Bản án 72/2017/HSPT ngày 09/08/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 72/2017/HSPT NGÀY 09/08/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB

Ngày 09 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai vụ án hình sự thụ lý số 77/2017/HSPT ngày 04 tháng 5 năm 2017 đối với bị cáo Trần Minh T. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2017/HSST ngày 29 tháng 3 năm  2017 của Tòa án nhân dân huyện B.

Họ và tên bị cáo có kháng cáo: Trần Minh T, sinh năm 1974 tại tỉnh N; hộ khẩu thường trú: Ấp A, xã T1, huyện B, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; con ông Trần Minh Q (đã chết) và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1954; có vợ là Trương Ánh L1, sinh năm 1981 và 05 người con (lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo:

1. Ông Phạm Tiến Thiên T2 – Luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm Thiên T2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, có mặt.

2. Bà Lê Thị L2 - Luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm Thiên T2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, có mặt.

Ngoài ra, còn có 02 người đại diện hợp pháp của người bị hại và 02 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng số 05/KSĐT ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện B và Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2017/HSST ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện B thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Trần Minh T có giấy phép lái xe hạng B2. Khoảng 19 giờ ngày 15/10/2016, T điều khiển xe ô tô biển số 61A-252.X lưu thông trên đường Đ theo hướng từ ngã ba B1, huyện B đến ngã ba B3. Khi đến đoạn đường thuộc ấp A, xã T1, huyện B cách nhà T khoảng 20m, T cho xe rẽ trái chạy ngược chiều để vào nhà. Do lưu thông ngược chiều nên xe ô tô của T va chạm với xe mô tô biển số 61T2-39Y do ông Lê Văn C điều khiển chạy theo hướng từ ngã ba B3 đến ngã ba B1 huyện B gây tai nạn. Ông Lê Văn C được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện C1, Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 22/10/2016 thì tử vong. Đoạn đường nơi xảy ra tai nạn là đường rải nhựa, mặt đường bằng phẳng, tầm nhìn không bị che khuất, chiều rộng mặt đường là 6,4m, mặt đường được chia thành 02 phần đường xe chạy mỗi phần rộng 3,2m. Hiện trường vụ tai nạn để lại các dấu vết có chiều hướng, kích thước như sau:

- Xe ô tô biển số 61A-252.X đỗ trên làn đường bên phải theo hướng từ ngã ba B3 đến ngã ba B1 huyện B, đầu xe quay về hướng ngã ba B3, trục trước bên trái cách lề đường bên phải theo hướng ngã ba B3 đến ngã ba B1, huyện B (để làm chuẩn) là 0,18m, trục sau bên trái cách lề đường làm chuẩn là 0,35m, trục trước bên phải cách lề đường làm chuẩn 1,3m, trục sau bên phải cách lề đường làm chuẩn 1,7m.

- Xe mô tô biển số 61T2-39Y ngã sang bên trái, nằm trên phần đường bên phải theo hướng từ ngã ba B3 đến ngã ba B1 huyện B, đầu xe quay về hướng ngã ba B1 huyện B, trục trước xe cách lề đường làm chuẩn là 2,6m, trục sau cách lề đường làm chuẩn là 2,7m, trục trước xe mô tô đến trục trước bên phải xe ô tô là 1,15m.

- Trụ điện số 22 nằm trong lề đường làm chuẩn, cách lề đường làm chuẩn là 5,7m, khoảng cách từ trụ điện đến trục trước xe mô tô là 11,8m, đến trục trước bên trái xe ô tô là 11,6m.

Tại Kết luận giám định pháp y về tử thi số 2602/GĐPY ngày 23/10/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương xác định: Nguyên nhân tử vong của người bị hại Lê Văn C là do đa chấn thương, chấn thương sọ não.

