Bản án  84/2019/DSPT ngày 17/05/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK L ẮK

BẢN ÁN  84/2019/DSPT NGÀY 17/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DO NGƯỜI CHẾT ĐỂ LẠI

Trong các ngày 15 đến 17 tháng 5 năm 2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 41/2019/TLPT-DS ngày 30/01/2019, về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 25/2018/DS-ST ngày 12/11/2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bị kháng  cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 98/2019/QĐ-PT ngày 27 tháng 3 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số 72/2019/QĐ-PT ngày 25/4/2019 và Thông báo chuyển lịch số 227/2019/TB-CL ngày 08/5/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1961, địa chỉ: Thị trấn EK,huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Bà H’ T Niê, sinh năm 1984, nơi đăng ký HKTT: Thị trấn EK, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk. Chỗ ở hiện nay: Đường X, phường TA, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2.2. Bà H’ Q Niê, địa chỉ: Thị trấn EK, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2.3. Bà H’C Niê, địa chỉ: Thị trấn EK, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2.4. Ông Y G Niê, địa chỉ: Thị trấn EK, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn: Ông Đặng Ngọc H, sinh năm 1978, địa chỉ: đường T, phường TL, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Hồ Thị Thanh Đ, sinh năm 1963, địa chỉ: Thị trấn EK, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.

* Người kháng cáo: Ông Đặng Ngọc H là người đại diện theop ủy quyền của các bị đơn bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Nguyễn Văn L trình bày:

Do có mối quan hệ quen biết nên bà H’K Niê đã nhiều lần vay tiền của ông L, cụ thể:

- Tại giấy nhận nợ ngày 31/10/2016, qua nhiều lần vay bà H’K Niê xác nhận đã vay và nợ ông L số tiền 1.265.000.000 đồng, gồm:

+ Ngày 05/10/2016 vay số tiền 1.170.000.000 đồng.

+ Ngày 31/10/2016 vay số tiền 95.000.000 đồng.

Khi vay hai bên thỏa thuận lãi suất là 2%/tháng; Thời hạn vay 05 tháng kể từ ngày ngày 31/10/2016 đến ngày 31/3/2017; Mục đích sử dụng tiền vay: Đầu tư cà phê, tiêu, làm nhà, xây chuồng, mua bò, heo, trả nợ ngân hàng, cho vay lại và chữa bệnh.

Các chứng từ giấy vay tiền, giấy nhận nợ đều do chính tay bà H’K Niê tự ký, điểm chỉ và viết ra.

- Ngày 29/12/2016, bà H’K Niê tự tay viết “giấy mượn tiền” ký nhận vay của  ông  L  số  tiền  37.000.000  đồng.  Thời  hạn  vay  03  tháng  kể  từ  ngày 29/12/2016 đến ngày 29/3/2017. Mục đích sử dụng tiền vay là trả nợ ngân hàng.

- Ngày 02/01/2017, bà  H’K Niê viết giấy vay tiền của  ông L số tiền 47.800.000 đồng. Thời  hạn vay 02  tháng kể từ ngày 02/01/2017  đến ngày02/3/2017. Mục đích sử dụng tiền vay là mua thuốc chữa bệnh.

Tất cả các khoản vay trên hiện nay đã quá thời hạn trả nợ, mặc dù ông L có đến nhà và gọi điện thoại nhắc nhở nhiều lần nhưng bà H’K Niê cũng như các đồng thừa kế là con của bà H’K Niê vẫn chưa trả cho ông L số tiền vay gốc, tiền lãi.

Nay bà H’K Niê đã chết, căn cứ điều 614, điều 615 Bộ luật dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Ông L làm đơn khởi kiện yêu cầu các thành viên gồm 04 người con của bà H’K Niê phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bà H’K Niê các khoản nợ vay gốc và số tiền lãi theo thỏa thuận; theo đơn khởi kiện lãi suất được tính như sau:

- Khoản nợ thứ nhất: 1.265.000.000 đồng, từ ngày 31/10/2016, tiễn lãi240.000.000 đồng (Tạm tính đến ngày khởi kiện 21/08/2017), tính lãi 2%/tháng theo thỏa thuận.

