Bản án 78/2019/HC-PT ngày 17/06/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 78/2019/HC-PT NGÀY 17/06/2019 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 17 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 76/2019/TLPT-HC ngày 18/01/2019 về việc: “Khiếu kiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 60/2018/HC-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định có kháng cáo của người khởi kiện – bà Trần Thị H.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 482/2019/QĐ-PT ngày 27/5/2019 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Bà Trần Thị H - sinh năm: 1967;

Trú tại: xóm 3, thôn G, xã H3, Huyện H1, Bình Định.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện: ông Nguyễn Phúc T, Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng; có mặt.

2. Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H1, Bình Định;

Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện: Ông Nguyễn Văn Đ - Chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H1, tỉnh Bình Định (theo văn bản ủy quyền số 26/GUQ-UBND ngày 05/09/2017 của Chủ tịch UBND huyện H1); có đơn xin xét xử vắng mặt lần thứ hai.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Huỳnh Thanh H2 - sinh năm: 1962;

Trú tại: xóm 3, thôn G, xã H3, huyện H1, tỉnh Bình Định; có mặt.

- Ủy ban nhân dân xã H3, huyện H1, tỉnh Bình Định;

Người đại diện hợp pháp: Ông Huỳnh Quốc T1 - Chức vụ: Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H3, huyện H1, tỉnh Bình Định; có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Hội đồng Giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp H3, huyện H1, tỉnh Bình Định;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thành H4 - Phó Phụ trách Ban quản lý Cụm công nghiệp H3, huyện H1, tỉnh Bình Định kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giải phóng mặt bằng; có mặt.

- Hợp tác xã nông nghiệp H3, huyện H1, tỉnh Bình Định;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn H4 - Chức vụ: Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp H3, huyện H1, Bình Định; có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bà Trần Thị H; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Người khởi kiện bà Trần Thị H trình bày:

Ông bà ngoại của bà Trần Thị H là cụ Nguyễn T2 (chết) và cụ Trần Thị H5 (chết); thời kỳ Pháp thuộc ông T2 và bà H5 mua và tạo lập các thửa đất như sau: Theo trích lục bản đồ được xác lập năm 1943 là 03 mẫu, 04 sào, 02 thước (16.958 m2) và tờ khai diện tích đất chiếm canh 03 sào tọa lạc tại thôn G, xã H3, huyện H1, tỉnh Bình Định (nay là thôn G, xã H3, huyện H1, tỉnh Bình Định); thửa đất mang số hiệu 195, số điền chủ 46, diện tích 02 sào, 40 thước tọa lạc tại thôn G, xã H3; thửa đất mang số hiệu 187, số điền chủ 51 diện tích 01 sào 03 thước tọa lạc tại thôn G, xã H3. Các thửa đất nói trên đều có giấy xác nhận của chính quyền chế độ cũ thời Pháp thuộc ký xác nhận và một số thửa do chiến tranh thất lạc. Thửa đất 16.958 m2 là trong khu vườn nhà ở của cụ Nguyễn T2 và bà Trần Thị H5, nay là ông Huỳnh Thanh H2 và bà Trần Thị H kế thừa sử dụng.

Ông bà ngoại của bà H sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sử dụng ổn định, liên tục. Năm 1966, 1967, các thửa đất nói trên bị quân đội Mỹ lấy đất dùng làm bờ rào bảo vệ căn cứ. Năm 1975, ông bà ngoại bà H chia các thửa đất nói trên cho các con, cháu để khai hoang phục hóa sản xuất nông nghiệp. Năm 1980, Hợp tác xã nông nghiệp G1 thành lập, gia đình bà H quản lý, sử dụng không đưa đất vào Hợp tác xã, gia đình bà H chỉ đưa đất ruộng vào Hợp tác xã. Năm 1985, theo kế hoạch của Hợp tác xã vận động nhân dân tổ chức trồng đào lấy hạt phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu; Hợp tác xã đã tự động đem đào trồng trên toàn bộ diện tích đất nói trên mà không được sự đồng ý của gia đình bà H. Mặc dù ngăn cản nhưng do áp lực của Hợp tác xã nên bà H vẫn để cho Hợp tác xã trồng đào nhưng dưới cây đào gia đình bà H trồng xen kẽ các loại cây khác để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 1993, Hợp tác xã nông nghiệp G1 tổ chức cho đấu thầu các cây Đào trên diện tích đất đã trồng cho các hộ tư nhân quản lý, chăm sóc thu lợi nhuận và trích nộp cho Hợp tác xã. Bà H đấu trúng và trực tiếp canh tác, thu hoạch và có trách nhiệm nộp tiền đối với số Đào mà Hợp tác xã trồng trên diện tích đất của bà H. Ngày 27/10/2011, Hợp tác xã nông nghiệp G1 thanh lý cây đào trên đất vùng Hương 1 Gò S cho hộ bà H với số tiền 31.110.000 đồng; gia đình bà H sử dụng đất ổn định từ đó cho đến nay.

