Bản án 83/2021/DS-PT ngày 18/05/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 83/2021/DS-PT NGÀY 18/05/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 18 tháng 5 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 72/2020/TBTL-DS ngày 21 tháng 12 năm 2020 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21/09/2020 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Định, bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 115/2021/QĐXXPT- DS ngày 05 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Cụ Đặng Thị L, sinh năm 1938 (vắng mặt).

Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, Bình Định.

Đại diện theo ủy quyền của cụ Đặng Thị L: Bà Nguyễn Thị Thanh V (Văn bản ngày 19/11/2019) (có mặt).

Địa chỉ: Thôn B, xã P, huyện T, Bình Định.

- Bị đơn: Ông Đào Trọng S, sinh năm 1969 (có mặt).

Địa chỉ: Số 6/9 đường Q, phường B, thị xã A, tỉnh Bình Định.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đào Trọng L, sinh năm 1963 (có mặt).

2. Bà Đào Thị Thanh H, sinh năm 1975 (có mặt).

3. Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1972 (có mặt).

Cùng địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, Bình Định.

4. Bà Đào Thị Tuyết H, sinh năm 1966 (có mặt).

Địa chỉ: Thôn K, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định.

- Người kháng cáo: Ông Đào Trọng S là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bà Nguyễn Thị Thanh V là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Đặng Thị L, trình bày:

Bà V là vợ ông Đào Trọng L, là con dâu cụ Đặng Thị L. Cụ Đào Trọng Q (chết năm 1968) có cha là Đào Bá T (chết từ lâu), mẹ là Trương Thị A (chết năm 2009), vợ là bà Nguyễn Thị Lu. Cụ L và cụ Đào Trọng Q có 04 người con chung: Đào Trọng L, Đào Thị Tuyết H, Đào Trọng S, Đào Thị Thanh H.

Trước kia, cha cụ Q có nhà ở và khu vườn tọa lạc tại thôn T, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định, nhưng không rõ diện tích. Từ năm 1961 đến năm 1975 do hoàn cảnh chiến tranh nên cụ L cùng cả gia đình chồng bỏ nhà cữa đất đai đi tản cư lên huyện A để ở. Đến năm 1975, sau khi giải phóng cụ L cùng các con về lại thôn T, xã P xây dựng lại nhà để ở vì chiến tranh đã làm hư hổng toàn bộ nhà cữa. Lúc này, cụ L có xin chính quyền địa phương khai hoang, vỡ hóa khu vườn cũ để làm nhà ở và đứng tên đăng ký Quyền sử dụng đất, đóng thuế nhà đất tại UBND xã P. Cụ L cùng các con là Đào Trọng L, Đào Thị Tuyết H, Đào Thị Thanh H ở ổn định trên khu vườn nói trên từ 1975 đến nay. Khoảng năm 1993 ông Đào Trọng S đến sinh sống tại quê vợ ở tại huyện A, nay là phường B, thị xã A. Năm 1995, bà H lấy chồng nhưng vẫn ở chung với cụ L. Năm 2006 cụ L chuyển nhượng cho con gái là bà Đào Thị Thanh H một phần diện tích đất khoảng 350m2 trong thửa đất nói trên với giá 35 chỉ vàng, thời gian này bà H vẫn ở chung với cụ L. Đến năm 2012 vợ chồng bà H ông Đ làm nhà ở riêng. Năm 2012, thửa đất nói trên tách làm hai thửa, đó là:

- Thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P hiện nay bà L, đang ở.

- Thửa đất số 110, tờ bản đồ số 44, diện tích 380,4m2 do vợ chồng bà H, ông Đ, đang ở.

Lâu nay, trong gia đình không có ai tranh chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất nói trên. Đến năm 2018 cụ L làm hồ sơ đề nghị UBND xã P cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44, diện tích 436,1m2 thì con trai cụ L là ông Đào Trọng S cản trở không cho. Do đó, cụ L yêu cầu ông S không được cản trở khi cụ L làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, đồng thời yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng đất cho cụ L tại thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P, huyện T.

