TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
BẢN ÁN 68/2017/HSPT NGÀY 14/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 14 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 79/2017/HSPT ngày 04-7-2017 đối với bị cáo Trần Công B, do có kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 42/2017/HSST ngày 30-5-2017 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Bị cáo bị kháng cáo:
Họ và tên: Trần Công B, sinh năm 1977, tại Bắc Giang; Nơi ĐKHKTT: Thôn PT, xã PT, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng; Nơi cư trú: Thôn TL, xã ĐĐ, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp Lái xe; Trình độ văn hóa (học vấn) 12/12; Dân tộc Kinh; Con ông Trần Công K, sinh năm 1936; con bà Bùi Thị X, sinh năm 1946; Vợ Nguyễn Phạm Xuân V, sinh năm 1979 (đã ly hôn); Bị cáo có 04 người con, lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2014.
Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày ngày 24/02/2017 đến ngày 21/3/2017 thay đổi biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” ; Bị cáo tại ngoại.
Có mặt.
- Những người tham gia tố tụng có kháng cáo, có liên quan đến kháng cáo:
Bị hại: Chị Trương Thị B (tên khác N), sinh năm 1984; Nơi cư trú: Thôn TL, xã ĐĐ, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Đặng Văn P, sinh năm 1983; Nơi cư trú: Thôn TL, xã ĐĐ, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, hành vi bị cáo bị truy tố, xét xử được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 16 giờ 00 phút ngày 19/8/2016, bị cáo điều khiển xe ô tô biển số 49A-118.64 chở theo một người tên T (chưa xác định được nhân thân, lai lịch) từ nhà đến nhà vợ chồng chị B, anh P để gặp người phụ nữ tên Ph đòi nợ.
Khi vào nhà bị cáo ngồi tại bàn uống nước kê ngoài hiên sát cửa phòng khách, còn T đứng ngoài hiên sát với mép đường. Do không gặp được Ph, bị cáo quay sang đòi nợ anh P, nhưng anh P cho rằng không có nợ tiền bị cáo dẫn đến cãi nhau. Lúc này, bị cáo đứng dậy cầm hai chai nước trên bàn ném xuống đất, dùng tay tát vào mặt anh P một cái. Thấy bị cáo tát anh P, bị hại chị B cầm ghế nhựa đang ngồi phang về phía bị cáo nhưng bị cáo giữ được hai chân ghế và giằng co với bị hại chị B, anh P cũng lao đến giằng co ghế, sau đó bị hại chị B bỏ ghế ra và chạy vào trong góc phòng khách nơi để bát lấy 01 con dao (dài khoảng 30cm, bản rộng 06cm) dơ lên để dọa chém bị cáo và đối tượng T thì cả hai đối tượng bỏ chạy ra ngoài đường nơi để xe, bị cáo đến chỗ cối xay cà phê của cửa hàng Tài Đạt L gần nhà bị hại chị B lấy cây gậy bằng tuýp sắt dài khoảng 50cm quay lại, bị cáo dùng tay phải cầm tuýp sắt đánh 01 cái trúng vào đầu bị hại chị B gây thương tích, sau đó, bị cáo vứt cây gậy tuýp sắt ở chỗ cối xay cà phê và lên xe ô tô đi về, còn bị hại chị B được đưa đến Trung tâm y tế huyện Lâm Hà điều trị vết thương.
Ngày 02-12-2016, Trung tâm pháp y tỉnh Lâm Đồng kết luận bị hại chị B bị vết thương dọc đỉnh đầu dài 5,5cm, với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 10%.
Tại Bản án số 42/2017/HSST ngày 30-5-2017 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà tuyên bố bị cáo Trần Công B phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự.
Xử phạt Bị cáo Trần Công B 12 tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày 30/5/2017 tuyên án sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án còn buộc bồi thường số tiền 50 triệu (đã bồi thường 10 triệu, còn lại 40 triệu); giải quyết về án phí, quyền kháng cáo; quyền yêu cầu thi hành án theo quy định pháp luật.
Ngày 13-6-2017 bị hại chị B kháng cáo cho rằng bản án vi phạm thủ tục tố tụng; yêu cầu được giám định lại về tỷ lệ thương tật; đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Ngoài ra, người có quyền lợi liên quan anh P có đơn ghi ngày 25-7-2017, yêu cầu được giám định lại về thương tật của mình.
Tại phiên tòa phúc thẩm; người bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo. Đối với anh P cho rằng kết luận giám định 1% đối với thương tật của anh là không khách quan, giữ nguyên yêu cầu đề nghị được giám định lại về thương tật.
Bị cáo B đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị hại, đề nghị giám định lại của người liên quan. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã nộp 10 triệu để bồi thường thiệt hại; còn lại 30 triệu đề nghị được bồi thường ngay tại phiên tòa phúc thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của người bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, người bị hại; người có quyền lợi liên quan. Hội đồng xét xử nhận định như sau:
1. Xuất phát từ việc bị cáo cho rằng anh P nợ tiền bị cáo và yêu cầu trả nợ nhưng do anh P không thừa nhận, dẫn đến cãi nhau; bị cáo dùng tay tát một cái vào mặt anh P thì bị hại chị B cầm ghế nhựa đang ngồi đánh bị cáo, nhưng bị cáo giữ được hai chân ghế và giằng co với bị hại chị B, anh P; sau đó bị hại chị B vào trong nhà cầm 01 con dao (dài khoảng 30cm, bản rộng 06cm) dơ lên để dọa chém bị cáo, nên bị cáo bỏ chạy ra ngoài đường, bị cáo đến chỗ cối xay cà phê của cửa hàng Tài Đạt L gần nhà bị hại chị B lấy cây gậy bằng tuýp sắt (dài khoảng 50cm) quay lại, đánh 01 cái trúng vào đầu bị hại chị B. Hậu quả làm cho chị B bị thương tích rách da đầu, điều trị Trung tâm y tế huyện Lâm Hà; sau đó được Trưng cầu giám định xác định tỷ lệ 10%. Đối chiếu giữa lời khai của bị cáo, lời khai người bị hại, người liên quan, kết luận giám định thương tích; Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo Trần Công B phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự là có căn cứ.
Xét hành vi của bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại sức khỏe của người bị hại, gây ảnh hưởng trật tự trị an của địa phương. Cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tình giảm nhẹ quy định định các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự; tuyên phạt bị cáo mức hình phạt tù, áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự, cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục; bảo đảm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
2. Xét kháng cáo của bị hại chị B đối chiếu tài liệu chứng cứ đã thu thập thể hiện: Sau khi vụ việc xảy ra, Công an xã Đạ Đờn lập biên bản sự việc, có anh P tham gia ghi nhận đúng sự việc anh P trình bày. Bị hại chị B kháng cáo đề nghị giám định lại thương tích là không có căn cứ; bởi lẽ việc giám định thương tích của bị hại phản ánh đúng theo bệnh án, phù hợp với hành vi của bị cáo gây ra; kết luận giám định đúng trình tự thủ tục; sau khi được kết luận giám định, người bị hại chị B đồng ý không thắc mắc khiếu nại.
Đối với thương tích của anh P (chồng bị hại chị B) bị gãy đốt II ngón V, tay trái, được kết luận giám định thương tích 1%, anh P cũng không thắc mắc khiếu nại về kết luận giám định. Ngoài ra, về diễn biến hành vi bị cáo tát anh P 01 cái vào mặt, giằng co ghế với anh P; kết luận điều tra, cáo trạng truy tố đã đề cập “chưa chứng minh được ai là người gây thương tích cho anh P, nên cần tách ra tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ xử lý sau” là phù hợp. Do vậy yêu cầu này của người liên quan anh P là không có căn cứ.
- Đối với thiệt hại về tài sản bị bể (vỡ) 01 ti vi sam sung 21in; bể (vỡ) 01 máy tính bảng hiệu Asus; 01 bình nấu nước hiệu Comet, chính bản thân anh P (chồng bị hại) khai rằng “quá trình xô xát không biết ai làm hư hỏng, sau này nghe kể lại bị cáo vào đập vỡ”. Do vậy kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát đã đề cập “chưa chứng minh được ai là người gây ra thiệt hại các tài sản trên, nên cần tách ra tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ xử lý sau” là phù hợp. Do vậy kháng cáo này của người bị hại là không có căn cứ.
- Kháng cáo của người bị hại chị B cho rằng Cơ quan điều tra bỏ lọt tội phạm đối với người tên T đi cùng bị cáo; đối chiếu với kết quả điều tra thể hiện chưa xác định nhân thân lai lịch người tên T ở đâu, do vậy kết luận điều tra, cáo trạng truy tố đã đề cập “tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật” là phù hợp.
3. Về trách nhiệm dân sự: Theo bản án sơ thẩm nhận định bị cáo tự nguyện bồi thường 50.000.000đ, nên được chấp nhận; bị cáo đã nộp bồi thường trước khi xét xử 10.000.000đ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Hà; bị cáo phải bồi thường tiếp 40.000.000đ. Ngoài ra, sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo tiếp tục nộp bồi thường trước khi xét xử phúc thẩm 10.000.000đ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Hà. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã bồi thường số tiền còn lại 30.000.000đ cho bị hại chị B. Do bị cáo đã bồi thường xong, nên cần sửa bản án sơ thẩm về phần này; đối với số tiền 20.000.000đ bị cáo đã nộp bồi thường trước khi xét xử, Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Hà chi trả cho bị hại chị B theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự.
4. Về án phí phúc thẩm: Vụ án xét xử theo đơn kháng cáo của người bị hại nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.
- Về án phí sơ thẩm: Bị cáo chỉ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định. Đối với án phí dân sự bị cáo đã bồi thường xong trước khi xét xử, nên bị cáo không phải chịu án phí dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị hại chị B; sửa bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại ; Xử:
1. Tuyên bố bị cáo Trần Công B phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Trần Công B 12 tháng tù cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày 30/5/2017 tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Trần Công B cho Ủy ban nhân dân xã ĐĐ, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách; Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án. Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú thì việc Thi hành án thực hiện theo qui định tại khoản 1 điều 69 Luật Thi hành án hình sự.
2. Về trách nhiệm dân sự: Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Hà chi trả cho người bị hại chị Trương Thị B (tên khác N) số tiền 20.000.000đ, theo các biên lai thu số 06617 ngày 10-3-2017 và số 06664 ngày 10-8-2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Hà.
3. Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Trần Công B phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm, người bị hại chị B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 68/2017/HSPT ngày 14/08/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 68/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lâm Đồng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về