Bản án 65/2019/HS-PT ngày 20/09/2019 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 65/2019/HS-PT NGÀY 20/09/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 19, 20 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 25/2019/TLPT-HS ngày 20 tháng 5 năm 2019 do có kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thanh N và kháng cáo của bị hại ông Nguyễn Quốc C đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2019/HS-ST ngày 11 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng.

Bị cáo có kháng cáo:

Hoàng Thị Thanh N, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1964 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Số 402 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 7/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng T và bà Nguyễn Thị N; có chồng Đặng Minh T và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt, tạm giam ngày 20/3/2018; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo:

Ông Nguyễn Văn Thắng, Luật sư Văn phòng luật sư Hải Chi thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

Ông Công Văn Thọ, Luật sư Văn phòng luật sư Thọ Khang Ninh và cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

Bị hại: Ông Nguyễn Quốc C, sinh năm 1959. Nơi cư trú: Số 404 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Ông Đặng Minh T, sinh năm 1960. Nơi cư trú: Số 402 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

Anh Nguyễn Quốc Đ, sinh năm 1991. Nơi cư trú: Số 404 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại:

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Luật sư Văn phòng luật sư Á Đông thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

Bà Lương Thị Thủy, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hải Phòng; có mặt.

Người tham gia tố tụng khác:

Người giám định:

- Ông Nguyễn Văn Sáu, ông Lê Văn Quảng - Giám định viên Trung tâm Pháp y Hải Phòng; ông Quảng có mặt, ông Sáu vắng mặt.

- Ông Nguyễn Hồng Long; ông Nguyễn Văn Khải; bà Tạ Thị Hường - Giám định viên Viện Pháp y quốc gia; ông Long, ông Khải có mặt; bà Hường vắng mặt.

Người làm chứng:

- Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1958, địa chỉ: Số 18/227 đường Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Ông Hoàng Anh T, sinh năm 1968, địa chỉ: Số 26A/38 đường Nguyễn Bình, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1968, địa chỉ: Thôn Liễu Kinh, xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Anh Đặng Văn T, sinh năm 1991, địa chỉ: Số 33/180 đường Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1959, địa chỉ: Số 404 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Ông Trần Đức A, sinh năm 1971, địa chỉ: Số 6/241 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

Điều tra viên cấp sơ thẩm: Ông Đào Đức Kiên, Điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận N; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do có mâu thuẫn tranh chấp về việc xây nhà từ trước nên Hoàng Thị Thanh N cản trở không cho gia đình ông Nguyễn Quốc C (sinh năm 1959, nơi cư trú Số 404 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng) trát vữa bên ngoài tường phía tiếp giáp với sân thượng tầng 2 nhà N. Khoảng 09 giờ ngày 12/8/2017, N phát hiện anh Nguyễn Văn D (là thợ xây do ông C thuê) để căn thẳng khi trát vữa vào cột ở mặt tiền tầng 3 nhà ông C đã đặt cây thước áp vào mép tường phía tiếp giáp với khoảng không trên sân thượng nhà N. N đã dùng một thanh sào tre dài khoảng 02 mét, trên đầu có cắm thanh kim loại dài 1,4m chọc vào thước thợ xây làm thước và vữa trên cột rơi xuống đất. Thấy vậy anh D nói: “Bà chọc thì chọc chủ nhà chứ sao cứ chọc tôi, tôi chỉ là người làm thuê”. N nói: “Chúng mày trát bên nhà chúng mày, đừng sang nhà tao trát như vậy”. Nghe thấy hai bên lời qua tiếng lại, ông C từ trên tầng 4 đi xuống, bước sang đứng trên bờ be ngăn nước có chiều rộng 20cm trên sân thượng nhà N sát bờ tường nhà ông C, chân trái bước lên trước, chân phải đứng sau, mặt hướng về phía N, hai bên cách nhau khoảng 02m. Ông C nói: “Sao mày chọc vữa ra, sao mày cứ đánh thợ nhà tao, mày đánh thì đánh tao đây này”. Trong khi hai bên lời qua tiếng lại với nhau, N dùng thanh sào tre đầu có cắm thanh kim loại đâm về phía trước trúng vào ống đồng chân trái ông C làm ông C khụy xuống ôm chân. Khi ông C ngẩng đầu lên nhìn thì bị N đâm nhát thứ hai trúng vào hốc mắt trái ông C. Ông C dùng hai tay túm được vào thanh kim loại, hai bên giằng co làm thanh kim loại tuột ra khỏi cây sào tre. Ông C cầm thanh kim loại vụt nhiều nhát về phía trước trúng vào vùng đùi chân trái và ngón tay cái bàn tay trái của N gây thương tích. Đúng lúc đó, Hoàng Anh T (là em trai của N) từ tầng 1 chạy lên nhặt cây sào tre vụt về phía ông C nhưng không trúng rồi kéo N lại, dìu xuống tầng 1. Lúc này, Nguyễn Quốc Đ (là con trai ông C) từ tầng 3 nhà ông C nhảy sang sân thượng nhà N để kéo và đỡ ông C đi xuống tầng 1, trong khi kéo ông C về, Đ đá vào bóng đèn trang trí lắp trên trụ phía trước sân thượng nhà N làm bóng đèn vỡ rơi xuống đất. Tại khu vực trước cửa tầng 1 nhà của N tại số 402 đường L, ông C, Đ và N tiếp tục lời qua tiếng lại. Ông C ném một viên gạch vào trong nhà N nhưng không trúng ai, Đ dùng tay gạt đổ làm vỡ 05 bình nước loại 20 lít. N đứng trong nhà nhặt 01 con dao quắm dài khoảng 60cm, có cán bằng gỗ để phòng thủ. Sau đó, hai bên được quần chúng can ngăn và gia đình đưa ông C đi cấp cứu.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 463/2017/TgT ngày 14/9/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của ông Nguyễn Quốc C:

Nạn nhân bị sang chấn đụng dập nhãn cầu mắt trái có phù đáy mắt và nghi tổn thương thị thần kinh, có rách da góc trong ngoài mắt và xây xước rách da nông một số nơi đã được điều trị chưa hoàn toàn ổn định còn phù nhẹ đáy mắt và chưa nhìn được mắt trái.

02 vết thương rách da để lại sẹo nhỏ ở góc trong ngoài mắt trái không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng thẩm mỹ và có tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 02%.

Các vết xây xước da nhỏ ở bụng, tay, chân không đủ lớn để đánh giá tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.

Riêng sang chấn đụng dập nhãn cầu mắt trái còn chưa ổn định nên chưa đánh giá chính xác tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được cần tiếp tục theo dõi điều trị đến khi ổn định nếu cần thiết sẽ giám định lại sau.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y bổ sung về thương tích số 539/2017/TgT ngày 06/10/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của ông Nguyễn Quốc C:

Nạn nhân bị sang chấn đụng dập nhãn cầu mắt trái, rách da góc trong ngoài mắt, nghi tổn thương thị thần kinh đã được điều trị tạm thời ổn định nhưng còn chưa nhìn được mắt trái.

Tổn thương đụng dập nhãn cầu mắt trái còn thị lực sáng tối (±) là thị lực chủ quan của nạn nhân nhưng kết quả khám chuyên khoa mắt tại bệnh viện Mắt Trung ương ngày 04/10/2017 xác định bên trong nhãn cầu mắt trái không còn tổn thương và điện châm kích thích theo dõi tổn thương đường dẫn truyền thần kinh thị giác hai mắt (tức là chưa xác định chắc chắn tổn thương nào dẫn đến mắt trái không nhìn được). Vì vậy chưa thể đánh giá chính xác tỷ lệ tổn thương phần trăm cơ thể được.

- Công văn số 15-CV/2018 ngày 09/02/2018 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng xác định thương tích của ông Nguyễn Quốc C: Thương tích vùng mắt trái của nạn nhân có đặt điểm do vật có góc cạnh cứng, thiết diện tương đối nhỏ tác động trực tiếp gây nên theo hướng chủ yếu từ trước ra sau và có thể hơi chếch từ dưới lên trên.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 108/17/TgT ngày 31/10/2017 của Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế kết luận thương tích của ông Nguyễn Quốc C:

Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo góc mắt trái; Thị lực mắt trái sáng tối (±)

Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là: 33%.

