Bản án 79/2018/HSPT ngày 06/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 79/2018/HSPT NGÀY 06/03/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 06 tháng 3 năm 2018 tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 11/2018/TLPT-HS ngày 03 tháng 01 năm 2018, do có kháng cáo của bị cáo Trần Thị H và người bị hại chị Lê Thị N đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 54/2017/HS-ST ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Họ và tên:Trần Thị H. Sinh năm 1994, tại huyện EK, tỉnh Đắk Lắk;

Nơi cư trú: thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 11/12; con ông Trần Đình H1 (đã chết) và bà Trần Thị L1, hiện sinh sống tại thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk; bị cáo có chồng là Đoàn Ngọc M và 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo hiện đang được tại ngoại theo quyết định bảo lĩnh số 09/QĐ ngày 17/02/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện EaKar, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Thị H: Luật sư Nguyễn Huy H2 – Văn phòng luật sư TB thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai. Địa chỉ: Đường Đ, phường TD, thành phố BH, tỉnh Đồng Nai, có mặt.

* Người bị hại:

1.Chị Lê Thị N, sinh năm 1996, địa chỉ: thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho chị Lê Thị N:

+ Luật sư Phan Ngọc N1 – Văn phòng luật sư TN thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: Đường B1, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Luật sư Trần Trọng H3 – Văn phòng luật sư CT thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: Đường Đ1, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Luật sư Vũ Trọng T – Văn phòng luật sư HĐ thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Địa chỉ: Đường P, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2. Chị Lê Thị Diệu L, sinh năm 1998, địa chỉ: xã VB, huyện KP, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1.Bà Văn Thị O, sinh năm 1977, địa chỉ: xã VB, huyện KP, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3.2. Bà Trần Thị L1, sinh năm 1968, địa chỉ: thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4. Người làm chứng:

4.1. Anh Đặng Thế C, sinh năm 1995, địa chỉ: xã VB, huyện KP, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4.2. Chị Nguyễn Thị P, sinh năm 1992, địa chỉ: xã VB, huyện KP, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

4.3. Bà Trần Thị T, sinh năm 1969, địa chỉ: thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4.4. Anh Văn Tiến Q, sinh năm 1992, địa chỉ: xã E, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

4.5. Chị Vũ Thị X, sinh năm 1995, địa chỉ: Thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

4.6. Chị Nông Thị B, sinh năm 1989, địa chỉ: Thị trấn K, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do trước đây giữa anh Phan Ngọc V (chồng của chị Lê Thị N, sinh năm 1996, trú tại thị trấn K) và Trần Thị H có tình cảm và từng chung sống với nhau. Vào đêm 26/01/2017 khi thấy anh V không về nhà thì chị Lê Thị N nghi ngờ anh V đi gặp Trần Thị H để quan hệ bất chính nên chị N đã chủ động nhắn tin cho H. Vào khoảng 13h ngày 27/01/2017, Lê Thị N hẹn gặp H tại bờ đập hồ K thuộc xã EĐ để nói chuyện. Lúc này, H đang cùng với Vũ Thị X (sinh năm 1995, trú tại thị trấn K) và con trai của H là cháu Trần Đoàn Gia B3 (sinh ngày 28/3/2014) đi chợ ở thị trấn K nên cả ba người cùng đi đến nơi hẹn để gặp N. Khi đi, N rủ bà Trần Thị T (sinh năm 1969, thị trấn K, là mẹ chồng của N), Lê Thị Diệu L (sinh năm 1998, là em gái của N), Nguyễn Thị P (sinh năm 1997), Đặng Thế C, sinh năm 1995 (là bạn của N, cả ba cùng trú tại xã VB, huyện KP) và Văn Tiến Q (sinh năm 1992, trú tại xã K, là cậu của N) cùng đi đến nơi hẹn gặp H.

