TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 736/2017/HSPT NGÀY 24/10/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 24 tháng 10 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 468/2017/TLPT-HS ngày 03 tháng 7 năm 2017 đối với bị cáo Hà Văn Ch phạm tội “Giết người” do có kháng cáo của bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2017/HSST ngày 22 tháng 5 năm 2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
* Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo:
Hà Văn Ch, sinh năm 1974; nơi cư trú: Phố TA, thị trấn TD, huyện YD, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; văn hóa: Lớp 12/12; con ông Hà Văn H và bà Hà Thị Đ; có vợ và có 03 con, con lớn sinh năm 1993, con nhỏ sinh năm 2001; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/7/2016; có mặt tại phiên tòa.
* Người bị hại: Ông Nguyễn Văn T (đã chết)
* Người đại diện hợp pháp của người bị hại có kháng cáo: Bà Đỗ Thị Hg (vợ bị hại); trú tại: Tổ dân phố H, thị trấn TD, huyện YD, tỉnh Bắc Giang; có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Giáp Thị V - Văn phòng Luật sư KVA thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang; có mặt tại phiên tòa.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện người bị hại:
Luật sư Lê Viết Ph thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và Bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vợ chồng ông Nguyễn Văn T và bà Đỗ Thị Hg bán hàng nước tại vỉa hè đường 299 thuộc địa phận thôn Phố, xã Tân An, huyện Yên Dũng. Vợ chồng Hà Văn Ch và bà Hà Thị Ng cũng bán hàng nước ở vỉa hè đối diện. Tối ngày 20/7/2016, vợ chồng ông T và vợ chồng Ch đều bán hàng. Khoảng gần 22 giờ cùng ngày, quán của ông T có ông Hà Ngọc C đang ngồi uống nước mía còn khách tại quán của Ch đã về hết. Ch dọn hàng cho bàn ghế lên xe đẩy và chở được một chuyến về nhà. Khi Ch tiếp tục dọn hàng xếp lên xe thì vợ chồng ông T cũng dọn hàng. Ông T và bà Hg vừa làm vừa chửi đổng. Ch nghĩ vợ chồng ông T chửi mình nhưng không nói gì. Khi Ch kéo xe từ vỉa hè xuống đường còn bà Ng đẩy xe phía sau để ra về thì nghe thấy ông T chửi “Mẹ mày đi ngủ với người khác, còn mày thì đánh cả bố mày”. Ch cho rằng ông T xúc phạm đến gia đình vợ Ch nên dừng xe rồi đi bộ đến gần chỗ ông T đứng và nói “Tôi có thù oán gì anh chị mà chửi bới xúc phạm gia đình tôi”. Bà Ng đứng trên vỉa hè cũng cãi chửi nhau với vợ chồng ông T. Sau đó ông T xông vào dùng chân tay đánh Ch. Ch vừa dùng tay đỡ vừa lùi lại chỗ xe hàng của mình lấy 01 con dao nhọn (loại dao bấm gấp, chuôi dao dài 10cm, một bên có gắn ốp nhựa và có nút bấm, lưỡi dao dài 7cm. Ch cầm dao trên tay phải nhưng chưa bật lưỡi ra và dùng hai tay đấm ông T. Trong lúc hai người đánh nhau, Ch bị ông T đấm vào miệng làm gẫy hai chiếc răng. Ch bị rơi dao nên cúi xuống nhặt thì ông T lao tới dùng tay đấm. Ch bấm nút bật lưỡi dao ra, cầm dao trên tay phải đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng ngực, tay phải và lưng ông T. Ông T kêu lên “Hg ơi nó đâm anh rồi”. Thấy vậy bà Hg cầm chiếc cán chổi bằng tre chạy ra vụt vào người Ch. Ông T bảo bà Hg đi lấy dao. Bà Hg chạy ra tủ hàng lấy 01 con dao phớ thì anh C chạy ra giữ tay can ngăn. Ông T chạy ra vị trí tiếp giáp giữa cửa hàng bán quần áo và tường bao nhà tưởng niệm Bác Hồ thì gục ngã. Hà Văn Ch cầm dao đi về nhà sau đó đến đồn Công an Tân Dân đầu thú và giao nộp dao gây án. Ông T được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu nhưng đã bị tử vong.