Cụ L không yêu cầu gì đối với thửa đất số 110, tờ bản đồ số 44, diện tích 380,4m2 cụ L đã chuyển nhượng cho vợ chồng bà H, ông Đ.

Bị đơn ông Đào Trọng S, trình bày:

Ông là con trai của cụ Đào Trọng Q và cụ Đặng Thị L. Về mối quan hệ gia đình gồm ông bà nội, cha mẹ, anh chị em ruột ông S thống nhất như bà V trình bày. Về nguồn gốc đất tranh chấp ông S thừa nhận là của ông bà nội ông S để lại nhưng do chiến tranh nên gia đình phải bỏ nhà cữa, đất đai đi tản cư đến địa phương khác ở. Sau năm 1975 cụ L cùng các con về lại đất cũ xây dựng nhà ở như lời trình bày của bà V. Cụ L đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất, đóng thuế nhà đất tại UBND xã P từ 1975. Đến năm 2012 thì tách ra hai thửa như nguyên đơn trình bày. Nay cụ L yêu cầu được quyền sử dụng thửa đất 111, tờ bản đồ số 44, diện tích 436,1m2 hiện cụ L đang ở ông S không đồng ý. Ông yêu cầu phản tố được chia thừa kế tài sản là thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P hiện cụ L đang ở vì đây là di sản của cha Ông là Đào Trọng Q để lại. Ông xin nhận hiện vật. Ông không có yêu cầu gì đối với thửa đất số 110, tờ bản đồ số 44, diện tích 380,4m2 hiện vợ chồng bà H, ông Đ đang ở.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị Tuyết H, trình bày:

Bà là con gái của cụ Đào Trọng Q và cụ Đặng Thị L. Về mối quan hệ gia đình và nguồn gốc đất bà thống nhất như lời trình bày của nguyên đơn và bị đơn. Nay mẹ là cụ L yêu cầu được quyền sử dụng thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P bà không đồng ý. Bà yêu cầu được chia thừa kế tài sản của cha Đào Trọng Q đối với thửa đất này. Bà xin nhận hiện vật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đào Trọng L, trình bày:

Ông là con của cụ Q và cụ L. Bà V là vợ ông, là con dâu bà L. Ông thống nhất như lời trình bày của bà V. Ông không có yêu cầu gì đối với thửa đất số 110, tờ bản đồ số 44, diện tích 380,4m2 mà cụ L đã chuyển nhượng cho bà H, hiện vợ chồng bà H ông Đ, đang ở.

Nay cụ L yêu cầu được quyền sử dụng thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P, ông L đồng ý. Ông yêu cầu ông S không được cản trở khi bà L làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Việc Ông Đ Trọng S và bà Đào Thị Tuyết H yêu cầu được chia thừa kế tài sản của cha Đào Trọng Q đối với thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P ông L không đồng ý. Bỡi vì: Mặc dù nguồn gốc đất là của ông bà để lại nhưng chủ yếu là do cụ L khai hoang từ 1975, cụ Q chết năm 1968 nên không có công sức đóng góp trong khu vườn này. Mặc khác, đất là do cụ L đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất và đóng thuế nhà đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị Thanh H và ông Nguyễn Văn Đ, thống nhất trình bày:

Bà H với ông Đ là vợ chồng; bà H là con của cụ Q và cụ L. Về mối quan hệ gia đình và nguồn gốc đất bà H, ông Đ thống nhất như lời khai của nguyên đơn và bị đơn. Thửa đất số 110, tờ bản đồ số 44, diện tích 380,4m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng Ông Bà từ 1997 đến nay. Nay cụ L yêu cầu được quyền sử dụng thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P bà không có ý kiến gì và không yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất số 111.

Bản án dân sự sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Định. Tuyên xử:

1. Công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Đặng Thị L thửa đất diện thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44 là 470m2/498,7m2 đo thực tế.

2. Bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Đào Trọng S, bà Đào thị Tuyết H về di sản ông Đào Trọng Q để lại thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P vì đã hết thời hiệu khởi kiện.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

- Ngày 25/9/2020 bị đơn ông Đào Trọng S, kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm yêu cầu xét xử phúc thẩm lại vụ án.

