Bản án 68/2017/HSPT ngày 22/11/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

BẢN ÁN 68/2017/HSPT NGÀY 22/11/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 100/2017/HSPT ngày 26/10/2017 đối với bị cáo Đặng Bá T do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức và kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 34/2017/HSST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức.

Bị cáo bị kháng nghị và kháng cáo: Đặng Bá T, sinh năm:1983 tại tỉnh Hà Tĩnh; Nơi ĐKHKTT: Thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông; Chỗ ở trước khi phạm tội: Thôn B, xã Q, huyện T, tỉnh Đắk Nông; Nghề nhiệp: Công chức; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông: Đặng Bá L và bà Nguyễn Thị B; có vợ là Võ Thị Mỹ L và 02 con; nhân thân: Ngày 27/3/2008, bị Tòa án nhân dân thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 03 tháng 08 ngày tù về tội “Trộm cắp tài sản”; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/12/2016; hiện tạm giam – Có mặt. Người bị hại có kháng cáo:

Bà Phạm Thị T; sinh năm: 1960; Trú tại: Thôn T, xã Q, Thị xã G, tỉnh Đắk Nông – Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đặng Bá T, sinh năm 1983, trú tại thôn B, xã Q, huyện T, tỉnh Đắk Nông được tuyển dụng vào ngạch cán sự làm việc tại Phòng Nội vụ huyện T từ ngày 30/9/2009 theo quyết định tuyển dụng số: 569/QĐ – SNV ngày 30/12/2009 của Sở N. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Nội vụ huyện T, T không được giao nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Phòng Nội vụ về công tác cán bộ, viên chức, công chức của huyện T như: Tuyển dụng, sử dụng, điều động, bổ nhiệm lại, đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhưng T tự đưa ra thông tin mình có khả năng lo việc làm vào biên chế công chức, viên chức cho ai có nhu cầu tại huyện T để nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận hồ sơ xin việc làm đối với 05 người bị hại, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Vào năm 2013, anh Bùi Văn C tới gặp và nhờ T xin việc cho Nguyễn Thị Ánh H làm giáo viên tại huyện T thì được T đồng ý và ra giá là 50.000.000đồng, anh C đưa trước cho T số tiền 29.000.000đồng cùng hồ sơ xin việc làm của Nguyễn Thị Ánh H, số tiền còn lại hẹn khi xong việc sẽ giao đủ. Khi nhận tiền và hồ sơ, T hứa hẹn trong khoảng 01 tháng sẽ lo cho H đi làm. Hơn một tháng sau, anh C gọi điện hỏi thì được T nói phải chờ thi công chức.

Đến khoảng tháng 6/2014, do cần tiền để tiêu xài nên T tiếp tục chủ động liên hệ với anh C đưa ra thông tin “giờ có một suất làm việc tại Phòng kinh tế và hạ tầng huyện T, anh xem có người thân hay bạn bè thì nói em chạy việc cho”. Khoảng 3 ngày sau, C đưa cho T số tiền 20.000.000đồng cùng hồ sơ xin việc làm của Nguyễn Đình H. Khi nhận tiền và hồ sơ, T ra giá cụ thể là 50.000.000đồng và hứa hẹn trong khoảng 15 ngày đến 1 tháng sẽ có quyết định đi làm. Đến cuối năm 2014, T làm giả 01 quyết định (bản pho to) do T tự soạn thảo có ghi nội dung tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế đối với Nguyễn Đình H vào làm tại Phòng kinh tế và hạ tầng huyện T và cắt dán phô tô phần chữ ký của ông Nguyễn Ngọc L là chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T rồi đưa cho anh C xem, T nói với anh C, Nguyễn Đình H đã có quyết định đi làm, chỉ chờ đóng dấu là ban hành, đồng thời yêu cầu anh C đưa thêm 20.000.000đồng. Tin tưởng T nên anh C đưa thêm số tiền như T đã yêu cầu. Một thời gian sau, chờ lâu không thấy quyết định đi làm của Nguyễn Đình H và Nguyễn Thị Ánh H nên anh C liên tục gọi điện hỏi T, để kéo dài thời gian tránh việc C đòi lại tiền nên T nói hồ sơ xét tuyển cần phải chờ thi công chức vào giữa năm 2015. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 7/2015, do đợi quá lâu nhưng không thấy quyết định tuyển dụng, anh C đòi lại số tiền đã đưa cho T nên T đã trả lại số tiền 30.000.000đồng cho anh C. Một tháng sau, anh C thấy Nguyễn Đình H không có quyết định đi làm nên tiếp tục đòi lại số tiền đã đưa cho T. Lúc này, để tránh việc anh C đòi tiền nên T đã đưa ra thông tin gian dối là sẽ chạy việc làm giáo viên dạy toán tại trường THCS D thuộc xã Q cho người nhà anh C và ra giá cụ thể là 60.000.000đồng. Sau đó, anh C đã đưa một bộ hồ sơ của Bùi Thị Hương G để T lo việc vào giảng dạy môn toán ở trường THCS D nhưng không đưa tiền cọc với lý do khi xong việc sẽ đưa tiền.

