Bản án 69/2020/DS-PT ngày 21/07/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 69/2020/DS-PT NGÀY 21/07/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 21/7/2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 101/2020/TLPT- DS ngày 25/5/2020 về việc: “Tranh chấp QSDĐ”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 18A/2020/DS-ST ngày 24/03/2020 của Toà án nhân dân huyện H bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 112/2020/QĐ-PT ngày 08/6/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa giữa:

Nguyên đơn: Bà Trịnh Thị Ngọc D, sinh năm 1958, có mặt.

Địa chỉ: Số X, ngách Y, phố A, phường Y, Quận T, TP Hà Nội.

Bị đơn: Ông Hà Viết Ch, sinh năm 1969, có mặt. Địa chỉ: Thôn Ch, xã M, huyện H, tỉnh Bắc Giang.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Hà Việt H1, sinh năm 1984, con bà D, (có mặt);

2. Chị Hà Thu H2, sinh năm 1990, con bà D, vắng mặt, ủy quyền cho bà Trịnh Thị Ngọc D đại diện;

Cùng địa chỉ: Số X, ngách Y, phố A, phường Y, Quận T, TP Hà Nội 3. Ông Hà Viết Nh, sinh năm 1956, anh ông Ch, (vắng mặt);

4. Ông Hà Viết Q1, sinh năm 1967, anh ông Ch, (có mặt);

Cùng địa chỉ: Thôn Ch, xã M, huyện H, tỉnh Bắc Giang.

5. Bà Hà Thị Tr, sinh năm 1972, em ông Ch, (vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn G, xã M, huyện H, tỉnh Bắc Giang.

Bà Trình ủy quyền cho ông Hà Viết Ch.

6. Bà Hà Thị V, sinh năm 1963, chị ông Ch, (vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện H, tỉnh Bắc Giang.

7. Ông Hà Viết Ngh, sinh năm 1958, anh ông Ch, (vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn B, xã B, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

Ông Nghĩa ủy quyền cho ông Hà Viết Ch.

8. UBND xã M, huyện H, tỉnh Bắc Giang, do ông Hà Huy H3- Chủ tịch UBND xã đại diện, (vắng mặt).

9. Thôn Ch, xã M, huyện H, tỉnh Bắc Giang, do ông Hà Viết Q2 – Trưởng thôn đại diện, (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là bà Trịnh Thị Ngọc D trình bày: Năm 1984, bà kết hôn với ông Hà Viết Th, sinh năm 1945 (quê quán ở thôn Ch, xã M, huyện H tỉnh Bắc Giang). Vợ chồng bà có 2 người con là anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2. Ông Th là người con duy nhất của cụ Hà Viết T (chết năm 1959) và cụ Ngô Thị C, (chết năm 1963). Cụ T và cụ C có thửa đất có diện tích là 247m2, (đo thực tế là 202,2m2) tại thôn Ch, xã M huyện H từ năm 1950. Khi cụ T và cụ C còn sống, ông Th đã ở cùng bố mẹ trên thửa đất này. Sau khi cụ T và cụ C chết, ông Th đi bộ đội và ông Th đã nhờ cụ Hà Viết X là anh họ ông Th trông nom, quản lý thửa đất nêu trên. Sau khi kết hôn xong, vợ chồng bà đã sinh sống tại Hà Nội. Hàng năm vợ chồng bà vẫn về quê góp giỗ, hương khói cho các cụ. Vợ chồng bà vẫn để cụ X chồng chuối và hoa màu trên thửa đất này để cụ X tăng thu nhập. Năm 1993, Nhà nước có yêu cầu người sử dụng đất phải nộp thuế đất. Do ông Nh đang trồng chuối nên ông Nh đã đồng ý đóng thuế cho vợ chồng bà. Năm 2003, vợ chồng bà đã kê khai đối với phần đất này để đề nghị UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Vợ chồng bà đã phải nộp số tiền 10.000đ. Khi ngôi nhà trên đất bị đổ, ông Th đã yêu cầu ông Nh phá cây chuối để ông Th làm nhà nhưng ông Nh đã hứa với ông Th là sau khi ông Th được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì ông Nh sẽ phá vườn chuối để trả lại đất cho ông Th để ông Th làm nhà. Năm 2006, ông Th vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, ông Th đã mời cụ X và những người trong họ của ông Th đến họp. Trong cuộc họp, ông Th đã yêu cầu cụ X trả lại đất cho ông Th nhưng cụ X chỉ đồng ý cho ông Th làm nhà trên đất nhưng không cho ông Th chuyển nhượng đất cho người khác. Khi đó ông Th đã không nhất trí với ý kiến của cụ X. Ông Th hứa là sẽ cho cụ X số tiền 50.000.000đ với điều kiện là cụ X phải trả lại đất cho ông Th nhưng cụ X vẫn không đồng ý trả lại đất. Ông Th đã làm đơn gửi UBND xã M yêu cầu hòa giải về tranh chấp đất đai. UBND xã M đã hòa giải nhưng không thành. Ông Th tiếp tục gửi đơn đến UBND huyện H đề nghị giải quyết nhưng không có kết quả. Cũng trong năm 2006, cụ X đã được UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất mà cụ X đã mượn của ông Th. Bà đã khởi kiện vụ án hành chính và đề nghị hủy Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ X. Bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H đã hủy Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ Sâm. Sau đó ông Ch kháng cáo. Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã giữ nguyên phần quyết định của bản án hành chính sơ thẩm về việc hủy Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ X.