- Ngày 05/10/2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện T có Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-DS đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 107/2020/DS- ST ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Định, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục chung.

Tại phiên Tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn không đồng ý đồng thời giữ nguyên kháng cáo, Viện kiểm sát giữ nguyên kháng nghị với nội dung như trên.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu: Trong quá trình tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng; đồng thời đề nghị HĐXX không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, hủy Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Đặng Thị L là bà Nguyễn Thị Thanh V tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn ông Đào Trọng S và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị Tuyết H không đồng ý. Căn cứ vào điểm a, khoản 1 Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015 Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

[2] Về nội dung: Xét nội dung kháng cáo của ông Đào Trọng S và nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, thấy rằng:

[2.1] Về tố tụng: Bị đơn ông Đào Trọng S có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị Tuyết H có đơn yêu cầu độc lập với nội dung yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Đào Trọng Q để lại gồm thửa đất số 111, tờ bản đồ 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định. Hàng thừa của cụ Q gồm có: Mẹ ruột là cụ Trương Thị A, vợ là cụ Đặng Thị L cùng 04 người con là ông Võ Trọng L, ông Võ Trọng S, bà Đào Thị Tuyết H và bà Đào Thị Thanh H. Cụ A (chết năm 2009) nên cần phải đưa các con của cụ A là bà Đào Thị T và bà Đào Thị Mỹ Ả vào tham gia tố tụng nhưng bà Ả (chết năm 2005), chồng bà Ả là Phạm Văn Q (không nhớ thời gian chết), thì phải đưa 08 người con của bà Ả gồm: Phạm Đào Thu A, Phạm Đào Thu Th, Phạm Đào Thu T, Phạm Đào Thu T1, Phạm Đào Thu Ng, Phạm Trọng Kh, Phạm Gia Ph, Phạm Gia Tr vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, nhưng án sơ thẩm không xác minh, thu thập để đưa họ vào tham gia tố tụng là bỏ sót người tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, vi phạm khoản 4 Điều 68 và Điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[2.2] Về nội dung: Cụ Đào Trọng Q chết năm 1968 đến tháng 3 năm 2020 ông Đào Trọng S và bà Đào Thị Tuyết H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 52 năm. Căn cứ vào mục I Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05 tháng 11 năm 2018 Giải đáp về một số vấn đề về nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao thì tính đến ngày ông S, bà H có đơn yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện. Án sơ thẩm cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của ông S và bà H về di sản của cụ Q để lại là thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44, diện tích 436,1m2 tọa lạc tại thôn T, xã P, huyện T là không đúng theo nội dung Giải đáp số 01 nói trên.

[2.3] Thửa đất tranh chấp các bên đương sự đều khai thống nhất là của cha mẹ cụ Q để lại. Trong quá trình giải quyết vụ án, án sơ thẩm chưa làm rõ thửa đất tranh chấp có bị Nhà nước thu hồi hay không, bà L có được cấp có thẩm quyền xét duyệt cho toàn quyền sử dụng thửa đất hay không.

[2.4] Xét thấy, việc thu thập chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ đồng thời bỏ sót người tham gia tố tụng mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được; căn cứ vào Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Định đã xét xử về “Tranh chấp quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế”, giữa: Nguyên đơn cụ Đặng Thị L với bị đơn ông Đào Trọng S và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện T giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[5]Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 thì ông Đào Trọng S không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[6] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T và kháng cáo của ông Đào Trọng S, Hủy bản án sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Định là phù hợp với nhận định của Tòa.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Định đã xét xử về “Tranh chấp quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế”, giữa: Nguyên đơn cụ Đặng Thị L với bị đơn ông Đào Trọng S và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện T giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đào Trọng S không phải chịu. Hoàn trả lại cho ông Đào Trọng S 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000747 ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

434
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 83/2021/DS-PT ngày 18/05/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế

Số hiệu:83/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:18/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về