Bản án 70/2018/HS-PT ngày 05/02/2018 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 70/2018/HS-PT NGÀY 05/02/2018 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Vào ngày 05 tháng 02 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 24/TLPT-HS ngày 10 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo: Phạm Văn T, Phạm Thị S, Y Lim N phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Do có kháng cáo của các bị cáo, đối với bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HS-ST ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Văn T, sinh năm 1963, tại tỉnh Hà Tĩnh. Nơi cư trú: thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Nguyên Kế toán Trường Tiểu học C, xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; trình độ văn hóa: 10/10; dân tộc: Kinh; con ông Phạm Hồng T (đã chết) và bà Nguyễn Thị N; có vợ là bà Hoàng Thị T và có 02 con, lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 1997; tiền sự, tiền án: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 16/11/2016 cho đến nay. Có mặt.

2. Phạm Thị S, sinh năm 1985, tại tỉnh Nam Định. Nơi cư trú: Thôn 10, xã H, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Nguyên thủ quỹ Trường Tiểu học C, xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk (là đảng viên Đảng Cộng sản, đã tạm đình chỉ sinh hoạt đảng); trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; con ông Phạm Xuân Đ và bà Nguyễn Thị H; có chồng là Mai Vũ L và có 02 con, lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2014; tiền sự, tiền án: Không; bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay. Có mặt.

3. Y Lim N, sinh năm 1960, tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi cư trú: xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học C, xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk (là đảng viên Đảng Cộng sản, đã đình chỉ sinh hoạt đảng); trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: M’Nông; con ông Y Duin M và bà H’Bah N (đã chết); có vợ là bà H’Nai M và có 04 con, lớn nhất sinh năm 1987, nhỏ nhất sinh năm 1998; tiền sự, tiền án: Không; bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay. Có mặt.

- Bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị:

Phan Mạnh T1, sinh năm 1964, tại tỉnh Hà Tĩnh. Nơi cư trú: xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Nguyên thủ quỹ Trường Tiểu học C; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Kinh; con ông Phan Viết L và bà Nguyễn Thị C (đều đã chết); có vợ là bà Đặng Thị H và có 04 con, lớn nhất sinh năm 1992, nhỏ nhất sinh năm 1997; tiền sự, tiền án: Không; bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn T:

Luật sư Võ Đình D – Văn phòng luật sư THT –thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk; Địa chỉ: thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Y Lim N:

Ông Nguyễn Hữu H là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Ngọc P, sinh năm 1978; Nơi cư trú: thị trấn K, huyện B, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

2. Bà Nguyễn Thu H, sinh năm 1986; Nơi cư trú: thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

3. Bà Trần Thị Tố Q, sinh năm 1990; Nơi cư trú: xã Đ, huyện B, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

4. Bà Châu Thị Huyền N, sinh năm 1989; Nơi cu trú: thị trấn K, huyện B, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

5. Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1966; Nơi cư trú:  thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

6. Trường Tiểu học C, xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk.

- Người đại diện: Bà Võ Thị Kim T, sinh năm 1978; Chức vụ: Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học C; Nơi cư trú: xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

- Người làm chứng: Kho bạc Nhà nước huyện B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàn T, chức vụ: Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện B. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trường Tiểu học C là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động; Trường được thành lập theo Quyết định số 1099/QĐ-UB ngày 25/12/2003 của Ủy ban nhân dân (Viết tắt: UBND) huyện B, địa điểm Trường đặt tại: Trung tâm xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; Y Lim N giữ chức vụ Hiệu trưởng theo Quyết định số 1582/QĐ-UBND ngày 18/9/2009 của UBND huyện B, ngày 11/11/2014 được bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng theo Quyết định số 4016/QĐ-UBND; Phạm Văn T được tuyển dụng làm Kế toán củaTrường theo Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 08/6/2012 của UBND huyện B.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học C ban hành: Quyết định số 04/QĐ-THCPI ngày 27/9/2009 về việc phân công kiêm nhiệm Thủ quỹ đối với bà Phạm Thị S; Quyết định số 04/QĐ-THCPI ngày 12/10/2014 về việc phân công kiêm nhiệm Thủ quỹ đối với ông Phan Mạnh T1 từ ngày 17/10/2014 thay cho bà S.

Trên cở sở dự toán hàng năm được giao theo quyết định giao dự toán ngân sách của UBND huyện B, hàng tháng Trường Tiểu học C lập giấy rút dự toán ngân sách gửi Kho bạc huyện B để rút tiền theo dự toán được giao về chi cho các hoạt động của đơn vị.

I. Về hành vi Tham ô tài sản:

Trong thời gian Phạm Văn T làm Kế toán Trường Tiểu học C từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016; Phạm Thị S kiêm nhiệm Thủ quỹ từ tháng 7/2012 đến tháng 9/2014 và Phan Mạnh T1 kiêm nhiệm Thủ quỹ từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2016, đơn vị không lập sổ quỹ tiền mặt của Kế toán, sổ quỹ tiền mặt của Thủ quỹ. Không thực hiện kiểm kê, đối chiếu quỹ tiền mặt theo định kỳ giữa Kế toán và Thủ quỹ. Từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016, Phạm Văn T đã nâng khống tổng số tiền trong bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng của nhà trường, lập Giấy rút dự toán ngân sách trình ông Y Lim N - Hiệu trưởng Trường Tiểu học C ký tên, đóng dấu để Thủ quỹ Trường Tiểu học C là Phạm Thị S và Phan Mạnh T1 làm thủ tục rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B. Cụ thể như sau:

- Từ tháng 7 đến tháng 12/2012,T lập 13 Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương để Thủ quỹ rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B với tổng số tiền là 1.407.984.326 đồng; thực tế tổng số tiền lương phải chi trả trong thời gian nêu trên (6 tháng) chỉ là 1.371.270.503 đồng. Như vậy, chênh lệch giữa số tiền đã rút từ Kho bạc Nhà nước với số tiền lương phải chi trả trong thời gian nêu trên là 36.713.823 đồng;

- Năm 2013,T lập 27 Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương để Thủ quỹ rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B với tổng số tiền là 3.163.029.201 đồng; thực tế tổng số tiền lương phải chi trả trong năm 2013 chỉ là 2.851.961.779 đồng. Như vậy, chênh lệch giữa số tiền đã rút từ Kho bạc Nhà nước với số tiền lương phải chi trả trong năm 2013 là 311.067.422 đồng;

- Năm 2014,T lập 22 Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương để Thủ quỹ rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B với tổng số tiền là 3.140.279.591 đồng; thực tế tổng số tiền lương phải chi trả trong năm 2014 chỉ là 2.835.738.679 đồng. Như vậy, chênh lệch giữa số tiền đã rút từ Kho bạc Nhà nước với số tiền lương phải chi trả trong năm 2014 là 304.540.912 đồng;

- Năm 2015,T lập 23 Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương để Thủ quỹ rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B với tổng số tiền là 3.321.730.467 đồng; thực tế tổng số tiền lương phải chi trả trong năm 2015 chỉ là 2.889.208.652 đồng. Như vậy, chênh lệch giữa số tiền đã rút từ Kho bạc Nhà nước với số tiền lương phải chi trả trong năm 2015 là 432.521.815 đồng;

- Từ tháng 01 đến tháng 3/2016,T lập 08 Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương để Thủ quỹ rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B với tổng số tiền là 863.477.862 đồng; thực tế tổng số tiền lương phải chi trả trong thời gian nêu trên (03 tháng) chỉ là 844.881.860 đồng. Như vậy, chênh lệch giữa số tiền đã rút từ Kho bạc Nhà nước với số tiền lương phải chi trả trong 3 tháng đầu năm 2016 là 18.596.002 đồng.

Tổng số tiền mà T lập tại các Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương để Thủ quỹ S và T1 rút tại Kho bạc Nhà nước B từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016 là: 11.896.501.447 đồng; số tiền lương và các khoản phụ cấp lương chi thực tế cho cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường là: 10.793.061.473 đồng. Như vậy, chênh lệch giữa số tiền đã rút từ Kho bạc Nhà nước với số tiền lương phải chi trả từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016 là: 1.103.439.974 đồng (11.896.501.447  -10.793.061.473), trong đó: S trực tiếp nhận từ Kho bạc số tiền 631.107.981 đồng, T1 trực tiếp nhận từ Kho bạc số tiền 472.331.993 đồng.

Theo lời khai của S và T1: Khi vừa nhận tiền xong, thì Phạm Văn T đã chờ sẵn tại sân Kho bạc Nhà nước huyện B, hoặc gọi điện thoại hẹn gặp S hoặc T1 tại quán cà phê ở Thị trấn K, huyện B rồi yêu cầu S, T1 đưa cho T ứng một số tiền nhất định với lý do để giải quyết công việc của nhà trường, T1 và S đã đưa tiền cho T nhưng không có chứng từ, giấy tờ, biên nhận gì (không nhớ rõ thời gian, địa điểm, số tiền giao nhận cụ thể hàng tháng, vì không có chứng từ, tài liệu, giấy tờ biên nhận, sổ sách theo dõi việc giao nhận tiền). S khai đã đưa hết 631.107.981 đồng cho T; T1 khai đã đưa cho T 138.694.323 đồng, T1 trực tiếp chi một số khoản cho hoạt động của nhà trường theo chỉ đạo của T với tổng số tiền 333.637.670 đồng.

T khai nhận: Hàng tháng, sau khi Thủ quỹ rút tiền từ Kho bạc Nhà nước huyện B, T nói rõ số tiền rút dự toán chênh lệch trong tháng đó cho Thủ quỹ biết (vì T là người trực tiếp lập khống số tổng cộng trong Bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng, nên biết rõ số tiền chênh lệch từng tháng); đối với S thì T yêu cầu đưa lại cho T nhận 70% số tiền chênh lệch, để lại cho S 30% số tiền chênh lệch, để sử dụng vào mục đích cá nhân; đối với T1 đã chi một số khoản cho hoạt động của nhà trường theo yêu cầu của T, số còn lại T yêu cầu đưa lại cho T nhận 70%, để lại cho T1 30% số tiền chênh lệch còn lại, để sử dụng vào mục đích cá nhân (không nhớ rõ thời gian, địa điểm, số tiền giao nhận cụ thể hàng tháng, vì không có chứng từ, tài liệu, giấy tờ biên nhận, sổ sách theo dõi việc giao nhận tiền). Việc Phạm Văn T yêu cầu Thủ quỹ giao cho T số tiền tương ứng 70% số tiền rút chênh lệch từ dự toán là do T tự nghĩ ra, không có sự bàn bạc, thoả thuận với Thủ quỹ; trong đó:

- Số tiền do Phạm Thị S rút chênh lệch từ tháng 7/2012 - 9/2014 là 631.107.981 đồng: Phạm Văn T đã nhận 70% tương đương 441.775.587 đồng để sử dụng cho mục đích cá nhân; số tiền 30% còn lại tương đương 189.332.394 đồng thì T để lại cho Phạm Thị S sử dụng;

- Số tiền do Phan Mạnh T1 rút chênh lệch từ tháng 10/2014 - 3/2016 là 472.331.993 đồng: T đã chỉ đạo T1 chi một số khoản cho hoạt động của nhà trường tổng số tiền 333.637.670 đồng, có chứng từ kèm theo; số tiền còn lại 138.694.323 đồng T trình bày đã nhận 70% số tiền tương ứng là 97.086.026 đồng, số tiền 30% còn lại tương ứng 41.068.297 đồng T để lại cho Phan Mạnh T1 sử dụng.

Trong tổng số tiền 1.103.439.974 đồng mà T lập chứng từ nâng khống để rút tiền từ Kho bạc ra, T đã chiếm đoạt sử dụng cá nhân 538.861.613 đồng (441.775.587 + 97.086.026). Như vậy, hành vi chiếm đoạt số tiền 538.861.613 đồng của Phạm Văn T đã đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản.

II. Về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Đối với Phạm Văn T: Với nhiệm vụ được phân công là Kế toán của Trường Tiểu học C, trong thời gian từ tháng 7/2012 - 3/2016 có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản, giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán giám sát tài chính tại đơn vị. Tuy nhiên, Phạm Văn T đã có hành vi lập khống tổng số tiền trong Bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng của nhà trường, Giấy rút dự toán ngân sách, trình ông Y Lim N - Hiệu trưởng Trường Tiểu học C, kí tên, đóng dấu, để Thủ quỹ Trường Tiểu học C (Phạm Thị S và Phan Mạnh T1) làm thủ tục rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện B. Số tiền thực rút chênh lệch cao hơn tổng số tiền lương, phụ cấp lương thực tế chi trả hàng tháng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường với tổng số tiền 1.103.439.974 đồng. Trong số tiền này T đã chiếm đoạt sử dụng cá nhân 538.861.613 đồng; còn lại 564.578.361 đồng T đã sử dụng hoặc chỉ đạo cho Thủ quỹ sử dụng, cụ thể như sau:

- Chi truy lĩnh phụ cấp thâm niên, chi phí cho các hoạt động của Trường Tiểu học C với số tiền 188.778.170 đồng, trong đó:

+ Chi tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên theo 04 chứng từ tổng cộng: 97.309.370 đồng (Bảng thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên năm 2011-2012, lập ngày 05/11/2014, tổng số tiền 7.788.314 đồng; Bảng thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên năm 2012-2013, lập ngày 05/11/2014, tổng số tiền 18.400.380 đồng; Bảng thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên năm 2014, lập ngày 05/11/2014, tổng số tiền 35.123.656 đồng; Bảng thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên năm 2014, lập ngày 07/12/2014, tổng số tiền 35.997.020đồng) . Phan Mạnh T1 trực tiếp chi trả theo yêu cầu của Phạm Văn T.

