Bản án 65/2018/HS-PT ngày 08/10/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 65/2018/HS-PT NGÀY 08/10/2018 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 08 tháng 10 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 50/2018/HSPT ngày 06 tháng 7 năm 2018 đối với bị cáo Lê Hoàng H.

Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HS-ST ngày 16/05/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Lê Hoàng H, sinh năm 1987 tại Hưng Yên; Nơi cư trú: Đường Nguyễn Thị Định, tổ 2, khu phố Phú C, phường Tân P, thị xã Đông X, tỉnh B P (chỗ ở hiện nay: ấp 3, xã Lộc Đ, huyện LN, tỉnh Bình Phước); nghề ngH Chăn nuôi; trình độ văn hóa 12/12; dân tộc Kinh; tôn giáo không; quốc tịch Việt Nam; con ông Lê Quang H, sinh năm 1962 và bà Hoàng Thị Kim T, sinh năm 1965; bị cáo có vợ là chị Lê Thị Kim S, sinh năm 1988 và 02 người con lớn sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2015; tiền án, tiền sự không; Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, “có mặt”.

Nhân thân (01): Năm 2013 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xử phạt 7.000.000 đồng về tội “Đánh bạc” theo Bản án số 34/2013/HSST ngày 26/6/2013.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 26 tháng 10 năm 2017, Cục cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ công an phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Ninh, Hạt kiểm lâm huyện Lộc Ninh tiến hành kiểm tra tại trại nuôi động vật rừng thông thường thuộc ấp 3 xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và phát hiện bắt quả tang Lê Hoàng H đang nuôi, nhốt 11 cá thể Tê tê, 16 cá thể Rắn hổ chúa và 52 cá thể Khỉ đuôi dài. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Ninh đã lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang cùng vật chứng để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, Lê Hoàng H khai nhận: Vào năm 2015, ông Lê Quang Hạnh là bố ruột của bị can H đã thuê lại trại nuôi động vật rừng thông thường thường thuộc ấp 3 xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh của ông Nguyễn Thanh Phương, ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Sau đó ông Hạnh giao lại cho H trực tiếp quản lý, trông coi, nuôi các động vật rừng thông thường. Trong thời gian này H có quan biết một người tên là Tiến (chưa rõ nhân thân, lai lịch) do thường đến trại nuôi của H để mua trứng Rắn hổ nhện. Đến đầu tháng 10 năm 2017, Tiến điện thoại cho H nói có nguồn hàng Tê Tê và Rắn hổ chúa từ camphuchia về nhưng không có chỗ nuôi, nhốt nên muốn để H nuôi, nhốt thì H trả lời để hôm nào gặp sẽ bàn cụ thể. Khoảng 02 ngày sau, Tiến điện thoại hẹn H ra quán nước ở ngã ba chợ Lộc Thái, huyện Lộc Ninh nói chuyện. Tại đây, Tiến và H thỏa thuận H có trách nhiệm nuôi số động vật hoang dã (Tê tê và Rắn hổ chúa) do Tiến đem đến, khi nào gom đủ số lượng Tiến sẽ đem đi nơi khác và trả tiền công cho H thì H đồng ý. Nhưng do sợ bị lực lượng chức năng kiểm tra chuồng trại của H phát hiện nên H và Tiến bàn bạc xây chuồng để nuôi (Tê tê, Rắn hổ chúa) ở bên ngoài trại nuôi của H và Tiến là người bỏ tiền ra xây. Sau đó H về mượn đất của bà Trương Thị Sen đối diện với trại nuôi của H để xây thì được bà Sen đồng ý. Sau khi H xây chuồng xong hết 12.000.000đ, thì đến ngày 22 tháng 10 năm 2017, Tiến điện thoại báo cho H biết chiều sẽ vận chuyển động vật hoang dã đến trại nuôi của H. Khoảng 16 giờ cùng ngày Tiến chạy xe mô tô chở 05 cá thể Tê tê và 07 cá thể Rắn hổ chúa đến giao cho H và đưa cho H 12.000.000đ tiền xây chuồng trại rồi Tiến bỏ đi, khoảng 40 phút sau Tiến quay lại chở thêm 06 cá thể Tê tê và 09 cá thể Rắn hổ chúa giao tiếp cho H. Sau đó H đem 11 cá thể Tê tê sang chuông xây trên đất của bà Sen nuôi, còn 16 cá thể Rắn hổ chúa H nhốt trong bao lưới và để ở chuồng trong trại nuôn động vật rừng thông thường của H. Đến 15 giờ 30 phút ngày 26 tháng 10 năm 2017 thì bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện bắt quả tang và thu giữ số động vật trên. Đối với 52 cá thể Khỉ đuôi dài là do bố của H là ông Lê Quang H mua về để cho H nuôi, chăm sóc.

