TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 70/2017/HS-PT NGÀY 19/12/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI TÀI SẢN
Trong ngày 19 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 55/2017/HSPT ngày 03/11/2017 đối với bị cáo Kiêm Thái T do có kháng cáo của bị cáo Kiêm Thái T và người bị hại Trương Văn Q đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện T.
- Bị cáo kháng cáo: Kiêm Thái T (Kim Thái T), sinh năm: 1961; Trú tại: ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Khơme; Trình độ văn hóa: 01/12; con ông Kiêm B (chết) và bà Lý Thị C (Sống); Có vợ là Kiêm Thị Sa Q, sinh năm: 1958; có 04 người con lớn nhất sinh năm 1979 và nhỏ nhất sinh năm 1986; Anh chị em ruột có 05 người, lớn nhất sinh năm 1956, nhỏ nhất sinh năm 1970; Tiền án: không; Tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại. (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Thanh Dân, luật sư của văn phòng luật sư Việt Út thuộc đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
- Bị cáo không có kháng cáo nhưng liên quan đến kháng cáo: Lý C, sinh năm: 1981; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Khmer; Trình độ văn hóa: Không biết chữ; Con ông Lý H (chết) và bà Sơn Thị Sà Q (sống); Bị cáo có vợ là Kiêm Thị S, sinh năm 1981 và có 02 người con, người lớn nhất sinh năm 2000, người nhỏ nhất sinh năm 2005; Bị cáo có 03 người anh chị em ruột, lớn nhất sinh năm 1981, nhỏ nhất sinh năm 1985; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. (có mặt)
- Người bị hại có kháng cáo: Ông Trương Văn Q, sinh năm 1968; Trú tại ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Trà Vinh (có mặt);
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại: Ông Lưu Trí Dũng, luật sư của văn phòng luật sư Nhựt Vinh thuộc đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Trà P; Sinh năm: 1968; Nơi cư trú: Ấp S, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
2. Ông Liêu T1; Tên gọi khác: T1; Sinh năm: 1975; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
3. Ông Lâm E; Sinh năm: 1972; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
4. Bà Kiêm Thị S; Sinh năm: 1981; Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
5. Bà Lâm Thị Kiều H; Sinh năm: 1979; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
6. Bà Kiêm Thị V; Sinh năm: 1986; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
7. Bà Kiêm Thị P; Sinh năm: 1979; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
* Người làm chứng:
1 Ông Trần Hoàng H; Sinh năm: 1979; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
2. Ông Kiêm Thái H1; Sinh năm: 1980; Nơi cư trú: Ấp B, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
3. Ông Lý V; Sinh năm: 1982; Nơi cư trú: Ấp L, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
4. Ông Lý P1; Sinh năm: 1957; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
5. Ông Sơn Phol L; Sinh năm: 1987; Nơi cư trú: Ấp R, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)6. Ông Mã B; Sinh năm: 1970; Nơi cư trú: Ấp R, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
7. Ông Diệp Văn L1; Sinh năm: 1976; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
8. Ông Thạch H1; Sinh năm: 1964; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
9. Ông Dương S; Sinh năm: 1982; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
10. Ông Thạch Đ; Sinh năm: 1964; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
11. Ông Thạch C1; Sinh năm: 1964; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
12. Ông Nguyễn Văn L2; Sinh năm: 1984; Nơi cư trú: Ấp N, xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
