TAND THỊ XÃ PHỔ YÊN, TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 72/2017/HSST NGÀY 28/07/2017 VỀ TỘI ĐÁNH BẠC
Ngày 28/7/2017, tại hội trường Toà án nhân dân thị xã Phổ Yên xét xử sơ thẩm, công khai vụ án hình sự thụ lý số 36/2017/HSST ngày 04/5/2017; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/QĐXX-ST ngày 02/6/2017 đối với các bị cáo:
1. Ngô Văn Tr; tên gọi khác: không; sinh năm 1979.
Nơi cư trú: xóm Chùa, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 01/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.
Con ông Ngô Văn Đ (đã chết) và bà Phạm Thị Q; gia đình có 06 anh chị em, bị cáo là con thứ tư; có vợ là Dương Thị L, sinh năm 1979; có 02 con chung, con lớn sinh năm 1999, con nhỏ sinh năm 2008.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày 20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.
2. Đỗ Văn Đ; Tên gọi khác: không; sinh năm 1987.
Nơi cư trú: xóm Đầm Đanh, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.Con ông Đỗ Văn Kh và bà Hà Thị S; gia đình có có 04 chị em, bị cáo là con thứ hai; có vợ là Trần Thị H, sinh năm 1989; có 01 con chung, sinh năm 2014.
Nhân thân: Tại bản án số 05/HSST ngày 31/01/2008, Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội: “Trộm cắp tài sản”, bị cáo đã chấp hành xong bản án ngày 28/4/2008, đương nhiên được xóa án tích.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày 20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.
3. Nguyễn Văn C; Tên gọi khác: không; sinh năm 1982.
Nơi cư trú: xóm Đặt, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 02/12; nghề nghiệp:
Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.
Con bà Nguyễn Thị B (không xác định được bố bị cáo; bị cáo khai tại phiên tòa là chỉ nghe bị cáo nói có bố là ông Lê Xuân Th); gia đình bị cáo có 03 anh em, bị can là con thứ nhất; có vợ là Lưu Thị G, sinh năm 1985; có 02 con, con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2011.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày 20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.
4. Trần Văn H; Tên gọi khác: không; sinh năm 1976.
Nơi cư trú: xóm Vạn Phú, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dân tộc: Sán dìu; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 02/12; Nghề nghiệp: Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.
Con ông Trần Văn Q và bà Đặng Thị H; gia đình bị cáo có 06 chị em, bị cáo là con thứ hai; có vợ là Diệp Thị X, sinh năm 1981; có 02 con, con lớn sinh năm 2000, con nhỏ sinh năm 2003.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.
5. Nguyễn Bá H; Tên gọi khác: Không; sinh năm 1981. Nơi cư trú: xóm Đặt, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 06/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.
Con ông Nguyễn Bá S (đã chết) và bà Ngô Thị B; gia đình có 06 anh, em;bị cáo là con thứ tư; chưa có vợ, con.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày 20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.
6. Nguyễn Bá Ng; Tên gọi khác: Không; sinh năm 1974.
Nơi cư trú: xóm Đặt, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 6/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.
Con ông Nguyễn Bá S (đã chết) và bà Ngô Thị B; gia đình có 06 anh, em, bị cáo là con thứ nhất; có vợ là Dương Thị Đ, sinh năm 1975; có 02 con, con lớn sinh năm 1997, con nhỏ sinh năm 2002.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày 20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.
7. Nguyễn Văn V; Tên gọi khác: Không; sinh năm 1990.
Nơi cư trú: xóm Đặt, xã Thành Công, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hoá: Lớp 09/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; tiền án, tiền sự: Không.
Con ông Nguyễn Văn Th và bà Lưu Thị Y; gia đình có 02 anh, em; bị cáo là con thứ hai; có vợ là Đỗ Thị H, sinh năm 1994; có 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2016.
