TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
BẢN ÁN 65/2020/DS-PT NGÀY 18/09/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 11 và 18 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nam Định mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 58/2019/TLPT-DS ngày 16/12/2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 12/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ý Yên bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 116/2020/QĐXX-PT ngày 05/8/2020 1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Kim D – Sinh năm 1976 Địa chỉ: Thôn 7B, xã Y, huyện Y, tỉnh N.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Xuân P - Sinh năm 1963 Địa chỉ: Thôn 7B, xã Y, huyện Y, tỉnh N.
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
- Ông Nguyễn Hồng P1 – Sinh năm 1966 Địa chỉ: Số nhà 13, ngách 28/30 đường X, phường T, thành phố N, tỉnh N.
- Bà Nguyễn Thị Kim D1 – Sinh năm 1979 Địa chỉ: Số nhà 279/23b, tổ 28, khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh B.
Người đại diện theo uỷ quyền của ông P1, bà D1: Bà Nguyễn Thị K D – Sinh năm 1976; Địa chỉ: Thôn 7B, xã Y, huyện Y, tỉnh N.
- Bà Bùi Thị K – Sinh năm 1967 (Vợ ông P) Địa chỉ: Thôn 7B xã Y huyện Y tỉnh N.
Người đại diện theo uỷ quyền của bà K: Ông Nguyễn Xuân P - Sinh năm 1963; Địa chỉ: Thôn 7B, xã Y, huyện Y, tỉnh N.
4. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị Kim D là nguyên đơn trong vụ án. Tại phiên tòa: Có mặt bà D, ông P.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại toà, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim D trình bày:
Bố bà là cụ Nguyễn Xuân L1, sinh năm 1935, mẹ bà là cụ Đinh Thị T1, sinh năm 1934. Cụ L1 và cụ T1 sinh được 05 người con là Nguyễn Thị Ngọc L2 (đã chết trước cụ L1 và cụ T1, không có chồng con), ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D1 và bà. Cụ L1 chết năm 2002, cụ T1 chết năm 2017. Khi còn sống cụ L1 và cụ T1 có khối tài sản gồm 890 m2 đất trong đó đất ở là 330 m2, đất vườn là 210 m2, đất nuôi trồng thủy sản là 350 m2 tại thửa số 194 tờ bản đồ số 33 bản đồ địa chính xã Y lập năm 2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Đinh Thị T1 vào năm 2007 và 1.110 m2 đất nông nghiệp ở các xứ đồng: Đa cháy 720 m2; chân mạ 50 m2; Đồng muối 340 m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Xuân L1. Trên đất có nhà cấp 4 hiện đang thờ cúng ông bà bố mẹ.Toàn bộ khối tài sản này tọa lạc tại thôn 7B, xã Y, huyện Y, tỉnh N.
Trước khi chết cụ L1 để lại di chúc giao quyền thừa kế thửa đất 890m2 cho cụ T1, trước khi cụ T1 chết để lại di chúc chia thừa kế thửa đất 890m2 và nhà trên đất cho 3 con là P1, D, D1 mỗi người 1 phần, còn 1 phần làm nơi thờ cúng. Ông P đã có nhà đất rồi nên không được chia.
Khi mẹ bà còn sống thì mẹ bà đã cho bà sử dụng ruộng, lúc mẹ bà chết thì ông P lấy quyền làm trưởng đã sử dụng toàn bộ khối tài sản trên. Bà thấy như vậy là không công bằng và thiệt thòi cho các anh em. Vì vậy bà đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế 890m2 đất, 1.110 ruộng và nhà trên đất theo pháp luật và di chúc của bố mẹ bà để lại.
