Bản án 652/2014/HSPT ngày 22/08/2014 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 652/2014/HSPT NGÀY 22/08/2014 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM

Ngày 22 tháng 8 năm 2014, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 565/2014/HSPT ngày 30 tháng 6 năm 2014 đối với bị cáo Nguyễn Thị L do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 53/2014/HSST ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Hà Nội:

Bị cáo kháng cáo:

Nguyễn Thị L, sinh năm 1981; trú tại: Thôn N, xã A, huyện H, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 6/12; con ông Nguyễn Văn Đ và con bà Đỗ Thị L; Chồng: Chu Công T và có 02 con; danh chỉ bản số 95 lập ngày 19/01/2014 tại Công an huyện H; tiền sự, tiền án: chưa; bị tạm giữ từ ngày 19/01/2014 đến ngày 24/01/2014; bị cáo tại ngoại, có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị Tòa án không triệu tập: ông Nguyễn Quốc H.

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện H, thành phố Hà Nội; Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Hà Nội thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 19/01/2014 tại nhà ở của Nguyễn Thị L, sinh năm 1981. Trú tại: Thôn N, xã A, huyện H, thành phố Hà Nội. Cơ quan điều tra Công an huyện H đã bắt quả tang Nguyễn Thị L đang có hành vi sản xuất mứt tết giả nhãn mác “ Mứt tết Hồ gươm Hà Nội” là nhãn mác sử dụng hợp pháp của cơ sở sản xuất mứt tết H L có địa chỉ: Thôn Đ, xã X, huyện T, thành phố Hà Nội.

Tang vật thu giữ:

- 200 (hai trăm) hộp mứt tết loại mứt thập cẩm thành phẩm trong đó: 92(chín mươi hai) hộp mứt loại 400 gam; 77(bảy mươi bảy) hộp mứt loại 300 gam và 31 (ba mươi mốt) hộp mứt loại 200 gam.

- 185 (một trăm tám mươi lăm) gói mứt chưa có nhãn mác được đóng gói trong 185 túi nilon.

- 48(bốn mươi tám) bao bì hộp để đóng gói mứt.

- 01(một) chiếc cân đồng hồ nhãn hiệu Nhơn Hòa loại 05 kg;

- 100 gam tương đương 850 (tám trăm năm mươi ) chiếc nhãn mác “Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội. Cơ sở sản xuất: H L. Địa chỉ: Thôn Đ, xã X, huyện T, thành phố Hà Nội”;

- 01 (một) chiếc dập ghim;

- 01 (một) máy hàn miệng túi nilon;

- Nguyên liệu dùng để sản xuất mứt tết gồm: 500 gam mứt lạc; 1,1 kg mứt bí; 600 gam mứt táo; 400 gam mứt cà rốt hồng; 200 gam kẹo xốp; 200 gam mứt dừa; 700 gam mứt cà rốt đỏ; 1,2kg mứt sen.

Quá trình điều tra đã xác định được như sau:

Do biết nhu cầu tiêu thụ mứt tết của người dân vào dịp tết Cổ truyền là rất lớn nên Nguyễn Thị L đã nảy sinh ý định sản xuất mứt tết giả nhãn mác của một cơ sở sản xuất mứt tết đã có uy tín trên thị trường để bỏ ra chi phí thấp mà thu lại lợi nhuận cao. Để thực hiện điều đó, Nguyễn Thị L đã quyết định làm giả mứt tết nhãn hiệu “ Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” của Cơ sở H L do ông Nguyễn Quốc H, sinh năm 1963. Trú tại: Thôn Đ, xã X, huyện T, thành phố Hà Nội làm chủ cơ sở.

Để thực hiện việc làm giả mứt tết. Vào khoảng đầu tháng 1 năm 2014, Nguyễn Thị L đến cơ sở sản xuất nguyên liệu mứt Thanh Bình tại thôn Đ Lao, xã Đông La, huyện H, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1973 làm chủ cơ sở để mua nguyên liệu gồm: mứt lạc; mứt bí; mứt táo; mứt cà rốt hồng; mứt cà rốt đỏ; kẹo xốp; mứt dừa; mứt sen tổng trọng lượng là 100 kg với giá tiền là 3.000.000đ (Ba triệu đồng) và 600 chiếc hộp giấy để đóng gói mứt với giá tiền là 1.500.000đ (Một triệu năm trăm ngàn đồng).

Sau khi mua được mứt nguyên liệu, Nguyễn Thị L tiếp tục mua một hộp mứt thành phẩm của cơ sở H L đang có bán trên thị trường rồi bóc lấy phần nhãn mác, mang đến cửa hàng photocopy của anh Nguyễn Minh Hiệp, sinh năm 1979. Trú tại: thôn N, xã A, huyện H, thành phố Hà Nội để phô tô ra số lượng tem nhãn khoảng 1.200 (một nghìn hai trăm) chiếc nhãn mác để phục vụ việc sản xuất mứt tết giả.