Vật gây thương tích: Vật tày có cạnh diện tiếp xúc nhỏ gây nên.

- Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích (bổ sung) số 16/19/TgT ngày 07/01/2019 của Viện Pháp y quốc gia kết luận: Cơ chế hình thành thương tích do vật tày cứng có cạnh tác động trực tiếp vào vùng mắt trái theo hướng từ trước ra sau, hơi chếch từ phải qua trái gây nên tổn thương. Mẫu vật là thanh kim loại do cơ quan trưng cầu gửi đến giám định có thể gây nên được thương tích của Nguyễn Quốc C.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 498/2017/TgT ngày 27/10/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của Hoàng Thị Thanh N:

Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do chấn thương ngón I bàn tay trái gây rách da, gãy xương đốt 1 đã được phẫu thuật kết hợp xương đang dần ổn định tốt là 06%.

Các vùng bầm tím sẽ khỏi hoàn toàn và không có hướng dẫn tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể nên không có căn cứ áp dụng.

Chấn thương ngón I bàn tay trái có đặc điểm do vật tày (có thể có góc cạnh cứng) tác động trực tiếp gây nên. Các vết bầm tím có đặc điểm do vật tày tác động trực tiếp gây nên.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 173/2018/TgT ngày 18/4/2018 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của Hoàng Thị Thanh N: Tại vùng đầu thì ngay từ khi xảy ra vụ việc đều không được ghi nhận có dấu vết thương tích. Kết quả chụp cắt lớp không có tổn thương sọ não nên không có căn cứ đánh giá tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Tuy nhiên nạn nhân đang có các triệu chứng của hội chứng suy nhược thần kinh, rối loạn tâm lý, cảm xúc nên cần theo dõi thêm.

Tại Bản án sơ thẩm số 22/2019/HS-ST ngày 11/4/2019, Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng đã căn cứ Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: Hoàng Thị Thanh N 05 (năm) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 20/3/2018.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ bồi thường dân sự, nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo Bản án.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17 tháng 4 năm 2019, bị cáo Hoàng Thị Thanh N kháng cáo kêu oan. Ngày 19 tháng 4 năm 2019, bị hại Nguyễn Quốc C kháng cáo đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung phạm tội “Có tính chất côn đồ”; đồng thời đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Kháng cáo của bị cáo, bị hại trong thời hạn luật định nên được xem xét, giải quyết.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo, bị hại và những người bào chữa cho bị cáo, bị hại thể hiện quan điểm như sau:

Bị cáo Hoàng Thị Thanh N khai nhận: Khi ông C xông sang nhà bị cáo đã tự nhặt thanh sắt ở ngay trên mái vụt vào người, vào chân bị cáo. Khi bị cáo dùng tay trái ôm vào đùi trái thì bị thanh sắt vụt vào ngón tay cái bị cáo, đau quá bị cáo tiến vào giằng co thanh sắt với ông C. Hai bên đẩy đi, đẩy lại thanh sắt thì ông C bỏ tay phải túm cổ áo bị cáo, do lực đẩy của bị cáo mạnh hơn nên phần đầu thanh sắt văng vào vùng mặt ông C. Khi ông C bước sang sân thượng nhà bị cáo N thì không bị thương tích gì, trong lúc giằng co bị cáo không rõ ông C có bị thương tích gì không, khi xuống tầng 1 thì bị cáo thấy mặt ông C có chảy máu.

Bị hại trình bày: Khi bị hại Nguyễn Quốc C bước lên sân thượng nhà N, lúc này N cầm cây sào tre có cắm thanh sắt trên đầu đứng trên mái nhà N, ông C nói “Thợ nó có trát sang nhà mày đâu mà mày đánh thợ, có đánh thì mày đánh tao đây này”, lập tức N đâm nhát thứ nhất trúng ống đồng chân trái ông C làm ông C khụy xuống. Ông C ôm chân ngẩng đầu lên nói “Con chó này sao mày đánh tao” thì N nói “Đã thế tao cho mày chết” rồi dùng cây sào tre đầu có cắm thanh sắt đâm nhát thứ hai trúng vào hốc mắt trái của ông C. N tiếp tục đâm thì ông C túm được phần đầu thanh sắt làm thanh sắt tuột ra khỏi cây sào tre. N vứt cây sào tre xuống còn ông C cầm thanh sắt vụt một vài cái về phía N, trúng vào vị trí nào trên người N thì ông C không rõ.

