Bản án 66/2017/HSPT ngày 01/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG 

BẢN ÁN 66/2017/HSPT NGÀY 01/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 01 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông mở phiên tòa để xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 52/2017/HSPT ngày 20 tháng 6 năm 2017, đối với bị cáo Phạm Văn K và đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2017/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Văn K, sinh năm 1982 tại tỉnh Nghệ An; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ 1, ấp C, xã A, huyện T, tỉnh Đồng Nai; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 12/12; con ông Phạm Văn B, sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1957; có vợ là Nguyễn Thị H, sinh năm 1984 và có 02 con, con lớn sinh năm 1999, con nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 09/01/2016; đang tại ngoại - Có mặt.

2. Nguyễn Anh T, sinh năm 1994 tại tỉnh Nghệ An; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Ấp 1, xã H, huyện N, tỉnh Đồng Nai; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 12/12; con ông Nguyễn Văn Ch, sinh năm 1961 và bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1964; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 04/4/2016; đang tại ngoại - Có mặt.

3. Nguyễn Khắc H, sinh năm 1986 tại tỉnh Hà Tĩnh; nơi đăng ký HKTT: Thôn H, xã T, huyện M, tỉnh Hà Tĩnh; chỗ ở hiện nay: Thôn D, xã E, huyện P, tỉnh Đăk Lăk; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 12/12; con ông Nguyễn Khắc T, sinh năm 1960 và bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1959; có vợ tên là Nguyễn Thị M, sinh năm 1989 và có 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 12/01/2016; đang tại ngoại - Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn K và bị cáo Nguyễn Khắc H: Luật sư Bùi Quang T - Văn phòng luật sư E, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đăk Nông; địa chỉ: Đường G, tổ 1, phường I, thị xã L, tỉnh Đăk Nông – Có mặt.

Những người bị hại:

1. Anh Đỗ Văn Th, sinh năm 1991; trú tại: Thôn 15, xã O, huyện V, thành phố Hải Phòng - Vắng mặt;

2. Anh Đỗ Trường N, sinh năm 1991; trú tại: Thôn Trung Sơn, xã O, huyện V, thành phố Hải Phòng - Vắng mặt;

3. Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1983; trú tại: Xóm 5, xã V, huyện U, tỉnh Bình Định - Vắng mặt;

4. Chị Mai Thị H, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn 11, xã Y, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông – Vắng mặt;

5. Chị Trương Thị Thuỳ L, sinh năm 1984; địa chỉ: Tổ dân phố 3, thị trấn I, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông – Vắng mặt;

Trong vụ án này có các bị cáo Nguyễn Văn Q và Thái Duy C không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ và bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân huyện Đ thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 17 giờ ngày 06/8/2015, anh Đỗ Mạnh T1 cùng các anh Đỗ Văn Th, Đỗ Trường N, Nguyễn Văn C có nói chuyện với Phạm Văn K về việc tính khối lượng công việc và trả lương cho công nhân. Lúc nói chuyện, giữa anh T1 và Phạm Văn K xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau bằng tay nhưng không ai bị thương tích. Sau đó, Phạm Văn K cùng Nguyễn Anh T, Nguyễn Văn Q, Thái Duy C và Nguyễn Huy Ph đi ăn và uống bia ở quán S (địa chỉ: Thôn 3, xã Y, huyện Đ). Nguyễn Huy Ph là lái xe chỉ ngồi ăn không uống bia và ra ngoài trước, Phạm Văn K nói việc mình bị anh T1 đánh, thì Phạm Văn K, Nguyễn Anh T, Nguyễn Văn Q và Thái Duy C thống nhất đi tìm anh T1 để đánh lại. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, có Nguyễn Khắc H cũng đến tham gia ăn uống cùng nhóm của Phạm Văn K. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày thì Phạm Văn K, Nguyễn Anh T, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Khắc H và Thái Duy C đi về phòng trọ tìm anh T1. Phòng trọ của anh T1 ở sát bên phòng trọ của Nguyễn Anh T, Nguyễn Văn Q và Nguyễn Khắc H (địa chỉ: Thôn 11, xã Y, huyện Đ), hai phòng trọ này là của chị Trương Thị Thùy L cho thuê. Nguyễn Anh T đưa cho Nguyễn Văn Q, Nguyễn Khắc H mỗi người một cây gậy sắt dạng ống tuýp dài khoảng 82cm, còn Nguyễn Anh T cầm một thanh sắt dài khoảng 70 cm. Khi đến phòng trọ của anh T1, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Anh T dùng thanh sắt, ống tuýp cậy cửa phòng trọ để vào, trong phòng không có anh T1, chỉ có anh Th, anh N và anh C. Anh C từ phòng ngủ chạy ra thì thấy Nguyễn Văn Q, Nguyễn Anh T ở trong phòng nên chạy vào phòng ngủ, đóng cửa lại và gọi anh Th, anh N thức dậy. Thấy vậy, Nguyễn Anh T, Nguyễn Văn Q đi vào dùng thanh sắt, ống tuýp đập cửa phòng ngủ làm vỡ tấm kính cửa, rồi cùng Nguyễn Khắc H xông vào đánh nhiều cái vào người anh Th, anh N và anh C.