* Bị đơn là ông Nguyễn Xuân P và là người đại diện theo ủy quyền của bà Bùi Thị K trình bày:
Ông P xác định về quan hệ gia đình, huyết thống, thời điểm cụ L1 và cụ T1 chết như bà D trình bày là đúng. Khi còn sống cụ L1 và cụ T1 có khối tài sản gồm 890 m2 đất trong đó đất ở là 330 m2, đất vườn là 210 m2, đất nuôi trồng thủy sản là 350 m2 tại số thửa 194 tờ bản đồ số 33 bản đồ địa chính xã Y lập năm 2004 và 1.110 m2 đất nông nghiệp ở các xứ đồng: Đa cháy 720 m2; chân mạ 50 m2; Đồng muối 340 m2. Toàn bộ khối tài sản này tọa lạc tại thôn 7B xã Y huyện Y tỉnh N. Trên đất có nhà cấp 4 hiện đang thờ cúng ông bà bố mẹ. Cụ T1 cụ L1 chết không để lại di chúc, hiện nay toàn bộ khối tài sản này ông đang quản lý. Ông P có quan điểm đối với 890 m2 đất ở để nghị Tòa án xác định đây có phải là tài sản riêng của bố mẹ ông không. Nếu là của riêng bố mẹ ông thì ông đề nghị chia thừa kế cho 04 anh em theo quy định của pháp luật. Đối với 1.110 m2 đất ruộng ông đề nghị chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có lời khai:
- Ông Nguyễn Hồng P1 khai thống nhất với lời khai của nguyên đơn và bị đơn về di sản thừa kế, người để lại di sản thừa kế, hàng thừa kế và có quan điểm đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật toàn bộ diện tích đất 890 m2 đất ở và 1.110m2 đất nông nghiệp cho 04 anh em là ông P, ông P1, bà D, bà D1. Riêng diện tích đất nông nghiệp, kỷ phần của ông được hưởng ông để lại cho bà D theo nguyện vọng của mẹ ông khi còn sống và không có ý kiến gì. Ông P1 ủy quyền cho bà D thay mặt ông giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền thừa kế tài sản do bố mẹ để lại.
- Bà Nguyễn Thị Kim D1 trình bày: Bà là con út trong gia đình có 04 anh chị em là ông P, ông P1 bà D và bà. Bố mẹ bà là cụ Nguyễn Xuân L1 và cụ Đinh Thị T1. Cụ L1 chết năm 2002, cụ T1 chết năm 2017. Anh chị em bà đều đã trưởng thành và sống độc lập, không có ai ở cùng bố mẹ lúc về già. Lúc còn sống cụ L1 và ông P có mâu thuẫn nên cụ L1 đã viết giấy từ ông P. Khi cụ L1 chết, bà T1 sống một mình và chỉ có bà D là người ở gần chăm sóc. Vì bà D nghèo nên cụ T1 đã cho bà D toàn bộ số ruộng của cụ T1 cụ L1 trong đó có cả diện tích ruộng cấp cho bà. Năm 2012 cụ T1 đã làm đơn sang tên cho bà D, tất cả các anh chị em không có ý kiến gì. Sau khi mẹ bà mất ông P đã tranh toàn bộ số ruộng mà bố mẹ bà cho bà D. Bà không đồng ý với cách xử sự của ông P vì khi còn sống cụ L1 cụ T1 đã cho ông P 336 m2 ruộng tiêu chuẩn của cụ L1 cụ T1, nay ông P không có phần nữa. Bà nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà D, đối với kỷ phần đất ruộng của bà được hưởng bà để lại cho bà D quản lý sử dụng, còn đất ở đề nghị chia theo di chúc của mẹ bà để lại, ông P được hưởng thừa kế.
* Qua xem xét thẩm định tại chỗ thửa đất số 194 tờ bản đồ số 33 diện tích 890 m2 tọa lạc tại thôn 7B xã Y huyện Y tỉnh N có tứ cận: Phía Nam giáp đường dân sinh dài 26,7m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H bà L2 dài 26,5m; Phía Đông giáp đường xóm dài 34,4m; Phía Tây giáp đất hộ ông L3 dài 31,9m. Diện tích hiện trạng sử dụng là 885 mét (Thiếu 5m2 so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) Đất nông nghiệp: Thửa đất có diện tích 720 m2 thuộc xứ đồng Đa cháy ;Thửa đất chân mạ có diện tích 50 m2 thuộc xứ đồng Sau vườn; Thửa đất có diện tích 340 m2 thuộc xứ đồng Đồng muối;
* Kết quả định giá: Đất thổ cư 400.000 đồng/m2; đất vườn ao 75.000 đồng/m2; đất ruộng 50.000 đồng/m2.