* Người phiên dịch tiếng Khmer: Bà Sơn Hồng Vân- Phóng viên Báo Sóc Trăng.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện T và Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào năm 2008, ông Trương Văn C và Kiêm Thái T có tranh chấp đối với diện tích đất 21.109m2 tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện L (nay là huyện T), tỉnh Sóc Trăng, vụ án được Tòa án nhân dân huyện L thụ lý, giải quyết. Theo bản án dân sự sơ thẩm số 13/2009/DS-ST ngày 16/01/2009 của Tòa án nhân dân huyện L xử buộc Kiêm Thái T phải có trách nhiệm giao trả cho ông Trương Văn C toàn bộ phần đất ruộng có diện tích là 21.109m2 tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện L (nay là huyện T), tỉnh Sóc Trăng gồm 02 thửa: Thửa số 1302 thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 944xxx do Ủy ban nhân dân huyện L cấp cho ông Trương Văn C ngày 15/5/2007 có diện tích thực tế là 10.887m2; Thửa số 948 thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 453xxx do Ủy ban nhân dân huyện L cấp cho ông Trương Văn C ngày 21/10/2008 có diện tích thực tế là 10.222m2. Do ông Kiêm Thái T kháng cáo bản án sơ thẩm nên vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 84/2009/DS-PT ngày 12/5/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng giữ nguyên án sơ thẩm. Theo yêu cầu của ông Trương Văn C, cơ quan Thi hành án dân sự huyện L tiến hành các thủ tục để thi hành các bản án trên theo quy định của pháp luật. Ngày 24/8/2009, cơ quan Thi hành án dân sự huyện L tiến hành cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho ông Trương Văn C (do bà Phạm Thị Song L đại diện theo ủy quyền) theo bản án đã tuyên, ông Kiêm Thái T vắng mặt tại buổi cưỡng chế. Sau đó, ông Kiêm Thái T chiếm lại diện tích đất 21.109m2 tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng nêu trên nên ngày 31/8/2011, ông T bị Ủy ban nhân dân huyện T lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ngày 20/9/2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai số 37/QĐ-XPHC đối với ông Kiêm Thái T về hành vi chiếm đất diện tích 21.109m2, theo đó ông T bị phạt tiền 65.000.000 đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng của đất như trước khi vi phạm. Sau đó, ông T không chấp hành quyết định xử phạt hành chính này. Ngày 20/9/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 48/QĐ-CCK đối với T, theo đó buộc ông T khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm. Ngày 16/10/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 485/QĐTC-CTUBND về việc thành lập Đoàn cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ngày 07/01/2013, Đoàn cưỡng chế theo Quyết định số 485/QĐTC-CTUBND tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Kiêm Thái T và bàn giao diện tích đất 21.109m2 tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng nêu trên cho ông Trương Văn C (do ông Trương Văn Q đại diện theo ủy quyền). Ngày 15/8/2013, ông Trương Văn C chết, các con ông C thống nhất để ông Q quản lý, sử dụng phần đất 21.109m2 tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng của ông C.
Ngày 24/5/2016, ông Q tiến hành sạ lúa trên phần đất 21.109m2 tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng của ông C. Đến ngày 01/6/2016, T kêu Lý C (con rể của T), Liêu T1, Quách Q1, Lý V ra ruộng ông C phun thuốc diệt cỏ để diệt lúa nhưng lúa không chết, chỉ bị cháy phần lá, sau đó lúa phát triển bình thường. Đến ngày 28/6/2016, T kêu Liêu T1, Kiêm C, Quách Q1, O đi vỏ lãi do Lâm E điều khiển ra ruộng của ông C tiếp tục phun thuốc diệt cỏ để diệt lúa nhưng do trời mưa nên lúa không chết mà chỉ bị úa vàng. Đến chiều ngày 28/6/2016, T kêu các con ruột, con rể và con dâu gồm: Lý C, Kiêm Thị S, Liêu T1, Kiêm Thị V, Trần Hoàng H, Kiêm Thị P, Lâm Thị Kiều H đến nhà T bàn công việc. Sau đó, T kêu Lý C sáng ngày 29/6/2016 lấy máy cày ra ruộng ông C xới bỏ lúa trên đất để T sạ lúa canh tác, còn những người còn lại làm cỏ, đắp bờ. Đến sáng ngày 29/6/2016, Lý C thuê Trà P, Sơn U lái máy cày của vợ chồng Lý C, Kiêm Thị S xới bỏ lúa của ông Q. Ông Lý P1 là người giữ lúa cho ông Q phát hiện việc Trà P và Sơn U lái máy cày xới bỏ lúa của ông Q nên trình báo Công an. Đến 09 giờ 50 phút cùng ngày, lực lượng Công an huyện T và chính quyền địa phương đến hiện trường lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ máy cày và lập biên bản thiệt hại tài sản, lúc này Trà P và U đã cày xới diện tích lúa là 12.650,5m2 thuộc hai thửa đất số 1302 và 948, lúa bị chết hoàn toàn.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện T tiến hành trưng cầu định giá tài sản thiệt hại đối với diện tích lúa của ông Trương Văn Q bị hủy hoại vào các ngày 01/6/2016, 28/6/2016 và 29/6/2016. Theo bản kết luận số 11/KL.HĐĐG ngày 12/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản huyện T kết luận: Cây lúa trên ruộng của ông Trương Văn Q canh tác sạ khô vào ngày 24/5/2016 với diện tích là 21.109m2 thuộc thửa đất số 1302 và thửa số 948, tờ bản đồ số 01, tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng đến ngày 01/6/2016 cây lúa cao 10cm bị cháy vàng lá 3,5cm đều trên diện tích ruộng; với hiện trạng trên cây lúa không bị thiệt hại; giá trị thiệt hại là 00%. Theo bản kết luận số 13/KL.HĐĐG ngày 12/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản huyện T kết luận: Lúa trên ruộng của ông Trương Văn Q canh tác sạ khô vào ngày 24/5/2016 với diện tích là 21.109m2 thuộc thửa đất số 1302 và thửa số 948, tờ bản đồ số 01, tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng đến ngày 28/6/2016 cây lúa cao 33cm lá úa có nhiều vết màu xanh đen từ chót lá trở xuống 11cm đều trên diện tích ruộng; với hiện trạng trên cây lúa không bị thiệt hại; giá trị thiệt hại là 00%. Theo kết luận định giá tài sản số 14/KL.HĐĐG ngày 12/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản huyện T kết luận: Phần ruộng lúa củ ông Trương Văn Q bị cày thiệt hại 100% với diện tích là 12.650,5m2 thuộc thửa đất số 1302 và thửa số 948, tờ bản đồ số 01, tọa lạc ấp C, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng có tổng giá trị thiệt hại là 4.274.755 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện T tuyên xử như sau:
* Tuyên bố các bị cáo Kiêm Thái T và Lý C phạm tội “Hủy hoại tài sản”.
* Áp dụng khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 20; điểm b, điểm h, điểm p, điểm s khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 53 và Điều 33 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo Kiêm Thái T. Xử phạt bị cáo Kiêm Thái T 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
* Áp dụng khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 20; điểm b, điểm h, điểm p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 33 và Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo Lý C.
Xử phạt bị cáo Lý C 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (Một) năm tính từ ngày tuyên án là ngày 29/9/2017. Giao bị cáo Lý C cho Ủy ban nhân dân xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng để giám sát và giáo dục.
Trường hợp bị cáo Lý C thay đổi nơi cư trú trong phạm vi huyện L, tỉnh Sóc Trăng thì Ủy ban nhân dân xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện L, tỉnh Sóc Trăng để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cáo Lý C đến cư trú để giám sát, giáo dục. Trường hợp bị cáo Lý C thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi huyện L, tỉnh Sóc Trăng thì cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện L, tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi bị cáo Lý C đến cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 62 của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Sóc Trăng và Viện kiểm sát nhân dân huyện L, tỉnh Sóc Trăng.
* Về bồi thường thiệt hại:
Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điều 584, 585, 586, 587, 589 và 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
- Xử buộc các bị cáo Kiêm Thái T và Lý C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho người bị hại Trương Văn Q số tiền 4.274.755 đồng (Bốn triệu, hai trăm bảy mươi bốn ngàn, bảy trăm năm mươi lăm đồng), cụ thể như sau:
+ Bị cáo Kiêm Thái T có trách nhiệm bồi thường cho ông Trương Văn Q số tiền là 2.137.378 đồng (Hai triệu, một trăm ba mươi bảy ngàn, ba trăm bảy mươi tám đồng).
