Bản án  69/2018/HSPT ngày 27/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 69/2018/HSPT NGÀY 27/03/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 27 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 29/2018/HS-PT ngày 07 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo Lâm Cẩm M do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 39/2017/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Kiên Giang.

- Bị cáo có kháng cáo: Bị cáo Lâm Cẩm M, sinh năm: 1996. Nơi cư trú: Ấp Đ, xã V, huyện V, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 08/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Lâm Hoàng T, sinh năm: 1978 và bà Trần Thị H, sinh năm: 1980; vợ tên Nguyễn Thị Cẩm T, sinh năm: 1994.

Tiền án, tiền  sự: chưa. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 17/4/2017 cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra, trong vụ án còn có 01 bị cáo không có kháng cáo.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo: Luật sư Trần Song T

- Văn phòng luật sư Song T thuộc Đoàn luật sư tỉnh K. (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 23 giờ ngày 15/01/2017, sau khi hát karaoke tại quán Newway thuộc khu phố V, thị trấn V, huyện V, tỉnh Kiên Giang, Lâm Cẩm M cùng nhóm bạn trong đó có Tô Văn P, Nguyễn Văn L, Tô Văn H ra về. Khi đi xuống cầu thang tại quán thì Trần Công L từ phía sau chen lấn đi trước nên M bực tức và nảy sinh ý định đánh L. Khi L đi xuống tới sân quán thì M đi phía sau dùng nón bảo hiểm đang cầm trên tay đánh liên tiếp đánh 03 cái trúng vào đầu L, L quay lại đánh M nhưng không trúng. P đứng gần đó cũng xông vào dùng nón bảo hiểm đang cầm trên tay đánh liên tiếp 03, 04 cái trúng vào đầu, vai L thì nón bảo hiểm bị bể rơi xuống sân. Tiếp đó P và M dùng tay xông vào đánh L, 03 người dằn co đánh nhau làm M té xuống sân, P dùng 01 tay nắm cổ L, 01 tay đấm liên tục nhiều cái trúng vào mặt L, thấy vậy Nguyễn Văn L cũng lấy nón bảo hiểm trên xe gần đó xông vào đánh nhiều cái vào lưng và phía sau đầu L, mặt và vai của L làm L bất tỉnh, lúc này H đi đến dùng chân đá nhiều cái trúng vào bụng và ngực của L rồi cả nhóm bỏ về. Sau đó, L được người thân đưa về nhà và đưa đến phòng khám tư nhân điều trị nhưng không khỏi, đến ngày 17/01/2017 L được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện V để điều trị thương tích. Đến ngày 20/01/2017, L có đơn yêu cầu xử lý những người gây thương tích cho L theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra Lâm Cẩm M và Tô Văn P đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

* Tại bản kết luận giám định pháp y số 114/KL-PY ngày 08/03/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh K, thương tích của Trần Công L như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Hiện tại vùng đầu không thấy dấu vết thương tích do đả thương.

- Sẹo phần mềm vùng má trái, má phải và cột sống thắt lưng.

- Tổn thương võng mạc mắt trái, giảm thị lực mắt phải.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 43 %.

3. Về thẩm mỹ và chức năng bộ phận cơ thể: Thương tích không gây thẩm mỹ nhưng gây giảm chức năng thị giác mắt trái mức độ nặng.

* Tại bản kết luận giám định pháp y bổ sung số 517/KL-PY ngày 31/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh K kết luận vật gây thương tích đối với Trần Công L.

- Vùng đầu và mắt trái do vật tày diện giới hạn gây nên.

- Vùng mặt phải, mặt trái và vùng lưng do vật tày có góc cạnh gây nên.

- Vật chứng gửi giám định là 03 nón bảo hiểm khi chưa vỡ đều có khả năng gây được các thương tích.

* Vật chứng: Vật chứng thu được bao gồm:

- 01 mũ bảo hiểm màu xanh, hiệu Trí L, bị bể một đường giữa mũ có chiều dài 17, 5 cm;

- 01 mũ bảo hiểm màu đỏ, trên nón có dòng chữ “Viettel hãy nói theo cách của bạn” bị bể thành nhiều mảnh;

- 01 mũ bảo hiểm màu xanh, hiệu “Nón sơn” bị bể thành nhiều mảnh.

* Tại bản án hình sự sơ thẩm số 39/2017/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện V đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Lâm Cẩm M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47, Điều 33 BLHS.

Xử phạt: Bị cáo Lâm Cẩm M, 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt là ngày 17/4/2017.

* Về trách nhiệm dân sự: Bị hại yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền 9.268.000 đồng. Các bị cáo đã khắc phục toàn bộ số tiền theo yêu cầu của bị hại. Cụ thể: Bị cáo Lâm Cẩm M đã khắc phục số tiền 5.000.000 đồng (do T nộp thay) theo biên lai số 03518 ngày 21/11/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện V và bị cáo Tô Văn P đã khắc phục số tiền 4.300.000 đồng (do Tô Ngọc S nộp thay) theo biên lai số 03519 ngày 05/12/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện V.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên biện pháp tư pháp, án phí và báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/01/2018, bị cáo Lâm Cẩm M kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm hình phạt cho bị cáo.

* Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo có ý kiến: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo luôn có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Khi sự việc xảy ra, bị cáo đã bồi thường cho bị hại số tiền vượt quá yêu cầu của bị hại; điều này thể hiện, bị cáo đã tích cực trong việc khắc phục hậu quả. Gia đình bị cáo thật sự khó khăn, bị cáo là lao động chính phải nuôi cha mẹ già. Ngoài ra, bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt là mới lập gia đình khoảng 12 ngày thì bị bắt cho đến nay; đồng thời, bị cáo có cha vợ từng phục vụ trong Công an nhân dân. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 60 BLHS năm 1999 cho bị cáo được hưởng án treo.

* Tại phiên tòa bị cáo có ý kiến: Bị cáo thống nhất với trình bày của Luật sư và xin Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có ý kiến: Bị cáo với bị hại không quen biết, không mâu thuẫn từ trước nhưng chỉ vì chen lấn xuống cầu thang mà bị cáo lại dùng nón bảo hiểm đánh nhiều lần vào người bị hại gây thương tích 43% nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo tội “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Bị cáo phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 với khung hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm tù. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 BLHS năm 1999 để tuyên xử bị cáo mức án 03 năm 06 tháng tù là phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do là lao động chính, cha mẹ già nhưng không có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo này của bị cáo. Do đó, đề nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 BLTTHS năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định sau đây:

[1] Đơn kháng cáo của bị cáo Lâm Cẩm M trong thời hạn luật định nên đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Khoảng 23 giờ ngày 15/01/2017, do mâu thuẫn từ việc đi xuống cầu thang tại quán karaoke Newway mà bị cáo cùng với P, H, L dùng chân, tay đấm, đạp và dùng nón bảo hiểm đánh Trần Công L gây thương tích. Hậu quả sức khỏe bị hại L bị giảm do thương tích gây nên là 43%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Lâm Cẩm M về tội “Cố ý gây thương tích”  là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

[3] Xét đơn kháng cáo của bị cáo về việc xin giảm nhẹ hình phạt, Hội đồng xét xử nhận thấy: Giữa bị cáo và bị hại không quen biết, không có mâu thuẫn từ trước nhưng chỉ vì chen lấn xuống cầu thang mà bị cáo lại dùng nón bảo hiểm đánh nhiều cái vào người bị hại, khi bị hại té xuống bị cáo còn đánh, đạp bị hại. Không dừng lại ở đó, bị cáo còn tiếp tục dùng 01 nón bảo hiểm khác, đứng phía sau đánh nhiều cái trúng vào đầu, mặt và vai làm cho bị hại bất tỉnh. Hành vi của bị cáo gây thương tích cho bị hại là 43%. Bị cáo phạm tội có hai tình tiết định khung tăng nặng (dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ) nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo theo khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 là đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Hành vi của bị cáo thể hiện thái độ hung hăng, xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác, coi thường pháp luật và gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Do đó, cần có mức án thật nghiêm để răn đe, giáo dục bị cáo; đồng thời để phòng ngừa chung cho xã hội. Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại. Đây là những tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cung cấp chứng cứ là xác nhận của chính quyền địa phương về hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính và phải nuôi cha mẹ già không còn khả năng lao động. Xét thấy, cha mẹ bị cáo đang trong độ tuổi lao động, bị cáo có 02 người em đều ở tuổi trưởng thành, có khả năng lao động; gia đình bị cáo không thuộc diện hộ nghèo nên lý do kháng cáo này của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm b khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử bị cáo là chưa áp dụng quy định có lợi cho bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Vì chuyển biến của pháp luật hình sự, mức hình phạt quy định tại điểm b khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù) nhẹ hơn so với điểm b khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (có khung hình phạt từ 05 năm đến 15 năm tù). Thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo là đúng (vì BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực) và xử phạt bị cáo mức án 03 năm 06 tháng tù vẫn nằm trong khung của điều luật hình sự năm 2015 được áp dụng sau khi cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo khoản 3, Điều 7 BLHS năm 2015 cần phải sửa án sơ thẩm, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 để xét xử bị cáo, việc sửa án này cấp sơ thẩm không có lỗi.

[4] Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng; án phí hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm b, khoản 1 Điều 357 - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lâm Cẩm M.

Sửa bản án hình sự sơ thẩm số: 39/2017/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Kiên Giang.

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Lâm Cẩm M 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 17/4/2017. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

[2] Bị cáo Lâm Cẩm M không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng; án phí hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

385
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án  69/2018/HSPT ngày 27/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:69/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về