+ Chi trả tiền mua văn phòng phẩm và vật tư văn phòng 36.730.000 đồng(theo các Hoá đơn: số 0040256 ngày 02/6/2014; số 0081491 ngày 24/9/2014; số 0081500 ngày 26/9/2014). Phạm Văn T trực tiếp thanh toán số tiền này.

+ Tổng hợp số tiền rút chi khác Quý 4 năm 2014, lập ngày 28/01/2015, số tiền: 54.738.800 đồng, Phan Mạnh T1 trực tiếp chi trả theo yêu cầu của Phạm Văn T.

Việc Kế toán Trường Tiểu học C không lập Giấy rút dự toán ngân sách từ Kho bạc Nhà nước B để chi trả đối với từng chứng từ cụ thể, mà sử dụng nguồn chênh lệch từ rút dự toán lương, phụ cấp lương để chi trả số tiền nêu trên là vi phạm các quy định: Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2003; Khoản 1 Điều 19 Luật Kế toán năm 2003, Khoản 3 Mục I Phần thứ nhất Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2016 của Bộ Tài chính, về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện B xác định nội dung các chứng từ chi nêu trên về quy định và nguyên tắc được hạch toán và thanh toán từ nguồn kinh phí hoạt động, kinh phí tiền lương và các khoản có tính chất lương thuộc nguồn kinh phí thực hiện tự chủ của đơn vị. Do đó, việc chi trả số tiền 188.778.170 đồng nêu trên không gây hậu quả thiệt hại về ngân sách Nhà nước.

- Chi các nội dung trái nguyên tắc, không có chứng từ hợp lệ số tiền 144.859.500 đồng gồm:

+ Chi khác tháng 1/2015 (Công tác phí, cúng trường, trực Tết, ăn tất niên, ăn uống, thể thao, họp cụm và đi buôn kết nghĩa): 48.568.000 đồng, không có chứng từ hợp lệ. Phan Mạnh T1 trực tiếp chi trả theo yêu cầu của Phạm Văn T.

+ Giấy nộp trả kinh phí số 176 ngày 30/01/2015, tại Kho bạc Nhà nước huyện B, nội dung chi nộp trả tiền tạm ứng số tiền 55.000.000 đồng; Phạm Văn T giải trình tạm ứng kinh phí như sau: Giấy rút dự toán ngân sách ngày 23/01/2014 số tiền 28.000.000 đồng (nội dung: tạm ứng tiền chi khác năm 2014) đã chi cho các hoạt động đầu năm của nhà trường. Giấy  rút dự toán ngân sách ngày 28/4/2014, đã chi cho hoạt động tổ chức đi du lịch của tập thể nhà trường vào dịp lễ 30/4/2014, tại thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Tổng cộng tạm ứng 55.000.000 đồng. Do các khoản chi nêu trên cho hoạt động chung của nhà trường nhưng không có chứng từ hợp lệ để làm thủ tục thanh toán hoàn ứng nên Phạm Văn T đã sử dụng nguồn tiền rút chênh lệch dự toán lương để nộp trả tạm ứng ngân sách 55.000.000 đồng. Phan Mạnh T1 là người thực hiện nộp số tiền này tại Kho bạc Nhà nước huyện B. Tại Báo cáo số 20/BC-TCKH ngày 24/3/2016 của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện B về kết quả kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách năm 2015 của Trường Tiểu học C xác định: Kinh phí đã hạch toán vào niên độ ngân sách năm 2015 nhưng không có chứng từ lưu trữ quyết toán tại đơn vị: 55.000.000 đồng (trong đó mua văn phòng phẩm 28.000.000 đồng và mua vật tư văn phòng phẩm khác 27.000.000 đồng).

+ Giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 09/10/2015, số tiền 41.291.500 đồng, nội dung: Chi nộp ngân sách Nhà nước theo Kết luận thanh tra số 04/KL-TTr, Quyết định số 09/QĐ-TTr ngày 14/9/2015 của Thanh tra huyện B thu hồi số tiền do chi sai quy định tại 07 chứng từ trong năm 2012 gây lãng phí ngân sách Nhà nước, số tiền 41.291.500 đồng. Số tiền thu hồi theo Kết luận thanh tra thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng, Kế toán, Thủ quỹ nhà trường; nhưng tại các cuộc họp của nhà trường thì ông Phạm Văn T tự nhận thuộc trách nhiệm cá nhân, sau đó Phạm Văn T sử dụng nguồn tiền rút chênh lệch dự toán lương để nộp tiền theo Kết luận Thanh tra.

+ Số tiền T lập chứng từ nâng khống để rút tiền từ Kho bạc ra còn lại là: 230.940.691 đồng (1.103.439.974 - 188.778.170 - 538861613) T khai đã để lại cho Thủ quỹ S và Thủ quỹ T1 sử dụng (trong đó S sử dụng 189.332.394 đồng, T1 sử dụng 41.608.297 đồng) nhưng S và T1 không thừa nhận, do vậy đã gây hậu quả thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Hành vi nêu trên của Phạm Văn T đã vi phạm quy định tại Điều 6, Khoản 1 Điều 14, Khoản 2 Điều 15, Khoản 1 Điều 19 Luật Kế toán năm 2003; Khoản 3 Mục I Phần thứ nhất Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2016 của Bộ Tài chính, về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, gây hậu quả thiệt hại ngân sách Nhà nước với số tiền 375.800.191 đồng (144.859.500 + 230.940.691), đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Đối với các nhân viên Thủ quỹ kiêm nhiệm: Phạm Thị S và Phan Mạnh T1, đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ của Thủ quỹ, quy định tại Quyết định số 21-LĐ/QĐ ngày 28/01/1983 của Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) Về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của một số chức danh viên chức Nhà nước (Thực hiện thu, chi tiền mặt đúng chính sách trong phạm vi trách nhiệm của người thủ quỹ; Kiểm đếm thu, chi tiền mặt chính xác và bảo quản an toàn quỹ tiền mặt của đơn vị; Thực hiện nghiêm chỉnh định mức tồn quỹ tiền mặt của Nhà nước quy định; Hạch toán chính xác, đầy đủ các nghiệp vụ của quỹ tiền mặt, và làm các báo cáo về quỹ tiền mặt); vi phạm quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6, Khoản 1 Điều 19 Luật Kế toán năm 2003; Khoản 3 Mục I Phần thứ nhất Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2016 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; gây hậu quả thiệt hại ngân sách Nhà nước, cụ thể:

- Đối với Phạm Thị S: Từ tháng 7/2012 - 9/2014, Phạm Thị S đã trực tiếp rút dự toán ngân sách chênh lệch cao hơn so với số tiền thực tế chi trả lương, phụ cấp lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tổng số tiền 631.107.981 đồng. Hàng tháng đều đưa lại số tiền rút chênh lệch cho Phạm Văn T nhưng không có chứng từ chi, không có tài liệu chứng minh và không báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường biết. Trong đó Phạm Văn T trình bày đã nhận 70% tương đương 441.775.587 đồng; số tiền 30% còn lại tương đương 189.332.394 đồng thì T để lại cho Phạm Thị S sử dụng, nhưng S không thừa nhận việc sử dụng số tiền nêu trên. S thừa nhận hàng tháng Phạm Văn T có cho cá nhân S số tiền từ 200.000 đồng – 900.000 đồng, tổng cộng khoảng 7.000.000 đồng (không nhớ rõ thời gian, địa điểm, số tiền cụ thể từng tháng đã nhận, do không có tài liệu, giấy tờ biên nhận, sổ sách theo dõi). S không biết nguồn gốc số tiền này từ đâu mà có, chỉ nghĩ là số tiền hoa hồng mà Phạm Văn T được ngân hàng trích lại và cho S, vì thời gian này T trực tiếp giao dịch với ngân hàng để làm thủ tục trả nợ tiền vay hàng tháng thay cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.

Hành vi của Phạm Thị S đã gây hậu quả thiệt hại 631.107.981 đồng cho ngân sách Nhà nước, đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

- Đối với Phan Mạnh T1: Từ tháng 10/2014 - 3/2016, Phan Mạnh T1 đã trực tiếp rút dự toán ngân sách chênh lệch cao hơn so với số tiền thực tế chi trả lương, phụ cấp lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tổng số tiền 472.331.993 đồng. Hàng tháng đều đưa lại số tiền rút chênh lệch cho Phạm Văn T nhưng không có chứng từ chi, không có tài liệu chứng minh và không báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường biết. Trong đó, đã chi số tiền 188.778.170 đồng sai nguyên tắc về thủ tục chứng từ nhưng nội dung chi phù hợp về nguồn kinh phí hoạt động và kinh phí tiền lương, các khoản có tính chất lương, thuộc nguồn kinh phí thực hiện tự chủ của đơn vị, nên không gây hậu quả thiệt hại về ngân sách Nhà nước; chi 144.859.500 đồng các nội dung khác không đúng quy định về nguồn ngân sách tiền lương, phụ cấp lương; số tiền còn lại 138.694.323 đồng (472.331.993 - 188.778.170 - 144.859.500) Phạm Văn T trình bày đã nhận 70% tương đương 97.086.026 đồng, số tiền 30% còn lại tương đương 41.608.296 đồng T trình bày để lại cho Phan Mạnh T1 sử dụng, nhưng T1 không thừa nhận việc sử dụng số tiền nêu trên.

Hành vi của Phan Mạnh T1 gây hậu quả thiệt hại 283.553.823 đồng (144.859.500 + 138.694.323) cho ngân sách Nhà nước, đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

III. Về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

- Căn cứ Điểm d Khoản 5 Điều 21 Điều lệ Trường Tiểu học (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2011; được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2013), quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng:

Quản lý hành chính; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường”.

- Khoản 3 Điều 49 Luật Kế toán năm 2003 quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán: “Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và chịu trách nhiệm về hậu quả do những sai trái mà mình gây ra”.

Nhưng Y Lim N - Hiệu trưởng Trường Tiểu học C đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng, người đại diện theo pháp luật của đơn vị, trong việc quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, tổ chức và thực hiện công tác kế toán trong đơn vị trong thời gian từ tháng 7/2012 – 3/2016, toàn bộ thủ tục rút dự toán ngân sách tại Kho bạc Nhà nước huyện B để chi lương và các khoản có tính chất lương là do Phạm Văn T lập và trình cho Y Lim N ký duyệt, khi ký duyệt Y Lim N chỉ kiểm tra tổng số tiền lương trên bảng lương với số tiền trên giấy rút dự toán, mà không tiến hành kiểm tra chi tiết; hàng tháng, quý không tổ chức kiểm kê quỹ tiền mặt; hàng năm không đôn đốc tập hợp chứng từ để Phòng Tài chính quyết toán việc sử dụng ngân sách dẫn đến không kịp thời phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong việc lập khống chứng từ, thủ tục rút tiền ngân sách chi trả từ Kho bạc Nhà nước B chênh lệch cao hơn so với số tiền thực tế thanh toán chi trả lương, phụ cấp lương hàng tháng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường, với tổng số tiền: 1.103.439.974 đồng, trong đó gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 914.661.804 đồng.

Hành vi nêu trên của Y Lim N đã gây hậu quả thiệt hại 914.661.804 đồng cho ngân sách Nhà nước, đã đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Quá trình điều tra vụ án Cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định số 157/PC46 ngày 28/4/2016, Trưng cầu Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk giám định hồ sơ thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng của Trường Tiểu học C từ tháng 7/2012 - 3/2016.

Tại Báo cáo giám định ngày 06/9/2016, của Giám định viên Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk đã xác định: Nguồn chi trả tiền lương và các khoản có tính chất lương hàng tháng của Trường Tiểu học C từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, chênh lệch giữa số tiền lương rút từ Kho bạc Nhà nước huyện B với số tiền lương phải trả cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học C từ tháng 7/2012- 3/2016 là 1.103.439.974 đồng, cụ thể:

 

Năm

 

Tổng thu rút dự toán ngân sách (đồng)

 

Tổng số tiền lương phải trả (đồng)

 

Chênh lệch

(đồng)

 

Năm 2012

 

1,407,984,326

 

1,371,270,503

 

36,713,823

 

Năm 2013

 

3,163,029,201

 

2,851,961,779

 

311,067,422

 

Năm 2014

 

3,140,279,591

 

2,835,738,679

 

304,540,912

 

Năm 2015

 

3,321,730,467

 

2,889,208,652

 

432,521,815

 

 

 

Năm 2016

 

863,477,862

 

844,881,860

 

18,596,002

 

Tổng cộng

 

11,896,501,447

 

10,793,061,473

 

1,103,439,974

Kế toán Trường Tiểu học C đã làm sai lệch số liệu kế toán, lập khống tổng số tiền lương phải trả trong bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng của nhà trường cao hơn số tiền tổng cộng chi tiết phải trả, xử lý số tiền trên giấy rút dự toán ngân sách hàng tháng khớp bằng số tiền trên phiếu thu và phiếu chi lương phải trả hằng tháng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường để rút dự toán từ ngân sách Nhà nước, là vi phạm các quy định của Luật kế toán.