Các giám định viên trình bày tại phiên tòa: Để đưa ra kết luận về thương tích, cơ chế hình thành ra thương tích, các giám định viên đã căn cứ vào các hồ sơ bệnh án của người bị hại. Ngoài ra, giám định viên còn đưa người bị hại đến thăm khám tại Bệnh viện Mắt trung ương là cơ sở y tế hàng đầu về lĩnh vực mắt. Bên cạnh đó còn tổ chức hội chuẩn, tham khảo các ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mắt. Từ hồ sơ bệnh án tại các cơ sở y tế tại địa phương và Bệnh viện Mắt Trung ương kết hợp với ý kiến của các chuyên gia và căn cứ các quy định của pháp luật về giám định đã đưa ra kết luận giám định đảm bảo khách quan và chính xác.

Việc thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra Công an quận N, thành phố Hải Phòng đã được thực hiện việc giám định, bàn giao vật chứng, các đối tượng giám định theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào các yêu cầu của cơ quan điều tra, việc giám định của cơ quan giám định là đúng quy định và bảo đảm trình tự thủ tục theo pháp luật quy định. Đồng thời các giám định viên cũng khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định giám định của mình.

* Quan điểm của Điều tra viên: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận N đã thực hiện việc điều tra vụ án theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Việc điều tra, thu thập chứng cứ đảm bảo khách quan, toàn diện và đúng theo quy định của pháp luật.

* Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thể hiện như sau:

Trên cơ sở tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa có đủ cơ sở để xác định bản án sơ thẩm số 22/2019/HS-ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân quận N thành phố Hải Phòng đã áp dụng khoản 3 Điều 134 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Hoàng Thị Thanh N 5 năm tù là có cơ sở và đúng pháp luật. Không có cơ sở để khẳng định bị cáo bị xét xử oan. Do vậy, đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo N.

Đối với kháng cáo của người bị hại, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người bị hại đề nghị áp dụng tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ” như đã phân tích tại phiên tòa. Đồng thời cũng không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo N vì cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo 05 năm tù là đã xem xét đến tính chất mức độ, hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo là phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo và người bị hại.

* Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Thanh N:

Hội đồng xét xử sơ thẩm đã sử dụng và chấp nhận các tài liệu được viết thêm, sửa chữa và thêm bớt nội dung làm chứng cứ đánh giá xác định sự thật khách quan của vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Biên bản hiện trường, biên bản lấy lời khai và sơ đồ hiện trường có dấu hiệu làm giả. Có dấu hiệu của việc hủy, tráo đổi tài liệu và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Những vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã dẫn đến kết luận giám định sai sự thật, phản khoa học đã được chứng minh tại phiên tòa sơ thẩm nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm cố tình chấp nhận để kết án oan cho bị cáo. Đánh giá và xử lý chứng cứ là lời khai chưa khách quan, toàn diện khi lời khai của người bị hại, người làm chứng và bị can đều mâu thuẫn với nhau, thậm chí loại trừ nhau về mặt logic nhưng không được làm rõ tại giai đoạn sơ thẩm. Việc thực nghiệm điều tra theo lời khai của người bị hại là không đúng theo quy định của pháp luật. Về công tác khám nghiệm hiện trường không thực hiện đúng theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo 05 năm tù là không đúng với các tình tiết khách quan của vụ án. Căn cứ pháp lý Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử sơ thẩm sử dụng để kết tội bị cáo là các lời khai đều mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với các chứng cứ khác. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm làm rõ trách nhiệm pháp lý của những người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc điều tra thu thập và đánh giá chứng cứ không đúng theo trình tự thủ tục được pháp luật quy định.

Từ những căn cứ trên, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Hoàng Thị Thanh N.

* Quan điểm của những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại:

 Viện kiểm sát không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo là có cơ sở và căn cứ pháp luật. Tại giai đoạn sơ thẩm, điều tra viên đã có những sai sót, vi phạm về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên những vi phạm trên đã được Cơ quan điều tra khắc phục sau khi được trả hồ sơ điều tra bổ sung. Mặt khác những vi phạm này không đến mức nghiêm trọng, không làm thay đổi bản chất của vụ án hay ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ có đủ cơ sở kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo phù hợp với Kết luận điều tra, vật chứng thu giữ và các chứng cứ khác đã được thu thập khách quan.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cho rằng phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” và tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Hoàng Thị Thanh N. Bởi lẽ bị cáo N sau khi đâm nhát đầu tiên vào phần chân của bị hại, bị hại đã khụy xuống nhưng bị cáo tiếp tục đâm nhát thứ hai vào khu vực mắt của bị hại. Sau khi giằng co, xô xát bị cáo đã lấy con dao quắm dài 60cm đã chuẩn bị từ trước để khua về phía người bị hại nhưng không trúng. Mặc dù xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, đã được chính quyền địa phương giải quyết nhưng bị cáo vẫn thể hiện thái độ quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng để gây thương tích cho người bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Hoàng Thị Thanh N, Hội đồng xét xử đánh giá:

[1] Quá trình điều tra ban đầu bị cáo Hoàng Thị Thanh N khai: Trong lúc N và thợ xây có lời qua tiếng lại với nhau thì ông C xông sang nhà N giằng thanh sắt N đang cầm để đẩy thước của thợ xây không cho xây phía nhà N đánh vào vùng đùi, chân và túm cổ áo đấm vào đầu N. N giằng lại thanh sắt thì bị thanh sắt vặn vào tay gây thương tích ở ngón tay cái bên trái. Do cây sắt dài nên văng vào mắt bên trái ông C gây thương tích. Trong lúc giằng thanh sắt với ông C, N dùng hai tay hai tay cầm vào thanh sắt đẩy thanh sắt về phía ông C. Lúc này ông C bỏ một tay ra túm vào cổ áo N, thanh sắt văng vào mặt ông C.

Sau đó, Hoàng Thị Thanh N thay đổi lời khai phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm: Khi ông C xông sang nhà N đã tự nhặt thanh sắt ở ngay trên mái vụt vào người, vào chân N. Khi N dùng tay trái ôm vào đùi trái thì bị thanh sắt vụt vào ngón tay cái gây thương tích. N tiến vào giằng co thanh sắt với ông C. Hai bên đẩy đi, đẩy lại thanh sắt thì ông C bỏ tay phải trên túm cổ áo N, do lực đẩy của N mạnh hơn nên phần đầu thanh sắt văng vào vùng mặt ông C. Bị cáo cũng xác nhận khi ông C bước sang sân thượng nhà N chưa bị thương tích gì, trong lúc giằng co N không rõ ông C có bị thương tích gì không, khi xuống nhà N thấy mặt ông C có chảy máu. Đồng thời bị cáo cũng xác nhận ngoài bị cáo và ông C thì không còn ai khác tham gia vào việc xô xát nêu trên.

Người bị hại Nguyễn Quốc C khai: Khi bị hại bước lên sân thượng nhà N, lúc này N cầm cây sào tre có cắm thanh sắt trên đầu đứng trên mái nhà N, ông C nói “Thợ nó có trát sang nhà mày đâu mà mày đánh thợ, có đánh thì mày đánh tao đây này”, lập tức N đâm nhát thứ nhất trúng ống đồng chân trái ông C làm ông C khụy xuống. Ông C ôm chân ngẩng đầu lên nói “Con chó này sao mày đánh tao” thì N nói “Đã thế tao cho mày chết” rồi dùng cây sào tre đầu có cắm thanh sắt đâm nhát thứ hai trúng vào hốc mắt trái của ông C.

Lời khai của những người làm chứng tại giai đoạn sơ thẩm như sau:

Người làm chứng Nguyễn Văn D khai: khi ông đang trát cột nhà mặt tiền thì bị cáo cầm một cây sào tre trên đầu có cắm thanh sắt đâm về phía ông và nói cứ để vật dụng sang phần đất nhà bị cáo là sẽ chọc... lúc này ông C xuất hiện bước sang phần sân thượng nhà bị cáo và nói “Bà thích đâm thì tôi đứng đây cho bà đâm” thì bị cáo cầm sào tre có gắn thanh sắt trên đầu đâm về phía bên trái ông C vùng từ háng chân xuống bàn chân... ông C túm được phần đầu, hai người giằng co nhau thanh sắt thì sào tre tuột ra... khoảng 03 phút sau ông C đi xuống ông thấy mặt ông C chảy máu. Tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm người làm chứng Nguyễn Văn D đều khai không trực tiếp nhìn thấy bị cáo N đâm vào mắt bị hại Nguyễn Quốc C mà chỉ khẳng định có việc bị cáo N dùng cây sào tre đầu gắn thanh sắt chọc về phía bị hại.

Người làm chứng Hoàng Anh Tuấn là em trai của bị cáo khai khi đi lên tầng thượng thì thấy hai người đang giằng co nhau 01 thanh sắt, trên mặt anh C chảy nhiều máu, tay chị N bị chảy máu, tôi đi đến thì có 01 cây sào tre dài khoảng 2,5 mét một đầu để ngay cửa ra vào, còn đầu kia hướng ra sân mái, thấy vậy tôi có nhặt lên để sang....... và đi đến kéo chị N vào nhà.

Người làm chứng Đặng Văn T khai người đàn ông (chủ nhà 404 L) đang giằng co chiếc gậy tre với người phụ nữ (chủ nhà 402 L), tôi thấy mắt trái của chủ nhà 404 L bị chảy máu...người phụ nữ giằng được sào tre thì đâm và khua về phía người đàn ông.

[2] Xét lời khai của người làm chứng Nguyễn Văn Dân và lời khai của bị hại Nguyễn Quốc C đều xác nhận có việc bị cáo cầm cây sào tre trên đầu có gắn thanh sắt đâm về phía bên trái ông C trúng vào phần từ háng xuống chân. Như vậy có thể khẳng định, bị cáo Hoàng Thị Thanh N đã có ý thức cố ý xâm phạm đến sức khỏe của bị hại Nguyễn Quốc C.

Xét lời khai của người làm chứng Hoàng Anh Tuấn là em trai của bị cáo, khi anh Tuấn lên tầng thượng thì thấy hai người đang giằng co 01 thanh sắt và trên mặt ông C chảy nhiều máu. Lời khai này phù hợp với lời khai của anh Đặng Văn Tuân và lời khai của người bị hại. Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định tại thời điểm hai bên giằng co xảy ra thì trên mặt ông C đã chảy nhiều máu. Do đó, việc giằng co thanh sắt theo lời khai của bị cáo xảy ra sau khi đã xuất hiện thương tích tại vùng mắt của bị hại.

Xét lời khai của bị cáo, bị hại, các người làm chứng đều khẳng định việc xô xát dẫn đến thương tích của bị hại chỉ có bị cáo và bị hại tham gia. Ngoài ra không có ai khác tham gia vào sự việc xô xát trên.

Từ những phân tích đánh giá ở trên có thể khẳng định, thương tích của bị hại là do chính bị cáo cố ý gây ra. Do đó, bị cáo Hoàng Thị Thanh N phải chịu trách nhiệm về hành vi Cố ý gây thương tích của mình theo như Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm nhận định là đúng pháp luật.

[3]- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 463/2017/TgT ngày 14/9/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của ông Nguyễn Quốc C:

+ Nạn nhân bị sang chấn đụng dập nhãn cầu mắt trái có phù đáy mắt và nghi tổn thương thị thần kinh, có rách da góc trong ngoài mắt và xây xước rách da nông một số nơi đã được điều trị chưa hoàn toàn ổn định còn phù nhẹ đáy mắt và chưa nhìn được mắt trái.

+ 02 vết thương rách da để lại sẹo nhỏ ở góc trong ngoài mắt trái không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng thẩm mỹ và có tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 02%.

+ Các vết xây xước da nhỏ ở bụng, tay, chân không đủ lớn để đánh giá tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.

Riêng sang chấn đụng dập nhãn cầu mắt trái còn chưa ổn định nên chưa đánh giá chính xác tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được. Cần tiếp tục theo dõi điều trị đến khi ổn định nếu cần thiết sẽ giám định lại sau.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y bổ sung về thương tích số 539/2017/TgT ngày 06/10/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của ông Nguyễn Quốc C:

Nạn nhân bị sang chấn đụng dập nhãn cầu mắt trái, rách da góc trong ngoài mắt, nghi tổn thương thị thần kinh đã được điều trị tạm thời ổn định nhưng còn chưa nhìn được mắt trái.

