệm vụ khi thực hiện hành vi nên đủ cơ sở để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tổ chức” và “phạm tội nhiều lần”; hành vi mua bán, tàng trữ 300kg chất độc (NaCN) thuộc trường hợp “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn”; hành vi mua bán, tàng trữ 4.000 kíp nổ thuộc trường hợp “Vật phạm pháp có số lượng lớn”. Tuy nhiên, bị cáo thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất độc, vật liệu nổ với vai trò là người thực hành thứ yếu so với đồng phạm Mai T, Trần Thị Ph1; động cơ phạm tội không rõ ràng; bị cáo không có tiền án, tiền sự; trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện bị cáo sống như vợ chồng với Mai T trong điều kiện phải nuôi 05 con nhỏ, tình trạng rối loạn tâm thần của bị cáo thể hiện tại bệnh án điều trị và kết luận giám định tâm thần của Tổ giám định pháp y tâm thần thành phố Đà Nẵng và lời khai của những người cùng sống trong gia đình bị cáo và địa phương thời điểm gây án phù hợp với toàn bộ lời khai của bị cáo trước và sau khi bị truy nã, đủ cơ sở để Hội đồng xét xử xác định bị cáo phạm tội một phần do bị Mai T đe dọa, cưỡng bức nên đã làm theo sự điều hành, chỉ đạo của Mai T; bị cáo thực hiện hành vi trốn khỏi nơi giam trong điều kiện điều trị ở bệnh viện thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ và biểu hiện “không bình thường về mặt tâm thần”; sau khi bệnh tâm thần suy giảm và biết đang bị truy nã, bị cáo đã đầu thú; trong quá trình tố tụng, bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải; bị cáo là nữ, đã lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, có con trai bị tàn tật, đang hưởng trợ cấp xã hội; bị cáo có anh ruột có công với cách mạng.
Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, vai trò phạm tội, các tình tiết định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân và hoàn cảnh của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy đủ cơ sở để áp dụng điểm a, g khoản 1 Điều 48, điểm i, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, điểm a khoản 3 Điều 238 Bộ luật hình sự năm 1999 (đối với tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc); điểm g khoản 1 Điều 48, điểm i, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, điểm a, b khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 (đối với tội Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ); điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999, khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015 (đối với tội Trốn khỏi nơi giam); Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV, để xem xét áp dụng hình phạt tù có thời hạn với mức hình phạt phù hợp, đảm bảo yêu cầu cá thể hóa hình phạt, đảm bảo quyền lợi của bị cáo khi chính sách pháp luật hình sự có thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội, đồng thời thể hiện tính nghiêm minh và tính nhân đạo của pháp luật nhà nước ta.
Về các vấn đề liên quan trong vụ án: Đã được giải quyết tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2002/HSST ngày 24/4/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam và Bản án hình sự phúc thẩm số 521/2002/HSPT ngày 01 tháng 8 năm 2002 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
Không có cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bị cáo trốn khỏi nơi điều trị bệnh tâm thần trong thời gian tạm giam; không có cơ sở để xem xét trách nhiệm của bị cáo Phan Thị M đối với số tiền 3.600.000 đồng liên quan đến việc phạm tội trong vụ án cùng với các đồng phạm Mai T, Trần Thị Ph1, Trần Thị Ph2.
Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Tuyên bố bị cáo Phan Thị M phạm tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”, tội “Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ” và tội“Trốn khỏi nơi giam”;
- Áp dụng điểm i, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, điểm a, g khoản 1 Điều 48, điểm a khoản 3 Điều 238 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Phan Thị M 03 (ba) năm tù về tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc;
- Áp dụng điểm i, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, điểm g khoản 1 Điều 48, điểm a, b khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Phan Thị M 01 (một) năm 09 (chín) tháng tù về tội Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ;
- Áp dụng điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999, khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV, xử phạt Phan Thị M 03 (ba) tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam;
- Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tổng hợp hình phạt là 05 (năm) năm tù, trừ đi thời hạn tạm giam 4 (bốn) tháng, 20 (hai mươi) ngày (từ ngày 25 tháng 4 năm 2001 đến ngày 15 tháng 9 năm 2001), thời hạn hình phạt tù còn phải chấp hành là 4 (bốn) năm, 07 (Bảy) tháng, 10 (mười) ngày, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ khi đầu thú (ngày 29 tháng 9 năm 2016).
- Áp dụng Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử buộc Phan Thị M phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được trích sao bản án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 9 luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 86/2017/HSST ngày 25/10/2017 về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất độc
Số hiệu: | 86/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/10/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về