Khoảng 13h 30 phút cùng ngày, nhóm của N và nhóm của H gặp nhau. Lúc này, N và L đi lại gần H, N hỏi H “Giờ mày thích sao? Mày thích chồng tao thì tao nhường cho luôn”, H trả lời:“Sao là sao, thằng chồng mày nó đi theo tao đó chứ”. Nghe vậy, N và L xông vào dùng tay túm tóc H kéo lại và đấm vào đầu, vào mặt của H. Trong lúc bị đánh, H lấy con dao thái lan ở trong túi xách mà H đeo trên người (khi H đi chợ, mẹ của H có điện thoại nhờ H mua 01 con dao về gọt trái cây nên khi mua dao xong H bỏ vào trong túi đeo trên người) đâm sáu nhát vào dưới núm vú trái, cạnh vú trái, giữa ngực, hông lưng bên trái, hông trái dưới sườn, cánh tay trái trên người của N và đâm hai nhát vào cánh tay phải, cẳng tay phải của L. Bị đâm, N la lên “nó có dao” nên P, bà T và Q xông vào đánh H, lấy dao trên tay của H. Sau đó, N và L được người nhà đưa đi cấp cứu, còn H được đưa về Công an thị trấn K để làm việc.

* Về thương tích của chị Lê Thị N: Tại bản tóm tắt bệnh án điều trị và kết luận pháp y thương tích thể hiện:

- Vết thương dưới núm vú trái khoảng 02cm.

- Vết thương cạnh vú trái dài khoảng 02cm.

- Vết thương vùng giữa ngực dài khoảng 1,5cm.

- Vết thương vùng hông lưng trái dài khoảng 02cm.

- Vết thương vùng hông trái dưới xương sườn 12 dài khoảng 03cm.

- Vết thương vùng mặt ngoài cánh tay trái dài khoảng 02cm.

Tại bản kết luận pháp y thương tích số 413/PY-TgT ngày 20/03/2017, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Lê Thị N bị đa thương, cắt bỏ lách, thận, khâu đuôi tuy, cơ hoành, dẫn lưu máu màng phổi trái, với tỷ lệ thương tích tạm thời 75%;

* Đối với vết thương của chị Lê Thị Diệu L: Tại bản tóm tắt bệnh án điều trị và kết luận pháp y thương tích thể hiện:

- Vết thương cánh tay phải dài khoảng 02cm và vết thương cẳng tay phải dài khoảng 1,5cm.

Tại bản kết luận pháp y thương tích số 240/PY-TgT ngày 13/02/2017, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Vết thương phần mềm cánh – cẳng tay phải tỷ lệ thương tích tạm thời 10%;

* Đối với vết thương của Trần Thị H: Tại bản kết luận pháp y thương tích số 413/PY-TgT ngày 20/3/2017, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Chấn thương vùng đầu mắt; vết thương đuôi mày; vết thương ngón 02 tay trái tỷ lệ thương tích tạm thời 06%;

Vật chứng thu giữ gồm: 01 con dao thái lan, cán màu vàng, nhựa dài 10cm, rộng 0,2cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 12cm, rộng 02cm, mũi dao nhọn; 01 túi da đeo của nữ màu xanh hiệu charles&kelth, kích thước túi rộng 20cm, chiều dài 28cm, dày 11cm (túi đã qua sử dụng).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 54/2017/HSST ngày 16/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Trần Thị H phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Trần Thị H 08 (Tám) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 584, 585, 590 Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

+ Buộc bị cáoTrần Thị H phải bồi thường chi phí điều trị thương tích và các chi phí hợp lý khác cho người bị hại chị Lê Thị N số tiền 91.178.197 đồng. Được khấu trừ số tiền 25.000.000đồng đã bồi thường; còn lại buộc bị cáo Trần Thị H tiếp tục bồi thường cho chị Lê Thị N số tiền 66.178.197 đồng (Sáu mươi sáu triệu một trăm bảy mươi tám nghìn một trăm chín mươi bảy nghìn đồng).

+ Buộc bị cáoTrần Thị H phải bồi thường chi phí điều trị thương tích và các chi phí hợp lý khác cho người bị hại chị Lê Thị Diệu L số tiền 11.662.000 đồng (Mười một triệu sáu trăm sáu mươi hai nghìn đồng).

Áp dụng khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất trong giai đoạn thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo của bị cáo, các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/11/2017 người bị hại chị Lê Thị N kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh mà cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử bị cáo, cụ thể truy tố, xét xử bị cáo về tội “Giết người” và đề nghị xem xét lại để tăng mức bồi thường thiệt hại cho chị N.

