TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN P, TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 80/2019/HS-ST NGÀY 28/06/2019 VỀ TỘI SỬ DỤNG TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Ngày 28 tháng 6 năm 2019, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 62/2019/TLST-HS, ngày 26 tháng 4 năm 2019; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 76/2019/QĐXXST-HS ngày 03 tháng 6 năm 2019 đối với bị cáo:
Họ và tên Nguyễn Mạnh H tên gọi khác Nguyễn Văn H, sinh năm: 1960; Nơi ĐKHKTT: Xóm P 1, xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên; Chỗ ở hiện nay: Phố T, xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên Nghề nghiệp: Cán bộ hưu trí; Trình độ văn hoá: 10/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 15/01/2019, bị UBKT huyện ủy P ra quyết định số 37-QĐ/UBKTHU về đình chỉ sinh hoạt đảng; Con ông: Nguyễn Văn T (đã chết) và bà: Nguyễn Thị M, sinh năm 1929; Vợ: Nguyễn Thị L, sinh năm 1964 và có 02 con (con lớn sinh năm 1983, con nhỏ sinh năm 1985); Gia đình bị cáo có 06 chị em, bị cáo là con thứ 03; Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo không bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày nào, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Hiện đang tại ngoại tại địa phương. (Có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Ông Chu Quang S, sinh năm: 1960.
Nơi cư trú: Thôn N, xã B, huyện B, tỉnh Hà Nam.
(Có đơn xin xét xử vắng mặt)
2. Ông Hà Văn P, sinh năm: 1951.
Nơi cư trú: Tổ 6, phường S, TP.C, tỉnh Cao Bằng.
(Có đơn xin xét xử vắng mặt)
3. Ông Hoàng Văn T, sinh năm: 1948.
Nơi cư trú: Tổ 28, phường H, TP.C, tỉnh Cao Bằng. (Có đơn xin xét xử vắng mặt)
- Người làm chứng:
1. Ông Bùi Văn H, sinh năm: 1960.
Nơi cư trú: Xóm T, xã K, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)
2. Ông Nguyễn Văn P, sinh năm: 1960.
Nơi cư trú: Xóm P 1, xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tháng 3 năm 1978, Nguyễn Mạnh H, sinh năm 1960, trú quán: phố T, xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên nhập ngũ và được điều về đơn vị C1- D4 đóng quân tại xã C, huyện Q, tỉnh C. Đến ngày 28/5/1983, H được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh C cho xuất ngũ. Theo H khai, ngày 17/2/1979 trong quá trình chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, Hà bị một mảnh đạn pháo văng vào phía dưới mắt trái bị thương nhưng không báo cáo với chỉ huy đơn vị biết và một thời gian sau vết thương tự khỏi. Đến khoảng tháng 8 năm 2001, H biết được Nhà nước đang có chính sách rà soát đối với những người tham gia chiến đấu và bị thương vào thời điểm mà H tham gia quân đội để cho hưởng chế độ thương binh nên H cùng với ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1960, trú quán: xóm P 1, xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên và Bùi Văn H, sinh năm 1960, trú quán: xóm T, xã K, huyện P, Thái Nguyên đến Ban chính sách-Phòng chính trị thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng với mục đích liên hệ tìm hồ sơ, xin cấp tài liệu cho bản thân về việc đã bị thương trong chiến đấu tại tỉnh C để mang về địa phương làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ thương binh cho mình.
Tại đây, cả ba người có làm việc với ông Chu Quang S, sinh năm 1960, trú tại: Thôn N, xã B, huyện B, tỉnh Hà Nam (tại thời điểm đó ông S giữ chức vụ làm Trợ lý chính sách, hiện tại ông S đã nghỉ hưu). Sau khi nghe Hà cùng các ông H, P trình bày: Ông S đã lấy cho những người này xem sổ danh sách quân nhân bị thương trong khi chiến đấu năm 1979. Quá trình kiểm tra, đối chiếu các thông tin trong danh sách thì chỉ có tên ông H, còn H và ông P không có tên trong danh sách này. Do quy trình giải quyết các thủ tục không xong trong ngày hôm đó, nên ông S đã bố trí cho H cùng ông H và ông P nghỉ lại tại nhà khách của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng để hôm sau giải quyết tiếp công việc.
