TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 80/2018/HS-ST NGÀY 01/11/2018 TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI
Ngày 01 tháng 11 năm 2018 tại Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 79/2018/TLST-HS, ngày 10 tháng 10 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 80/2018/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 10 năm 2018 đối với bị cáo:
Phạm Thị M, sinh ngày 13 tháng 6 năm 1971, tại huyện Y, tỉnh Ninh Bình. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở: Thôn V, xã H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T và bà Nguyễn Thị N (đều đã chết); chồng: Lại Năng T1, sinh năm 1965; con: Có 02 con, lớn sinh năm 1994, nhỏ sinh năm 1995; tiền án, tiền sự: Không có; nhân thân: Ngày 21/12/2012 buôn bán hàng Trung Quốc nhập lậu bị Công an huyện Văn Lãng xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 09 tháng 7 năm 2018 đến nay, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
1, Anh Lương Kiến B, sinh năm 1982. Nơi cư trú: Số 110, đường N, khu N, thị trấn Đ, huyện C, tỉnh Lạng Sơn, có mặt.
2, Chị Hoàng Thị Lan A, sinh năm 1977. Nơi cư trú: Thôn K, xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.
3, Anh Phạm Văn T3, sinh năm 1994. Nơi cư trú: Xóm T, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình, vắng mặt.
4, Anh Trần Quang H, sinh ngày 26 tháng 5 năm 2002, người giám hộ bà Hà Thị T4 (là mẹ đẻ của Trần Quang H). Cùng cư trú: Số 08, khu V, thị trấn Đ, huyện C, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.
5, Anh Phạm Xuân H1, sinh năm 1983. Nơi cư trú: Thôn N, xã K, huyện Y,
tỉnh Ninh Bình, vắng mặt.
6, Anh Chu Văn H2, sinh năm 1986. Nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện C, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Hồi 05 giờ 30 phút ngày 12/4/2018, Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đồn Công an Đồng Đăng, Công an huyện Cao Lộc đang làm nhiệm vụ phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát: 12C- 066.13 do Lương Kiến B, trú tại: Khu N, thị trấn Đ, huyện C điều khiển theo hướng từ thị trấn Đ về khu Trung tâm Thương mại Đ có dấu hiệu chở hàng hóa vi phạm. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng hóa trên ô tô gồm: 4.000 bao thuốc lá điếu do Trung Quốc sản xuất, 2.300 bao thuốc lá điếu có nhãn hiệu của công ty Bắc Sơn và Vinataba của Việt Nam không dán tem thuốc lá điếu sản xuất trong nước; 800 đôi giầy thể thao nữ cỡ người lớn sản xuất ngoài Việt Nam; 10 kg đồ trang sức gồm: Nhẫn, lắc đeo tay, vòng đeo tay, hoa tai bằng mạ kim loại màu vàng. Lái xe đồng thời là chủ phương tiện, ông Lương Kiến B không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp tại thời điểm kiểm tra.
Xét thấy có dấu hiệu tội phạm, Đội Quản lý thị trường số 2 đã chuyển hồ sơ vụ việc, phương tiện cùng toàn bộ tang vật vi phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc, kiến nghị khởi tố về vụ việc trên. Qua kiểm tra, xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị M về tội: Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự, để điều tra theo quy định của pháp luật.
Các vật chứng thu giữ trong vụ án gồm:
- 6.300 bao thuốc lá điếu, nguyên cây gồm: Black Owl loại bao giấy 500 bao (50 cây), Black Owl loại bao sắt: 300 bao (30 cây), CT Minh: 1.500 bao (150 cây), Chunghwa: 3.000 bao (300 cây), Tupongwang: 1.000 bao (100 cây).
- 10 kg đồ trang sức bằng kim loại, đá các loại chưa qua sử dụng.
- 800 đôi giày thể thao nữ chưa qua sử dụng.
- 01 xe ô tô tải nhãn hiệu THACO màu xanh, biển kiểm soát: 12C-06613, số khung: 45ACHC047118, số máy: 4bAH01515415 cũ đã qua sử dụng.