Tổn thương đụng dập nhãn cầu mắt trái còn thị lực sáng tối (±) là thị lực chủ quan của nạn nhân nhưng kết quả khám chuyên khoa mắt tại bệnh viện Mắt Trung ương ngày 04/10/2017 xác định bên trong nhãn cầu mắt trái không còn tổn thương và điện châm kích thích theo dõi tổn thương đường dẫn truyền thần kinh thị giác hai mắt (tức là chưa xác định chắc chắn tổn thương nào dẫn đến mắt trái không nhìn được). Vì vậy chưa thể đánh giá chính xác tỷ lệ tổn thương phần trăm cơ thể được.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 180/17/TgT ngày 31/10/2017 của Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế kết luận thương tích của ông Nguyễn Quốc C:

Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo góc mắt trái; Thị lực mắt trái sáng tối (±)

Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là: 33%.

Vật gây thương tích: Vật tày có cạnh diện tiếp xúc nhỏ gây nên.

- Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích (bổ sung) số 16/19/TgT ngày 07/01/2019 của Viện Pháp y quốc gia kết luận: Cơ chế hình thành thương tích do vật tày cứng có cạnh tác động trực tiếp vào vùng mắt trái theo hướng từ trước ra sau, hơi chếch từ phải qua trái gây nên tổn thương. Mẫu vật là thanh kim loại do cơ quan trưng cầu gửi đến giám định có thể gây nên được thương tích của Nguyễn Quốc C.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 498/2017/TgT ngày 27/10/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của Hoàng Thị Thanh N:

Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do chấn thương ngón I tay trái gây rách da, gãy xương đốt 1 đã được phẫu thuật kết hợp xương đang dần ổn định tốt là 06%.

Các vùng bầm tím sẽ khỏi hoàn toàn và không có hướng dẫn tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể nên không có căn cứ áp dụng.

Chấn thương ngón I tay trái có đặc điểm do vật tày (có thể có góc cạnh cứng) tác động trực tiếp gây nên. Các vết bầm tím có đặc điểm do vật tày tác động trực tiếp gây nên.

- Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 173/2018/TgT ngày 18/4/2018 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của Hoàng Thị Thanh N: Tại vùng đầu thì ngay từ khi xảy ra vụ việc đều không được ghi nhận có dấu vết thương tích. Kết quả chụp cắt lớp không có tổn thương sọ não nên không có căn cứ đánh giá tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Tuy nhiên nạn nhân đang có các triệu chứng của hội chứng suy nhược thần kinh, rối loạn tâm lý, cảm xúc nên cần theo dõi thêm.

[4] Như vậy, căn cứ vào toàn bộ lời khai của bị cáo, lời khai của bị hại, lời khai của những người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết quả thực nghiệm điều tra, các kết luận giám định thương tích, vật chứng thu giữ và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được điều tra công khai, tranh tụng tại phiên tòa đủ cơ sở xác định: Xuất phát từ việc mâu thuẫn giữa bị cáo N và ông C nên vào khoảng 09 giờ ngày 12/8/2017 tại khu vực bờ be ngăn nước trên sân thượng tầng 3, nhà số 402 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng là nhà của gia đình Hoàng Thị Thanh N, bị cáo N đã có hành vi dùng cây sào tre đầu có cắm thanh kim loại đâm về phía trước trúng vào ống đồng chân trái ông C làm ông C khụy xuống ôm chân. Khi ông C ngẩng đầu lên nhìn thì bị N đâm nhát thứ hai trúng vào hốc mắt trái ông C. Ông C dùng hai tay túm được vào thanh kim loại, hai bên giằng co làm thanh kim loại tuột ra khỏi cây sào tre. Ông C cầm thanh kim loại vụt nhiều nhát về phía trước trúng vào vùng đùi chân trái và ngón tay cái bàn tay trái của N. Hậu quả, mắt trái ông C và ngón tay cái bàn tay trái của N đều bị thương tích trong quá trình xảy ra xô sát. Các người làm chứng, bị cáo, bị hại đều xác nhận ngoài bị cáo, bị hại thì không có ai tham gia vào việc xô xát trên. Căn cứ vào các kết luận giám định của Trung tâm pháp y Hải Phòng và Viện pháp y quốc gia khẳng định thanh kim loại bị cáo N cầm là hung khí gây ra thương tích tại mắt cho ông C. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Hoàng Thị Thanh N đã có hành vi cố ý dùng cây sào tre đầu có cắm thanh kim loại đâm vào mắt trái người bị hại ông Nguyễn Quốc C làm tổn hại 33% sức khỏe. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Hoàng Thị Thanh N về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo N, chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

