Bản án 78/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán, lắp đặt nhà máy sản xuất chế biến tinh bột mì

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH  ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 78/2019/DS-PT NGÀY 14/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN, LẮP ĐẶT NHÀ MÁY SẢN XUẤT CHẾ BIẾN TINH BỘT MÌ

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 43/2019/TLPT-DS ngày 30 tháng 01 năm 2019 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán, lắp đặt nhà máy sản xuất chế biến tinh bột mì”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Toà án nhân dân huyện C bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 105/2019/QĐ-PT ngày 01 tháng 4 năm 2019 và Thông báo chuyển lịch phiên tòa số 214/2019/TB-TA ngày 26/4/2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Chềnh Mộc S

Địa chỉ: Ấp A, huyện B, tỉnh Đồng Nai (Vắng mặt);

Đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Ngọc H

Địa chỉ: Số 59 D, Phường Đ, Tp. E, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt)

- Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Châu Y

Địa chỉ: Buôn C, xã F, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt);

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Ngọc N

Địa chỉ: 02 Nguyễn Văn H, phường Đ, thành phố E, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

* Người kháng cáo: Ông Phan Ngọc N đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 18/4/2017, tại bản tự khai và tại các biên bản hòa giải, nguyên đơn trình bày: 

Giữa năm 2012, bà Nguyễn Thị Châu Y có đến tham quan nhà máy sản xuất tinh bột mỳ (Sắn) của ông Chềnh Mộc S tại Đồng Nai và có đặt ông Chềnh Mộc S một dây chuyền sản xuất tinh bột mỳ tại nhà máy của bà ở xã F, huyện C. Hai bên thỏa thuận giá trị dây chuyền sản xuất tinh bột mỳ này là 10 tỷ đồng. Mặc dù, thỏa thuận trên đã được ông S soạn hợp đồng nhưng bà Nguyễn Thị Châu Y cứ khất lần và không chịu ký vào hợp đồng.

Sau đó, bà Y chuyển cho cho ông Chềnh Mộc S 2,5 tỷ đồng và hối thúc ông S lắp ráp hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ tại nhà máy của bà. Khi ông Chềnh Mộc S yêu cầu chuyển thêm tiền thì bà Y nói do chưa có giấy chứng nhận đầu tư nên không vay tiền ngân hàng được. Bà Y hứa với ông S sau khi vay được tiền Ngân hàng sẽ thanh toán đủ.

Vì tin tưởng lời hứa của bà Y nên ông S đã chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ trong năm 2013 tại nhà máy của bà Y ở xã F, huyện C.

Những hạng mục tiếp theo như hầm biogas, nhà xưởng, nhà làm việc, xây trạm điện, hệ thống xử lý cấp nước….(Những hạng mục này ngoài hợp đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ giá trị 10 tỷ đồng ) đều do ông S thực hiện và hoàn thành đi vào sản xuất vào năm 2014.

Sau khi hoàn thành, dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ đã vận hành thử nghiệm và cho kết quả rất tốt. Sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng và đã bán cho công ty X Đồng Nai. Toàn bộ nguyên vật liệu cũng do ông S tự bỏ tiền ra để nhà máy vận hành thử nghiệm. Lúc này bà Y không có tiền để trả cho ông S cũng như mua nguyên liệu đầu vào để sản xuất. Bà Yến liên tục đưa ra lý do chưa có giấy chứng nhận đầu tư nên chưa vay được Ngân hàng, vì thế không có tiền trả cho ông S và cam kết khi vay được tiền sẽ thanh toán đủ cho ông S toàn bộ tiền lắp đặt dây chuyền sản xuất cùng các khoản phát sinh khi thi công các hạng mục khác của nhà máy.