Tài sản trên đất: Nhà cấp 4 xây năm 1970, sửa chữa năm 2014, hết khấu hao, tuy nhiên còn đang sử dụng, nên định giá 5.000.000đ;
Cổng, tường bao phía Đông dài 22 mét, cao 1,2 mét trị giá 10.000.000đ Kè ao 3 mặt: Đông – Tây dài 23 mét và Nam – Bắc dài 26 mét, tổng 49 mét trị giá 25 triệu đồng;
Kè ao phía Bắc dài 26 mét trị giá 78 triệu đồng.
Tổng giá trị tài sản trên đất là 118.000.000đ; Giá trị 890 m2 đât là 174.000.000đ; Giá trị 1.110 m2 đất nông nghiệp là 55.500.000đ * Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS – ST ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Ý Yên quyết định.
Căn cứ vào các Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 234, 235, 609, 611, 613, 614, 621, 623, 650 Bộ luật dân sự.
Căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Kim D về việc chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Xuân L1 và bà Đinh Thị T1 là 890 m2 đất tại thửa số số 194 tờ bản đồ số 33 bản đồ địa chính xã Y lập năm 2004 và 1.110 m2 đất nông nghiệp ở các xứ đồng: Đa cháy 720 m2; chân mạ 50 m2; Đồng muối 340 m2; tọa lạc tại thôn 7B xã Y, huyện Y, tỉnh N.
Xác định hàng thừa kế của ông L1, bà T1 gồm: Ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D và bà Nguyễn Thị Kim D1.
* Đối với 890 m2 đất tại thửa số số 194 tờ bản đồ số 33 bản đồ địa chính xã Y lập năm 2004 tọa lạc tại thôn 7B xã Y huyện Y tỉnh N các đồng thừa kế được chia như sau:
- Phần di sản ông Nguyễn Xuân P được hưởng: 221,3 m2 đất có tứ cận: Phía Đông giáp đường đi dài 34,4 m; Phía Tây giáp phần đất ông P1 được hưởng dài 34,8 m; Phía Nam giáp đường rộng 4,5 m + 2,2m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H rộng: 6,2 m - Phần di sản ông Nguyễn Hồng P1 được hưởng: 221 m2 đất có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất của ông P được hưởng dài 34,8 m; Phía Tây giáp phần đất bà D được hưởng dài 33,7 m; Phía Nam giáp đường rộng 6,4m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H rộng: 6,5 m - Phần di sản bà Nguyễn Thị K D được hưởng: 221 m2 đất có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất của ông P1 dài 33,7 m; Phía Tây giáp phần đất bà D1 dài 32,6 m; Phía Nam giáp đường rộng 6,6m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H rộng: 6,8 m - Phần di sản bà Nguyễn K D1 được hưởng: 222 m2 đất có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà D dài 32,6 m; Phía Tây giáp phần đất hộ ông L3 dài 17,7 m + 1,0m + 13,2 m; Phía Nam giáp đường rộng 7 m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H rộng: 7 m. (Có sơ đồ phân chia kèm theo).
Phần công trình kiến trúc xây dựng trên đất gắn liền thổ đất chia cho ai thì người đó được hưởng hoặc có trách nhiệm tháo dỡ nếu việc chia cắt qua các công trình đó.
Ông Nguyễn Xuân P phải có trách nhiệm di dời các cây cối mà gia đình ông P đã trồng có trên phần đất của ông P1, bà D, bà D1.
* Đối với 1.110 m2 đất nông nghiệp - Bà Nguyễn Thị Kim D được sử dụng: Thửa ruộng có diện tích 720 m2 thuộc xứ đồng Đa Cháy; Thửa ruộng có diện tích 340 m2 thuộc xứ đồng Đồng Muối.
- Ông Nguyễn Xuân P được sử dụng: Thửa ruộng chân mạ có diện tích 50 m2 thuộc xứ đồng Sau vườn Các đương sự có nghĩa vụ liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện tích đất mà mình được hưởng.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Nguyễn Thị Kim D phải nộp 4.825.000 đồng (Bốn triệu tám trăm hai lăm nghìn đồng). Đối trừ với số tiền dự thu án phí bà D đã nộp là 2.500.000 đồng tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2015/0001075, ngày 26/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ý Yên. Bà D còn phải nộp 2.325.000 đồng (Hai triệu ba trăm hai mươi lăm nghìn đồng).
Ông Nguyễn Xuân P phải nộp: 2.300.000 đồng (Hai triệu ba trăm nghìn đồng).
Ông Nguyễn Hồng P1 bà Nguyễn Thị Kim D1 mỗi người phải nộp 2.175.000 đồng (Hai triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).
- Về chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D, bà Nguyễn Thị Kim D1 mỗi người phải nộp 982.000 đồng (Chín trăm tám mươi hai nghìn đồng). Bà Nguyễn Thị Kim D đã nộp đủ tổng số tiền chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản do đó ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị K D1 mỗi người phải có trách nhiệm trả lại cho bà Nguyễn Thị Kim D số tiền trên.
* Ngày 22/11/2019 bà Nguyễn Thị Kim D kháng cáo một phần bản án. Bà yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử chấp nhận bản di chúc của mẹ bà là cụ Đinh Thị T1 để lại, chia di sản thừa kế 890 m2 đất theo di chúc do cụ T1 để lại. Không kháng cáo về phần đất nông nghiệp.
* Ngày 26/11/2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện Ý Yên kháng nghị bản án sơ thẩm số 05/2019/DS – ST ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Ý Yên. Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định khối di sản thừa kế là chưa đúng, không chấp nhận bản di chúc của cụ T1 để phân chia di sản là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền L1 của các đương sự. Ngoài ra việc chia kỷ phần thừa kế đất nông nghiệp cho ông P ít hơn các đồng thừa kế khác là không đúng.
* Tại phiên tòa: Các đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu như đã nêu trên, các đương sự đều có nhu cầu sử dụng đất nên đề nghị chia 890m2 đất cho các đồng thừa kế; không yêu cầu chia thừa kế lại 1.110m2 đất nông nghiệp, nhất trí như bản án sơ thẩm đã phân chia.
- Về các công trình xây dựng trên đất, ông P và bà D (Bà D đại diện cho cả ông P1 và bà D1) thỏa thuận với nhau như sau: Các công trình xây dựng trên đất là nhà, tường bao, cổng, kè ao đều có công sức đóng góp của ông P, ông P1, bà D, bà D1. Nếu bà D, ông P1 và bà D1 được chia sử dụng toàn bộ 890m2 đất và công trình xây dựng trên đất thì ông P1, bà D, bà D1 phải trả cho ông P số tiền 98.000.000đ. Nếu ông P được chia một phần đất và công trình xây dựng trên đất thì ông P1, bà D, bà D1 phải trả cho ông P số tiền 75.000.000đ. Ngoài ra các đương sự không yêu cầu gì khác về tài sản trên đất, công sức tôn tạo, bảo quản, giữ gìn trông coi di sản thừa kế.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định tham gia phiên tòa rút một phần kháng nghị về việc chia thừa kế lại 1.110m2 đất nông nghiệp; vì các đương sự không yêu cầu chia lại đất nông nghiệp, nhất trí như bản án sơ thẩm.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim D, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Căn cứ Khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS – ST ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Ý Yên theo hướng phần tài sản của cụ L1 trong khối di sản thừa kế 890m2 đất được chia theo pháp luật, phần tài sản của cụ T1 trong khối di sản thừa kế 890m2 đất được chia theo di chúc của cụ T1.
- Về án phí: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim D và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ý Yên là hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa đều có giấy ủy quyền và đơn xin xử vắng mặt nên nên Tòa án căn cứ Khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự để xử vắng mặt họ.
[2] Về nội dung:
[2.1] Về thời điểm mở thừa kế: Căn cứ vào lời khai của các đương sự và giấy chứng tử thì cụ Nguyễn Xuân L1 sinh năm 1935, chết ngày 26/4/2002; cụ Đinh Thị T1 sinh năm 1934, chết ngày 27/7/2017 tại xã Y, huyện Y, tỉnh N. Vì vậy xác định thời điểm mở thừa kế của cụ L1 là ngày 26/4/2002, thời điểm mở thừa kế của cụ T1 là ngày 27/7/2017, địa điểm mở thừa kế là xã Y, huyện Y, tỉnh N.
[2.2] Về diện và hàng thừa kế: Xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Xuân L1 gồm bà Đinh Thị T1, ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D và bà Nguyễn Thị Kim D1. Hàng thừa kế thứ nhất của bà Đinh Thị T1 gồm ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D và bà Nguyễn Thị Kim D1. Ngoài ra không còn ai khác.