-  Khoản  nợ  thứ  hai:  37.000.000  đồng,  từ  ngày  29/12/2016,  tiễn  lãi 2.700.000 đồng (Tạm tính đến ngày khởi kiện 21/08/2017), tính lãi 1%/tháng.

-  Khoản  nợ  thứ  ba:  47.800.000  đồng,  từ  ngày  02/01/2017,  tiễn  lãi 3.500.000 đồng (Tạm tính đến ngày khởi kiện 21/08/2017), tính lãi 1%/tháng.

Tổng tiền vay gốc và tiền lãi là: 1.596.000.000 đồng.

Ngày 20/8/2018 và tại phiên tòa nguyên đơn ông Nguyễn Văn L đề nghị bổ sung yêu cầu khởi kiện với nội dung: Các khoản bà H’K Niê vay của ông các con của bà H’K Niê đều biết và xác nhận trả nợ nên đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết buộc bà H’T Niê, H’Q Niê, Y G Niê và H’C Niê phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả cho ông L đầy đủ số tiền gốc là 1.349.800.000 đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ ngày vay đến nay.

2. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn Ông Đặng Ngọc H trình bày:

Bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê là các con của bà H’K

Niê và ông Y T Niê (ông Y T đã bị Tòa án nhân dân huyện Ea Kar tuyên bố mất tích theo Quyết định số 08/2015/VDS-ST ngày 17/12/2015). Khi bà H’K Niê còn sống có vay mượn tiền của ông Nguyễn Văn L, Bà Hồ Thị Thanh Đ hay không thì các con của bà H’K Niê không biết. Các con của bà H’K cũng không ký nhận vay tiền của ông L, bà Đ. Sau khi bà H’K Niê chết vào ngày 16/3/2017, các con của bà H’K Niê mới nhận được hồ sơ vay tiền do ông L, bà Đ thông báo. Thời điểm ông L cho bà H’K Niê vay tiền thì sức khỏe của bà H’K Niê đã yếu, không thể tự thực hiện các khoản vay cũng như không có nhu cầu vay số tiền nêu trên. Các đồng bị đơn đều xác định khi bà H’K Niê còn sống có đưa cho Bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê ký nhiều giấy tờ nhưng các giấy tờ này lúc đó chưa ghi nội dung gì.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Văn L bổ sung nội dung đơn khởi kiện về việc yêu cầu bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn L số tiền 1.349.800.000 đồng và lãi suất theo quy định pháp luật kể từ ngày vay đến nay. Các bị đơn không đồng ý vì thực tế họ không vay mượn số tiền này. Đối với các chứng cứ ông L xuất trình thể hiện bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê ký xác nhận nợ và thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì các đồng bị đơn xác định là chữ ký của mình. Tuy nhiên, các đồng bị đơn xác định khi bà H’K Niê còn sống có đưa nhiều giấy tờ cho các con ký, nhưng các con không biết ký với nội dung gì. Vì vậy, các đồng bị đơn không đồng ý thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn L.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Bà Hồ Thị Thanh Đ trình bày:

Bà Đ là vợ của ông Nguyễn Văn L, số tiền mà ông L khởi kiện là tiền chung của bà Đ và ông L. Khi bà H’K Niê vay tiền thì bà Đ là người đếm tiền và đưa cho ông L giao cho bà H’K Niê. Về số tiền bà H’K Niê vay của vợ chồng bà Đ đến nay còn lại nợ gốc là 1.349.800.000 đồng. Đề nghị Tòa án xem xét tính lãi suất theo quy định của pháp luật. Bà Đ đồng ý với ý kiến của ông L, đề nghị Tòa án buộc các con của bà H’K Niê trả cho vợ chồng bà Đ số tiền trên và lãi suất theo quy định của pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 27/2018/DSST ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Áp dụng vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 203; Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng các Điều 636, 637; 471; 474; 476 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Áp dụng các Điều 288; 614, 615, 468, 688 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Áp dụng Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn L.

Buộc bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê, ông Y D Mlô, bà H’R Niê (là những người thừa kế của bà H’K Niê) thực hiện nghĩa vụ do bà H’K Niê chết để lại trả cho ông Nguyễn Văn L, Bà Hồ Thị Thanh Đ số tiền 1.929.948.000 đồng (Một tỷ chín trăm hai mươi chín triệu chín trăm bốn mươi tám nghìn đồng). Trong đó: Gốc: 1.349.800.000 đồng; lãi: 580.148.000 đồng.

Trường hợp di sản của bà H’K Niê chết để lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H Chi Niê và ông Y G Niê có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ số tiền còn lại chưa thanh toán cho ông Nguyễn Văn L, Bà Hồ Thị Thanh Đ.

Áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất trong gia đoạn thi hành án khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về các chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/01/2018, Ông Đặng Ngọc H là người đại diện theop ủy quyền của các bị đơn bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê kháng cáo bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện; người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Thẩm phán và hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Theo đơn khởi kiện ngày 21/8/2017 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 20/8/2018 của ông L chỉ khởi kiện bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê mà không khởi kiện ông Y D Mlô, bà H’R Niê phải thực hiện nghĩa  vụ  nhưng  Tòa  án  cấp  sơ  thẩm  lại  buộc  ông  Y  D  Mlô  (chết  ngày 26/6/2012), bà H’R Niê (chết ngày 09/4/2013) phải liên đới thực hiện nghĩa vụ là sai sót. Tuy nhiên, sai sót trên có thể khắc phục được nên cần sửa Bản án sơ thẩm và không buộc ông Y D Mlô và bà H’R Niê phải liên đới thực hiện nghĩa vụ tài sản do bà H’K để lại. Ngoài ra, bản án sơ thẩm buộc các bị đơn phải trả số tiền lãi là 580.148.000 đồng là chưa chính xác, do đó cần sửa Bản án sơ thẩm về phần lãi suất. Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Ông Đặng Ngọc H để sửa Bản án sơ thẩm về người phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và phần lãi suất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu được thu thập có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Xét yêu cầu kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của Ông Đặng Ngọc H - người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn, thìthấy:

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập, lưu trong hồ sơ vụ án và Kết luận giám định số 87/PC54 ngày 27/11/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, xác định được như sau:

[1.1] Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến tháng 01/2017 bà H’K Niê đã nhiều lần vay tiền của ông Nguyễn Văn L, cụ thể: Ngày 05/10/2016 vay1.170.000.000 đồng (hẹn ngày 05/01/2017 trả, không thỏa thuận lãi suất); ngày31/10/2016 vay thêm 95.000.000 đồng, cùng ngày hai bên cũng  xác lập thêm Giấy nhận nợ tổng số nợ 1.265.000.000 đồng (bao gồm 1.170.000.000 đồng vay ngày 05/10/2016 và 95.000.000 đồng ngày 31/10/2016, trong đó thỏa thuận ngày 31/03/2017 trả nợ và lãi suất là 2%/tháng). Ngày 29/12/2016, bà H’K vay thêm 37.000.000 đồng (hẹn đến ngày 29/3/2017 trả nợ, không thỏa thuận lãi suất). Đến ngày 02/01/2017, bà H’K tiếp tục vay thêm 47.800.000 đồng (hẹn đến ngày 02/3/2017 trả nợ, lãi suất theo thỏa thuận nhưng không ghi cụ thể mức lãi suất). Như vậy, tổng số tiền bà H’K đã vay ông L là 1.349.800.000 đồng.

Ngày 16/3/2017, bà H’K chết không để lại di chúc và chưa trả hết nợ cho ông L. Theo đơn khởi kiện ngày đơn khởi kiện ngày 21/8/2017, đơn khởi kiện bổ sung ngày 20/8/2018 và tại phiên tòa sơ thẩm ông L yêu cầu bà H’T Niê, bàH’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết (bà H’K) để lại là trả nợ cho ông L số tiền 1.349.800.000 đồng. Việc ông L khởi kiện bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại là có căn cứ.

Ngày 20/8/2018, ông L bổ sung yêu cầu khởi kiện buộc bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê phải thực hiện thêm nghĩa vụ tài sản do người chết để lại đối với khoản nợ là 456.000.000 đồng. Trường hợp di sản thừa kế của bà H’K không đủ để thanh toán nợ cho ông L, bà Đ thì yêu cầu các bị đơn phải trả số nợ còn lại bằng tiền riêng của mình. Kèm theo đơn khởi kiện bổ sung ông L cung cấp cho Tòa án chứng cứ mới “Giấy vay tiền và thỏa thuận trả nợ ngày 04/04/2015”. Yêu cầu khởi kiện bổ sung đối với khoản nợ là 456.000.000 đồng của ông L sau thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải và vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận và cho ông L được khởi kiện bằng một vụ án khác là phù hợp.

Quá trình giải quyết vụ án, các bị đơn bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê đều cho rằng việc xác lập “Giấy vay tiền và thỏa thuận trả nợ ngày 04/04/2015” là không hợp pháp; ông Y G và bà H’T cung cấp Đơn xác nhận với nội dung ngày 04/04/2015, ông Y G đang huấn luyện tại Trung đoàn X thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đ; còn bà H’T được phân công đi cấp chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn trong địa bàn huyện EK nên không thể có việc ông Y G và bà H’T có mặt và ký vào “Giấy vay tiền và thỏa thuận trả nợ ngày 04/04/2015 được. Tuy nhiên, căn cứ vào Kết luận giám định số 110/PC09 ngày 18/10/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk xác định được: Chữ ký, chữ viết trong Giấy vay tiền và thỏa thuận trả nợ ngày 04/04/2015 là do bà H’ T, bà H’ Q, bà H’C và ông Y G ký và viết ra. Do đó, có đủ căn cứ để khẳng định bà H’ T, bà H’ Q, bà H’C và ông Y G biết và đồng ý việc bà H’K vay tiền ông L. Đồng thời, bà H’T, bà H’Q, bà H’C và ông Y G đã đứng ra bảo lãnh cho bà H’K vay các khoản nợ của ông L bao gồm: 40.000.000 đồng ngày 23/3/2015, 160.000.000 đồng ngày 30/3/2015 và các khoản nợ mà bà H’K vay ông L kể từ sau ngày 04/4/2015. Trường hợp bà H’K không trả được nợ thì bà H’ T, bà H’ Q, bà H’C và ông Y G cam kết trả nợ thay cho bà H’K. Do đó, quan hệ dân sự giữa các bên trong trường hợp này là hợp đồng vay tài sản được bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với hình thức “Bảo lãnh”. Như vậy, việc ông L cung cấp thêm chứng cứ mới là “Giấy vay tiền và thỏa thuận trả nợ ngày 04/04/2015” đã làm phát sinh quan hệ pháp luật mới là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” việc giải quyết luôn quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản này mới đảm bảo giải quyết triệt để vụ án. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là “Tranh chấp hợp đồng vay tàisản và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” là phù hợp vàkhông vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Các bị đơn bà H’T, bà H’Q, bà H’C, ông Y G, không thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại đối với ông L, bà Đ là vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015; đồng thời, vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh theo Giấy vay tiền và thỏa thuận trả nợ ngày 04/04/2015 và vi phạm quy định tại Điều 361, 365, 366 Bộ luật dân sự2005; Điều 335, 338, 339 Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn L, buộc bà H’ T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê (là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà H’K) phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết (bà H’K) để lại theo quy định tại Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 615 Bộ luật dân sự năm2015; trường hợp tài sản di sản thừa kế của bà H’K để lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ông L thì buộc bà H’ T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê phải liên đới trả số tiền còn lại cho ông L, bà Đ bằng tài sản riêng của họ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy theo đơn khởi kiện ngày 21/8/2017 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 20/8/2018 của ông L chỉ khởi kiện bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê mà không khởi kiện ông Y D Mlô, bà H’R Niê phải thực hiện nghĩa vụ. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm bà H’T cung cấp Giấy chứng tử của ông Y D Mlô (đã chết ngày 26/6/2012), bà H’R Niê (đã chết ngày 09/4/2013) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc ông Y D Mlô, bà H’R Niê phải liên đới thực hiện nghĩa vụ là sai sót nhưng có thể khắc phục được nên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần sửa bản án sơ thẩm và không buộc ông Y D Mlô, bà H’R Niê phải liên đới thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.

[1.2] Về lãi suất: Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị đơn phải trả tổng số tiền lãi 580.148.000 đồng là chưa phù hợp nên Hội đồng xét xử cần sửa bản án sơ thẩm về phần lãi suất, cụ thể:

-  Các  khoản  vay  1.170.000.000  đồng  ngày  05/10/2016  và  khoản  vay95.000.000 đồng ngày 31/10/2016, (ngày 31/10/2016 xác lập Giấy nhận nợ gộp 2 khoản nợ này thành 1.265.000.000 đồng) là các giao dịch dân sự được xác lập trước thời điểm Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực pháp luật và đang được thực hiện, có thỏa thuận về lãi suất nhưng không phù hợp với quy định Bộ luật dân sự2015 nên cần áp dụng Điều 476, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005; điểm c khoản 1 Điều 2, Điều 4 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để tính lãi suất. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chia ra hai thời điểm và đồng thời áp dụng quy định của Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015 để tính lãi suất cho khoản vay này là chưa phù hợp nên cần tính lại như sau:

+  Đối  với  khoản  vay  1.170.000.000  đồng  theo  giấy  vay  tiền  ngày 05/10/2016:

Lãi  trong  hạn  kể  từ  ngày  05/10/2016  đến  30/10/2016  =  25  ngày  x 1.170.000.000 đồng x 0.75%/tháng : 30 = 7.312.500 đồng;

+  Đối  với  khoản  vay  1.265.000.000  đồng  theo  giấy  nhận  nợ  ngày 31/10/2016: Lãi  trong  hạn  kể  từ  ngày  31/10/2016  đến  31/3/2017  =  151  ngày  x 1.265.000.000 đồng x 0.75%/tháng : 30 = 47.753.750 đồng; Lãi quá hạn kể từ ngày 01/4/2017 đến 12/11/2018 (ngày xét xử sơ thẩm) = 590 ngày x 1.265.000.000 đồng x 0.75%/tháng : 30 = 186.587.500 đồng;

- Đối với khoản vay 37.000.000 đồng theo giấy mượn tiền ngày 29/12/2016 (hẹn ngày 29/3/2017 trả nợ và không thỏa thuận lãi suất), xác lập trước thời điểm Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực pháp luật, nhưng có thỏa thuận phù hợp với quy định Bộ luật dân sự 2015 nên cần áp dụng khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 và điểm c khoản 1 Điều 2, Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để tính lãi suất:

Lãi quá hạn kể từ ngày 30/03/2017 đến 12/11/2018 (ngày xét xử sơ thẩm) = 592 ngày x 37.000.000 đồng x 10%/năm : 12 : 30 x 150% = 9.126.666 đồng;

- Đối với khoản vay 47.800.000 đồng theo giấy vay tiền ngày 02/01/2017, thời hạn trả nợ 02/3/2017, mặc dù theo giấy vay tiền có ghi lãi suất thỏa thuận nhưng không ghi cụ thể mức lãi suất nên áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 và điểm c khoản 1 Điều 2, Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để tính lãi suất:

Lãi  trong  hạn  kể  từ  ngày  02/01/2017  đến  02/03/2017  =  59  ngày  x47.800.000 đồng x 10%/năm : 12 : 30 = 783.388 đồng;

Lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với số tiền lãi  trong hạn 783.388 đồng kể từ ngày 03/03/2017 đến 12/11/2018 (ngày xét xử sơ thẩm) = 619 ngày x783.388 đồng x 10%/năm : 12 : 30 = 134.699 đồng.

Lãi quá hạn kể từ ngày 03/03/2017 đến 12/11/2018 (ngày xét xử sơ thẩm) =619 ngày x 47.800.000 đồng x 10%/năm : 12 : 30 x 150% = 12.328.416 đồng;

Tổng số tiền lãi (bao gồm lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền) của các khoản vay nói trên là 264.026.919 đồng.

Như  vậy,  tổng  tiền  nợ  gốc  và  lãi  của  các  khoản  vay  nói  trên  là: 1.613.826.919  đồng  (trong  đó:  Tiền  nợ  gốc  1.349.800.000  đồng,  nợ  lãi264.026.919 đồng).

Do đó, cần buộc buộc bà H’ T Niê, bà H’ Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết (bà H’K) để lại là: Trả cho ông Nguyễn Văn L, Bà Hồ Thị Thanh Đ với tổng số tiền 1.613.826.919  đồng  (trong  đó:  Tiền  nợ  gốc  1.349.800.000  đồng,  nợ  lãi 264.026.919 đồng).

Trường hợp di sản của bà H’K Niê để lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bà H’T Niê, bà H’ Q Niê, bà H Chi Niê và ông Y G Niê có nghĩa vụ liên đới tiếp tục trả nợ số tiền còn lại chưa thanh toán cho ông Nguyễn Văn L và Bà Hồ Thị Thanh Đ.

[1.3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm về phần lãi suất nên cần sửa lại án phí dân sự sơ thẩm cho phù hợp. Cần buộc các bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 36.000.000 đồng + 3% x (1.613.826.919 đồng – 800.000.000 đồng) = 60.414.807 đồng.

Từ những phân tích, nhận định trên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của của Ông Đặng Ngọc H là người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn – Sửa bản án sơ thẩm về người thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, phần lãi suất và án phí sơ thẩm.

[2] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên các bị đơn bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Chấp nhận một phần kháng cáo của Ông Đặng Ngọc H là người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê - Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về người phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, phần lãi suất và án phí dân sự sơ thẩm.

[1] Áp dụng vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 203; Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng khoản 2 Điều 305; các Điều 361, 365, 366, 476, 637 Bộ luật dân sự 2005;

- Áp dụng khoản 2 Điều 357; các Điều 335, 338, 339, 468, 615 Bộ luật dân sự năm 2015.

- Áp dụng Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

[2] Tuyên xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn L.

Buộc bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê, phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết (bà H’K) để lại là: Trả cho ông Nguyễn Văn L, Bà Hồ Thị Thanh Đ tổng số tiền 1.613.826.919 đồng (trong đó: Tiền nợ gốc 1.349.800.000 đồng, nợ lãi 264.026.919 đồng).

Trường hợp di sản của bà H’K Niê để lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê có nghĩa vụ tiếp tục liên đới trả nợ số tiền còn lại chưa thanh toán cho ông Nguyễn Văn L và Bà Hồ Thị Thanh Đ.

Áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất trong giai đoạn thi hành án khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê, ông Y G Niê phải liên đới chịu 60.414.807 đồng.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Các bị đơn bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho bà H’T Niê, bà H’Q Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê mỗi người 300.000 đồng theo các biên lai thu số AA/2017/0004751 ngày 10/12/2018; số AA/2017/0012791 ngày 13/02/2019; số AA/2017/0012792 ngày 13/02/2019; số AA/2017/0012793 ngày 13/02/2019 do bà H’Q Niê nộp và nộp thay bà H’T Niê, bà H’C Niê và ông Y G Niê.

Bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

624
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án  84/2019/DSPT ngày 17/05/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại

Số hiệu:84/2019/DSPT
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về