Ông Th đã chết năm 2014. Cụ X chết năm 2015, sau khi cụ X chết ông Ch quản lý đất và đã xây 1 nhà xưởng trên đất. Sau khi có bản án hành chính có hiệu lực pháp luật, bà đã đề nghị ông Ch trả lại đất cho bà nhưng ông Ch không đồng ý. Nay, bà và các con của bà là anh H1, chị H2 yêu cầu ông Ch trả lại cho bà phần đất tranh chấp có diện tích là 202,2m2 tại thửa đất số 54, tờ bản đồ số 55 ở thôn Ch, xã M, huyện H. Phần tài sản trên đất của ông Ch thì bà đề nghị được quản lý, sử dụng. Bà đồng ý trả cho ông Ch số tiền tương ứng với giá trị các tài sản mà ông Ch đã xây dựng.

Bị đơn là ông Hà Viết Ch trình bày: Ông là con của cụ Hà Viết X. Ông thừa nhận nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp giữa ông và bà D có diện tích 202,2m2 là của cụ Hà Viết T và cụ Ngô Thị C (bố mẹ đẻ của ông Hà Viết Th). Năm 1959, (sau khi cụ T, cụ C chết), họ hàng đã giao cho đất này cho bố ông (anh họ của ông Th) quản lý đất và thờ cúng các cụ. Năm 1989, Nhà nước có chủ trương chia lại ruộng đất canh tác. Hộ gia đình nào có đất ao và đất vườn thì không được chia đất ruộng rau xanh. Lúc đó, cụ X đang quản lý và sử dụng thửa đất vườn của vợ chồng cụ T. Để giữ lại thửa đất vườn này, tập thể thôn Ch đã trừ khoảng 72m2 đất ruộng rau xanh của cụ X. Hàng năm hộ gia đình cụ X vẫn đóng thuế đất và thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất với Nhà nước. Theo sổ bộ thuế đất nông nghiệp năm 1993 thì phần đất này có diện tích 216m2. Ngày 04/10/2006, cụ X được UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số AĐ 623357 đối với thửa đất của vợ chồng cụ C để lại. Năm 2015, cụ X chết. Sau khi cụ X chết thì các anh em trong gia đình ông đã giao cho ông quản lý, sử dụng phần đất này. Nay, ông không đồng ý trả lại đất cho bà D. Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà thu hồi phần đất này thì phải trả lại cho hộ gia đình ông 3 thước ruộng rau xanh do cụ X đã bị Nhà nước khấu trừ từ năm 1989.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Anh Hà Việt H1, chị Hà Thu H2 đều trình bầy: Các anh chị đều là con của bà D và đều nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà D. Các anh chị đều ủy quyền cho bà D tham gia tố tụng tại Tòa án.

Bà Hà Thị V, ông Hà Viết Q1, ông Hà Viết Nh, ông Hà Viết Ngh, bà Hà Thị Tr đều trình bầy: Cụ X có 6 người con là: Bà Hà Thị V, ông Hà Viết Q1, ông Hà Viết Nh, ông Hà Viết Ngh, bà Hà Thị Tr; ông Hà Viết Ch. Các ông bà đều thống nhất với lời khai của ông Ch và không có yêu cầu gì trong vụ án này. Ông Nh, ông Nghĩa đều ủy quyền cho ông Ch tham gia tố tụng tại Tòa án.