Tại Bản giám định pháp y số 2980/16/GĐPY ngày 21/7/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận nguyên nhân chết của ông Nguyễn Văn T do sốc mất máu không hồi phục, trụy tim mạch do vết thương thấu phổi, thấu tâm thất phải. Cơ chế hình thành vết thương do vật sắc, nhọn gây nên.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2017/HSST ngày 22 /5/2017, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự và Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội xử phạt bị cáo Hà Văn Ch17 (Mười bảy) năm tù về tội “Giết người”.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 584; 591; điểm b khoản 2 Điều 593; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự buộc bị cáo Hà Văn Ch phải bồi thường cho bà Đỗ Thị Hg, cụ Ngụy Thị Th, anh Nguyễn Văn H và chị Nguyễn Thị H. Do bà Đỗ Thị Hg đại diện số tiền là 146.340.000 đồng.
Xác nhận bị cáo đã bồi thường 30.000.000 đồng và nộp cho Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang và số tiền 70.000.000 đồng theo 02 biên lai thu tiền AA/2012/01724 ngày 03/01/2017, AA/2012/01693 ngày 07/02/2017 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang. Bị cáo Ch phải bồi thường tiếp số tiền 46.340.000 đồng
Buộc bị cáo Hà Văn Ch phải cấp dưỡng cho cụ Ngụy Thị Th mỗi tháng 700.000 đồng kể từ ngày 20/7/2016 cho đến khi cụ Th chết.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 03/6/2017, bị cáo Hà Văn Ch kháng cáo xin giảm hình phạt, giảm bồi thường và nêu rõ: Vụ án xảy ra do lỗi của vợ chồng người bị hại đã chửi bới, xúc phạm bị cáo. Bà Hg còn dùng chổi đánh vào đầu bị cáo. Khi bị cáo ngã xuống, bị hại vẫn lao vào đánh bị cáo nên bị cáo mới dùng dao đâm lại. Sau khi phạm tội, bị cáo đã đầu thú, thành khẩn khai báo; nhân thân tốt, gia đình đã khắc phục hậu quả; bố mẹ bị cáo là người có công với Nước.
Về trách nhiệm dân sự, sự việc xảy ra do lỗi của ng ười bị hại nhưng Tòa án bắt bị cáo phải chịu bồi thường mức tổn thất tinh thần bằng 90 tháng lương cơ sở là cao trong khi ông T cũng gây thương tích cho bị cáo 4%; mức cấp dưỡng cho mẹ ông T 700.000 đồng/tháng là không đúng vì cụ Th có 7 người con.
