Bản án 73/2021/DS-PT ngày 13/07/2021 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền)

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 73/2021/DS-PT NGÀY 13/07/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VAY TÀI SẢN (TIỀN)

 Ngày 13 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 34/2021/TLPT-DS ngày 18 tháng 3 năm 2021, về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền).

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 05 tháng 01 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 97/2021/QĐ-PT ngày 08 tháng 6 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Đặng Thị Kiều D;

2. Ông Nguyễn Quốc D1;

Cùng địa chỉ cư trú: Khóm X, Phường Y, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng. (đều vắng mặt) Người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn: Ông Biện Công N; địa chỉ cư trú: Ấp A, thị trấn P, huyện T, tỉnh Sóc Trăng; là người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn (Theo Giấy ủy quyền ngày 07-6-2021). (có mặt) - Bị đơn:

1. Ông Trần Phạm C;

2. Bà Lê Thị X;

Cùng địa chỉ cư trú: Ấp X, xã H, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (đều có mặt) - Người làm chứng: Ông Cao Thái L;

Địa chỉ cư trú: Ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt) - Người kháng cáo: Ông Trần Phạm C - Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 07 tháng 7 năm 2020 của các nguyên đơn bà Đặng Thị Kiều D, ông Nguyễn Quốc D1 và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn trình bày:

Vợ chồng bà D - ông D1 với vợ chồng ông C - bà X quen biết với nhau từ trước nên vào ngày 14-12-2018, bà D và ông D1 có cho ông C và bà X mượn 1.200.000.000 đồng, không có lãi, để đáo nợ ngân hàng, có làm biên nhận nợ, thỏa thuận sau 15 ngày thì ông C và bà X phải trả đủ tiền cho bà D và ông D1. Hết hạn 15 ngày, ông C - bà X trả cho bà D - ông D1 được 200.000.000 đồng, còn lại 1.000.000.000 đồng chưa trả. Đến ngày 04-7-2019, ông C - bà X mượn thêm bà D - ông D1 2.300.000.000 đồng, cũng không có lãi, để đáo nợ ngân hàng, có làm biên nhận nợ, thỏa thuận sau 03 ngày thì ông C - bà X phải trả đủ tiền cho bà D - ông D1, nhưng khi đến hạn thì ông C và bà X không trả.

Bà D và ông D1 đã nhiều lần trực tiếp đến nhà ông C và bà X để yêu cầu trả số nợ trên nhưng ông C và bà X cứ hẹn mà không chịu trả; hiện nay hai người này còn nợ bà D - ông D1 tổng cộng là 3.300.000.000 đồng.

Bà D và ông D1 khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc ông C và bà X trả tiền đã mượn tổng cộng là 3.300.000.000 đồng và tính lãi theo quy định của pháp luật, đối với số tiền 1.000.000.000 đồng thì tính lãi từ ngày 14-12-2018, đối với số tiền 2.300.000.000 đồng thì tính lãi từ ngày 04-7-2019 cho đến ngày xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu ông C và bà X trả số tiền đã mượn tổng cộng 3.300.000.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05 tháng 01 năm 2021, bị đơn ông Trần Phạm C trình bày:

Ông chỉ có mượn bà D, ông D1 số tiền 1.500.000.000 đồng, sau đó ông đã trả được 450.000.000 đồng nên chỉ còn nợ 1.050.000.000 đồng. Đối với biên nhận nợ 2.300.000.000 đồng là do vợ chồng bà D - ông D1 ép buộc ông ký thì mới đưa bằng khoán cho ông đáo nợ ngân hàng. Do đó, ông chỉ đồng ý trả cho bà D - ông D1 số tiền còn thiếu là 1.050.000.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05 tháng 01 năm 2021, bị đơn bà Lê Thị X trình bày:

Bà thừa nhận phần bà có mượn của ông D1 số tiền 1.200.000.000 đồng, sau khi mượn thì vào ngày 25-5-2019 bà đã trả 1.000.000.000 đồng, đến ngày 29-9-2019 bà trả 300.000.000 đồng (bao gồm tiền lãi), các lần trả này đều không có làm biên nhận, còn đối với giấy nhận nợ 2.300.000.000 đồng là bà bị bà D - ông D1 ép buộc ký.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05 tháng 01 năm 2021, người làm chứng ông Cao Thái L trình bày:

Vào ngày 08-3-2020, bà D có nhờ ông cùng đi đến nhà ông C - bà X lấy số tiền 2.300.000.000 đồng, sau đó các bên có gặp nhau xác nhận thì bà D thừa nhận chỉ cho vay có 1.500.000.000 đồng nhưng làm biên nhận nợ là 2.300.000.000 đồng nên ông không đi lấy tiền dùm nữa, còn việc ông C với bà D giao dịch nhận tiền, trả tiền thì ông không biết.