Trách nhiệm có liên quan đến cá nhân, tổ chức như sau:

+ Thủ quỹ Trường Tiểu học C: Khi thanh toán lương hàng tháng phát hiện ngay số tiền dư ra khi rút từ Kho bạc Nhà nước để thanh toán lương phải trả cho giáo viên trường nhưng không báo cáo Hiệu trưởng (Chủ tài khoản) hoặc những người có trách nhiệm liên quan biết để xử lý;

+ Hiệu trưởng (Chủ tài khoản) Trường Tiểu học C: Thiếu trách nhiệm quản lý tài chính dẫn đến hậu quả thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Ngày 31/3/2016, Phạm Văn T tự nguyện giao nộp số tiền 25.000.000 đồng và ngày 14/3/2017, bà Hoàng Thị T (vợ của Phạm Văn T) đã tự nguyện giao nộp số tiền 18.000.000 đồng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, để khắc phục một phần hậu quả.

Ngày 18/10/2016, Phạm Thị S đã tự nguyện giao nộp số tiền 7.000.000 đồng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ các đồ vật, giấy tờ sau:

- Tạm giữ của Phạm Văn T: 01 cuốn sổ bìa màu đen, có 10 tờ ghi nội dung viết tay có xác nhận của Phạm Văn T; 01 cuốn sổ bìa màu đen, có 54 tờ ghi nội dung viết tay có xác nhận của Phạm Văn T; 01 Giấy phép lái xe Hạng A1 số 660134014878 mang tên Phạm Văn T do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 28/6/2013; 01 điện thoại di động của Phạm Văn T, hiệu Nokia C5- 00i, màu vàng, số Seri 354847048976217.

- Tạm giữ của Phạm Thị S: 01 cuốn sổ tay nhỏ bìa màu đen, gồm 10 trang có ghi nội dung thể hiện S giao tiền cho T từ 8/2013 - 9/2014, số tiền 406.415.000 đồng.

- Đối với Phòng tài chính - Kế hoạch huyện B: Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã có thiếu sót chưa thực hiện xong việc xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách năm 2013, 2014 đối với Trường Tiểu học C, nên không kịp thời phát hiện được sai phạm của Kế toán Trường Tiểu học C đã lập khống chứng từ rút dự toán lương, phụ cấp lương hàng tháng của đơn vị từ tháng 7/2012 - 3/2016, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách đối với Trường Tiểu học C, các cán bộ Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B đã triển khai thực hiện đầy đủ các lần xét duyệt theo lịch đã thông báo, nhưng do kế toán Trường Tiểu học C không hợp tác, không sắp xếp hồ sơ và cung cấp chứng từ đầy đủ để thực hiện xong việc xét duyệt, thẩm định quyết toán; sau khi không xét duyệt quyết toán được, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B đã nhiều lần ra Thông báo về thời gian và địa điểm để xét duyệt quyết toán và trong thời gian này, việc xét duyệt, thẩm định quyết toán bị gián đoạn do Thanh tra huyện B thực hiện việc thanh tra tại Trường, dẫn đến Phòng Tài chính – Kế hoạch không thực hiện xong việc xét duyệt, thẩm định quyết toán. Ngoài ra, Trường Tiểu học C chỉ rút và sử dụng các nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán được cấp; quá trình kiểm tra hồ sơ, chứng từ, tài liệu kế toán của đơn vị chỉ kiểm tra việc hạch toán chứng từ thanh toán tiền lương, phụ cấp lương theo số tổng cộng thể hiện trên chứng từ, phù hợp về nguồn kinh phí được sử dụng và không vượt quá dự toán được giao; không kiểm tra chi tiết số tiền lương, phụ cấp lương thực tế của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thể hiện trên Bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng, nên không phát hiện được việc Kế toán Trường Tiểu học C lập khống số tổng cộng trên Bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng, Giấy rút dự toán ngân sách chênh lệch cao hơn tổng số tiền lương, phụ cấp lương thực tế chi trả cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Nhận thấy, trách nhiệm thiếu sót của các cán bộ có liên quan trong việc xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách đối với Trường tiểu học C từ năm 2012 - 2015, gồm: Ông Nguyễn Ngọc P –Trưởng phòng, bà Nguyễn Thu H, bà Trần Thị Tố Q và bà Châu Thị Huyền N – Chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B chưa đến mức xử lý bằng pháp luật hình sự, chỉ cần xử lý hành chính là phù hợp. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân huyện B tiến hành xử lý theo thẩm quyền đối với trách nhiệm thiếu sót của các cán bộ có liên quan nêu trên.

- Đối với Kho bạc Nhà nước huyện B: Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ tổ chức thực hiện kiểm soát thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách Nhà nước đối với Trường Tiểu học C, đã thực hiện kiểm tra, đối chiếu Giấy rút dự toán ngân sách hàng tháng để chi lương, phụ cấp lương của Trường Tiểu học C, xác định tổng số tiền lương, phụ cấp lương không vượt quá số quỹ tiền lương đã đăng ký; hàng tháng, đơn vị Trường Tiểu học C đưa Giấy rút dự toán ngân sách đến giao dịch, trên cơ sở hồ sơ, chứng từ nêu trên, Kho bạc Nhà nước B kiểm tra, kiểm soát chứng từ hợp lệ, hợp pháp thì tiến hành thanh toán lương, các khoản phụ cấp cho đơn vị, đảm bảo việc chi thanh toán các nguồn kinh phí cho Trường Tiểu học C trong phạm vi “Dự toán được sử dụng trong năm”; kết quả điều tra đã xác định: Nguồn kinh phí mà Kho bạc Nhà nước huyện B đã chi thanh toán đối với Trường Tiểu học C từ năm 2012 đến năm 2015 đều nằm trong dự toán được giao. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra không đề cập xử lý đối với các cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện B là có căn cứ.

Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận:

- Bị cáo Phạm Văn T khai nhận: Từ tháng 07/2012 đến tháng 03/2016 bị cáo được giao nhiệm vụ làm Kế toán tại Trường Tiểu học C; trong thời gian làm kế toán bị cáo đã nâng khống tổng số tiền trong bảng thanh toán tiền lương, phụ cấp lương hàng tháng của nhà trường để lấy tiền chênh lệch. Bị cáo nâng khống tổng số tiền bằng cách bị cáo đã nâng số tiền tại cột tổng cộng của cột biên chế trong bảng lương, việc lập khống số tiền trên do bị cáo tự nghĩ ra, không ai chỉ đạo và không ai biết sự việc; hàng tháng bị cáo đều biết cụ thể số tiền chênh lệch so với số tiền lương thực tế phải chi trả cho cán bộ, công nhân viên nhà trường là bao nhiêu. Tổng số tiền chênh lệch mà bị cáo lập tại các Giấy rút dự toán ngân sách để chi trả lương và các khoản phụ cấp lương mà Thủ quỹ S và T1 rút tại Kho bạc Nhà nước B từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016 là: 1.103.439.974 đồng; trong đó: S trực tiếp nhận từ Kho bạc số tiền 631.107.981 đồng, T1 trực tiếp nhận từ Kho bạc số tiền 472.331.993 đồng. Trong số tiền 1.103.439.974 đồng bị cáo nâng khống thì bị cáo đã yêu cầu Thủ quỹ chi cho các hoạt đông của nhà trường với tổng số tiền là 333.637.670 đồng, số tiền còn lại thì đưa về nhập quỹ. Bị cáo không chiếm đoạt số tiền nào. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

- Bị cáo Phan Mạnh T1 khai nhận:  Bị cáo được Trường tiểu học C giao nhiệm vụ kiêm nhiệm Thủ quỹ của trường từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2016, thời gian bị cáo làm thủ quỹ bị cáo trực tiếp nhận số tiền chênh lệch từ Kho bạc là 472.331.993 đồng. Hàng tháng bị cáo được Hiệu trưởng nhà trường là ông Y Lim N hay ông T là kế toán trường gọi điện thông báo về việc lên Kho bạc huyện B nhận tiền lương cho cán bộ, công nhân, nhân viên nhà trường, khi bị cáo rút tiền tại Kho bạc xong thì ông T tìm gặp bị cáo để lấy một khoản tiền nhất định, lúc đó ông T chỉ nói “đưa để lo việc của nhà Trường” chứ không thỏa thuận, bàn bạc hay đưa tiền cho bị cáo; khi đưa tiền cho ông T bị cáo không có biên nhận hay chứng từ để chứng minh. Việc bị cáo đưa tiền cho ông T khi chưa có sự cho phép của Hiệu trưởng và bị cáo đã không báo cáo cho Ban giám hiệu nhà trường biết việc này. Trong thời gian bị cáo được phân công làm kiêm nhiệm thủ quỹ, bị cáo không lập sổ  quỹ tiền mặt và các sổ sách liên quan đến nghiệp vụ thủ quỹ, không đối chiếu quỹ tiền mặt định kỳ theo như quy định của nhà trường. Trong quá trình điều tra ông T cho rằng đã chi 30% số tiền chênh lệch cho bị cáo và tại phiên tòa ông T lại khai nhận tổng số tiền chênh lệch trong thời gian bị cáo làm thủ quỹ từ tháng 10/2014 - tháng 3/2016 là 472.331.993 đồng thì ông T đã yêu cầu thủ quỹ chi cho các hoạt động của nhà trường với tổng số tiền là 333.637.670 đồng, số tiền còn lại 138.694.323 đồng thì đưa về nhập quỹ, ông T không chiếm đoạt số tiền trên là không đúng. Vì hàng tháng khi bị cáo đưa tiền theo yêu cầu của ông T thì bị cáo về phát lương đủ hết cho cán bộ giáo viên nhà trường, không dư số tiền nào. Khoảng thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2016 bị cáo đã làm sai quy định của Nhà nước và gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước với số tiền 283.553.823 đồng.

- Bị cáo Phạm Thị S khai: Bị cáo được giao nhiệm vụ làm Thủ quỹ tại trường Tiểu học C từ tháng 7/2012 - 9/2014. Hành vi của bị cáo đã gây hậu quả thiệt hại 631.107.981 đồng cho ngân sách Nhà nước, đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong thời gian bị cáo làm Thủ quỹ nhà trường thì hàng tháng sau khi nhận tiền tại Kho bạc bị cáo đã đưa số tiền nhất định theo yêu cầu của ông T nhưng không báo cáo cho Ban giám hiệu nhà trường; bị cáo đã giao tiền cho ông

T nhưng không có biên nhận, chứng từ chứng minh. Tuy nhiên, bị cáo có cung cấp sổ tay ghi chép của bị cáo cho Cơ quan điều tra, trong sổ bị cáo có ghi chép nội dung về việc đưa tiền cho ông T hàng tháng nhưng không có chữ ký nhận của ông T. Trong quá trình điều tra ông T khai rằng đã chi 30% số tiền chênh lệch cho bị cáo tương đương với số tiền 189.332.394 đồng và tại phiên tòa ông T lại khai nhận tổng số tiền chênh lệch trong thời gian bị cáo làm thủ quỹ từ tháng 7/2012 - tháng 9/2014 là 631.107.981 đồng thì ông T không nhận từ thủ quỹ mà đưa về nhập quỹ, lời khai của ông T là không đúng vì sau khi bị cáo nhận tiền từ kho bạc ông T đã chờ sẵn và yêu cầu bị cáo đưa một khoản tiền nhất định cho ông T để giải quyết công việc nhà trường, số tiền còn lại bị cáo đã phát đủ tiền lương cho giáo viên, nhân viên của nhà Trường chứ không dư một khoản tiền nào; Trong thời gian bị cáo làm thủ quỹ có tháng ông T có cho bị cáo từ 200.000 đồng đến 900.000 đồng, tổng cộng ông T đưa bị cáo là 7.000.000 đồng, số tiền này bị cáo đã nộp lại cho Cơ quan điều tra.

- Bị cáo Y Lim N khai: Việc ông T nâng khống số tiền trong bảng lương để rút số tiền chênh lệch thì bị cáo không biết và không chỉ đạo. Khi ông T đưa trình bảng lương và Giấy rút dự toán, phiếu chi, phiếu thu cho bị cáo thì bị cáo chỉ kiểm tra số tổng từ bảng lương so với Giấy rút dự toán, phiếu thu chi có khớp không, nhưng bị cáo không kiểm tra chi tiết và cộng lại số tiền lương của các nhân viên, giáo viên trong trường nên dẫn đến việc gây hậu quả thiệt hại 914.661.804 đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong quá trình ông T làm kế toán tại trường thì Ban giám hiệu nhà trường có yêu cầu ông T công khai khoản thu, chi và các chứng từ cho nhà trường theo định kỳ nhưng ông T không cung cấp được chứng từ để công khai. Và do Phòng kế hoạch tài chính huyện B có kiểm tra, hoạch toán hàng năm không có ý kiến gì cùng với sự tin tưởng đối với ông T nên bị cáo đã không làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình, dẫn đến việc làm sai trái của ông T.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HS-ST ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn T phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”; các bị cáo Phạm Thị S phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Y Lim N phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278; điểm d khoản 2 Điều 165; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; điểm X khoản 1 Điều 51; điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 13 (Mười ba) năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 03 (Ba) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành cho cả hai tội là 16 (Mười sáu) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 16/11/2016.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 165; điểm b, p, 1 khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Phạm Thị S 02(Hai) năm 06(Sáu) tháng tù về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm s, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Y Lim N 02(Hai) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án còn tuyên quyết định về phần hình phạt đối với bị cáo Phan Mạnh T1, về án phí; quyền kháng cáo và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Ngày 05/9/2017, bị cáo Phạm Văn T làm đơn kháng cáo cho rằng mình không phạm tội “Tham ô tài sản”.

