TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 72/2017/HSPT NGÀY 24/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 24 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 81/2017/HSPT ngày 15 tháng 9 năm 2017 do có kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 41/2017/HSST ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bị cáo bị kháng cáo:
Nguyễn Văn D, sinh năm 1958; Trú tại: Thôn Đ, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hoá: 5/10; Con ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị H; Có vợ là Nguyễn Thị Th và có 03 con, lớn nhất sinh năm 1980, nhỏ nhất sinh năm 1987; Tiền án: Tại bản án số 24/2014/HSST ngày 23/4/2014 bị Tòa án nhân dân huyện V xử phạt 02 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gấy thương tích”, chấp hành xong hình phạt tù ngày 28/01/2016; Tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 24/01/2017 đến nay, (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn D: Ông Lương Trí T - Luật sư Văn phòng Luật sư T thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, (có mặt).
Người bị hại kháng cáo: Chị Phan Thị T, sinh năm 1971; Trú tại: Thôn V, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc, (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Phan Thị T: Ông Lâm Quang N - Luật sư Văn phòng Luật sư H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, (có mặt).
NHẬN THẤY
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện V và bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện V thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 06/12/2016, Nguyễn Văn D đi bộ từ nhà đến lán của anh Nguyễn Hữu Đ (tên gọi khác là T), sinh năm 1986, là người cùng thôn chơi. Trên đường đi Nguyễn Văn D nhặt được 01 con dao dài 24,2cm, chuôi dao bằng nhựa dài 12cm, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng, bản dao rộng 2,8cm, một đầu nhọn, Nguyễn Văn D cất dao vào trong người, mục đích mang về để sử dụng. Khi đến lán nhà anh Nguyễn Hữu Đ, thì chị Phan Thị T đến, trên tay cầm 01 thanh gậy trúc dài 2,82m, một đầu có đường kính 4cm, một đầu có đường kính 3cm. Do có mâu thuẫn cá nhân với Nguyễn Văn D từ trước nên khi gặp nhau hai người đã cãi chửi nhau. Chị Phan Thị T dùng thanh gậy trúc chỉ, đẩy vào mặt Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn D tránh được rồi dùng tay đẩy vào người làm chị Phan Thị T làm chị Phan Thị T bị ngã. Chị Phan Thị T đứng dậy và hai bên tiếp tục cãi chửi nhau thì Nguyễn Văn D dùng tay phải rút con dao trong người ra đâm 01 phát trúng vùng ngực bên phải của chị Phan Thị T. Sau khi đâm chị Phan Thị T, Nguyễn Văn D cầm con dao đi về và để ở trong bếp. Còn Chị Phan Thị T được đưa đi sơ cứu tại Trạm y tế xã N, chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị L, thành phố V và Bệnh viện Đ, thành phố H cấp cứu và điều trị đến ngày 12/12/2016 thì ra viện.
Sau khi nhận được tin báo của Công an xã N, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường và tổ chức điều tra theo quy định. Quá trình điều tra đã tạm giữ 01 con dao; 01 đoạn gậy trúc và 01 chiếc áo dài tay kẻ ca rô màu vàng- xanh- trắng đã qua sử dụng, ngực áo bên phải có vết rách sắc gọn kích thước 03cm x 0,2cm, tại vị trí rách này có vết màu nâu đỏ (nghi là máu).
Ngày 22/12/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện V đã trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc giám định thương tích cho chị Phan Thị T.
Ngày 23/12/2016, Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc đã có Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 337/TgT đối với chị Phan Thị T, kết luận: Tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại của chị Phan Thị T là: 8% (Tám phần trăm).
Quá trình điều tra chị Phan Thị T có đơn đề nghị giám định lại thương tích, với lý do sức khỏe bị suy yếu nhiều sau khi bị Nguyễn Văn D dùng dao gây thương tích vào ngày 06/12/2016.
Ngày 14/02/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V ra Quyết định trưng cầu Viện Pháp y Quốc gia tiến hành giám định lại thương tích đối với chị Phan Thị T. Ngày 04/4/2017, Viện Pháp y Quốc gia có Bản kết luận giám định Pháp y về thương tích số 51/17/TgT, kết luận: Căn cứ bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư 20/2014//TT-BYT ngày 12/6/2014 BYT, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 10% (Mười phần trăm). Thương tích do vật sắc nhọn tác động trực tiếp gây nên, hiện tại vết thương không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng hô hấp.
Đối với Nguyễn Văn D, quá trình điều tra xác minh Nguyễn Văn D đã điều trị tâm thần tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 22/10/2011 đến ngày 02/11/2011. Ngày 04/01/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V ra Quyết định trưng cầu Trung tâm giám đinh Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc giám định pháp y về tâm thần đối với Nguyễn Văn D.
