Bản án 71/2017/HSST ngày 22/11/2017 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T, TỈNH Đ

BẢN ÁN 71/2017/HSST NGÀY 22/11/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ

Ngày 22 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Huyện T, tỉnh Đ xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 79/2017/HSST ngày 27 tháng 10 năm 2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 84/2017/HSST-QĐ ngày 07 tháng 11 năm 2017, đối với các bị cáo:

1/ Lầm Sắm P (Tên gọi khác: Sồ P) – sinh năm 1989, tại Đồng Nai.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Phố 7, Ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đ; nơi ở: Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Hoa; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lầm Chắn Bẩu – sinh năm 1963 và bà Sằn Phổ Kiếu – sinh năm 1967; có vợ là Trần Bé Thi – sinh năm 1992, có 02 (hai) người con, con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2013; tiền án: Không; tiền sự: ngày 25/5/2017 bị Công an xã Phú Thịnh, Huyện T ra quyết định xử phạt 1.000.000đ về hành vi trộm cắp tài sản, thi hành quyết định vào ngày 09/6/2017; nhân thân: Ngày 31/8/2007, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đ xử phạt 10 (mười) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, đã chấp hành xong ngày 30/11/2007; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/6/2017 cho đến nay.

2/ Sỳ Thanh H (Tên gọi khác: Mã Siêu) – sinh năm 1990, tại Đồng Nai.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Phố 7, Ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đ; nơi ở: Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Hoa; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Sỳ A Cẩu – sinh năm 1958 và bà Trần Thị Lương – sinh năm 1956; có vợ là Nông Thị Kim Phượng – sinh năm 1993; có 01 (một) người con sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/6/2017 cho đến nay.

3/ Tống Phước G (Tên gọi khác: Bụi) – sinh năm 1987, tại Đồng Nai.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ấp 1, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Hoa; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tống Phước Oanh – sinh năm 1949 và bà Lê Thị Bông – sinh năm 1950 (đã chết); có vợ là Hồ Thị Xuân T – sinh năm 1979, có 01 (một) người con năm 2014; tiền án: Ngày 22/3/2016, bị Tòa án nhân dân Huyện T, tỉnh Đ xử phạt 01 (một) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong hình phạt ngày 05/02/2017; tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 23/8/2013, bị Tòa án nhân dân Huyện T, tỉnh Đ xử phạt 05 (năm) tháng 23 (hai mươi ba) ngày tù về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 14/12/2012, bị đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thời hạn 12 (mười hai) tháng, theo Quyết định số 2931/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của Ủy ban nhân dân Huyện T, tỉnh Đ; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 22/6/2017 cho đến nay. (Các bị cáo có mặt tại phiên tòa)

- Người bị hại:

1/ Chị Nguyễn Thị P – sinh năm 1982; Địa chỉ: Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ. (có mặt)

2/ Ông Nguyễn Thanh L – sinh năm 1960; Địa chỉ: Số nhà 171, Tổ 4, Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ. (có mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Hồ Thị Xuân T – sinh năm 1979; Địa chỉ: Ấp 1, xã Phú Lập, Huyện T, tỉnh Đ. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lầm Sắm P, Sỳ Thanh H và Tống Phước G đều là người nghiện ma túy. Vào khoảng 17 giờ ngày 21/6/2017, Lầm Sắm P qua gặp Sỳ Thanh H tại chòi rẫy nhà H thuộc Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tại đây P hỏi H còn ma túy không, sau khi trả lời không có, H nói với P “có dám đi bắt trộm dê không”, P đồng ý. P chuẩn bị một cuộn băng keo màu đen, H chuẩn bị một cuộn băng keo màu trắng đi đến chuồng dê của nhà chị Nguyễn Thị P tại Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T bắt trộm 01 (một) con dê cái, màu trắng, có trọng lượng 45kg, đang có bầu. H và P kéo con dê xuống đất và dùng băng keo màu đen, trói bốn chân và bịt miệng con dê, H lấy 01 (một) bao tải cám có sẵn ở góc nhà chị P bỏ dê vào trong bao, cả hai cùng nhau khiêng con dê về rẫy nhà H, giấu ở gốc cây cà phê, trên đường vận chuyển thì con dê bị ngạt thở chết. Sau đó, P đi về còn H điện thoại cho Tống Phước G nhờ bán hộ dê và có nói cho G biết là dê là do trộm cắp mà có, G đồng ý và điều khiển xe mô tô hiệu Honda Dream biển số kiểm soát 60T7-5839, chở theo 01 (một) chiếc lồng sắt đến gặp H, khi đến nơi G và H cùng khiêng con dê bỏ vào lồng sắt mang đi bán. Khi đi đến Km 5,5 thuộc xã Phú Lộc thì bị lực lượng công an xã Phú Lộc tuần tra phát hiện, bắt giữ quả tang cùng tang vật.

