TOÀ ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHỔ YÊN - THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 67/2017/HSST NGÀY 24/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 24 tháng 7 năm 2017, tại Hội trường Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, tiến hành xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 49/2017/HSSTngày 14/6/2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 50/2017/QĐXX ngày 03/7/2017 đối với bị cáo:
Hà Văn O; Tên gọi khác: Không; sinh năm 1969.Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: xóm Nguyễn Hậu 2, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Văn hoá: 7/12; Nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Hà Văn Ch, sinh năm 1936 và con bà Hoàng Thị G, sinh năm 1936, đều trú tại: xóm Nguyễn Hậu 2, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Bị cáo có 07 anh em ruột, O là con thứ 3; có vợ là Hoàng Thị B, sinh năm 1971, vợ chồng có 03 con chung: con lớn sinh năm 1990, nhỏ sinh năm 1996. Tiền án,tiền sự: Không (theo danh bản, chỉ bản số: 88 do Công an thị xã Phổ Yên lập ngày 20/3/2017). Hà Văn O không bị tạm giữ, tạm giam. Được áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt tại phiên tòa).
* Người bị hại:
Bà Tạ Thị D, sinh năm 1964
TQ: Xóm Nguyễn Hậu 1, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. (Có mặt tại phiên tòa).
* Người làm chứng:
1. Chị Hoàng Thị B, sinh năm 1971 – Có mặt
TQ: Xóm Nguyễn Hậu 2, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên
2. Ông Hà Văn B, sinh năm 1966 - Có mặt
TQ: Xóm Nguyễn Hậu 1, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên
3. Ông Hoàng Văn P, sinh năm 1967 – Vắng mặt
TQ: Xóm Nguyễn Hậu 2, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
1.Về hành vi phạm tội của bị cáo: Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 17/01/2017, bà Tạ Thị D, sinh năm 1964, trú tại xóm Nguyễn Hậu 1, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên đi ra ruộng sắn của gia đình tại cánh đồng Tránh thuộc xóm Nguyễn Hậu 2, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, thấy ruộng sắn của gia đình bị trâu, bò phá hoại, bà dưỡng có chửi đổng “...trâu bò nhà nào vào ăn và làm gẫy hết sắn nhà tao”, bà D không chửi ai cụ thể. Trong lúc bà Dưỡng chửi thì Hà Văn O cùng vợ là chị Hoàng Thị B đang đuổi bò về nhà, thấy bà D chửi đổng, Hà Văn O nghĩ bà Dưỡng chửi mình nên đã cùng vợ là Hoàng Thị B cãi chửi nhau với bà D, hai bên lời qua, tiếng lại, khi bị chửi bà D có gọi điện thoại về nhà cho chồng là ông Hà Văn B . Sau đó ông B ra và được chứng kiến toàn bộ sự việc. Còn Hà Văn O sau khi cãi nhau với bà D đã bỏ về nhà, O đem theo chiếc cào ba răng chuyên dùng để xúc phân (lưỡi cào bằng sắt, chuôi cào bằng tre) rồi chạy ra ngoài đồng nơi bà D đang gánh sắn về nhà, chị B đi theo sau O , khi O cầm cào ba răng đến dọa, bà Dưỡng thấy vậy bỏ gánh sắn xuống tay cầm cuốc dơ lên định đánh lại O , O đến gần bà Dưỡng cách khoảng 1,5 đến 2 m thì dơ cào ba răng lên bổ về phía người bà D một nhát vào khu vực cánh tay trái, chiếc cào rơi xuống mương nước gần đó, O bỏ về nhà. Sau khi bị O dùng cào bổ vào người bên tay trái, khi đó chị B (vợ O ) đứng ở cổng nhà đến chỗ bà D tát 4 – 5 cái vào mặt bà D rồi nhặt chiếc cào ba răng O vừa đánh bà D bị rơi xuống mương nước cầm về nhà. Do bị đánh vào tay nên bà D bị gẫy xương cánh tay trái, sau khi về nhà đến 20 giờ cùng ngày bà D nhập viện điều trị.