Vật chứng thu giữ: 11 cá thể Tê tê, 16 cá thể Rắn hổ chúa, 52 cá thể Khỉ đuôi dài và 01 điện thoại di động Nokia 101.

Căn cứ Bản kết luận giám định mẫu vật số 210 và 211 ngày 10/11/2017 của Viện sinh học nhiệt đới Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, kết luận:

- 11 (Mười một) cá thể Tê tê Java - Manis Javanica, tổng trọng lượng 46,8kg thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

- 16 (Mười sáu) cá thể Rắn hổ chúa -Ophiophagushannah, tổng trọng lượng 42,4kg thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ

- 52 (Năm mươi hai) cá thể Khỉ đuôi dài -Macacafascicularis

Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã tiến hành bàn giao 11 cá thể Tê tê, 16 cá thể Rắn hổ chúa và 52 cá thể Khỉ đuôi dài cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thảo cầm Viên Sài Gòn (Gọi tắt là: Công ty Thảo cầm Viên Sài Gòn) quản lý và chăm sóc. Hiện nay đã chết 06 cá thể Tê tê và 07 cá thể Rắn hổ chúa.

Đối với 52 cá thể Khỉ đuôi dài, hiện đã chết 16 cá thể, đây là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm nhưng chưa được ưu tiên bảo vệ. Do đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã tách ra chuyển đến Hạt kiểm lâm huyện Lộc Ninh để xử lý hành chính theo quy định.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HSST ngày 16/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh đã Tuyên xử:

Tuyên bố bị cáo Lê Hoàng H phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”,

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Xử phạt bị cáo Lê Hoàng H 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 22/5/2018, bị cáo Lê Hoàng H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Hoàng H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của mình và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo vì bị cáo đã thực sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo Lê Hoàng H, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Hoàng H khai nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nhận định. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, hành vi phạm tội, tang vật vụ án đồng thời phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang; bản kết luận giám định mẫu vật cùng các tài liệu, chứng cứ khác được xét hỏi công khai tại phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Vào ngày 26 tháng 10 năm 2017, tại trại nuôi động vật rừng thông thường thuộc ấp 3, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, bị cáo Lê Hoàng H đã thực hiện hành vi nuôi, nhốt 11 cá thể Tê tê Java (Manis Javanica), tổng trọng lượng 46,8kg và 16 cá thể Rắn hổ chúa (Ophiophagushannah), tổng trọng lượng 42,4kg là động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Hành vi mà bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự bền vững và ổn định của môi trường; xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả xấu đối với môi trường sinh thái. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Lê Hoàng H, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Đối với kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng bản thân bị cáo là người có nhân thân xấu, năm 2013 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xử phạt 07 triệu đồng về tội “Đánh bạc”; bị cáo đã chấp hành xong hình phạt và đã được xóa án tích nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học tu dưỡng bản thân thành người có ích cho xã hội mà lại tiếp tục phạm tội mới điều đó chứng tỏ bị cáo là đối tượng khó giáo dục, cải tạo. Tuy nhiên, bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ là đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, do đó khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo 18 (mười tám) tháng tù là trong khung hình phạt, không nặng, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo Lê Hoàng H đưa ra thêm các tình tiết giảm nhẹ bị cáo là lao động chính trong gia đình hiện đang nuôi con còn nhỏ; ông bà ngoại của bị cáo là người có công với cách mạng; bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại để xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, tuy nhiên Hội đồng xét xử xét thấy theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bị cáo không thuộc trường hợp phạm tội lần đầu nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, ngoài ra hành vi mà bị cáo thực hiện đã xâm phạm trực tiếp đến lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái tự nhiên nên không thuộc trường hợp phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Do đó, kháng cáo của bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Lê Hoàng H. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nhưng bị cáo là người có nhân thân xấu và chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, nên đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các quy định về án treo thì xét bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo của bị cáo Lê Hoàng H;

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HS-ST ngày 16/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Tuyên bố bị cáo Lê Hoàng H phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”,

Căn cứ vào khoản 1 Điều 190; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Xử phạt bị cáo Lê Hoàng H 18 (mười tám) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Hoàng H phải chịu 200.000 đồng.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

897
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 65/2018/HS-PT ngày 08/10/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:65/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về