+ Bị cáo Lý C có trách nhiệm bồi thường cho ông Trương Văn Q số tiền là 2.137.377 đồng (Hai triệu, một trăm ba mươi bảy ngàn, ba trăm bảy mươi bảy đồng).
- Tiếp tục quản lý số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) do các bị cáo Kiêm Thái T và Lý C nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng theo Biên lai thu tiền số AA/2010/002640 ngày 17/8/2017 (mỗi bị cáo nộp 1.000.000 đồng) để đảm bảo thi hành án.
- Về nghĩa vụ chậm thi hành án dân sự: Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
* Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), trả cho bị cáo Lý C và bà Kiêm Thị S 01 (Một) máy cày (máy kéo) hiệu Kubota L2402 VN màu đỏ, có gắn dàn xới bằng kim loại bên ngoài đã rỉ sét, dính nhiều bùn đất (vật chứng hiện do Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng quản lý theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 17/8/2017).
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên phần án phí và quyền kháng cáo của bị cáo, người bị hại và người tham gia tố tụng khác theo luật định.
Ngày 10/10/2017 bị cáo Kiêm Thái T kháng cáo một phần bản án, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.
Ngày 10/10/2017 người bị hại ông Trương Văn Q kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 17 ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện T.
Tại phiên tòa, bị cáo và người bị hại vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng giữ quyền công tố Nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, chấp nhận một phần kháng cáo người bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, d khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự, sửa một phần quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, tịch thu 50% giá trị của chiếc máy cày sung công quỹ Nhà nước.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày: bị cáo Kiêm Thái T có đến Chi cục Thi hành án huyện T nộp tiền bồi thường còn lại như án sơ thẩm tuyên nhưng do bản án chưa có hiệu lực nên chi cục Thi hành án huyện T không nhận. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo. Theo quy định tại Nghị quyết số 01 bị cáo T đủ điều kiện hưởng án treo, rất mong Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh cho bị cáo T được hưởng án treo.
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm do:
Bị cáo không chấp hành quyết định của cơ quan thi hành án, chủ trương cho gia đình xuống phá hoại ruộng lúa trong một thời gian dài. Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại cho người bị hại mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là không đúng vì bị cáo đã có 1 tiền sự vào năm 2011. Đồng thời cấp sơ thẩm trả lại chiếc máy cày cho bị cáo Lý C là trái pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 tịch thu chiếc máy cày và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm tăng hình phạt đối với các bị cáo.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Tại phiên tòa, bị cáo Kiêm Thái T thừa nhận hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã xét xử và tại phiên tòa bị cáo và người bị hại giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
[1]. Xét kháng cáo của bị cáo Kiêm Thái T yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo với các lý do:
Bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, bị cáo không có tình tiết tăng nặng, gia đình bị cáo có công cách mạng, bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho địa phương, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Bị cáo là người dân tộc Khơme, trình độ học vấn thấp, ít am hiểu về pháp luật, hậu quả gây thiệt hại không lớn, động cơ và mục đích phạm tội do ông C và bà T lừa đảo bị cáo lấy của bị cáo 14 cây vàng 24K sau đó khởi kiện ra tòa lấy hơn 21.000m2 đất nông nghiệp tọa lạc ấp N, xã Đ, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
Xét thấy, bị cáo Kiêm Thái T là người giữ vai trò chính trong vụ án, là người chủ mưu việc thực hiện tội phạm, bị cáo T đã thuê người hủy hoại lúa người bị hại, thể hiện sự quyết tâm phạm tội của bị cáo. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, h, p, s theo khoản 1,2 Điều 46 Bộ luật hình sự nhưng bị cáo là người chủ mưu trong vụ việc nên thuộc trường hợp không cho hưởng án treo theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo nên kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo là không có căn cứ chấp nhận.
