Bản án 811/2019/HS-PT ngày 05/12/2019 về tội buôn lậu

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 811/2019/HS-PT NGÀY 05/12/2019 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 05 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 268/2019/TLPT-HS ngày 21 tháng 5 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Thế A do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 113/2019/HS-ST ngày 10/4/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo bị kháng nghị và có kháng cáo:

Nguyễn Thế A, sinh năm 1985 tại Quảng Ninh; nơi đăng ký thường trú: Tổ 8, Khu 7, phường C1, thành phố C2, tỉnh Quảng Ninh; chỗ ở: Phòng số 12, Lầu 01, nhà số 83 Bình Giã, Phường 13, quận C3, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH Thương mại C; trình độ học vấn: 12/12; con của ông Nguyễn Thế T (chết) và con của bà Nguyễn Thị Q; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có vợ, con; tiền án: không; tiền sự: không;

Nhân thân: Ngày 10/6/2009, bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt 09 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (theo Bản án số 75/2009/HSST ngày 10/6/2009), đến ngày 25/9/2009 bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/01/2017 (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phạm Hữu Q1, luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Vũ Minh NLQ1, sinh năm 1984; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 95/2/16 Bình Lợi, Phường 13, quận G1, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

2. Công ty NLQ2; địa chỉ: 722 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận G1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Minh T1, chức vụ: Tổng Giám đốc (vắng mặt).

Đại diện theo ủy quyền:

2.1 Bà Nguyễn Thị Thanh H, chức vụ: Phòng Kế hoạch kinh doanh (theo Giấy ủy quyền số 791/UQ-TCT ngày 26/3/2019) (vắng mặt).

2.2 Ông Lê Văn H1, nhân viên pháp chế (có mặt).

3. Ông Nguyễn Việt NLQ3, sinh năm 1970; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Phòng 1A9, khu tập thể Yên Ngưu, thị trấn Văn Điền, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội (vắng mặt).

4. Công ty TNHH Thương mại C; địa chỉ: số 12A-04 Lô B, cao ốc PNTECHCONS, 48 Hoa Sứ, Phường 7, quận P1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: bị cáo Nguyễn Thế A (vắng mặt).

- Người làm chứng:

1. Bà Đoàn Lăng NLC1, sinh năm 1975; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 12A-04 Lô B, cao ốc PNTECHCONS, 48 Hoa Sứ, Phường 7, quận P1, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

2. Ông Nguyễn Hoàng NLC2, sinh năm 1985; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ấp P1, xã P2, huyện P3, tỉnh Tiền Giang; chỗ ở: Số 2 Thích Quảng Đức, Phường 5, quận P1, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Ông Lương Minh NLC3, sinh năm 1982; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: xã P4, huyện P5, tỉnh Quảng Ngãi; chỗ ở: 105BC Bình Quới, Phường 27, quận G1, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

4. Ông Trần Duy NLC4, sinh năm 1971; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số 92 Đào Duy Từ, Phường 2, quận C3, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

5. Ông Nguyễn Minh NLC5, nơi làm việc: Chi cục Thú y vùng VI, địa chỉ: 521/1 Hoàng Văn Thụ, Phường 4, quận C3, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH TM C (sau đây viết tắt là Công ty C) do Nguyễn Thế A làm Giám đốc – Đại diện pháp luật, Công ty C có chức năng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt trâu. Ngày 03/5/2016 công ty C có mua thịt trâu đông lạnh không xương của công ty Allanasons - Ấn Độ với khối lượng là: 167.968 kg (gồm có thăn nội trâu 6.912kg, thịt đùi trâu 2.800kg, đùi gọ trâu 600kg, đùi lá cờ trâu 8.160kg, thịt mông trâu 23.960kg, thịt gân đầu gối trâu 47.844kg, thịt Briket PE trâu 1.600kg, thịt Brisket NE trâu 1.200kg, thịt bắp cá lóc trâu 42.440kg, thịt vai trâu 5.824kg, thịt bắp hoa trâu 200kg, thịt nạm trâu 22.428kg và 4.000 kg thịt trâu dạng vụn). Lô hàng này được nhập khẩu vào Việt Nam và kèm theo bộ hồ sơ gồm có Invoice (hóa đơn thương mại số ASL/MH/16-17-00591 ngày 03/5/2016), Packing List (phiếu đóng gói), Bill of Lading (vận đơn đường biển) và giấy Chứng nhận kiểm dịch của Ấn Độ.

