Bản án 79/2020/HS-PT ngày 29/09/2020 về tội gây rối trật tự công cộng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 79/2020/HS-PT NGÀY 29/09/2020 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 75/2020/TLPT-HS ngày 11 tháng 8 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 68/2020/QĐXXPT-HS ngày 26 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H, do có kháng cáo của các bị cáo và nguyên đơn dân sự đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Ý Yên.

- Bị cáo kháng cáo:

1. Họ và tên: Vũ Duy T, sinh năm 1979; giới tính: Nam; nơi sinh: Thị trấn L, huyện Y, tỉnh Nam Định; nơi cư trú: Tổ 2, Thị trấn L, huyện Y, tỉnh Nam Định; nghề nghiệp: Tự do; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Vũ Duy T1 (đã chết) và bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1952, trú tại tổ 2, Thị trấn L, huyện Y, tỉnh Nam Định; gia đình có 04 anh em, bị cáo là con thứ ba; có vợ là Bùi Thị N, có 01 con sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt).

2. Họ và tên: Dương Thị H, sinh năm 1982; nơi sinh: Thị trấn L, huyện Y, tỉnh Nam Định; nơi cư trú: Tổ 1, khu A, Thị trấn L, huyện Y, tỉnh Nam Định; nghề nghiệp: Tự do; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 8/12; con ông Dương Bá N, sinh năm 1957 trú tại tổ 1, Thị trấn L, huyện Y, tỉnh Nam Định và NLC17 Thị D (đã chết); gia đình có 04 chị em, bị cáo là con thứ nhất; có chồng là Lê Xuân T (đã chết); có 01 con sinh năm 2002; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 13-12-2019 bị xử phạt hành chính phạt tiền 3.500.000đ về hành vi cố ý huỷ hoại tài sản; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt).

- Nguyên đơn dân sự: Công ty cổ phần vận tải H.

Địa chỉ trụ sở: Nhà ông Nguyễn Ngọc H, khu thực phẩm đường 57, xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ngọc H - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty cổ phần vận tải H:

Bà Đỗ Thị Minh T - Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Minh Thu và cộng sự thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định (Có mặt).

Ông Phạm Bá T - Luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Khoa Tín - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội (Có mặt).

- Những người làm chứng:

1. NLC1 (Vắng mặt).

2. NLC2 (Vắng mặt).

3. NLC3 (Vắng mặt).

4. NLC4 (Vắng mặt).

5. NLC5 (Vắng mặt).

6. NLC6 (Vắng mặt).

7. NLC7 (Vắng mặt).

8. NLC8 (Vắng mặt).

9. NLC9 (Vắng mặt).

10. NLC10 (Vắng mặt).

11. NLC11 (Vắng mặt).

12. NLC12 (Vắng mặt).

13. NLC13 (Vắng mặt).

14. NLC14 (Vắng mặt).

15. NLC15 (Vắng mặt).

16. NLC16 (Vắng mặt).

17. NLC17 (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do có mâu thuẫn trong việc tranh giành khách chạy tuyến Ý Yên đi Hà Nội giữa 02 nhà xe Hà Trang và Duy T. Nên sáng ngày 25-6-2019 giữa Vũ Duy T của nhà xe Duy T và phụ xe khách Hà Trang đã xảy ra xô xát.

Khoảng 11h15 cùng ngày 25-6-2019, Vũ Duy T, Dương Thị H, NLC14, NLC12 cùng đến quán ăn của NLC9 ở khu vực Quốc lộ 10 thuộc thôn Tân Lập, xã Yên NLC12 để uống bia. Một lúc sau có NLC11 cũng đến quán để ăn uống cùng. Tại đây, T có nói về việc buổi sáng bị phụ xe Hà Trang đánh. Do biết xe Hà Trang xuất bến vào buổi trưa, nên H, NLC14 nói để tý nữa ra vẫy xe dừng lại hỏi xem là ai. Lúc này, T có việc nên đứng dậy đi Ninh Bình.

