TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 84/2020/DS-PT NGÀY 28/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN, HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 85/2020/DSPT ngày 23 tháng 3 năm 2020, về việc Tranh chấp mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản và đòi bồi thường thiệt hại.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 18 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện E, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 109/2020/QĐ-PT ngày 05 tháng 5 năm 2020, giữa:
1. Nguyên đơn:
- Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1969 (có mặt)
- Bà Dương Thị P, sinh năm 1973 (có mặt)
Cùng địa chỉ: Số 154/7C Lê Văn Phẩm, phường A, thành phố B, tỉnh Tiền Giang.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn bà Dương Thị P:
Luật sư Lê Thành Đ, thuộc đoàn Luật sư thành Phố Cần Thơ (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).
2. Bị đơn: Ông Trần Văn H, sinh năm 1960 (Có mặt)
Địa chỉ: Ấp C, xã D, huyện E, tỉnh Bình Phước.
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
- Bà Trần Cẩm H, sinh năm 1961 (Có mặt)
Địa chỉ: Ấp C, xã D, huyện E, tỉnh Bình Phước. - Công Ty Q
Địa chỉ: 385 Trần Xuân Soạn, phường G, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn M, chức vụ: Tổng Giám đốc; người đại diện theo uỷ quyền của ông Trần Văn M: Ông Đinh Tuấn A - Chức vụ: Giám đốc nhà máy phân bón Năm Sao.
Người đại diện theo uỷ quyền của ông Đinh Tuấn A:
- Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1989; Chức vụ: Nhân viên nhà máy phân bón Tập đoàn Năm Sao. (Có mặt)
Địa chỉ: Khu phố I, thị trấn G, huyện H, tỉnh Bình Phước.
- Bà Ngô Thuỵ Cẩm T, sinh năm 1979 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Khu phố Phước Trung, phường K, thị xã L, tỉnh Bình Phước.
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Dương Thị P.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện đề ngày 15 tháng 10 năm 2018; đơn bổ sung khởi kiện ngày 17 tháng 01 năm 2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P trình bày:
Vào tháng 7 năm 2018 vợ chồng tôi có mua phân bón của cửa hàng phân bón ông Trần Văn H bán lần đầu là 20 bao, lần sau là 110 bao phân bón nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE do nhà máy phân bón Năm Sao (thuộc Công ty Q) sản xuất, tôi mua để bón cho 14 ha dưa hấu, vợ chồng tôi đã sử dụng hết 77 bao bón cho dưa hấu.
Khi tôi bón thì tôi không đọc theo hướng dẫn trên bao bì, vì tôi làm quen theo kinh nghiệm, vì tôi đã trồng dưa hấu hơn 20 năm, từ năm 1996 cho đến nay, sau khi bón phân được 40 - 45 ngày thì trái ra bằng cầm tay, cầm tay thì tôi bón thúc, khi gặp mưa xuống thì dây dưa hấu xẹp xuống, lá rụi xuống, trái không lớn, sau đó cháy hết toàn bộ 14 ha dưa hấu, gây thiệt hại cho vợ chồng tôi là 840.000.000đ.
Ngày 27 tháng 9 năm 2018 tôi đã lấy mẫu phân bón mà vợ chồng tôi mua của ông Trần Văn H đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm Thành Phố Hồ Chí Minh, đến ngày 02/10/2018 có kế quả như sau:
1. Dạng viên màu bao tím bao xanh:
- Hàm lượng K20 hữu hiệu 13%
- Hàm lượng P205 hữu hiệu 17,6%
- Hàm Lượng N 18,6% 2.
Dạng viên màu tím bao trắng:
- Hàm lượng K20 hữu hiệu 13%
- Hàm lượng P205 hữu hiệu 17,2%
- Hàm Lượng N 18,7%
Đối chiếu với hàm lượng kiểm định viên với hàm lượng in trên bao bì đựng sản phẩm phân bón, thì tỷ lệ hàm lượng cho phép của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn thì hàm lượng P205 và K20 không đảm bảo chất lượng, dẫn đến thiệt hại 14 ha dưa hấu của vợ chồng tôi.
Vợ chồng tôi làm đơn yêu cầu ông Trần Văn H và Công Ty Qphải bồi thường cho vợ chồng tôi số tiền 840.000.000đ.
* Bị đơn và là người phản tố ông Trần Văn H trình bày:
Tôi có mở cửa hàng bán phân bón tại Ấp C, xã D, huyện E, tỉnh Bình Phước, thì bà Ngô Thuỵ Cẩm T, địa chỉ: Khu phố Phước Trung, phường K, thị xã L, tỉnh Bình Phước là đại lý cấp 1, cô T có giao cho tôi 50 bao phân để trong kho của tôi để bán, tháng 6 năm 2018 tôi có bán cho ông Đ 20 bao phân nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE do nhà máy phân bón Năm Sao (thuộc Công ty Q) sản xuất.