Ngày 30/11/2017, bị cáo Trần Thị H làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng mà hành vi phạm tội của bị cáo là phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” và mức hình phạt 08 năm 06 tháng là quá nặng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm cũng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk xác định cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo Trần Thị H về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; mức hình phạt 08 năm 06 tháng tù đối với bị cáo là thỏa đáng, tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết nào mới, nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự - Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị H và người bị hại chị Lê Thị N - Giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt đối với bị cáo.

Về phần trách nhiệm dân sự: Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của chị Lê Thị N là buộc bị cáo bồi thường thêm cho chị Lê Thị N gồm các khoản tiền sau: Tiền xe chở chị N xuất viện từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk về nhà 800.000 đồng; Tiền xe chở người bị hại đi tái khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk 02 lần (đi và về là 04 lượt): 2.400.000 đồng và tiền xe đi khám tại bệnh viện Chợ Rẫy 500.000 đồng; Tiền thuốc và khám điều trị còn thiếu 1.566.020 đồng; bồi thường thêm 02 tháng tiền tổn thất tinh thần là = 02 tháng x 1.300.000 đồng = 2.600.000 đồng; bồi thường thêm 30 ngày tiền mất thu nhập trong thời gian không lao động được = 30 ngày x 150.000 đồng/ngày = 4.500.000 đồng; Tiền mua sữa cho cháu Phan Lê Ngọc Bảo H4 (sinh ngày 01/03/2016 là con của chị N) số tiền 30.000 đồng/ngày x 180 ngày = 5.400.000 đồng do chị N bị thương tích tại vùng ngực nên bị tắc sữa; bồi thường thêm 3.000.000 đồng tiền thu nhập bị mất của người chăm sóc chị N.Tổng các khoản nêu trên là 20.766.020 đồng.

Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự - Chấp nhận một phần kháng cáo của chị Lê Thị N, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

- Quan điểm của luật sư Nguyễn Huy H2 - Người bào chữa cho bị cáo cho rằng: Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là không đúng với tính chất khách quan của vụ án, cụ thể: Hành vi của bị cáo là thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên mức hình phạt 08 năm 06 tháng mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là quá nghiêm khắc nên đề nghị Hội đông xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999 và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đồng thời, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

- Ý kiến của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại chị Lê Thị N cho rằng: Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là không đúng. Vì trước khi bị cáo H đi gặp người bị hại là chị N thì bị cáo đã chuẩn bị 01 con dao thái lan từ trước, khi hai bên xảy ra xô sátthì chị N và chị L chỉ dùng tay túm tóc và đánh bị cáo nhưng bị cáo đã dùng dao đâm nhiều nhát vào vùng trọng yếu của cơ thể người bị hại như vùng ngực của chị N, với mục đích muốn tước đoạt tính mạng của người bị hại; việc người bị hại không chết là ngoài ý muốn của bị cáo do được cấp cứu kịp thời. Do đó, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999. Trong vụ án này người bị hại không có lỗi, tại phiên tòa bị cáo chưa thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 360 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho cấp có thẩm quyền để truy tố và xét xử bị cáo về tội “Giết người”.

Về trách nhiệm dân sự: Thương tích của chị N là 75% bởi các vết thương tại vùng ngực và bị cắt bỏ lá lách là gây tổn thương rất nghiêm trọng đến sức khỏe của chị N nên mức bồi thường 91.178.197 đồng mà Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường cho chị N là không đúng với thiệt hại thực tế. Ngoài các khoản thiệt hại mà Kiểm sát viên đề nghị bồi thường thêm thì các luật sư còn đề nghị bồi thường thêm các khoản thiệt hại khác như: Bồi dưỡng sức khỏe, tiền mất thu nhập của người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần, tiền thuê phòng trọ của người chăm sóc.

Bị cáo đồng ý với quan điểm của luật sư bào chữa cho hành vi phạm tội của mình. Người bị hại đồng ý với quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Qua phần tranh luận, Kiểm sát viên và các luật sư tranh luận, đối đáp với nhau về các vấn đề cần giải quyết trọng vụ án, đồng thời Kiểm sát viên và luật sư đều giữ nguyên quan điểm.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Xét lời khai của bị cáo và những người bị hại tại phiên tòa phúc thẩm, cơ bản là phù hợp với lời khai của bị cáo, người bị hại tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Trần Thị H cho rằng cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng mà hành vi phạm tội của bị cáo là phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì thấy: Do trước đây giữa anh Phan Ngọc V (chồng chị N) và Trần Thị H có tình cảm và từng chung sống với nhau. Vào đêm 26/01/2017, khi thấy anh V không về nhà thì chị N nghi ngờ anh V đi gặp Trần Thị H để quan hệ bất chính nên chị N đã chủ động nhắn tin cho H. Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 27/01/2017, chị N đã chủ động hẹn gặp bị cáo H tại bờ đập hồ K thuộc xã EĐ, huyện EK, tỉnh Đắk Lắk. Khi đi chị N có rủ thêm bà Trần Thị T, chị Lê Thị Diệu L, chị Nguyễn Thị P, anh Đặng Thế C đi cùng. Còn bị cáo đi cùng với chị Vũ Thị X và con trai là cháu Trần Đoàn Gia B3 (03 tuổi). Trong lúc đang nói chuyện thì chị N và chị L xông vào túm tóc và chỉ dùn tay đánh vào đầu bị cáo nênviệc bị cáo dùng con dao thái lan là hung khí nguy hiểm để đâm 06 nhát vào vùng ngực và hông lưng bên trái, hông trái dưới sườn, cánh tay trái trên người của chị N và đâm hai nhát vào cánh tay phải, cẳng tay phải của chị L với hậu quả chị N bị thương tích 75% và chị L bị thương tích 10%, trong khi bị cáo chỉ bị thương tích 06% xảy ra trước và sau khi bị cáo dùng dao đâm chị N và chị L. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo H về tội “Cố ý gây thương tích”theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.

[3] Xét kháng cáo của người bị hại chị Lê Thị N đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh đã truy tố và xét xử đối với bị cáo, cụ thể cho rằng bị cáo phạm tội “Giết người”, thì thấy:

Chị N là người chủ động liên lạc với bị cáo để gặp nhau và nói chuyện. Khi gặp nhau tại bờ đập K chính chị N và chị L xông vào túm tóc và đánh bị cáo trước. Trong lúc bị túm tóc và ghì vai xuống thì mặt bị cáo hướng xuống đất, tư thế của bị cáo lúc này là cúi khom người nên bị cáo không thể quan sát được tư thế và vị trí của chị N và chị L, rồi mới rút dao ra đâm theo hướng từ ngoài vào trong mà không xác định vị trí cụ thể nào trên người chị N và chị L. Mục đích của bị cáo khi dùng dao để đâm chị N và chị L là để ngăn chặn hành vi tấn công của những người bị hại. Mặt khác, khi đến gặp chị N thì bị cáo có mang theo cháu nhỏ mới 03 tuổi. Về con dao mà bị cáo dùng để gây thương tích là do mẹ bị cáo điện thoại nhờ bị cáo mua tại chợ để gọt trái cây và trên đường đi chợ về thì bị cáo đã đi gặp chị N và chị L mà không chuẩn bị từ trước. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo H về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Cho nên, việc chị N đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đã truy tố, xét xử bị cáo là không có cơ sở để chấp nhận.

[4] Xét mức hình phạt 08 năm 06 tháng mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của bị cáo đã gây ra. Bởi lẽ, hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của chị N và chị L mà còn gây mất trật tự trị an tại địa phương; Bị cáo dùng dao là loại hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho chị N 75% và chị L là 10%; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo – Giữ nguyên bản án sơ thẩm về mức hình phạt.

[5] Xét kháng cáo của người bị hại chị Lê Thị N đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại thì thấy:

Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho chị N với tổng số tiền 91.178.197 đồng là chưa đầy đủ, còn thiếu sót nên cần buộc bị cáo bồi thường thêm cho chị N về thiệt hại và chi phí hợp lý sau:

+ Tiền xe chở chị N xuất viện từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk về nhà (thuộc xã VB, huyện KP) 800.000 đồng. Mặc dù không có chứng cứ chứng minh nhưng đây là khoản chi phí hợp lý nên cần chấp nhận; 

+ Tiền xe chở người bị hại đi tái khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk 02 lần vào ngày 16/02/2017 và ngày 28/02/2017 (đi và về là 04 lượt): 2.400.000 đồng và tiền xe đi khám tại bệnh viện Chợ Rẫy 500.000 đồng.