Sau khi lô hàng nêu trên về đến cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh thì Nguyễn Thế A lại mở tờ khai hải quan số 100871146500/A11, nhập khẩu thịt trâu đông lạnh không xương dạng vụn, mã số hàng hóa 0206.29.00 có thuế xuất nhập khẩu 8%, thuế VAT 0%, số lượng 8.744ctns = 167.968kg, trị giá 303.604.632 đồng, xuất xứ Ấn Độ. Tiếp sau đó Nguyễn Thế A thuê Nguyễn Hoàng NLC2 làm thủ tục nhập khẩu lô hàng theo giấy giới thiệu của Công ty C, tờ khai Hải quan điện tử, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận đơn chuyển hàng, giấy đăng ký kiểm dịch ngày 20/5/2016 của Công ty C và giấy Chứng nhận kiểm dịch của Ấn Độ để làm thủ tục thông quan. Bộ hồ sơ này nhân viên Hải quan Phạm Thị Hải V tiếp nhận, để làm thủ tục thông quan và lô hàng này của Công ty C được hệ thống phân “luồng vàng” là luồng phải kiểm tra hồ sơ và có thể kiểm tra thực tế lô hàng. Thực tế Tổ kiểm soát Hải quan kiểm tra đã phát hiện Công ty Bảo An kê khai 167.968kg thịt trâu đông lạnh không xương dạng vụn, trị giá 303.604.632 đồng là không chính xác, đúng ra phải kê khai đúng giá trị lô hàng và chi tiết: 6.912kg thăn nội trâu, 2.800kg thịt đùi trâu, 600kg đùi gọ trâu, 8.160kg đùi lá cờ trâu, 23.960kg thịt mông trâu, 47.844kg thịt gân đầu gối trâu, 1.600kg thịt Briket PE trâu, 1.200kg thịt Brisket NE trâu, 42.440kg thịt bắp cá lóc trâu, 5.824kg thịt vai trâu, 200kg thịt bắp hoa trâu, 22.428kg thịt nạm trâu và 4.000 kg thịt trâu dạng vụn để làm cơ sở áp thuế suất nhập khẩu, tính thuế nhập khẩu đúng. Do việc kê khai sai như trên nên tiền thuế nhập khẩu đối với 167.968kg thịt trâu là 8% = 242.448.371 đồng. Nhưng thực tế qua kiểm tra thì chỉ có 4.000kg thịt trâu dạng vụn được áp thuế suất 8%, toàn bộ số còn lại phải chịu thuế suất nhập khẩu là 14%.

Ngày 02/12/2016, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng Hình sự cấp thành phố có biên bản định giá tài sản số 9485/STC-HĐĐGTS-BVG đối với lô hàng 167.968kg thịt trâu đông lạnh không xương hiệu Allana, Ấn Độ gồm 13 loại thịt khác nhau tại thời điểm định giá tháng 05/2016 tổng cộng 12.606.227.400 đồng làm tròn 12.606.227.000, trong đó có 4000kg thịt trâu không xương dạng vụn trị giá 184.600.000 đồng. Từ giá trị lô hàng nhập khẩu và thuế suất nhập khẩu nêu trên thì tiền thuế của toàn bộ lô hàng này là 1.755.284.862 đồng, nên số thuế chênh lệch là: 1.755.284.862 đồng - 242.448.371 đồng = 1.512.836.491 đồng.

Sau khi bị phát hiện thì Nguyễn Hoàng NLC2 điện thoại báo cho A biết, A nói NLC2 xin hải quan kê khai bổ sung để nộp thuế thuế đầy đủ. Tiếp sau đó vào ngày 27/5/2016 và ngày 02/6/2016, Công ty C gửi văn bản giải trình với Hải quan khu vực 1, nêu lý do Công ty Allanasons Private Limited - Ấn Độ chuyển nhầm lô hàng của hợp đồng khác, nên xin kê khai và nộp thuế tiền thuế còn thiếu là 1.512.836.491 đồng và để chứng minh cho việc chuyển nhầm lô hàng thì A tự sáng tác ra 02 hợp đồng mua bán thịt trâu với công ty Ấn Độ.