Đến ngày 24 tháng 8 năm 2018 thì ông Đ mua 110 bao phân nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE do nhà máy phân bón Năm Sao (thuộc Công ty Q) sản xuất, trực tiếp là bà Ngô Thuỵ Cẩm T, địa chỉ: khu phố Phước Trung, phường K, thị xã L, tỉnh Bình Phước giao trực tiếp chở 110 bao phân vào tận vườn cho ông Đ.
Tôi là người bán phân thì tôi chỉ nhận hoa hồng theo số lượng mà tôi bán được, bà Ngô Thuỵ Cẩm T là người trả hoa hồng cho tôi, cụ thể tôi bán được 1 bao là bà T trả cho tôi 50.000đ, vợ chồng tôi là người trực tiếp thu tiền của người mua phân (thu tiền trực tiếp từ ông Đ).
Tổng số là 130 bao x 820.000đ/1 bao = 106.600.000đ, hiện nay Công Ty Q đã nhận lại 53 bao x 820.000đ/1bao = 43.460.000đ, tôi chỉ là người bán phân nên tôi không đồng ý bồi thường cho vợ chồng ông Đ.
Nay tôi có yêu cầu phản tố do vợ chồng ông Đ, bà P còn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, dầu máy... và tiền mượn 6.000.000đ, tổng cộng vợ chồng ông Đ còn nợ 288.740.000đ, cụ thể vợ tôi ghi trong sổ, tôi yêu cầu vợ chồng ông Đ phải trả cho vợ chồng tôi số tiền 288.740.000đ.
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Trần Cẩm H trình bày.
Vợ chồng tôi có bán cho vợ chồng ông Đ bà P theo sổ sách tôi ghi, đám dưa bên cây xăng Ngọc Mai: Lân nung chảy 45 bao x 190.000đ = 8.550.000đ, hữu cơ xanh 20 bao x 290.000đ = 5.800.000đ, phân 20-20 15 đầu trâu x 690.000đ = 13,800.000đ, phân kaly 9 bao x 400.000đ = 3.600.000đ, thuốc vi khẩn 35 gói = 1.400.000đ, thuốc nấm 2 gói = 500.000đ, lâm bat 2 hũ = 170.000đ, giống đồng xanh 2 kg = 15.000.000đ , tổng số tiền 155.420.000đ , trong đó cô Phượng đã trả cho tôi (bà H) được 15.870.000đ, còn lại 139.550.000đ.
Theo sổ tôi ghi đám dưa Cây xăng Bình Long.
- Phân 20-20-15 Long Việt 40 bao x 690.000đ = 27.600.000đ, lân văn điển 30 bao x 200.000đ = 6.000.000đ, hữu cơ xanh 30 bao x 290.000đ = 8.700.000đ, thuốc ra đi an 100 gói x 32.000đ = 3.200.000đ, tiền thiếu trước đó = 100.000.000đ, 10 phi dầu x 4.000.000đ /phi = 40.000.000đ, vỏ phi 5 cái = 1.150.000đ, tiền mượn 6.000.000đ, tổng cộng bằng 192.650.000đ.
Tổng cộng hai vườn dưa, vợ chồng cô P còn thiếu vợ chồng tôi là 332.200.000đ, trừ đi số phân Công Ty Q đã thu hồi 53 bao x 820.000đ/bao = 43.460.000đ. Như vậy tôi yêu cầu ông Đ, bà P trả cho tôi số tiền còn thiếu là 288.740.000đ.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Q; người được uỷ quyền bà Ngô Thuỵ Cẩm T trình bày:
Phân bón nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE do nhà máy phân bón Năm Sao (thuộc Công ty Q) sản xuất bán cho bà P ông Đ không gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, hàm lượng các chất đều đạt, chỉ có hàm lượng Kali theo tiêu chuẩn là 15%, hàm lượng cho phép là 14,55% nhưng trong phân bón bán cho bà P hàm lượng 13,55%, trên bao bì đã có hướng dẫn sự dụng, ông Đ bà P không đọc theo hướng dẫn mà bỏ phân theo thói quen gây ảnh hưởng cho cây trồng, đó là lỗi của ông Đ bà P, vì vậy ông Đ bà P yêu cầu nhà máy phân bón Năm Sao bồi thường là không đúng, ngoài ra Công ty không có yêu cầu gì khác.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Q; người được uỷ quyền ông Nguyễn Văn M trình bày:
Ông M thống nhất với lời trình bày của bà Ngô Thuỵ Cẩm T tại phiên hoà giải và tại phiên toà ông trình bày đối với loại phân bón nhãn hiệu NPK 20-20- 15+TE do nhà máy phân bón Năm Sao (thuộc Công ty Q) sản xuất thành phần Kali so với tiều chuẩn có thiếu nhưng do nhiều yếu tố, có khi do vận chuyển hoặc bảo quản không đảm bảo, mặc dù hàm lượng Kali thiếu, có bón phân cho cây trồng thì cây trồng không chết được, còn cây dưa hấu là loại thân thảo, tích nước rất nhiều, nắng nóng, sau đó gặp mưa lớn thì dây dưa hấu héo, vườn dưa hấu của vợ chồng ông Đ chết có rất nhiều nguyên nhân, như thời tiết, chất đất, sâu bệnh, sương muối hoặc do khí hậu.v.v. kể cả cách thức bón phân của ông Đ, bà P có khi không đúng quy trình, tại thời điểm vườn dưa hấu của vợ chồng ông Đ bà P chết do nắng nóng, gặp mưa, bão, thời tiết đang nắng mà gặp mưa, bão kéo dài nhiều ngày nên cũng có thể làm vườn dưa hấu của vợ chồng ông Đ, bà P chết, cho nên vợ chồng ông Đ, bà P yêu cầu đòi bồi thường Tập đoàn Năm Sao xét thấy không có lỗi, nên không đồng ý bồi thường.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 18/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện E, tỉnh Bình Phước đã quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P yêu cầu ông Trần Văn H và Công Ty Q bồi thường thiệt hại 14 ha dưa hấu trị giá 840.000.000đồng.
Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trần Văn H buộc vợ chồng ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P liên đới phải trả cho vợ chồng ông Trần Văn H và bà Trần Cẩm H số tiền 288.740.000đồng (Hai trăm tám mươi tám triệu bảy trăm bốn mươi ngàn đồng).
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định phần án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định.
Ngày 27/02/2020, nguyên đơn bà Dương Thị P kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông H và Công Ty Q phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn số tiền 840.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà P vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà P đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn và Công Ty Q phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn số tiền 840.000.000 đồng vì nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 14 ha dưa hấu là do việc sử dụng phân bón kém chất lượng của Công ty Q. Theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng thì Công Ty Q đã giao hàng khuyết tật thì phải chịu trách nhiệm bồi thường kể cả khi Công ty không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước:
Về tố tụng: Kể từ khi thụ lý giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm đến nay, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị P, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện E.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị P; Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Quá trình giải quyết vụ án, ông Đ, bà P đều thừa nhận vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2018 đã mua 20 bao phân nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE của Công Ty Q sản xuất, do ông Trần Văn H bán để bón cho vườn dưa hấu. Khoảng hai tháng sau, ông bà tiếp tục mua 110 bao nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE từ đại lý của ông H do Công Ty Q cung cấp. Sau khi bón phân được 40 ngày, đến 45 ngày thì trái ra bằng cầm tay thì ông bón phân thúc, khi gặp mưa xuống dây dưa hấu xẹp xuống, lá rụi dần, trái không lớn, sau đó cháy hết toàn bộ 14 ha dưa hấu, ông cho rằng phân bón của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao sản xuất không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại đến tài sản của gia đình ông nên vợ chồng ông khởi kiện yêu cầu ông Trần Văn H và Công Ty Q phải bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 840.000.000 đồng.
[2] Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình ngày 27 tháng 5 năm 2019 bà Dương Thị P có đơn yêu cầu Cục bảo vệ thực vật – Thuộc Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn thực hiện trưng cầu giám định mẫu phân bón nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE của Công Ty Qdo ông Trần Văn H bán. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm (KQTN) số 391/KQ/PBQG và số 392 KQ/PBQG ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Trung tâm khảo nghiệm phân bón Quốc gia mẫu phân bón Năm Sao nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE không bảo đảm yêu cầu chất lượng so với thành phần hàm lượng, dinh dưỡng quy định trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam số 774/QĐ-BVTV-PB ngày 03/7/2018 của Cục bảo vệ thực vật cụ thể: Hàm lượng Kali hữu hiệu (K20hh) là 13,55% không bảo đảm chất lượng yêu cầu là (14,55%).