Đối với kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xét thấy, cấp sơ thẩm đã có xem xét, đánh giá tính chất, nức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên đã xử phạt bị cáo mức án đầu khung hình phạt. Kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt là không có căn cứ chấp nhận.[2] Xét kháng cáo của người bị hại yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T với lý do:
[2.1] Tòa án nhân dân huyện T xét xử bị cáo Kiêm Thái T theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự là chưa đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà phải xử bị cáo Kiêm Thái T theo khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự.
Xét thấy, bị cáo Kiêm Thái T và Lý C đã có hành vi cố ý hủy hoại tài sản, làm chết toàn bộ diện tích lúa 12.650,5m2 của người bị hại Trương Văn Q với tổng giá trị thiệt hại theo kết luận giám định giá tài sản bị thiệt hại là 4.274.755 đồng, nên cấp sơ thẩm tuyên bố các bị cáo T và Lý C đã phạm tội “Hủy hoại tài sản” là có căn cứ, phù hợp Điều 143 Bộ luật hình sự.
Khi thực hiện hành vi hủy hoại tài sản bị cáo Kiêm Thái T đề xuất thì bị cáo Lý C tiếp nhận ý chí của bị cáo T hôm sau mang máy cày đến đất ông C phá ruộng lúa 35 ngày tuổi của ông C, không có bàn bạc, phân công vai trò cụ thể nên hành vi phạm tội của các bị cáo chỉ là đồng phạm giản đơn, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự là đúng pháp luật. Đối chiếu hành vi phạm tội của các bị cáo với các tình tiết định khung hình phạt theo khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự thì hành vi phạm tội của các bị cáo không thuộc một trong các tình tiết định khung theo quy định tại khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự. Do vậy, lý do kháng cáo của bị hại Q là không có căn cứ chấp nhận.
[2.2] Tòa án nhân dân huyện T áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Lý C xử phạt bị cáo Lý C 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo và chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Xét thấy, trong vụ án này bị cáo Lý C tham gia với vai trò giúp sức và có vai trò phụ thuộc, khi lượng hình cấp sơ thẩm đã có xem xét, đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo: bị cáo Lý C bị phạt tù về tội ít nghiêm trọng, bị cáo là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù. Bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết 01/2013/NQ- HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo, cấp sơ thẩm tuyên mức án 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là phù hợp với quy định của pháp luật, do đó lý do kháng cáo này của người bị hại là không có căn cứ không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[2.3] Đối với lý do kháng cáo: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hoàn trả phương tiện phạm tội là chiếc máy cày cho bị cáo Lý C là không đúng với quy định của pháp luật, đề nghị tịch thu sung vào công quỹ Nhà nước.
Xét thấy, chiếc máy cày mà bị cáo Lý C dùng để hủy hoại lúa thì thấy cấp sơ thẩm nhận định là tài sản thuộc sở hữu của bị cáo Lý C và bà Kiêm Thị S, mục đích khi mua máy cày là sử dụng làm phương tiện sản xuất chính của gia đình, khi bị cáo mang máy cày ra ruộng vợ của bị cáo là bà S không biết việc bị cáo kêu Trà P lấy máy cày đi sới ruộng của ông C, khi ra ruộng mới biết đi sới ruộng như hàng năm ông T thuê. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), trả lại vật chứng trên cho bị cáo Lý C và bà Kiêm Thị S là có căn cứ chấp nhận. Lý do kháng cáo của ông Q là không có căn cứ chấp nhận. Đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị tịch thu sung quỷ Nhà nước đối với 50% giá trị chiếc máy cày là không có căn cứ chấp nhận.
[2.4] Đối với lý do kháng cáo yêu cầu bị cáo T hoàn trả cho gia đình bị hại Q số tiền 279.000.000đ do hành vi phá hoại lúa của gia đình bà không thu hoạch từ năm 2009 đến nay.
