TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 74/2018/DS-PT NGÀY 28/11/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 44/2018/TLPT-DS ngày 17 tháng 9 năm 2018 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản và yêu cầu hoàn trả giá trị tài sản”
Do bản án sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tiên Phước bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 57/2018/QĐPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Võ Văn V, sinh năm 1982, địa chỉ: Thôn A, xã M, huyện P, tỉnh Quảng Nam, có mặt.
- Bị đơn: Ông Thái Đình T, sinh năm 1955, địa chỉ: Thôn A, xã M, huyện P, tỉnh Quảng Nam, vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ NLQ1. Địa chỉ: Thôn C, xã M, huyện P, tỉnh Quảng Nam, vắng mặt.
+ NLQ2. Địa chỉ: Thôn A, xã M, huyện P, tỉnh Quảng Nam, vắng mặt.
-Người làm chứng:
+ NLC1, NLC2, NLC3, NLC4, NLC5, NLC6. Đều cùng trú tại địa chỉ: Thôn A, xã M, huyện P, tỉnh Quảng Nam, đều vắng mặt.
+ NLC7. Địa chỉ: Thôn Y, xã T, huyện P, tỉnh Quảng Nam, vắng mặt.
Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Võ Văn V
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện cũng như trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Võ Văn V trình bày:
Năm 2004, ông cùng NLC1, NLC7 trồng Keo chung ở Eo N thuộc thôn A, xã M, huyện P. Năm 2010 thì khai thác bán cho NLQ1, trú tại thôn C, xã M. Khi khai thác, do một số cây Keo còn nhỏ (khoảng 120 cây), NLQ1 không khai thác. Sau đó ông và NLC1, NLC7 chia đất ra làm riêng, phần đất ông được chia có số cây Keo này nên ông tiếp tục chăm sóc. Năm 2016, ông Thái Đình T tự ý khai thác số Keo nói trên của ông bán cho NLQ1. Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu ông T phải bồi thường thiệt hại cho ông 120 cây Keo mà ông T đã khai thác của ông với số tiền 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên toà sơ thẩm ông yêu cầu ông T bồi thường 87 cây Keo ông T đã khai thác trị giá 8.352.000 đồng (theo kết quả xem xét thẩm định và định giá).
Theo biên bản lấy lời khai và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Thái Đình T trình bày: Số cây Keo mà ông khai thác bán cho NLQ1 là của ông đã trồng vào năm 2004 trên đất của ông tự khai hoang. Năm 2016, ông bán cho NLQ1 khoảng 90 cây Keo lớn và nhỏ với giá 4.500.000 đồng. Việc ông trồng Keo trên đất của ông có nhiều người biết và làm chứng cho ông. Vì vậy, ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Võ Văn V.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ NLQ1 trình bày: Năm 2010, ông mua keo của NLQ2, NLC7 và ông NLC1 làm chung tại Eo N thuộc thôn A, xã M, huyện P với giá 60.000.000 đồng. Khi ông khai thác thì ông Thái Đình T ngăn cản không cho khai thác một diện tích khoảng 01 sào đất (500 m2), trong đó có một số cây Keo lớn gần giếng và một số cây Keo nhỏ, nên ông có hỏi NLQ2, NLC7, NLC1 thì cả ba người đều thừa nhận Keo này là của ông T, do đó ông không khai thác. Đến năm 2016, ông T bán cho ông nên ông mua.
+ NLQ2 trình bày: Trước đây ông V (Là con của ông) có làm chung rừng với NLC7, NLC1. Đến năm 2010 thì bán Keo cho NLQ1. Sau đó chia đất riêng cho từng người và ông đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số cây Keo hiện ông V tranh chấp với ông T là do trồng Keo lai nên cây chậm lớn, do cây còn nhỏ nên NLQ1 không khai thác, số cây Keo này là của ông V, nên ông thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông V.
Với nội dung như trên, tại bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tiên Phước đã áp dụng Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 164, 170 Bộ luật Dân sự năm 2005; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xử bác đơn yêu cầu khởi kiện của ông Võ Văn V về việc “Tranh chấp quyền sở hữu và yêu cầu hoàn trả giá trị tài sản” là 87 cây Keo (Đã khai thác) đối với ông Thái Đình T.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17 tháng 8 năm 2018 nguyên đơn ông Võ Văn V có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến:
Việc tuân theo pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của BLTTDS năm 2015. Nguyên đơn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn đã triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vắng mặt.
Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Võ Văn V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa. Sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáo và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm.
[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn ông Thái Đình T và NLQ2, NLQ1 đã được triệu hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn ông Võ Văn V khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn ông Thái Đình T bồi thường thiệt hại cho ông số tiền 20.000.000 đồng do ông T tự ý khai thác 120 cây Keo do ông V trồng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp quyền sở hữu tài sản và yêu cầu hoàn trả giá trị tài sản là chưa đúng nên cấp phúc thẩm xác định lại quan hệ pháp luật là “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản”.
[2] Về nội dung: Nguyên đơn ông Võ Văn V kháng cáo cho rằng cây keo ông trồng trên đất của ông mà ông T khai khác nhưng Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước xử không công nhận số Keo này là của ông là không đúng, thì thấy rằng:
Năm 2004, các ông V, NLC7 và NLC1 có trồng rừng chung tại khu vực Eo Nthuộc thôn A, xã M, huyện P. Năm 2010, khai thác bán cho NLQ1. Sau đó các ông chia đất ra làm riêng và hộ gia đình NLQ2 (NLQ2 là cha ông V) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong diện tích đất NLQ2 được cấp giấy chứng nhận thì có số cây Keo được trồng trên diện tích 1890 m2đất. Năm 2016, ông T bán số cây Keo này cho NLQ1, nên dẫn đến ông V tranh chấp với ông T. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ thì các cây Keo tranh chấp chỉ còn lại gốc cây, số lượng 87 gốc cây trên diện tích đất 1890 m2.
Xét kháng cáo của nguyên đơn: Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn cho rằng số cây Keo đang tranh chấp là do nguyên đơn trồng. Bị đơn ông T cho rằng số cây Keo (khoảng 90 cây) ông khai thác vào năm 2016 và bán cho ông NLQ1 là của ông trồng vào năm 2004. Theo lời khai của NLQ1 là người trước đây mua và khai thác Keo của các NLQ2, NLC7, NLC1 thể hiện: “Năm 2010, ông mua rừng Keo của NLQ2, NLC7 và NLC1 làm chung tại Eo N thôn A, xã M, huyện P. Khi ông khai thác thì ông T ngăn cản không cho khai thác một diện tích khoảng 1 sào đất (500 m2), trong đó có một số cây Keo lớn gần giếng và một số cây Keo nhỏ. Lúc đó ông có hỏi NLQ2, NLC7,
NLC1 thì ba người đều thừa nhận Keo này là của ông T nên ông không khai thác”. Lời khai của NLQ1 phù hợp với lời khai của NLC6 “Vào năm 2010, NLQ2 bán số Keo này cho NLQ1, nhưng biết Keo này là của ông T nên NLQ1 không khai thác” và phù hợp với lời khai của những NLC4, NLC3, NLC2 và NLC5 khai “số cây Keo tranh chấp là của ông T trồng vào năm 2004, sau sự kiện cháy núi”.
Thấy rằng, mặc dù số cây Keo mà ông T khai thác bán cho NLQ1 nằm trên diện tích 1890 m2đất mà NLQ2 (là cha ông V) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng căn cứ vào lời khai của ông T số Keo này do ông trồng vào năm 2004, lời khai của ông T phù hợp với lời khai của NLQ1 và những người làm chứng đã nêu trên, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định số cây Keo mà ông T đã khai thác vào năm 2016 bán cho NLQ1 là của ông T trồng vào năm 2004. Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, ông V không có chứng cứ gì mới chứng minh số cây Keo ông T khai thác là do ông trồng. Do vậy, Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông.
[3] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của ông V không được chấp nhận nên ông V phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Võ Văn V, giữ nguyên phần quyết định của bản án sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tiên Phước,
2. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Võ Văn V phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng). Được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng ông V đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0018730 ngày 22-8-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Phước.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (28-11-2018).
Bản án 74/2018/DS-PT ngày 28/11/2018 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản
Số hiệu: | 74/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về