Năm 2015, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện H1 lập kế hoạch và phương án xây dựng Cụm công nghiệp xã H3; đất và tài sản gắn liền với đất của hộ bà H cũng bị ảnh hưởng; cụ thể là phần thửa đất mang số hiệu 653, tờ bản đồ số 7, diện tích 2.955,3 m2 và thửa đất số 654, tờ bản đồ số 7, diện tích 1.222,7 m2. Tuy nhiên, nhà nước không thu hồi đất của bà H mà cho rằng thu hồi đất của Hợp tác xã nông nghiệp G1; do đó không có quyết định thu hồi đất giao cho bà H, mà Hội đồng bồi thường chỉ lập phương án bồi thường, hổ trợ và tái định cư tài sản trên đất lập ngày 14/6/2016.

Bà H cho rằng không bồi thường đất là không đúng do Bà là con cháu thừa kế, sử dụng đất từ năm 1975 cho đến nay, đất không nhập vào Hợp tác xã nông nghiệp G1. Bà H đã thực hiện khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H1, tỉnh Bình Định. Ngày 05/12/2016, Chủ tịch UBND huyện H1 ban hành Quyết định số 8457/QĐ-UBND không công nhận nội dung khiếu nại của bà H.

Nay bà Trần Thị H khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ Quyết định số 8457/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện H1 và yêu cầu xem xét lại việc thu hồi đất, áp giá đền bù đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm bồi thường đối với thửa đất bị thu hồi.

2. Ông Nguyễn Văn Đ đại diện cho người bị kiện trình bày:

Các phần đất mà bà Trần Thị H đang khiếu nại, yêu cầu bồi thường do bị ảnh hưởng của Dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm Công nghiệp H3 có số hiệu 653, tờ bản đồ số 7, diện tích 2.955,3 m2 và thửa đất số 654, tờ bản đồ số 7, diện tích 1.222,7 m2 (số hiệu và diện tích đất do Hội đồng giải phóng mặt bằng tự xác lập để phục vụ cho việc kiểm kê tài sản trên đất khi giải phóng mặt bằng). Phần diện tích nói trên thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ số 12 (bản đồ VN 2000), diện tích 116.949 m2; mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm; ghi tên người sử dụng đất là UBND xã H3.

Theo hồ sơ địa chính năm 1997, phần diện tích đất bà H đang khiếu nại là phần diện tích thuộc một phần thửa đất số 585, tờ bản đồ số 19, diện tích 264.000 m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm; ghi tên người sử dụng đất là UBND xã H3.

Khi Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp G1 (nay là Hợp tác xã nông nghiệp H3) được thành lập, đã được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng toàn bộ diện tích đất nói trên; Hợp tác xã tiến hành trồng Đào cho đến trước ngày 15/10/1993. Sau ngày 15/10/1993, diện tích đất trên được giao lại cho UBND xã H3 quản lý; Hợp tác xã chuyển sang thuê đất của UBND xã H3 để tiếp tục canh tác thu hoạch cây Đào và nộp thuế đất nông nghiệp cho Đội thuế xã H3; đồng thời cho các xã viên Hợp tác xã hợp đồng giao khoán cây đào, phân chia theo tỷ lệ phần trăm với Hợp tác xã. Ngày 27/10/2011, Hợp tác xã nông nghiệp G1 thanh lý vườn Đào trên đất vùng Hương 1 Gò S cho hộ bà H với số tiền 32.110.000 đồng; phần diện tích đất có cây Đào, hộ phải ký hợp đồng thuê đất với nhà nước và nộp thuế. Năm 2011, hộ bà H mua thanh lý cây Đào của Hợp tác xã nông nghiệp G1 và sử dụng phần đất có cây Đào đến ngày Nhà nước thu hồi đất.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 31 của Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 07/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định: “người thuê đất công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất. Trường hợp có chi phí đầu tư vào đất thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại Điều 7 của quy định này (giá trị bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại không vượt quá mức hỗ trợ cho ngân sách xã, phường, thị trấn); nếu không xác định được chi phí đầu tư vào đất còn lại thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại không quá 30% giá đất bị thu hồi do UBND cấp xã đề nghị”.

Đối chiếu với quy định trên, thì việc bà Trần Thị H yêu cầu bồi thường về đất là không có cơ sở giải quyết. Tuy nhiên, hộ bà H đủ điều kiện để được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định.