Tại Cơ quan điều tra, bị cáo Phạm Thị M khai nhận: Do bản thân làm công việc nhận vận chuyển thuê hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam nên bị cáo M quen biết với một số chủ hàng bên Trung Quốc. Ngày 11/4/2018, Phạm Thị M có việc gia đình không trực tiếp sang chợ L, Trung Quốc nhận hàng hóa vận chuyển về Việt Nam, nhưng một chủ hàng người Trung Quốc tên K2 vẫn thuê Phạm Xuân H1, trú tại: xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình đang làm thuê tại chợ Lũng Vài, đóng gói và cân 04 bao hàng, rồi ghi lên các bao hàng dòng chữ M “Đ Đ” cùng số điện thoại 0982117266 của M và số cân của các bao hàng. Sau khi đóng gói, 04 bao hàng được để tại một kho của chợ L, người đàn ông tên K2 tiếp tục gọi cho Phạm Văn T3, trú tại: xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình đến kho chuyển hàng và thông báo cho M. Khoảng 19 giờ cùng ngày, sau khi ghi lại thông tin về số cân của các bao hàng, T3 gọi điện cho M thông báo về việc ông K2 có 04 bao hàng thuê M vận chuyển về Trung tâm Thương mại Đ tại Việt Nam, lúc này H1, T3, M đều không biết chính xác chủng loại hàng hóa mà ông K2 nhờ M vận chuyển. Do trời đã tối, không thể làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định nên M nghĩ đến việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam qua đường đồi khu vực bãi 06 bên Trung Quốc, nơi có nhiều cửu vạn tập trung vác hàng thuê qua biên giới. M cho T3 số điện thoại của Chu Văn H2, trú tại: xã T, huyện C là người lái xe lôi tại chợ L, rồi bảo T3 gọi điện cho H2 đến chở hàng lên bãi 06, M trả cho T3 70.000 đồng/ bao hàng để T3 tự trả tiền xe lôi. T3 gọi H2 đến, trả cho H2 50 Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc) rồi cùng H2 xếp 04 bao hàng của M lên xe lôi. Khi H2 chở hàng đến bãi 06 thì những người vác hàng thuê tại đây tự đến vác các bao hàng qua đường đồi về Việt Nam.
Khoảng 05 giờ ngày 12/4/2018, Hoàng Thị Lan A, trú tại: xã T, huyện V là người vác hàng thuê tại khu vực đường mòn 06, khu N, thị trấn Đ, được một người phụ nữ không quen biết nhờ gọi giúp một xe ô tô chở hàng hóa. Lan A gọi cho Lương Kiến B đến đường mòn 06 để chở hàng. B một mình điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát: 12C- 066.13 đến nơi, nhận 08 bao hàng, trong đó có 04 bao hàng của Phạm Thị M, được yêu cầu trả cho một người có tên Trần Quang H (có số điện thoại kèm theo) tại Trung tâm Thương mại Đ, 04 bao còn lại trả tại kho B, xã T, huyện V, những người nhận hàng sẽ thanh toán tiền công cho B. Khi B chở hàng đến khu vực hầm Trung tâm Thương mại Đ thì bị kiểm tra, phát hiện hàng hóa không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc như đã nêu trên.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 31/KLĐGTSHS ngày 28/6/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Cao Lộc kết luận: 6.300 bao thuốc lá và 10 kg đồ trang sức bằng kim loại, đá có giá trị 266.900.000 đ (Hai trăm sáu mươi sáu triệu, chín trăm nghìn đồng); 800 đôi giày thể thao nữ có giá trị 32.000.000 đ (Ba mươi hai triệu đồng).
