TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
BẢN ÁN 67/2019/HS-PT NGÀY 21/08/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 21 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 78/2019/TLPT-HS, ngày 09-7-2019 đối với bị cáo Vàng Chí Liềng, Vàng A Sàng; do kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 15/2019/HS-ST ngày 28-5-2019 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Vàng Chí L; sinh năm: 1999 tại tỉnh Hà Giang; Nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn n, xã LS, huyện ĐR, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 5/12; quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: H’Mong; Tôn giáo: Tin lành; Con ông: Vàng Seo C, sinh năm 1977 và bà Vàng Thị S, sinh năm 1974; Gia đình có 05 người, lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 2008, bị cáo là con thứ 2 trong gia đình; Vợ: Sùng Thị P, sinh năm 1999; Có 02 con; lớn nhất sinh năm 2016, nhỏ nhất sinh năm 2017; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 25-4-2019; Hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Vàng Chí L: Ông Nguyễn Văn Dũng - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
2. Bị cáo: Vàng A S; sinh năm: 1997 tại tỉnh Hà Giang; Nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn n, xã LS, huyện ĐR, tỉnh Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 6/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: H’Mong; Tôn giáo: Tin lành; Con ông Vàng Mí S, sinh năm 1976 và bà Lù Thị V, sinh năm 1977; Gia đình có 08 người, lớn nhất là bị cáo, nhỏ nhất sinh năm 2016; Vợ: Giàng Thị C, sinh năm 2000; Có 01 con, sinh năm 2018; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 25-4-2019; Hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Vàng A S: Bà Lê Thanh Luyến - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
Trong vụ án còn có nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, vụ án không bị kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2009, Vàng Chí L và Vàng A S theo bố mẹ từ Hà Giang vào Thôn n, xã LS, huyện ĐR, tỉnh Lâm Đồng để sinh sống, làm ăn và lập gia đình. Vì muốn có nhà ở riêng nên vào khoảng tháng 8-2018 L bàn với S đi lên rừng tìm cây gỗ để cưa hạ về làm nhà, S đồng ý. Cả hai đi lên lô a khoảnh 5 tiểu khu 182, thuộc địa giới hành chính xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng thì phát hiện có nhiều cây gỗ Hoa lý. Sau đó Liềng trở về nhà lấy 01 cưa xăng cầm tay, còn Sàng chuẩn bị đồ ăn, nước uống rồi quay lại tiểu khu 182. L và S thay phiên nhau sử dụng máy cưa xăng mang theo, cưa hạ 02 cây gỗ Hoa lý còn sống, rồi xẻ trong khoảng 07 ngày thì được 22 hộp gỗ có kích thước khác nhau. Tại đây Liềng và Sàng cùng nhau vận chuyển số gỗ đã xẻ được về nhà, trong đó L lấy 12 hộp, Sàng lấy 10 hộp.
Ngày 17-10-2018 Cán bộ Trạm quản lý và bảo vệ rừng Đạ R’Mang thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk đi kiểm tra, phát hiện việc khai thác lâm sản trái phép. Đến ngày 21-10-2018 đã đưa Vàng Chí Liềng và Vàng A Sàng lên vị trí 02 cây gỗ Hoa lý do Liềng và Sàng khai thác trái phép và lập biên bản vi phạm.
Theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 20-11-2018: Tại vị trí lô a khoảnh 5 tiểu khu 182, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông có 02 cây gỗ Hoa lý (Nhóm IV) bị cưa xẻ trái phép, tổng khối lượng lâm sản bị cưa hạ là 8,366m3, trạng thái rừng IIIa2, đối tượng rừng phòng hộ, hình thức tác động dùng máy cưa xăng cầm tay. Cụ thể: Cây số 01 có đường kính gốc 0,9m, trong đó khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 5,08m3, trong đó: khối lượng lâm sản đã bị lấy đi là 4,142m3, khối lượng lâm sản còn lại là 0,938m3; Cây số 02 có đường kính gốc 0,8m, khối lượng lượng lâm sản bị thiệt hại là 3,286m3, trong đó khối lượng lâm sản đã bị lấy đi là 0,816m3, khối lượng lâm sản còn lại là 2,47m3.