Tại biên bản làm việc ngày 18/12/2019, đại diện UBND xã M đã trình bày: Về nguồn gốc thửa đất nêu trên của vợ chồng cụ Hà Viết T (là bố mẹ ông Th). Năm 1989 thực hiên chủ trương của Nhà nước về chia lại ruộng đất, Hợp tác xã thôn Ch đã cho hộ gia đình cụ Hà Viết X sử dụng thửa đất này làm đất vườn nhưng cụ X phải trừ đi 72m2 định mức đất rau xanh của cụ X ở ngoài đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện việc bù trừ 72m2 đất ruộng rau xanh và giao đất cho hộ cụ X thì Hợp tác xã đã không lập thành văn bản về nội dung khấu trừ đất ruộng của cụ X và thu hồi đất của cụ T để giao lại cho cụ X.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 24/9/2019, ông Hà Viết Ngh là Trưởng thôn Ch, xã M đã khai: Nguồn gốc thửa đất mà các bên tranh chấp là của cụ T, cụ C, (bố mẹ đẻ ông Th). Sau khi cụ T và cụ C chết thì ông Th sinh sống trên thửa đất này. Khi ông Th đi bộ đội thì thửa đất này bỏ không. Khi ông Ch xây nhà xưởng trên đất, ông Th và ông Ch đã xẩy tranh chấp về thửa đất này. Ông Ch không đồng ý trả lại đất cho ông Th, ông Th đã trình bầy: Để được sử dụng thửa đất này thì cụ X đã phải đổi phần đất ruộng rau xanh của cụ X cho Hợp tác xã thôn Ch nên phần đất này là của cụ X. Về ý kiến của ông Ch thì hiện nay sổ sách của địa phương không còn lưu giữ.

Bản án dân sự sơ thẩm số 18A/2020/DS-ST ngày 24/3/2020 của Toà án nhân dân huyện H đã áp dụng các Điều 26, 147, 149, 227, 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 53, 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 636, 688 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án xử:

Xác nhận diện tích 202,2m2 đất ở thuộc thửa đất 54 tờ bản đồ số 55 tại thôn Ch, xã M, huyện H là di sản của ông Hà Viết Th, nay thuộc quyền sử dụng chung của bà Trịnh Thị Ngọc D, anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2.

Giao cho bà Trịnh Thị Ngọc D, anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2 được sử dụng diện tích 202,2m2 đất ở thuộc thửa đất 54 tờ bản đồ số 55 tại thôn Ch, xã M, huyện H và được sở hữu các tài sản trên đất gồm có 01 nhà xưởng diện tích 48m2, 01 cây nhãn và 01 vây Sưa, nhưng bà Trịnh Thị Ngọc D phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho ông Hà Viết Ch giá trị tài sản trên đất là 37.500.000đ (ba mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng).

Ông Hà Viết Ch được sở hữu số tiền 37.500.000đ do bà Trịnh Thị Ngọc D thanh toán trả. Ngoài ra bản án còn tuyên án phí sơ thẩm, chi phí tố tụng, quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự không kháng cáo;

Ngày 16/4/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang có Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị hủy bản án sơ thẩm đã xử vì các lý do sau:

Tòa án sơ thẩm đã xác định phần đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của mẹ con bà D nhưng bản án sơ thẩm lại không buộc ông Ch phải trả lại cho mẹ con bà D; bản án cũng không xem xét đến công sức trông coi, quản lý đất của cụ X và ông Ch là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Ch và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ X; bản án sơ thẩm cũng không có sơ đồ đất, không ghi rõ kích thước của các cạnh thửa đất là không cụ thể, không rõ ràng và gây khó khăn cho thi hành án; bản án không tuyên lãi suất thi hành án là không đúng nghị Quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phần Quyết định của bản án không ghi rõ về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án là không đúng quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

Tại phiên tòa, Nguyên đơn là bà Trịnh Thị Ngọc D vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang rút 1 phần kháng nghị về nội dung: Cần buộc nguyên đơn phải trích chia công sức quản lý, tôn tạo đối với phần đất đang tranh chấp cho bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các con của cụ X.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

+ Bà Trịnh Thị Ngọc D trình bầy: Bà đồng ý với việc rút 1 phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, bà cũng đồng ý với các nội dung khác được ghi trong Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát.

+ Bị đơn là ông Hà Viết Ch trình bầy: Ông không đồng ý về việc trả lại đất cho mẹ con bà D nhưng sau khi xét xử ông lại không kháng cáo vì ông đã nhận bản án sơ thẩm muộn. Nay, ông không đồng ý với việc rút 1 phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và các đương sự đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của BLTTDS.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang chấp nhận việc rút 1 phần kháng nghị của Viện kiểm sát và áp dụng khoản 2, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Sửa bản án sơ thẩm đã xử, khắc phục những sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm đã nêu trong nội dung kháng nghị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

Nguồn gốc của thửa đất số 54, tờ bản đồ số 55 có diện tích là 202,2m2tại thôn Ch, xã M, huyện H của cụ Hà Viết T (chết năm 1959) và cụ Ngô Thị C, (chết năm 1963). Sau khi cụ T và cụ C chết thì Hà Viết Th là con duy nhất của cụ T và cụ C quản lý thửa đất này. Một thời gian sau ông Th đi bộ đội, sau đó ông Th chuyển ngành và kết hôn với bà Trịnh Thị Ngọc D và sinh sống tại Hà Nội. Ông Th đã giao cho cụ Hà Viết X là anh họ ông Th trông coi, quản lý thửa đất này. Trong quá trình sử dụng đất, cụ X đã tự kê khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất của ông Th.

Ngày 26/12/2001, UBND huyện H có Quyết định số 605/QĐ-UB có nội dung cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho cụ Hà Viết X. Ngày 04/10/2006 UBND huyện H đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐsố AĐ 623357 cho cụ Hà Viết X.

Ngày 2014 ông Th chết. Khi biết cụ X đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất của ông Th. Bà D đã khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân huyện H đề nghị hủy Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện H đã cấp cho cụ Hà Viết X. Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2016/HC-ST ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân huyện H đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D, hủy Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện H đã cấp cho cụ Hà Viết X ngày 04/10/2006, (BL 103).

Không đồng ý với bản án nói trên, ông Ch đã kháng cáo. Viện kiểm sát nhân dân Hiệp Hòa đã có Quyết định kháng nghị. Bản án hành chính phúc thẩm số 13/206/HC-PT ngày 16/11/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã bác yêu cầu kháng cáo của ông Ch, chấp nhận 1 phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Hiệp Hòa xử: Hủy Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện H đã cấp cho cụ Hà Viết X, giao cho UBND huyện H xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, (BL 104).

Cụ X chết năm 2015. Sau khi cụ X chết, ông Ch quản lý phần đất của ông Th, ông Ch đã xây 1 nhà xưởng để làm mộc có trị giá 35.000.000đ, trồng 1 cây nhãn có trị giá là 2.000.000đ và 1 cây Sưa có trị giá là 500.000đ.

Sau khi có bản án hành chính có hiệu lực pháp luật thì ông Ch vẫn quản lý đất mà không trả đất cho bà D và các con của bà D.

Nay, bà D khởi kiện yêu cầu ông Ch phải trả cho bà D và các con của bà D phần đất tranh chấp nói trên.

Ông Ch đã không đồng ý trả lại đất cho bà D và trình bầy: Năm 1989, do sợ bị Nhà nước thu hồi phần đất của ông Th nên cụ X đã phải đổi 3 thước đất ruộng rau xanh (72m2) của cụ X ở ngoài đồng để được nhận phần đất này. Về việc đổi đất ruộng rau xanh của cụ X thì ông Ch không có chứng cứ để chứng minh Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D, xác nhận phần đất tranh chấp có diện tích 202,2m2 thuộc quyền sử dụng của bà Trịnh Thị Ngọc D và các con của bà D là anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2. Bà D được quyền quản lý, sử dụng thửa đất và toàn bộ tài sản trên đất nhưng bà D phải trả cho ông Ch toàn bộ giá trị tài sản trên đất là 37.500.000đ.

Sau khi xét xử, các đương sự không kháng cáo. Ngày 16/4/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang có Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang rút 1 phần kháng nghị về nội dung: Cần buộc nguyên đơn phải trích chia công sức quản lý, tôn tạo đối với phần đất đang tranh chấp cho bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các con của cụ X.

[1] Về việc rút 1 phần nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Hội đồng xét xử xét thấy: Việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang là có căn cứ, cần áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 289 BLTTDS đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát là: Buộc nguyên đơn phải trích chia công sức quản lý, tôn tạo đối với phần đất đang tranh chấp cho bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các con của cụ X.

[2] Xét các nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nêu: Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án không đầy đủ, cụ thể, không rõ ràng, không đúng quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xét thấy:

Tòa án đã xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “Tranh chấp về quyền sử dụng đất”, xác định phần đất tranh chấp có diện tích 202,2m2 đất là di sản của ông Th để lại thuộc quyền sử dụng chung của bà D, anh H1 chị H2 từ đó bản án sơ thẩm đã giao phần đất này cho bà D, anh H1 chị H2 được quyền sử dụng. Hiện nay phần đất này do ông Ch đang quản lý nhưng phần quyết định của bản án sơ thẩm lại không buộc ông Ch phải trả lại quyền sử dụng đất cho bà D, anh H1, chị H2. Khi giao 202,2m2 đất cho bà D, anh H1 và chị H2 quản lý, sử dụng, bản án sơ thẩm cũng không ghi rõ kích thước và các cạnh tiếp giáp của thửa đất, không có sơ đồ phần đất tranh chấp kèm theo bản án. Việc tuyên án của Tòa án cấp sơ thẩm như vậy là không đầy đủ và sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án sau này.

Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Buộc bị đơn là ông Ch phải trả lại phần đất tranh chấp cho mẹ con bà D và bổ sung sơ đồ phần đất tranh chấp kèm theo bản án.

[2.2] Về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nêu: Bản án sơ thẩm đã không tuyên án đúng hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử xét thấy:

Tòa án giải quyết bà D phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho ông Ch giá trị tài sản trên đất là 37.500.000đ. Nhưng phần quyết định của bản án Tòa án không nêu: “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015” là không đúng hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Tuyên phần lãi suất chậm thi hành án theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[2.3] Về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nêu: Phần quyết định của bản án sơ thẩm là không đúng quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự, Hội đồng xét xử xét thấy:

Tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự đã quy định: “Khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án”.

Nhưng phần quyết định của bản án sơ thẩm đã không ghi rõ về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án là không đúng quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm về việc: Tuyên quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.

[2.4] Về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nêu: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các quy định của BLDS năm 2005 là không đúng, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo quy định tại điểm b, Điều 688 của BLDS năm 2015 đã nêu về điều khoản chuyển tiếp như sau: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.

Các quy định về tranh chấp QSDĐ của BLDS năm 2005 và các quy định về tranh chấp QSDĐ của BLDS năm 2015 về cơ bản là giống nhau.

Như vậy theo hướng dẫn tại Điều 688 BLDS năm 2015 thì khi giải quyết vụ án về tranh chấp QSDĐ cần áp dụng các quy định của BLDS năm 2015 để giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng các quy định của BLDS năm 2005 là không đúng quy định của Điều 688 BLDS năm 2015.

Như vậy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, sửa bản án sơ thẩm theo những phân tích đã nêu ở trên.

Tòa án cấp sơ thẩm cũng cần rút kinh nghiệm về những sai sót trên.

Do phần đất tranh chấp hiện nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nên bà D, anh H1, chị H2 có quyền đề nghị UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo các quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với việc rút kháng nghị của của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang về nội dung: Buộc Bà Trịnh Thị Dung phải trích chia công sức quản lý, tôn tạo đối với phần đất đang tranh chấp cho ông Hà Viết Ch và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các con của cụ Hà Viết X.

Áp dụng khoản 2, Điều 308 BLTTDS chấp nhận 1 phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang sửa bản án sơ thẩm đã xử.

Áp dụng các Điều 26, 147, 149, 227, 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 53, 203 Luật đất đai năm 2013; các Điều 189, 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án xử:

Xác nhận diện tích 202,2m2 đất ở thuộc thửa đất 54 tờ bản đồ số 55 tại thôn Ch, xã M, huyện H là di sản của ông Hà Viết Th, nay thuộc quyền sử dụng chung của bà Trịnh Thị Ngọc D, anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2.

Buộc ông Hà Viết Ch phải trả cho bà Trịnh Thị Ngọc D, anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2 phần đất tranh chấp có diện tích 202,2m2 thuộc thửa đất 54, tờ bản đồ số 55 tại thôn Ch, xã M, huyện H và toàn bộ các tài sản trên đất là: 01 nhà xưởng diện tích 48m2, 01 cây nhãn và 01 vây Sưa, (có sơ đồ phần đất tranh chấp kèm theo bản án).

Bà Trịnh Thị Ngọc D cùng anh Hà Việt H1 và chị Hà Thu H2 phải có trách nhiệm liên đới trả cho ông Hà Viết Ch 37.500.000đ, (ba mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng) là giá trị các tài sản trên đất.

- Việc giao đất, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ do Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

- Về án phí DSST:

Ông Hà Viết Ch phải nộp 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Miễn nộp toàn bộ án phí cho bà Trịnh Thị Ngọc D.

- Về chi phí định giá:

Bà D đồng ý chịu số tiền chi phí định giá là 1.800.000đ. Xác định bà D đã nộp đủ số tiền trên.

- Về án phí DSPT:

Các đương sự không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

356
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 69/2020/DS-PT ngày 21/07/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:69/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về