Cùng với những dụng cụ có sẵn là máy hàn miệng túi, dập ghim, cân đồng hồ. Bắt đầu từ ngày 17/01/2014, Nguyễn Thị L tiến hành sản xuất, đóng gói mứt tết giả tại góc trái phòng tầng 1 nhà ở của mình. Quy trình đóng gói như sau: mỗi loại nguyên liệu được lấy một lượng tương đương nhau bỏ vào túi nilong,tổng trọng lượng các túi ruột mứt sẽ tương ứng với 400gam; 300gam; 200gam. Sau đó hàn miệng túi, bỏ vào vỏ bìa hộp mứt cùng với 01 nhãn mác “ Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” dập gim các góc của hộp mứt là hoàn thành quy trình sản xuất 01 gói mứt tết giả. Bằng thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ 17/01/2014 đến ngày 19/01/2014, Nguyễn Thị L đã sản xuất được 200 hộp mứt các loại. Trong quá trình chuẩn bị và đóng gói mứt tết giả , Nguyễn Thị L có đi chào hàng các đại lý trên địa bàn về mặt hàng mứt tết nhãn hiệu “ Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” với giá thành là: hộp 400 gam có giá 15.000đ; hộp 300 gam có giá 12.000đ; hộp 200 gam có giá 9.000đ. Tuy nhiên, mứt tết giả của Nguyễn Thị L chưa kịp tiêu thụ thì bị Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện H phát hiện và bắt giữ.

Về phía ông Nguyễn Quốc H (chủ cơ sở mứt tết H L) xác định: cơ sở sản xuất mứt tết H L là cơ sở sản xuất mứt tết gia truyền, hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể số 01K8001209 do UBND huyện T cấp ngày 24/05/2004 với ngành nghề sản xuất bánh trung thu và mứt thập cẩm; Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 1004/2013/ATTP-XNCB ngày 18/01/2013 đối với mứt thập cẩm nhãn hiệu H L. Ông H khẳng định trong quá trình hoạt động cơ sở của ông không ủy quyền hay thuê tổ chức, cá nhân nào gia công, sản xuất mứt tết nhãn hiệu H L của cơ sở H L.

Ngày 19/01/2014 cơ quan CSĐT Công an huyện H đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 44 giám định số tem nhãn mác mứt tết nhãn hiệu cơ sở H L do Nguyễn Thị L tự in ấn bị thu giữ ngày 19/01/2014 so với tem nhãn do cơ sở H L cung cấp. Tại kết luận giám định số 93/KLGĐ-PC 54 ngày 24/01/2014 của phòng Kỹ thuật Hình sự – Công an thành phố Hà Nội kết luận: Toàn bộ số nhãn mác “ Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” đóng gói trên 200 hộp mứt tết và 850 nhãn mác “ Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” thu giữ của Nguyễn Thị L (mẫu gửi giám định) và nhãn mác “ Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” do cơ sở sản xuất H L cung cấp (mẫu so sánh) không phải do cùng các bản in tương ứng in ra.

Tại kết quả thử nghiệm số 14/212/TN8 ngày 24/01/2014 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1- Tổng cục đo lường chất lượng đã kết luận: 200 hộp mứt tết thập cẩm thu giữ ngày 19/01/2014 của bị cáo Nguyễn Thị L không phát hiện chất cấm.

Tại bản kết luận số 29/KL-HĐ ngày 23/01/2014 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện H đã kết luận: Toàn bộ số tang vật thu giữ của Nguyễn Thị L có tổng giá trị: 9.893.000đ( Chín triệu tám trăm chín mươi ba ngàn đồng). Số mứt tết thành phẩm Nguyễn Thị L đóng gói có giá trị 2.614.000đ( Hai triệu sáu trăm mười bốn nghìn đồng).

*Về vật chứng của vụ án:

Ngày 26/02/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện H đã có biên bản kiểm tra hiện trạng số mứt tết và số nguyên liệu mứt đã thu giữ và kết luận: Tất cả các vật chứng trên đều có hiện tượng mốc, chuyển màu và có mùi khó chịu.

*Về biện pháp tư pháp và trách nhiệm dân sự:

- Ông Nguyễn Quốc H – chủ cơ sở sản xuất mứt tết H L không yêu cầu gì về vấn đề dân sự.

- Đối với anh Nguyễn Văn T, anh Nguyễn Minh H, quá trình điều tra đã tiến hành làm rõ là người bán nguyên liệu mứt, vỏ hộp và phô tô nhãn mác cho Nguyễn Thị L nhưng không biết mục đích sản xuất mứt tết giả của Loan nên không có căn cứ để xử lý.

- Đối với anh Chu Công T, sinh năm 1978. Trú tại: thôn N, xa A, huyện H, thành phố Hà Nội là chồng của bị cáo Nguyễn Thị L, sống cùng nhà nhưng bản thân anh T có công việc riêng nên không tham gia vào việc sản xuất mứt tết giả cùng với L và cũng không biết L có hành vi sản xuất mứt tết giả nên Cơ quan cảnh sát điều tra không đề cập xử lý.

Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Thị L đã khai nhận rõ hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai người làm chứng và tang vật đã thu giữ.

Tại Bản án số 53/2014/HSST ngày 19/5/2014 của Toà án nhân dân huyện H, Hà Nội áp dụng khoản 1 Điều 157 BLHS xử phạt Nguyễn Thị L 24 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 19/1/2014 đến ngày 24/1/2014.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Ngày 19 tháng 5 năm 2014 bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa bị cáo khai nhận nội dung bản án sơ thẩm nêu là đúng, bị cáo nhận tội và xin hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm:

-Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị L nộp trong hạn luật định là hợp lệ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

-Về nội dung: Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn nhận tội, hành vi của bị cáo đã rõ, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là L thực, thực phẩm" là có căn cứ, đúng pháp luật. xét tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 24 tháng tù là phù hợp, tại phiên toà phúc thẩm bị cáo không xuất trình chứng cứ, tài liệu gì làm căn cứ giảm hình phạt cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo.

XÉT THẤY

Về hình thức: đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị L nộp trong hạn luật định là hợp lệ, nên được chấp nhận.

Về nội dung: xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, phù hợp với vật chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ, như vậy đủ cơ sở kết luận:

Với mục đích thu lời bất chính, Nguyễn Thị L đã có hành vi sản xuất mứt tết giả nhãn mác “Mứt tết Hồ gươm Hà Nội” của cơ sở sản xuất mứt tết H L, là cơ sở sản xuất mứt tết gia truyền và nhãn hiệu H L đã được đăng ký và được công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 19/01/2014 trong khi bị cáo đang sản xuất mứt tết giả tại nhà ở của mình thì bị

Cơ quan điều tra Công an huyện H đã bắt quả tang.

Hành vi sử dụng nhãn mác của cơ sở có uy tín, làm giả sản phẩm là mứt tết của bị cáo đã cấu thành tội "Sản xuất, mua bán hàng giả là thực phẩm" như Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét kháng cáo của bị cáo Hội đồng xét xử nhận thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm mất trật tự trị an pháp luật, đã xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, gây ảnh hưởng đến uy tín và làm thiệt hại cho các cơ sở sản xuất kinh doanh được pháp luật bảo hộ.

Do biết nhu cầu tiêu thụ mứt tết của người dân vào dịp tết Cổ truyền là rất lớn nên bị cáo Nguyễn Thị L đã nảy sinh ý định sản xuất mứt tết giả nhãn mác của một cơ sở sản xuất mứt tết đã có uy tín trên thị trường để bỏ ra chi phí thấp mà thu lại lợi nhuận cao. Bị cáo đã làm giả mứt tết nhãn hiệu “Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” của Cơ sở H L do ông Nguyễn Quốc H, sinh năm 1963, trú tại: Thôn Đ, xã X, huyện T, thành phố Hà Nội làm chủ cơ sở, hàng giả thuộc loại L thực, thực phẩm.

Trong khoảng thời gian từ 17/01/2014 đến ngày 19/01/2014, Nguyễn Thị L đã sản xuất được 200 hộp mứt các loại. Trong quá trình chuẩn bị và đóng gói mứt tết giả, Nguyễn Thị L có đi chào hàng các đại lý trên địa bàn về mặt hàng mứt tết nhãn hiệu “Mứt tết Hồ Gươm Hà Nội” với giá thành là: hộp 400 gam có giá 15.000đ; hộp 300 gam có giá 12.000đ; hộp 200 gam có giá 9.000đ. Tuy nhiên, mứt tết giả của Nguyễn Thị L chưa kịp tiêu thụ thì bị Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện H phát hiện và bắt giữ.

Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo xử phạt tù bị cáo về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" là có căn cứ.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng xem xét bị cáo khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải, nhân thân chưa tiền án tiền sự, lần đầu phạm tội, hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây hậu quả do kịp thời được phát hiện, số lượng hàng giả ít (200 hộp mứt tết) và trong thành phần của hàng giả qua giám định không có chất cấm nên có lưu hành ra thị trường thì cũng hạn chế tác hại; bị cáo không có tình tiết tăng nặng, xét nên mở lượng khoan hồng giảm một phần hình phạt tù cho bị cáo cũng có tác dụng giáo bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248, điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị L, sửa một phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 53/2014/HSST ngày 19.5.2014 của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Hà Nội.

Áp dụng khoản 1 Điều 157; Điều 33; điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt Nguyễn Thị L 14 (mười bốn) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là L thực, thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời hạn tạm giữ từ ngày 19/01/2014 đến ngày 24/01/2014.

Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

909
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 652/2014/HSPT ngày 22/08/2014 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm

Số hiệu:652/2014/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/08/2014
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về