Tại bệnh án ngoại khoa của khoa ngoại B5 do bệnh viện 91 Phổ Yên lập ngày 24/01/2017, thể hiện bệnh nhân Tạ Thị D vào viện lúc 20 giờ ngày 17/01/2017 với chuẩn đoán khi nhập viện: Đau, bất lực vận động cánh tay trái. Kết quả chụp X Quang thể hiện: bà Tạ Thị D bị gẫy 1/3 trên xương cánh tay trái. bà D được điều trị từ ngày 17/01/2017 đến ngày 24/01/2017 ra viện, thời gian điều trị 08 ngày kết quả điều trị: mổ vết thương. Tại Quyết định trưng cầu giám định số 57 ngày 17/02/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Phổ Yên yêu cầu Tổ chức giám định y pháp tỉnh Thái Nguyên xác định tỷ lệ phần trăm thương tích của bà Tạ Thị D và xác định cơ chế hình thành thương tích.Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 39/TgT ngày 17/02/2017 của Trung tâm giám định pháp y Sở y tế tỉnh Thái Nguyên đối với bà Tạ Thị D kết luận: “Dấu hiệu chính qua giám định: gẫy kín 1/3 G xương cánh tay trái can liền tốt, trục thẳng, không ngắn chi, cánh tay cử động tương đối bình thường. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Tạ Thị D hiện tại là 15% (mười lăm phần trăm). Căn cứ vào vết thương vùng tay và hồ sơ bệnh án điều trị chưa đủ cơ sở để xác định cơ chế hình thành thương tích”.
Quá trình điều tra chị Hoàng Thị B khai nhận dùng cào ba răng lưỡi bằng sắt, chuôi bằng tre đánh bà D, chị B tự nguyện giao nộp vật chứng hồi 17 giờ 42 phút ngày 17/01/2017 cho công an viên xóm Nguyễn Hậu, xã Tiên Phong để nộp vật chứng cho CQ điều tra Công an thị xã Phổ Yên, phục vụ điều tra vụ án. Xong tại quá trình điều tra bản thân Hà Văn O thừa nhận giữa O và bà D đã có mâu thuẫn cá nhân từ trước, chiều tối ngày 17/01/2017, khi bà Dưỡng chửi bâng quơ, O nghĩ bà D chửi gia đình mình về việc để bò phá hoại sắn. Do vậy, hai bên có lời nói qua lại. Vì bực tức nên O đã về nhà lấy cào ba dùng cào phân đánh vào người bà D làm bị gẫy cánh tay trái, xác định lỗi do mình gây nên. Cũng tại quá trình điều tra, bản thân bị cáo O được nhận dạng vật chứng, người bị hại được nhận dạng vật chứng, bà D xác định cánh tay bị gẫy do Hà Văn O dùng cào ba lưỡi bằng sắt nhọn đánh gẫy cánh tay, bà phải đi viện điều trị thương tích. Chị B có dùng tay tát bà Dưỡng 4 – 5 cái vào vùng mặt, không gây thương tích. Bà Dưỡng yêu cầu Hà Văn O phải bồi thường chi phí điều trị và tổn thất về tinh thần số tiền 50 triệu đồng, không đề nghị gì đối với chị B.
2. Cáo trạng truy tố của VKS: Tại bản cáo trạng số 53/KSĐT ngày 14/6/2017 của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên truy tố Hà Văn O về tội "Cố ý gây thương tích", quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự (tình tiết định khung tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn O đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả bồi thường toàn bộ chi phí điều trị cho gia đình bà D số tiền 45.000.000đ, bị hại không yêu cầu bồi thường thêm. Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận:
- Giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Hà Văn O về tội ”Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS, tại bản cáo trạng đã thể hiện. Về nhân thân: Bị cáo là người đủ năng lực, TNHS xong do mâu thuẫn cá nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa có thái độ khai báo thành khẩn, bản thân bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả bồi thường toàn bộ chi phí cho bị hại Tạ thị D số tiền 45.000.000đ. Bị cáo còn có đơn xin cải tạo tại địa phương được chính quyền xác nhận, bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ TNHS tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS. Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS tại Điều 48 BLHS.
Từ những đánh giá nêu trên đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Hà Văn Oanh phạm tội Cố ý gây thương tích. Đề nghị HĐXX, áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều
46 BLHS, Điều 60 BLHS, xử phạt bị cáo Hà Văn O từ 24 – 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 48 – 60 tháng. Giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách bản án.
Về trách nhiệm dân sự: Đã giải quyết xong. Vật chứng: Đề nghị áp dụng Điều 41 BLHS; Điều 76 BLTTHS: tịch thu tiêu hủy 01 chiếc cào ba (theo biên bản giao nhận vật chứng).
Án phí: Đề nghị áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo chịu án phí HSST theo quy định. Bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của của bị cáo: Nhất trí với luận tội của đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Toà án cho hưởng lượng khoan hồng của pháp luật; về bồi thường dân sự thì gia đình bị cáo đã bồi thường xong, nay không có yêu cầu thêm”.