Do biết mình không có tên trong danh sách những người bị thương, H đã chủ động tự đi tìm gặp ông S đưa cho Sáng số tiền là 3.000.000 đồng và nhờ ông S làm giúp các giấy tờ chứng nhận là bị thương trong khi chiến đấu để H về địa phương làm thủ tục hưởng chế độ thương binh, ông S đồng ý. Sau khi nhận tiền của H, ông S đã tự mình dùng bút mực viết thêm tên và một số thông tin của H vào số thứ tự số 36 của danh sách quân nhân bị thương chiến đấu tại huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Sau khi đã điền xong các thông tin vào trong danh sách, ông S chỉ phô tô tờ danh sách có một mình tên Hà ra vì ông S sợ bị người khác phát hiện ra nếu phô tô toàn bộ danh sách do nét chữ số 36 khác biệt với nét chữ của 35 trường hợp còn lại. Sau đó, ông S tiếp tục tự mình viết giấy chứng nhận bị thương số 847 ngày 9/8/2001 tham mưu trình Lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu. Sau khi đã hoàn thiện các giấy tờ, ký tên đóng dấu xác nhận thì ông S đã đưa toàn bộ cho H những giấy tờ nêu trên và dặn H không được nói việc này cho ai biết.
Sau khi lấy được các giấy tờ nêu trên, Nguyễn Mạnh H mang về địa phương và sử dụng các giấy tờ này đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương làm hồ sơ để hưởng chế độ thương binh cho bản thân mình. Đến ngày 10/7/2003, Tư lệnh Quân khu I ra quyết định số 192/QĐ-AQ-KI quyết định cho Hà được hưởng chế độ thương binh kể từ ngày 16/01/2003 với tỷ lệ mất sức lao động là 32%.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ các giấy tờ, tài liệu gồm:
+ 01 giấy chứng nhận bị thương số 847/GCNBT đề ngày 09/8/2001 mang tên Nguyễn Mạnh H, dưới mục thủ trưởng - Phó chỉ huy trưởng có hình dấu tròn đỏ nội dung “Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng - Quân Khu I” và chữ ký của Đại tá Hoàng Văn T;
+ 01 giấy xác nhận số 847/GXN đề ngày 09/8/2001, dưới mục “Chủ nhiệm chính trị” có hình dấu đó nội dung “Bộ C.H.Q.S TỈNH CAO BẰNG- PHÒNG CHÍNH TRỊ” và chữ ký của Đại tá Hoàng Văn P;
+ 01 bản sao bản chính “Sổ danh sách quân nhân bị thương chiến đấu”. Dưới mục “ngày 09/01/2001 sao nguyên bản chính có hình dấu tròn đỏ nội dung: BỘ C.H.Q.S TỈNH CAO BẰNG - PHÒNG CHÍNH TRỊ” và chữ ký mang tên Đại tá Hoàng Văn P;
+ 01 “sổ danh sách quân nhân bị thương chiến đấu”, tại số thứ tự số 36, tờ số 13 có chữ viết nội dung: “36. Nguyễn Mạnh H, sinh năm 1960, xã T, huyện P, Bắc Thái 5.78 b1 C.Sỹ C1 d4 Quảng Hòa 6.3.1979 chiến đấu Cách Ninh Quảng Hòa VT: Mắt trái + đầu gối trái (ký hiệu A4)”
Tại bản kết luận giám định số 1033 ngày 13/9/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thái Nguyên kết luận:
1. Hình dấu tròn nội dung “BỘ C.H.Q.S TỈNH CAO BẰNG - QUÂN KHU I ” trên tài liệu (ký hiệu A1) so với hình dấu tròn đỏ có cùng nội dung trên các tài liệu so sánh (ký hiệu M1, M3) do cùng một con dấu đóng ra.
2. Hình dấu tròn đỏ nội dung “BỘ C.H.Q.S TỈNH CAO BẰNG - PHÒNG CHÍNH TRỊ”trên các tài liệu giám định (ký hiệu A2, A3) so với hình dấu tròn đỏ cùng nội dung trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M2, M4) do cùng một con dấu đóng ra.
3. Hình dấu đỏ nội dung “Thượng tá Hoàng Văn P” trên các tài liệu cần giám định (ký hiệu A2, A3) so với hình dấu có cùng nội dung trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M2) do cùng một con dấu đóng ra.
4. Hình dấu đỏ nội dung “Đại tá Hoàng Văn T” trên tài liệu cần giám định (ký hiệu A1) so với hình dấu có cùng nội dung trên các tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M1, M3) do cùng một con dấu đóng ra.