Tại Kết luận định giá tài sản số 35/KL.HĐĐGTS ngày 26/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Huyện T kết luận về giá trị tài sản 01 (một) con dê trắng, trọng lượng 45kg là 2.250.000đ.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Lầm Sắm P còn khai nhận: Vào đầu tháng 6 năm 2016, khi thấy có 02 (hai) con gà nòi, mỗi con có trọng lượng khoảng 02 (hai) kg của ông Nguyễn Thanh L (Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ) đi qua rẫy nhà mình, P bắt trộm và đem đi bán. Đến cuối năm 2016, P đi bộ từ nhà mình sang nhà ông L, tiếp tục lấy trộm 01 (một) bao tiêu khô trọng lượng 25kg, loại tiêu Vĩnh Linh, khi đang kéo ra đến cửa sau thì bị phát hiện nên bỏ chạy, để lại bao tiêu.

Tại Kết luận định giá tài sản số 36/KL.HĐĐGTS ngày 28/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Huyện T kết luận về giá trị tài sản 25kg tiêu khô, loại tiêu Vĩnh Linh là 3.450.000đ.

Tại Kết luận định giá tài sản số 37/KL.HĐĐGTS ngày 28/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Huyện T kết luận về giá trị tài sản 02 con gà nòi là 400.000đ.

Người bị hại Nguyễn Thị P thừa nhận đã nhận lại tài sản là con dê bị chết. Quá trình điều tra, chị yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm cho chị số tiền 2.250.000đ, tuy nhiên tại phiên tòa, do nhận thấy các bị cáo là hàng xóm và gia đình các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên chị không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại. Người bị hại ông Nguyễn Thành L không bị thiệt hại về tài sản nên ông không yêu cầu bồi thường.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Hồ Thị Xuân T là vợ bị cáo G, xe môtô biển số kiểm soát 60T7-5839 là tài sản riêng của chị T, khi bị cáo G sử dụng xe làm P tiện phạm tội, chị T không biết, chị T đã nhận lại tài sản, không có yêu cầu gì khác.

Tại bản Cáo trạng số 60/CT-VKS ngày 13 tháng 9 năm 2017 và Công văn số 79/CV-VKS ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân Huyện T, truy tố các bị cáo Lầm Sắm P, Sỳ Thanh H về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự; truy tố bị cáo Tống Phước G về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát xin rút một phần Cáo trạng truy tố bị cáo P đối với hành vi trộm cắp tài sản là 25kg hạt tiêu khô có giá trị 3.450.000đ của ông L do không đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Về áp dụng pháp luật và mức hình phạt của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm p khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo P, đề nghị xử phạt bị cáo P mức hình phạt từ 10 (mười) đến 12 (mười hai) tháng tù; áp dụng điểm h, p khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo H, đề nghị xử phạt bị cáo H mức hình phạt từ 06 (sáu) tháng đến 08 (tám) tháng tù; áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo G và đề nghị xử phạt bị cáo G mức hình phạt từ 10 (mười) đến 12 (mười hai) tháng tù. Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử quyết định về án phí hình sự sơ thẩm và xử lý vật chứng.

Tại phiên tòa, các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì đối với hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối với tài sản là 01 (một) con dê trắng, trọng lượng 45kg, có giá trị 2.250.000đ của chị P mà Cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, riêng bị cáo P thay đổi lời khai so với quá trình điều tra, tại phiên tòa, bị cáo cho rằng: Bị cáo không thực hiện hành vi trộm cắp 25kg hạt tiêu khô có giá trị 3.450.000đ và 02 con gà nòi có giá trị 400.000đ của ông L như Cáo trạng truy tố, việc bị cáo nhận tội tại Cơ quan điều tra là do bị cáo bị ép cung và do bị cáo H khai ra với Cơ quan điều tra.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an Huyện T, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân Huyện T, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo H và bị cáo G, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Riêng bị cáo P cho rằng trong quá trình điều tra bị ép cung nhưng bị cáo không xác định được Điều tra viên nào ép cung bị cáo và không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị ép cung. Do đó, Hội đồng xét xử xác định các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận: Vào khoảng 17 giờ ngày 21/6/2017, tại Ấp 5, xã Phú Lộc, Huyện T, tỉnh Đ, Sỳ Thanh H đã rủ Lầm Sắm P thực hiện hành vi lén lút vào chuồng nuôi dê của chị Nguyễn Thị P, lấy đi tài sản là 01 (một) con dê cái, màu trắng, có trọng lượng 45kg, trị giá 2.250.000đ. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, H điện thoại nhờ Tống Phước G đem bán để lấy tiền mua ma túy sử dụng, G không hứa hẹn trước với H nhưng vẫn đồng ý giúp H tìm nơi tiêu thụ tài sản. Trên đường mang tài sản trộm cắp được đi tiêu thụ thì bị Công an xã Phú Lộc bắt quả tang cùng tang vật.

