TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 81/2020/DS-PT NGÀY 13/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 13/8/2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 105/2020/TLPT- DS ngày 01/6/2020 về việc: “Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 22/04/2020 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 118/2020/QĐ-PT ngày 03/7/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa giữa:
Nguyên đơn: Anh Phạm Xuân H, sinh năm 1974, (có đơn xin vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền: Chị Vương Kiều A, sinh năm 1975, vợ anh H - Văn bản ủy quyền ngày 26/8/2019, (có đơn xin vắng mặt) Đều có nơi cư trú: Phố Tiến Th, thị trấn Nh, huyện T, tỉnh Bắc Giang.
Bị đơn: Bà Diêm Thị V, sinh năm 1959, (có mặt).
Nơi cư trú: Thôn G xã T, huyện T, tỉnh Bắc Giang.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà V: Luật sư Long Xuân Th – Công ty TNHH B, quận B, TP. Hà Nội, vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Chị Vương Kiều A, sinh năm 1975, (có đơn xin vắng mặt);
Nơi cư trú: Phố T, thị trấn N, huyện T, tỉnh Bắc Giang;
2. Ông Nguyễn Thái A1, sinh năm 1957, chồng bà V, (vắng mặt);
Nơi cư trú: Thôn G, xã T, huyện T, tỉnh Bắc Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn là anh Phạm Xuân H đã trình bày: Anh là chồng chị Vương Kiều A. Ngày 31/7/2017, bà Diêm Thị V ở thôn Giữa, xã Tân Trung đã vay của vợ chồng anh tổng số tiền là 127.000.000 đồng, bà V hẹn đến ngày 31/8/2017 sẽ trả tiền. Hai bên có lập 02 Giấy biên nhận vay tiền gồm: Giấy biên nhận vay 120.000.000 đồng và Giấy biên nhận vay 7.000.000 đồng. Bà V đã viết số tiền vay vào Giấy biên nhận vay tiền theo mẫu và đã ký vào dưới mục người vay tiền. Mục đích vay tiền là để bà V kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong 02 Giấy biên nhận vay tiền không ghi về tiền lãi nhưng hai bên có thỏa thuận miệng với mức lãi suất là 1%/tháng. Kể từ ngày vay tiền đến nay, bà V vẫn chưa trả tiền gốc và tiền lãi. Nay, anh yêu cầu bà V phải trả cho vợ chồng anh số tiền gốc là 127.000.000 đồng và tiền lãi của số tiền trên theo mức lãi suất 0,83%/tháng kể từ ngày bà V chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (ngày 01/9/2017) đến ngày xét xử sơ thẩm vụ án.
Bị đơn là bà Diêm Thị V trình bày: Ngày 17/7/2014, bà đã vay của vợ chồng anh H 40.000.000 đồng hộ ông Diêm Đăng B là em trai của bà. Khi vay tiền bà có viết Giấy biên nhận vay số tiền gốc là 40.000.000 đồng. Sau đó bà đã trả cho anh H được 3 lần tiền với tổng số tiền gốc và tiền lãi là 45.000.000 đồng. Đến ngày 31/7/2017, vợ chồng anh H đã yêu cầu bà viết lại Giấy biên nhận với tổng số tiền vay là 127.000.000 đồng. Nhưng số tiền này là tổng của số tiền gốc 40.000.000 đồng đã vay từ năm 2014 và số tiền lãi của số tiền gốc 40.000.000 đồng theo mức lãi suất cao là 2.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày tính từ ngày vay (17/7/2014) đến ngày 31/7/2017. Nay, anh H khởi kiện và yêu cầu bà trả cho vợ chồng anh H số tiền 127.000.000 đồng thì ông Diêm Đăng B sẽ có trách nhiệm trả cho vợ chồng anh H số tiền gốc là 40.000.000 đồng cùng tiền lãi theo mức lãi suất là 0,85%/tháng từ khi vay (năm 2014) đến nay.