Ngày 07/6/2017, bà Đỗ Thị Hg là đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo tăng bồi thường và tăng hình phạt đối với bị cáo Hà Văn Ch.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hà Văn Ch khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội đúng như nội dung nhận định và kết luận của Tòa án cấp sơ thẩm, bị cáo giữ nguyên kháng cáo; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo nhưng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ mới; đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Đỗ Thị Hg giữ nguyên yêu cầu kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng bồi thường.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi tham gia thẩm vấn, xem xét tài liệu có trong hồ sơ vụ án kết luận: Hà Văn Ch đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào tay, ngực, lưng ông T dẫn tới tử vong. Ông T và bị cáo không có mâu thuẫn lớn, chỉ cãi chửi nhau mà bị cáo đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm tước đoạt mạng sống người bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo về tội “Giết người” là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng, vụ án xảy ra do một phần lỗi của người bị hại đã gây thương tích cho bị cáo nên bị cáo bị kích động tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được Hg để phạt bị cáo 17 năm tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mới nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo cũng như kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại về tăng, giảm hình phạt đối với bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự,Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét khoản mai táng phí 37.000.000 đồng; khoản tổn thất tinh thần bằng 90 tháng lương cơ sở là có căn cứ cần giữ nguyên. Đối với khoản trợ cấp nuôi cụ Thắm 700.000 đồng/tháng là cao vì cụ Th có 7 người con nên đề nghị giảm khoản này bằng 500.000 đồng/tháng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Ch đồng ý với quan điểm của Kiểm sát viên về việc bác kháng cáo tăng hình phạt của đại diện hợp pháp người bị hại, không nhất trí bác kháng cáo của bị cáo Ch về hình phạt. Luật sư xác định bị cáo Hà Văn Ch khai tại phiên tòa phù hợp với lời khai nhân chứng cũng như diễn biến của vụ án. Bị hại là người có lỗi đấm bị cáo gãy hai chiếc răng. Bị cáo Ch sau này mới bất dao để đâm ông T. Do đó hành vi phạm tội của bị cáo chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Về tình tiết giảm nhẹ Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng, đủ đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho đại diện hợp pháp người bị hại cho rằng: Tại phiên tòa, bị cáo không thành khẩn khai báo; thực nghiệm điều tra không phản ánh đúng việc bị cáo gãy hai chiếc răng, chính bị cáo cũng không mô tả được hành động, tư thế bị hại đánh như thế nào? Nếu Ch bị đánh gãy răng phải có kết luận của cơ quan y tế. Sau hai tháng mới được giám định thương tích này nên không đúng, răng của bị cáo không có tại hiện trường; lỗi của bị hại do bị cáo tấn công; bị cáo cho rằng bị hại tấn công quyết liệt nh ưng lại có thời gian lấy dao trong ngăn bàn, khai như thế này là không phù hợp; tình tiết bị cáo đầu thú không bảo đảm tính khách quan vì theo bà Ng khai Công an đến đưa Ch đi; dấu vết trên cơ thể ông T không phù hợp với lời khai của bị cáo. Với những vết thương như vậy cộng với dấu vết tại hiện trường thể hiện bị cáo đã đâm bị hại ở nhiều thời điểm. Kết luận điều tra còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Khi đối đáp lại quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ bởi mặc dù ông T có lỗi trước nhưng không đáng kể, bị cáo còn có thể lựa chọn hình thức giải quyết khác nhưng đã sử dụng dao nhọn để đâm bị hại nhiều nhát. Đối với quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền lợi người bị hại cho rằng còn nhiều mâu thuẫn thấy rằng những vấn đề Luật sư nêu đã được Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có những điểm không thể làm lại được; Luật sư bào chữa cho bị cáo không nhất trí với quan điểm của Kiểm sát viên cho rằng mâu thuẫn là nhỏ nhặt và bị cáo còn nhiều sự lựa chọn khác. Trong vụ án này người bị hại đã tấn công bị cáo trước; Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị được điều tra lại để xác định cơ chế tấn công người bị hại từ đó mới đánh giá được hành vi phạm tội của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng có những nhận định sau đây:
[1] Tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn Ch đã khai nhận toàn hộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, đại diện hợp pháp người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, kết luận giám định và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử thấy có đủ căn cứ để kết luận: Vợ chồng ông Nguyễn Văn T, bà Đỗ Thị Hg và vợ chồng Hà Văn Ch, bà Hà Thị Ng cùng bán hàng nước ở vỉa hè đường 299 thuộc địa phận thôn Phố, xã Tân An, huyện Yên Dũng. Khoảng 22 giờ ngày 20/7/2016, Ch dọn hàng về nhà, vợ chồng ông T cũng dọn hàng. Ông T và bà Hg vừa làm vừa chửi đổng. Ch nghĩ vợ chồng ông T chửi mình nhưng không nói gì. Khi Ch kéo xe từ vỉa hè xuống đường còn bà Ng đẩy xe phía sau để ra về thì nghe thấy ông T chửi “Mẹ mày đi ngủ với người khác, còn mày thì đánh cả bố mày”. Ch cho rằng ông T xúc phạm đến gia đình vợ Ch nên dừng xe rồi đi bộ đến gần chỗ ông T đứng và nói “Tôi có thù oán gì anh chị mà chửi bới xúc phạm gia đình tôi”. Bà Ng đứng trên vỉa hè cũng cãi chửi nhau với vợ chồng ông T. Sau đó ông T xông vào dùng chân tay đánh Ch. Ch vừa dùng tay đỡ vừa lùi lại chỗ xe hàng của mình lấy 01 con dao nhọn. Ch cầm dao trên tay phải nhưng chưa bật lưỡi ra và dùng hai tay đấm ông T. Trong lúc hai người đánh nhau, Ch bị ông T đấm vào miệng làm gẫy hai chiếc răng. Ch bị rơi dao nên cúi xuống nhặt thì ông T lao tới dùng tay đấm. Ch bấm nút bật lưỡi dao ra, cầm dao trên tay phải đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng ngực, tay phải và lưng ông T. Ông T kêu lên “Hg ơi nó đâm anh rồi”. Thấy vậy bà Hg cầm chiếc cán chổi bằng tre chạy ra vụt vào người Ch. Ông T bảo bà Hg đi lấy dao. Bà Hg chạy ra tủ hàng lấy 01 con dao phớ thì anh C chạy ra giữ tay can ngăn. Ông T được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu nhưng đã bị tử vong.
Bị cáo không mâu thuẫn gì lớn với người bị hại, chỉ vì những lời chửi đổng của người bị hại dẫn đến cãi cọ, đánh nhau. Bị cáo cũng nhận thức được việc dùng dao nhọn đâm liên tiếp vào vùng ngực, lưng người bị hại có thể tước đoạt mạng sống của họ nhưng vẫn thực hiện. Thực tế, những nhát đâm của bị cáo đã gây tử vong cho ông T. Hành vi đó của bị cáo Hà Văn Ch là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thể hiện tính côn đồ, coi thường đạo lý, pháp luật cũng như tính mạng người khác. Do vậy, có đủ cơ sở để khẳng định, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Ch về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự, không có tính chất côn đồ, không tấn công người bị hại mà bị hai vợ chồng người bị hại đánh nên đã chống đỡ để tự vệ. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho đại diện hợp pháp người bị hại đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Quan điểm này của các Luật sư là không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[2] Xét kháng cáo của bị cáo, đại diện hợp pháp người bị hại về việc tăng, giảm hình phạt đối với bị cáo Hà Văn Ch, Hội đồng xét xử thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo Hà Văn Ch trực tiếp xâm phạm tính mạng của người bị hại được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an, gây hoang mang lo lắng, bất bình trong nhân dân. Bị cáo nhận thức được chiếc dao nhọn, sắc, là hung khí nguy hiểm có thể gây chết người, nhưng bị cáo vẫn cố ý đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng ngực, tay phải và lưng ông T, là vùng trọng yếu của cơ thể gây hậu quả chết người. Trong vụ án này, bị cáo cũng có phần bị kích động do lỗi của nạn nhân, chửi, đánh bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã áp dụng hết những tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo Hà Văn Ch được hưởng như: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; thật thà khai báo, ăn năn, hối cải; sau khi thực hiện hành vi phạm tội, được sự động viên của người thân, bị cáo đã đầu thú và giao nộp con dao gây án; bị cáo đã tác động để gia đình bồi thường cho gia đình người bị hại được 100.000.000 đồng; bố, mẹ bị cáo là người có công được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương; người bị hại trong vụ án này cũng có một phần lỗi, gây sự, đánh bị cáo, gây thương tích 4%. Do đó, mức hình phạt 17 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Hà Văn Ch là phù hợp, tương xứng với nhân thân, tính chất hành vi phạm tội của bị cáo cũng như những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng. Mức hình phạt đó đảm bảo đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo cũng như đảm bảo công tác răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội. Tại phiên tòa phúc thẩm, không xuất hiện tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại tăng hình phạt cũng như kháng cáo của bị cáo, ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo.