Đến năm 2015, thì bà Y được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất tinh bột mỳ nhưng lúc này bà Y không muốn tiếp tục sản xuất mà có ý định bán toàn bộ dự án cho người khác. Ông S đã yêu cầu bà Y phải thanh toán toàn bộ số tiền còn thiếu cho ông S, còn việc bà Y bán dự án cho ai là quyền của bà Y. Tuy nhiên do đối tác nhận chuyển nhượng dự án của bà Y chỉ đồng ý mua giấy chứng nhận đầu tư cùng quyền sử dụng đất và nhà xưởng của bà Y mà không mua dây chuyền sản xuất nên bà Y yêu cầu ông S tháo dỡ hết toàn bộ dây chuyền máy móc, thiết bị mà ông S đã lắp đặt cho bà Y và di dời ra khỏi nhà máy của bà Y, đồng thời tuyên bố không thanh toán số tiền còn thiếu cho ông S và buộc ông S phải trả lại cho bà Y số tiền 2,5 tỷ đồng mà bà Y đã chuyển giao cho ông S trước đó.

Trong suốt quá trình hợp tác làm việc với bà Y, ông S luôn thực hiện tốt công việc của mình. Đảm bảo máy móc có chất lượng, số lượng, chủng loại và thực tế là nhà máy đã đi vào vận hành đúng thiết kế, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn chất lượng và được bán cho các đối tác uy tín.

Bản thân bà Y ngay từ ban đầu không có vốn để làm nhà máy nhưng vẫn cố tình lừa dối để ông S rắp ráp toàn bộ dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ cho bà Y. Khi có giấy chứng nhận đầu tư thì bà Y lập tức bán cho người khác và hất ông S ra ngoài. Biết ông S ở xa nên bà Y liên tục đe dọa ông S, buộc ông S phải nhanh chóng tháo dỡ máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ mà ông S đã lắp ráp hoàn chỉnh. Toàn bộ máy móc là đồ mới do ông S nhập từ nước ngoài về lắp đặt, nếu tháo dỡ sẽ làm hư hỏng, mất đi giá trị vốn có của nó. Như vậy, thiệt hại sẽ là rất lớn, trong khi đó bà Y đã vi phạm hợp đồng, không trả tiền cho ông S còn bắt ông S phải hoàn trả lại cho bà Y là 2,5 tỷ đồng đã chuyển cho ông S trước đó. Hành động trên của bà Y là quá ngang ngược, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp của ông S.

Nay ông S đề nghị Tòa án buộc bà Y phải trả cho ông S số tiền như sau:

-   Tiền còn lại của hợp đồng: 7,5 tỷ đồng

-   Tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2013: 1,4 tỷ đồng

-   Tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2014: 1,2 tỷ đồng

-   Dây chuyền sản xuất bã thô: 4 tỷ đồng. 

Tổng cộng 14,1 tỷ đồng (Mười bốn tỷ một trăm triệu đồng).

Tại đơn phản tố, bản tự khai và tại các biên bản hòa giải, bị đơn trình bày:

Năm 2012, do có nhu cầu sản xuất tinh bột sắn nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa là nhu cầu bức thiết của nhân dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Châu Y, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) YN đã tìm kiếm và gặp ông Chềnh Mộc S trao đổi hợp đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất tinh bột sắn tại doanh nghiệp tư nhân YN.

Sau khi bàn bạc, trao đổi bằng lời nói, không lập thành văn bản, hai bên thống nhất: Ông Chềnh Mộc S có trách nhiệm lập thủ tục xin phép nhập khẩu một hệ thống đồng bộ dây chuyền sản xuất tinh bột sắn hiện đại nhất mà các nước tiên tiến đang sử dụng. Sau đó vận chuyển đến lắp đặt tại doanh nghiệp tư nhân YN. Sau khi lắp đặt xong, phía ông S có trách nhiệm vận hành, chạy thử và cử nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cho công nhân của doanh nghiệp tư nhân YN vận hành cho đến khi thành thạo. Đồng thời, phía ông S phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của dây chuyền máy móc, cũng như hồ sơ, giấy phép nhập khẩu kể cả tờ khai Hải quan… và ông S có trách nhiệm lập báo cáo tác động môi trường trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt (Vì ông S đã sản xuất nên có kinh nghiệm) làm cơ sở để phía doanh nghiệp tư nhân YN lập thủ tục đăng ký sản xuất với cơ quan có thẩm quyền và lập thủ tục thế chấp nhà máy cho Ngân hàng để vay tiền thanh toán cho ông S. Tổng giá trị hợp đồng là 10 tỷ đồng. Ông S yêu cầu phía DNTN YN ứng trước cho ông ông S 2,5 tỷ đồng và bà Y đã chuyển cho ông S 2,5 tỷ đồng.