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Chị Vương Kiều A là vợ anh H và là người đại điện theo ủy quyền của anh H đã trình bầy: Do có quan hệ quen biết với bà V, ngày 31/7/2017, bà V đã đến gặp vợ chồng chị hỏi vay số tiền 120.000.000 đồng để kinh doanh. Tại thời điểm đó bà V có kinh doanh vật liệu xây dựng. Thời hạn vay là 1 tháng. Chị đã giao số tiền 120.000.000 đồng cho bà V, bà V là người viết và ký vào Giấy biên nhận vay tiền. Giấy biên nhận vay tiền không ghi lãi suất nhưng thực tế hai bên có thỏa thuận miệng lãi suất là 1%/tháng. Cùng ngày 31/7/2017, bà V lại đến nhà chị hỏi vay của vợ chồng chị thêm số tiền 7.000.000 đồng. Bà V đã nói với chị là bà V cần thêm số tiền 7.000.000 đồng để giải quyết công việc của bà V. Chị đã giao cho bà V số tiền 7.000.000 đồng, bà V đã ký vào Giấy biên nhận vay tiền, thời hạn vay là 1 tháng. Giấy biên nhận vay tiền không ghi lãi suất nhưng hai bên vẫn thỏa thuận miệng lãi suất là 1%/tháng. Nay, anh H đã có đơn khởi kiện đòi tiền bà V. Chị nhất trí với yêu cầu khởi kiện của anh H.
Ông Nguyễn Thái A1 trình bày: Ông là chồng bà V. Ông không biết việc bà V vay tiền của anh H vì bà V không bàn bạc gì với ông về việc này, ông cũng không được sử dụng số tiền mà bà V đã vay của vợ chồng anh H. Ông không đồng ý trả số tiền mà bà V đã vay. Trách nhiệm trả nợ thuộc về cá nhân bà V.
Người làm chứng:
Ông Diêm Đăng B trình bầy: Ông là em của bà V. Do ông cần tiền để kinh doanh, năm 2014 ông đã nhờ bà V vay 40.00.000 đồng của vợ chồng anh H. Sau khi bà V vay tiền của anh H, bà V đã đưa cho ông số tiền 40.000.000 đồng. Bà V có nói với ông về việc tính tiền lãi theo mức lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Kể từ sau khi vay tiền, hàng tháng ông đã đưa tiền cho bà V để trả tiền cho anh H. Tổng số tiền ông đã đưa cho bà V là 45.000.000 đồng. Nay, anh H khởi kiện đòi tiền bà V thì ông sẽ có trách nhiệm trả vợ chồng anh H số tiền gốc 40.000.000 đồng mà ông đã nhờ bà V vay hộ từ năm 2014 và tiền lãi của số tiền trên tính từ năm 2014 đến nay với mức lãi suất theo quy định của pháp luật.
Do có nội dung trên, bản án dân sự sơ thẩm số số 07/2020/DS-ST ngày 22/4/2020 của Toà án nhân dân huyện T đã áp dụng khoản 3, Điều 26; điểm a khoản 1, Điều 35; điểm a, khoản 1, Điều 39; khoản 3, Điều 144; điểm b, khoản 2, Điều 227; khoản 2, Điều 228; Điều 271; khoản 1, Điều 273 BLTTDS; Điều 357; Điều 463; khoản 1, 4 Điều 466; khoản 2, Điều 468 BLDS; điểm đ, khoản 1, khoản 2 Điều 12; khoản 2, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Xuân H đối với bà Diêm Thị V.
Buộc bà Diêm Thị V phải trả cho anh Phạm Xuân H và chị Vương Kiều A số tiền 127.000.000 đồng tiền gốc và 33.379.800 đồng tiền lãi. Tổng số tiền là 160.379.800 đồng (một trăm sáu mươi triệu ba trăm bẩy mươi chín nghìn tám trăm đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên quyền kháng cáo, lãi suất chậm thi hành án, quyền thi hành án cho các bên đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04/5/2020, bà Diêm Thị V là bị đơn nộp kháng cáo;
Tại phiên tòa, nguyên đơn là anh Phạm Xuân H có đơn xin xét xử vắng mặt.