Ngày 23/01/2017, Trung tâm giám đinh Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc có Kết luận giám định số 01/2017/ PYTT kết luận
- Nguyễn Văn D, sinh năm 1958, ở thôn Đ, Nghĩa Hưng, V, Vĩnh Phúc bị bệnh tâm thần: Rối loạn loạn thần do rượu (theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loạn tâm thần và hành vi- F10.5)
- Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (ngày 06/12/2016) Nguyễn Văn D bị bệnh tâm thần: Rối loạn loạn thần do rượu, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
- Hiện tại Nguyễn Văn D hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Với hành vi phạm tội nêu trên tại bản án hình sự sơ thẩm số 41/2017/HSST ngày 16/8/2017 Tòa án nhân dân huyện V quyết định: Tuyên bố bị cáo: Nguyễn Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 104, điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn D 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 24/01/2017.
Áp dụng: Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 584, 590, khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.
Buộc bị cáo D phải bồi thường thương tích cho chị Phan Thị T gồm các khoản sau: Tiền thuốc điều trị + viện phí = 7.274.202đ; Tiền thuê xe taxi 02 lần = 1.600.000đ; Tiền mất thu nhập của chị T 45 ngày x 200.000đ/ngày = 9.000.000đ; Tiền công người đi nuôi: 07 ngày x 200.000đ/ngày = 1.400.000đ; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 10 tháng x 1.300.000đ/tháng = 13.000.000đ;
Tiền bồi dưỡng sức khoẻ 5.000.000đ. Tổng cộng = 37.274.202đ (Ba mươi bảy triệu hai trăm bảy mươi tư nghìn hai trăm linh hai đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử lý vật chứng và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 30/8/2017 chị Phan Thị T kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng bồi thường đối với bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giữ quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm phát biểu quan điểm, phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của chị Phan Thị T, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên hình phạt, tăng bồi thường tiền bồi dưỡng sức khỏe thêm 5.000.000đ.
Do bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ định Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa. Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn D đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại cho rằng: Quá trình điều tra, mặc dù người bị hại có đơn đề nghị khởi tố nhưng Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra lại không căn cứ vào đơn đề nghị của người bị hại, không cho đối chất, việc thu giữ vật chứng không rõ ràng, tính tiền bồi thường không đúng vì người bị hại có nghề đặc biệt (buôn bán). Tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại vẫn giữ nguyên kháng cáo tăng hình phạt, tăng bồi thường và bổ sung đề nghị hủy án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Về hình thức: Đơn kháng cáo của người bị hại làm trong hạn luật định, đơn hợp lệ, được xem xét giải quyết.
Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn D đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời nhận tội của bị cáo Nguyễn Văn D phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ, lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, có đủ căn cứ để kết luận: Do có mâu thuẫn với nhau từ trước, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 06/12/2016, Nguyễn Văn D và Phan Thị T gặp nhau ở lán của anh Nguyễn Hữu Đ đã cãi chửi nhau. Chị Phan Thị T dùng thanh gậy trúc chỉ, đẩy vào mặt Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn D tránh được rồi dùng tay đẩy vào người làm chị Phan Thị T làm chị Phan Thị T bị ngã. Chị Phan Thị T đứng dậy và hai bên tiếp tục cãi chửi nhau thì Nguyễn Văn D dùng dao đâm 01 phát trúng vùng ngực bên phải của chị Phan Thị T. Sau khi đâm chị Phan Thị T, Nguyễn Văn D cầm con dao đi về nhà. Còn Chị Phan Thị T được đưa đi sơ cứu tại Trạm y tế xã N, chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị L, thành phố V và Bệnh viện Đ, H cấp cứu và điều trị đến ngày 12/12/2016 thì ra viện. Ngày 23/12/2016, Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc đã có Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 337/TgT đối với chị Phan Thị T, kết luận: Tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại của chị Phan Thị T là: 8% (Tám phần trăm). Quá trình điều tra chị Phan Thị T có đơn đề nghị giám định lại thương tích, với lý do sức khỏe bị suy yếu nhiều sau khi bị D dùng dao gây thương tích. Ngày 14/02/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V ra Quyết định trưng cầu Viện Pháp y Quốc gia tiến hành giám định lại thương tích đối với chị Phan Thị T. Ngày 04/4/2017, Viện Pháp y Quốc gia có Bản kết luận giám định Pháp y về thương tích số 51/17/TgT, kết luận: Căn cứ bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư 20/2014 ngày 12/6/2014 BYT, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 10% (Mười phần trăm).
Với hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn D về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan sai.
Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 30/8/2017 người bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng bồi thường và tại phiên tòa phúc thẩm bổ sung kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận thấy: Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt và không kiềm chế được bản thân bị cáo Nguyễn Văn D đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào ngực chị Phan Thị T gây thương tích cho chị Phan Thị T 10% sức khỏe, đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng ngực của người bị hại là vùng trọng yếu trên cơ thể có thể dẫn đến chết người, trước đó bị cáo đã có 01 tiền án về tội cố ý gây thương tích, bị Tòa án nhân dân huyện V xử phạt 02 năm 06 tháng tù nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học cải tạo bản thân. Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo và xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 01 năm 06 tháng tù là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, bị cáo là người bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, trong vụ án này người bị hại có một phần lỗi, do vậy mức hình phạt 01 năm 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để tăng hình phạt đối với bị cáo.