Những người tham gia tố tụng khác (người bị hại) nhất trí với quyết định truy tố của Viện kiểm sát, không có ý kiến gì về luận tội và không tranh luận tại phiên tòa. Đề nghị HĐXX cho bị cáo hưởng lượng khoan hồng với mức án nhẹ nhất. Lời nói sau cùng của bị cáo trước khi HĐXX nghị án: Bị cáo đã thấy việc làm của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo xin HĐXX cho hưởng lượng khoan hồng, được cải tạo tại địa phương để có cơ hội lao động bù đắp về kinh tế do mình gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị hại.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Về tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra bị cáo và người bị hại, người làm chứng được thực hiện đối chất và đưa ra chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; bị cáo và người bị hại, người làm chứng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.
[2]. Về hành vi bị truy tố của bị cáo: Bằng các chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, qua xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX có đủ cơ sở khẳng định: Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 17/01/2017, Hà Văn O trên đường đuổi bò từ bờ đê về nhà thuộc xóm Nguyễn Hậu 2, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, nhìn thấy bà Tạ Thị D vừa cuốc sắn vừa chửi nhà ai nuôi nhiều bò phá hoại sắn, lúc này trời sẩm tối, nghĩ bà D chửi mình nên Hà Văn O đã cãi, chửi nhau với bà D , sau khi đuổi bò về nhà O cầm theo chiếc cào ba dùng để xúc phân đi ra đồng nơi bà D đang gánh sắn về nhà, khi đi đến cách bà D khoảng 2 m thì thấy bà D đặt gánh sắn xuống đất, bà D dùng cuốc dơ lên về phía người O , do tưởng bà D đánh mình nên O cầm cào ba (lưỡi cào bằng sắt nhọn) bằng tay phải dơ lên cao qua đầu bà D bổ một nhát vào phía cánh tay trái bà , chiếc cào rơi xuống mương nước, O bỏ về nhà. Chị Hoàng Thị B (vợ của O ) đi ra chửi nhau với bà D đồng thời dùng tay tát bà D rồi cầm cào ba ra về. Đến 20 giờ cùng ngày do tay đau biến dạng, bà D nhập viện 91 Phổ Yên khám và điều trị, thời gian điều trị 8 ngày từ ngày 17/01/2017 đến ngày 24/01/2017 ra viện. Theo kết quả giám định tỷ lệ thương tật tại bản Giám định pháp y số: 39/TgT ngày 17/02/2017 của Trung tâm giám định pháp y Sở y tế tỉnh Thái Nguyên đối với bà Tạ Thị D kết luận: Tỷ lệ thương tật toàn bộ là 15%(Mười lăm phần trăm).Tại phiên tòa ngày hôm nay, bị cáo xác định vết thương của bà D là do bị cáo không kiềm chế được bản thân khi nghe chửi, nên có hành động vi phạm pháp luật.
[3].Xét lời khai nhận của bị cáo tại quá trình điều tra và tại phiên tòa, HĐXX xác định: Chỉ vì vì nghĩ rằng bà D chửi mình mà Hà Văn O đã có hành vi dùng cào ba (phần răng bằng sắt, chuôi bằng tre, mỗi răng cào dài 16 cm) để bổ vào cánh tay bà D dẫn đến bị gãy 1/3 cánh tay trái, hậu quả bà D phải nhập viện điều trị mổ cánh tay. Do đó, hành vi của bị cáo đã phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS (với tình tiết định khung tăng nặng là: dùng hung khí nguy hiểm tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS). Căn cứ Tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 104/BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Theo đó: Các loại vật sắc nhọn được coi là hung khí nguy hiểm. Bị cáo dùng cào ba phần lưỡi là 3 răng mỗi răng dài 16 cm bằng sắt nhọn để tác động vào người bị hại dẫn đến thương tích sức khỏe tổn hại 15%, nên chiếc cào ba được coi là hung khí nguy hiểm. [4]. Bản cáo trạng số: 53/KSĐT ngày 14/6/2017 của VKSND thị xã Phổ Yên truy tố Hà Văn O về tội danh và điều luật viện dẫn là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.Cụ thể nội dung Điều 104 BLHS quy định:
1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm...
...
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
[5]. Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS bị cáo được hưởng: vụ án thuộc trường hợp nghiêm trọng, hành vi của bị cáo O thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, Bởi, sức khỏe của con người là khách thể được pháp luật bảo vệ, do vậy mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác đều phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đồng thời góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.