Hiện bị cáo tại ngoại, trước đó bị giam giữ từ ngày 15/12/2016 đến ngày 20/12/2016. Có mặt tại phiên tòa.* Người bào chữa:
1. Bà Nguyễn Thị Dung - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn C, theo yêu cầu của Tòa án. Có mặt tại phiên tòa.
2. Ông Vũ Văn Chính - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn V, theo yêu cầu của Tòa án. Đã gửi bản luận cứ và có đơn xin xét xử vắng mặt.
* Người làm chứng:
1. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1963; Nơi cư trú: xóm Chùa, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Vắng mặt.
2. Chị Dương Thị L, sinh năm 1979; Nơi cư trú: xóm Đặt, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Chiều ngày 14/12/2016, do được lĩnh tiền chơi phường nên Ngô Văn Tr tổ chức ăn cơm tại nhà ở thuộc xóm Chùa, xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên và có mời một số khách đến ăn cơm, trong đó có Đỗ Văn Đ, Nguyễn Bá H, Nguyễn Văn V, Trần Văn H1, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn C. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi một số khách mời đã ra về thì Triển, Đ, H, V, H1, Ng cùng rủ nhau đánh bạc dưới hình thức đánh “Liêng” được thua bằng tiền tại gia đình nhà Ngô Văn Tr thuộc xóm Chùa, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đến 23 giờ cùng ngày thì Nguyễn Văn C đến và cùng tham gia đánh bạc. Các bị cáo đánh bạc đến 23 giờ 30 phút, thì bị bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng có liên quan.
Về cách thức đánh bạc các bị cáo khai nhận: Các đối tượng thoả thuận bộ bài tú lơ khơ 52 quân bài (từ A đến K) được trộn đều các quân bài và chia cho mỗi người chơi 03 quân bài. Sau khi chia bài thì mỗi người tự xem bài và tính điểm bài của mình. Các đối tượng tự quy ước: ba quân cùng số thì gọi là “sáp”, ba quân bài liền nhau liên tiếp (không cần đồng chất) gọi là “liêng”, ba quân bài đầu người gọi là “ảnh”. Khi xét bài thì xét lần lượt từ “sáp”, sau đó đến “liêng” và đến “ảnh”. Nếu bài không ai có “sáp”, “liêng”, “ảnh” thì mọi người sẽ tính điểm, ai được điểm cao nhất (9 điểm) thì sẽ thắng (quy ước điểm 9=19=29). Mỗi một ván bạc mỗi đối tượng góp 10.000đ (mười nghìn đồng) vào giữa chiếu bạc gọi là “gà”, mỗi ván bạc một người có thể hô “tố” từ 01 đến 03, nếu ai không theo thì sẽ hạ bài và mất số tiền đã vào “gà”, ai theo thì sẽ vào “gà” tiếp 10.000đ, sau đó sẽ lật bài, bài của ai cao nhất sẽ được hết tiền “gà” và người đó tiếp tục chia bài ván mới.
Vật chứng thu giữ gồm: Thu trên chiếu bạc: 5.480.000đ và 300.000đ thu trên người của Nguyễn Bá Ng; 01 bộ bài lá gồm 52 quân bài; 01 chiếc thảm màu đỏ được các đối tượng sử dụng làm chiếu bạc, có kích thước (4,3 x 2) mét.
Ngoài ra còn tạm giữ trên người các đối tượng gồm: tạm giữ của Đỗ Văn Đ
01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO, màu trắng; tạm giữ của Nguyễn Văn C
01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 1200, màu trắng; tạm giữ của Trần Văn H01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 4, màu trắng; tạm giữ của Ngô Văn Tr
01 điện thoại di động, nhãn hiệu OPPO, màu vàng; tạm giữ của Nguyễn Bá H 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung, màu trắng, 01 điện thoại di động nhãn hiệu Viettel màu đen, viền đỏ; tạm giữ của Nguyễn Bá Ng 01 điện thoại di động nhãn hiệu Mobistar, màu đen; tạm giữ của Nguyễn Văn V 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 220, màu đen.
