Bản án 80/2017/HS-PT ngày 22/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 80/2017/HS-PT NGÀY 22/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 22 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 93/2017/HSPT ngày 27 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Lê Thị N, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 57/2017/HSST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện V.

Bị cáo có kháng cáo:

Lê Thị N, sinh năm 1978; trú tại: Thôn B, xã L, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 2/12; Con ông Lê Duy X (đã chết) và bà Vũ Thị T; có chồng là Phùng Minh T1 và có 2 con, con lớn SN 2012, con nhỏ SN 2015; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại, có mặt.

Người bị hại: Chị Phùng Thị T2, sinh năm 1971; trú tại: Thôn B, xã L, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Anh Phùng Minh T1, sinh năm 1967; trú tại: Thôn B, xã L, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

NHẬN THẤY

Theo Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện V và Bản án hình sự sơ thẩm số: 57/2017/HSST ngày 27/9/2017 của Toà án nhân dân huyện V, nội dung vụ án như sau:

Do có mâu thuẫn từ trước giữa bị cáo Lê Thị N và chị Phùng Thị T2 nên khoảng 05 giờ 40 phút ngày 23/10/2016, trên đường chị T2 đi bộ tập thể dục về nhà thì gặp N đang đứng ở cổng nhà N tại thôn B, xã L, huyện V. Chị T2 đi về nhà mở cổng thì thấy N đứng ở cổng nhà N chửi chị T2. Chị T2 đi sang cổng nhà N thì thấy anh Phùng Minh T1 nên nói với anh T1, "mày nhìn vợ mày đấy sống với nó ngày nào nhục ngày đấy". Sau đó, N và chị T2 cãi chửi nhau và thách thức đánh nhau, khi cãi chửi nhau với chị T2, N cầm 01 con dao phay bằng thép màu đen dài 45cm, chuôi dao bằng gỗ dài 10 cm, bản dao có một lưỡi sắc chỗ rộng nhất 07cm của nhà N. Thấy N và chị T2 cãi chửi nhau và thách thức đánh nhau nên anh Phùng Minh T1 (chồng của N) từ trong nhà chạy ra can ngăn nhưng N không nghe mà vẫn cầm dao phay chạy về phía chị T2. Can ngăn N không được nên anh T1 chạy vào nhà đón con nhỏ. Chị T2 dùng tay cầm cát trên đường ném vào người N nên N cầm dao lao về phía chị T2, chị T2 chạy đến đống cát gần đó nhặt một đoạn gậy hình tròn, dài khoảng 40cm đến 50cm, đường kính khoảng 2,5cm quay lại đứng đối diện với N. Khi cả hai cách nhau khoảng 01m thì N cầm dao bằng tay phải vung dao chém một nhát theo hướng từ trên xuống dưới về phía chị T2, chị T2 dùng hai tay cầm đoạn gậy vụt về phía N thì trúng vào lưỡi dao của N làm đoạn gậy bị gãy làm đôi nên mũi dao của N chém vào vùng ngực trái của chị T2. N dùng dao chém nhát thứ hai về phía chị T2 nên chị T2 giơ tay trái đỡ thì bị chém vào bàn tay trái. Sau đó, chị T2 lao vào dùng tay phải ôm chặt người N còn tay trái đỡ tay phải cầm dao của N nhưng N vẫn cầm dao và vẩy chém 02 đến 03 phát trúng vùng đầu, lưng chị T2 làm chị T2 bị thương chảy máu. Sau đó, chị T2 và N ôm, túm nhau vật lộn ngã ra đường bê tông, N vẫn vẩy dao chém trúng vùng đầu của chị T2. Thấy N dùng dao chém chị T2 nên chị Phạm Thị H, Vũ Thị T3, và Nguyễn Thị X1,đều ở thôn B, xã L, huyện V đến can ngăn. Chị H dùng tay giằng được con dao trên tay N và ném tại đống gạch gần hiện trường, hai chân của N quắp chặt hai chân chị T2 nên chị X1 cầm chân N kéo, lôi ra, do N đạp chân và giãy dụa mạnh làm chiếc quần dài N đang mặc bị tụt khỏi người. Được mọi người can ngăn nên chị T2 ngồi dậy dùng tay phải tát khoảng 02 đến 03 phát vào mặt của N rồi đi về nhà. N chạy về nhà cầm 01 con dao phay bằng thép màu đen dài 40cm, chuôi bằng gỗ dài 9cm, thân dao dài 31cm, bản dao rộng nhất 06cm chạy quay lại để chém chị T2 nhưng được mọi người can ngăn nên N mang dao về nhà cất. Sau đó, chị H đưa chị T2 đến Trạm y tế xã L sơ cứu rồi chuyển đến điều trị tại Trung tâm y tế huyện V và chuyển đến Bệnh viện Đ - Hà Nội điều trị đến ngày 28/10/2016 thì ra viện. N bị thương phải đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện V sau đó được gia đình xin chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc điều trị đến ngày 04/11/2016, thì ra viện.