Sau khi lắp đặt xong, ông S vận hành cho máy chạy thử và đã cho ra sản phẩm.

Sau khi hoàn tất việc lắp đặt, chạy thử, bà Y yêu cầu ông S cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ cũng như báo cáo tác động môi trường để doanh nghiệp tư nhân YN trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lập thủ tục đăng ký sản xuất và lập thủ tục thế chấp với Ngân hàng để vay tiến nhưng ông S không có để cung cấp.

Sau nhiều lần yêu cầu không được đáp ứng, qua tìm hiểu, bà Y được biết, ông S đã nhập khẩu dây chuyền sản xuất mỳ này từ những năm 70 của thế kỷ trước, loại thiết bị mà Nhà nước cấm nhập khẩu (Hay còn gọi là rác thải công nghiệp) nên phía ông S không có giấy tờ, hồ sơ tài liệu gì chứng minh như cam kết ban đầu.

Chính ông S không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp phép hành nghề sản xuất lắp đặt máy móc thiết bị, không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu các thiết bị, nên ông S đã nhập thiết bị đã hết hạn sử dụng, là loại rác thải tại các nước công nghiệp về lắp đặt cho Doanh nghiệp YN nên không có các chứng từ hóa đơn theo quy định nên giao dịch không được tiếp tục thực hiện.

Vì dây chuyền này không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hồ sơ lý lịch nên khi DNTN YN lập thủ tục thế chấp, phía Ngân hàng tiến hành thẩm định và trả lời không đủ điều kiện cho vay.

Bên cạnh đó, do không có chứng từ hợp pháp, ông S đã không thực hiện được báo cáo tác động môi trường như ông S đã cam kết khi thỏa thuận hợp đồng, nên ngày 12-11-2014, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường tại nhà máy chế biến tinh bột sắn của doanh nghiệp tư nhân YN và tại Quyết định số 2904 ngày 08/12/2014, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã xử phạt doanh nghiệp tư nhân YN số tiền 450.000.000 đồng về hành vi không báo cáo tác động môi trường được phê duyệt theo quy định.

Do ông Chềnh Mộc S không được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lĩnh vực cơ khí lắp ráp máy móc thiết bị, không được cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa, không đủ năng lực cung cấp thiết bị đủ điều kiện hoạt động tại Việt Nam và hoàn toàn không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thiết bị máy móc nên giao dịch này phải bị coi là vô hiệu.

Nay ông S khởi kiện yêu cầu DNTN YN trả cho ông S 14,1 tỷ đồng. Bà Yến không đồng ý. Và trong 14,1 tỷ đồng, ông S khai bao gồm: Tiền còn lại của hợp đồng là 7,5 tỷ đồng; Tổng các khoản còn lại, ông S yêu cầu bà Y phải trả cho ông S là 6,6 tỷ đồng. Bà Yến không đồng ý vì: đối với số tiền lắp đặt dây chuyền sản xuất bã khô đây là hạng mục nằm chung trong dây chuyền sản xuất tinh bột sắn trị giá 10 tỷ đồng và tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2013 và 2014, bà Y đã chuyển trả đầy đủ cho ông S.

Từ những lý do trên, bà Nguyễn Thị Châu Y phản tố đề nghị Tòa án nhân dân huyện Krông Bông tuyên bố giao dịch dân sự giữa ông Chềnh Mộc S và DNTN YN nói trên là vô hiệu và xử lý giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và ông S có trách nhiệm trả lại cho bà Y số tiền 2,5 tỷ đồng mà bà Y đã chuyển cho ông S trước đó.

Tại phiên tòa sơ thẩm: Nguyên đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện về việc buộc bà Y phải trả cho ông S số tiền còn lại của dây chuyển sản xuất chế biến tinh bột mỳ là 7,5 tỷ đồng bằng việc đề nghị Tòa án chấp nhận giao cho ông S được quyền sở hữu phần dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ mà ông S đã di dời ra khỏi nhà máy của bà Y.

Tại phiên hòa giải ngày 14/7/2018, bà Y đồng ý bàn giao toàn bộ thiết bị dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ cho ông S và yêu cầu ông S di dời ra khỏi nhà máy của bà Y để bàn giao mặt bằng cho Công ty YB. Mặc dù thỏa thuận như vậy, nhưng khi ông S đến để di chuyển thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ ra khỏi nhà máy của bà Y thì công ty YB yêu cầu ông S phải trả 300 triệu đồng tiền tháo dỡ mới chịu cho di chuyển máy móc thiết bị và các tài sản khác ra khỏi nhà máy. Công ty YB còn giữ lại một số tài sản của dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ này để tận dụng xây dựng nhà mày mới, trị giá tài sản mà công ty YB còn giữ lại của ông S là 759.457.000đ gồm: 04 bồn quậy bột – ĐK 2.500, trị giá 88.024.440đ; Bồn nhỏ ĐK 1.9M dài 3.75, trị giá 58.703.600đ; Trạm điện trung gian và bộ dây điện ( từ trạm biến thế vào), trị giá 150.000.000đ; hệ thống dây điện phân phối đến tất cả các bộ phận của dây chuyền sản xuất (Từ trạm trung gian đến các máy C3, tách nước, tách bã … đến hồ xử lý nước thải, hồ nước sạch, văn phòng… ), trị giá 30.000.000đ; Băng tải lên bột khô, trị giá 80.000.000đ; 04 lồng ở hồ lắng nước dùng – ĐK 2000 MM – Inox 201, trị giá 73.357.656đ; 03 tấm đế lót máy tách nước, trị giá12.312.000đ ; 03 bộ ống thoát hơi nước phi 1000MM (Tháp bột và 02 tháp sấy bã), trị giá 56.861.200đ; 03 khung tháp sấy, trị giá 168.745.500đ; 05 bộ khung, trị giá 41.455.700đ. Số tài sản này, nguyên đơn xin rút yêu cầu khởi kiện buộc bà Y và công ty YB giao lại cho ông S để khởi kiện thành một vụ án khác.

Nguyên đơn cũng xin rút yêu cầu khởi kiện về việc buộc bà Y phải trả cho ông S số tiền 6,6 tỷ đồng gồm các khoản: tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2013: 1,4 tỷ đồng; Tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2014: 1,2 tỷ đồng; Dây chuyền sản xuất bã thô: 4 tỷ đồng.

Đối với yêu cầu phản tố của bà Y về việc yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự giữa ông S và Doanh nghiệp tư nhân YN (Bà Y) là vô hiệu và xử lý giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật, cụ thể là yêu cầu ông S trả lại cho bà Y 2,5 tỷ đồng đã nhận và bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu phản tố của phía bị đơn vì những lẽ sau: Khi bà Y xuống giao dịch với ông S đề nghị lắp đặt một nhà máy chế biến tinh bột mỳ, trị giá 10 tỷ đồng, bà Y chuyển cho ông S 2,5 tỷ đồng, bằng ¼ giá trị hợp đồng và hẹn khi nào lắp đặt xong nhà máy bà Y sẽ trả số tiền còn lại là 7,5 tỷ đồng , bằng ¾ giá trị hợp đồng cho ông S. Ông S mang thiết bị, máy móc lên nhà máy của bà Y để lắp đặt dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ như đã cam kết với bà Y. Khi lắp đặt xong nhà máy, đã sản xuất được tinh bột mỳ, có sản phẩm bán ra thị trường là tinh bột mỳ (hóa đơn bán hàng ngày 01/4/2014 và ngày 10/4/2014 do doanh nghiệp tư nhân thương mại YN xuất bán) nhưng bà Y không thực hiện cam kết trả số tiền còn nợ cho ông S mà còn yêu cầu ông S tháo dỡ dây chuyền sản xuất tinh bột mỳ di dời ra khỏi nhà máy của bà Y.