Đối với Thái Duy C: Thái Duy C đi về phòng trọ của mình thay quần áo rồi đi bộ sang phòng trọ của anh T1. Trên đường đi Thái Duy C nhặt 01 cây gậy gỗ dài khoảng 80cm. Khi Thái Duy C đi đến trước phòng trọ của anh T1 thì gặp Nguyễn Anh T đi từ phía trong ra. Sau khi nghe Nguyễn Anh T nói lại việc đã đánh anh Th, anh N và anh C thì Thái Duy C nói với Nguyễn Anh T đập bể điện thoại của anh Th, anh N và anh C và Nguyễn Anh T đồng ý. Sau khi Nguyễn Anh T lấy 04 điện thoại ra ngoài hiên phòng trọ thì Thái Duy C dùng gậy gỗ đập làm hư hỏng hoàn toàn rồi đi về phòng trọ của mình.

Đối với Phạm Văn K: Phạm Văn K đến sau, gặp Nguyễn Anh T đang đi sang nhà chị Mai Thị H thì Phạm Văn K hỏi Nguyễn Anh T việc anh T1 ở đâu. Nghe Nguyễn Anh T trả lời không biết, Phạm Văn K đi vào phòng trọ của Nguyễn Văn Q, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H lấy 01 tuýp sắt rồi sang phòng trọ của các anh Th, anh N và anh C, đánh mỗi người một nhát. Sau đó, Phạm Văn K đi sang nhà chị Hoa thì thấy Nguyễn Văn Q, Nguyễn Anh T đã phá cửa nhà chị Mai Thị H nên Phạm Văn K cùng Nguyễn Văn Q, Nguyễn Anh T đi vào trong nhà chị Mai Thị H. Sau đó, Nguyễn Anh T dùng thanh sắt đập làm hư hỏng cánh cửa phòng ngủ nhưng không thấy anh T1 nên cả nhóm đi ra ngoài và bỏ trốn. Đối với anh Th, anh N và anh C được mọi người đưa đi cấp cứu.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 713/TgT.15 ngày 07/9/2015 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Anh Đỗ Văn Th bị chấn thương gây gãy kín 2 xương cẳng tay trái đã được phẫu thuật kết hợp xương, còn 02 sẹo mổ tại cẳng tay trái có hạn chế sấp ngữa cẳng tay nhẹ;

đa chấn thương phần mềm đã được điều trị hiện còn các vết tăng giảm sắc tố tại vùng ngực trái kích thước 6,5x1cm, mặt sau 1/3 trên đùi trái có 03 vết kích thước 6x1cm, 10,2x1cm, 7,5x1cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 22%.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 773/TgT.15 ngày 29/9/2015 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Anh Đỗ Trường N bị chấn thương gây vỡ lá lách và vỡ thận trái đã được điều trị nội bảo tồn, hiện chỉ còn thấy vết vỡ nhỏ tại thận trái trên phim MSCT chụp vùng bụng, không có dấu vết gì bên ngoài; đa vết thương phần mềm đã được khâu hiện còn các sẹo màu nâu phẳng tại mặt sau ngoài 1/3 giữa cẳng tay phải kích thước 1,2x0,2cm, mặt sau 1/3 trên cẳng tay trái kích thước 1,3x0,4cm, mặt lòng cổ bàn tay trái kích thước 3,6x0,2cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 24%.