Tại Bản án số 01/2021/DS-ST ngày 05 tháng 01 năm 2021, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định: Căn cứ khon 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 147, Điều 244, khoản 1 Điều 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điu 494, Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buc bị đơn ông Trần Phạm C và bà Lê Thị X phải trả cho nguyên đơn bà Đặng Thị Kiều D và ông Nguyễn Quốc D1 tiền mượn 3.300.000.000 đồng. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng, bị đơn còn phải trả lãi cho nguyên đơn mức lãi suất theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với số tiền chậm thi hành án. Ngoài ra, trong bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Đến ngày 19-01-2021, bị đơn ông Trần Phạm C có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 1.050.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn bà D, ông D1 không rút đơn khởi kiện.

Bị đơn ông C không rút kháng cáo và cho rằng trong số tiền 2.300.000.000 đồng thực tế ông chỉ vay có 1.450.000.000 đồng, còn lại là tiền lãi, sau đó ông đã trả được 450.000.000 đồng, còn thiếu 1.000.000.000 đồng và ông chỉ đồng ý trả cho bà D - ông D1 1.000.000.000 đồng; tại phiên tòa sơ thẩm ông trình bày có mượn của bà D - ông D1 1.500.000.000 đồng là do ông nhớ nhầm; vì vậy ông yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét, chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà D - ông D1.

Bị đơn bà X cho rằng đối với số tiền mượn 1.200.000.000 đồng thì bà đã trả cho bà D - ông D1 xong, các lần bà trả tiền thì không có làm biên nhận nên bà không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh.

Đồng thời, các đương sự cũng không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm. Đối với yêu cầu kháng cáo của ông C, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần và áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông Trần Phạm C đảm bảo về mặt hình thức và nội dung, đúng người có quyền kháng cáo, còn trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại các Điều 271, Điều 272 và Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên đủ điều kiện để xét xử theo trình tự phúc thầm.

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Theo đơn khởi kiện của bà D và ông D1, mặc dù bà D và ông D1 trình bày là cho vợ chồng ông C và bà X mượn tổng cộng 3.300.000.000 đồng để đáo nợ ngân hàng, ông C và bà X không trả đúng hạn như thỏa thuận nên khởi kiện đòi lại số tiền này, nhưng bản chất đây là hợp đồng vay tài sản (tiền) theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Khi thụ lý vụ án và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền) là đúng. Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử lại xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp hợp đồng mượn tài sản theo quy định tại Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không đúng và sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại quan hệ pháp luật như thụ lý ban đầu ở cấp sơ thẩm và rút kinh nghiệm chung đối với cấp sơ thẩm khi giải quyết các vụ án tương tự.

[3] Xét kháng cáo của ông C, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

[4] Đối với khoản vay lần thứ nhất: Theo biên nhận ngày 14-12-2018 đã thể hiện vào ngày 14-12-2018, ông C và bà X có vay của bà D và ông D1 số tiền 1.200.000.000 đồng để đáo nợ ngân hàng; ông C và bà X đều thừa nhận chữ ký của mình trong biên nhận này. Căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Bà D và ông D1 cho rằng khoản vay này ông C và bà X đã trả được 200.000.000 đồng, còn nợ 1.000.000.000 đồng, còn ông C và bà X cho rằng sau khi vay thì vào ngày 25-5- 2019 bà X đã trả 1.000.000.000 đồng, đến ngày 29-9-2019 bà X trả tiếp 300.000.000 đồng (bao gồm tiền lãi) và khoản nợ này đã trả xong. Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngoài lời trình bày ra thì ông C và bà X không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh là đã trả xong khoản nợ này nên sự phản đối của ông bà là không có căn cứ; như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở xác định đối với khoản vay này, ông C và bà X vay của bà D và ông D1 1.200.000.000 đồng, đã trả được 200.000.000 đồng, còn nợ bà D và ông D1 1.000.000.000 đồng.