Đối với đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, người bị hại về hủy án sơ thẩm: Hội đồng xét xử thấy rằng những căn cứ mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, người bị hại đưa ra là có căn cứ. Tuy nhiên những thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án, cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Đối với kháng cáo đề nghị tăng bồi thường: Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, chị Phan Thị T yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền thuốc điều trị, viện phí = 7.274.202đ; Tiền thuê xe taxi 04 lần x 800.000đ = 3.200.000đ; Tiền mất thu nhập từ 06/12/2016 đến ngày 16/8/2017 là 08 tháng 10 ngày x 1.000.000đ/ngày = 250.000.000đ; Tiền công người đi nuôi: 07 ngày x 500.000đ/ngày = 3.500.000đ; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần = 50.000.000đ và tiền bồi dưỡng sức khoẻ = 50.000.000đ. Tổng cộng = 363.974.202đ (Ba trăm sáu mươi ba triệu chín trăm bảy mươi tư nghìn hai trăm linh hai đồng). Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và buộc bị cáo Nguyễn Văn D phải bồi thường thương tích cho chị Phan Thị T gồm các khoản sau: Tiền thuốc điều trị + viện phí = 7.274.202đ; Tiền thuê xe taxi 02 lần = 1.600.000đ; Tiền mất thu nhập 45 ngày x 200.000 đ/ngày = 9.000.000đ; Tiền công người đi nuôi: 07 ngày x 200.000đ/ngày = 1.400.000đ; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 10 tháng lương cơ bản x 1.300.000đ/tháng = 13.000.000đ; Tiền bồi dưỡng sức khoẻ = 5.000.000đ. Tổng cộng = 37.274.202đ (Ba mươi bảy triệu hai trăm bảy mươi tư nghìn hai trăm linh hai đồng). Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng một số yêu cầu của chị Phan Thị T là quá cao như tiền mất thu nhập của chị Phan Thị T mỗi ngày 1.000.000đ từ 06/12/2016 đến ngày 16/8/2017 = 250.000.000đ; Tiền công người đi nuôi: 07 ngày x 500.000đ/ngày = 3.500.000đ. Trong khi chị Phan Thị T chỉ là người lao động bình thường như vậy là không phù hợp với thu nhập thực tế tại địa phương; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 50.000.000đ và tiền bồi dưỡng sức khoẻ là 50.000.000đ, trong khi thương tích của chị Phan Thị T chỉ mất 10%, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng hô hấp. Tòa án cấp sơ thẩm xem xét và quyếtđịnh bồi thường 37.274.202đ là phù hợp. Tuy nhiên cấp sơ thẩm khi quyết định mức bồi thường chưa xem xét và chấp nhận những chi phí hợp lý của 04 lượt đi taxi là chưa thỏa đáng. Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét buộc bị cáo phải bồi thường thêm 02 lượt đi taxi của người bị hại. Buộc bị cáo Nguyễn Văn D phải bồi thường thương tích cho chị Phan Thị T gồm các khoản sau: Tiền thuốc điều trị + viện phí = 7.274.202đ; Tiền thuê xe taxi 04 lần = 3.200.000đ; Tiền mất thu nhập của chị T 45 ngày x 200.000đ/ngày = 9.000.000đ; Tiền công người đi nuôi: 07 ngày x 200.000đ/ngày = 1.400.000đ; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 10 tháng lương cơ bản x 1.300.000đ/tháng = 13.000.000đ; Tiền bồi dưỡng sức khoẻ = 10.000.000đ. Tổng cộng = 43.874.202đ (Bốn mươi ba triệu tám trăm bảy mươi tư nghìn hai trăm linh hai đồng).
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Chị Phan Thị T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248, khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần kháng cáo của chị Phan Thị T sửa bản án hình sự sơ thẩm số 41/2017/HSST ngày 16/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn D 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 24/01/2017.
Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự, Điều 584, 590, khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự: Buộc bị cáo Nguyễn Văn D phải bồi thường thương tích cho chị Phan Thị T gồm các khoản sau: Tiền thuốc điều trị + viện phí = 7.274.202đ; Tiền thuê xe taxi 04 lần = 3.200.000đ; Tiền mất thu nhập của chị T 45 ngày x 200.000đ/ngày = 9.000.000đ; Tiền công người đi nuôi: 07 ngày x 200.000đ/ngày = 1.400.000đ; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 10 tháng lương cơ bản x 1.300.000đ/tháng = 13.000.000đ; Tiền bồi dưỡng sức khoẻ = 10.000.000đ. Tổng cộng = 43.874.202đ (Bốn mươi ba triệu tám trăm bảy mươi tư nghìn hai trăm linh hai đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án tương ứng với thời gian chậm thi hành án. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành án theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Chị Phan Thị T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 72/2017/HSPT ngày 24/11/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 72/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về