Bản án 64/2019/HS-ST ngày 06/08/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUẦN GIÁO, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 64/2019/HS-ST NGÀY 06/08/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 06 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 49/2019/TLST-HS ngày 11 tháng 6 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 57/2019/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 7 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Quàng Văn M; Tên gọi khác: Không; Sinh ngày 16 tháng 8 năm 1992, tại xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên; Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên; Dân tộc: Thái; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: Lớp 8; Nghề nghiệp: Nông nghiệp; Họ tên cha: Quàng Văn C, sinh năm: 1967; Họ tên mẹ: Lò Thị T, sinh năm: 1967. Bị cáo có 04 anh em ruột, bị cáo là con thứ 02 trong gia đình; Bị cáo chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ từ 04/3/2019 đến ngày 13/3/2019 và bị tạm giam từ ngày 13/3/2019 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo Quàng Văn M ông: Bùi Đình Minh; Luật sư cộng tác viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

2. Họ và tên: Quàng Văn T; Tên gọi khác: Không; Sinh ngày 02 tháng 4 năm 2002, tại xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên; Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên; Dân tộc: Thái; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: Lớp 11; Nghề nghiệp: Nông nghiệp; Họ tên cha: Quàng Văn H, sinh năm: 1979; Họ tên mẹ: Quàng Thị T, tên gọi khác: Lò Thị T, sinh năm: 1984; Anh chị em ruột: Bị cáo có 02 chị em ruột, bị cáo là con thứ 02 trong gia đình; Bị cáo chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 24/4/2019 cho đến nay, bị cáo có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo Quàng Văn T ông: Lê Đình Thu; Luật sư cộng tác viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt.

* Người đại diện hợp pháp của bị cáo Quàng Văn Tùng:

Họ và tên: Quàng Văn H, sinh năm 1979. Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Có mặt

3. Họ và tên: Quàng Văn U; Tên gọi khác: Không; Sinh ngày 08 tháng 5 năm 1998, tại xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên; Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên; Dân tộc: Thái; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: Lớp 10; Nghề nghiệp: Nông nghiệp; Họ tên cha: Quàng Văn C, sinh năm: 1967; Họ tên mẹ: Lò Thị T, sinh năm: 1967; Anh chị em ruột: Bị cáo có 04 anh em ruột, bị cáo là con thứ 04 trong gia đình; Bị cáo chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 24/4/2019 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

* Bị hại:

1. Họ và tên: Tòng Văn C, sinh ngày 25/9/1992. Nơi ĐKHKTT: Bản X, xã B, huyện M, tỉnh Điện Biên. Hiện nay đang làm việc tại: Công ty TNHH nội thất Xuân Minh; địa chỉ: Ngõ 369 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long B, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tòng Văn C bà: Lò Khánh Hà; Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

2. Họ và tên: Lò Văn D, sinh ngày 07/01/1986. Nơi cư trú: Bản B, xã Ch, huyện T, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Lò Văn D ông: Nguyễn Quang Khai; Luật sư cộng tác viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt.

3. Họ và tên: Lò Văn C, sinh ngày 15/02/1991. Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

* Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Lò Văn C ông: Nguyễn Trần Dễ; Luật sư cộng tác viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt.

* Người có nghĩa vụ liên quan:

1. Họ và tên: Quàng Văn C, sinh năm 1989. Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

2. Họ và tên: Quàng Văn N, sinh năm 1996. Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

3. Họ và tên: Cà Văn Đ, sinh năm 1999. Nơi cư trú: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

* Người làm chứng:

1. Họ và tên: Lường Văn T, sinh năm 1971. Nơi cư trú: Bản L, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

2. Họ và tên: Nguyễn Thanh H, sinh năm 1977. Nơi cư trú: Bản L, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 21 giờ ngày 03/3/2019 sau khi ăn cơm, uống rượu tại nhà Quàng Văn M. Quàng Văn M, Quàng Văn T, Quàng Văn U, Quàng Văn C, Quàng Văn N và Cà Văn Đ (đều trú tại: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên) cùng rủ nhau đến quán anh Lường Văn T tại bản L, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên để hát Karaoke. Khi đến nơi, tất cả mọi người vào phòng hát, hát được một lúc thì M đi sang phòng hát bên cạnh có anh Lò Văn D, Lò Văn C (cùng trú tại bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên) và Tòng Văn C trú tại bản X, xã B, huyện M, tỉnh Điện Biên giao lưu. Khi sang giao lưu do bị ép uống bia nên M thấy bực tức trong người. Đến khoảng 00 giờ ngày 04/3/2019, khi hát xong, M đi ra ngoài thì gặp T đang đứng ngoài cửa. M nói với T “Mấy thằng kia ngang quá, tao vào giao lưu ép tao uống bia, không cho tao ra, chúng mình đi dọa nó tý đi”. T nói “Mình nhỏ con thế này, làm sao dọa được nó”, M nói: “Thế mình về nhà tìm đồ đi”. T đồng ý. Sau đó M và T đi xe máy về nhà M. Khi đến nhà, M lấy 01 con dao bằng kim loại (dạng kiếm) dài khoảng 65cm mà M cất trong tủ từ trước ra, còn T đi vào sân nhà M thì lấy 01 thanh kim loại dạng ống trụ tròn, bên trong rỗng, dài khoảng 68cm dưới bàn để bia rồi đi ra cổng đợi. Sau đó M chở T, T cầm con dao và gậy, còn Mới điều xe máy đi đến quán hát nhà anh T. Đi khoảng được 100m thì thấy U đi xe máy đuổi theo và hỏi “Chúng mày đi đâu đấy”, M trả lời “Đi xem anh C, anh C say rượu” Sau đó U, T, M cùng đi đến quán nhà anh T, đến nơi M nhìn thấy anh C và anh D đang ngồi trên xe máy ở ngoài sân, M liền đi đến và hỏi anh C và anh D nói “Chúng mày thích gì”, sau đó anh D và M giằng co nhau thì dây truyền trên cổ M rơi ra, nên M quay lại chỗ T lấy con dao mà trước đó đưa cho T cầm xông vào anh D, thấy vậy anh C cũng xông về chỗ M, M dùng dao chém vào mu bàn tay trái của anh C gây đứt gân duỗi ngón 2, 3, 4, 5, gẫy xương đốt ngón 5. Thấy vậy T cũng xông đến dùng ống tuýp kim loại mang theo vụt vào lưng anh C một cái thì bị anh Lường Văn T là chủ quán căn ngăn và giằng lấy ống tuýp, T bị giằng ống tuýp liền đến cửa quán cầm 02 vỏ chai bia ra để tiếp tục đánh nhau thì bị chị Nguyễn Thanh H chủ nhà giữ lại không cho đánh. Khi thấy M và T đánh anh C, U đứng ở ngoài cũng nhặt lấy 01 thanh gỗ hình vuông dài 64cm vụt vào người anh C. Đánh nhau xong, M và U ra lấy xe máy đi thì thấy anh D đuổi theo sau T. T thấy vậy hô lên “Lấy em đi, nó đánh em rồi”.Thấy vậy M và U mới quay lại phía anh D, M dùng dao chém nhiều nhát vào mạng sườn trái, mạng sườn phải, vùng thượng vị bên phải và vùng lưng anh D. Thấy anh D gục xuống, U dùng gậy vụt vào lưng anh D 01 cái, làm rách áo nhưng không gây thương tích. Cùng lúc đó anh C đến đỡ D dậy, M dùng dao chém vào lưng anh C một lần, còn U dùng gậy nhiều lần vụt vào người anh C.

Vào ngày 05/3/2019 anh Tòng Văn C, anh Lò Văn C, anh Lò Văn D có đơn đề nghị cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo xử lý U, M, T theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/3/2019 Quàng Văn M ra đầu thú.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 38/TgT ngày 06/3/2019 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Điện Biên đối với Lò Văn C kết luận:

- 01 vết sưng nề vùng đỉnh đầu bên trái KT: (3,5×2)cm; 01 vết xây xát da ở gò má phải KT (2,7×1,5)cm; 01 vết xây xát da ở rãnh mũi má bên phải KT: (3×0,5)cm; 01 vế xây xát da ở mép phải KT: (0,9×0,3)cm; Mẻ răng R2.2; 01 vết thương rách niêm mạc môi trên bên phải KT: (0,6×0,2)cm; 01 vết thương rách da ở vùng lưng trái KT: (3×0,1)cm; 01 vế bầm tím, sưng nề ở 1/3 trên mặt sau cẳng tay trái KT: (4,2×4)cm; 01 vết bầm tím, sưng nề ở 1/3 dưới mặt sau cẳng tay trái KT: (4,5×3)cm.

- Các vết xây xát, rách da và niêm mạc như đã mô tả ở trên = 5%;

- Mẻ răng R2.2 = 1%.

- Như vậy tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho Lò Văn C hiện tại là 6% (sáu phần trăm).

- Cơ chế do tác động của ngoại lực bởi vật cứng có thể do thanh gỗ hình trụ vuông và đoạn ống tuýp bằng kim loại theo Bản kết luận giám định pháp ý về vật gây thương tích số 73/GĐ-PY ngày 22/4/2019 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 61/TgT ngày 21/3/2019 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Điện Biên đối với Lò Văn D kết luận:

- 01 sẹo phần mềm ở vùng hạ sườn trái kích thước: 13cm×0,1cm; Xung quanh có 08 vết sẹo chân chỉ, mỗi vết kích thước: 3cm×0,1cm;

- 02 sẹo phần mềm ở vùng thượng vị bên phải: Sẹo 1 kích thước 1cm×0,1cm, sẹo 2 cách sẹo 1 là 2,3cm kích thước 0,5cm×0,2cm;

- 02 sẹo phần mềm ở vùng mạng sườn phải: Sẹo 1 kích thước 0,6cm×0,3cm, sẹo 2 cách sẹo 1 là 3,6cm kích thước 1cm×0,5cm;

- 07 sẹo phần mềm ở vùng lưng: Sẹo 1 cách bờ dưới xương bả vai phải 8cm kích thước 10cm×0,1cm. Xung quanh có 05 vết sẹo chân chỉ, mỗi vết kích thước 3cm×0,1cm. Sẹo 2 cách sẹo 1 là 6,5cm kích thước 1cm×0,5cm. Sẹo 3 cách sẹo 2 là 9cm kích thước 7,5cm×0,1cm, xung quanh có 04 vết sẹo chân chỉ, mỗi vết kích thước 2cm×0,1cm. Sẹo 4 cách sẹo 3 là 0,1cm kích thước 7,5cm×0,2cm, xung quanh có 05 vết sẹo chân chỉ, mỗi vết kích thước 2,5cm×0,1cm. Sẹo 5 cách sẹo 4 là 3,5cm kích thước 13,5cm×0,1cm. Xung quanh có 09 vết sẹo chân chỉ, mỗi vết kích thước 2,5cm×0,1cm.

Sẹo 6 cách sẹo 5 là 8,5cm kích thước 1,5cm×1cm. Sẹo 7 cách sẹo 6 là 5cm kích thước 1,3cm×0,5cm;

- 01 sẹo phần mềm ở đốt 3 ngón 5 bàn tay phải kích thước 0,8cm×0,4cm.

Như vậy: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho Lò Văn D hiện tại là 15%.

