TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 71/2020/DS-PT NGÀY 30/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN LÚA
Ngày 30 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 29/2020/TLPT-DS ngày 11 tháng 02 năm 2020 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán lúa.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 41/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Dư Thị Tuyết A, sinh năm 1972; địa chỉ: Số nhà 01, ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Văn T, luật sư của Văn phòng luật sư ĐVT, thuộc đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng; địa chỉ: Số 13, đường HPH, khóm U, phường A, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).
- Bị đơn: Ông Huỳnh Hiệp C, sinh năm 1972; địa chỉ: Ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Việt H, luật sư của Văn phòng luật sư VH, thuộc đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng; địa chỉ: Số LK 14 đường C, khu dân cư MC, khóm M, phường B, thành phố S, tỉnh óc Trăng (Có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Lý Thanh D, sinh năm 1972;
địa chỉ: Số nhà 01, ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).
- Người làm chứng:
1. Ông Trương Văn M, phó CT xã T, huyện C; địa chỉ: Ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
2. Bà Dương Thị Ê, cán bộ NN xã T, huyện C; địa chỉ: Ấp B, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (Vắng mặt).
- Người kháng cáo: Ông Huỳnh Hiệp C là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
- Theo đơn khởi kiện ngày 14 tháng 6 năm 2019, các chứng cứ có trong hồ sơ và tại phiên toà sơ thẩm nguyên đơn bà Dư Thị Tuyết A trình bày ý kiến:
Vào tháng 11 năm 2018, bà có bán cho ông Huỳnh Hiệp C 26.313kg lúa, giá lúa là 7.400 đồng/kg, tương ứng với số tiền là 194.716.200 đồng, việc mua bán lúa không có làm giấy tờ hay hợp đồng gì, chỉ hai bên thỏa thuận miệng, ông C đã thanh toán cho bà được số tiền 131.556.000 đồng (Tương ứng với số tiền 5.000 đồng/kg x 26.313kg lúa), ông C còn nợ lại bà số tiền lúa chưa thanh toán là 63.160.200 đồng cho đến nay. Ngoài ra, tại vụ mùa thu hoạch lúa nêu trên thì bà có thuê ông C cắt 30 công lúa (Thuê máy gặt lúa) nhưng chưa thanh toán tiền thuê cho ông C do ông C còn nợ tiền mua lúa của bà, giá thuê cắt lúa là 280.000 đồng/công, tương ứng số tiền là 8.400.000 đồng, bà đồng ý trừ số tiền thuê cắt lúa này vào số tiền ông C nợ mua lúa của bà, như vậy ông C còn nợ lại bà số tiền là 54.760.200 đồng.
Nay bà Tuyết A khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết buộc bị đơn ông Huỳnh Hiệp C thanh toán cho bà số tiền mua lúa còn nợ là 54.760.200 đồng.
- Theo Đơn tường trình ngày 29/8/2019, các chứng cứ có trong hồ sơ, bị đơn ông Huỳnh Hiệp C trình bày ý kiến:
Vào vụ lúa xuân hè năm 2018, ông có dẫn ông Đặng Sơn S, sinh năm 1973 ngụ tại xã NĐ, huyện M, tỉnh Sóc Trăng để mua lúa của một số bà con nông dân tại ấp P, xã T, trong đó có mua lúa của bà Dư Thị Tuyết A, việc thỏa thuận mua bán lúa là giữa bà Tuyết A với ông Sơn S, còn ông chỉ là người dẫn thương lái đi mua lúa của nông dân tại địa phương và ông chỉ làm máy cắt lúa để ăn công cắt, không có mua lúa của bà Tuyết A, cũng như các hộ nông dân khác trên địa bàn xã T.
Nay bà Tuyết A nộp đơn kiện, căn cứ vào biên bản giải quyết ngày 26/3/2019 của UBND xã T để yêu cầu ông E toán số tiền nợ mua lúa 63.160.200 đồng thì ông không đồng ý, vì ông không có mua bán lúa với bà Tuyết A, cũng như biên bản giải quyết ông nợ tiền mua lúa bà Tuyết A của UBND xã T là biên bản khống, thực tế không có hòa giải giữa các bên và lập Danh sách hộ dân bán lúa chưa lấy được tiền trên địa bàn xã T vào ngày 15/3/2019 là không đúng.