Xét thấy, vụ án này chỉ xét xử đối với hành vi bị cáo phá hoại lúa của bị cáo T ngày 29/5/2016, căn cứ vào kết quả định giá tài sản số 14/KL.HĐĐG ngày 12/9/2016 thì tổng thiệt hại lúa 35 ngày tuổi là 4.274.755đ nên kháng cáo của ông Q yêu cầu ông T hoàn trả số tiền 279.000.000đ do hành vi phá hoại lúa của gia đình bà không thu hoạch từ năm 2009 đến nay là không có căn cứ chấp nhận.
Đề nghị của các Luật sư tại tòa là không có căn cứ chấp nhận.
Đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát tại tòa là có căn cứ chấp nhận một phần.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự.
Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại ông Trương Văn Q. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Kiêm Thái T (Kim Thái T)
Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 17/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện T.
Áp dụng khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 20; điểm b, điểm h, điểm p, điểm s khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 53 và Điều 33 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo Kiêm Thái T.
Xử phạt bị cáo Kiêm Thái T 06 tháng tù về tội Hủy hoại tài sản, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
* Áp dụng khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 20; điểm b, điểm h, điểm p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 33 và Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo Lý C.
Xử phạt bị cáo Lý C 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội hủy hoại tài sản, thời gian thử thách là 01 (Một) năm tính từ ngày tuyên án là ngày 29/9/2017. Giao bị cáo Lý C cho Ủy ban nhân dân xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng để giám sát và giáo dục.
Trường hợp bị cáo Lý C thay đổi nơi cư trú trong phạm vi huyện L, tỉnh Sóc Trăng thì Ủy ban nhân dân xã L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện L, tỉnh Sóc Trăng để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cáo Lý C đến cư trú để giám sát, giáo dục. Trường hợp bị cáo Lý C thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi huyện L, tỉnh Sóc Trăng thì cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện L, tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi bị cáo Lý C đến cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 62 của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Sóc Trăng và Viện kiểm sát nhân dân huyện L, tỉnh Sóc Trăng.
* Về bồi thường thiệt hại:
Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điều 584, 585, 586, 587, 589 và 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
- Xử buộc các bị cáo Kiêm Thái T và Lý C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho người bị hại Trương Văn Q số tiền 4.274.755 đồng (Bốn triệu, hai trăm bảy mươi bốn ngàn, bảy trăm năm mươi lăm đồng), cụ thể như sau:
+ Bị cáo Kiêm Thái T có trách nhiệm bồi thường cho ông Trương Văn Q số tiền là 2.137.378 đồng (Hai triệu, một trăm ba mươi bảy ngàn, ba trăm bảy mươi tám đồng).
+ Bị cáo Lý C có trách nhiệm bồi thường cho ông Trương Văn Q số tiền là 2.137.377 đồng (Hai triệu, một trăm ba mươi bảy ngàn, ba trăm bảy mươi bảy đồng).
- Tiếp tục quản lý số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) do các bị cáo Kiêm Thái T và Lý C nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng theo Biên lai thu tiền số AA/2010/002640 ngày 17/8/2017 (mỗi bị cáo nộp 1.000.000 đồng) để đảm bảo thi hành án.
- Về nghĩa vụ chậm thi hành án dân sự: Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.- Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
* Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), trả cho bị cáo Lý C và bà Kiêm Thị S 01 (Một) máy cày (máy kéo) hiệu Kubota L2402 VN màu đỏ, có gắn dàn xới bằng kim loại bên ngoài đã rỉ sét, dính nhiều bùn đất (vật chứng hiện do Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng quản lý theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 17/8/2017).
* Về án phí:
Áp dụng Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử buộc các bị cáo Kiêm Thái T và Lý C và người bị hại Trương Văn Q chịu án phí như sau:
- Bị cáo Kiêm Thái T chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) và chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng).
- Bị cáo Lý C chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng)và chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng).
- Người bị hại Trương Văn Q chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng).
Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo Kiêm Thái T phải chịu 200.000đ Án phí hình sự phúc thẩm ông Trương Văn Q phải chịu 200.000đ
Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án 70/2017/HS-PT ngày 19/12/2017 về tội hủy hoại tài sản
Số hiệu: | 70/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về