Khoảng 12h45 cùng ngày, NLC13 là lái xe điều khiển xe ô tô khách Hà Trang BKS 18B-00992 xuất bến tại phố Cháy, thị trấn Lâm đến thôn Tân Lập, xã Yên NLC12, huyện Ý Yên (Khu vực quán ăn của nhà NLC9) thì Dương Thị H và NLC14 ra tín hiệu dừng xe, NLC13 dừng xe lại mở cửa để NLC14 và H lên xe còn NLC12 và NLC11 vẫn ngồi trong quán. Lúc này, trên xe có ông Nguyễn Ngọc H là chủ xe và NLC14 là phụ xe và có khoảng 07 đến 08 người khách. Khi vào trong xe NLC14 nói “Xuống xe nói chuyện”, NLC16 và ông H nói “Bây giờ bọn em phải lên Hà Nội cho kịp giờ không xuống được”, nên giữa NLC14 và NLC16 xảy ra xô xát, giằng co, đẩy nhau trên xe Hà Trang. NLC13 đứng dậy khỏi ghế lái cầm 01 đoạn tuýp sắt ở cạnh cửa lên xuống giơ lên dọa và đẩy NLC14 xuống cuối xe. Ông H thấy vậy đóng cửa xe lại làm H đang đứng ở cửa lên xuống bị đẩy xuống đường rồi ông H lao vào cùng NLC16, NLC13 giằng co với NLC14. Trong lúc giằng co ông H bị rơi chiếc kính đang đeo làm 02 mắt kính bị bong vỡ. H thấy vậy, dùng tay vỗ dọc thân và cửa lên xuống xe Hà Trang yêu cầu mở cửa thả NLC14 xuống. NLC11, NLC12 thấy vậy cũng chạy ra. NLC11 chạy đến đứng cạnh cửa lên xuống xe Hà Trang, còn NLC12 thì đứng ở giữa sân trước cửa quán ăn.

Lúc này Vũ Duy T về đến quán, thấy xe Hà Trang đang dừng ở lề đường và H đang đứng cạnh cửa lên xuống. T dừng xe ôtô đối đầu với xe Hà Trang, NLC13 điều khiển xe Hà Trang đâm thẳng vào đầu xe T. T liền ra phía sau xe ô tô của mình mở cốp lấy 01 tuýp sắt dạng tròn đường kính 2 cm, dài 66,5 cm và 01 chiếc tay công vặn ốc bánh xe ô tô dạng tròn hình chữ L đường kính 1,2 cm, dài 31,5 cm đi đến chỗ cửa lên xuống xe Hà Trang. H thấy vậy giật lấy chiếc tay công T đang cầm rồi đập 4-5 cái vào kính phía trước cửa lên xuống bên phụ xe ô tô Hà Trang làm vỡ kính. T cầm tuýp sắt chọc NLC14 liên tiếp vào các mảnh kính còn bám trên cửa kính làm các mảng kính vỡ rơi xuống đất. T tiếp tục dùng tuýp sắt luồn qua ô cửa kính vỡ chọc về phía ông H, ông H cũng cầm 01 đoạn ống nhựa dạng tròn màu xanh đường kính 2,5 cm dài 111 cm luồn qua ô kính vỡ chọc về phía T. NLC11 thấy vậy giơ tay lên chỉ về phía ông H nói to nhiều lần “Ông chọc cái gì vậy? thả người ra mau”. NLC12 cũng đi ra nhưng không có lời nói, hành động gì. Sau đó, NLC13 điều khiển xe ô tô Hà Trang đâm thẳng về phía trước trúng vào đầu xe ô tô 7 chỗ của T lần nữa, rồi lùi lại đánh lái sang trái đi qua xe T về hướng Cao Bồ, xã Yên Hồng.

Vũ Duy T điều khiển xe quay đầu lại rồi cùng với H, NLC11 lên xe ôtô đuổi theo xe Hà Trang, đến gần lối vào Cao tốc thấy xe Hà Trang đi chậm lại, T điều khiển xe ôtô chạy vượt lên phía trước xe khách Hà Trang chặn xe lại. Khi T, H, NLC11 vừa mở cửa xe để bước xuống thì NLC13 điều khiển xe đâm thẳng vào đuôi xe ôtô của T làm nắp capô xe T bị gẫy ty còn xe khách của NLC13 bị vỡ kính chắn gió phía trước. NLC13 điều khiển xe Hà Trang vượt xe T đi vào trạm thu phí Cao Bồ dừng lại lấy vé. Lúc này H không thấy xe Hà Trang thả NLC14 xuống, H chạy đuổi theo vài bước rồi chửi to "ĐM mấy con chó".

T và NLC11 lên xe tiếp tục đuổi theo xe Hà Trang còn H không kịp lên xe nên ở lại đó. Khi xe Hà Trang vừa đi qua trạm thu phí thì T điều khiển xe đi vào làn ưu tiên bên ngoài chạy lên trước chặn đầu xe của NLC13. T, NLC11 xuống xe, T cầm theo 01 tuýp sắt cùng NLC11 không cầm gì đi đến xe Hà Trang. Thấy vậy, NLC13 lùi xe lại ra Quốc lộ 10 và quay đầu xe chạy về Công an huyện Ý Yên để trình báo.

Trên đường về Công an huyện Ý Yên, ông H có gọi điện cho vợ là chị NLC17 bảo chị Dương đến Công an huyện Ý Yên trình báo sự việc.