- Tại phiên tòa sơ thẩm người làm chứng ông Trương Văn M trình bày: Vào ngày 26/3/2019, Ủy ban nhân dân xã T có mời ông Huỳnh Hiệp C lên UBND xã để giải quyết vụ việc nợ tiền mua bán lúa của ông Dư Quốc E và 25 hộ dân tại địa phương theo báo cáo của Ban nhân dân các ấp tại xã về việc ông C mua lúa của nhiều hộ dân nhưng chưa thanh toán đủ tiền. Ông là Phó chủ tịch xã, được lãnh đạo phân công làm việc với ông Huỳnh Hiệp C, có bà Dương Thị Ê là cán bộ xã làm thư ký, ghi biên bản. Tại buổi làm việc ngày 26/3/2019 thì ông có thông qua vụ việc khiếu nại của ông E và số tiền nợ mua lúa của 25 hộ dân thì ông C cũng thừa nhận có mua lúa của ông E và 25 hộ dân, cũng như còn nợ lại số tiền theo danh sách thống kê của xã và ông C cam kết đến vụ lúa xuân hè năm 2019 sẽ thanh toán dứt điểm tiền nợ mua lúa của các hộ dân. Vụ việc thừa nhận nợ tiền mua lúa của ông Huỳnh Hiệp C được bà Dương Thị Ê lập biên bản và đọc lại cho ông C nghe và ông C ký tên vào biên bản và biên bản hiện đã được bà Ê cung cấp cho Tòa án.
- Người làm chứng bà Dương Thị Ê trình bày: Vụ việc nợ tiền mua lúa của ông Huỳnh Hiệp C với ông Dư Quốc E và 25 hộ dân tại địa phương như ông Trương Văn M trình bày là đúng sự thật, bà là người được lãnh đạo xã phân công làm thư ký, ghi biên bản giải quyết ngày 26/3/2019. Tại buổi làm việc ông C thừa nhận có mua lúa của nhiều hộ nông dân và còn nợ tiền như danh sách của xã đã lập, bà đã ghi biên bản, đọc lại cho ông C nghe và ông C ký tên vào biên bản. Đối với các biên bản giải quyết ngày 26/3/2019 mà bà Dư Thị Tuyết A và ông Huỳnh Hiệp C cung cấp cho Tòa án là bản phô tô nhưng có đóng dấu của UBND xã T thì ai cung cấp cho các đương sự bà không biết, bà chỉ có viết một bản duy nhất và đã nộp cho Tòa án vào ngày 25/11/2019.
- Tại Văn bản số 373/UBND ngày 14/10/2019 của xã T trình bày: Ông Huỳnh Hiệp C ở tại địa phương là cò thu mua lúa và cũng là thương lái, vì ông C là người trực tiếp đứng ra trả giá và trả tiền mua bán lúa với các hộ dân. Vào ngày 26/3/2019, Ủy ban nhân dân xã T có mời ông Huỳnh Hiệp C lên UBND xã để hòa giải và giải quyết vụ việc tiền mua bán lúa của 25 hộ dân với ông C. Bà Dương Thị Ê là cán bộ nông nghiệp, nông thôn mới của xã có đọc danh sách 25 hộ dân bán lúa cho ông C nhưng chưa lấy được tiền cho ông C nghe, ông C xác nhận đã mua lúa của các hộ theo danh sách và đồng ý cam kết đến khi thu hoạch lúa vụ Xuân hè năm 2019 sẽ trả đủ tiền cho các hộ dân. Bà Dương Thị Ê đã đọc lại biên bản ngày 26/3/2019 để thành phần tham dự nghe và ông Huỳnh Hiệp C đã thống nhất, tự nguyện ký tên vào biên bản.
Sự việc đã được Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 91; khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 227; khoản 1 Điều 228; Điều 271; khoản 1,3 Điều 273 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; áp dụng Điều 430, Điều 433, Điều 434, Điều 440 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dư Thị Tuyết A đối với bị đơn ông Huỳnh Hiệp C về việc yêu cầu thanh toán số tiền nợ mua bán lúa.