Sau khi nhận được tin báo, Công an xã L đã đến hiện trường vụ án, tiến hành lập biên bản sự việc và thu giữ tại hiện trường 01 con dao phay bằng thép màu đen dài 45cm, chuôi dao bằng gỗ dài 10 cm, bản dao màu đen có một lưỡi sắc chỗ rộng nhất 07cm. Anh Phùng Minh T1 (chồng của Lê Thị N) đã tự nguyện giao nộp cho Công an xã L 01 con dao phay bằng thép màu đen dài 40cm, chuôi bằng gỗ dài 9cm, thân dao dài 31cm, bản dao rộng nhất 06cm.Cùng ngày, Cơ quan điều tra Công an huyện V đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và tổ chức điều tra theo quy định, quá trình điều tra đã tạm giữ: 01 chiếc quần vải loại quần ngố màu đen, cạp chun, mặt trước của quần có 02 chiếc túi đã qua sử dụng; 01 chiếc quần màu đỏ đã cũ, cạp chun, chiều dài 67cm, phần ống quần rộng 17cm, quần có hai túi trước; 01 chiếc áo cộc tay màu tím đã qua sử dụng, mặt trước của áo có in nền chữ màu vàng, ở mặt trước của chiếc áo này có vết rách có kích thước 4,5cm x 1,5cm, mặt sau của áo có vết rách kích thước 4cm x 0,5cm; 01 chiếc áo phông màu đỏ loại cộc tay, mặt trước của áo có in chữ "adidas" màu đen, phần nách bên trái có vết rách kích thước 04cm x 01cm;  01 đoạn gậy tre đã khô có chiều dài 39cm, đường kính 3,5cm; 01 đoạn gậy gỗ dài 1,4m, có hình khúc khuỷu, một đầu có đường kính 4cm, một đầu có đường kính 4,5cm.

Ngày 30/11/2016, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định trưng cầu số 11 và 12 trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành giám định thương tích đối với Lê Thị N và Phùng Thị T2 để làm căn cứ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, chị T2 không đi giám định thương tích và cũng không từ chối giám định thương tích. Cơ quan điều tra đã nhiều lần triệu tập N đến trụ sở làm việc để yêu cầu N đi giám định thương tích nhưng N không có mặt tại nơi cư trú, Cơ quan điều tra cũng không xác định được N đang ở đâu nên không đưa N đi giám định thương tích được.

Đến ngày 07/02/2017, chị Phùng Thị T2 có đơn đề nghị giám định thương tích và đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với người đánh gây thương tích cho mình vào ngày 23/10/2016. Cùng ngày, Cơ quan điều tra đã Trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành giám định thương tích cho chị T2.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 37/TgT ngày 16/3/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận về thương tích của chị Phùng Thị T2:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- 04 vết sẹo vết thương phần mềm vùng thái dương đỉnh chẩm bên trái, mỗi sẹo xếp: 2%; 2%; 2%; 2%;

- Sẹo vết thương phần mềm khoang liên sườn 3- 4 sau lưng trái, xếp:1%;

- Sẹo vết thương phần mềm ngón 1 mặt gan tay trái, xếp: 1%;

- Khâu nối gân gấp vùng 2 ngón 1, xếp: 3%;

- Vỡ bong xương chẩm trái và xương thái dương trái, xếp: 07%.

- Theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 không đánh giá để lại cố tật. "Tổn thương nhánh cảm giác ngón I tay trái do chèn ép nhánh cảm giác thần kinh quay không hoàn toàn. Chèn ép dây thần kinh giữa vị trí cổ bàn tay gây tê ngón II- III- IV bàn tay trái" không có trong danh mục xếp tỷ lệ phần trăm (%) thương tích nên không xếp (%).

- Cơ chế hình thành thương tích: Các thương tích đã mô tả trên có thể làdo vật sắc gây nên.

- Các thương tích đã mô tả trên không ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ.

2. Tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại là: 18% (Mười tám phần trăm) bằng phương pháp cộng lùi. Ngày 01/6/2017, Lê Thị N đi giám định thương tích theo quyết định Trưng cầu giám định số 11 ngày 30/11/2016.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 182/TgT ngày 06/6/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận đối với thương tích của Lê Thị N,

1.  Dấu hiệu chính qua giám định:

- Sẹo vết thương phần mềm vùng đỉnh đầu lệch phải, xếp: 1%;

- Sẹo vết thương phần mềm vùng ô mô cái bàn tay trái, xếp: 1%;

- Sẹo vết thương phần mềm màu trắng ngà đốt II ngón 2 lòng bàn tay trái, xếp: 1%;

- Sẹo vết thương phần mềm mu gốc đốt I ngón 1 bàn tay phải, xếp: 1%;

- Chấn thương sọ não - Chấn động não - Giảm hoạt động điện não: Xếp 3%;

- Theo thông tư số 20/2014/TT-BYT ký ngày 12/6/2014 không đánh giá để lại di chứng cố tật;

- Hiện tại các thương tích đã mô tả trên không ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ.

2. Tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại là: 7% (Bảy phần trăm) bằng phương pháp cộng lùi.

Về dân sự: Chị Phùng Thị T2 yêu cầu bị cáo Lê Thị N phải bồi thường chi phí điều trị thương tích, tiền thuốc là 22.644.000đồng; tiền đi lại là 2.000.000đồng; tiền công người đi nuôi trong 6 ngày nằm viện là 300.000đ/1 ngày x 6=1.800.000đồng, tiền mất thu nhập của bản thân trong 3 tháng (90 ngàyx150.000đồng/1ngày)= 13.500.000đồng, tiền bồi dưỡng sức khỏe và tổn thất về tinh thần là 10.000.000đồng với tổng số tiền là 50.000.000đồng.

Ngày 22/9/2017 bị cáo Lê Thị N đã đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện V tự nguyện nộp số tiền 5.800.000đồng để bồi thường cho chị Phùng Thị T2.

Vật chứng của vụ án: 02 con dao; 01 đoạn gậy gỗ; 01 chiếc quần màu đỏ đã cũ, cạp chun và 01 chiếc áo phông màu đỏ loại cộc tay của Lê Thị N; 01 chiếc quần vải loại quần ngố màu đen, cạp chun và 01 chiếc áo cộc tay màu tím của chị Phùng Thị T2.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 57/2017/HSST ngày 27/9/2017 của Toà án nhân dân huyện V đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Lê Thị N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt: Bị cáo Lê Thị N 02 (hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về bồi thường thiệt hại, tính án phí, tuyên quyền kháng cáo và các vấn đề khác của vụ án.

Sau khi án sơ thẩm xử xong, ngày 10/10/2017 Lê Thị N kháng cáo bản án sơ thẩm. Nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Lê Thị N, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248, điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, sửa bản án sơ thẩm. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm b, p, đ khoản 1 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999, giảm hình phạt cho bị cáo, phạt bị cáo từ 15 tháng tù đến 18 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.

Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng.

XÉT THẤY

[1] Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa Lê Thị N đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của những người làm chứng, phù hợp với thương tích của người bị hại và các kết luận giám định, phù hợp với vật chứng của vụ án, phù hợp với các tài liệu đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với nội dung bản án sơ thẩm đã xét xử, như vậy có đủ cơ sở xác định: Khoảng 05 giờ 40 phút ngày 23/10/2016, tại thôn B, xã L, huyện V chị T2 và bị cáo N cãi chửi nhau, đánh nhau, bị cáo đã dùng 01 con dao phay chém vào vùng ngực, vào đầu, lưng chị T2. Hậu quả chị T2 bị thương phải đi cấp cứu và điều trị đến ngày 28/10/2016, tổn hại sức khỏe là 18%.

Với hành vi như trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 để xét xử bị cáo về tội Cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội, không oan sai.

[2] Xét tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an tại khu vực, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, cần xử lý nghiêm khắc nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Khi xét xử, cấp sơ thẩm đã đánh giá nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đó là: Trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Sau khi phạm tội đã bồi thường được một phần thiệt hại cho người bị hại. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa đánh giá và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, cụ thể: Giữa bị cáo và người bị hại có mâu thuẫn từ trước, bị cáo cũng bị gây thương tích 7% do hành vi trái pháp luật của người bị hại, do vậy cần áp dụng thêm cho bị cáo tình tiết phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Như vậy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa có tiền án tiền sự, hiện tại vợ chồng bị cáo đã sống ly thân, bị cáo đang phải nuôi hai con nhỏ, một cháu dưới 36 tháng tuổi, để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, sớm có thời gian chăm sóc con nhỏ, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm và xem xét áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự để phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, như vậy thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật; đủ tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Án phí: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên Lê Thị N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248, điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 57/2017/HSST ngày 27/9/2017 của Toà án nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuyên bố bị cáo Lê Thị N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt: Bị cáo Lê Thị N 01 (một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án. Lê Thị N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, quyền thi hành án, lãi chậm trả, án phí sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

408
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 80/2017/HS-PT ngày 22/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:80/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về