Xét lời khai nhận tội của các bị cáo đối với hành vi nêu trên là phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Từ đó, có đủ cơ sở để kết luận hành vi của các bị cáo Lầm Sắm P, Sỳ Thanh H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự; hành vi của bị cáo Tống Phước G đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Huyện T, tỉnh Đ truy tố các bị cáo theo tội danh và điều luật nêu trên là có căn cứ, đúng người đúng tội.

[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của công dân, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có, hành vi của các bị cáo còn gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an, an toàn xã hội tại địa P. Do đó, cần có mức hình phạt đủ nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đã thực hiện, cần tiếp tục cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.

[4] Đối với hành vi của Lầm Sắm P trộm 01 bao hạt tiêu khô 25kg, loại tiêu Vĩnh Linh và 02 con gà nòi của ông Nguyễn Thanh L theo như Cáo trạng đã đề cập. Ngoài lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra mà tại phiên tòa đã thay đổi không thừa nhận, thì không còn tài liệu, chứng cứ vững chắc nào khác để quy kết bị cáo về hành vi này. Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng kết quả điều tra bổ sung vẫn không khẳng định được P là người thực hiện hành vi trộm cắp 01 bao hạt tiêu khô 25kg và 02 con gà nòi của ông L.

Theo đơn trình báo đề ngày 15/6/2017, người bị hại Nguyễn Thanh L khai như sau: “.....Vào khoảng cuối năm 2016 vào khoảng sẫm tối, có 01 người thanh niên đã lợi dụng lúc gia đình tôi không ai ở nhà đã vào vác trộm bao tiêu khô Vĩnh Linh, trọng lượng 25kg, trong lúc đi ra thì bị gia đình phát hiện đuổi rượt người thanh niên đó....” (Bút lục 107). Ngay cả lời khai này, ông L cũng nghe qua người khác nói chứ thực tế ông không chứng kiến sự việc. Căn cứ để ông L cho rằng người trộm tiêu và gà là P vì: “....Sau khi sự việc xảy ra, tôi nghi ngờ cho Lầm Sắm P ở gần nhà đã trộm, vì dáng người, hơn nữa ở địa P P là đối tượng trộm cắp liên tục, ai cũng sợ....” (Bút lục 111). Tại phiên tòa, ông L khẳng định, ngày bị mất trộm bao tiêu khô ông đang đi ăn đám giỗ, ông không chứng kiến sự việc và không nghi ngờ cho bất cứ ai.

Tại Cơ quan điều tra, Sỳ Thanh H khai như sau về lý do biết hành vi P trộm cắp tiêu: “....Bị can có gặp Tý (tên thật là Nguyễn Hoàng Ân là con chú L gần nhà) nói là phát hiện Lầm Sắm P vào nhà của mình lấy trộm tiêu” (Bút lục 238).

Người làm chứng Nguyễn Hoàng Ân khai: “.....Vào khoảng 17 giờ đến 18 giờ chiều vào một ngày khoảng tháng 6/2016 thì tôi, Thái là em ruột tôi và Minh đi ăn sinh nhật về.....thì nhìn thấy một người thanh niên đang kéo bao tiêu ra phía cửa sau nhà bếp, lúc này Minh hô lên ăn trộm thì người thanh niên bỏ chạy về hướng nhà cha ruột của Lầm Sắm P.....sau đó tôi có kể chuyện này cho Sỳ Thanh H nghe...” (Bút lục 242). Căn cứ để anh Ân cho rằng P là người thực hiện hành vi trộm tiêu là: “...Qua đặc điểm, dáng người chúng tôi xác định là anh Lầm Sắm P, vì quen biết nhau từ nhỏ nên nhìn là biết, tôi không nhìn thấy mặt nhưng dáng người thì giống P 90%...” (bút lục 242).

Người làm chứng Nguyễn Quốc Thái, người cùng với Nguyễn Hoàng Ân phát hiện hành vi trộm tiêu của P cũng khai: “......Tôi không biết người trộm tiêu của nhà mình là ai, tôi và Ân chỉ thấy người trộm tiêu chạy về hướng nhà ông Chín, bố ruột của anh Lầm Sắm P và sau này tôi có được nghe là Lầm Sắm P là người đã trộm tiêu nhà tôi...”. (bút lục 244) Tại phiên tòa, anh Thái cũng khẳng định, vào tháng 6/2017, khi cán bộ điều tra vào nhà anh, thì anh chỉ nghe cán bộ điều tra nói là bị cáo P lấy trộm tiêu, thấy thời gian mà bị cáo P khai tại Cơ quan điều tra là phù hợp với thời gian nhà mình bị mất trộm tiêu nên anh Thái mới khai theo lời khai của bị cáo P, trên thực tế anh Thái không rõ ai là người đã trộm cắp tiêu của gia đình mình.