[3] Xét kháng cáo tăng, giảm mức bồi thường dân sự, Hội đồng xét xử thấy rằng: Khoản tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần theo kê khai của gia đình người bị hại là 300.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét để chấp nhận khoản tiền mai táng phí là 37.440.000 đồng. Do người bị hại có một phần lỗi nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần cho đại diện hợp pháp của người bị hại bằng 90 tháng lương cơ sở. Hai khoản tiền này Tòa án cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị hại đề nghị tăng khoản tiền tổn thất tinh thần lên mức tối đa bằng 100 lần mức lương cơ sở là không có căn cứ. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2017, mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 1.300.000 đồng thì khoản tiền này sẽ được tính lại là 1.300.000 đồng x 90 tháng = 117.000.000 đồng. Tổng hai khoản bị cáo phải bồi th ường là 154.440.000 đồng và bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm của khoản tiền này sau khi đối trừ110.000.000 đồng bị cáo đã bồi thường. Bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 2.200.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hg đề nghị Hội đồng xét xử ấn định mức cấp dưỡng hàng tháng cho cụ Th mẹ ông T là phù hợp với quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã ấn định mức cấp dưỡng 700.000 đồng/tháng là có phần cao so với mức lương cơ sở do Nhà nước quy định cũng như mức sống, điều kiện thực tế tại địa phương và hoàn cảnh gia đình của cụ Th bởi lẽ: Cụ Th có 7 người con, ngoài việc ông T phải cấp dưỡng nuôi mẹ thì các người con còn lại cũng phải có trách nhiệm với mẹ của mình. Hơn nữa, trong vụ án này, người bị hại là ông T cũng có lỗi nên cần phải đối trừ phần lỗi của ông T khi buộc bị cáo bồi thường. Do đó, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo giảm khoản tiền cấp dưỡng hàng tháng cho cụ Thắm đồng nghĩa với việc không chấp nhận kháng cáo của đại diện bị hại yêu cầu tăng khoản tiền này.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự;
1. Không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo; giữ nguyên quyết định về phần hình phạt, sửa phần trách nhiệm dân sự tại Bản án hình sự sơ thẩm số19/2017/HSST ngày 22/5/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cụ thể như sau:
Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội xử phạt bị cáo Hà Văn Ch 17 (Mười bảy) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn tù tính từ ngày 21/7/2016.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 357; 584; 591; điểm b khoản 2 Điều 593; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo Hà Văn Ch phải bồi thường cho bà Đỗ Thị Hg, cụ Ngụy Thị Th, anh Nguyễn Văn H và chị Nguyễn Thị H, do bà Đỗ Thị Hg đại diện nhận số tiền là 154.440.000 đồng.
Xác nhận bị cáo đã bồi thường 30.000.000 đồng cho bà Hg; nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang số tiền 80.000.000 đồng theo 03 Biên lai thu tiền số AA/2012/01724 ngày 03/01/2017; số AA/2012/01693 ngày 07/02/2017 và số 000695 ngày 27/10/2017 của Cục thi hành án d ân sự tỉnh Bắc Giang. Bị cáo Ch còn phải bồi thường tiếp số tiền 44.440.000 đồng.
Buộc bị cáo Hà Văn Ch phải cấp dưỡng cho cụ Ngụy Thị Th mỗi tháng 300.000 đồng kể từ ngày 20/7/2016 cho đến khi cụ Th chết.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong các khoản tiền trên thì hàng tháng, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 ủa Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định của Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
[2] Về án phí: Bị cáo Hà Văn Ch phải chịu 2.200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Xác nhận bị cáo Hà Văn Ch đã nộp 2.517.000 đồng án phí tại Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí tòa án số AA/2010/000684 ngày 27/9/2017 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang. Số tiền án phí bị cáo nộp thừa sẽ được đối trừ sang khoản tiền bị cáo còn phải bồi thường.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 736/2017/HSPT ngày 24/10/2017 về tội giết người
Số hiệu: | 736/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/10/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về