Bị đơn là bà Diêm Thị V không rút đơn kháng cáo. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Vương Kiều A (vợ anh H) có đơn xin xét xử vắng mặt:
+ Bà Diêm Thị V trình bầy: Năm 2014, bà đã vay của vợ chồng anh H 40.000.000 đồng hộ ông Diêm Đăng B là em trai của bà. Ngày 31/7/2017, vợ chồng anh H đã yêu cầu bà viết lại Giấy biên nhận với tổng số tiền vay là 127.000.000 đồng. Nhưng số tiền này gồm có tiền gốc 40.000.000 đồng đã vay từ năm 2014 với tiền lãi của số tiền gốc 40.000.000 đồng theo mức lãi suất cao là 2.000 đồng/1.000.000 đồng/1ngày. Nay, ông Diêm Đăng B sẽ có trách nhiệm trả cho vợ chồng anh H số tiền gốc là 40.000.000 đồng cùng tiền lãi theo mức lãi suất là 0,85%/tháng từ khi vay (năm 2014) đến nay.
+ Ông Diêm Đăng B đã trình bầy: Số tiền 40.000.000 đồng bà V của vợ chồng anh H năm 2014 là do ông đã nhờ bà V vay tiền hộ ông để ông kinh doanh. Nay, ông đồng ý trả cho vợ chồng anh H số tiền gốc là 40.000.000 đồng cùng tiền lãi theo mức lãi suất là 0,85%/tháng từ khi vay (năm 2014) đến nay.
Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và các đương sự đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của BLTTDS.
- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của là bà Diêm Thị V, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
Anh Phạm Xuân H là chồng chị Vương Kiều A xuất trình 02 Giấy biên nhận vay tiền ghi ngày 31/7/2017 có nội dung bà Diêm Thị V vay của vợ chồng anh H, chị Anh tổng số tiền 127.000.000 đồng, thời hạn trả nợ là 1 tháng (hẹn đến ngày 31/8/2017 sẽ trả tiền). Cả 02 Giấy biên nhận vay tiền có chữ ký “ Diêm Thị Vui” dưới mục người vay tiền, (BL 54-55)..
Anh H đã trình bầy: Đến hạn trả nợ nhưng bà V đã không trả tiền cho vợ chồng anh. Nay, anh H yêu cầu bà V phải trả cho vợ chồng anh H tổng số tiền gốc là 127.000.000 đồng và tiền lãi của số tiền trên theo mức lãi suất 0,83%/tháng kể từ ngày bà V chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (ngày 01/9/2017) đến ngày xét xử sơ thẩm vụ án.
Bà Diêm Thị V thừa nhận chữ ký và chữ viết của bà V trong 02 Giấy biên nhận vay tiền nhưng bà V đã trình bầy: Năm 2014, bà đã vay của vợ chồng anh H 40.000.000 đồng hộ ông Diêm Đăng B là em trai của bà. Khi vay tiền bà có viết Giấy biên nhận vay số tiền gốc là 40.000.000 đồng. Sau đó bà đã trả cho anh H được 3 lần tiền với tổng số tiền gốc và tiền lãi là 45.000.000 đồng. Đến ngày 31/7/2017, vợ chồng anh H đã yêu cầu bà có viết lại Giấy biên nhận với tổng số tiền vay là 127.000.000 đồng. Nhưng số tiền này gồm có tiền gốc 40.000.000 đồng đã vay từ năm 2014 với tiền lãi của số tiền gốc 40.000.000 đồng theo mức lãi suất cao là 2.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày. Nay, anh H khởi kiện và yêu cầu bà trả cho vợ chồng anh H số tiền 127.000.000 đồng thì ông B sẽ có trách nhiệm trả cho vợ chồng anh H số tiền gốc là 40.000.000 đồng cùng tiền lãi theo mức lãi suất là 0,85%/tháng từ khi vay (năm 2014) đến nay.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh H và buộc bà V phải trả cho vợ chồng anh H tổng số tiền gốc và tiền lãi là 160.379.800 đồng (trong đó 127.000.000 đồng tiền gốc và 33.379.800 đồng tiền lãi).
Sau khi xét xử bà V kháng cáo không đồng ý trả cho vợ chồng anh H số tiền trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm bà V đề nghị ông B phải có trách nhiệm trả cho vợ chồng anh H số tiền gốc là 40.000.000 đồng cùng tiền lãi theo mức lãi suất là 0,85%/tháng từ khi bà V vay tiền của vợ chồng anh H từ năm 2014 đến nay. Bà V còn nộp cho Tòa án bản phô tô Giấy biên nhận vay tiền ngày 17/7/2014 có nội dung bà V vay tiền của vợ chồng anh H, chị A số tiền 40.000.000 đồng, (BL 160); bản giải trình của bà V về việc tính tiền lãi của số tiền gốc 40.000.000 đồng tính từ ngày vay (ngày 17/7/2014) đến nay là 122.000.000 đồng. Theo bà V thì số tiền lãi 122.000.000 đồng đã được vợ chồng anh H làm tròn là 120.000.000 đồng, (BL 89- 91).
thấy:
Ông B là người làm chứng cũng đồng ý với ý kiến của bà V.
Xét kháng cáo của bà V, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1] Xét về số tiền mà bà V đã vay của vợ chồng anh H ngày 31/7/2017 thì Cả 02 Giấy biên nhận vay tiền ghi ngày 31/7/2017 có nội dung bà Diêm Thị V vay của vợ chồng anh H, chị Anh tổng số tiền 127.000.000 đồng, thời hạn trả nợ là 1 tháng (hẹn đến ngày 31/8/2017 sẽ trả tiền). Bà V đã thừa nhận chữ viết và chữ ký “ Diêm Thị Vui” dưới mục người vay tiền là do bà V viết. Nay, bà V trình bầy số tiền 127.000.000 đồng gồm có tiền gốc 40.000.000 đồng mà bà V đã vay của vợ chồng anh H từ năm 2014 với số tiền lãi của số tiền gốc 40.000.000 đồng theo mức lãi suất cao là 2.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày tính từ năm 2014 đến nay.
Việc trình bầy của bà V không được vợ chồng anh H thừa nhận. Cả 02 Giấy biên nhận vay tiền ghi ngày 31/7/2017 đều không thể hiện số tiền vay là được cộng dồn tiền lãi của các khoản tiền mà bà V đã vay của vợ chồng anh H trước đó, (BL 54, 55).
Bản phô tô Giấy biên nhận vay tiền ngày 17/7/2014 do bà V đã xuất trình cho Tòa án có nội dung: Bà V vay tiền của vợ chồng anh H, chị Vui số tiền 40.000.000 đồng nhưng không có chữ ký của người cho vay nên không có căn cứ về việc bà V đã vay tiền của vợ chồng anh H ngày 17/7/2014, (BL 160). Giả sử ngày 17/7/2014, bà V có vay 40.000.000 đồng của vợ chồng anh H là có thật thì nội dung của Giấy biên nhận vay tiền ngày 17/7/2014 với nội dung của 02 Giấy vay tiền ngày 31/7/2017 cũng không thể hiện mối liên quan với nhau.
Bản giải trình của bà V do bà V viết có nội dung: Số tiền gốc 40.000.000 đồng được tính lãi với mức lãi suất 2.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày tính từ ngày vay (ngày 17/7/2014) đến nay là 122.000.000 đồng. Theo bà V đã trình bầy thì mặc dù số tiền lãi được tính là 122.000.000 đồng nhưng bà V đã được vợ chồng anh H làm tròn thành 120.000.000 đồng.
Nhưng bản giải trình của bà V cũng không có chữ ký của vợ chồng anh H. Việc trình bầy này của bà V đã không được vợ chồng anh H thừa nhận. Ngoài Giấy biên nhận vay tiền ngày 17/7/2014 và bản giải trình của bà V do bà V tự viết thì bà V đã không có chứng cứ để chứng minh về số tiền mà bà V đã vay của vợ chồng anh H ngày 31/7/2017 chỉ là 40.000.000 đồng tiền gốc.