Về tình tiết định khung hình phạt: Hành vi của bị cáo vi phạm tình tiết định khung tăng nặng khác tại điểm a, khoản 1 Điều 104 BLHS, nên phải bị xét xử ở khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Hà Văn O không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS tại Điều 48 BLHS.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo là người lao động thuần túy. Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, bị cáo đã khắc phục hậu quả bồi thường cho người bị hại số tiền 45.000.000 đồng chi phí điều trị và chăm sóc người bị hại bà Tạ Thị D , người bị hại cũng có đơn xin miễn truy cứu TNHS cho bị cáo. Do đó, bị cáo Oanh được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (công bố ngày 09/12/2015) quy định: Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới...và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực. Theo quy định tại khoản 2 Điều 134/Bộ luật hình sự 2015 có khung hình phạt cao nhất thấp hơn khung hình phạt cao nhất của tội danh và điều khoản tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 104/Bộ luật hình sự 1999 (từ 02 đến 05 năm tù so với từ 02 đến 07 năm tù). Như vậy,căn cứ Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và chính sách hình sự mới của Nhà nước. Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, HĐXX áp dụng tất cả các tình tiết có lợi cho người phạm tội, nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật cũng như nâng cao tính giáo dục trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đối chiếu quy định của pháp luật về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, và chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, xét thấy bị cáo O có đơn xin cải tạo tại địa phương được chính quyền địa phương xác nhận chấp hành tốt chính sách của địa phương và đề nghị cho cải tạo tại địa phương. Xét đơn đề nghị của bị cáo thì thấy rằng: bị cáo Hà Văn Oanh có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng. Căn cứ về điều kiện cho hưởng án treo quy định tại mục a, c, d, điểm 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ–HĐTP ngày 06/11/2013, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS, thì bị cáo đều đủ điều kiện. Do đó, không cần thiết phải giam giữ bị cáo, chỉ cần cho hưởng án treo, giao bị cáo cho chính quyền nơi cư trú giám sát giáo dục trong thời giam thử thách cũng có tác dụng răn đe phòng ngừa chung. Mức án mà vị đại diện VKS đề nghị là có căn cứ, cần chấp nhận. [6]. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã thực hiện xong việc bồi thường dân sự cho người bị hại. Tại phiên tòa người bị hại (bà D ) xác nhận đã nhận đủ số tiền do gia đình bị cáo bồi thường, không yêu cầu bồi thường thêm. HĐXX không xem xét, cần thiết ghi nhận việc bị cáo và bị hại đã bồi thường xong.
[7]. Vật chứng: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo và bị hại đều xác nhận vật chứng do CQĐT thu giữ được bị cáo Hà Văn Oanh nhận dạng, người bị hại xác định đúng hung khí bị cáo tác động gây thương tích, đều đề nghị được tiêu hủy. Do đó, cần tiêu hủy phương tiện dùng để phạm tội.
[8].Án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo phải chịu án phí HSST, BC và bị hại có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
[9].Các vấn đề khác: Quá trình điều tra bà Tạ Thị D tự nguyện nộp chiếc áo mặc khi bị gây thương tích, xong áo vẫn nguyên vẹn, CQĐT đã trả lại cho gia dình. Việc trả lại thuộc thẩm quyền của CQĐT, HĐXX không đề cập. Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hà Văn O phạm tội “Cố ý gây thương tích"
2. Về hình phạt: Áp dụng khoản 2 Điều 104 BLHS (tình tiết định khung tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS; dẫn chiếu khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015), điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt: bị cáo Hà Văn O 30 (ba mươi) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (sáu mươi) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nơi bị cáo hiện đang cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự. 3. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận việc bị cáo Hà Văn O và người bị hại bà Tạ Thị D đã bồi thường xong phần TNDS.
4. Vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 41 BLHS; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy 01 chiếc cào ba răng bằng kim loại, mỗi răng cào dài 16 cm, cán cào bằng tre dài 80 cm, đường kính trung bình của cán cào là 3,2 cm (Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa CQĐT công an thị xã Phổ Yên với Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên ngày 15/6/2017). 5. Án phí:
Áp dụng Điều 99 BLTTHS và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bị cáo Hà Văn O phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. 6. Quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 231, 234 BLTTHS: Án xử công khai sơ thẩm có mặt các bị cáo,bị hại tại phiên tòa. Báo cho biết bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (24/7/2017).
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn