Bản án 84/2019/DS-PT ngày 09/07/2019 về xác nhận tính hợp pháp của di chúc, đòi tài sản, yêu cầu hủy quyết định cá biệt

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 84/2019/DS-PT NGÀY 09/07/2019 VỀ XÁC NHẬN TÍNH HỢP PHÁP CỦA DI CHÚC, ĐÒI TÀI SẢN, YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT

Ngày 09 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 19/2019/TLPT-DS ngày 11 tháng 01 năm 2019 về việc “Xác nhận tính hợp pháp của di chúc; đòi tài sản; yêu cầu hủy quyết định cá biệt” do có kháng cáo của nguyên đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6804/2019/QĐ-PT ngày 20 tháng 6 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1961; địa chỉ: Thôn T, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Hà Văn Th và ông Nguyễn Thanh H - Công ty TNHH N. Có mặt.

Bị đơn:

1. Ông Nguyễn Ngọc H (tức Nguyễn Đình B), sinh năm 1933; địa chỉ: Số 9 M, phường T, thành phố D, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

2. Ông Nguyễn Đình C, sinh năm 1945; trú tại: Số 2L, phường T, thành phố D, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

3. Ông Nguyễn Đình Q, sinh năm 1945; trú tại: Thôn T, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị đơn: Luật sư Nguyễn Kiều Đ – Văn phòng luật sư A thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương; có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân huyện K, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai bà Nguyễn Thị H trình bày: Bà Nguyễn Thị C (chết năm 2017) và ông Nguyễn Đình Kh (chết năm 1968) không có con đẻ nên đã nhận nuôi bà từ năm 1961, lúc đó bà mới 02 tháng tuổi. Nhà đất tại thôn T, xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương có nguồn gốc của hai cụ Nguyễn Đình Ch và Vũ Thị S (là bố mẹ ông Kh). Cụ Ch chết năm 1945, cụ S chết năm 1950 không để lại di chúc. Sau khi ông Kh chết (1968), bà cùng mẹ nuôi (bà C) ở tại nhà đất trên cho đến năm 1983 bà lấy chồng ở cùng thôn và tách khẩu từ đó. Ngày 27/9/1994, bà C được UBND tỉnh Hải Hưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là: GCN) số D0059043 (Thửa 223, tờ bản đồ số 3, diện tích 338m2: 300m2 đất ở, 38m2 đất trồng cây lâu năm). Do GCN ngày 27/9/1994 sử dụng dấu chữ ký nên ngày 18/9/2001 được UBND huyện K xác nhận tính hợp pháp trang 3. Ngày 15/10/2010, bà C lập di chúc để lại cho bà toàn bộ quyền sử dụng đất và công trình trên đất. Sau khi bà C chết, thì ông Nguyễn Đình L em ruột bà C đưa cho bà bản di chúc, lúc đó bà mới biết. Theo quy định bà đã công bố di chúc và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp đổi GCN nhưng bị ông Nguyễn Đình C, ông Nguyễn Đình B và ông Nguyễn Đình Q gây khó khăn và quản lý toàn bộ di sản mà bà C di chúc lại cho bà. Bà không biết việc năm 2006, các ông B, Cứ về đòi đất; Năm 2013 ông B, ông C1 và ông Q đề nghị bà C cho xây nhà thờ trên đất, bà C chỉ đồng ý cho 72m2 các ông không nghe và đòi toàn bộ đất để xây nhà thờ nên xảy ra tranh chấp. Nay bà đề nghị Tòa án xác nhận tính hợp pháp của bản di chúc do bà C lập ngày 15/10/2010 và buộc các ông C1, B, Q trả lại di sản do bà C để lại như đã nêu.

- Theo bản tự khai, đơn yêu cầu phản tố, đồng bị đơn ông Nguyễn Đình Q, Nguyễn Đình C, Nguyễn Đình B trình bày:

Hai cụ Nguyễn Đình Ch và Vũ Thị S sinh được 7 người con gồm các ông bà: Nguyễn Đình P (bố ông Nguyễn Đình Q ), Nguyễn Đình Kh (bố nuôi bà H), Nguyễn Thị Ph, Nguyễn Thị V và Nguyễn Thị N ( đều đã chết khi còn nhỏ), Nguyễn Ngọc H (tức B) và Nguyễn Đình C. Năm 1945, sau khi Cụ Ch chết, thì gia đình gồm cụ S (là mẹ), vợ chồng ông P, vợ chồng ông Kh S1 (vợ cả ông Kh), ông B và ông C1 sống tại nhà đất của bố mẹ. Năm 1950 cụ S chết. sau khi cụ S chết thì cùng năm 1950 ông P cũng hy sinh (liệt sỹ); sau đó vợ và các con ông P (trong đó có ông Nguyễn Đình Q) ra nơi ở khác. Còn lại vợ chồng ông Kh S1; ông B và ông C1 vẫn ở tại nhà đất của bố mẹ. Năm 1953, ông B nhập ngũ, năm 1980 chuyển công tác và năm 1986 thì nghỉ hưu sống tại Hải Dương. Năm 1956 ông Kh lấy bà C làm vợ 2 thì S1 (vợ cả) cũng đi ở chỗ khác, năm 1965 ông C1 nhập ngũ. Nhà đất của các cụ do vợ chồng ông Kh bà C trông nom và sử dụng. Trong thời gian tại ngũ, các ông tham gia chiến trường miền nam. Năm 1968 thì ông Kh chết; bà C và chị H ở và trông nom tài sản. Năm 1975 ông C1 chuyển công tác về Học viện hậu cần. Do nhà cửa chật hẹp, mỗi khi về nghỉ bà C là chị dâu (góa chồng) nên ông đều phải đi ngủ nhờ. Năm 1991, ông C1 nghỉ hưu về sống cùng vợ tại khu tập thể giáo viên tại Hải Dương. Và hàng năm các ông đều về quê chỗ bà C để giỗ tết. Năm 2006, vợ ông C1 chết, ông C1 có nguyện vọng về quê ở và xây nhà thờ trên đất tổ tiên thì mẹ con bà C không đồng ý và chị em có mâu thuẫn. Năm 2013, khi biết bà C lập di chúc cho chị H thì mâu thuẫn căng thẳng, đến khi chị H khởi kiện các ông ra Tòa án thì mới biết ngày 27/9/1994 thửa đất của bố mẹ đã được UBND tỉnh Hải Hưng cấp GCN mang tên bà C. Sau khi bà C chết (2017) các ông đã quản lý toàn bộ tài sản. Các ông xác định toàn bộ tài sản bà C di chúc cho bà H là di sản của bố mẹ để lại; bà C không có quyền lập di chúc cho chị H; không đồng ý yêu cầu khởi kiện của chị H và yêu cầu hủy GCN đã cấp mang tên bà Nguyễn Thị C.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (UBND huyện K) do ông Nguyễn Thành C2 – Trưởng phòng TN&MT huyện K có văn bản ghi ý kiến liên quan đến yêu cầu hủy GCN của phía bị đơn: Theo hồ sơ 299 thuộc thửa đất 176, tờ 4, diện tích 313m2, loại đất thổ cư; sổ sách liên quan đến hồ sơ 299 địa phương không còn lưu giữ. Hồ sơ địa chính năm 1992 thuộc thửa đất 223, tờ 3, diện tích 338m2, loại đất thổ cư; sổ mục kê ghi tên bà Nguyễn Thị C. Năm 1993, UBND xã N đã lập hồ sơ và bà C được cấp GCN, ngày 18/9/2001 UBND huyện K đóng dấu trang 3. Xác định việc cấp GCN cho bà C là đúng quy định, đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo pháp luật ( BL 200)

- Xác minh tại UBND xã N, thể hiện: Nguồn gốc đất cấp mang tên bà C là của Cụ Ch và cụ S để lại. Do ông Kh bà C không có con chung nên nhận bà H làm con nuôi và sống trên thửa đất đó. Năm 1993 bà C được cấp GCN; nhà cấp 4 trên đất là xây trên nền nhà cũ của hai cụ; trong quá trình ở mẹ con bà C không tôn tạo vượt lập thêm, mà ở nguyên hiện trạng thửa đất có sẵn. Ngoài ra, địa phương còn cung cấp, các trường hợp địa phương chứng thực di chúc đều vào sổ chứng thực theo quy định và niêm phong lưu tại xã một bản. Ngày 15/10/2010, bà C lập di chúc có chứng thực của Chủ tịch- UBND xã, nhưng kiểm tra thì năm 2010 không thấy sổ và cũng không lưu bản di chúc này. Hiện tại UBND xã N còn lưu giữ một số tài liệu thể hiện tài sản bà C di chúc cho bà H đang có tranh chấp, như: Năm 2013, tại Văn phòng Công chứng B, bà C có văn bản thỏa thuận phân chia di sản; theo thủ tục, Văn phòng Công chứng đã có Thông báo số 27 ngày 10/10/2013 về việc niêm yết công khai tại UBND xã; ngày 30/10/2013 ông Nguyễn Đình Q có đơn kiến nghị; ngày 01/11/2013, xã đã làm văn bản gửi để Văn phòng Công chứng biết kết quả. Tiếp đó, ngày 25/11/2013 bà C lại có đơn gửi UBND xã đề nghị chứng thực di chúc và ngày 04/12/2013, UBND xã có văn bản gửi bà C về việc từ chối chứng thực di chúc do tài sản đang có tranh chấp. Từ năm 2013 đến tháng 9/2017, địa phương đã nhiều lần hòa giải tranh chấp liên quan đến tài sản bà C di chúc cho bà H.

- Tại biên bản làm việc với ông Nguyễn Đình L thể hiện: Khoảng cuối năm 2010 bà C có đưa cho ông giữ hộ 1 bản di chúc đựng trong phong bì có dấu niêm phong. Khoảng cuối 2016, đầu 2017 bà C bảo ông đưa di chúc đó cho chị H. Cũng theo trình bầy của ông Lim thì năm 1987, khi ông làm nhà, ông C1 nghĩ bà C cho ông đất nên đã cầm súng về dọa bà C và tranh chấp xảy ra từ đó.

- Tại biên bản xem xét thẩm định ngày 23/5/2018 và biên bản định giá ngày 19/7/2018 thể hiện: Thửa đất có diện tích 335m2 trị giá 384.225.000đ; các công trình trên đất gồm nhà ở cấp 4, nhà bếp phụ, bể nước, móng nhà cũ, ngõ bê tông gạch vỡ, sân gạch bát tràng, tường bao trước sân sau khi trừ khấu hao giá trị sử dụng còn lại là 18.238.984 đồng.

* Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định:

Áp dụng khoản 5 Điều 26, 34, 37, 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 623 ,627, 628, 631, 636, 647 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 36 Pháp lệnh thừa kế; điểm b mục 10 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán; Nghị quyết 326/2016/QH14 về án, lệ phí tòa án.

Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H về yêu cầu công nhận tính hợp pháp của bản di chúc do bà Nguyễn Thị C lập ngày 15/10/2010 và yêu cầu bị đơn trả lại tài sản liên quan đến nội dung bản di chúc.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của đồng bị đơn. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D0059043 do UBND tỉnh Hải Hưng cấp ngày 27/9/1994 và được UBND huyện K đóng dấu trang 3 ngày 18/9/2001 mang tên bà Nguyễn Thị C.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 03/12/2018, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xác nhận tính hợp pháp của di chúc do bà Nguyễn Thị C lập ngày 15/10/2010 và yêu cầu bị đơn phải trả lại tài sản là nhà và đất cho bà.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Theo bản đồ 299/1984 tại Ủy ban nhân dân xã ghi thửa 176, tờ bản đồ số 4, diện tích 313m2, không lưu trữ người sử dụng đất là ai. Đến bản đồ năm 1992 có ghi người sử dụng đất là bà C, thửa đất 223, tờ bản đồ số 3, diện tích 338m2. Bà C đã có đơn ngày 20/12/1993 đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ hồ sơ cấp đất Ủy ban nhân dân xã đã gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C theo quy định pháp luật. Bản án sơ thẩm xác định nhà, đất không phải là tài sản sử dụng hợp pháp của bà C mà là di sản thừa kế là không đúng. Bà C đã sử dụng đất ổn định từ trước năm 1980, được tiến hành đo đạc qua các thời kỳ năm 1984, năm 1992. Theo Luật đất đai năm 1987 không quy định quyền sử dụng đất là di sản thừa kế; mặt khác khoản 3 Điều 16 Luật đất đai năm 1987 còn quy định về chuyển dịch quyền sử dụng đất. Theo đó, người được quyền sử dụng hợp pháp đối với đất chết đi thì quyền sử dụng đất được chuyển giao cho người còn lại đang ở trên đất. Ông Kh là người được sử dụng đất hợp pháp đã chết, bà C là người tiếp tục sử dụng đất nên đã kê khai theo Luật đất đai năm 1987 là phù hợp quy định pháp luật. Như vậy, quyền sử dụng đất của tổ tiên đã được chuyển dịch hợp pháp cho bà C. Hồ sơ vụ án không có chứng cứ pháp lý nào thể hiện Cụ Ch, cụ S cũng như ông Kh đăng ký kê khai đối với đất theo luật đất đai các thời kỳ. Tòa án căn cứ các sổ mục k ê, sổ địa chính trước đó không ghi người sử dụng đất để xác định quyền sử dụng đất không phải của bà C là không phù hợp. Việc ghi trong sổ mục kê là trách nhiệm của chính quyền địa phương không phải nghĩa vụ của bà C. Bút lục số 195 là Văn bản của Ủy ban nhân dân xã đo vẽ năm 1992 xác định chủ sử dụng đất là bà C. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bút lục số 197 có ghi nguồn gốc đất là của cha ông để lại để khẳng định quyền sử dụng không phải của bà C là cảm tính. Việc kê khai đăng ký là nghĩa vụ của người dân, nhưng thẩm định nguồn gốc đất là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trên đất có ngôi nhà cấp 4 khoảng 20m2, các đương sự đều xác nhận là nhà được xây lại bằng tiền của bà C và công sức của bà H, bản án sơ thẩm không Q định cụ thể đối với ngôi nhà là không khách quan, không đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn. Bị đơn không có tài liệu gì chứng minh việc có kê khai đăng ký đối với đất theo quy định pháp luật. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà C là đúng trình tự thủ tục pháp luật về đất đai.

Xét tính hợp pháp của di chúc: Di chúc do bà C lập năm 2010, về hình thức và nội dung đều đúng theo quy định pháp luật, các đương sự không có thắc mắc gì nên di chúc được chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã. Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã N thì không có tài liệu lưu trữ về việc chứng thực di chúc của bà C. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, tài sản là nhà và đất thuộc quyền sử hữu, sử dụng của bà C, tại thời điểm lập di chúc bà C hoàn toàn minh mẫn thể hiện sau khi lập di chúc, bà C đã tham gia làm việc nhiều lần về tranh chấp với bị đơn. Thời điểm lập di chúc không có ai đề nghị hưởng di sản thừa kế, di chúc là thể hiện ý chí nguyện vọng của bà C. Do đó, di chúc do bà C lập năm 2010 là hợp pháp.

Tại tiểu mục 1 phần 2 Nghị quyết 02/2004/NQ ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bà C thỏa mãn điều kiện là có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nội dung của di chúc thể hiện đúng ý chí của bà C. Do đó, di chúc của bà C để lại toàn bộ nhà, đất cho bà H là hợp pháp.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị H, sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận tính hợp pháp của di chúc do bà C lập ngày 15/10/2010, công nhận bà H được quyền sử dụng hợp pháp đối với toàn bộ nhà và đất. Bác yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc bị đơn trả lại toàn bộ đất và công trình kiến trúc trên đất cho nguyên đơn.

- Đồng bị đơn là các ông Nguyễn Ngọc H (tức Nguyễn Đình B), Nguyễn Đình C và Nguyễn Đình Q đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Tại phiên tòa, đại diện của nguyên đơn cũng đưa ra chứng cứ là đơn xin cấp đất của bà C có thừa nhận nguồn gốc đất là của ông cha để lại. Thời điểm ban hành Quyết định số 201/1980, các bị đơn đều đi bộ đội không có ở nhà, người sử dụng đất là bà C thì bà C phải có nghĩa vụ kê khai đăng ký một cách chính xác. Do sổ mục kê không ghi người sử dụng là ai nên chính quyền địa phương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C theo thực tế sử dụng đất mà không kiểm tra nguồn gốc đất là có thiếu sót. Không thể áp dụng Luật đất đai năm 1987 để giải quyết trong vụ án này, vì khi cấp đất cho bà C là năm 1994 thì Luật đất đai năm 1993 đã có hiệu lực. Thời điểm sửa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là năm 2001 thì Luật đất đai năm 1993 đã được sửa đổi năm 1998Luật đất đai năm 2005 đã ra đời có quy định về quyền thừa kế. Nguồn gốc đất là của Cụ Ch, cụ S để lại, đồng bị đơn đều là con, cháu của các cụ nên không thể nói là toàn bộ đất thuộc quyền sử dụng của bà C. Do tài sản không phải của bà C nên di chúc của bà C lập ngày 15/10/2010 là không hợp pháp. Đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá nội dung vụ án và phát biểu quan điểm: Các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất là của Cụ Ch, cụ S để lại. Do đó, ông Kh (bố nuôi bà H) cũng chỉ là một trong những hàng thừa kế của Cụ Ch, cụ S. Đồng thừa kế của Cụ Ch, cụ S không đồng ý cho bà C được hưởng toàn bộ di sản, bà C không có quyền lập di chúc để lại toàn bộ nhà, đất cho bà H nên di chúc của bà C lập ngày 15/10/2010 là không hợp pháp. Khi Ủy ban nhân dân huyện K tiến hành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C, đã không lấy ý kiến của các đồng thừa kế nên cấp đất cho bà C là không có cơ sở. Tòa án sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn, và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nghe Kiểm sát viên phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện K, tỉnh Hải Dương do ông Nguyễn Văn K - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện K làm đại diện vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định pháp luật.

[2] Về nội dung:

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là của Cụ Ch, cụ S để lại. Sau khi Cụ Ch, cụ S chết thì vợ chồng ông Kh, vợ con ông P; ông B, ông C1 vẫn ở tại nhà đất của bố mẹ. Năm 1953, ông B nhập ngũ, đến năm 1986 nghỉ hưu và sống tại thành phố D. Năm 1956, ông Kh lấy bà C làm vợ hai; ông C1 vẫn ở đó với vợ chồng ông Kh bà C cho đến năm 1965, ông C1 nhập ngũ và đến 1975 ông chuyển về Học viện hậu cần công tác; do ông P hi sinh nên vợ và con ông P chuyển ra ở chỗ khác chỉ còn vợ chồng ông Kh bà C ở lại quản lý và sử dụng tài sản. Hàng năm, anh em ông C1 và ông B vẫn về giỗ tết. Năm 1968, khi ông Kh chết thì bà C là người tiếp tục quản lý sử dụng tài sản. Ngoài tài sản là đất thì trên đất còn có một số tài sản là di sản của Cụ Ch, cụ S như: Phần móng nhà 4 gian, bể nước, sân lát gạch bát tràng. Nên xác định bà C cũng là người thừa kế ở và quản lý tài sản của Cụ Ch, cụ S. Căn cứ Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990; điểm b mục 10 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015; Án lệ số 26/2018/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018, thì thời hiệu về thừa kế trong trường hợp này được tính từ ngày 10/9/1990, nên thời hiệu thừa kế vẫn còn. Vì vậy, có cơ sở xác định tài sản đang tranh chấp là đất và một số công trình trên đất là di sản do Cụ Ch, cụ S để lại.

[3] Xét yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị H đề nghị xác nhận tính hợp pháp của bản di chúc do bà C lập ngày 15/10/2010 và yêu cầu bị đơn trả lại di sản, thấy rằng: Bản di chúc do bà Nguyễn Thị C lập ngày 15/10/2010 có chứng thực của Chủ tịch UBND xã N, huyện K, tỉnh Hải Dương. Theo đó, bà C di chúc: “... để lại cho chị Nguyễn Thị H quyền sử dụng đất tại thửa 223, tờ bản đồ số 3, diện tích 338m2 được UBND tỉnh Hải Hưng cấp GCNQSD đất số D0059043 ngày 27/9/1994 mang tên bà Nguyễn Thị C được UBND huyện K xác nhận tính hợp pháp trang 3 ngày 18/9/2001 và tất cả công trình kiến trúc gắn liền với đất...”. Đây là di chúc bằng văn bản có chứng thực của UBND xã N; nội dung di chúc phù hợp với quy định tại Điều 627, 628, 631, 636 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Viết tắt là: BLDS). Sau khi bà C chết, ngày 18/8/2017 người nhận di chúc đã công bố di chúc theo quy định tại Điều 647 BLDS. Tuy nhiên, theo như phân tích ở trên thì tài sản là đất và một số công trình trên đất là di sản do Cụ Ch, cụ S để lại nên bà C lập di chúc định đoạt khối tài sản là di sản của Cụ Ch và cụ S cho bà H là không đúng. Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn cho rằng bà C là người chiếm hữu sử dụng đất ngày tình, liên tục, công khai gần 70 năm nên theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự thì bà C được quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản là thiếu căn cứ. Mà cần phải xác định bà C vợ ông Kh là người được hưởng thừa kế của ông Kh được ở và quản lý di sản của Cụ Ch, cụ S để lại; bà C chỉ là người thừa kế đang quản lý di sản của Cụ Ch, cụ S. Do đó, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện cũng như yêu cầu kháng cáo của bà H. Bà H có quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật; khi giải quyết, Tòa án sẽ xem xét đến việc duy trì và phát triển tài sản để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

[4] Xem xét yêu cầu phản tố của các bị đơn, đề nghị hủy GCNQSD đất số D0059043 cấp ngày 27/9/1994 mang tên bà Nguyễn Thị C và yêu cầu chia di sản thừa kế: Như phân tích phần trên thì nguồn gốc thửa đất bà C được cấp GCNQSDĐ là của Cụ Ch và cụ S. Năm 1992, bà C kê khai và có tên trong sổ mục kê ruộng đất. Năm 1994, bà C được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) cấp GCNQSDĐ và ngày 18/9/2001 được Ủy ban nhân dân huyện K xác nhận tính hợp pháp tại trang 3. Tuy nhiên khi kê khai làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho bà C cũng như năm 2001 khi xác nhận tính hợp pháp tại trang 3; cấp có thẩm quyền đã không kiểm tra về nguồn gốc thửa đất; không lấy ý kiến của những người được hưởng di sản theo quy định về thừa kế là không đúng. Nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bị đơn, hủy GCNQSDĐ đất số D0059043 ngày 27/9/1994 mang tên bà Nguyễn Thị C. Tại phiên tòa, ông C1 mới có yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật, theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định không xem xét giải quyết trong cùng vụ án và dành quyền khởi kiện vụ án chia thừa kế theo quy định pháp luật khi các đương sự có yêu cầu là phù hợp quy định pháp luật.

[5] Về án phí: Yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận phải chịu án phí theo quy định.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị H; Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm 13/2018/DS-ST ngày 28/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Áp dụng khoản 5 Điều 26, 34, 37, 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 623 ,627, 628, 631, 636, 647 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 36 Pháp lệnh thừa kế; điểm b mục 10 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán; Án lệ số 26/2018/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018; Nghị quyết 326/2016/QH14 về án, lệ phí tòa án.

Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H về yêu cầu công nhận tính hợp pháp của bản di chúc do bà Nguyễn Thị C lập ngày 15/10/2010 và yêu cầu bị đơn trả lại tài sản liên quan đến nội dung bản di chúc.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của đồng bị đơn. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D0059043 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng cấp ngày 27/9/1994 và được Ủy ban nhân dân huyện K đóng dấu trang 3 ngày 18/9/2001 mang tên bà Nguyễn Thị C.

3. Về án phí:

- Bà Nguyễn Thị H phải nộp 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số AB/2014/0002098 ngày 08/11/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện K. Hoàn trả bà H số tiền 4.287.000đ ( Bốn triệu hai trăm tám mươi bảy nghìn đồng ch ẵn).

- Bà Nguyễn Thị H phải nộp 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm. Được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số AA/2017/0004876 ngày 03/12/2018 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hàn h án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

821
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 84/2019/DS-PT ngày 09/07/2019 về xác nhận tính hợp pháp của di chúc, đòi tài sản, yêu cầu hủy quyết định cá biệt

Số hiệu:84/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về