Ngày 07/9/2017, bị cáo Phạm Thị S làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Ngày 08/9/2017, bị cáo Y Lim N làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Phạm Văn T giữ nguyên kháng cáo cho rằng bản thân bi cáo không phạm vào tội “Tham ô tài sản”, bị cáo không nhận tiền do Phạm Thị S và Phan Mạnh T1 đưa, tại cơ quan điều tra bị cáo có thừa nhận đã nhận tiền của S và T1 là do cán bộ điều tra hướng dẫn, thừa nhận là sẽ nhẹ tội, đồng thời xin bổ sung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình bị cáo nộp bổ sung số tiền 5.000.000 đồng khắc phục hậu quả tại Cục Thi hành an dân sự tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo Phạm Thị S giữ khuyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo S trình bày do bị cáo T có thủ đoạn xảo quyệt, thông đồng với cán bộ kho bạc để rút ngân sách, bản thân bị cáo sau khi rút đã đưa hết tiền chênh lệch cho bị cáo T, bị cáo T có cho bị cáo tiền nhiều lần cộng lại là 7.000.000 đồng, bị cáo đã giao nộp số tiền này lại cho cơ quan điều tra.

Bị cáo Y Lim N giữ nguyên kháng cáo xin được hưởng án treo, bị cáo có nộp bổ sung đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn kèm theo bệnh án và giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế về bệnh lý của bị cáo.

Tập thể giáo viên trường Tiểu học C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk gồm toàn thể giáo viên ký đơn gửi Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị cho bị cáo Y Lim N được hưởng án treo.

Tập thể nhân dân tại địa bản dân cư xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk gửi đơn đề nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng án xem xét cho bị cáo Y Lim N được hưởng án treo.

Bị cáo Phan Mạnh T1 (không kháng cáo) có nộp bổ sung quyết định Thi hành bản án đã có hiệu lực của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với bị cáo Phan Mạnh T1.

Kiểm sát viên tham gia phiên toà phát biểu ý kiến như sau:

- Về tố tụng: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

- Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T, Phạm Thị S và Y Lim N giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn T trình bày: Việc xét xử bị cáo Phạm Văn T về tội “Tham ô tài sản” là không đúng pháp luật, không có căn cứ cho rằng bị cáo đã nhận số tiền 538.861.613 đồng, tại cơ quan điều tra bị cáo thừa nhận là do cán bộ điều tra hướng dẫn nhận để giảm tội, việc rút tiền từ ngân sách có liên quan đến trách nhiệm của Phòng tài chính và kho bạc Nhà nước huyện B nhưng chưa được xem xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xem xét về tội danh cấp sơ thẩm đã xét xử đối với các bị cáo Phạm Văn T, Phạm Thị S và Phan Mạnh T1, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Trong giai đoạn từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016 Phạm Văn T  là kế toán của Trường tiểu học C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk đã có hành vi lập chứng từ nâng khống các khoản tiền lương, phụ cấp của cán bộ, giáo viên trường tiểu học C để rút số tiền 11.896.501.447 đồng tại Kho bạc nhà nước huyện B. Số tiền đã chi trả là 10.793.061.473 đồng, số tiền T đã lập nâng khống là 1.103.439.974 đồng (bị cáo S rút 631.107.981 đồng. bị cáo T1 rút 472.331.993 đồng). Trong số tiền nói trên, qua kiểm tra kết luận của Phòng tài chính kế hoạch huyện B đã xác định các bị cáo đã chi 188.778.179 đồng là có cơ sở, không gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền còn lại 914.661.804 đồng Bản án sơ thẩm đã quy kết Phạm Văn T phạm tội  “Tham ô tài sản” với số tiền 538.816.613 đồng.

Quy kết bị cáo Phạm Thị S về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” làm thiệt hại ngân sách nhà nước số tiền 631.107.981 đồng, bị cáo Phan Mạnh T1 cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại số tiền 238.553.823 đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[1.1] Đối với khoản tiền nâng khống do bị cáo Phạm Thị S rút tại kho bạc là 631.107.981 đồng bị cáo S khai đã đưa hết cho T, còn T khai chỉ nhận 70% tương ứng với số tiền 441.775.587 đồng, còn 30%  tương ứng với số tiền 189.332.394 đồng để lại cho bị cáo S sử dụng.

Xét thấy: Số tiền nói trên là do bị cáo S nhận trực tiếp tại kho bạc, không đưa về nhập quỹ, không báo cáo lãnh đạo Trường, mà đưa cho bị cáo T, T thừa nhận có nhận 441.775.587 đồng, số tiền còn lại 189.332.394 đồng, bị cáo S không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh sử dụng làm gì, đưa cho ai, thì cần xác định đây là số tiền bị cáo S đã chiếm đoạt để khởi tố, điều tra về tội danh “Tham ô tài sản” đối với Phạm Thị S mới đúng quy định của pháp luật. Cấp sơ thẩm đã kết luận khoản tiền 189.332.394 đồng, nằm trong khoản tiền bị cáo Phạm Thị S có hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không có cơ sở, không đúng với quy định của pháp luật, bỏ lọt hành vi phạm tội.

[1.2] Tương tự, đối với bị cáo Phan Mạnh T1 giai đoạn từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2016 đã trực tiếp ký nhận rút tiền nâng khống tại kho bạc nhà nước huyện B, số tiền 472.331.993 đồng. T1 đã chi 188.778.170 đồng (có hóa đơn chứng từ và đã được kiểm tra kết luận không gây thiệt hại ngân sách Nhà nước). Bị cáo T khai có nhận của T1 số tiền 97.086.026 đồng. Số tiền còn lại 41.608.296 đồng bị cáo T1 không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh được sử dụng để làm gì, đưa cho ai nên cần quy kết bị cáo T1 đã có hành vi chiếm đoạt số tiền trên để xét xử về tội “Tham ô tài sản” mới đúng quy định pháp luật.