Bản cáo trạng số 80/CT-VKS, ngày 08/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã truy tố bị cáo Phạm Thị M tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa: Bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi pham tội của mình như tại cơ quan điều tra và cáo trạng truy tố, bị cáo thừa nhận bị cáo nhận vận chuyển hàng thuê cho một người Trung Quốc tên là K2 bốn bao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và bị bắt giữ.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên cáo trạng truy tố và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, đồng thời đánh giá động cơ, mục đích, tác hại của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Thị M phạm tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Về hình phạt: Áp dụng khoản 1, 4 Điều 189; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 50, 65 của Bộ luật hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Thị M từ 12 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 36 tháng. Áp dụng hình phạt bổ sung phạt bị cáo từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Về vật chứng của vụ án: Căn cứ vào điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị:
Tịch thu tiêu hủy: 6.300 bao thuốc lá điếu, nguyên cây gồm: Black Owl loại bao giấy 500 bao (50 cây), Black Owl loại bao sắt: 300 bao (30 cây), CT Minh: 1.500 bao (150 cây), Chunghwa: 3.000 bao (300 cây), Tupongwang: 1.000 bao (100 cây).
Tịch thu nộp ngân sách nhà nước 10 kg đồ trang sức bằng kim loại, đá các loại chưa qua sử dụng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Bị cáo đã khai nhận rõ hành vi phạm tội của mình. Trong các ngày 11, 12/4/2018, với mục đích vận chuyển hàng hóa để nhận tiền công, Phạm Thị M đã nhận 04 bao hàng từ phía Trung Quốc dù không biết chính xác chủng loại, nguồn gốc hàng hóa, sau đó không khai báo thủ tục nhập khẩu với lực lượng chức năng mà vận chuyển về Việt Nam theo đường đồi thuộc khu vực bãi 06, khu N, thị trấn Đ, huyện C. Khoảng 05 giờ 30 phút ngày 12/4/2018, tại khu vực hầm Trung tâm Thương mại Đ, thị trấn Đ, huyện C Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đồn Công an Đồng Đăng, Công an huyện Cao Lộc kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát: 12C-066.13 do Lương Kiến B điều khiển, phát hiện 04 bao hàng của Phạm Thị M không có hóa đơn, giấy tờ nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ gồm: 6.300 bao thuốc lá điếu; 10 kg đồ trang sức. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Huyện Cao Lộc kết luận; số hàng hóa vi phạm trên có giá trị là: 266.900.000đ (Hai trăm sáu mươi sáu triệu, chín trăm nghìn đồng). Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người liên quan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Như vậy đã có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Phạm Thị M phạm tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại khoản 1, Điều 189 Bộ luật Hình sự.
[2] Cáo trạng số 80/CT-VKS, ngày 08/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã truy tố bị cáo Phạm Thị M về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại khoản 1, Điều 189 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3] Đây là vụ án Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hành vi của bị cáo tuy ít nghiêm trọng nhưng đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa, bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo biết rõ hành vi vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam qua đường đồi, không làm thủ tục là trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại đến trật tự quản lý kinh tế về quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa, gây lũ loạn thị trường trong nước, gây thất thoát thuế nhập khẩu hàng hóa. Hành vi phạm tội của bị cáo cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật để giáo dục bị cáo và răn đe, làm gương cho những người khác có ý định thực hiện hành vi phạm tội tương tự.
[4] Để cá thể hoá hình phạt, ngoài việc xem xét tính chất, hành vi phạm tội nêu trên thì còn phải xem xét đến nhân thân, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt. Về nhân thân: Bị cáo đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính bị cáo đã chấp hành xong hình phạt; tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự; tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiệm trọng; bị cáo có bố đẻ là ông Phạm Văn T được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng ba và chồng là anh Lại Năng T1 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
[5] Từ những phân tích trên khi lượng hình cần quyết định một hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, bảo đảm tính giáo dục và có tính răn đe, phòng ngừa chung.