Quá trình điều tra đã thu giữ: 01 máy cưa xăng cầm tay, màu cam trắng, trên máy có ghi chữ bằng bút xóa màu trắng: “Liềng Sàng”, máy đã cũ. Thu giữ tại nhà bị cáo Liềng 02 hộp gỗ tổng khối lượng là 0,137m3; Thu giữ tại nhà Vàng A Sàng 02 hộp gỗ có khối lượng 0,122 m3 số còn lại Cơ quan điều tra tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được. Đối với số gỗ còn lại tại hiện trường và 0,259m3 thu giữ tại nhà các bị cáo, Cơ quan điều tra đã bàn giao cho Hạt kiểm lâm huyện xử lý theo quy định.
Theo bản kết luận định giá tài sản số 15, ngày 01-3-2019 của Hội đồng định giá huyện Đam Rông, kết luận: Giá trị thiệt hại về lâm sản của 02 cây gỗ Hoa lý do Vàng Chí L và Vàng A S khai thác trái phép là 15.263.000đ, giá trị thiệt hại về môi trường là 61.052.000đ, tổng giá trị thiệt hại về rừng là 76.315.000đ.
Tại bản cáo trạng số 13/CT-VKS ngày 11-4-2019 của viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng để xét xử các bị cáo Vàng Chí L và Vàng A S về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 15/2019/HS-ST ngày 28-5-2019 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã xử:
Tuyên bố các bị cáo Vàng Chí L, Vàng A S phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Vàng Chí L 06 (Sáu) tháng tù; xử phạt bị cáo A S 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 25-4-2019.
Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự. Buộc bị cáo Vàng Chí L, Vàng A S phải liên đới bồi thường thiệt hại về lâm sản với số tiền là 15.263.000đ để sung quỹ nhà nước. Trong đó Vàng Chí L 7.631.500đ; Vàng A S 7.631.500đ.
Ngoài ra bản án còn xử lý vật chứng; tuyên án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 03-6-2019 bị cáo L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 04-6- 2019 bị cáo S kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa các bị cáo giữ nguyên kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bào chữa cho các bị cáo đề nghị xem xét các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, mục đích khai thác gỗ là để làm nhà ở, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; các bị cáo đã được áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ. Sau khi xét xử các bị cáo đã tác động gia đình nộp tiền bồi thường khắc phục gần xong số tiền cấp sơ thẩm đã tuyên. Đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, thời gian tạm giam đến nay gần 4 tháng nên đề nghị tuyên phạt các bị cáo bằng thời gian tạm giam.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Khoảng cuối tháng 8-2018 do cần gỗ để làm nhà, Vàng Chí L và Vàng A S đi vào lô a khoảnh 5 Tiểu khu 182, xã Liêng Srônh do Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý dùng máy cưa xăng cầm tay cưa hạ và xẻ trái phép 02 cây gỗ Hoa lý, thuộc nhóm IV, tổng khối lượng lâm sản là 8,366m3, đối tượng rừng phòng hộ. Tổng giá trị gây thiệt hại về lâm sản là 15.263.000đ.
Xét lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015.
[2] Xét kháng cáo của bị cáo Vàng Chí L, Vàng A S xin giảm nhẹ hình phạt: Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong hạn luật định và đúng quy định nên được xem xét.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự đến quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương; Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất vụ án, xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt các bị cáo mức án như trên là thỏa đáng. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo tác động gia đình nộp 12.000.000đ để khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Các bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự nên chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt các bị cáo bằng thời gian tạm giam cũng đủ răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
[3] Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Vàng Chí L, Vàng A S, sửa bản án sơ thẩm.
Tuyên bố các bị cáo Vàng Chí L, Vàng A S phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 54; Điều 38 Bộ luật hình sụ năm 2015;
Xử phạt bị cáo Vàng Chí L 03 (Ba) tháng 26 (Hai mươi sáu) ngày tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 25-4-2019;
Xử phạt bị cáo Vàng A s 03 (Ba) tháng 26 (Hai mươi sáu) ngày tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 25-4-2019.
Các bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù. Áp dụng Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự; Tuyên trả tự do cho các bị cáo ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc nếu các bị cáo không bị tạm giam về hành vi tội phạm nào khác.
2. Về án phí: Áp dụng Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí tòa án. Các bị cáo Vàng Chí L, Vàng A S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 67/2019/HS-PT ngày 21/08/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Số hiệu: | 67/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lâm Đồng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/08/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về