[5] Đối với quan điểm bào chữa của các Luật sư: Hội đồng xét xử nhận thấy qua phần tranh tụng tại phiên tòa. Các vấn đề luật sư bào chữa cho bị cáo nêu ra đã được đại diện Viện kiểm sát tranh luận đầy đủ và bác bỏ ý kiến tranh luận của các luật sư vì cho rằng Cơ quan điều tra tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm nhận thấy không có cơ sở để chấp nhận các luận cứ của người bào chữa cho rằng bị cáo Hoàng Thị Thanh N đã bị xét xử oan.

Chấp nhận một phần ý kiến của người bào chữa cho bị cáo đối với các thiếu sót của Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án như không mô tả vật chứng một cách chính xác khi thu giữ, không lập biên bản giao nhận đầy đủ trong quá trình giám định giữa Viện pháp y quốc gia và Cơ quan điều tra. Đây là những thiếu xót trong quá trình điều tra cần thiết phải rút kinh nghiệm với Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm và kiến nghị đối với Cơ quan điều tra Công an quận N. Tuy nhiên các thiếu sót trên không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, không ảnh hưởng đến việc việc đánh giá xác định sự thật khách quan của vụ án. Mặt khác một số vi phạm đã được khắc phục trong giai đoạn trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng như có văn bản đính chính, giải thích của cơ quan tiến hành giám định nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

[6] Xét kháng cáo của bị hại Nguyễn Quốc C và người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại: Đề nghị áp dụng tình tiết định khung hình phạt đối với bị cáo “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự; đồng thời đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Như đã phân tích nêu trên xét thấy xuất phát từ việc mâu thuẫn từ trước trong sinh hoạt giữa bị cáo và bị hại, sự việc xảy ra vào ngày 12/8/2017 là hậu quả của mâu thuẫn kéo dài từ trước đó chưa được chính quyền địa phương giải quyết triệt để.

Đối với hành vi chuẩn bị công cụ là con dao quắm dài 60cm. Tại phiên tòa bị cáo, và ông Đặng Minh T là chồng của bị cáo đều khai nhận việc chuẩn bị con dao quắm trên nhằm mục đích phát cây và phòng vệ trong nhà. Bị cáo không chuẩn bị công cụ trên nhằm mục đích giải quyết mâu thuẫn với gia đình người bị hại Nguyễn Quốc C. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đề nghị áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” đối với bị cáo.

Mặt khác tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội lần đầu, đánh giá nguyên nhân, động cơ, tính chất hành vi phạm tội; đồng thời áp dụng mức hình phạt 05 năm tù đối với bị cáo là phù hợp với các quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo của bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên giữ nguyên bản án sơ thẩm số 22/2019/HS-ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng.

Ngoài kháng cáo kêu oan của bị cáo và kháng cáo của bị hại đề nghị áp dụng tình tiết định khung hình phạt "có tính chất côn đồ" và tăng hình phạt. Các nội dung khác bị cáo, bị hại không có ý kiến gì nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét giải quyết.

[7] Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm. Bị hại không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

[8] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo và kháng cáo của người bị hại. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 22/2019/HS-ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng.

Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: Hoàng Thị Thanh N 05 (năm) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 20/3/2018.

2. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo Hoàng Thị Thanh N phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm. Bị hại Nguyễn Quốc C không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án số 22/2019/HS-ST ngày 11/4/2019 của Toà án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

370
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 65/2019/HS-PT ngày 20/09/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:65/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về