[3] Theo lời trình bày thì khi thực hiện bón phân, ông Đ, bà P đều biết trên bao bì sản phẩm có ghi cách thức và liều lượng bón phân nhưng ông Đ, bà Phương không đọc hướng dẫn sử dụng và cũng không yêu cầu ông H hướng dẫn sử dụng mà chỉ bón phân theo kinh nghiệm. Đồng thời khi bón phân, ông Đ, bà Phương kết hợp bón cùng một số loại phân khác ngoài phân NPK 20-20-15+TE mua của và dùng thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh cho cây dưa hấu. Ngoài ra, ông Đ, bà P và ông H xác định vào thời điểm ông Đ bón phân là thời điểm có ảnh hưởng của bão. Theo Công văn số 1772 ngày 12/12/2018 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước xác định việc phản ánh vườn dưa hấu bị cháy là do phân NPK 20-20-15 của Công ty Năm Sao của ông Đ, bà P là chưa đủ cơ sở xác định. Để biết được nguyên nhân cháy là do phân hay do nguyên nhân nào khác thì cần khảo nghiệm để kiểm chứng vì trong quá trình trồng và chăm sóc dưa hấu, ngoài việc sử dụng phân thì ông Đ còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh và một số loại phân khác. Bên cạnh đó cũng không loại trừ yếu tố vườn dưa hấu bị một số loại nấm bệnh tấn công gây hại và yếu tố kỹ thuật bón phân, xịt thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.
[4] Mặc dù phân bón Năm Sao nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE không bảo đảm yêu cầu chất lượng so với thành phần hàm lượng, dinh dưỡng quy định trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam số 774/QĐ-BVTV-PB ngày 03/7/2018 của Cục bảo vệ thực vật cụ thể: Hàm lượng Kali hữu hiệu (K20hh) là 13,55% không bảo đảm chất lượng yêu cầu là (14,55%). Nhưng theo Công văn số 1412 ngày 05/6/2019 và Công văn số 1962 ngày 29/7/2019 của Cục bảo vệ thực vật xác định việc sử dụng phân bón có ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, gây chết cây và năng suất, chất lượng cây trồng phải thông qua khảo nghiệm. Nhưng tại Biên bản lấy lời khai ngày 23/8/2019 bà P lại đề nghị không yêu cầu tiến hành khảo nghiệm. Do đó, việc bà P, ông Đ cho rằng vườn dưa hấu do ông bà trồng bị cháy toàn bộ là do bón phân kém chất lượng của Công Ty Q nhãn hiệu NPK 20-20-15+TE là chưa đủ cơ sở.
[5] Đối với yêu cầu phản tố của ông Đ, bà P: Vợ chồng ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P đều thừa nhận là có mượn tiền và mua thiếu đồ của vợ chồng ông H, bà H với số tiền 288.740.000 đồng chưa thanh toán. Nhưng do phân bón của ông H đã làm thiệt hại vườn dưa hấu của ông Đ, bà P với số tiền 840.000.000 đồng nên ông Đ bà P không đồng ý thanh toán mà yêu cầu cấn trừ vào số tiền thiệt hại. Như đã nhận định ở trên, do yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Đ, bà P không có căn cứ chấp nhận nên yêu cầu phản tố của ông Trần Văn H yêu cầu ông Đ, bà P trả số tiền mượn và số tiền còn thiếu 288.740.000 đồng là có cơ sở chấp nhận.
[6] Từ những nhận định nêu trên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Đ, bà P đối với ông Trần Văn H và Công ty Q, đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trần Văn H là có căn cứ, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm nên yêu cầu kháng cáo của bà P không được chấp nhận.
[7] Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Dương Thị P phải chịu theo quy định.
[8] Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà P là không có căn cứ, không phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử không được chấp nhận.
[9] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm là có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị P.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 18/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện E, tỉnh Bình Phước.
Áp dụng Điều 463, Điều 466, Điều 584, Điếu 585, Điều 589 và Điều 608 Bộ luật dân sự 2015.
Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P yêu cầu ông Trần Văn H và Công Ty Qbồi thường thiệt hại 14 ha dưa hấu với số tiền 840.000.000 đồng.
Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trần Văn H buộc vợ chồng ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P liên đới phải trả cho vợ chồng ông Trần Văn H và bà Trần Cẩm H số tiền 288.740.000đ (Hai trăm tám mươi tám triệu bảy trăm bốn mươi ngàn đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (Đối với các trường hợp Cơ quan Thi hành án có quyền chủ động ra Quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu Thi hành án của người được thi hành (Đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trần Văn Đ và bà Dương Thị P phải chịu 51.637.000đồng, được khấu trừ vào số tiền ông Đ, bà P đã nộp 9.300.000đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006277 ngày 04/12/2018. Ông Đ, bà P phải tiếp tục nộp 42.337.000 đồng. Ông Trần Văn H không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm, Chi cục thi hành án dân sự huyện E hoàn trả lại cho ông Trần Văn H số tiền 8.305.000đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000099 ngày 29/3/2019.
Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Dương Thị P phải chịu 300.000 đồng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0006842 ngày 27/02/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện E, tỉnh Bình Phước.
Trong trường hợp Bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án 84/2020/DS-PT ngày 28/05/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản và đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 84/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về