2. Buộc ông Huỳnh Hiệp C có nghĩa vụ trả cho bà Dư Thị Tuyết A số tiền nợ mua lúa còn lại là 54.760.200 đồng (Năm mươi bốn triệu bảy trăm sáu mươi nghìn hai trăm đồng). Ngoài ra, Bản án dân sự sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 07/01/2020, bị đơn ông Huỳnh Hiệp C có đơn kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Tuyết A không rút đơn khởi kiện và cho rằng trước đây ông C có đặt cọc cho bà số tiền 3.000.000 đồng, nay bà đồng ý trừ số tiền này cho ông C; tới thời điểm mở phiên tòa bị đơn ông C không có văn bản về việc rút đơn kháng cáo và các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuyết A cho rằng tuy bà Tuyết A có làm lại trang đầu biên bản cho phù hợp với tên của bà, nhưng dựa vào chữ ký có thật ở trang sau và Tòa án cấp sơ thẩm không lấy biên bản này làm chứng cứ để giải quyết vụ án, nên việc làm của bà Tuyết A chưa phải là tội phạm. Đối với Biên bản lập ngày 26/3/2019 có ông Dư Quốc E và 25 hộ dân là biên bản thật, trong đó có bà Tuyết A, được ông M và bà Ê xác định, những người này không có mâu thuẫn gì với ông C, kể cả những người làm chứng đều xác định họ trực tiếp giao dịch với ông C, ông C đặt cọc, trả giá lúa, cắt giá lúa và ấn định ngày cắt lúa, cân lúa và chở lúa đi; ông C trực tiếp trả tiền cho hộ dân. Riêng đối với ông Dư Thanh V cũng xác định trực tiếp giao dịch với ông C, nhưng chưa trả tiền đầy đủ cho ông khi đó có ông Đặng Sơn S nhận nợ thì ông cũng đồng ý, vì có người trả nợ. Ngoài ra, tại đơn tường trình ông C cho rằng ông chỉ là người dẫn dắt máy cắt lúa, máy xới đất cho chị em và đi mượn tiền cọc lúa cho chị em xài và cho rằng ông Đặng Sơn S mới là người mua lúa của bà Tuyết A, nhưng ông không cung cấp được địa chỉ của ông Sơn S để Tòa án xác minh. Tuy nhiên, tại Biên bản hòa giải ngày 26/3/2019 theo yêu cầu của ông Dư Quốc E trong đó có 25 hộ dân, ông C thừa nhận còn thiếu tiền mua lúa của bà Tuyết A, nên Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết A là có căn cứ. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông C và đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để sửa Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng theo hướng khấu trừ 3.000.000 đồng tiền đặt cọc cho ông C.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C cho rằng không có chứng cứ gì để chứng minh ông C có mua lúa của người dân kể cả bà Tuyết A. Việc bà Tuyết A làm giả biên bản ngày 26/3/2019 để làm cơ sở khởi kiện ông C là có dấu hiệu làm giải giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức của bà Tuyết A, nên đề nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền để điều tra, xác minh làm rõ để xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định. Tuy nhiên, nếu không được chấp nhận thì đề nghị xem xét các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm như đơn kháng cáo của ông C. Ngoài ra, ngay ngày có đơn của ông E ngày 15/3/2019, cũng trong ngày đó UBND xã T có danh sách của 25 hộ dân do ông Luân phó Chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu là không hợp lý, làm gì có chuyện trong cùng ngày lại tổng hợp được danh sách như vừa nêu; đồng thời, nội dung bên trong danh sách cũng có nhiều mâu thuẫn liên quan đến tiền thanh toán, số tiền còn thiếu lại, thậm chí số lượng lúa bán ra cũng không trùng khớp và không ai chứng minh được ông C là thương lái mà chỉ là cò lúa. Bên cạnh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành không tham gia phiên tòa sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, đề nghị HĐXX căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng là trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì HĐXX, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng pháp luật về tố tụng. Về nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các quy định pháp luật có liên quan đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của ông C, nhưng đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để sửa Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng theo hướng khấu trừ 3.000.000 đồng tiền đặt cọc cho ông C.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX nhận định:
[1] Tại phiên tòa sau khi tạm ngừng lần thứ hai, bị đơn ông Huỳnh Hiệp C và người làm chứng ông Trương Văn M vắng mặt, nhưng có yêu cầu xét xử vắng mặt; người làm chứng bà Dương Thị Ê vắng mặt không rõ lý do; nên HĐXX căn cứ vào khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Về người kháng cáo, nội dung, hình thức đơn kháng cáo và thời hạn kháng cáo của ông Trương Văn M là đúng quy định tại Điều 271, Điều 272 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên kháng cáo hợp lệ, được Tòa án chấp nhận và tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của ông M về việc yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS- ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