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Trần Minh T đã thỏa thuận bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 90.000.000 (chín mươi triệu) đồng. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2017/HSST ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện B đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Trần Minh T phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Áp dụng khoản 1 Điều 202; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự; Xử phạt bị cáo Trần Minh T 08 (tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về biện pháp tư pháp, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/4/2017, bị cáo Trần Minh T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Ngày 05/6/2017, bị cáo có đơn kháng cáo bổ sung với nội dung người bị hại có một phần lỗi điều khiển xe mô tô không quan sát, bị cáo là lao động chính trong gia đình, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và nhiều tình tiết giảm nhẹ được thể hiện trong bản án sơ thẩm. Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương khoan hồng giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Bị cáo kháng cáo đúng thời hạn quy định. Tội danh, điều luật mà Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và áp dụng đối với bị cáo Trần Minh T là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới, mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Đồng thời, việc Tòa án cấp sơ thẩm không cho bị cáo hưởng án treo là nhằm đáp ứng tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo là bà Lê Thị L2 và ông Phạm Tiến Thiên T2 trình bày: Thống nhất quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về phần định tội danh. Tuy nhiên, bị cáo có đủ điều kiện để được hưởng án treo: Bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có khả năng tự cải tạo tốt tại địa phương; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, sau khi phạm tội đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại và được gia đình bị hại có đơn xin bãi nại; bị cáo có cha, mẹ ruột là người có công với cách mạng; bị cáo là lao động chính trong gia đình, phải nuôi vợ và 05 người con. Đồng thời, bản kết luận điều tra không thể hiện người bị hại có lỗi hay không là không đầy đủ với diễn biến khách quan của vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo để tạo điều kiện cho bị cáo tự cải tạo và chăm lo cho gia đình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu và trình bày bổ sung nguyên nhân xảy ra tai nạn có một phần lỗi của người bị hại, người bị hại chạy nhanh không làm chủ tốc độ nên đã va chạm vào xe của bị cáo. Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]. Khoảng 19 giờ ngày 15/10/2016, tại đoạn đường thuộc ấp A, xã T1, huyện B, do bị cáo T điều khiển xe ô tô chuyển hướng sang trái không chú ý quan sát, cho xe đi ngược chiều, không nhường đường cho xe đi theo chiều ngược lại nên xe ô tô do bị cáo T điều khiển đã va chạm với xe mô tô do ông Lê Văn C điều khiển đang lưu thông chiều ngược lại. Tai nạn xảy ra làm người bị hại C tử vong vào ngày 22/10/2016.

[2]. Xét thấy, bị cáo T điều khiển xe ô tô chuyển hướng chạy ngược chiều, không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều là đã vi phạm Điều 9 và khoản 2 Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ. Hành vi của bị cáo T thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người bị hại, gây tâm lý bất an cho những người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông đường bộ tại địa phương; bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 của Bộ luật Hình sự thì “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Như vậy, hành vi của bị cáo T điều khiển xe ô tô vi phạm về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng của người bị hại C đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1 Điều 202 của Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo theo tội danh và điều luật này là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3]. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử xét thấy, mức hình phạt 08 (tám) tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo là không nặng so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có xem xét nhân thân và hoàn cảnh của bị cáo. Về nhân thân, ngày 27/7/2015 bị cáo bị Công an huyện B xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền về hành vi “Đánh nhau” (Quyết định số 125/QĐ-XPVPHC ngày 27/7/2015), bị cáo đã chấp hành xong vào ngày 28/7/2015 (theo Biên lai thu số 1706987 ngày 28/7/2015 của Ngân hàng N2 – Chi nhánh thị xã B4). Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, bị cáo không tái phạm nên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại tiểu điểm b10 điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo, đối với trường hợp người phạm tội đã bị xử lý hành chính, nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính thì được coi là chưa bị xử lý hành chính nhưng không phải là có nhân thân tốt. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo trong trường hợp: “Người đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian chưa bị coi là bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng”. Như vậy, bị cáo T có nhân thân không tốt và thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính tính đến ngày bị cáo phạm tội chưa quá 06 tháng. Do đó, bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định của pháp luật. Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là có căn cứ chấp nhận.

[4]. Người bào chữa cho bị cáo cho rằng kết luận điều tra không thể hiện người bị hại có lỗi hay không đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo; bị cáo cho rằng người bị hại có một phần lỗi là điều khiển xe chạy nhanh, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát. Tuy nhiên, theo sơ đồ hiện trường lập ngày 15/10/2016 cũng như lời khai của bị cáo thể hiện thời điểm xảy ra tai nạn, người bị hại đang lưu thông đúng phần đường quy định, không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh người bị hại có lỗi trong việc gây ra tai nạn. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cũng thừa nhận do khi điều khiển phương tiện chuyển hướng rẽ trái thiếu chú ý quan sát, chạy ngược chiều nên gây tai nạn, nguyên nhân làm người bị hại tử vong là do lỗi của bị cáo. Do đó, ý kiến của người bào chữa và bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.

[5]. Bị cáo và người bào chữa cho bị cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo với lý do: Bị cáo có nhiều (03) tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, là lao động chính trong gia đình, bị cáo có cha, mẹ ruột là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Hội đồng xét xử xét thấy, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà người bào chữa và bị cáo đề nghị áp dụng cho bị cáo đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét và áp dụng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo. Như đã nhận định ở trên, mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo là không nặng so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra và việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng án treo đối với bị cáo là đúng quy định của pháp luật. Như vậy, quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ pháp luật, đề nghị của bị cáo và người bào chữa là không phù hợp. Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Minh T phải nộp theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự,

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Minh T. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2017/HSST ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện B: Áp dụng khoản 1 Điều 202; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt bị cáo Trần Minh T 08 (tám) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

2. Án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 98; khoản 1 và khoản 2 Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Bị cáo Trần Minh T phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm về án phí, về xử lý vật chứng không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

433
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 72/2017/HSPT ngày 09/08/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

Số hiệu:72/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về