Với các tình tiết nêu trên thì phải xác định: Ngày 31/7/2017, bà V đã vay của vợ chồng anh H tổng số tiền 127.000.000 đồng là đúng. Kháng cáo của bà V về nội dung này là không có cơ sở chấp nhận.
[2] Xét về nghĩa vụ trả nợ của bên vay thì thấy:
Bà V trình bầy về việc vay tiền của vợ chồng anh H có mục đích là để cho em trai của bà V là ông Diêm Đăng B sử dụng. Nay bà V xác định nghĩa vụ trả nợ thuộc về ông B.
Ông B cũng đồng ý trả cho vợ chồng anh H số tiền gốc là 40.000.000 đồng cùng tiền lãi của số tiền trên theo mức lãi suất là 0,85%/tháng từ khi vay (năm 2014) đến nay.
Tại Điều 3 1 5 B L D S quy định v ề chuyển giao nghĩa vụ dân sự như sau:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Như vậy theo quy định đã viện dẫn ở trên thì việc bàn giao nghĩa vụ giữa các bên phải được sự đồng ý của người có quyền, (bên cho vay). Nhưng vợ chồng anh H không đồng ý về việc ông B sẽ có trách nhiệm trả nợ cho vợ chồng anh H thay cho bà V.
Do vậy kháng cáo của bà V về nội dung này cũng không có căn cứ chấp nhận.
Như vậy phải xác định: Ngày 31/7/2017, giữa vợ chồng anh H và bà V đã xác lập Hợp đồng vay tài sản có tiền lãi và có thời hạn trả nợ là 1 tháng. Nay đến hạn trả nợ (ngày 01/9/2017), bà V không trả được tiền cho vợ chồng anh H. Anh H khởi kiện đòi tiền của bà V. Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bà V phải trả tiền cho vợ chồng anh H toàn bộ tiền gốc (127.000.000 đồng) và tiền lãi (33.379.800 đồng) được tính theo mức lãi suất 0,83%/tháng kể từ ngày bà V chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (ngày 01/9/2017) đến ngày xét xử sơ thẩm vụ án là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 463, khoản 1, khoản 5, Điều 466, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
Hội đồng xét xử xét thấy: Không chấp nhận kháng cáo của và Vui, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.
Về việc tuyên tiền lãi chậm thi hành án của bản án sơ thẩm thì thấy:
Theo điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/01/2019 đã quy định về tiền lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án như sau:
1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:
a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
b) Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, theo hướng dẫn đã nêu ở trên thì tranh chấp giữa các bên thuộc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi (phải tuyên lãi suất chậm thi hành án theo điểm a tại hướng dẫn đã nêu ở trên). Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên về lãi suất chậm thi hành án là: “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền phải trả, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án” là không đúng. Cần sửa lại bản án sơ thẩm đã tuyên về nội dung này. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề trên.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của bà Diêm Thị V, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.
Áp dụng khoản 3, Điều 26; điểm a khoản 1, Điều 35; điểm a, khoản 1, Điều 39; khoản 3, Điều 144; điểm b, khoản 2, Điều 227; khoản 2, Điều 228; Điều 271; khoản 1, Điều 273 BLTTDS; Điều 357; Điều 463; khoản 1, 5 Điều 466; khoản 2, Điều 468 Bộ luật dân sự; điểm đ, khoản 1, khoản 2 Điều 12; khoản 2, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Xuân H đối với bà Diêm Thị V.
Buộc bà Diêm Thị V phải trả cho anh Phạm Xuân H và chị Vương Kiều A tổng số tiền là 160.379.800 đồng (một trăm sáu mươi triệu ba trăm bẩy mươi chín nghìn tám trăm đồng). Trong đó số tiền gốc là 127.000.000 đồng; số tiền lãi là 33.379.800 đồng.
2.Án phí DSST: Bà Diêm Thị V được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại anh Phạm Xuân H số tiền 3.175.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu số AA/2018/0005953 ngày 06 tháng 9 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.
3.Án phí DSPT: Bà Diêm Thị V được miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 81/2020/DS-PT ngày 13/08/2020 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 81/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 13/08/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về