Căn cứ Thông báo kết luận định giá tài sản ngày 14/10/2015 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện ĐăkR’Lấp và Kết luận định giá tài sản số 1633/KL-HĐĐG ngày 19/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đăk Nông thì giá trị tài sản bị thiệt hại do Nguyễn Anh T gây ra là 2.695.000 đồng, do Nguyễn Văn Q gây ra là 1.495.000 đồng, do Phạm Văn K gây ra là 1.325.000 đồng, do Thái Duy C gây ra là 1.200.000 đồng.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2017/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đăk Nông quyết định: Tuyên bố các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Khắc H, Thái Duy C phạm tội“Cố ý gây thương tích”. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Anh T phạm tội“Cố ý gây thương tích” và tội “ Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; các điểm b, điểm p khoản 1 , khoản 2 Điều 46 của Bộ Luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Phạm Văn K 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, được trừ đi thời gian bị tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 09/01/2016, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Khắc H 02 (hai) năm tù, được trừ thời gian bị tạm giam trước từ ngày 18/9/2015 đến ngày 04/04/2016, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; khoản 1 Điều 143; điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Anh T 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự: Buộc bị cáo Nguyễn Anh T phải chấp hành hình phạt chung là 02 (hai) năm 09 (chín) tháng tù, được trừ đi thời gian bị tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 04/4/2016, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về phần hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Q và bị cáo Thái Duy C, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.

Ngày 23/01/2017, các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T, Nguyễn Khắc H kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội và thừa nhận Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Khắc H về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự; bị cáo Nguyễn Anh T về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 và tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1 Điều 143 của Bộ luật hình sự là đúng pháp luật, không oan.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông phát biểu ý kiến: Đối với việc giám định tỷ lệ thương tích của người bị hại Đỗ Trường N là 24%, Đỗ Văn Th là 22% là chưa rõ tỷ lệ thương tích của từng tổn thương cơ thể, không đảm bảo nguyên tắc, phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể khi tiến hành giám định. Đối với việc giám định tỷ lệ thương tích của người bị hại Nguyễn Văn C thì giữa người bị hại Nguyễn Văn C và bị cáo Phạm Văn K có thoả thuận người bị hại từ chối giám định thương tích, tuy nhiên đây chỉ là thoả thuận giữa người bị hại Nguyễn Văn C và bị cáo Phạm Văn K; hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện có hay không thoả thuận giữa người bị hại Nguyễn Văn C và các bị cáo khác về việc người bị hại từ chối giám định thương tích do hành vi của các bị cáo khác gây ra. Như vậy, cần xác định rõ từng tổn thương cơ thể người bị hại Nguyễn Văn C do bị cáo nào gây ra và yêu cầu giám định xác định tỷ lệ thương tích cụ thể đối với từng vết thương làm căn cứ giải quyết vụ án được chính xác, không bỏ lọt tình tiết định khung hình phạt. Đối với bị cáo Thái Duy C: Cùng một hành vi, bị cáo Thái Duy C vừa bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự vừa bị xử phạt hành chính theo Quyết định số 70/QĐ-XPHC ngày 15/3/2016 của Công an huyện Đ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau; trong khi đó bị cáo có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính thì không bị xử phạt là không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ cho Công an huyện Đ, thiếu bút lục 355 và có nhiều tài liệu không được lập thống kê tài liệu nên chưa đủ căn cứ để kết luận có vi phạm thủ tục tố tụng hay không. Xét thấy những vấn đề này không thể bổ sung, khắc phục được tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248 và Điều 250 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự: Huỷ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 04/2017/HSST ngày 12/01/2017 của Toà án nhân dân huyện Đ, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Không xem xét nội dung kháng cáo của các bị cáo.

Luận cứ bào chữa của Luật sư Bùi Quang T cho các bị cáo Phạm Văn K và Nguyễn Khắc H: Người bị hại Nguyễn Văn C từ chối giám định là tự nguyện và vụ án này có tính chất đồng phạm. Do đó, việc người bị hại Nguyễn Văn C và bị cáo Phạm Văn K có thoả thuận dẫn đến người bị hại từ chối giám định thương tích là từ chối đối với tất cả thương tích do các bị cáo cùng gây ra, việc từ chối này là đúng quy định pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn K xuất phát từ việc bị nhóm của những người bị hại đánh trước vào buổi chiều cùng ngày (chiều ngày 06/8/2015) và buổi tối bị cáo Phạm Văn K được anh Hứa Văn E gọi điện thông báo nhóm những người bị hại đang tìm đánh bị cáo. Sự việc này gây cho bị cáo và các bị cáo khác bị kích động mạnh về tinh thần dẫn đến hành vi phạm tội. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ mới mà các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Khắc H đã cung cấp cho Tòa án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Từ đó, áp dụng thêm Điều 47, Điều 60 của Bộ luật hình sự, giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Các bị cáo không bào chữa, tranh luận; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra công khai tại phiên toà phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo,

XÉT THẤY

Bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2017/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đăk Nông tuyên bố các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Khắc H phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự; tuyên bố bị cáo Nguyễn Anh T phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 và tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1 Điều 143 của Bộ luật hình sự là đúng pháp luật, không oan.