Mặc dù bà Y biết nếu ông S tháo dỡ dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ này ra thì sẽ gây thiệt hại lớn cho ông S nhưng bà Y vẫn cố tình thực hiện. Thể hiện thông qua việc bà Y bán nhà máy cho công ty Yên bình và Công ty YB tự ý tháo dỡ dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ mà ông S đã lắp đặt trước đó không có sự giám sát từ phía ông S - để xây dựng nhà máy mới.

Vì dây chuyền, thiết bị sản xuất chế biến tinh bột mỳ mà ông S đã lắp đặt hơn một năm tại nhà máy của bà Y đã bị công ty YB tháo dỡ, nên không thể định giá được giá trị thiệt hại.

Tại bản án số 15/2018/DS-ST ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

- Căn cứ vào Điều 116; Điều 117; khoản 1 Điều 119; Điều 364; Điều 430; Điều 434 Bộ luật dân sự 2015;

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên  x ử:

Chấp nhận việc giao toàn bộ số thiết bị, dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ mà ông S đã di dời ra khỏi nhà máy của bà Y cho ông S được toàn quyền sở hữu.

Đình chỉ giải quyết phần yêu cầu của nguyên đơn Chềnh Mộc S về việc buộc bà Nguyễn Thị Châu Y phải trả cho ông số tiền là: 14,1 tỷ đồng và phần ông S yêu cầu bà Y và Công ty YB phải trả giá trị tài sản của dây chuyền sản xuất, chế biến tinh bột mỳ mà Công ty YB đang tận dụng để lắp lặt nhà máy mới, trị giá 759.450.000đ.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Nguyễn Thị Châu Y về việc yêu cầu tuyên bố giao dịch giữa ông S và bà Y là vô hiệu và yêu cầu xử lý giao dịch dân sự vô hiệu buộc ông Chềnh Mộc S trả lại cho bà Y số tiền là 2,5 tỷ đồng.

Về án phí:

- Trả lại cho ông Chềnh Mộc S 122.000.000đ (Một trăm hai hai triệu đồng) tạm ứng án phí Dân sự đã nộp theo biên lai số 29936 ngày 19/4/2017 tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Bông.

- Bà Nguyễn Thị Châu Y phải nộp thêm 41.000.000đ (Bốn mốt triệu đồng) án phí Dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/12/2018 ông Phan Ngọc N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 15/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Toà án nhân dân huyện Krông Bông. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố giao dịch dân sự giữa ông Chềnh Mộc S và DNTN YN vô hiệu, đồng thời xử lý hợp đồng vô hiệu. Buộc ông Chềnh Mộc S phải trả cho DNTN YN số tiền 2,5 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Đặng Ngọc H đề nghị giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Phan Ngọc N giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án HĐXX, thư ký Tòa án, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Tại phiên tòa sơ thẩm ông S đã rút toàn bộ yêu cầu đối với số tiền 14,1 tỷ đồng và bổ sung yêu cầu khởi kiện công nhận quyền sở hữu dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mì là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Cấp sơ thẩm không đưa ông H tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và tiến hành xem xét thẩm định, định giá các tài sản này nhưng Tòa án không thực hiện đúng quy định pháp luật, là vi phạm khoản 4 Điều 68, Điều 101 BLTTDS năm 2015.

Xét thấy cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, xem xét chứng cứ không toàn diện khách quan, bỏ sót người tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, HĐXX nhận định:

 [1] Về nội dung của vụ án:

- Về hình thức của giao dịch phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 124 của BLDS 2005 “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”.

- Về nội dung của hợp đồng phù hợp với quy định tại Điều 428 của BLDS 2005.

- Về chất lượng và chủng loại của hợp đồng:

Xét thấy: Các bên giao kết hợp đồng bằng miệng, không có thỏa thuận cụ thể về các điều kiện về chất lượng và chủng loại của hợp đồng.

- Về nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên: Phía ông S đã hoàn thành hết trách nhiệm như giao tài sản, nắp đặt, vận hành giây chuyền sản suất tinh bột mì và đã có sản phẩm bán ra thị trường. Đối với bà Y trong suất quá trình ông S giao hàng, lắp đặt vận hành thì bà Y không phản đối gì về chất lượng và chủng loại thì được coi là hợp đồng đã hoàn thành. Giao dịch dân sự có đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 và phù hợp với quy định tại các Điều 385; 386 và Điều 430 của BLDS 2015, trong quá trình thực hiện các bên không có thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng.

 [2] Xét nội dung kháng cáo của ông Phan Ngọc N, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Ngày 18/4/2017 ông Chềnh Mộc S làm đơn khởi kiện yêu cầu bà Y phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của hợp đồng song vụ, buộc bà Y phải thanh toán cho ông S số tiền 14,1 tỷ.

Ngày 03/5/2017 bà Nguyễn Thị Châu Y làm đơn phản tố yêu cầu tuyên hợp đồng giữa ông S và bà Y là vô hiệu và xử lý giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật. Xét yêu cầu của bà Nguyễn Thị Châu Y không phải là yêu cầu phản tố mà chỉ là ý kiến phản đối của phía bị đơn. Vì đây là hợp đồng song vụ, về quyền và nghĩa vụ của các bên cùng nằm trong cùng một hợp đồng nên không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200 của BLTTDS. Vì vậy Tòa cấp sơ thẩm xác định đây là yêu cầu phản tố và cho đương sự nộp tạm ứng án phí là không chính xác.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, ông S đã rút yêu cầu khởi kiện của mình về việc buộc bà Nguyễn Thị Châu Y trả số tiền còn lại của hợp đồng là 7,5 tỷ đồng; tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2013: 1,4 tỷ đồng; Tiền làm thêm các hạng mục khác năm 2014: 1,2 tỷ đồng; Dây chuyền sản xuất bã thô: 4 tỷ đồng; Tổng cộng 14,1 tỷ đồng ( Mười bốn tỷ một trăm triệu đồng) và rút phần yêu cầu bà Y và công ty YB trả phần tài sản trong dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ còn lại hiện nay công ty YB đang giữ, tận dụng để xây dựng nhà máy mới là 759.457.000đ để giải quyết bằng một vụ án độc lập khác tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn và trả lại tiền tạm ứng án phí là có căn cứ.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông S bổ sung yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án công nhận cho ông được quyền sở hữu dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột mỳ mà ông S đã di dời ra khởi nhà máy của bà Y là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nhưng cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận yêu cầu của ông S là không có căn cứ.

Xét thấy, bản án sơ thẩm đánh giá chứng cứ, nhận định về yêu cầu phản tố của bị đơn là chưa chính xác; Việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Căn cứ khoản 3 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự cần hủy một phần bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Sẽ được xác định khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí dân sự phúc thẩm: Do đơn kháng cáo được chấp nhận nên bà Nguyễn Thị Châu Y không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

 [1] Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của ông Phan Ngọc N – Hủy một phần bản án sơ thẩm số 15/2018/DS-ST ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện C, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân huyện C giải quyết lại vụ án theo thẩm quyền.

Hủy một phần bản án sơ thẩm về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Đình chỉ giải quyết phần yêu cầu của nguyên đơn Chềnh Mộc S về việc buộc bà Nguyễn Thị Châu Y phải trả cho ông số tiền là: 14,1 tỷ đồng và phần ông S yêu cầu bà Y và Công ty YB phải trả giá trị tài sản của dây chuyền sản xuất, chế biến tinh bột mỳ mà Công ty YB đang tận dụng để lắp lặt nhà máy mới, trị giá 759.450.000đ.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Chềnh Mộc S được nhận lại số tiền 122.000.000đồng   tiền   tạm   ứng   án   phí   đã   nộp   theo   biên   lai   thu   số AA/2013/29936 ngày 19/4/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

Đối với án phí theo yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Châu Y sẽ được xác định khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị Châu Y không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Bà Yến được nhận lại 300.000đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0005802 ngày 14/12/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

686
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 78/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán, lắp đặt nhà máy sản xuất chế biến tinh bột mì

Số hiệu:78/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về