Quá trình điều tra xác định: Số vật chứng thu giữ gồm: 08 chiếc điện thoại tạm giữ trên người các đối tượng; số tiền 1.000.000đ (một triệu đồng) thu giữ của Nguyễn Bá Ng, xét không liên quan đến vụ án Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên đã trả lại cho chủ sở hữu quản lý, sử dụng.
Bản cáo trạng số 39/KSĐT-TA ngày 03/5/2017 của Viện kiểm sát nhân nhân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã truy tố Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 BLHS.
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa ngày hôm nay các bị cáo đã nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu trên.
Tại phiên tòa ngày hôm nay, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn V là ông Nguyễn Văn Chính vắng mặt, ông Chính đã có đơn xin xét xử vắng mặt và gửi cho HĐXX bản luận cứ. Trong đơn ông đề nghị HĐXX xem xét xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất, cho bị cáo Việt được cải tạo tại địa phương. Bị cáo Việt nhất trí với bản bào chữa.
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội giữ nguyên quan điểm truy tố, sau khi phân tích đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử:
- Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 60BLHS. Đề nghị xử phạt bị cáo Đỗ Văn Đ 12 - 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 24 - 30 tháng.
- Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 60 BLHS. Đề nghị xử phạt các bị cáo:
+ Ngô Văn Tr từ 9 - 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thửthách 18 - 24 tháng.
+ Nguyễn Văn C từ 6 - 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 - 18 tháng.
+ Trần Văn H từ 6 - 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 - 18 tháng.
+ Nguyễn Bá H từ 6 - 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 - 18 tháng.
+ Nguyễn Bá Ng từ 6 - 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 - 18 tháng.
+ Nguyễn Văn V từ 6 - 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 - 18 tháng.
* Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 3 Điều 248. Phạt mỗi bị cáo từ
3 - 5 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.
* Về vật chứng: áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 76 BLTTHS:
- Tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền 5.780.000đ đã thu giữ.
- Các vật chứng khác đã tạm giữ liên quan vụ án không có giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.
Các bị cáo phải chịu án phí và có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Phần tranh luận:
Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn C là bà Nguyễn Thị Dung đề nghị: Chưa nhất trí với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát, vì: Viện kiểm sát chưa áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo C. Bà Dung cho rằng bị cáo khai báo thành khẩn, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm g, p khoản 1 Điều 46 BLHS, ngoài ra bị cáo thuộc hộ nghèo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 46 BLHS. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS; Đề nghị HĐXX áp dụng điều 47; Điều 28; Điều 29 BLHS, chỉ cần xử phạt cảnh cáo đối với bị cáo C.
Đại diện VKS đối đáp: Khách thể của tội phạm này là An ninh trật tự trị an chứ không phải là xâm phạm về sở hữu nên ý kiến của người bào chữa đưa ra là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật; về mức án đã căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi của bị cáo nên giữ nguyên quan điểm.
Các bị cáo thừa nhận việc truy tố và xét xử là không oan, đúng người, đúng tội. Lời nói cuối cùng của các bị cáo hứa sửa chữa và xin được cải tạo tại địa phương.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thị xã Phổ Yên, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên, Kiểm sát viên tron quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do dó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều phù hợp.
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thị xã Phổ Yên, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thư ký tòa án ghi biên bản phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Lời khai của các bị cáo tại phiên toà là khách quan, thống nhất với lời khai tại cơ quan điều tra về thời gian, địa điểm, hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của người làm chứng, với vật chứng thu được và các chứng cứ tài liệu khác được thu thập hợp lệ có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định: Khoảng 21 giờ, ngày 14/12/2016, các bị cáo Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V đánh bạc trái phép bằng hình thức đánh “Liêng”, sát phạt nhau bằng tiền tại nhà riêng của Ngô Văn Tr ở xóm Chùa, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trong lúc đang chơi có thì Nguyễn Văn C đến và cùng tham gia đánh bạc. Các bị cáo đánh bạc đến 23 giờ 30 phút, thì bị bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng gồm: số tiền 5.780.000đ (trong đó thu trên chiếu bạc là 5.480.000đ, thu trên người bị cáo Nguyễn Bá Ng là 300.000đ).