5. Chữ ký mang tên “Đại tá Hoàng Văn T” trên tài liệu cần giám định (ký hiệu A1) so với chữ ký mang tên “Đại tá Hoàng Văn T” trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M3) do cùng một người ký ra.
6. Chữ ký mang tên “Thượng tá Hà Văn P” trên tài liệu cần giám định (ký hiệu A3) so với chữ ký mang tên “Thượng tá Hà Văn P” trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M2, M4) do cùng một người ký ra.
7. Không đủ cơ sở kết luận chữ viết tại số thứ tự 36, tờ số 13 (không tính bìa) trên “Sổ danh sách quân nhân bị thương chiến đấu” (ký hiệu A4) so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M2, M3, M4) có phải cùng một người viết ra hay không. Công văn số 24/PLĐTBXH, ngày 25/02/2019 của Phòng lao động, thương binh và xã hội huyện P về việc tính số tiền trợ cấp và các chế độ khác đã hưởng của ông Nguyễn Mạnh H. Thời gian tính từ năm 2003 đến tháng 9/2018, tổng số tiền trợ cấp và chế độ khác mà ngân sách Nhà nước đã trả cho Nguyễn Mạnh H là 164.941.400 đồng (Một trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn bốn trăm đồng). Quá trình điều tra Nguyễn Mạnh H đã nộp lại toàn bộ số tiền 164.941.400 đồng (Một trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn bốn trăm đồng).
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Mạnh H thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã khai tại Cơ quan điều tra.
Tại bản cáo trạng số 70/CT-VKS-PB ngày 22/4/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên truy tố Nguyễn Mạnh H tên gọi khác Nguyễn Văn H về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo điểm c khoản 3 Điều 341 của Bộ luật hình sự.
Trong phần nội dung luận tội, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện P sau khi phân tích, đánh giá các tài liệu chứng cứ xác định: Mặc dù bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, nhưng xét thấy bị cáo là người có nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự, bản thân bị cáo đã có thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới phía bắc chống quân xâm lược năm 1979. Trong quá trình công tác sau khi giải ngũ cũng có nhiều thành tích đóng góp cho địa phương và hoàn thành công việc chuyên môn, hiện là cán bộ hưu trí tại địa phương. Bản thân bị có nơi cư trú rõ ràng, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.
Từ phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử khi lượng hình cần xem xét một cách toàn diện, cân nhắc tuyên xử bị cáo một hình phạt vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cũng thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước và có thể xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương. Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Mạnh H phạm tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 341; điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Nguyễn Mạnh H từ 36 đến 42 tháng tù và cân nhắc xem xét có thể cho bị cáo được cải tạo tại địa phương. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự:
- Tịch thu tiêu hủy 01 giấy chứng nhận thương binh số 58776 cấp ngày 10/7/2003 cấp cho Nguyễn Manh H;
- Tịch thu 164.941.400 đồng (Một trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn bốn trăm đồng) của bị cáo H do phạm tội mà có để sung vào Ngân sách Nhà nước;
- Đối với 3.000.000đồng do ông Chu Quang S giao nộp trong quá trình điều tra, CQĐT đã tách và chuyển cùng tài liệu có liên quan đến CQĐT Công an TP.C, tỉnh Cao Bằng để giải quyết theo thẩm quyền.
Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Lời nói sau cùng bị cáo rất ân hận về việc làm sai trái của mình chỉ xin Hội đồng xét xử khoan hồng và xem xét giảm nhẹ hình phạt thấp nhất cho bị cáo và cho được hưởng án treo cải tạo tại địa phương để trở thành công dân tốt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên Cơ quan điều tra Công an huyện P, tỉnh Thái Nguyên; của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa, lời khai nhận tội của bị cáo đúng như nội dung cáo trạng đã truy tố và phù hợp với chính lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với vật chứng thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ khẳng định:
Bị cáo Nguyễn Mạnh H không phải là thương binh, nhưng vào năm 2001, Hà đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng và nhờ ông Chu Quang S là cán bộ trợ lý chính sách làm các tài liệu giả mạo gồm: 01 giấy chứng nhận bị thương và 01 giấy xác nhận bị thương đều mang tên Nguyễn Mạnh H. Sau đó, H về địa phương tại xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên và sử dụng các tài liệu giả này làm hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận cho mình là thương binh. Từ các tài liệu giả này, ngày 10/7/2003 Tư lệnh Quân Khu I đã ra quyết định số 192/QĐ-AQK.I cho H được hưởng chế độ thương binh kể từ ngày 16/01/2003 với tỷ lệ mất sức lao động là 32% (Ba mươi hai phần trăm). Thời gian H được hưởng trợ cấp và các chế độ của Nhà nước tính từ năm 2003 đến tháng 9/2018, thì tổng số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt được từ ngân sách Nhà nước là: 164.941.400 đồng (Một trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn bốn trăm đồng). Toàn bộ số tiền này bị cáo H đã tự nguyện giao nộp cho CQĐT.