Ngoài ra, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cũng đã rút một phần Cáo trạng truy tố đối với hành vi của bị cáo P trộm cắp 25kg hạt tiêu khô của ông L. Đối với hành vi trộm 02 con gà nòi, Viện kiểm sát không truy tố. Từ những lý do nêu trên, Hội đồng xét xử không thể quy kết bị cáo P về tội trộm cắp tài sản đối với hành vi trộm 25kg tiêu khô và 02 con gà nòi mà chỉ có thể khẳng định P chính là người đã cùng với H thực hiện hành vi trộm cắp 01 (một) con dê cái, màu trắng, có trọng lượng 45kg, trị giá 2.250.000đ của chị Nguyễn Thị P vào ngày 21/6/2017.

[5] Về tính chất của đồng phạm: Các bị cáo Lầm Sắm P, Sỳ Thanh H phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn; cả hai bị cáo đều là người thực hành, trong đó bị cáo H là người chủ động rủ rê, gợi ý cho bị cáo P thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Do đó cần áp dụng Điều 53 Bộ luật Hình sự để phân hóa hình phạt đối với bị cáo H và bị cáo P.

[6] Về tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại phiên tòa và trong quá trình điều tra các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; bị cáo G có tiền án nhưng chưa được xóa án tích nay lại tiếp tục phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm”, do đó bị cáo G phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra các bị cáo P, G đều có nhân thân xấu. Riêng đối với bị cáo H có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, người bị hại xác định đã nhận lại con dê 45kg, không yêu cầu các bị cáo bồi thường, vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết về trách nhiệm dân sự. Đối với trách nhiệm hình sự, người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Tài sản là bao hạt tiêu khô 25kg, loại tiêu Vĩnh Linh và 02 con gà nòi của ông Nguyễn Thanh L, do không chứng minh được hành vi phạm tội của P đối với các hành vi này và người bị hại đã nhận lại tài sản, tại phiên tòa, ông L cũng không có yêu cầu gì khác.

[8] Về xử lý vật chứng: Xe môtô hiệu Honda Dream biển số kiểm soát 60T7-5839 là tài sản của chị Hồ Thị Xuân T, khi G sử dụng xe làm P tiện để thực hiện hành vi phạm tội thì chị T không biết, xe mô tô có giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện T trao trả cho chị T là phù hợp quy định của pháp luật.

Một cuộn băng keo màu trắng, 01 cây liềm dài 30cm, cán dao bằng gỗ dài 10cm, lưỡi dao bằng sắt dài 20cm; 01 sọt sắt dài 60cm, rộng 40cm được bao bằng lưới B40 thu giữ khi bắt quả tang các bị cáo, đây là các công cụ sử dụng vào việc phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự và điểm a, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[9] Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần buộc mỗi bị cáo nộp 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố các bị cáo Lầm Sắm P (tên gọi khác: Sồ P), Sỳ Thanh H (tên gọi khác: Mã Siêu) phạm tội: “Trộm cắp tài sản”; bị cáo Tống Phước G (tên gọi khác: Bụi) phạm tội: “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 53 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Lầm Sắm P 10 (mười) tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 53 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Sỳ Thanh H 08 (tám) tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Tống Phước G 01 (một) năm tù.

Thời hạn tù của các bị cáo Lầm Sắm P, Sỳ Thanh H, Tống Phước G được tính từ ngày 22 tháng 6 năm 2017.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự; điểm a, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch thu, tiêu hủy 01 cuộn băng keo màu trắng, 01 cây liềm dài 30cm, cán bằng gỗ dài 10cm, lưỡi bằng sắt dài 20cm; 01 sọt sắt dài 60cm, rộng 40cm được bao bằng lưới B40. (Vật chứng hiện đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự Huyện T theo Quyết định chuyển vật chứng số 19/QĐ-VKS ngày 13 tháng 9 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân Huyện T)

Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Buộc các bị cáo Lầm Sắm P, Sỳ Thanh H, Tống Phước G mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Các bị cáo (P, H, G), người bị hại (chị P, ông L), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chị T) được quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

671
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 71/2017/HSST ngày 22/11/2017 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Số hiệu:71/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuần Giáo - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về