[4] Trong đơn kháng cáo ông C cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa chồng bà Tuyết A tên Lý Thanh D vào Tham gia tố tụng là có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng; việc này Tòa án cấp cấp phúc thẩm đã khắc phục bằng cách đưa ông D vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông D cũng đồng ý tham gia tố tụng từ khi Tòa án cấp phúc thẩm đưa ông vào tham gia tố tụng là đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 68, Điều 69 và Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5] Trong đơn kháng cáo ông C cho rằng Biên bản ngày 26/3/2019 về việc giải quyết đơn của bà Dư Thị Tuyết A (BL số 02, 03, 04) được đánh máy vi tính do nguyên đơn cung cấp cho Tòa án kèm theo đơn khởi kiện; Biên bản thứ hai là bản chính Biên bản ngày 26/3/2019 về việc giải quyết đơn của ông Dư Quốc E nhưng được viết tay do bà Dương Thị Ê, cán bộ UBND xã T cung cấp cho Tòa án vào ngày 25/11/2019 và Biên bản thứ ba là bản phô tô Biên bản ngày 26/3/2019 về việc giải quyết đơn của ông Dư Quốc E được viết tay do ông C cung cấp cho Tòa án kèm theo đơn đề nghị xét xử vắng mặt ghi ngày 09/12/2019. Từ hình thức và nội dung của 03 biên bản nêu trên có dấu hiệu của hành vi trực tiếp thông đồng tạo chứng cứ giả mạo của ông Trương Văn M và bà Dương Thị Ê, nhằm giúp cho nguyên đơn có căn cứ để nguyên đơn khởi kiện ông, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa ông M và bà Ê tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà đưa ông M và bà Ê với tư cách là người làm chứng. Thấy rằng, qua lời khai của bà Tuyết A bà thừa nhận tự bà thuê người đánh máy lại biên bản thứ nhất để nhằm xác định địa phương có giải quyết vụ việc giữa bà với ông C và bà tự lấy trang cuối của biên bản do xã lập có chữa ký ông C, ông M và bà Ê đem phô tô ghép chung với biên bản do bà tự lập rồi đem đến một cửa UBND xã T đóng dấu, việc này ông M và bà Ê không biết; ông M và bà Ê là người xác định các tình tiết có liên quan đến nội dung việc lập biên bản thứ hai như đơn kháng cáo; vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông M và bà Ê là người làm chứng đúng theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, cho rằng việc ông M đứng ra làm chứng là không khách quan vì giữa gia đình cha ông với ông M đã xảy ra nhiều mâu thuẫn ngấm ngầm cho đến nay. Tuy nhiên, phía ông M xác định không có việc này, ông C không cung cấp được chứng cứ chứng minh có mâu thuẫn như lời ông trình bày; nếu có mâu thuẫn thì không lý gì ông lại đồng ý để ông M đứng ra giải quyết tranh chấp và ký vào Biên bản thứ hai như vừa nêu trên; nên lời trình bày của ông C là không có căn cứ.
[6] Trong đơn kháng cáo ông C cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm có xác minh, thu thập chứng cứ và có triệu tập người làm chứng tham gia phiên tòa, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành từ chối tham gia phiên tòa sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm có thu thập chứng cứ, lẽ ra Viện Kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng Viện Kiểm sát cùng cấp có văn bản từ chối tham gia phiên tòa (BL số 65); việc Viện Kiểm sát cùng cấp từ chối tham gia phiên tòa sơ thẩm là có khác nhau trong nhận thức về pháp luật. Tuy nhiên, nếu Viện Kiểm sát cùng cấp có phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, nhưng Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử, không phải hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, Viện Kiềm sát cùng cấp từ chối tham gia phiên tòa không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
[7] Trong đơn kháng cáo ông C cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác và sự liên quan của các chứng cứ đúng theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự, dẫn đến kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông với các lý do mà ông đã trình bày trong đơn kháng cáo. Thấy rằng, trong đơn kháng cáo cũng như lời trình bày của ông trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, ông đã trình bày phản bác rất nhiều ý kiến đối với người khởi kiện. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và xử lý các vấn đề có liên quan và đã ra phán quyết cuối cùng, đó là kết quả giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, nếu cấp sơ thẩm giải quyết chưa đúng thì khi có kháng cáo Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm mà pháp luật đã quy định.