[2.3] Về di sản thừa kế: Căn cứ vào hồ sơ địa chính xã Y thì nguồn gốc thửa đất tranh chấp theo sổ mục kê năm 1986 mang tên cụ Nguyễn Xuân L1, diện tích 918 m2. Năm 2002 cụ L1 chết, đến năm 2003 Nhà nước T1 hành đo Đ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ T1 là người quản lý sử dụng đứng ra kê khai nên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định số 1670/QĐ-UB ngày 20/7/2005 của Uỷ ban nhân dân huyện Ý Yên. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 555596 ngày 15/01/2007, thửa đất số 194 tờ bản đồ số 33 tại thôn 7B xã Y, huyện Y, tỉnh N với diện tích 890 m2 (trong đó đất ở là 330 m2; đất vườn là 210 m2; đất nuôi trồng thủy sản là 350 m2). Diện tích đất giảm từ 918m2 xuống 890m2 là do mở rộng đường giao thông xóm hoặc sai số do đo Đ. Kết quả đo hiên trạng sử dụng là 885m2.Trên đất có 4 gian nhà cấp 4 hiện đang thờ cúng ông bà bố mẹ của bà D và ông P, tường bao, cổng, kè ao. Sau khi cụ T1 chết thì ông P sử dụng vườn trồng rau, còn nhà thì không ai ở, anh em con cháu vẫn đi về hương khói cho ông bà bố mẹ. Ngoài ra cụ T1, cụ L1 còn để lại 1110 m2 đất nông nghiệp.
Các đương sự đều thống nhất xác định khối di sản của cụ L1, cụ T1 để lại như đã nêu trên, ngoài ra không còn tài sản nào khác. Cụ L1, cụ T1 không để lại nghĩa vụ tài sản gì.
[2.4] Về di chúc Bà D xác định cụ L1 và cụ T1 có để lại di chúc phân chia di sản thừa kế, ông P thừa nhận cụ L1 có nhờ ông Đ viết di chúc nhưng đến nay không ai xuất trình được bản di chúc gốc và không thừa nhận di chúc do cụ T1 để lại.
- Xét bản pho to giấy di chúc “ Giao quyền thừa kế tài sản” ngày 12/4/2002 của cụ L1 để lại: Mặc dù bà D, ông P đều xác định giấy di chúc là do cụ L1 đọc cho ông Đ là em trai cụ L1 viết khi cụ L1 ốm mệt đang nằm điều trị tại Bệnh viện 5 – Ninh Bình, sau khi ông Đ viết xong thì cụ L1 viết thêm ghi chú ở dưới và ký tên. Ông Đ cũng xác nhận chữ viết trong giấy di chúc là chữ viết của ông, chính ông là người viết hộ giấy di chúc cho cụ L1 khi cụ L1 đang ốm nằm tại Bệnh viện 5 – Ninh Bình, sau khi cụ L1 ký tên thì ông cũng ký tên vào giấy di chúc. Ngoài ra còn có ông P1, ông Đông ký tên vào giấy di chúc.
Sau khi lập di chúc khoảng 10 ngày thì cụ L1 chết. Tuy nhiên các đương sự không xuất trình được bản gốc của giấy di chúc, mặt khác đây là di chúc có người làm chứng, ông P1 là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc ký làm chứng vào bản di chúc là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy căn cứ Khoản 1 Điều 657 Bộ luật dân sự năm 1995 (Khoản 1 Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015), di chúc của cụ L1 để lại là không hợp pháp.
- Xét bản di chúc của cụ T1 lập tại Uỷ ban nhân dân xã Y: Bà D xác nhận cụ T1 lập di chúc phân chia di sản thừa kế tại Uỷ ban nhân dân xã Y, còn ông P không thừa nhận. Qua xác minh tại sổ chứng thực di chúc, từ chối nhận di sản xã Y, huyện Y, tỉnh N quyển số 01/TP-CC-SCT/DCTC ngày mở sổ 16/8/2001 thì ngày 26/9/2014 bà Đinh Thị T1 có đến Uỷ ban nhân dân xã lập di chúc để lại thừa kế 890 m2 đất cho các con là Nguyễn Hồng P1, Nguyễn Thị Kim D, Nguyễn Thị Kim D1 và dành một phần làm nơi thờ cúng, nhưng di chúc chưa được Uỷ ban nhân dân xã ký xác nhận và chứng thực. Tuy nhiên bản di chúc gốc do nguyên đơn xuất trình có ký xác nhận đóng dấu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Y là ông Phạm Ngọc T2.