Tổng số tiền các bị cáo sử dụng tham gia đánh bạc là 5.780.000đ (năm triệu bảy trăm tám mươi nghìn đồng).Khi chơi Ngô Văn Tr có 500.000đ dùng vào việc đánh bạc, cho V vay200.000đ; Đỗ Văn Đ có 1.130.000đ bỏ ra 130.000đồng dùng vào việc đánh bạc; Nguyễn Văn C có khoảng 1.000.000đ, Trần Văn H có 200.000đ, vay thêm Nguyễn Bá Ng 200.000đ, tộng cộng có 400.000đ sử dụng vào đánh bạc; Nguyễn Bá H có 1.000.000đ; Nguyễn Bá Ng có 1.700.000đồng bỏ ra 700.000đồng dùng vào việc đánh bạc (vay của Đ 1.000.000đ); Nguyễn Văn V có 350.000đ.
Hành vi, ý thức của các bị cáo Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V đã đủ yếu tố cấu thành tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS.Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên đã truy tố các bị cáo theo tội danh và điều luật viện dẫn là có căn cứ đúng pháp luật.
Nội dung Điều 248 BLHS quy định:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng… thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”
Tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: 1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng …. thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Căn cứ Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội quy định: “Kể từ ngày 01/7/2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13…”
Tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định: “…Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn…..và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”
Như vậy, tội phạm “Đánh bạc” quy định tại Khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự năm1999 tương ứng về tội danh “Đánh bạc” quy định tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, về tiền hay hiện vật có giá trị tối thiểu trong cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự 1999 là 2.000.000đ (Hai triệu đồng), còn tiền hay hiện vật có giá trị tối thiểu cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 là 5.000.000đ (Năm triệu đồng). Từ việc phân tích và so sánh như trên, cần áp dụng hình phạt đối với các bị cáo theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.
Xét tính chất của vụ án thấy: Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng, gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác. Do đó việc đưa các bị cáo ra truy tố, xét xử là cần thiết nhằm giáo dục các bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án thấy: Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị các không có sự bàn bạc, thống nhất từ trước. Các bị cáo đều tham gia đánh bạc một cách tích cực và có vai trò ngang nhau trong vụ án nên giữ vai trò ngang nhau.
Xét nhân thân các bị cáo: Các bị cáo đều là người lao động thuần tuý, nhưng không chịu tu dưỡng rèn luyện bản thân, trái lại vì lòng tham, mong muốn kiếm tiền một cách bất chính đã dẫn các bị cáo đến con đường phạm tội.
Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thấy rằng: Tại cơ quan điều tra và tại phiên toà công khai hôm nay các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn và thực sự ăn năn hối cải về hành vi của mình, các bị cáo Ngô Văn Tr, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nên các bị cáo được hưởng chung tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h, p khoản 1 Điều 46BLHS. Các bị cáo Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS nào.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn V, Nguyễn Văn C thuộc diện hộ nghèo (có xác nhận của UBND xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) nên hai bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS.
Đối với bị cáo Nguyễn Bá Ng có mẹ đẻ là bà Ngô Thị B là người có công với nhà nước được tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì nên bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS.
Đối với bị cáo Đỗ Văn Đ tuy chưa có tiền án, tiền sự nhưng năm 2008 bị Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xử phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội ”Trộm cắp tài sản” tại bản án số 05/HSST ngày 31/01/2008. Bị cáo đã chấp hành xong bản án, đương nhiên được xóa án tích, tính đến thời điểm xét xử đã gần 10 năm. Do vậy cần xem xét khi lượng hình.
Đối với ý kiến của bà Nguyễn Thị Dung bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn C cho rằng bị cáo phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn nên đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS và đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo mức cảnh cáo. Hội đồng xét xử thấy rằng: Khách thể của tội đánh bạc là trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng chứ không xâm phạm tài sản… Người bào chữa chưa hiểu đúng tinh thần của điều luật, nên không có căn cứ chấp nhận.
Hội đồng xét xử thấy các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, có đơn xin cải tạo tại địa phương được chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú xác nhận và bảo lãnh nên các bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Do vậy có căn cứ chấp nhận lời thỉnh cầu của các bị cáo, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Áp dụng Điều 60 BLHS cho các bị cáo được cải tạo dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương cũng đủ điều kiện giáo dục các bị cáo thành công dân có ích cho xã hội.
Mức án Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo Đ, C, V tại phiên toà xét thấy là còn phần nghiêm khắc. Mức án Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo Triển, Hai, Hoài, Ngọc tại phiên toà xét thấy là phù hợp, được chấp nhận.
Hình phạt bổ sung: Các bị cáo đánh bạc nhằm mục đích vụ lợi nên cần phạt mỗi bị cáo một khoản tiền nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên 02 bị cáo Nguyễn Văn C và Nguyễn Văn V thuộc diện hộ nghèo nên miễn hình phạt bổ sung là tiền cho 02 bị cáo Công, Việt.
Về vật chứng vụ án thu giữ:
- Số tiền 5.780.000đ đã thu giữ thu trên chiếu bạc và thu trên người bị cáo Nguyễn Bá Ng, xét đây là phương tiện trực tiếp dùng vào việc phạm tội, cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
- Đối với vật chứng là: 01 bộ bài lá gồm 52 quân bài; 01 chiếc thảm màu đỏ được các đối tượng sử dụng làm chiếu bạc, có kích thước (4,3 x 2) mét. Hội đồng xét xử xét thấy các tài sản trên là công cụ phạm tội, có giá trị không lớn, cần tịch thu tiêu hủy.
Về án phí: Các bị cáo phải nộp án phí HSST để nộp ngân sách Nhà nước. Các bị cáo có quyền kháng cáo bản án theo quy định của Pháp luật.
Bởi các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Các bị cáo Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V phạm tội: “Đánh bạc”.
1. Hình phạt chính:
* Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 60 BLHS, xử phạt: Đỗ Văn Đ 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 (mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
* Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 60 BLHS, xử phạt:
+ Bị cáo Ngô Văn Tr 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 (mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
+ Bị cáo Trần Văn H 6 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
+ Bị cáo Nguyễn Bá H 6 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
+ Bị cáo Nguyễn Bá Ng 6 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
+ Bị cáo Nguyễn Văn C 3 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
+ Bị cáo Nguyễn Văn V 3 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao các bị cáo Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ, Nguyễn Văn C, Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng, Nguyễn Văn V cho Uỷ ban nhân dân xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
2. Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 3 Điều 248 BLHS.
Phạt các bị cáo Ngô Văn Tr, Đỗ Văn Đ Trần Văn H, Nguyễn Bá H, Nguyễn Bá Ng mỗi bị cáo 3.000.000đ (ba triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước. Miễn hình phạt bổ sung cho 02 bị cáo Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn V.
3. Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 BLHS; Điều 76 BLTTHS.
- Tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 5.780.000đ (Năm triệu bảy trăm tám mươi nghìn đồng) tiền NHNNVN thu giữ trên chiếu bạc và trên người bị cáo Nguyễn Bá Ngọc {Tại Uỷ nhiệm chi số 57 lập ngày 12/5/2017}.
- Tịch thu tiêu hủy 01 bộ bài tú lơ khơ gồm 52 quân bài; 01 thảm màu đỏ, kích thước (4,3 x 2) mét.
(Tình trạng vật chứng như biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra Công an thị xã Phổ Yên và Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên lập ngày 05/5/2017).
4. Án phí:
Căn cứ Điều 99 BLTTHS; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, buộc mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm nộp ngân sách nhà nước.
Các bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 72/2017/HSST ngày 28/07/2017 về đánh bạc
Số hiệu: | 72/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về