Xét quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, Hội đồng xét xử xét thấy:

Đối với việc giám định tỷ lệ thương tích của người bị hại Đỗ Trường N là 24%, Đỗ Văn Th là 22% nhưng tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 713/TgT.15 ngày 07/9/2015 và Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 773/TgT.15 ngày 29/9/2015 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh không thể hiện rõ tỷ lệ thương tích từng tổn thương cơ thể người bị hại. Căn cứ Điều 3, Điều 4 Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế Quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể khi tiến hành giám định. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc, phương pháp này là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, cơ quan giám định, các quy định pháp luật không yêu cầu trong bản kết luận giám định pháp y phải ghi chi tiết, cụ thể. Do đó, Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận tổng tỷ lệ thương tích của người bị hại Đỗ Trường N là 24%, Đỗ Văn Th là 22% mà không ghi cụ thể tỷ lệ thương tích từng tổn thương cơ thể là không vi phạm quy định pháp luật.

Đối với việc giám định tỷ lệ thương tích của người bị hại Nguyễn Văn C thì giữa người bị hại Nguyễn Văn C và bị cáo Phạm Văn K có thoả thuận người bị hại từ chối giám định thương tích, tuy trong thoả thuận không nêu rõ là từ chối giám định thương tích đối với vết thương nào do bị cáo nào gây ra hay toàn bộ các vết thương do tất cả bị cáo gây ra nhưng thời điểm người bị hại Nguyễn Văn C làm đơn bãi nại và giấy cam kết có nội dung từ chối giám định thương tích là ngày 10/9/2015, đến ngày 12/01/2017 vụ án bị xét xử sơ thẩm là 01 năm 04 tháng 02 ngày nhưng người bị hại không có yêu cầu được giám định thương tích. Ngày 31/5/2017, bản án hình sự sơ thẩm số 04/2017/HSST ngày 12/01/2017 của Toà án nhân dân huyện Đ được niêm yết công khai theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, người bị hại đồng ý và không có kháng cáo đối với bản án. Hơn nữa, người bị hại đã từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra nên không có căn cứ để giám định.

Đối với Thái Duy C: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 70/QĐ- XPHC ngày 15/3/2016 của Công an huyện Đ (BL 298) đã căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình để xử phạt Thái Duy C về hành vi đánh nhau là có sự sai sót khi đánh máy văn bản, lẽ ra phải ghi là xử phạt về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, vì điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;” Như vậy, không có việc cùng một hành vi, bị cáo Thái Duy C vừa bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự vừa bị xử phạt hành chính theo Quyết định số 70/QĐ-XPHC ngày 15/3/2016 của Công an huyện Đ. Yêu cầu Công an huyện Đ đính chính lại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 70/QĐ-XPHC ngày 15/3/2016 của Công an huyện Đ cho đúng hành vi theo viện dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ cho Công an huyện Đ, thiếu bút lục 355 và có nhiều tài liệu không được lập thống kê tài liệu: Đây là những sai sót cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm cũng như khi phát hành văn bản cần có sự kiểm tra rà soát lại chặt chẽ, tránh các trường hợp sai sót như đã nêu.

Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm theo đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát vì những vấn đề mà đại diện Viện kiểm sát nêu không phải là điều tra không đầy đủ, không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hơn nữa, sau khi xét xử sơ thẩm thì không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi cho các bị cáo. Do đó, không cần phải huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, làm kéo dài vụ án một cách không cần thiết.

Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của các bị cáo và luận cứ bào chữa của Luật sư, Hội đồng xét xử thấy:

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 06/8/2015, các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H đã dùng gậy sắt dạng ống tuýp, thanh sắt, thanh gỗ là những hung khí nguy hiểm (theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 và tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự) để tấn công những người bị hại Đỗ Văn Th, Đỗ Trường N, Nguyễn Văn C; gây thương tích cho anh Th với tỷ lệ 22%, anh N là 24%, còn anh C từ chối giám định thương tích thuộc trường hợp phạm tội đối với nhiều người theo hướng dẫn tại c.2 điểm c tiểu mục 3.2 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự. Do đó, các bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm xét xử ở khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung được quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp luật.

