Bản án 66/2017/HSPT ngày 14/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 66/2017/HSPT NGÀY 14/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 14 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 42/2017/HSPT ngày 13 tháng 6 năm 2017 do có kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 71/2017/HSST ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Bị cáo bị kháng cáo:

A, sinh năm 1959 tại Hải Phòng; ĐKHKTT và chỗ ở: Số 119/107 Đường B, phường C, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 7/10; con ông D (đã chết) và bà E, sinh năm 1930; có vợ là F, sinh năm 1965 và 01 con sinh năm 1991; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ từ ngày 08/11/2016 đến ngày 17/11/2016 được thay đổi biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại kháng cáo: Bà G, sinh năm 1968; trú tại: Số 01 lô 116 KhuCông nhân C, phường C, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên tòa.

 Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Ông H - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Xã hội & Gia đình – Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên tòa.

NHẬN THẤY

Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân quận Lê Chân và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Lê Chân thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 06 giờ 15 phút ngày 04/3/2012, A đi làm về thấy bà G (là hàng xóm) bán hàng ăn ở cửa nhà có để bếp than ở ngõ đi chung. Thấy khói than bay vào nhà trong khi vợ A đang bị ốm nên A nhắc bà G bê bếp về, bà G vừa bê bếp vừa lời qua tiếng lại thì A đe sẽ đập vỡ bếp, bà G thách thức A dẫn đến hai bên cãi nhau. A xông vào định tát bà G thì bà G lấy dao bán hàng chém về phía A, A giơ tay lên đỡ thì bị trúng vào tay gây chảy máu. A và bà G giằng co nhau, A giằng được con dao bà G đang cầm chém một nhát vào ngực trái, một nhát vào lưng, một nhát vào cẳng tay, cổ tay trái làm bà G ngã, A chém tiếp vào đầu gối trái, cẳng chân của bà G. Lúc này bà H (mẹ của bà G) chạy ra ôm lưng A để can ngăn, A vùng ra thì dao cầm ở tay đã gây thương tích cho bà H.

Tại Bản kết luận giám đinh pháp y số 162- PY/2012 ngày 27/3/2012 của Trung tâm giám định pháp y thành phố Hải Phòng kết luận bà G bị các thương tích sau:

-Vết thương vùng trước ngực phải dài 01 cm;

- Vết xây xước da vùng trước ngực trái dài 0,5cm;

- Vết thương vùng lưng phải dài 2,5cm;

- Vết thương mặt sau 1/3 giữa cẳng tay trái dài 2,5cm;

- Vết thương mặt ngoài cổ tay trái dài 2,5cm;

- 03 vết thương mặt gan bàn tay trái dài 1,5cm; 02cm; 01cm;

- 01 vết thương liền vết phẫu thuật mặt trước trong gối trái dài 0,9cm;

- Sưng nề bầm tím 1/3 trước cẳng chân trái.

Các thương tích trên làm giảm 15% sức lao động.

Tại Bản kết luận giám định pháp y số 163-PY/2012 ngày 27/3/2012 kết luận bà H bị các thương tích sau:

-   02 vết xây xước da mặt sau 1/3 dưới cẳng tay phải dài 0,3cm và 0,1cm;

-   01 vết xây xước da mặt ngoài cẳng tay phải dài 02cm;

-   01 vết xây xước da mặt sau 1/3 dưới cẳng tay trái dài 02cm. Các thương tích trên làm giảm 1% sức lao động. Thương tích nêu trên của bà G và bà H có đặc điểm do vật sắc tác động trực tiếp gây nên.

Người bị hại là bà G trình bày: Khi xảy ra cãi nhau thì A đi đến lấy dao từ trong túi áo khoác đang mặc trên người ra, gây thương tích cho bà G. Bị cáo và gia đình bị cáo đã bồi thường toàn bộ chi phí điều trị thương tích nên bà  không yêu cầu gì khác và đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Thương tích của bà H hiện đã ổn định, bà H không yêu cầu bị cáo bồi thường.

Ngày 08/11/2016, A đến Cơ quan Công an quận Lê Chân đầu thú và khai nhận: Sáng ngày 04/3/2012, A đi làm về thấy khói than tổ ong của nhà bà G bay vào nhà A, A đi đến chỗ bà G bán hàng nhắc nhở thì hai bên xảy ra cãi nhau. Bà G lấy 01 con dao bán hàng dài khoảng 20cm cán bằng sắt, đầu hơi nhọn chém về phía mặt A, A giơ tay lên đỡ thì bị thương ở ngón tay trái. A giằng lấy dao của bà G chém một nhát vào ngực, một nhát vào lưng và nhiều nhát khác nhưng đến nay A không nhớ trúng vào vị trí nào trên người bà G. Sau đó, A đi ra Hồ Ông Báo vứt dao xuống hồ và bỏ trốn nên Cơ quan Công an không thu hồi được con dao mà A đã dùng để gây thương tích cho bà G. Vết thương ở tay của A, A không yêu cầu giám định và không yêu cầu bồi thường.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2017/HSST ngày 08 tháng 5 năm 2017, Tòa án nhân dân quận quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã: Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm1999  Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016; khoản 3 Điều 7; khoản 2  Điều134 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt: A 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích. Thời gian thử thách là 48 tháng kể từ ngày tuyên án.

Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo A và gia đình đã bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà G là 40.000.000 đồng, bà G không còn yêu cầu gì khác nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

Ngày 19/5/2017, bà G kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng tiền bồi thường thiệt hại.

Đơn kháng cáo của người bị hại trong thời hạn luật định nên được chấp nhận xem xét giải quyết.

Ngoài ra sau khi xét xử sơ thẩm, bà H có đơn khiếu nại việc bà bị A gây thương tích làm giảm 1% sức lao động nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng là không đúng.

Tại phiên tòa người bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bà H không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bà.

Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Lê Chân xét xử bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Về hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đánh giá về nhân thân và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo mức án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là thỏa đáng. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại không nêu được tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mới đối với bị cáo. Vì vậy, không có căn cứ tăng hình phạt đối với bị cáo.

Đối với yêu cầu tăng bồi thường thiệt hại: Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người bị hại đều khẳng định bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu của người bị hại và không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm. Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận việc hai bên đã bồi thường xong và không xem xét giải quyết. Do vậy, tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm tiền chi phí điều trị, thiệt hại về thu nhập trong thời gian điều trị và bồi thường tiền tổn thất tinh thần nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không thể xem xét được. Nếu người bị hại có yêu cầu có thể khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại:

Không tranh luận về tội danh nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét:

+ Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 24 tháng tù cho hưởng án treo là quá nhẹ. Bị cáo phạm tội đối với nhiều người, hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội đối với người già và tái phạm. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn khai báo, không bồi thường theo yêu cầu của bị hại. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ tại điểm p, b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự là không đúng. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt và không cho bị cáo được hưởng án treo. Đồng thời đề nghị xác định bà H là người bị hại.

+ Về bồi thường thiệt hại: Đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường theo yêu cầu của người bị hại. Trường hợp  không xem xét thì đề nghị Hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm về phần dân sự.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác;

XÉT THẤY

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo A khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm, phù hợp lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Khoảng 06 giờ 15 phút ngày 04/3/2012, bị cáo A có hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho chị G, làm chị G bị thương giảm15% sức lao động. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cho rằng bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ là không có căn cứ để chấp nhận, bởi lẽ: Xét nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do người bị hại nhiều lần để bếp than ở lối đi chung, khói than bay vào nhà, ảnh hưởng đến môi trường sống của gia đình bị cáo. Do vợ bị cáo đang ốm nên bị cáo nhắc nhở bị hại thì bị hại chửi lại, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại, đánh chửi nhau. Do vậy, đánh giá người bị hại có lỗi một phần.

Ngoài ra luật sư còn cho rằng bị cáo gây thương tích 1% cho bà H là mẹ của chị G nên bị cáo phải chịu thêm tình tiết định khung phạm tội đối với nhiều người và phạm tội đối với người già. Quan điểm này cũng không được Hội đồng xét xử chấp nhận, vì: Căn cứ vào lời khai của bị cáo và của bà H đều thể hiện việc bị cáo gây thương tích cho bà H là do vô ý nên hành vi của bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý gây thương tích. Vì vậy, bà H không phải là bị hại trong vụ án này. Thực tế bà H bị tổn hại về sức khỏe do hành vi vô ý gây thương tích của bị cáo gây ra nên theo quy định của pháp luật bà H được quyền yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bà H đều không yêu cầu bị cáo phải bồi thường mà chỉ yêu cầu Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường cho chị G là con gái bà. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định bà H tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi liên quan đến vụ án là có căn cứ.

Xét yêu cầu kháng cáo của người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng bồi thường, Hội đồng xét xử đánh giá như sau:

Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất vụ án, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân và xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự  “Sau khi phạm tội bị cáo ra đầu thú, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo tích cực tác động gia đình bồi thường khắc phục hậu quả theo yêu cầu của người bị hại”. Đây là những tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, không chấp nhận quan điểm của luật sư về việc không cho bị cáo được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự

Xét về nhân thân: Nhân thân bị cáo có 01 tiền án nhưng đã được xóa án tích gần 40 năm nên không xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm như quan điểm của luật sư. Mặt khác, trong suốt thời gian dài bị cáo luôn chấp hành tốt đường lối, chính sách pháp luật, không có sai phạm gì, hiện bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ bị cáo bị tai biến, chảy máu não nên cần có người chăm sóc, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 24 tháng tù cho hưởng án treo là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại không nêu được tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mới đối với bị cáo. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt và không cho bị cáo được hưởng án treo của người bị hại, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát

Về trách nhiệm dân sự: Ngày 05/5/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, người bị hại xác nhận bị cáo đã bồi thường đủ 40 triệu đồng theo yêu cầu của người bị hại, người bị hại không yêu cầu Tòa án giải quyết và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm nhận định việc bồi thường dân sự đã được hai bên giải quyết xong nên không xem xét, giải quyết. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiếp tiền chi phí điều trị, thiệt hại về thu nhập trong thời gian điều trị và bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho bị hại. Xét yêu cầu của người bị hại thấy: Tại giai đoạn sơ thẩm do người bị hại không yêu cầu nên Hội đồng xét xử sơ thẩm không xem xét, giải quyết, vì vậy Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không thể xem xét được. Đến nay, nếu người bị hại yêu cầu có căn cứ thì có thể khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác.

Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự sơ thẩm. Các  quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bịkháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự,1. Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt: A 24(hai mươi tư) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 (bốn mươi tám) tháng kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường C, quận Lê Chân, thành phố HảiPhòng  giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự

2. Về án phí: Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

579
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 66/2017/HSPT ngày 14/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:66/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:14/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về