Kết quả xác minh tại Cục thú y – Cơ quan Thú y vùng VI đã cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm số 003327/CN-KDSPĐVNK cho Công ty C, đăng ký thịt trâu đông lạnh, SĐK KD: 4806 TC ngày 20/5/2016, TKHQ: 100871146500/A11. Doanh nghiệp có xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch của Ấn Độ thể hiện rõ lô hàng đăng ký kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với lô hàng thực nhập.

Căn cứ biên bản chứng nhận số 182/BB-HC1 ngày 7/6/2016, Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, lập biên bản: Hàng thực nhập là thịt trâu đông lạnh các loại gồm: thịt trâu đông lạnh không xương dạng vụn có tổng khối lượng 167.968kg, nhưng thực tế chỉ có 4.000kg dạng vụn, còn lại có 12 loại khác gồm: thăn nội trâu, thịt đùi trâu, đùi gọ trâu, đùi lá cờ trâu, thịt mông trâu, thịt gân đầu gối trâu, thịt Briket PE trâu, thịt Briket NE trâu, thịt bắp cá lóc trâu, thịt vai trâu, thịt bắt trâu và thịt nạm trâu. Và do lô hàng đã được thông quan, nên Chi cục hải quan lập biên bản và chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Tại cơ quan An ninh điều tra Nguyễn Thế A khai nhận: Vào năm 2015, A làm việc tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phúc Gia, địa chỉ số 29 Lê Duy Nhuận, Phường 12, quận C3, Thành phố Hồ Chí Minh, do bà Đoàn Lăng NLC1 - Phó Giám đốc quản lý điều hành phụ trách khu vực phía Nam. Khoảng đầu năm 2016, bà NLC1 bàn bạc với A cùng nhau thành lập công ty để kinh doanh mặt hàng vải sợi và dùng pháp nhân này nhập khẩu mặt hàng thịt trâu đông lạnh và A sẽ giữ chức vụ giám đốc công ty. Sau khi thành lập công ty, thì bà NLC1 là người cất giữ con dấu, tài liệu và trực tiếp điều hành mọi hoạt động kinh doanh, khi cần bà NLC1 mới đưa con dấu cho A sử dụng, chính vì bà NLC1 là người giúp đỡ, tạo điều kiện cho A làm việc cũng như chăm lo cuộc sống cho A từ khi A vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay nên A thực hiện mọi chỉ đạo của bà NLC1. A chỉ biết giữa bà NLC1 và ông Vũ Minh NLQ1 có trao đổi về việc sử dụng pháp nhân Công ty C để nhập khẩu mặt hàng thịt trâu đông lạnh không xương có xuất xứ từ Ấn Độ, những việc còn lại A không biết. Khi A ký tên, đóng dấu ngay mà không cần đọc nội dung. Liên quan đến số tiền thanh toán lô hàng thịt trâu có trong tài khoản của Công ty C. Ngày 19/5/2016, chị Nga điện thoại cho A giới thiệu là nhân viên của ông NLQ1 hẹn A đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Gia Định ký tên, đóng dấu trên 06 phiếu nộp tiền tổng cộng hơn 14.000.000.000 đồng vào tài khoản Công ty C và 02 Lệnh chuyển số tiền 637.587.88 USD, từ tài khoản Công ty C đến tài khoản của Công ty Allanasons ở Ấn Độ để thanh toán tiền mua lô hàng 167.968 kg thịt trâu. Ngày 20/5/2016, Ông NLQ1 điện thoại nói A đến Phòng kinh doanh số 4 đường Bình Lợi, phường 13, quận G1. Tại đây A ký tên, đóng dấu vào Bản Hợp đồng số ASL/BA/001/2016 ngày 20/4/2016 và tài liệu bằng tiếng Anh kèm theo như: Detail packing list số ASL/MH/16-17/00591 ngày 03/5/2016, Commercial invoice số ASL/MH/16-17/00591 ngày 03/05/2016, Hóa đơn vận chuyển số 13902926896 ngày 03/05/2016 và DNV Business Assurance Food Safety System Certificate (04 tờ bằng tiếng Anh). A cầm số giấy tờ này về giao lại cho bà NLC1 làm thủ tục thông quan. Bà NLC1 trực tiếp mở tờ khai hải quan điện tử xong rồi đưa lại cho A 02 bộ hồ sơ phôtô để A ký tên, đóng dấu, yêu cầu A đưa 01 bộ cho Lương Minh NLC3 nộp cho Cục Thú y vùng VI làm thủ tục kiểm dịch nhập khẩu lô hàng; 01 bộ cho Nguyễn Hoàng NLC2 nộp cho Hải quan Khu Vực I làm thủ tục thông quan. Đến ngày 23/5/2016, lô hàng thịt trâu đông lạnh bị lập biên bản như đã nêu trên. Vào các ngày 27, 28/5/2016, ông NLQ1 yêu cầu A đến Phòng kinh doanh số 4, ký tên hợp thức hóa và đóng dấu vào Hợp đồng số ASL/BA/002/2016 ghi ngày 25/4/2016 và một số email thể hiện nội dung trao đổi về việc Công ty Allanasons thông báo cho Công ty C biết việc chuyển nhầm lô hàng của Hợp đồng số ASL/BA/001/2016 ngày 20/4/2016 thành lô hàng của Hợp đồng số ASL/BA/002/2016 ngày 25/4/2016.

Cơ quan An ninh điều tra tiến hành lấy lời khai của bà Đoàn Lăng NLC1, ông Vũ Minh NLQ1, ông Trần Duy NLC4, ông Nguyễn Hoàng NLC2 và ông Lương Minh NLC3 để làm rõ vi phạm. Kết quả như sau:

- Tháng 3/2016 đến tháng 6/2016, Đoàn Lăng NLC1 có sử dụng danh nghĩa Công ty C nhờ A ký hợp thức hóa thủ tục nhập khẩu khoảng các lô hàng vải sợi xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan để bán lại tại thị trường Việt Nam. Bà NLC1 có thuê một người phụ nữ tên X (quảng cáo trên mạng) báo cáo thuế thời vụ, với giá 500.000 đồng/lần và định kỳ 03 tháng/lần Công ty C báo cáo thuế gửi Chi cục thuế quận P1 theo quy định. Riêng đối với việc A dùng pháp nhân Công ty C ký hợp đồng mua bán, nhập khẩu thịt trâu đông lạnh không xương là do A tự thực hiện, không liên quan đến bà NLC1. Sau khi Công ty C xảy ra vi phạm giữa bà NLC1 và A đã thanh lý hợp đồng góp vốn và thay đổi thành viên trên giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên NLC1 chưa làm thủ tục thay đổi trụ sở kinh doanh của Công ty C tại địa chỉ 12A.04 lô B, cao ốc Pntechcons 48 Hoa Sứ, Phường 7, quận P1. Đoàn Lăng NLC1 thừa nhận mối quan hệ, giúp đỡ A và rủ A thành lập Công ty C như A khai nhận nhưng cả hai thỏa thuận ai nhập hàng hoặc kinh doanh hàng gì thì tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Tháng 3/2016, Vũ Minh NLQ1 thông qua người cô họ tên Lâm (sống ở Lào) quen với Đoàn Lăng NLC1, biết NLQ1 là Trưởng phòng kinh doanh số 4 - Chi nhánh Công ty Hà Thành thuộc Bộ Quốc phòng và đang kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm nên NLC1 giới thiệu trước đây công tác trong ngành Hải quan hơn 17 năm. Hiện nay bà NLC1 có thành lập Công ty có chức năng xuất nhập khẩu là đại lý cấp 1 của ngành Hải quan (ưu ái về thủ tục hải quan…), đề nghị cho bà NLC1 hợp tác kinh doanh. Thời điểm này NLQ1 hợp tác với 03 Công ty để nhập khẩu mặt hàng thịt trâu đông lạnh từ Ấn Độ nhưng chi phí giá thành mua bán cao, kinh doanh không có lãi nên khi bà NLC1 giới thiệu và đề nghị hợp tác thì NLQ1 đồng ý ngay. Cả hai thỏa thuận Công ty C đại điện bên mua hàng nhập khẩu thịt trâu từ phía Ấn Độ, còn NLQ1 sẽ ứng tiền trước để Công ty C thanh toán cho đối tác. Tất cả mọi thủ tục liên quan đến nhập khẩu thịt trâu từ Ấn Độ về Việt Nam do Công ty C chịu trách nhiệm, sau đó Công ty C mới làm thủ tục bán lại cho Chi nhánh Công ty Hà Thành. Ngày 28/4/2016, NLQ1 gặp ông Lenus đại diện bán hàng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Công ty Allanasons Private Limited ở Ấn Độ trao đổi và đặt đơn hàn g 167.968kg thịt trâu đông lạnh không xương gồm 13 chủng loại hàng khác nhau, với giá 637.587.88 USD (hơn 14 tỷ đồng, bên mua hàng là Công ty TNHH TM C). Ông NLQ1 vay mượn của bạn bè hơn 14 tỷ đồng ứng trước cho Công ty C thanh toán cho Công ty ở Ấn Độ và vố tiền này nhân viên Lê Thị G2 mang đến Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Gia Định nộp vào tài khoản Công ty C. Tuy nhiên Lê Thị G2 đã nghỉ việc từ tháng 01/2017, Công ty không lưu hồ sơ nhân viên nên không rõ nhân thân lai lịch của G2. Về phía NLQ1 không biết đối tác ở Ấn Độ đã chuyển những chứng từ gì cho phía Công ty C để làm thủ tục thông quan lô hàng và tại sao Công ty C phải khai báo sai chủng loại dẫn đến Hải quan Khu vực 1 lập biên bản vi phạm. Đây là lần đầu NLQ1 mua thịt trâu của Công ty C thì xảy ra vi phạm.

- Qua xác minh tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành do ông Trần Duy NLC4 - Giám đốc, xác nhận Công ty không kinh doanh nhập khẩu lô hàng thịt trâu đông lạnh với Công ty C. Tuy nhiên khoảng giữa năm 2016, ông NLQ1 có trình bày “lô hàng thịt trâu mà ông NLQ1 giao dịch với Công ty C đang bị Chi cục Hải quan KV1 tạm giữ tại cảng Cát Lái, vì Công ty Hà Thành là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, nếu trình ra bản hợp đồng ủy thác nhập khẩu này có thể xin lại lô hàng” nên nhờ ông NLC4 ký tên, đóng dấu vào bản hợp đồng ghi ngày 08/4/2016 ủy thác cho Công ty C nhập khẩu lô hàng thịt trâu và một số giấy tờ kèm theo để hợp thức hóa. Khi làm việc này ông NLC4 biết vi phạm nhưng nghĩ đơn giản muốn giúp ông NLQ1 xin lại lô hàng.

- Nguyễn Hoàng NLC2 nhận làm dịch vụ tự do kê khai hải quan để thông quan hàng nhập khẩu cho các công ty có nhu cầu tại Cảng Cát Lái, Quận 2. Ngày 23/5/2016, Vũ đang ở khu vực tiếp nhận hồ sơ thông quan hàng nhập khẩu của Hải quan KV1 thì Nguyễn Thế A, giám đốc Công ty C thuê Vũ làm thủ tục thông quan 167.968 kg thịt trâu đông lạnh, với giá 2.000.000 đồng và đưa 01 bộ hồ sơ gồm có: Hợp đồng số ASL/BA/001/2016 đề ngày 20/04/2016, Detail packing list số ASL/MH/16-17/00591 ngày 03/5/2016; Commercial invoice số ASL/MH/16-17/00591 ngày 03/05/2016 và Hóa đơn vận chuyển số 13902926896 ngày 03/05/2016. Hồ sơ này đã mở sẵn tờ khai hải quan điện tử và hệ thống phân “luồng vàng”. Nhiệm vụ của NLC2 là nộp hồ sơ cho hải quan thông quan, đóng các loại phí theo quy định như: phí cho Công ty Tân cảng, phí cho Hãng tàu, đại diện Công ty C chứng kiến việc kiểm tra thực tế lô hàng (nếu có). Khoảng 14h cùng ngày, nhân viên hải quan Phạm Thị Hải Vân thông báo lô hàng phải kiểm tra thực tế, NLC2 chứng kiến việc hải quan kiểm tra. Hải quan phát hiện có 13 loại thịt trâu đông lạnh không xương khác nhau, không phải như khai báo trong tờ khai Hải quan đã mở nên lập biên bản vi phạm. Lúc này Vũ báo cho Thưởng và A nói NLC2 xin kê khai bổ sung nộp thuế, Thưởng sẽ bổ sung Công văn và các chứng từ liên quan để NLC2 nộp Hải quan, nhưng Hải quan không chấp nhận vì lô hàng đã được thông quan.

- Lương Minh NLC3 cũng nhận làm dịch vụ đăng ký kiểm dịch vệ sinh an toàn thực thẩm cho các Công ty. Ngày 20/5/2016, Nguyễn Thế A - giám đốc Công ty C thuê Hà nộp hồ sơ với giá 500.000 đồng/01 bộ và đưa cho Hà: Giấy đăng ký kiểm dịch gửi Cơ quan thú y Vùng VI kèm theo 04 văn bản giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lô hàng ở Ấn Độ bằng tiếng Anh để Hà đăng ký Cơ quan Thú y Vùng VI kiểm dịch 167.968 kg thịt trâu đông lạnh không xương có xuất xứ từ Ấn Độ. Hà cầm hồ sơ có sẵn nộp cho Văn phòng Cơ quan Thú y Vùng VI tại địa chỉ số 521/1 đường Hoàng Văn Thụ, phường 04, quận C3. Sau đó giao giấy biên nhận cho A để A tự liên hệ lấy mẫu và nhận kết quả kiểm dịch. Ngoài ra vào khoảng giữa tháng 06/2016, Hà có nhận thêm 04 bộ hồ sơ của A để làm thủ tục kiểm dịch 04 lô hàng thịt trâu đông lạnh cũng với giá 500.000đồng/hồ sơ và Hà cũng đưa lại tờ biên nhận 04 hồ sơ cho A lấy kết quả.

* Ngoài lô hàng 167.968kg, xuất xứ Ấn Độ của Công ty Bảo An kê khai không đúng hàng hóa nhập khẩu, sai chủng loại, số lượng đã bị lập biên bản vi phạm vào ngày 24/5/2016 (biên bản số 260/BB-HC1 ngày 24/5/2016), thì Công ty Bảo An còn có 04 lô hàng thịt trâu đông lạnh không xương do Công ty C nhập khẩu hợp pháp vào tháng 6/2016, đã được thông quan và đã tiêu thụ, nên Cơ quan An ninh điều tra đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 19 ngày 04/10/2017 về thuế từ việc tiêu thụ 04 lô hàng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời, nên khi nào có kết luận giám định về thuế, nếu Công ty C vi phạm về tội “Trốn thuế”, Cơ quan An ninh điều tra sẽ xem xét khởi tố trong một vụ án khác.

Theo Cáo trạng số 208/CT-VKS-P1 ngày 23/5/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố Nguyễn Thế A về tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 1999), nay là điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 113/2019/HS-ST ngày 10/4/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm s, u khoản 1 Điều 51; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (đối với bị cáo Nguyễn Thế A);

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thế A phạm tội “Buôn lậu”.

Xử phạt: Nguyễn Thế A 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 09/01/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23/4/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị số 22/QĐ-VKS-P1 ngày 10/8/2018 với nội dung kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Thế A theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thế A về tội “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017.

Ngày 23/4/2019, bị cáo Nguyễn Thế A có đơn kháng cáo cho rằng mức hình phạt tại bản án sơ thẩm là quá nặng và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử cho bị cáo mức án bằng với thời hạn đã tạm giam bị cáo. Đồng thời, bị cáo Nguyễn Thế A cũng xin Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được nhận số tiền thu được từ việc bán lô hàng thịt trâu, sau khi trừ đi chi phí bảo quản lô hàng để thanh toán khoản nợ mà Công ty C đã vay.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Nguyễn Thế A giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Về phần dân sự đề nghị trả lại số tiền đã tạm giữ sau khi trừ đi số tiền lưu kho bãi.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định kháng nghị đề nghị Hội đồng xét xử tăng nặng hình phạt của bị cáo Nguyễn Thế A, không áp dụng khung hình phạt về tội “Trốn thuế” theo Bộ luật hình sự 2015 khi lượng hình đối với bị cáo và đề nghị xử phạt bị cáo từ 12 đến 13 năm tù về tội buôn lậu. Đối với kháng cáo về phần dân sự, số tiền đã tịch thu là vật chứng của vụ án nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo không tranh luận về phần tội danh. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mục đích, động cơ phạm tội của bị cáo A là trốn thuế và khách thể bị xâm phạm của hành vi này chính là hoạt động quản lý thuế của Nhà nước, làm thất thu tiền thuế của Nhà nước. Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã từng xét xử 02 vụ án về cùng hành vi như của bị cáo nhưng đều áp dụng theo hướng có lợi xử phạt các bị cáo theo khung hình phạt của tội trốn thuế như bản án số 67/2017/HSST ngày 01/3/2017 và bản án số 204/2018/HSST ngày 18/6/2018. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để xử phạt bị cáo theo mức hình phạt của tội “Trốn thuế” là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Về phần dân sự, đề nghị trả lại số tiền đã thu của bị cáo sau đi đã trừ đi chi phí lưu kho bãi.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Vào tháng 5 năm 2016, Nguyễn Thế A – Giám đốc Công ty TNHH TM C (Công ty có chức kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt trâu) đã sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty nhập khẩu 167.968 kg thịt trâu đông lạnh không xương từ Ấn Độ về Cảng Cát Lái - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khối lượng 167.968 kg thịt trâu đông lạnh không xương, chỉ có 4.000 kg thịt trâu đông lạnh không xương dạng vụn được áp thuế suất 8%, toàn bộ số còn lại (gồm có thăn nội trâu 6.912kg, thịt đùi trâu 2.800kg, đùi gọ trâu 600kg, đùi lá cờ trâu 8.160kg, thịt mông trâu 23.960kg, thịt gân đầu gối trâu 47.844kg, thịt Briket PE trâu 1.600kg, thịt Brisket NE trâu 1.200kg, thịt bắp cá lóc trâu 42.440kg, thịt vai trâu 5.824kg, thịt bắp hoa trâu 200kg, thịt nạm trâu 22.428kg) phải chịu thuế suất nhập khẩu là 14%, nhưng Nguyễn Thế A lại khai báo toàn bộ lô hàng gồm 167.968 kg này chỉ là 01 loại thịt trâu đông lạnh không xương dạng vụn để hưởng thuế suất nhập khẩu 8%, làm thất thu thuế nhập khẩu là 1.512.836.491 đồng.

Sau khi bị phân luồng vàng và kiểm tra thực tế, lô hàng bị phát hiện và không cho thông quan thì Nguyễn Thế A mới dùng các hợp đồng giả mạo xin khai lại và nộp thuế bổ sung.

Hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Thế A đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Buôn lậu” là có cơ sở, đúng người, đúng tội.

[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị đề nghị áp dụng quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, tăng nặng hình phạt của bị cáo A. Hội đồng xét xử xét thấy:

Bị cáo Nguyễn Thế A là giám đốc Công ty C. Trong quá trình nhập khẩu hàng hóa, bị cáo A đã cố tình khai sai chủng loại và số lượng hàng hóa để giảm thuế nhập khẩu, tăng lợi nhuận. Ngoài ra để trốn tránh sự phát hiện của Cơ quan hải quan A đã tạo dựng và sử dụng hợp đồng kinh tế giả mạo giữa công ty C và Công ty Allanassons để hợp thức hóa hồ sơ hải quan. Khi bị phát hiện, A tiếp tục gửi kèm các tài liệu giả mạo khác để qua mặt cơ quan chức năng để giải trình việc nhầm lẫn, xin nộp thuế bổ sung và xin nhận lại lô hàng.

Xét, bị cáo đã có hành vi buôn bán hàng hóa qua biên giới trái quy định của pháp luật là đã phạm vào tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 153 Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, do tại thời điểm xét xử, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực thi hành, do quy định tại Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nhẹ hơn so với Khoản 4 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 nên cần áp dụng Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội nên cần áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để xét xử bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng mục đích của bị cáo là nhằm trốn thuế theo quy định tại Khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để xử phạt bị cáo là có cơ sở. Đồng thời luật sư cho rằng các bản án số 67/2017/HSST ngày 01/3/2017 và bản án số 204/2018/HSST ngày 18/6/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử các bị cáo khác về hành vi tương tự nhưng đều áp dụng khung hình phạt của tội Trốn thuế khi xét xử các bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.

Hội đồng xét xử xét thấy: Các vụ án được giải quyết là hoàn toàn độc lập, các bản án nêu trên không phải là án lệ nên không có giá trị áp dụng.

Tại Điểm e Khoản 1 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định lại như sau: “e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;” Tuy động cơ của bị cáo A là để trốn thuế nhập khẩu, tuy nhiên, trong vụ án này, lô hàng mà bị cáo A nhập về đã bị cơ quan Hải quan phát hiện là có vi phạm nên thực hiện việc kiểm tra và không cho thông quan. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính quy định về việc khai bổ sung hồ sơ Hải quan thì “Người khai hải quan được khai bổ sung hồ sơ hải quan sau khi Hệ thống phân luồng tờ khai nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan”. Như vậy, hành vi của bị cáo A không thuộc trường hợp được khai bổ sung theo quy định nên không thuộc trường hợp được khai bổ sung nhưng không khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như bào chữa của luật sư.

Do đó, không chấp nhận ý kiến bào chữa của Luật sư về việc áp dụng khung hình phạt của tội trốn thuế đối với bị cáo.

Theo nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, Nguyễn Thế A có hành vi khai sai hàng hóa so với thực tế làm thất thu thuế trên 1.000.000.000 đồng nên vận dụng theo hướng có lợi cho bị cáo, áp dụng Khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 để áp dụng hình phạt là không có căn cứ pháp luật như đã phân tích ở trên.

Do đó, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thế A.

[3] Về hình phạt:

Do khung hình phạt tại Điểm a Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 là từ 12 năm đến 20 năm, xét bị cáo A có nhân thân xấu, hàng hóa bị cáo buôn lậu có khối lượng lớn nên cần có một mức án thật nghiêm khắc để răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Mức án 04 năm 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩ m đã xét xử bị cáo là chưa phù hợp với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tăng hình phạt đối với bị cáo A; không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Tuy nhiên, khi lượng hình Hội đồng xét xử cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo: Bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo; ăn năn hối cải; trong quá trình tạm giam thì bị cáo đã lập công trong việc kịp thời cứu giúp bị can cùng phòng giam tự tử nên áp dụng Điểm s, u Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu.

[4] Bị cáo A đề nghị trả lại cho bị cáo số tiền 7.249.604.000 đồng trừ đi số tiền lưu kho bãi theo quy định. Hội đồng xét xử xét thấy: Số tiền 7.249.604.000 đồng là số tiền bán hàng hóa (thịt trâu) mà bị cáo đã “buôn lậu” vào Việt Nam. Đây là số tiền bán tang vật của vụ án nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước. Do đó, không chấp nhận kháng cáo yêu cầu trả lại số tiền này của bị cáo.

[5] Về án phí:

Do không chấp nhận kháng cáo của bị cáo nên bị cáo Nguyễn Thế A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điểm b khoản 1 Điều 355; Điểm a Khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

1/ Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế A. Sửa bản án sơ thẩm.

2/ Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s, u khoản 1 Điều 51; Điều 54; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội;

Xử phạt: Nguyễn Thế A 10 (mười) năm tù về tội “Buôn lậu”, thời hạn tù tính từ ngày 09/01/2017.

Tiếp tục tạm giam bị cáo Nguyễn Thế A theo quyết định của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.

3/ Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Buộc bị cáo Nguyễn Thế A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1509
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 811/2019/HS-PT ngày 05/12/2019 về tội buôn lậu

Số hiệu:811/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:05/12/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về