Đến cuối năm 2014, C đến phòng Nội vụ huyện T gặp T để hỏi về việc làm của G, đồng thời đòi lại số tiền còn lại nhưng T hứa sẽ lo việc cho G để kéo dài thời gian. Đến đầu tháng 01/2016, T tự ý soạn thảo văn bản giả mạo số 05/UBND – NV ngày 04/01/2016 “V/v hợp đồng viên chức”, trong nội dung văn bản thể hiện “Để đảm bảo công tác giảng dạy của trường và đối chiếu với biên chế được giao năm 2015 của trường THCS D, nay UBND huyện T thống nhất để trường THCS D, xã Q hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế 01 giáo viên đối với bà: Bùi Thị Hương G, sinh năm 1991. Trình độ cử nhân sư phạm toán, thời gian bắt đầu ký hợp đồng từ ngày 16/01/2016”. T cắt phần mẫu dấu của UBND huyện T, chữ ký và họ tên của ông Nguyễn Ngọc L là chủ tịch UBND huyện T dán vào văn bản do T tự soạn và pho to thành một văn bản hoàn chỉnh giao cho anh C để anh C tin tưởng T đã lo xong việc cho G. Đến tháng 03/2016, anh C tiếp tục đến gặp T để đòi lại số tiền trước đó đã đưa cho T nên T đã trả cho C thêm 20.000.000đồng. Như vậy, tổng số tiền mà T chiếm đoạt của C là 69.000.000đồng, T đã khắc phục trả lại cho C với số tiền 50.000.000đồng. 

Thứ hai: Cũng trong tháng 7/2015, do Bùi Văn C tin tưởng T có khả năng xin được việc làm nên đã giới thiệu bà Phạm Thị T trú tại xã Q, Thị xã G, tỉnh Đắk Nông có con gái cần xin việc làm và dẫn T đến nhà gặp bà T để thỏa thuận. Tại đây, bà T nhờ T xin việc làm kế toán cho con gái tên Đồng Thị Q thì được T đồng ý xin một suất kế toán tại Trường dân tộc nội trú huyện T và đưa ra giá 60.000.000đồng. Sau đó, khoảng 3 ngày, bà T đưa cho T số tiền 60.000.000đồng cùng một bộ hồ sơ xin việc. Cũng trong lúc này, bà T có nhờ T hỏi xem ở Thị xã G hay huyện Đ có suất giáo viên dạy thể dục không để xin cho con dâu đi làm thì được T nhận lời giúp.

Đến cuối tháng 8/2015, do cần tiền nên T nảy sinh ý định tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà T. T chủ động gọi điện và đưa ra thông tin trường THCS Đ xã T, huyện Đ đang có một suất giáo viên dạy thể dục chuẩn bị chuyển công tác thì được bà T đồng ý nhờ xin cho Trần Thị Q. Khoảng 5 ngày sau, bà T đưa cho T số tiền 50.000.000đồng cùng hồ sơ xin việc của Trần Thị Q. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, T nói chi phi cho suất này là 65.000.000đồng và hẹn một tháng sau sẽ đi làm. Khoảng 1 tháng sau T đi đến Thị xã G gọi điện cho bà T nói cần nốt số tiền còn lại để đi lo việc. Nghe vậy nên bà T đưa cho T số tiền còn lại trong thỏa thuận là 15.000.000đồng. Tổng số tiền T chiếm đoạt được của bà T bằng hình thức đưa ra thông tin gian dối để chạy việc làm với số tiền 125.000.000 đồng.

Thứ ba: Vào năm 2013, do tin tưởng T có khả năng lo việc làm nên ông Nguyễn Cao T gặp bà Nguyễn Thị B trú tại thôn A, xã Đ, huyện Đ đang có nhu cầu xin việc làm cho con gái là Nguyễn Thị Thu P để hỏi và đặt vấn đề nhờ T xin việc làm giúp. Sau đó ông T gặp T và hỏi về chi phí xin việc thì được T nói đưa trước 40.000.000đồng cùng hồ sơ xin việc, ông T nói lại cho bà B biết và bà B đồng ý với số tiền như trên. Đến tháng 8/2015, ông T đưa cho T số tiền là 40.000.000đồng cùng hồ sơ xin việc của Nguyễn Thị Thu P. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, T hứa trong vòng 1 tháng sẽ lo xong việc. Đến tháng 10/2015, do bị ông T hỏi nhiều lần nên T đưa cho ông T một quyết định giả về việc bố trí giảng dạy cho Nguyễn Thị Thu P tại xã Đ, tại quyết định có chữ ký pho to của ông Nguyễn Văn H nguyên Phó Giám đốc Sở E, sau đó ông T tìm hiểu thì xác định quyết định trên là giả nên thông báo lại cho T biết. Đến cuối tháng 12/2015, T tự nguyện trả lại số tiền là 40.000.000đồng cho ông T và nhận lại tờ quyết định trên.

Đến tháng 12/2015, T tiếp tục nhận xin việc cho cháu của ông T là Nguyễn Thị T vào công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Đ và yêu cầu ông T đưa trước số tiền 50.000.000đồng cùng hồ sơ xin việc nhưng ông T chỉ đồng ý đưa trước 20.000.000đồng. Khi nhận tiền và hồ sơ T hứa hẹn trong thời gian từ 1 tháng đến 2 tháng sẽ lo xong việc. Quá thời gian như đã hẹn và bị ông T gọi điện hỏi liên tục nên T đã tự viết một giấy hẹn đề ngày 17/02/2016 với ông Đinh Văn T công tác tại Sở Đ thể hiện nội dung đã nhận hồ sơ và xét duyệt đợi đến ngày 29/02/2016 sẽ công bố quyết định tuyển dụng đưa cho ông T để ông T tin tưởng, tuy nhiên sau đó chờ lâu không thấy có quyết định nên ông T liên tục gọi điện ép T phải trả lại số tiền đã nhận nên T tự nguyện trả lại số tiền 14.500.000đồng.

Thứ tư: Năm 2012, T có quen biết ông Nguyễn Đình T nên biết được con rể ông T là Trần Quốc P đang là giáo viên dạy tại trường THCS Q thuộc xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước có nhu cầu chuyển công tác về giảng dạy tại huyện T nên T nói cho ông T mình có khả năng lo cho P được chuyển về công tác tại huyện T với chi phí là 40.000.000đồng. Khi biết được thông tin trên anh Trần Quốc P liên hệ với T, P đưa trước số tiền là 20.000.000đồng cùng bộ hồ sơ xin chuyển công tác. Khi nhận hồ sơ và số tiền trên, T không tiến hành xin chuyển công tác cho anh Trần Quốc P theo thỏa thuận, đồng thời đốt bỏ hồ sơ còn số tiền chiếm đoạt được T sử dụng vào mục đích cá nhân, quá thời gian như đã hứa hẹn anh P gọi điện hỏi thì T trả lời “được rồi nhưng phải chờ thêm thời gian nữa vì đang giải quyết các suất còn lại”, nghe vậy nên anh P tin tưởng.

Đến đầu năm 2014, T hẹn gặp anh P và yêu cầu đưa thêm 10.000.000đồng để lo công việc thì được anh P đồng ý và đưa tiền. Tuy nhiên, trong năm 2014, không có quyết định đi làm nên anh P gọi hỏi thì được T trả lời “qua năm 2015 sẽ giải quyết và năm 2014 không có chỉ tiêu”. Đến tháng 6/2015, T tiếp tục đưa ra thông tin gian dối, yêu cầu anh P đưa thêm số tiền 15.000.000đồng để hoàn tất hồ sơ, nghe vậy anh P đã đưa thêm cho T số tiền 15.000.000 đồng. Đến ngày 27/8/2016, T tiếp tục gọi điện cho anh P và yêu cầu đưa thêm số tiền 5.000.000 đồng để T đi lấy quyết định cho anh P thì được anh P đồng ý, đồng thời yêu cầu T viết giấy vay nợ với tổng cộng số tiền 52.000.000đồng.
Thứ năm: Khoảng tháng 4/2016, chị Dương Hồng X nói với chị Đỗ Thị Trúc V đang cần xin việc làm cho em chồng là Đặng Thị P và nhờ chị V liên hệ giúp. Sau đó, chị V đến gặp T để nhờ T xin việc cho chị P. Ngày 18/6/2016, chị X đến nhà chị V và đưa cho chị V số tiền là 50.000.000đồng cùng 01 bộ hồ sơ xin việc của Đặng Thị P. Ngày 19/6/2016, Chị V cầm hồ sơ của chị Đặng Thị P đưa cho T, T nhận hồ sơ và yêu cầu đưa trước cho T 40.000.000đồng.

Đến chiều ngày 20/6/2016, chị V cùng anh Phan Tuấn A (em rễ của V) đến gặp và đưa cho T số tiền 40.000.000 đồng, đồng thời lập một giấy nhận tiền, khi nhận tiền thì T cam kết đến ngày 15/7/2016 chị Đặng Thị P sẽ có quyết định đi giảng dạy tại Trường tiểu học L thuộc xã Đ. Đến giữa tháng 7/2016, T tiếp tục gọi điện cho chị V và yêu cầu đưa thêm 10.000.000đồng để giải quyết cho xong công việc của P thì được chị V đồng ý và nhờ anh Phan Tuấn A cầm 10.000.000 đồng đến đưa cho T. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 8/2016, vì không thấy quyết định đi làm của P nên chị V thường xuyên gọi điện hỏi T thì T đều lấy lí do nơi làm việc của P đã được thay đổi chuyển đến dạy tại trường khác nên phải chờ quyết định và yêu cầu chị V đưa thêm 5.000.000đồng để đi lo quyết định cho P thì được chị V đồng ý và đưa tiền. Một thời gian sau, vẫn không nhận được quyết định đi làm của P, chị V biết mình bị T lừa đảo chiếm đoạt số tiền 55.000.000 đồng.

Sau đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của T đã bị anh Bùi Văn C, chị Phạm Thị T, chị Dương Hồng X, anh Trần Quốc P và chị Nguyễn Thị T làm đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bản án sơ thẩm số 34/2017/HSST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã quyết định tuyên bố bị cáo Đặng Bá T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”:

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm b, p, s khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Đặng Bá T 04 (Bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 14/12/2016. Ngoài ra bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo.

Ngày 25/9/2017, người bị hại bà Phạm Thị T kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo. Ngày 26/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo và xác định lại tư cách tham gia tố tụng đối với chị Đỗ Thị Trúc V và chị Đặng Thị P.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo thừa nhận Tòa án nhân dân huyện
Tuy Đức xử phạt bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 139 của Bộ luật Hình sự là đúng, không oan. Kết quả tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông kết luận: Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức xử phạt bị cáo Đặng Bá T theo khoản 3 Điều 139 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông rút một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức về phần xác định lại tư cách tham gia tố tụng đối với chị Đỗ Thị Trúc V và chị Đặng Thị P và giữ nguyên phần kháng nghị về hình phạt đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng Hình sự, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức, sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm b, p, s khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g, khoản 1 Điều 48; Điều 47 của Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Đặng Bá T từ 05 năm 06 tháng tù đến 06 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không bào chữa gì.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra công khai tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Bản án sơ thẩm số: 34/2017/HSST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức xử phạt bị cáo Đặng Bá T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức và kháng cáo của của người bị hại bà Phạm Thị T về phần hình phạt, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo có nhân thân xấu. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn, hối cải, đã bồi thường thiệt hại cho những người bị hại và anh Bùi Văn C, Trần Quốc P, Nguyễn Cao T đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ngoài ra, bị cáo được tặng thưởng bằng khen, ông nội của bị cáo là người có công với cách mạng, bác ruột của bị cáo là liệt sỹ. Bị cáo đang mang bệnh U cơ ác tính, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm sau khi xem xét đầy đủ tình tiêt giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo đã quyết định áp dụng Điều 47 để xử phạt bị cáo mức hình phạt dưới khung hình phạt là phù hợp, nhưng xử phạt bị cáo 04 năm tù là nhẹ, chưa đánh giá đúng mức độ và hậu quả mà hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, do đó có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức, sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo cho phù hợp.Đối với kháng nghị yêu cầu xác định lại tư cách tham gia tố tụng đối với chị Đỗ Thị Trúc V và chị Đặng Thị P: Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông rút phần kháng nghị này là có căn cứ theo khoản 1 Điều 238 Bộ luật tố tụng Hình sự cần chấp nhận.

Mặc dù, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tội phạm đã hoàn thành và chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo là thiếu sót. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm về phần áp dụng pháp luật, áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.

Về án phí: Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, chị Phạm Thị T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng Hình sự;

1. Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức và kháng cáo của người bị hại bà Phạm Thị T, sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt và phần áp dụng pháp luật đối với bị cáo,

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm b, p, s khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 47 của Bộ luật Hình sự: xử phạt bị cáo Đặng Bá T 05 (Năm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 14/12/2016.

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

628
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 68/2017/HSPT ngày 22/11/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:68/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về