[2] Xem xét tính chất đồng phạm trong vụ án, hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Trong khoản thời gian từ tháng 7/2012 đến tháng 03/2016 Phạm Văn T đã có 93 lần lập giấy rút tiền, trong đó có nâng khống số tiền 1.103.439.974 đồng để giao cho Phạm Thị S và Phan Mạnh T1 đi rút tiền. S và T1 đã nhiều lần sau khi rút tiền về thì giao tiền chênh lệch cho T,  T khai nhận đã chiếm đoạt 538.861.613 đồng, trong đó T có đưa cho S 7.000.000 đồng. Như vậy, hành vi phạm tội của T có sự giúp sức của Phạm Thị S và Phan Mạnh T1. S và T1 đều biết rõ T lập chứng từ nâng khống, rút tiền không nhập quỹ, không phải một lần mà rất nhiều lần chứng tỏ T, S, T1 đã cố ý cùng thực hiện tội phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 (Điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999). Nhưng cấp sơ thẩm đã không xem xét vai trò đồng phạm của Phạm Thị S và Phan Mạnh T1 trong vụ án này. Tại bản án sơ thẩm đã không nhận định, đánh giá về tính chất đồng phạm, tách riêng hành vi của các bị cáo để xét xử là không đúng tính chất của vụ án, áp dụng không đúng pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội.

Với những lý ho phân tích nêu trên ([1], [2]), Hội đồng xét xử phúc thẩm không khắc phục, bổ sung được, cần hủy một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HS-ST ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với các bị cáo Phạm Văn T, Phạm Thị S và các biện pháp tư pháp, án phí hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo T và S giao hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk để tiến hành điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Đối với bị cáo Phan Mạnh T1 do không có kháng cáo, kháng nghị nên phần Quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Phan Mạnh T1 đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị, nên không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm kiến nghi lên Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét kháng nghị theo theo trình tự Giám đốc thẩm.

Đối với các nội dung kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn T, Phạm Thị S sẽ được xem xét trong quá trình giải quyết, xét xử lại vụ án.

[3] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Y Lim N, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Với cương vị là Hiệu trưởng trường Tiểu học C làm chủ tài khoản, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tại trường Tiểu học C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk nhưng bị cáo Y Lim N đã không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý ngân sách, tài chính kế toán trong đơn vị. Cụ thể khi ký các giấy rút tiền do kế toán Phạm Văn T trình nhưng   bị cáo Y Lim N đã không kiểm tra cụ thể chi tiết, hàng tháng, hàng quý, không kiểm tra sổ sách, quỹ tiền mặt trong đơn vị để Phạm Văn T lợi dụng sự cả tin, lập chứng từ nâng khống rút tiền để chiếm đoạt và chi tiêu sai nguyên tắc gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 914.661.804 đồng.

Với hành vi đó của bị cáo Y Lim N tại Bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” áp dụng khoản 2 Điều 285, điểm s, p khoản 1 khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999. Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Y Lim N 02 năm tù là có căn cứ pháp luật.

Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, xem xét các đơn đề nghị của tập thể lãnh đạo và cán  bộ công chức của trường Tiểu học C và đơn đề nghị của tập thể nhân dân ở xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk về việc Kiến nghị Toà án nhân dân cấp cao Đà Nẵng cho bị cáo Y Lim N được hưởng án treo. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Bị cáo Y Lim N là người dân tộc M’Nông, tham gia cách mạng từ nhỏ, quá trình hoạt động cách mạng đã có nhiều cống hiến, lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu và lao động. Bản thân bị cáo chỉ học bổ túc văn hóa và học tại chức nghiệp vụ sư phạm, chưa được đào tạo về quản lý tài chính-kế toán. Quá trình quản lý trong lĩnh vực ngân sách có nhiều hạn chế, vì cả tin nên bị Phạm Văn T là kế toán lợi dụng, nâng khống tiền để chiếm đoạt và chi tiêu sai nguyên tắc, nhưng bị cáo hoàn toàn không phát hiện được. Trước khi khởi tố vụ án, với trách nhiệm là Hiệu trưởng, bị cáo đã có nhiều văn bản, báo cáo gửi cơ quan chức năng và cơ quan điều tra đề nghị điều tra làm rõ về các sai phạm của kế toán và thủ quỹ trường Tiểu học C, bị cáo có hành vi tích cực hợp tác trong việc điều tra, xử lý tội phạm. Do vậy, cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm t Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Xét bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm s, t, v Khoản 1 Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Hoàn cảnh bị cáo khó khăn về kinh tế, bản thân bị cáo đang bị bệnh viêm gan và đái tháo đường, xét bị cáo có khả năng tự cải tạo tại cộng đồng. Tuy bị cáo bị khởi tố về tội phạm chức vụ trong vụ án tham nhũng nhưng bị cáo không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn gì mà chỉ do người khác lợi dụng sự yếu kém về nghiệp vụ và vì sự cả tin vào cấp dưới. Theo nội dung những đơn kiến nghị, đề nghị của tập thể nhân dân nơi bị cáo cư trú và công tác thể hiện bị cáo là người có uy tín trong xã hội.

Xét tình tiết có lợi cho bị cáo thấy rằng tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 có mức hình phạt từ 3 năm đến 12 năm, tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có mức hình phạt từ 03 năm đến 07 năm. Do vậy, cũng cần áp dụng tình tiết có lợi quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét áp dụng đối với bị cáo.

Từ các nội dung đã phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, chấp nhận kháng cáo, cho bị cáo được hưởng án treo là có căn cứ pháp luật và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bị cáo.

Xét thấy phần quyết định về tội danh và mức hình phạt đối với bị cáo Y Lim N tại Bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên tội danh và mức án 02 năm tù, chỉ sửa Bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Y Lim N, cho bị cáo Y Lim N hưởng án treo đồng thời ấn định về thời gian thử thách và việc thi hành án đối với người được hưởng án treo.

Quyết định của bản án sơ thẩm về án phí sơ thẩm đối với bị cáo Y Lim N không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ  Điều 355, điểm c khoản1 Điều 357, điểm a khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

. Hủy phần quyết định về tội danh, hình phạt và biện pháp tư pháp đối với các bị cáo Phạm Văn T và Phạm Thị S, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2017/HS-ST ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk để tiến hành điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục tạm giam bị cáo Phạm Văn T cho đến ngày Viện kiểm sát  nhân dân tỉnh Đắk Lắk thụ lý lại vụ án.

2. Chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Y Lim N, sửa bản án sơ thẩm đối với phần quyết định về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Y Lim N.

Áp dụng: Điểm c Khoản 2 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015, các điểm s, t, v khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65, khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội. Nghị quyết 01/2013/ NQ-HĐTP ngày 20/6/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Xử phạt: bị cáo Y Lim N 02 năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (05/2/2018).

Giao bị cáo Y Lim N cho UBND xã C, huyện B, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi tư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 luật Thi hành án hình sự.

3. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về án phí và lệ phí tòa án.

Bị cáo Y Lim N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm đối với bị cáo Phan Mạnh T1, án phí hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Y Lim N không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1883
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 70/2018/HS-PT ngày 05/02/2018 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:70/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về