Khoản 2 Điều 134 Bộ Luật Hình sự  2015 quy định khung hình phạt tù đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” là từ 02 đến 05 năm tù là nhẹ hơn khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999. Toà án cấp sơ thẩm không áp dụng khoản  3  Điều  7  Bộ  luật  hình  sự  2015,  Nghị  quyết  số  109/2015/QH13  ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015 hướng dẫn những quy định có lợi đối với người phạm tội để áp dụng khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 đối với các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H là có thiếu sót. Tuy nhiên, mức hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt đối với các bị cáo là còn nhẹ, phù hợp với luật mới nên Toà án cấp phúc thẩm chỉ nêu ra để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo: Về bồi thường thiệt hại thì những người bị hại Đỗ Văn Th, Đỗ Trường N, Nguyễn Văn C và các bị cáo tự thoả thuận không yêu cầu Toà án giải quyết (BL 175-177, 462- 465); đối với người bị hại Mai Thị H thì vợ bị cáo Phạm Văn K đã bồi thường số tiền 5.000.000 đồng (BL 183); đối với người bị hại Trương Thị Thuỳ L không có yêu cầu bồi thường (BL 283). Tại cấp sơ thẩm các bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Phạm Văn K có ông bà nội là ông Phạm Văn Th bà Vũ Thị Kh và ông bà ngoại là ông Nguyễn Hồng Q bà Dương Thị Đ được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì. Bị cáo Nguyễn Anh T có ông bà nội là ông Nguyễn L bà Nguyễn Thị M được tặng thưởng Huy chương kháng chiến  hạng  nhì,  ông  ngoại  là  ông  Nguyễn  Văn  Nh  (Nguyễn  Th)  được  tặng thưởng Huân chương độc lập hạng ba, bà ngoại là Hoàng Th ị B được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo. Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc H có cung cấp sổ tạm trú và phiếu siêu âm vợ bị cáo đang có thai; bị cáo Phạm Văn K cung cấp đơn xin xác nhận có nhân thân tốt; bị cáo Nguyễn Anh T cung cấp đơn xin xác nhận gia đình khó khăn và có nhân thân tốt. Tuy nhiên, xét thấy Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Phạm Văn K 02 năm 06 tháng tù, bị cáo Nguyễn Anh T 02 năm 03 tháng tù, bị cáo Nguyễn Khắc H 02 năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi các bị cáo gây ra đối với những người bị hại Đỗ Văn Th, Đỗ Trường N, Nguyễn Văn C. Đối với bị cáo Nguyễn Anh T còn có hành vi làm hư hỏng tài sản của những người bị hại Đỗ Văn Th, Đỗ Trường N, Nguyễn Văn C, Mai Thị H và Trương Thị Thuỳ L, tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2.695.000 đồng. Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” là mức thấp nhất của khung hình phạt tù được quy định tại khoản 1 Điều 143 của Bộ luật hình sự. Do đó, không có căn cứ để xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo. Các bị cáo phạm tội đối với nhiều người, phạm tội với nhiều tình tiết định khung hình phạt, bị cáo Nguyễn Anh T còn phạm nhiều tội. Các bị cáo phạm tội có tính chất ngang tàng, hung hãn, quyết liệt cao, phạm tội có kèm hành vi phá phách, gây rối trật tự vào đêm khuya, ảnh hưởng rất xấu đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Do đó, không có căn cứ để xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo có kháng cáo.

Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự,

1. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo Phạm Văn K, Nguyễn Anh T và Nguyễn Khắc H.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; các điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự:

- Xử phạt bị cáo Phạm Văn K 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ đi thời gian bị tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 09/01/2016.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Khắc H 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 04/04/2016.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; khoản 1 Điều 143; các điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Anh T 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự: Buộc bị cáo Nguyễn Anh T phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 02 (hai) năm 09 (chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ đi thời gian bị tạm giam từ ngày 18/9/2015 đến ngày 04/4/2016.

2. Về án phí phúc thẩm:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Toà án: Buộc các bị cáo  Phạm Văn  K,  Nguyễn  Anh  T  và  Nguyễn  Khắc  H  mỗi  bị  cáo  phải  chịu 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2279
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 66/2017/HSPT ngày 01/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:66/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về