+ Tòa án cấp sơ thẩm mới chỉ buộc bị cáo bồi thường tiền khám và thuốc điều trị 1.278.197 đồng cho chị N là còn thiếu với số tiền 1.566.020 đồng nên cần buộc bồi thường thêm (theo các hóa đơn, chứng cứ tại các Bút lục 98, 99, 100, 102, 110, 111, 119, 108, 109, 112, 113, 114, 115, 117, 118);

+ Tiền giám định sức khỏe 1.035.000 đồng;

- Về khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần Tòa án cấp sơ buộc bị cáo bồi thường 38 tháng lương cơ sở tương đương 49.400.000 đồng là chưa thỏa đáng nên cần buộc bị cáo bồi thường thêm 02 tháng nữa = 02 tháng x 1.300.000 đồng = 2.600.000 đồng.

- Về khoản tiền mất thu nhập trong thời gian không lao động được, cấp sơ thẩm tính 180 ngày là chưa hợp lý nên cần buộc bị cáo bồi thường thêm 30 ngày nữa = 30 ngày x 150.000 đồng/ngày = 4.500.000 đồng;

+ Tiền mua sữa cho cháu Phan Lê Ngọc Bảo H4 (sinh ngày 01/03/2016 là con của chị N) số tiền 30.000 đồng/ngày x 180 ngày = 5.400.000 đồng do chị N bị thương tích tại vùng ngực nên bị tắc sữa;

Tổng các khoản nêu trên là 18.801.020 đồng, cộng với số tiền mà Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường là 91.178.197 đồng, tổng cộng là 109.979.217 đồng, được khấu trừ số tiền 25.000.000 đồng đã bồi thường; còn lại buộc bị cáo Trần Thị H tiếp tục bồi thường cho chị Lê Thị N số tiền 84.979.217 đồng (tính tròn số là 84.979.000 đồng). Do vậy, cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị Lê Thị N, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

Đối với số tiền 38.629.060 đồng là tiền chi phí điều trị của chị N tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đã được bảo hiểm thanh toán nên không xem xét buộc bị cáo phải bồi thường.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa án sơ thẩm về số tiền phải bồi thường nên cần sửa phần án phí dân sự sơ thẩm, cụ thể bị cáo Trần Thị H phải chịu 84.979.000 đồng + 11.662.000đồng (bồi thường cho Lê Thị Diệu L) = 96.641.000 đồng x 5% = 4.832.050đồng (tính tròn số 4.832.000đồng).

* Về án phí phúc thẩm: Do không được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Trần Thị H phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, người bị hại chị Lê Thị N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị H.

- Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của người bị hại chị Lê Thị N.

- Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số: 54/2017/HSST ngày 16/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về phần trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm.

[2] Tuyên bố bị cáo Trần Thị H phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Trần Thị H 08 (Tám) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 590 Bộ luật dân sự.

[3.1] Buộc bị cáo Trần Thị H phải bồi thường cho người bị hại chị Lê Thị N tổng cộng là 109.979.000 đồng (Một trăm lẻ chín triệu chín trăm bảy mươi chín ngàn đồng), được khấu trừ số tiền 25.000.000 đồng (Hai mươi lăm triệu đồng) đã bồi thường trước; còn lại buộc bị cáo Trần Thị H tiếp tục bồi thường cho chị Lê Thị N số tiền 84.979.000 đồng (Tám mươi tư triệu chín trăm bảy mươi chín ngàn đồng).

[3.2] Buộc bị cáo Trần Thị H phải bồi thường cho người bị hại chị Lê Thị Diệu L số tiền 11.662.000 đồng (Mười một triệu sáu trăm sáu mươi hai ngàn đồng).

Áp dụng khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất trong giai đoạn thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

[4] Về án phí:

[4.1] Bị cáo Trần Thị H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm và 4.832.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

[4.2] Hoàn trả lại cho chị Lê Thị N số tiền 300.000 đồng mà ông Phan Ngọc V đã nộp thay tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0003187 ngày 30/11/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

498
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 79/2018/HSPT ngày 06/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:79/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về