Ông Trịnh Duy T3 nguyên là cán bộ tư pháp xã Y thời kỳ đó xác nhận ngày 26/9/2014 cụ T1 đến Uỷ ban nhân dân xã Y lập di chúc chia tài sản cho các con trong lúc còn khỏe mạnh tỉnh táo, ông là người trực tiếp hướng dẫn cho cụ T1 ký tên và điểm chỉ vào bản di chúc lập ngày 26/9/2014.
Ông Phạm Ngọc T2 nguyên là Chủ tịch xã Y thời kỳ đó xác nhận ngày 26/9/2014 cụ T1 đã đến Uỷ ban nhân dân xã Y lập di chúc chia tài sản thừa kế cho các con là Nguyễn Hồng P1, Nguyễn Thị Kim D, Nguyễn Thị Kim D1 và dành một phần làm nơi thờ cúng. Ông Trịnh Duy T2 là cán bộ tư pháp hướng dẫn cho cụ T1 ký tên và điểm chỉ vào bản di chúc, ông T2 viết nội dung xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Y vào bản di chúc, ông T2 ký tên và đóng dấu xác nhận vào bản di chúc của cụ T1, xác nhận cùng ngày 26/9/2014. Ông T2 trực tiếp xem bản di chúc gốc do nguyên đơn xuất trình và khẳng định đúng là bản di chúc của cụ T1 mà ông đã ký xác nhận ngày 26/9/2014.
Như vậy có căn cứ xác định bản di chúc của cụ T1 lập ngày 26/9/2014 có chứng thực tại Uỷ ban nhân dân xã Y là hợp pháp, thể hiện ý chí của cụ T1 nhằm chuyển giao 890 m2 đất và nhà trên đất cho các con là Nguyễn Hồng P1, Nguyễn Thị Kim D, Nguyễn Thị Kim D1 và dành một phần làm nơi thờ cúng sau khi chết. Vì vậy cần chia phần di sản thừa kế của cụ T1 để lại theo di chúc của cụ T1.
[2.5] Xét yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim D Từ nội dung phân tích nêu trên xét thấy kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ý Yên là có căn cứ chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét đánh giá tính hợp pháp của di chúc do cụ T1 để lại nên đã phân chia toàn bộ di sản thừa kế của cụ L1 và cụ T1 để lại theo pháp luật là không đúng, ảnh hưởng đến quyền và L1 ích hợp pháp của các đương sự. Vì vậy cần sửa án sơ thẩm theo hướng chia thừa kế theo di chúc đối với phần di sản của cụ T1 để lại và chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản do cụ L1 để lại.
[2.6] Về phân chia di sản thừa kế:
Di sản của cụ T1 và cụ L1 để lại là 890 m2 đất (trong đó đất ở là 330 m2; đất vườn là 210 m2; đất nuôi trồng thủy sản là 350 m2), công trình xây dựng trên đất và 1.110 m2 đất nông nghiệp.
- Đối với 1.110m2 đất nông nghiệp: Các đương sự không kháng cáo và đồng ý với việc phân chia của bản án sơ thẩm, không đề nghị tòa án phúc thẩm xem xét phân chia lại, tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị về việc phân chia lại đất nông nghiệp, nên cấp phúc thẩm không xem xét phân chia lại diện tích đất nông nghiệp, giữ nguyên theo bản án sơ thẩm.
- Đối với 890 m2 đất, công trình xây dựng trên đất: Do di chúc của cụ L1 không hợp pháp nên phần di sản của cụ L1 chia theo pháp luật, di chúc của cụ T1 hợp pháp nên phần di sản của cụ T1 để lại chia theo di chúc. Thửa đất 890m2 là tài sản chung của cụ L1 và cụ T1 khi còn sống, nên di sản của cụ L1 là một phần hai thửa đất, di sản của cụ T1 để lại là một phần hai thửa đất cộng với kỷ phần cụ T1 được hưởng thừa kế theo pháp luật của cụ L1.