Ngày 05/12/2016, Chủ tịch UBND huyện H1 ban hành Quyết định số 8457/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà H; trong đó điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ bà H: Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho hộ bà H tại thửa đất sổ 653, diện tích 2.955,3 m2 và thửa đất số 654 diện tích 1.222,7 m2, tờ bản đồ số 7, xã H3.

Căn cứ quy định tại các Điều 18, 36, 37, 38, 39, 40 của Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011; khoản 2 Điều 31 của Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2015/QD-UBND ngày 07/7/2015 của UBND tỉnh Bình Định thì quyết định 8457 nói trên của Chủ tịch UBND huyện H1 được ban hành đúng quy định.

3. Đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Thành H4 trình bày: Ông thống nhất như phần trình bày của đại diện người bị kiện Chủ tịch UBND huyện H1.

4. Đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND xã H3, ông Huỳnh Quốc T1 trình bày: thống nhất như phần trình bày của đại diện người bị kiện Chủ tịch UBND huyện H1.

5. Đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Hợp tác xã nông nghiệp H3, ông Nguyễn Văn H4 trình bày: thống nhất như phần trình bày của đại diện người bị kiện.

6. Người có quvền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Huỳnh Thanh H2 trình bày:

Ông là chồng của bà Trần Thị H; ông H2 thống nhất với yêu cầu và trình bày của bà H.

Tại Bản án Hành chính sơ thẩm số 60/2018/HC-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:

- Căn cứ vào quy định tại các Điều 30; Điều 32; Điều 116; Điều 157; Điều 158; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 193 và Điều 194 Luật tố tụng hành chính năm 2015; Tuyên xử:

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 8457/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện H1 và yêu cầu xem xét lại việc thu hồi đất, bồi thường về đất cho Bà theo quy định của pháp luật tại thời điểm bồi thường đối với thửa đất bị thu hồi.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quy định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 27 tháng 11 năm 2018, bà Trần Thị H kháng cáo yêu cầu xem xét lại nội dung của bản án hành chính sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện có ý kiến rằng diện tích đất thu hồi là của bà H chứ không phải là đất của Hợp tác xã G1. Bà H có căn cứ sử dụng đất như nguồn gốc là của ông bà ngoại giao lại cho Bà, có giấy tờ xác nhận về đất đai của chế độ cũ thời Pháp thuộc, bà H không sát nhập đất đai vào Hợp tác xã và vẫn đang sử dụng. Vì vậy đề nghị hủy Quyết định số 8457/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện H1 về việc giải quyết khiếu nại của bà H; đồng thời buộc UBND huyện H1 phải bồi thường diện tích đất đã bị thu hồi gồm thửa 653, tờ bản đồ số 7, diện tích 2.955,3 m2 và thửa đất số 654, tờ bản đồ số 7, diện tích 1.222,7 m2.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm có ý kiến Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính; đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên các quyết định của bản án hành chính sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về nội dung khiếu kiện: Năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện H1, tỉnh Bình Định lập kế hoạch và phương án xây dựng Cụm công nghiệp xã H3; theo đo đạc thì thửa đất mang số hiệu 653, tờ bản đồ số 7, diện tích 2.955,3 m2 và thửa đất số 654, tờ bản đồ số 7, diện tích 1.222,7 m2 nằm trong diện tích quy hoạch Cụm công nghiệp. Tuy nhiên, nhà nước chỉ thu hồi đất của Hợp tác xã nông nghiệp G1; không có quyết định thu hồi đất của bà H, Hội đồng bồi thường chỉ lập phương án bồi thường, hổ trợ và tái định cư tài sản trên đất cho bà H lập ngày 14/6/2016.

Bà H thống nhất với phương án bồi thường tài sản trên đất; nhưng việc không bồi thường đất thì Bà không đồng ý. Bà H đã thực hiện khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H1, tỉnh Bình Định và Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện H1, tỉnh Bình Định.

Ngày 05/12/2016, Chủ tịch UBND huyện H1 ban hành Quyết định số 8457/QĐ-UBND về việc không công nhận nội dung khiếu nại của bà H; cho rằng đất là của Ủy ban nhân dân xã H3, huyện H1, tỉnh Bình Định quản lý; cây cối hoa màu là do bà H trồng và mua thanh lý Đào của Hợp tác xã G1 nên chỉ bồi thường tài sản trên đất.

Bà Trần Thị H khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ Quyết định số 8457/QĐ- UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện H1 và yêu cầu xem xét lại việc thu hồi đất, áp giá đền bù đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm bồi thường đối với thửa đất bị thu hồi của gia đình bà H. Như vậy quan hệ pháp luật là “Khiếu kiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai”.

[2] Xét kháng cáo thì thấy:

Các phần đất mà bà Trần Thị H đang khiếu nại, yêu cầu bồi thường do bị ảnh hưởng của Dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm Công nghiệp H3 có số hiệu 653, tờ bản đồ số 7, diện tích 2.955,3 m2 và thửa đất số 654, tờ bản đồ số 7, diện tích 1.222,7 m2 (số hiệu và diện tích đất do Hội đồng giải phóng mặt bằng tự xác lập để phục vụ cho việc kiểm kê tài sản trên đất khi giải phóng mặt bằng). Các phần diện tích này thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ số 12 (bản đồ VN 2000), diện tích 116.949 m2; mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm; người sử dụng đất là UBND xã H3. 

Theo hồ sơ địa chính năm 1997, phần diện tích đất bà H đang khiếu nại là phần diện tích thuộc một phần thửa đất số 585, tờ bản đồ số 19, diện tích 264.000 m2, trong đó có 64.100m2 mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm; ghi tên người sử dụng đất là UBND xã H3 trong Sổ mục kê đất. Theo Biên bản lập ngày 19/4/2001 giữa UBND xã H3 và HTX G1 đã xác nhận diện tích đất HTX G1 đang quản lý bao gồm thửa 585 diện tích trồng Đào 64.100m2 .

Hợp tác xã nông nghiệp G1 thành lập năm 1980 (đến năm 2016 là Hợp tác xã nông nghiệp H3) đã được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng toàn bộ diện tích đất 64.100m2 nêu trên nằm trong tổng số diện tích đất được giao trên bản đồ là 116.949m2 (theo số liệu xác định trên tờ bản đồ số 12, VN2000). Hợp tác xã đã tiến hành trồng Đào cho đến trước ngày 15/10/1993. Sau ngày 15/10/1993, diện tích đất trên được giao lại cho UBND xã H3 quản lý; Hợp tác xã chuyển sang thuê đất của UBND xã H3 để tiếp tục khai thác cây đào, đồng thời tiến hành Hợp đồng giao khoán cây Đào cho các xã viên thời hạn 5 năm, ăn chia theo tỷ lệ phần trăm với Hợp tác xã. Hộ ông Huỳnh Thanh H2 và Trần Thị H được hợp đồng giao khoán khu vực Gò S theo Hợp đồng lập ngày 20/10/2004.

Ngày 27/10/2011, Hợp tác xã nông nghiệp G1 thanh lý vườn Đào trên đất vùng Hương 1 Gò S cho hộ bà H với số tiền 32.110.000 đồng. Theo Biên bản thanh lý vườn đào ký kết giữa HTX G1 với bà H thì bà H được quản lý khai thác cây Đào, riêng phần đất hộ mua Đào phải ký hợp đồng thuê đất với nhà nước và chịu thuế. Tuy nhiên khi mua thanh lý cây Đào, bà H không làm Hợp đồng thuê đất, như vậy hợp đồng thuê đất giữa Hợp tác xã và UBND xã H3 vẫn đang tồn tại. Thực tế Hợp tác xã G1 là người tiếp tục nộp thuế sử dụng đất và đã cung cấp chứng cứ các Biên lai thu thuế sử dụng đất từ năm 2010 – 2014. Từ đó xác định bà H không có quyền sử dụng đất, cũng không có quyền lợi về thời hạn thuê đất.

Diện tích đất thu hồi nêu trên đã được giao cho Hợp tác xã G1 sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai từ năm 1980 đến năm 1993; sau 15/10/1993 thì thuộc UBND xã quản lý và cho HTX G1 thuê đất. Trong trường hợp này Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo đất đai qua các thời kỳ.

Như vậy Quyết định 8457/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện H1 không công nhận nội dung khiếu nại của bà Trần Thị H là hợp lý; Bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà H là có căn cứ và đúng pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị H, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

[3] Kháng cáo của Người khởi kiện không được chấp nhận, người kháng cáo là thân nhân liệt sĩ được miễn nộp án phí theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241, Điều 242 Luật tố tụng hành chính;

1. Bác kháng cáo của bà Trần Thị H và giữ nguyên quyết định của bản án hành chính sơ thẩm số 60/2018/HC-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

2. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 193 của Luật tố tụng hành chính

Xử: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H về yêu cầu hủy Quyết định số 8457/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện H1, tỉnh Bình Định và yêu cầu xem xét lại việc thu hồi đất, áp giá đền bù đất theo quy định của pháp luật của thửa đất bị thu hồi.

3. Án phí: bà H được miễn nộp án phí hành chính phúc thẩm.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

582
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 78/2019/HC-PT ngày 17/06/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai

Số hiệu:78/2019/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:17/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về