[8] Về nội dung vụ án: Trong đơn kháng cáo ông C cho rằng do ông không mua lúa của bà Tuyết A nên khi khởi kiện bà Tuyết A không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh ông là người có mua bán lúa với bà Tuyết A, kể cả chồng bà Tuyết A, nên tại đơn khởi kiện (BL số 01) và Tờ tường trình (BL số 06) bà Tuyết A trình bày lượng lúa mua bán và số tiền đã thanh toán, số tiền chưa thanh toán cũng rất mâu thuẫn và không trùng khớp nhau. Xét thấy, tuy số liệu không thống nhất, nhưng lời trình bày và yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết A đối với số lúa 26.313kg là ít hơn tờ tường trình ngày 10/6/2019, vì số lúa này theo đơn cân lúa ngày 15/11/2018 (BL số 07 – 09) và không có ai ký. Vì vậy, khi ông C ký vào Biên bản làm việc thứ hai do xã lập có số lúa là 26.313kg, nên bà Tuyết A dựa vào Biên bản này để khởi kiện theo sự thừa nhận của ông C là phù hợp. Ngoài ra, ông C cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm bà Tuyết A thừa nhận Biên bản thứ nhất đã được bà Tuyết A nhờ người khác đánh máy vi tính lại nội dung ở các trang thứ 1, thứ 2 rồi mới mang ra yêu cầu UBND xã T đóng dấu ở trang thứ 3 (Trang này đã được phô tô lại từ trang cuối của Biên bản thứ hai), điều này cho thấy các trang giấy của Biên bản thứ hai trước đó chưa được đóng dấu giáp lai, cho nên người giữ biên bản muốn thay đổi nội dung biên bản như thế nào cũng được cả. Xét thấy, việc bà Tuyết A thừa nhận có làm giả đối với Biên bản thứ nhất và bà tự đem đi đóng dấu, ông M và bà Ê không biết, nên Biên bản thứ nhất không có giá trị làm chứng cứ chứng minh trong vụ án này, nhưng đối với Biên bản thứ hai ông C không đưa ra được chứng cứ chứng minh có sự thay đổi nội dung trong biên bản. Mặt khác, ông M và bà Ê không thừa nhận có sự thay đổi trong nội dung trong Biên bản thứ hai, nên Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản thứ hai để giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật, vì ông C thừa nhận do ông trực tiếp ký vào Biên bản thứ hai. Việc lập Biên bản thứ hai theo đơn yêu cầu của ông Dư Quốc E và trong khoảng thời gian đó có một số hộ mua bán lúa với ông C cũng phản ánh ông C không trả tiền mua lúa, nên UBND xã T có yêu cầu Trưởng ban nhân dân các ấp báo cáo danh sách lên UBND xã, UBND xã mới mời ông C làm việc và ông C thừa nhận như nội dung Biên bản thứ hai là còn thiếu tiền mua lúa của 25 hộ như danh sách UBND xã T lập (BL số 33). Đồng thời, theo những người làm chứng gồm: Ông Thạch N, ông Dư Thanh V, ông Danh Văn B xác định vào năm 2018, các ông có bán lúa cho ông C, khi bán lúa thì có bán chung với nhiều người, trong đó có vợ chồng bà Tuyết A bán lúa cho ông C; ông C là người trực tiếp giao dịch mua bán lúa, trực tiếp đặt cọc và cắt giá lúa, thời gian cắt lúa, trực tiếp cân lúa và trả tiền. Còn theo bà Lý Thị I, ông Lý P, ông Phan Văn Ơ, ông Kim Văn U, bà Kim Thị Y, bà Trần Thị Cẩm G, ông Kim F đều xác định có bán lúa cho ông C, ông C vừa là cò lúa, vừa là người mua lúa; ông C là người trực tiếp giao dịch mua bán lúa, trực tiếp đặt cọc, cắt giá lúa, thời gian cắt lúa, trực tiếp cân lúa, chở lúa đi và trả tiền. Theo ông Lý Phước Ư, Trưởng ban nhân dân ấp H, xã T; ông Phan Văn O, Trưởng ban nhân dân ấp Đ, xã T; ông Trần Văn X, Trưởng ban nhân dân ấp P, xã T đều xác định trên địa bàn ấp cùng có một số hộ bán lúa cho ông C, nhưng chưa trả tiền đầy đủ, sau đó các ông có báo lên UBND xã, nên UBND xã yêu cầu tổng hợp danh sách gửi về UBND xã để giải quyết. Tại Biên bản thứ hai ngày 26/3/2019 (BL số 80 – 84), ông C thừa nhận có mua lúa của 25 hộ dân còn nợ tiền lại, trong đó có bà Tuyết A. Mặc dù, ông C cho rằng ông chỉ là cò lúa, ông Đặng Sơn S mới là người mua lúa còn thiếu tiền lại của các hộ dân, trong đó có bà Tuyết A, nhưng ông không cung cấp được địa chỉ của ông Sơn S. Trong khi đó, ông C là người trực tiếp giao dịch với nông dân, trực tiếp cân lúa và chở lúa đi, nên ông C là người có nghĩa vụ trả tiền cho các hộ dân, trong đó có bà Tuyết A, vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông C trả tiền mua lúa còn thiếu cho bà Tuyết A là có căn cứ.