Hành vi của Nguyễn Mạnh H có đủ yếu tố cấu thành tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo điểm c khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự. Cáo trạng truy tố các bị cáo về tội danh nêu trên là có căn cứ đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Theo quy định tại Điều 341 của Bộ luật hình sự:
1. Người nào...sử dụng...tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
c. Thu lời bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên”
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000đồng đến 50.000.000đồng.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của cơ quan Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, gây bức xúc cho nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Hành vi đó cần phải xử lý nghiêm minh bằng pháp luật hình sự để răn đe phòng ngừa chung.
[4]. Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
[5]. Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 của Bộ luật hình sự.
[6]. Xét nhân thân, tính chất mức độ tội phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo là người có nhân thân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự là cán bộ hưu trí, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào, có nơi cư trú rõ ràng. Nguyên nhân phạm tội do bị cáo muốn được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người có công trong cuộc kháng chiến chống Tàu tháng 02 năm 1979, nên bị cáo đã có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức để trục lợi cá nhân là 164.941.400 đồng. Từ phân tích nội dung nêu trên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc một mức án tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra và xét thấy không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, cho bị cáo được hưởng án treo vẫn có thể cải tạo, giáo dục trở thành công dân tốt.
[7]. Hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách: Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02(hai) lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
[8]. Về hình phạt bổ sung: Bị cáo là người được hưởng chế độ hưu trí có mức thu nhập thấp chỉ đủ sinh hoạt cho bản thân, nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
[9]. Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:
- 01 giấy chứng nhận thương binh số 58776 cấp ngày 10/7/2003 cấp cho Nguyễn Manh H không có giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy;
- Tịch thu 164.941.400 đồng (Một trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn bốn trăm đồng) của bị cáo H do phạm tội mà có để sung vào Ngân sách Nhà nước;
[10]. Xét đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát trong lời luận tội đối với các bị cáo như đề nghị về tội danh, điều luật áp dụng, mức hình phạt là phù hợp với quy định của pháp luật cần chấp nhận.
[11]. Đối với Chu Quang S là người có hành vi làm giả các giấy tờ chứng nhận thương binh cho Nguyễn Mạnh H và một số người nguyên là lãnh đạo của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng đã ký xác nhận vào các tài liệu do S làm giả. Tuy nhiên hành vi của S cũng như những người này xảy ra trên địa bàn thành phố C, tỉnh Cao Bằng và đến nay S và những người này không phải là quân nhân nên Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện P đã chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan đến Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố C, tỉnh Cao Bằng để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
[12]. Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm sung quỹ Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[13]. Về quyền kháng cáo: Bị cáo; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ, áp dụng pháp luật:
- Điểm c khoản 3 Điều 341; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 65; Điều 47 Bộ luật Hình sự;
- Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 326 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Mạnh H tên gọi khác Nguyễn Văn H phạm tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”
2. Về hình phạt chính: Xử phạt Nguyễn Mạnh H 03 (ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 (năm) năm. Tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Mạnh H cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện P, tỉnh Thái Nguyên giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách: Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02(hai) lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
3. Về xử lý vật chứng và các biện pháp tư pháp:
- Tịch thu tiêu hủy của bị cáo H 01 giấy chứng nhận thương binh số 58776 cấp ngày 10/7/2003;
- Tịch thu của bị cáo H 164.941.400 đồng (Một trăm sáu mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn bốn trăm đồng) để sung vào Ngân sách Nhà nước;
(Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 23/5/2019 và Ủy nhiệm chi ngày 02/5/2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra của Công an huyện P và Chi cục Thi hành án dân sự huyện P).
4. Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) để sung vào ngân sách Nhà nước.
5. Thông báo quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án. Vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết.
Bản án 80/2019/HS-ST ngày 28/06/2019 về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Số hiệu: | 80/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phú Lương - Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/06/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về