Bản án 70/2018/HS-PT ngày 27/11/2018 về tội gây tổn hại sức khỏe của người khác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 70/2018/HS-PT NGÀY 27/11/2018 VỀ TỘI GÂY TỔN HẠI SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC

Trong ngày 27 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 64/2018/TLPT-HS, ngày 16 tháng 10 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Thị L do có kháng cáo của bị hại Lê T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HSST, ngày 11-9-2018 của Tòa án nhân dân thị xã N, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị cáo bị kháng cáo: Nguyễn Thị L (tên khác không), sinh năm 1979, tại N, Sóc Trăng. Nơi cư trú: khóm C, Phường M, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: Không biết chữ; con ông Nguyễn Ngọc K (s) và bà Nguyễn Thị D (s); Có chồng đã ly hôn và 02 người con (Lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất 2010); tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 02 tháng 5 năm 2018 đến ngày 02 tháng 7 năm 2018. (có mặt)

- Bị hại có kháng cáo: Bà Lê T, sinh năm 1958; Nơi cư trú: khóm C, Phường H, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà Sơn Thị Pheng- Luật sư Văn phòng luật sư Việt Thắng, đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng. ( có mặt )

- Người làm chứng có liên quan đến kháng cáo:

1. Ông Nguyễn Ngọc K, sinh năm 1951 (vắng mặt)

2. Ông Nguyễn Tấn P, sinh năm 1983 (có mặt)

3. Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1955 (vắng mặt)

Cùng nơi cư trú: Khóm C, Phường H, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do có tranh chấp với nhau về ranh giới đất đai nên vào khoảng 11 giờ, ngày 04 tháng 10 năm 2015, Tổ hòa giải của khóm C đến để hòa giải và cặm ranh đất tại phần đất tranh chấp giữa ông Nguyễn Ngọc K (cha bị cáo Nguyễn Thị L) và gia đình bà Lê T, ông Nguyễn Văn Trạng N. Khi tổ hòa giải đến phần đất tranh chấp để cặm ranh đất thì giữa bà T và ông K xảy ra cự cải với nhau. Lúc này, bà T cầm tấm ván gỗ ném trúng vào vùng bụng của ông K (ông K đang đứng cách bà T khoảng 05 mét). Thấy vậy, bị cáo Nguyễn Thị L chạy tới chổ bà T đang đứng dùng tay xô đẫy vào người bà T làm bà T bị té ngã xuống mương nước ruộng, khi té thì bà T kéo bị cáo L theo làm bị cáo té nằm đè lên người bà T. Lúc này thì cả hai được ông Nguyễn Quốc V (đã chết) cùng mọi người trong tổ hòa giải can ra và không có đánh nhau nữa.

Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 178/TgT-PY ngày 14/10/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của bà Lê T do thương tích gây nên là 13% (Mười ba phần trăm).

Tại bản án số 18/2018/HS-ST, ngày 11-9-2018 của Tòa án nhân dân thị xã N, tỉnh Sóc Trăng tuyên xử như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 104; Điều 45; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Căn cứ các Điều 604, 605, 606, 609 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ điểm a, tiểu mục 1.2, mục 1, phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

Căn cứ khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 21, điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị L phạm tội “Gây tổn hại sức khỏe của người khác”.

2. Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị L 09 tháng tù, cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 tháng được tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm là ngày 11/9/2018. Giao bị cáo L cho Ủy ban nhân dân Phường H, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

3. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Nguyễn Thị L bồi thường cho bị hại Lê T số tiền 39.861.000 đồng (Ba mươi chín triệu, tám trăm sáu mươi mốt ngàn đồng). Số tiền bị cáo đã khắc phục 1.000.000 đồng (Một triệu đồng) tại Chi cục thi hành án dân sự thị xã N theo phiếu thu số 009xxx ngày 22/8/2018 và phiếu thu số 009xxx ngày 30/8/2018 giao cho Chi cục Thi hành án dân sự thị xã N tiếp tục quản lý số tiền này để đảm bảo cho việc thi hành án.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên phần, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 21/9/2018, bị hại bà Lê T có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo; Tăng tiền bồi thường thiệt hại sức khỏe và yêu cầu xem xét hành vi của ông Nguyễn Ngọc K, Nguyễn Tấn P, bà Nguyễn Thị D và tư cách người làm chứng của ông Nguyễn Tấn P, Nguyễn Ngọc K trong vụ án;

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị hội đồng xét xử: Chấp nhận toàn bộ đơn kháng cáo của bị hại như tăng hình phạt và tăng bồi thường với tổng số tiền bồi thường 166 triệu đồng và số vàng bị mất 02 chỉ vàng. Ngoài bị cáo L gây thương tích bị hại ra còn có ông K, ông P và bà D còn tham gia gây thương tích cho bị hại mà cấp sơ thẩm không xử lý là bỏ lọt tội và xử lý 03 người nói trên đúng theo qui định của pháp luật.

- Đại diện viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng giữ quyền công tố nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của người bị hại và áp dụng Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Về tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt ông Nguyễn Ngọc K và bà Nguyễn Thị D. Những người nói trên được triệu tập lần thứ hai và việc vắng mặt những người này không ảnh hưởng đến việc xét xử, nên Hội đồng xét xử chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên và luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại là áp dụng Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 xét xử vắng những người nói trên là đúng theo qui định của pháp luật.

 [2] Về tính hợp pháp của kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị hại nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân thị xã N vào ngày 21-9-2018 theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc kháng cáo của bị hại là hợp lệ nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận và xem xét giải quyết kháng cáo theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

 [3] Xét về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận vào ngày 04-10-2015, tại khóm C, phường H, thị xã N, khi thấy bị hại dùng ván gỗ ném trúng cha bị cáo nên bị cáo đến xô đẩy vào người bị hại dẫn đến bị hại té ngã xuống mương nước ruộng, bị cáo cũng bị bị hại kéo té ngã đè lên người bị hại. Hậu quả bị hại Lê T bị tổn thương cơ thể là 13%.

Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Gây tổn hại sức khỏe của người khác” theo quy định tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội danh và khung hình phạt nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan cho bị cáo.

 [4] Xét kháng cáo tăng hình phạt của bị hại Lê T: Xét thấy, khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo đã khắc phục hậu quả cho bị hại số tiền 1.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án thị xã N; bị cáo có nhân thân tốt; bị cáo là lao động chính, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ nói trên là chính xác, phù hợp với pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại không cung cấp được tình tiết tăng nặng đối với bị cáo hoặc các tình tiết giảm nhẹ mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng không đúng nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 09 tháng tù và cho bị cáo hưởng án treo là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, phù hợp quy định pháp luật về án treo. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên là không chấp nhận kháng cáo của bị hại và luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại về tăng hình phạt cho bị cáo.

 [5] Xét kháng cáo tăng tiền bồi thường thiệt hại của bị hại Lê T yêu cầu bị cáo bồi thường tổng cộng 166.799.111 đồng.

 [5.1] Xét khoản tiền chi phí điều trị thương tích, bị hại yêu cầu bồi thường số tiền là 22.799.111đồng. Xét thấy, trong tổng số tiền bị hại yêu cầu thì tổng cộng chi phí điều trị thương tích thực tế của bị hại theo hóa đơn là 21.611.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại không cung cấp thêm toa vé điều trị mới và cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường cho bị hại tiền chi phí điều trị 21.611.000đ là có cơ sở, phù hợp quy định pháp luật. Cho nên, kháng cáo về số tiền này không được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận.

 [5.2] Xét khoản tiền thu nhập thực tế bị mất (tiền công lao động) của bị hại và người nuôi bệnh: Trong thời gian bị thương tích, bị hại nằm viện tổng cộng 18 ngày (trong đó: nằm viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng từ ngày 05- 10-2015 đến ngày 15-10-2015 là 11 ngày; nằm viện tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 20-10-2015 đến ngày 26-10-2015 là 07 ngày), ngoài ra bị hại đi tái khám 04 ngày, theo đó cần xem xét số ngày mất thu nhập thực tế của bị hại và người nuôi bệnh là 22 ngày x 150.000đ/ ngày x 02 người = 6.600.000đồng, bị hại yêu cầu mức tiền công lao động là 180 ngày x 150.000đồng/ngày = 27.000.000 đồng là không phù hợp nên cấp sơ thẩm chỉ buộc bị cáo bồi thường khoản tiền này cho bị hại với tổng cộng só tiền là 6.600.000đ là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại không cung cấp về thời gian mất thu nhập và Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị hại về khoản tiền này.

 [5.3] Xét chi phi đi lại trong thời hạn điều trị: Thì thấy chi phí thuê xe từ nhà bị hại đến Bệnh viện Sóc Trăng là 400.000 đồng/lượt x 2 lượt (đi và về) = 800.000đồng; Chi phí đi lại điều trị tại Bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh: nhập viện 01 chuyến là 1.200.000đồng (giá thuê xe); và 01 chuyến về và 04 lần đi tái khám là 08 lượt đi và về bằng xe khách là 08 chuyến , tổng là 09 chuyến x 02 người x 150.000/vé xe = 2.700.000đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm Bị hại yêu cầu bồi thường chi phí đi lại tổng cộng 12.000.000đ nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh và cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường chi phí đi lại cho bị hại tổng cộng là 4.700.000 đồng là phù hợp quy định pháp luật. Cho nên kháng cáo của bị hại về khoản tiền này không được chấp nhận.

 [5.4] Xét kháng cáo về khoản tiền tổn thất tinh thần: Bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần là 40.000.000đồng. Xét thấy, bị cáo L gây ra tổn hại sức khỏe cho bị hại với tỷ lệ là 13%, trên cơ sở đó, cấp sơ thẩm xem xét buộc bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại 05 tháng lương cơ sở, cụ thể 1.390.000/tháng x 05 tháng = 6.950.000 đồng là có cơ sở, phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 và tương xứng với mức độ tổn hại sức khỏe bị cáo gây ra cho bị hại. Cho nên, kháng cáo của bị hại về khoản tiền không được chấp nhận.

 [5.5] Xét khoản tiền mổ lấy Inox của bị hại yêu cầu bồi thường là 20.000.000đồng. Xét thấy, bị hại chưa đi phẫu thuật và thực tế chưa xảy ra và cấp sơ thẩm tách phần này ra thành vụ kiện dân sự khác và hơn nữa bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bị hại. Do vậy, kháng cáo về khoản tiền này không được cấp phúc thẩm chấp nhận.

 [5.6] Xét khoản yêu bồi thường tiền mất sức lao động 27.000.000đồng. Xét thấy, bị hại bị tổn hại sức khỏe 13%, cấp sơ thẩm xem xét buộc bị cáo bồi thường tiền thu nhập thực tế bị mất của người bị hại và người nuôi bệnh, hơn nữa bị hại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh bị hại mất sức lao động nên cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bị hại là có căn cứ. Cho nên, kháng cáo của bị hại không được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận.

 [5.7] Đối với kháng cáo về khoản mất 02 chỉ vàng trong vụ án, bị hại yêu cầu bồi thường, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị hại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc xô xát nói trên bị mất 02 chỉ vàng, nên yêu cầu này của bị hại không được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận.

 [5.8] Xét về khoản tiền chi phí giám định mà bị hại kháng cáo cho rằng buộc bị hại phải chịu là không đúng. Xét thấy, cấp sơ thầm áp dụng Điều 36 Luật giám định tư pháp và buộc bị hại phải chịu số tiền nói trên là đúng pháp luật. Nên kháng cáo của bị hại không được chấp nhận.

Từ cơ sở nêu trên xét thấy cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường các khoản chi phí điều trị, tiền thu nhập thực tế bị mất (ngày công lao động) trong thời gian nằm viện và tái khám, tiền tổn thất tinh thần và chi phí đi lại trong thời gian điều trị với tổng cộng số tiền là 39.861.000 đồng (Ba mươi chín triệu, tám trăm sáu mươi mốt ngàn đồng) là có căn cứ, đúng quy định pháp luật nên kháng cáo tăng tiền bồi thường của bị hại không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

 [6] Xét kháng cáo yêu cầu xem xét hành vi của ông Nguyễn Ngọc K, Nguyễn Tấn P, bà Nguyễn Thị D và tư cách tham gia tố tụng của ông K, ông P thì thấy: Tại thời điểm xảy ra sự việc ngoài gia đình bị cáo và bị hại thì có mặt của những người làm chứng như: ông Cù Văn T, Lê Thanh Đ, Nguyễn Văn B, Cao Văn H, Phan Văn Đ, Nguyễn Quốc V là thành viên của tổ hòa giải tranh chấp giữa gia đình bị cáo và bị hại. Qua xem xét lời khai của những người này tại các bút lục (101-104), (108-138) cho thấy khi xảy ra sự việc thì chỉ có bị cáo xô xát với bị hại, đối với ông Nguyễn Ngọc K, Nguyễn Tấn P và bà Nguyễn Thị D thì không tham gia xô xát hay đánh nhau với bị hại. Lời khai của những người làm chứng nêu trên phù hợp với lời khai của bị cáo. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại bà Lê T không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Nguyễn Ngọc K, Nguyễn Tấn P và bà Nguyễn Thị D có tham gia gây tổn hại sức khỏe cho bà nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét xử lý của ông K, ông P và bà D là có căn cứ, kháng cáo này của bị hại là không có cơ sở nên không được chấp nhận.

Ngoài ra, bị hại cho rằng cấp sơ thẩm không xử lý ông Nguyễn Ngọc K, Nguyễn Tấn P và Nguyễn Thị D vì cùng bị cáo L gây thương tích cho bị hại là bỏ lọt tội. Xét thấy, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm thì bị hại không chứng minh các người nói trên tham gia cùng với bị cáo đánh bị hại, mặt khác khi xảy ra sự việc ông K, ông P và bà D với những người làm chứng khác có mặt chứng kiến sự xô xát giữa bị cáo và bị hại. Nên cấp sơ thẩm xác định ông K, ông P và bà D với tư cách là người làm chứng trong vụ án này là chính xác, phù hợp với quy định pháp luật tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

 [6] Án phí hình sự phúc thẩm, dân sự phúc thẩm bị hại không phải chiụ.

 [7] Các quyết định khác của Bán án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

 [1] Căn cứ vào Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt, tăng tiền bồi thường và kháng cáo yêu cầu xét hành vi của ông Nguyễn Ngọc K, Nguyễn Tấn P, Nguyễn Thị D của bị hại Lê T. Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ khoản 1 Điều 104; Điều 45; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Căn cứ các Điều 604, 605, 606, 609 Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ điểm a, tiểu mục 1.2, mục 1, phần II Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08-7-2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

Căn cứ khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 21, điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

 [2] Tuyên xử:

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị L 09 tháng tù về tội “Gây tổn hại sức khỏe của người khác” nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 tháng được tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm là ngày 11-9-2018. Giao bị cáo L cho Ủy ban nhân dân Phường H, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

- Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

- Trong thời gian thử thách, bị cáo Nguyễn Thị L cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

 [3] Về trách nhiệm dân sự:

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L bồi thường cho bị hại Lê T số tiền 39.861.000 đồng (Ba mươi chín triệu, tám trăm sáu mươi mốt ngàn đồng). Số tiền bị cáo đã khắc phục 1.000.000 đồng (Một triệu đồng) tại Chi cục thi hành án dân sự thị xã N theo phiếu thu số 009xxx ngày 22-8-2018 và phiếu thu số 009xxx ngày 30-8-2018 giao cho Chi cục Thi hành án dân sự thị xã N tiếp tục quản lý số tiền này để đảm bảo cho việc thi hành án.

- Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bị hại T có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng bị cáo L còn phải trả lãi cho bị hại T theo mức lãi suất 10%/năm, đối với số tiền chậm thi hành án.

[4]. Án phí hình sự phúc thẩm, dân sự phúc thẩm bị hại không phải chịu. [5] Các quyết định khác của quyết định Bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

 [6] Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

731
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 70/2018/HS-PT ngày 27/11/2018 về tội gây tổn hại sức khỏe của người khác

Số hiệu:70/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về