[9] Từ những phân tích như đã nêu tại các mục [4], [5], [6], [7] và [8] có đủ cơ sở xác định cấp sơ thẩm không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và về nội dung vụ án cũng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nên không C thiết phải hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành. Chính vì vậy, kháng cáo của ông C về việc yêu cầu hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm là không có căn cứ, nên không được HĐXX chấp nhận. Tuy nhiên, tại biên bản lấy khai ngày 22/5/2020 bà Tuyết A đồng ý khấu trừ số tiền đặt cọc là 3.000.000 đồng cho ông C, nên HĐXX ghi nhận ý kiến tự nguyện của bà Tuyết A và căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để sửa Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu thành theo hướng như vừa nhận định. Như vậy, số tiền theo án sơ thẩm tuyên là 54.760.200 đồng – 3.000.000 đồng = 51.760.200 đồng (Số tiền này ông C có nghĩa vụ trả cho bà Tuyết A).
[10] Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuyết A đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của ông C và đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để sửa Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng theo hướng khấu trừ tiền cọc cho ông C là có căn cứ chấp nhận như nhận định ở phần trên.
[11] Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông C và đề nghị căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số:
58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là không có căn cứ, nên không được HĐXX chấp nhận.
[12] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do Bản án dân sự sơ thẩm bị sửa nên án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVHQ14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết A được chấp nhận nên bà Tuyết A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Do ông C có nghĩa vụ trả cho bà Tuyết A số tiền 51.760.200 đồng, nên ông C phải chịu 2.588.010 đồng án phí dân sự sơ thẩm (51.760.200 đồng x 5%).
[13] Về án phí dân sự phúc thẩm: Việc sửa Bản án dân sự sơ thẩm không có liên quan đến nội dung kháng cáo của bị đơn ông C, nên ông C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[14] Đối với lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm về việc đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của ông C và đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để sửa Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng theo hướng khấu trừ số tiền đặt cọc là 3.000.000 đồng cho ông C là có căn cứ, nên được HĐXX chấp nhận. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 6 Điều 313, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; căn cứ khoản 2 Điều 21, khoản 4 Điều 68, Điều 69, Điều 73 và Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Huỳnh Hiệp C.
2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng về việc tranh chấp hợp đồng mua bán lúa. Án tuyên như sau:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dư Thị Tuyết A đối với bị đơn ông Huỳnh Hiệp C về việc yêu cầu thanh toán số tiền nợ mua bán lúa.
- Buộc ông Huỳnh Hiệp C có nghĩa vụ trả cho bà Dư Thị Tuyết A số tiền nợ mua lúa còn lại là 51.760.200 đồng (Năm mươi mốt triệu bảy trăm sáu mươi nghìn hai trăm đồng).
- Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với thời gian chậm thi hành án.
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Huỳnh Hiệp C phải chịu 2.588.010 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Dư Thị Tuyết A được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm số tiền là 1.579.000 đồng (Một triệu năm trăm bảy mươi chín nghìn đồng) theo biên lai thu số 0008766 ngày 25/6/2019 của Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Huỳnh Hiệp C phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0001269, ngày 13/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Như vậy, ông Huỳnh Hiệp C đã nộp đủ tiền án phí dân sự phúc thẩm.
4. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì những người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 71/2020/DS-PT ngày 30/06/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán lúa
Số hiệu: | 71/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về