+ Cụ L1 chết năm 2002, mở thừa kế lần thứ nhất để phân chia di sản của cụ L1 để lại theo pháp luật: Di sản của cụ L1 là một phần hai diện tích 890m2 đất là 445m2 (890 : 2 = 445m2) chia thành 5 kỷ phần cho 5 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm 5 người là cụ T1, ông P, P1, bà D, D1. Mỗi người được 89m2 đất.(445m2 : 5 = 89m2).
+ Cụ T1 chết năm 2017, mở thừa kế lần thứ 2 để phân chia di sản của cụ T1 để lại theo di chúc: Di sản của cụ T1 là một phần hai diện tích 890m2 đất là 445m2 đất cộng với 89m2 đất là kỷ phần cụ T1 được hưởng thừa kế của cụ L1 là 534m2 (445m2 + 89m2 = 534m2), chia thành 4 kỷ phần cho ông P1, bà D, bà D1 và một phần làm nơi thờ cúng, mỗi kỷ phần là 133,5m2 (534 : 4 = 133,5m2). Ông P không được chỉ định trong di chúc nên không được hưởng di sản của cụ T1 để lại.
+ Như vậy qua hai lần mở thừa kế thì phần di sản của ông P được hưởng là 89m2 đất; ông P1, bà D, bà D1 mỗi người được hưởng 222,5m2 đất ( 89m2 + 133,5m2 = 222,5m2); di sản dùng vào việc thờ cúng là 133,5m2 đất.
+ Tuy nhiên hiện trạng thửa đất là di sản thừa kế hiện chỉ còn 885m2, các đương sự đều yêu cầu được chia di sản bằng hiện vật, vì vậy cần phân chia 885m2 đất cho các đồng thừa kế và dành một phần đất làm nơi thờ cúng là phù hợp. Cụ thể chia cho ông P 89m2 đất; ông P1 221m2, bà D 221m2, bà D1 222m2; Phần đất để làm nơi thờ cúng là 132,3m2. Do phần tài sản chênh lệch giữa các đồng thừa kế nhỏ nên các đương sự không phải trả tiền chênh lệch tài sản cho nhau.
- Đối với các công trình xây dựng trên đất: Tại phiên tòa phúc thẩm ông P và bà D (Bà D đại diện cho cả ông P1 và bà D1) thỏa thuận với nhau như sau: Các công trình xây dựng trên đất là nhà, tường bao, cổng, kè ao đều có công sức đóng góp của ông P, ông P1, bà D, bà D1. Nếu ông P được chia 1 phần đất và công trình xây dựng trên đất thì ông P1, bà D, bà D1 phải trả cho ông P số tiền 75.000.000đ. Ngoài ra các đương sự không yêu cầu gì khác về tài sản trên đất, công sức tôn tạo, bảo quản, giữ gìn trông coi di sản thừa kế. Vì vậy cần công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về vấn đề này.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
[4] Về chi phí tố tụng: Cần buộc ông P, P1, D1 phải hoàn trả số tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản cho bà D.
[5] Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với kỷ phần của mình được hướng. Bà D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa bản án sơ thẩm số 05/2019/DS – ST ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Ý Yên Căn cứ vào các Điều 234, 357, 609, 610, 611, 612, 613, 614, 623, 624, 625, 626, 627, 628, 630, 631, 632, 636, 645, 649, 650, 651, 659, 660 Bộ luật dân sự 2015. Điều 147, 148, 165, 166 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1. Chấp nhận yêu khởi kiện của bà Nguyễn Thị K D về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Xuân L1 và cụ Đinh Thị T1.