[5] Đối với khoản vay lần thứ hai: Theo biên nhận ngày 04-7-2019 đã thể hiện vào ngày này, ông C và bà X có vay của bà D và ông D1 số tiền 2.300.000.000 đồng để đáo nợ ngân hàng; ông C và bà X đều thừa nhận chữ ký của mình trong biên nhận này. Căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Ông C và bà X có lúc cho rằng thực tế ông bà chỉ vay có 1.500.000.000 đồng (tại phiên tòa sơ thẩm), có lúc thì cho rằng chỉ vay có 1.450.000.000 đồng (tại phiên tòa phúc thẩm), ông bà viết biên nhận nợ là do bị bà D và ông D1 ép buộc ký nhưng ngoài lời trình bày ra thì ông bà không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh nên sự phản đối này cũng không có cơ sở chấp nhận. Đối với khoản vay này, ông C và bà X cho rằng đã trả được 450.000.000 đồng, tại biên bản đối chất vào ngày 07-6-2021 thì bà D và ông D1 cũng thừa nhận ông C và bà X có trả 450.000.000 đồng nhưng là trả khoản nợ khác chứ không phải khoản nợ này; tuy nhiên, bà D và ông D1 không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh ông C và bà X trả khoản nợ khác là khoản nào; từ đó Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở xác định đối với khoản vay này, ông C và bà X vay của bà D và ông D 2.300.000.000 đồng chứ không phải 1.450.000.000 đồng hay 1.500.000.000 đồng như ông C trình bày; ông C và bà X đã trả được 450.000.000 đồng và còn nợ bà D - ông D1 1.850.000.000 đồng.

[6] Trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm chưa thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ mà chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là có thiếu sót và trong giai đoạn phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã bổ sung đầy đủ như lấy lời khai của các bị đơn, cho đối chất giữa các nguyên đơn, bị đơn và làm rõ được đối với khoản vay 2.300.000.000 đồng thì sau khi vay, các bị đơn có trả cho các nguyên đơn 450.000.000 đồng, như vậy các bị đơn chỉ còn nợ các nguyên đơn 02 lần vay tổng cộng là 2.850.000.000 đồng chứ không phải 3.300.000.000 đồng như cấp sơ thẩm đã xác định. Ngoài ra, cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng mượn tài sản để giải quyết vụ án là không đúng, mà phải áp dụng các quy định về hợp đồng vay tài sản thì mới chính xác.

[7] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông C và căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng áp dụng Điều 463, Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà D và ông D1, buộc ông C và bà X cùng liên đới trả nợ cho bà D và ông D1 tiền vốn vay còn thiếu tổng cộng là 2.850.000.000 đồng; kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bà D và ông D1 thì hàng tháng, ông C và bà X còn phải chịu khoản tiền lãi trên số tiền chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành án xong; không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà D và ông D1 về việc yêu cầu ông C và bà X trả số tiền vốn vay còn lại 450.000.000 đồng.

[8] Như vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của ông C, sửa bản án dân sự sơ thẩm là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[9] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo nên theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết số 326) thì ông C không phải chịu.

[10] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 26 và khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, đáng lẽ ông C và bà X phải liên đới chịu án phí là 89.000.000 đồng; tuy nhiên ông C là người cao tuổi và ông xin miễn án phí nên căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận miễn phần án phí mà ông phải chịu tương đương với số tiền là 44.500.000 đồng, phần án phí còn lại là 44.500.000 đồng thì bà X phải chịu; còn bà D và ông D1 thì phải cùng liên đới chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận là 22.500.000 đồng và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[11] Các phần khác trong quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, khoản 6 Điều 313, khoản 2 Điều 91, khoản 2 Điều 92, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 463, Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 và khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Trần Phạm C.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 05 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị Kiều D và ông Nguyễn Quốc D1. Buộc ông Trần Phạm C và bà Lê Thị X cùng liên đới trả cho bà Đặng Thị Kiều D và ông Nguyễn Quốc D1 tiền vốn vay còn thiếu tổng cộng 2.850.000.000 đồng (Hai tỷ tám trăm năm mươi triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bà Đặng Thị Kiều D và ông Nguyễn Quốc D1 thì hàng tháng, ông Trần Phạm C và bà Lê Thị X còn phải chịu khoản tiền lãi trên số tiền chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành án xong.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị Kiều D và ông Nguyễn Quốc D1, về việc yêu cầu ông Trần Phạm C và bà Lê Thị X trả tiền vốn vay còn lại 450.000.000 đồng (Bốn trăm năm mươi triệu đồng).

3. Án phí dân sự sơ thẩm:

- Ông Trần Phạm C được miễn.

- Bà Lê Thị X phải chịu là 44.500.000 đồng (Bốn mươi bốn triệu năm trăm nghìn đồng).

- Bà Đặng Thị Kiều D và ông Nguyễn Quốc D1 phải cùng liên đới chịu 22.500.000 đồng (Hai mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng) và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005192 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Sóc Trăng và như vây, ông bà được hoàn lại số tiền chênh lệch là 26.500.000 đồng (Hai mươi sáu triệu năm trăm nghìn đồng).

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Phạm C không phải chịu.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5942
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 73/2021/DS-PT ngày 13/07/2021 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền)

Số hiệu:73/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về