[6] Do thường xuyên sang Trung Quốc nhận vận chuyển hàng thuê từ Trung Quốc về Việt Nam và do hám lợi bị cáo Phạm Thị M đã vận chuyền hàng hóa trái phép qua biên giới, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và thật sự hối hận về hành vi phạm tội của mình, bị cáo có nơi cư trú cụ thể rõ ràng nên không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù giam cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cải tạo tại địa phương là phù hợp để bị cáo thấy được chính sách khoan hồng của pháp luật, tự giác cải tạo tốt trở thành người có ích cho xã hội. Hành vi của bị cáo là vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để hưởng lợi, bị cáo có khả năng thi hành hình phạt bổ sung nên cần áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
[7] Luận tội của Kiểm sát viên về tội danh, về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện và về mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo là có căn cứ, đúng với quy định của pháp luật.
[8] Trong quá trình điều tra, truy tố quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên đúng theo quy định của pháp luật.
[9] Đối với Phạm Xuân H1, Phạm Văn T3, Chu Văn H2, là những người làm thuê theo yêu cầu của chủ hàng, không biết chính xác chủng loại, nguồn gốc hàng hóa và phương thức, thủ tục vận chuyển hàng về Việt Nam nên hành vi của những người này không cấu thành tội phạm.
[10] Đối với Lương Kiến B, Hoàng Thị Lan A, không biết chính xác chủng loại, nguồn gốc hàng hóa nhưng liên quan đến việc vận chuyển hàng tại Việt Nam. Hành vi của B và Lan A không cấu thành tội phạm nhưng phải bị xử lý hành chính.
[11] Đối với Trần Quang H là người nhận hàng tại Trung tâm Thương mại Đ. Thời điểm xảy ra vụ án H chưa đủ 16 tuổi, bản thân H cũng không biết chính xác mặt hàng do mình nhận nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý mà giao cho gia đình quản lý, giáo dục.
[12] Đối với người đàn ông Trung Quốc tên K2 là chủ hàng bên Trung Quốc, M không biết rõ tuổi, địa chỉ cụ thể và do điều kiện lãnh thổ nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
[13] Về vật chứng của vụ án: 6.300 bao thuốc lá điếu, nguyên cây gồm: Black Owl loại bao giấy 500 bao (50 cây), Black Owl loại bao sắt: 300 bao (30 cây), CT Minh: 1.500 bao (150 cây), Chunghwa: 3.000 bao (300 cây), Tupongwang: 1.000 bao (100 cây) không rõ nguồn gốc vận chuyển trái phép từ nước Trung Quốc về Việt Nam nên tịch thu tiêu hủy; 10 kg đồ trang sức bằng kim loại, đá các loại chưa qua sử dụng xét thấy vẫn còn giá trị sử dụng nên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. Các vật chứng đã thu giữ: 800 đôi giày thể thao nữ là hàng hóa vi phạm nhưng không liên quan đến vụ án, xe ô tô biển kiểm soát 12C-06613 do Lương Kiến B điều khiển chở hàng hóa vi phạm cần xử lý hành chính, Cơ quan điều tra đã chuyển số tang vật trên đến Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn để xử lý theo quy định.
[14] Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào khoản 1, 4 Điều 189; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50, khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự.
Tuyên bố bị cáo Phạm Thị M phạm tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Xử phạt bị cáo Phạm Thị M 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng. Thời hạn tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 01 tháng 11 năm 2018 và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân xã H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã H trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Phạt bị cáo 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) để nộp ngân sách nhà nước.
2. Về vật chứng của vụ án: Căn cứ vào điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tịch thu tiêu hủy: 6.300 bao thuốc lá điếu, nguyên cây gồm: Black Owl loại bao giấy 500 bao (50 cây), Black Owl loại bao sắt: 300 bao (30 cây), CT Minh: 1.500 bao (150 cây), Chunghwa: 3.000 bao (300 cây), Tupongwang: 1.000 bao (100 cây).
Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 10 kg đồ trang sức bằng kim loại, đá các loại chưa qua sử dụng. (Vật chứng hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 9 tháng 10 năm 2018 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cao Lộc).
3. Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bị cáo Phạm Thị M phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng), tiền án phí hình sự sơ thẩm để nộp ngân sách Nhà nước.
4. Quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 80/2018/HS-ST ngày 01/11/2018 tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Số hiệu: | 80/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Cao Lộc - Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về