2. Phân chi di sản thừa kế là 885 m2 đất tại thửa số số 194 tờ bản đồ số 33 bản đồ địa chính xã Y lập năm 2004 tại thôn 7B xã Y huyện Ý Yên tỉnh Nam Định và công trình xây dựng trên đất cho các đồng thừa kế như sau:
- Chia cho ông Nguyễn Xuân P được quyền sử dụng 89 m2 đất có tứ cận:
Phía Đông giáp ngõ đi dài 13 m; Phía Tây giáp phần đất chia cho ông P1 dài 14,5 m; Phía Nam giáp đường dài 4,5 m + 2,2m; Phía Bắc giáp phần đất thờ cúng dài 6,4 m - Chia cho ông Nguyễn Hồng P1 được quyền sử dụng 221 m2 đất có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất chia cho ông P và đất thờ cúng dài 34,8 m; Phía Tây giáp phần đất chia cho bà D dài 33,7 m; Phía Nam giáp đường dài 6,4m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H dài 6,5 m - Chia cho bà Nguyễn Thị Kim D được quyền sử dụng 221 m2 đất có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất chia cho ông P1 dài 33,7 m; Phía Tây giáp phần đất chia cho bà D1 dài 32,6 m; Phía Nam giáp đường dài 6,6m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H dài 6,8 m - Chia cho bà Nguyễn Kim D1 được quyền sử dụng 222 m2 đất có tứ cận:
Phía Đông giáp phần đất chia cho bà D dài 32,6 m; Phía Tây giáp phần đất hộ ông L3 dài 17,7 m + 1,0m + 13,2 m; Phía Nam giáp đường dài 7,0 m; Phía Bắc giáp đất hộ ông H dài 7,0 m.
- Phần đất thờ cúng là 132,3m2 có tứ cận: Phía Đông giáp ngõ đi dài 21,4m; Phía Tây giáp phần đất chia cho ông P1 dài 20,3m; Phía Nam giáp phần đất chia cho ông P dài 6,4m; Phía Bắc đất hộ ông Hoà dài 6,2m. Giao cho ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D và bà Nguyễn Thị Kim D1 được quyền quản lý sử dụng chung diện tích đất dùng vào việc thờ cúng.
- Không ai phải trả chênh lệch tài sản cho ai (Có sơ đồ phân chia đất kèm theo).
- Phần công trình xây dựng trên đất thuộc phần đất của ai thì người đó được quyền sử dụng. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Ông P1, bà D, bà D1 phải trả cho ông P một phần giá trị các ông trình xây dựng trên đất là 75.000.000đ (Bẩy mươi lăm triệu đồng) - Ông Nguyễn Xuân P phải có trách nhiệm di dời các cây cối hoa màu mà gia đình ông P đang trồng cấy trên phần đất của ông P1, bà D, bà D1.
3. Phân chi di sản thừa kế 1.110 m2 đất nông nghiệp ở các xứ đồng: Đa Cháy 720 m2; Sau Vườn 50 m2; Đồng Muối 340 m2 tại thôn 7B xã Y, huyện Y, tỉnh N.
- Chia cho bà Nguyễn Thị Kim D được quyền sử dụng: Thửa ruộng có diện tích 720 m2 thuộc xứ đồng Đa Cháy; Thửa ruộng có diện tích 340 m2 thuộc xứ đồng Đồng Muối.
- Chia cho ông Nguyễn Xuân P được quyền sử dụng: Thửa ruộng chân mạ có diện tích 50 m2 thuộc xứ đồng Sau Vườn.
4. Các đương sự có quyền liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
5. Về chi phí tố tụng: Ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D, bà Nguyễn Thị Kim D1 mỗi người phải nộp 982.000 đồng (Chín trăm tám mươi hai nghìn đồng) chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản. Bà Nguyễn Thị Kim D đã nộp tạm ứng đủ số tiền trên. Vì vậy ông Nguyễn Xuân P, ông Nguyễn Hồng P1, bà Nguyễn Thị Kim D1 mỗi người phải hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Kim D số tiền 982.000đ (Chín trăm tám mươi hai nghìn đồng).
6. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
7. Về án phí.
Bà Nguyễn Thị Kim D phải nộp 4.825.000 đồng (Bốn triệu tám trăm hai mươi lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ với số tiền tạm ứng án phí bà D đã nộp là 2.500.000 đồng tại biên lai số AA/2015/0001075, ngày 26/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ý Yên. Bà D còn phải nộp 2.325.000 đồng (Hai triệu ba trăm hai mươi lăm nghìn đồng).
Ông Nguyễn Xuân P phải nộp 994.997 đồng (Chín trăm chín mươi tư nghìn, chín trăm chín mươi bấy đồng) án phí dân sự sơ thẩm .
Ông Nguyễn Hồng P1 và bà Nguyễn Thị Kim D1 mỗi người phải nộp 2.175.000 đồng (Hai triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 65/2020/DS-PT ngày 18/09/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 65/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nam Định |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về