T và NLC11 lên xe ôtô tiếp tục đuổi theo xe Hà Trang, còn H ở lại đi nhờ xe mô tô về ngã ba Cát Đằng. Khi T điều khiển xe ôtô đến ngã ba Cát Đằng thì xe bị chết máy, T để xe lại cho NLC11 trông coi, còn T đi nhờ xe khác về nhà lấy 01 dao Inox và 01 xe mô tô tiếp tục đuổi theo xe Hà Trang lên Công an huyện Ý Yên. T dựng xe mô tô bên ngoài cổng rồi cầm dao đi vào trong sân đến trước đầu xe Hà Trang đang đỗ ở trong sân Công an huyện T giơ dao về phía xe Hà Trang đe dọa, chửi bới.

H về đến ngã ba Cát Đằng thấy xe ôtô của T đỗ ở lề đường, H gọi điện cho T hỏi “Đang ở đâu”, T trả lời “Anh đang ở Công an huyện”. H vứt tay quay lốp trong cốp xe của T rồi bắt ôtô đi nhờ về Công an huyện Ý Yên. Khi đến cổng Công an huyện Ý Yên thấy NLC17 đang cầm điện thoại quay video thì nói “Chị đừng quay nữa”, nhưng NLC17 vẫn tiếp tục quay, H giằng điện thoại của NLC17 đập xuống đường làm điện thoại bị vỡ.

Sau khi vụ việc xảy ra Công an huyện Ý Yên đã phối hợp cơ quan chức năng huyện Ý Yên và tỉnh Nam Định tiến hành khám nghiệm hiện trường thu thập các tài liệu, vật chứng giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại Kết luận định giá tài sản số 40 ngày 18-7-2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện Ý Yên kết luận: Thiệt hại xe ôtô BKS 18B-00992 là 8.790.000 đồng; chi phí thay mắt kính là 300.000 đồng. Trong đó thiệt hại đối với kính cửa lên xuống do T, H đập vỡ là 1.030.000 đồng. Tại Kết luận định giá tài sản số 39 ngày 18-7-2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện Ý Yên đã kết luận thiệt hại của xe ôtô BKS 37A-25946 là 7.700.000 đồng. Tại Kết luận định giá tài sản số 41 ngày 27-6-2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện Ý Yên đã kết luận thiệt hại của 01 điện thoại Iphone 6 là 1.800.000 đồng.

Tại Kết luận giám định số 6496/C09-P2 ngày 20-11-2019 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Hệ thống đóng, mở cánh cửa lên xuống hành khách của xe ôtô BKS 18B-00992 hoạt động bình thường, hộp điều khiển bị hỏng, tai hãm bị đứt dời và thanh răng bị mòn ở mặt đối xứng với phần răng trên đoạn dài 19 mm, điểm mòn sâu nhất là 1,2 mm, nên khi đóng cửa ở chế độ điện vẫn dùng tay mở ra được. Các hư hỏng của hộp điều khiển này là do quá trình sử dụng gây ra, không phải do ngoại lực tác động làm vỡ kính của cửa gây ra. Do vậy không có căn cứ để tiến hành định giá tài sản.

Vật chứng, tài sản thu giữ:

Thu trên xe ôtô BKS 37A-25946 của T 01 đoạn ống kim loại đường kính 02 cm, dài 66,5 cm; 01 chiếc tay công vặn ốc bánh xe ô tô bằng kim loại hình tròn hình chữ L dài 31,5 cm, đường kính 1,2 cm; 01 chiếc cà lê kim loại kích thước (KT) 21x3,5 cm; 01 vam vặn ốc hình chữ T kích thước 30x20 cm; 01 dao Inox chuôi bằng gỗ dài 13 cm KT 19x8,5 cm.

Thu trên xe Hà Trang BKS 18B-00992: 02 đoạn tuýp sắt dạng ống hình tròn, đường kính 2,5 cm dài 70 cm; 01 đoạn tuýp sắt dạng tròn đường kính 02 cm dài 74 cm; 01 tuýp sắt dạng tròn đường kính 02 cm dài 50 cm; 01 đoạn gậy gỗ tròn đường kính 03 cm dài 75 cm; 01 đoạn tuýp sắt dạng tròn đường kính 2,5 cm dài 60 cm; 05 ống nhựa dạng tròn màu xanh đường kính 2,5 cm dài 111 cm; 01 miếng kim loại hình chữ L màu đen KT 9x5,5x2,5 cm; 01 chiếc mắt kính bị hư hỏng của ông Nguyễn Ngọc H.

Đối với tài sản, đồ vật liên quan: 01 xe ôtô BKS 18B-00992, 01 Giấy kiểm định, 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện của chủ xe ô tô, 02 Giấy xác nhận về việc quản lý giấy tờ đảm bảo vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đối với chiếc xe ôtô BKS 18B-00992 của Công ty cổ phần vận tải H; 01 chiếc kính mắt bằng nhựa màu đen bề mặt gọng kính có ký hiệu RayBan của ông Nguyễn Ngọc H; 01 điện thoại di động Nokia 1190 của NLC13; 01 điện thoại Nokia màu đen của NLC14; 02 điện thoại di động của Dương Thị H. Một số mảnh kính thủy tinh bị vỡ thu tại hiện trường; các chất ghi bạc, màu đỏ, màu trắng, mẫu kính thu giữ tại xe Hà Trang và xe của T còn lại sau giám định; 01 xe ôtô của T BKS 37A-25946.

Về trách nhiệm dân sự: Ông Nguyễn Ngọc H là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần vận tải H yêu cầu Vũ Duy T và Dương Thị H phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Ý Yên đã QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS), Tuyên bố các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Xử phạt Vũ Duy T 30 (ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án; xử phạt Dương Thị H 27 (hai mươi bẩy) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Giữ nguyên lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H cho tới khi các bị cáo đi chấp hành án:

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 48 BLHS và các Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự (BLDS), Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn dân sự: Buộc các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phải liên đới bồi thường cho Công ty cổ phần vận tải H số tiền 1.030.000 đồng (Mỗi bị cáo phải bồi thường 515.000 đồng).

Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn dân sự về việc buộc các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự các khoản:

Kính chắn gió phía trước của xe ô tô BKS 18B-00992 có giá 7.760.000 đồng; Phụ NLC11 sửa chữa cửa điện của xe ô tô BKS 18B-00992 hết 2.300.000 đồng; Thiệt hại về doanh thu vận tải 185.000.000 đồng:

Phí bảo trì đường bộ 4.680.000 đồng:

Phí bảo hiểm thân vỏ 19.500.000 đồng:

Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự 5.300.000 đồng:

Phí bến bãi - Bến xe Ý Yên 25.900.000 đồng:

Phí bến bãi - Bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm 110.260.000 đồng:

Lãi suất vay Ngân hàng 85.500.000 đồng:

Tổng số tiền là: 446.200.000 đồng (bốn trăm bốn mươi sáu triệu hai trăm nghìn đồng):

Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Ngọc H về việc buộc các bị cáo Vũ Duy T, Dương Thị H phải bồi thường 01 kính mắt giá 5.200.000 đồng.

Ngoài ra Bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 15-7-2020 các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H có đơn kháng cáo với nội dung: Từ trước đến nay các bị cáo luôn chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, là vi phạm bột phát, trong lúc nóng giận, quá trình giải quyết vụ án các bị cáo đã thật sự nhận ra lỗi lầm của mình thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải giúp đỡ các cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ nội dung vụ án, hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là quá nặng, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương.

Ngày 17-7-2020 Công ty cổ phần vận tải H có đơn kháng cáo với nội dung: Cấp sơ thẩm không nhận định đầy đủ toàn diện về hành vi của các bị cáo dẫn tới không xác định đầy đủ thiệt hại mà Công ty phải gánh chịu, nên Công ty kháng cáo toàn bộ nội dung bản án về phần bồi thường thiệt hại.

Ngày 17-7-2020 NLC17 có đơn kháng cáo với nội dung: Cấp sơ thẩm không nhận định đầy đủ toàn diện về hành vi của bị cáo dẫn tới không xác định đầy đủ thiệt hại mà bà phải gánh chịu, bà kháng cáo toàn bộ nội dung bản án.

Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo Vũ Duy T, Dương Thị H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: Cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng” là đúng người, đúng tội, không oan, sở dĩ các bị cáo có hành vi đuổi theo xe Hà Trang là do thấy em mình là NLC14 bị đánh và bị giữ lại trên xe Hà Trang, còn NLC13 thì có hành vi đâm vào xe T làm hư hỏng, nay các bị cáo rất ăn năn hối hận về những việc đã làm, đã tự nguyện nộp tiền bồi thường khắc phục hậu quả, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bị cáo H trình bày hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ đã mất, bố tuổi cao sức yếu, chồng chết, bị cáo một mình nuôi con, là lao động chính trong gia đình, bị cáo xin lỗi nguyên đơn dân sự và đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được cải tạo tại địa phương để có điều kiện chăm sóc cho gia đình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu quan điểm: Đơn kháng cáo của các bị cáo và nguyên đơn dân sự hợp lệ, được xem xét theo trình tự phúc thẩm. NLC17 xác định chỉ là người làm chứng trong vụ án nên không có quyền kháng cáo. Về nội dung: Tại cấp phúc thẩm các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả nên được áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo H có đơn trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính, đơn có xác nhận của chính quyền địa phương, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị cáo và chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của các bị cáo, đối với bị cáo H có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trước khi phạm tội bị cáo chưa có tiền án tiền sự, nên đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được cải tạo tại địa phương. Đối với kháng cáo và đề nghị huỷ án sơ thẩm của nguyên đơn dân sự không có căn cứ chấp nhận vì: Quá trình điều tra đã xác định đầy đủ thiệt hại, cơ chế, nguyên nhân gây thiệt hại, không có căn cứ xác định thiệt hại về kính chắn gió phía trước do hành vi của các bị cáo gây ra. Các thiệt hại do xe khách Hà Trang không hoạt động là do ông H từ chối nhận xe khi được Cơ quan điều tra trả lại, không phải do lỗi của các bị cáo.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự trình bày: Ngoài thiệt hại về kính chắn gió của cửa lên xuống, Công ty còn thiệt hại về kính chắn gió phía trước xe và thiệt hại do bị giữ xe. Ông không nhất trí với Kết luận giám định và các biên bản thu giữ mẫu vật, xem xét tình trạng 02 xe. Ông yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại số tiền 452.430.000 đồng. Đối với yêu cầu về chiếc kính mắt ông xin rút, vì trong lúc giằng co với NLC14 không xác định được ai gây ra thiệt hại.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự trình bày: Không đồng ý với Kết luận giám định xác định kính chắn gió phía trước xe Hà Trang vỡ là do lái xe NLC13 gây ra, mà do bị cáo T gây ra. Kết luận giám định chưa đầy đủ, còn bỏ sót thiệt hại, chỉ xác định cơ chế với các thiệt hại khác của phương tiện, mà không xác định cơ chế hình thành thiệt hại của kính chắn gió, không có chứng cứ để chứng minh có sự va chạm trước làm cốp xe T bị bật lên, không thể có việc cốp xe T mở từ trước, căn cứ tài liệu trong hồ sơ chỉ là một phần, lời khai ông H đã khẳng định không có việc cốp xe đã mở từ trước, cấp sơ thẩm đánh giá không đầy đủ còn bỏ lọt nhiều đối tượng như NLC11, NLC14, mẹ và vợ T..., kiến nghị xem xét không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của H, mà đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về phần thủ tục: Đơn kháng cáo của các bị cáo và nguyên đơn dân sự làm trong thời hạn luật định, được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm. Đơn kháng cáo của NLC17 Hội đồng xét xử không xem xét vì H có hành vi đập vỡ chiếc điện thoại của NLC17 tại Công an huyện Ý Yên đã được xử lý hành chính, không thuộc phạm vi xem xét của vụ án này, cấp sơ thẩm xác định NLC17 là người có quyền lợi liên quan trong vụ án là chưa chính xác. Do NLC17 là người làm chứng trong vụ án, nên không có quyền kháng cáo. Tại phiên toà phúc thẩm ông Nguyễn Ngọc H rút yêu cầu bồi thường thiệt hại chiếc kính mắt bị vỡ, nên không xác định ông Nguyễn Ngọc H là người có quyền lợi liên quan trong vụ án và đình chỉ việc xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại về chiếc kính mắt của ông H.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo thấy rằng: Trong khoảng thời gian từ 12h45 đến 14 h ngày 25-6-2019 Vũ Duy T, Dương Thị H đã có hành vi chửi bới, dùng tuýp sắt, tay công bằng sắt là hung khí nguy hiểm đập vỡ kính cửa lên xuống xe ôtô Hà Trang tại khu vực Quốc lộ 10 thuộc thôn Tân Lập xã Y, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sau đó T có hành vi điều khiển xe ôtô đuổi theo chặn xe Hà Trang tại khu vực thu phí đường cao tốc thuộc thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng và tiếp tục về khu vực Công an huyện Ý Yên cầm dao phay, chửi bới, đe dọa, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực xã Yên Tiến, Yên Hồng, Công an huyện Ý Yên, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Công an huyện Ý Yên. Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện. Hành vi mà các bị cáo đã thực hiện đã xâm phạm đến an toàn trật tự nơi công cộng, đến quy tắc, sinh hoạt, làm việc của cơ quan Nhà nước, nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”, với tình tiết tăng nặng “Dùng hung khí hoặc có hành vi phá phách”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 của Bộ luật Hình sự (BLHS). Nên cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 của BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét về mức hình phạt đối với các bị cáo thấy rằng: Trong vụ án này T là người trực tiếp mang hung khí từ trên xe xuống và cùng với H có hành vi chửi bới, đập vỡ kính cửa lên xuống của xe Hà Trang, là người trực tiếp điều khiển xe Santafe đuổi theo chặn xe Hà Trang, đồng thời cầm dao chửi bới gây rối tại Công an huyện Ý Yên. Do vậy, cấp sơ thẩm xác định vai trò của bị cáo T cao hơn và tuyên mức hình phạt cao hơn so với bị cáo H là phù hợp. Tuy nhiên, xét hành vi của cả hai bị cáo một phần do sau khi NLC14 và H lên xe Hà Trang mục đích ban đầu là yêu cầu phụ xe xuống nói chuyện phải trái về việc xô xát với T buổi sáng, không ai cầm theo hung khí, nhưng sau đó cả hai phía đều xử sự thiếu bình tĩnh, H bị đẩy xuống khỏi xe còn NLC14 bị Lái xe NLC13 dùng tuýt sắt đe doạ, bị ông H và NLC16 cùng xô vào ôm lưng, giằng co đẩy NLC14 xuống cuối xe và giữ NLC14 lại, sau đó lái xe Hà Trang còn có hành vi điều khiển xe khách đâm vào xe ôtô của T làm hư hỏng đã khiến các bị cáo vừa lo lắng cho NLC14 khi thấy tương quan lực lượng trên xe quá chênh lệch vừa ít nhiều bị kích động về tinh thần, nên đã phạm tội. Đồng thời, trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm các bị cáo đã nhận thức được sai lầm của mình, thực sự ăn năn hối hận, tự nguyện nộp số tiền bồi thường, khắc phục hậu quả đã gây ra cho nguyên đơn dân sự. Bị cáo H xin lỗi nguyên đơn dân sự tại phiên toà và xuất trình đơn trình bày có xác nhận của chính quyền địa phương về hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ mất sớm, bố già yếu, chồng chết, bị cáo là lao động chính, một mình nuôi con ăn học, nên các bị cáo được áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 BLHS, đây là những tình tiết giảm nhẹ mới chưa được cấp sơ thẩm xem xét, do đó Hội đồng xét xử thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo để giảm cho các bị cáo một phần hình phạt. Xét bị cáo H có hành vi gây rối trật tự công cộng cùng với T, nhưng có mức độ vì hành vi của H kết thúc từ khi H xuống xe tại trạm thu phí. Hành vi của H tại Công an huyện Ý Yên không có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng, mà việc đập điện thoại của NLC17 tại Công an huyện Ý Yên là hành vi cố ý huỷ hoại tài sản đã bị xử lý hành chính. Như vậy, bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS như nhận định ở phần trên, trước khi phạm tội bị cáo là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, nên có đủ điều kiện cho bị cáo được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và được cải tạo tại địa phương, giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát giáo dục trong thời gian thử thách, cũng đủ sức răn đe giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa tội phạm, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội đã thực sự nhận thức được sai lầm của mình, biết ăn năn hối cải.

[4] Xét quan điểm kháng cáo của nguyên đơn dân sự thấy rằng: Ngay sau khi sự việc xảy ra các cơ quan chức năng đã tiến hành lập Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám phương tiện, Biên bản xác định thiệt hại phương tiện, trong Biên bản có chữ ký của các bên liên quan. Biên bản định giá tài sản và Kết luận giám định được thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm nguyên đơn dân sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự cho rằng có sự mâu thuẫn, thiếu khách quan trong việc khám nghiệm phương tiện, định giá tài sản, xác định thiệt hại của các xe ôtô, nhưng không đưa ra được bất cứ tài liệu chứng cứ gì để chứng minh, nên không có cơ sở để chấp nhận.

[5] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn dân sự về thiệt hại kính chắn gió của xe Hà Trang thấy rằng: Lái xe NLC13 khai nhìn thấy T cầm dao phay chém kính chắn gió, nhưng lời khai không thống nhất. Lời khai ngày 25-6-2019 (BL 98-100) thì khai nhìn thấy T chém kính chắn gió tại vị trí trạm thu phí Cao Bồ, đến lời khai ngày 01-10-2019 lái xe NLC13 lại khai “Nhìn thấy T cầm dao chém kính chắn gió ở vị trí gần Cát Đằng, không biết có vỡ không”. Còn đại diện nguyên đơn dân sự khai không nhìn thấy trực tiếp nhưng ở gần Cát Đằng thấy T vòng lên phía trước xe Hà Trang tay cầm dao, sau đó nghe NLC12 “Uỵch” rất lớn, ông nhìn lên thấy kính vỡ (BL 148) nên xác định T là người chém vỡ kính chắn gió xe Hà Trang. Như vậy, ông H thì nhìn thấy kính chắn gió bị vỡ ngay từ quán bà Ninh gần Cát Đằng, mà lái xe NLC13 ngồi đối diện kính chắn gió của xe lại có lời khai không biết kính có vỡ không, không xác định được kính vỡ khi nào là quá vô lý. Trong khi đó, theo biên bản xác định thiệt hại tài sản phương tiện ngày 25-6-2019 đối với xe BKS: 18B- 00992 “Mặt ngoài khung xe phía trước cửa sổ ghế lái ngay tại vị trí vết lún vỡ kính có vết trượt xước theo chiều hướng từ trước về sau KT (7x3) cm, điểm thấp nhất cách mặt đất 192 cm, cao nhất 195 cm”, vết va chạm này nằm ngang và gần như song song với mặt đường, cách mặt đường gần 02 mét, vết trượt xước như vậy thì việc cho rằng T cầm dao chém kính chắn gió để lại dấu vết như vậy là không phù hợp. Mặt khác, theo biên bản khám phương tiện ngày 26-6-2019 đối với xe ôtô BKS:

37A -25946 đã xác định: “Đo trong tình trạng cửa cốp sau mở hoàn toàn: Góc dưới nắp cửa cốp sau cao cách mặt đất 194 cm” với chiều cao này là phù hợp với va chạm thực tế giữa hai xe. Tại Công văn số 263 ngày 29-7-2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nam Định thể hiện: “Điểm va chạm đầu tiên giữa hai phương tiện là kính chắn gió trước bên lái của xe ôtô BKS 18B-00992 với góc dưới cánh cửa cốp sau bên phụ của xe ôtô BKS 37A-25946. Tại thời điểm trước khi xảy ra va chạm, cánh cửa cốp sau của xe ôtô BKS 37A-25946 đang trong trạng thái mở hoàn toàn”. Nội dung Công văn số 263 xác định cánh cửa cốp sau xe T mở từ trước phù hợp với lời khai người làm chứng NLC3 (BL 243-246) là hành khách đi trên Hà Trang “Tôi thấy phần cốp xe con bị bật trước khi chặn xe Hà Trang và có va chạm”. Những người làm chứng gồm NLC1 (BL 226-229, bl 231, 233); NLC6 (BL 262-263); NLC8 (BL 272-273); NLC11 (BL 185-188); chị Dương Thị H (BL 235); NLC12 (BL 195) và NLC14 (BL 169-171) đều có lời khai về việc lái xe NLC13 điều khiển xe Hà Trang đâm vào sau xe Santafe của T tại điểm rẽ vào trạm thu phí Cao Bồ và không thể nào kính chắn gió bị vỡ từ Cát Đằng mà khi kiểm tra phương tiện lại thu giữ được nhiều mảnh thuỷ tinh của kính chắn gió xe Hà Trang rôi vào trong cốp sau xe của T. Do đó, hoàn toàn có đủ căn cứ xác định kính chắn gió xe Hà Trang bị vỡ là do hành vi đâm xe của NLC13 vào sau xe T tại lối rẽ vào trạm thu phí Cao Bồ và như vậy ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự về việc Công văn số 263 ngày 29-7-2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nam Định chưa xác định cơ chế gây thiệt hại kính chắn gió xe Hà Trang là không có cơ sở chấp nhận.

[6] Đối với yêu cầu của đại diện nguyên đơn dân sự về khoản bồi thường đối với thiệt hại phát sinh trong thời gian từ 25-6-2019 đến nay, do xe ô tô BKS 18B- 00992 bị tạm giữ tại Công an huyện Ý Yên cũng không có căn cứ chấp nhận bởi lẽ:

Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Ý Yên tạm giữ xe ô tô BKS 18B-00992 và các vật chứng, tài sản khác có liên quan để phục vụ điều tra vụ án hình sự là cần thiết. Sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ý Yên đã NLC12 hành báo gọi đại diện hợp pháp của Công ty cổ phần vận tải H lên làm việc để trả lại xe, đã lập biên bản vào các ngày 14-7-2019, 29-7-2019, 20-8-2019, 07-10-2019, 26-12-2019 (BL 32, 38, 42, 43, 44). Nghĩa là sau khi tạm giữ xe 19 ngày để phục vụ điều tra thì Cơ quan điều tra đã thực hiện xong các thao tác nghiệp vụ cần thiết theo luật định và đã quyết định trả lại phương tiện cho nguyên đơn dân sự, song đại diện của nguyên đơn dân sự từ chối nhận với lý do để Công an tiếp tục giữ để bảo đảm cho công tác điều tra được đầy đủ, và sẽ nhận lại xe khi được Cơ quan điều tra huyện Ý Yên thông báo kết quả điều tra. Như vậy, việc không nhận lại xe, tiếp tục để xe lại Công an huyện Ý Yên là chủ ý của nguyên đơn dân sự, không phải là yêu cầu của Cơ quan điều tra, càng không phải do các bị cáo. Hơn nữa, nguyên nhân các xe bị hư hỏng phải tạm giữ 19 ngày để điều tra, còn có hành vi cố ý đâm xe của lái xe Hà Trang đã được xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ án khác. Nên, việc đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự do thiệt hại các khoản tiền nêu trên, không được cấp sơ thẩm chấp nhận là đúng.

[7] Như vậy, cấp sơ thẩm chỉ buộc các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phải bồi thường cho Công ty cổ phần vận tải H thiệt hại 1.030.000 đồng đối với kính cửa lên xuống do T, H đã đập vỡ là có căn cứ, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn dân sự và quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự đề nghị huỷ bản án sơ thẩm.

[8] Xét quan điểm của nguyên đơn dân sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự về việc cấp sơ thẩm bỏ sót không xử lý một số đối tượng thấy rằng: Đối với NLC11: Khi Vũ Duy T và Dương Thị H dùng tuýp sắt, tay công đập phá ô kính cửa lên xuống xe ôtô Hà Trang, NLC11 thấy ông H cầm đoạn ống nhựa chọc ra ngoài thì NLC11 có chỉ tay về phía ông H quát: “Ông chọc cái gì vậy? Thả người ra mau”. Sau đó, NLC11 lên xe đi cùng với T, H đuổi theo xe khách Hà Trang đến trạm thu phí, nhưng do xe ôtô của T bị chết máy, nên NLC11 ở lại trông xe. Như vậy, quá trình ăn uống cùng nhau ở Cát Đằng, không có sự bàn bạc thống nhất gì về việc sẽ thực hiện hành vi phạm tội, quá trình đi cùng T, NLC11 không có lời nói, hành động gì. Đối với NLC14 khi lên xe ôtô Hà Trang ban đầu có lời nói “Xuống xe nói chuyện”, sau đó có hành vi giằng co, xô xát với ông H, NLC13 và NLC16 trên xe Hà Trang, việc xô xát do lỗi của cả hai phía và xe Hà Trang đóng cửa không cho NLC14 xuống, phải ở lại trên xe, trong suốt quá trình xe Hà Trang di chuyển. Hành vi của NLC11 và NLC14 có vi phạm, nhưng không cấu thành tội phạm cũng không có dấu hiệu đồng phạm cùng với T và H. Nên, Cơ quan Công an huyện Ý Yên ra Quyết định xử phạt hành chính đối với NLC11 và NLC14 theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP là phù hợp.

[9] Đối với NLC12 có mặt tại khu vực Quốc lộ 10, nhưng NLC12 không tham gia đập phá, đe dọa, hoặc có lời nói gì. Đối với NLC14 NLC16, mặc dù có mặt trên xe thực hiện hành vi giằng co, xô xát với NLC14. Nhưng NLC16 và NLC14 không bị thương tích gì, ông H bị xây xước nhẹ, không khám chữa bệnh ở đâu, không giám định thương tật. Đối với mẹ bị cáo T và vợ bị cáo T nếu có hành vi mang đồ vật ra cản đường làm xe Hà Trang phải tránh lên vỉa hè để đi như lời khai của NLC13 và ông H, cũng chưa gây ra hậu quả, nên cơ quan điều tra không đề cập việc xử lý là phù hợp.

[10] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[11] Do kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận, nên các bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm, kháng cáo của nguyên đơn dân sự không được chấp nhận nên nguyên đơn dân sự phải nộp án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H, sửa bản án sơ thẩm:

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 318; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS đối với các bị cáo; Điều 65 BLHS đối với riêng bị cáo Dương Thị H, Tuyên bố các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”:

Xử phạt bị cáo Vũ Duy T 24 (hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án:

Xử phạt bị cáo Dương Thị H 21 (hai mươi mốt) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 42 (Bốn mươi hai) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm:

Giao bị cáo Dương Thị H cho Ủy ban nhân dân Thị trấn L, huyện Y giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách:

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định của Pháp luật thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, thì Toà án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo:

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 48 BLHS và các Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự, Chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của Công ty cổ phần vận tải H: Buộc các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phải liên đới bồi thường cho Công ty cổ phần vận tải H số tiền 1.030.000 đồng (Mỗi bị cáo phải bồi thường 515.000 đồng) (đã nộp đủ tại các biên lai số 0001418 và 0001420 ngày 22-9-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ý Yên):

Không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần vận tải H yêu cầu các bị cáo Vũ Duy T và Dương Thị H phải bồi thường các khoản sau:

Kính chắn gió phía trước của xe ô tô BKS 18B-00992 có giá 7.760.000 đồng; Phụ tùng sửa chữa cửa điện của xe ô tô BKS 18B-00992 hết 2.300.000 đồng; Thiệt hại về doanh thu vận tải 185.000.000 đồng:

Phí bảo trì đường bộ 4.680.000 đồng:

Phí bảo hiểm thân vỏ 19.500.000 đồng:

Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự 5.300.000 đồng:

Phí bến bãi - Bến xe Ý Yên 25.900.000 đồng:

Phí bến bãi - Bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm 110.260.000 đồng:

Lãi suất vay Ngân hàng 85.500.000 đồng:

Tổng số tiền là: 446.200.000 đồng (bốn trăm bốn mươi sáu triệu hai trăm nghìn đồng):

Đình chỉ việc xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại về chiếc kính mắt của ông Nguyễn Ngọc H, huỷ phần bản án sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Ý Yên liên quan đến nội dung này:

3. Án phí: Căn cứ các điểm e, h khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 26, Điều 27, Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Công ty cổ phần vận tải H phải nộp 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm và 21.848.000 đồng (hai mươi mốt triệu tám trăm bốn mươi tám nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm:

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị:

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án thì người bị thi hành án có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án, thời hiệu thi hành án thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

377
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 79/2020/HS-PT ngày 29/09/2020 về tội gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:79/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về