Cơ chế do tác động của ngoại lực bởi vật cứng có thể do tác động ngoại lực của vật sắc nhọn gây nên (thanh kiếm) theo Bản kết luận giám định pháp ý về vật gây thương tích số: 74/GĐ-PY ngày 22/4/2019 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 39/TgT ngày 06/3/2019 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Điện Biên đối với Tòng Văn C kết luận:

- 01 vết thương phần mềm ở mu bàn tay trái KT: (9×0,2)cm, khâu bằng 10 mũi chỉ. Mu bàn tay trái sưng nề, vận động bàn ngón tay trái hạn chế, cảm giác bình thường. Cẳng bàn tay trái đang được cố định bằng máng bột. Như vậy: 01 vết thương phần mềm như đã mô tả ở trên = 9%; Đứt gẫn duỗi ngón 2, 3, 4, 5 bàn tay trái = 6%; Gẫy xương đốt bàn ngón 5 bàn tay trái = 6%. Áp dụng tính tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho Tòng Văn C theo phương pháp cộng lùi là 19,59% (làm tròn số 20%).

- Cơ chế do tác động của ngoại lực bởi vật cứng có thể do tác động ngoại lực của vật sắc nhọn gây nên (thanh kiếm) theo Bản kết luận giám định pháp ý về vật gây thương tích số: 72/GĐ-PY ngày 22/4/2019 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ của các bị cáo gồm: 01 thanh kiếm bằng kim loại dài 65cm; 01 thanh kim loại dạng ống tròn dài 68cm; 01 thanh gỗ màu xám dạng hình vuông dài 64cm; 01 con dao phay cả cán dài 35cm; 01 dây chuyền kim loại màu trắng bạc; 01 đôi dép tông màu vàng; 01 xe máy nhãn hiệu YAMAHA, BKS 27B1 - 844.26 và 01 xe máy nhãn hiệu HONDA loại AIRBALADE, BKS 27Z1-174.81, một áo gió đã cũ màu cà phê hiệu NIKE và 01 quần sóc nam màu đen.

Bản cáo trạng số: 49/CT-VKS-TG ngày 10/6/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo truy tố ra trước Toà án nhân dân huyện Tuần Giáo để xét xử bị cáo Quàng Văn U về tội “ Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Các bị cáo Quàng Văn M, Quàng Văn T về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Quàng Văn U từ 09 tháng đến 12 tháng tù.

- Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 134; điểm b, s Khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 91, Điều 65 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Quàng Văn T từ 18 tháng đến 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36 đến 48 tháng.

- Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Quàng Văn M từ 05 năm 06 tháng đến 06 năm tù.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 47, Điều 48 BLHS, Điều 584, Điều 586, Điều 590 BLDS buộc các bị cáo Quàng Văn M, Quàng Văn T có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho anh Tòng Văn C, Lò Văn D. Buộc bị cáo Quàng Văn U bồi thường thiệt hại cho Lò Văn C.

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và Khoản 1; điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu để hủy 01 thanh kiếm bằng kim loại dài 65cm; 01 thanh gỗ màu xám, dạng hình trụ vuông dài 64cm vuông 4,5cm; 01 thanh kim loại dạng ống trụ tròn, bên trong rỗng được sơn đỏ đã hoen gỉ dài 68cm, đường kính 2,2cm; 01 dao phay - dao chặt cả cán dài 35cm là công cụ phương tiện phạm tội.

Đối với 02 chiếc dép tông màu vàng; 01 áo gió đã cũ màu cà phê hiệu NIKE; 01 quần sóc nam màu đen không còn giá trị sử dụng, bị hại không có nhu cầu lấy lại nên tịch thu tiêu hủy.

Tịch thu sung quỹ nhà nước 01 xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại EXCITER, màu sơn đỏ đen BKS 27B1-844.26 số khung RLCUG1010KY101829, số máy G3D4E868260 của Quàng Văn M.

Trả cho bị cáo Quàng Văn M 01 sợi dây chuyền kim loại màu trắng bạc.

- Miễn án phí hình sự sư thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật đối với các bị cáo.

Ông Lê Đình Minh, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên là người bào chữa cho bị cáo Quàng Văn M nhất trí như bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo, truy tố bị cáo Quàng Văn M về tội “ Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự; Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, s khoản 1 Điều 51 của BLHS; giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt và cho bị cáo hưởng mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định để bị cáo yên tâm, sớm trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội và Đề nghị áp dụng Điểm đ Khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết: 326/2016/UBTVQH miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo M.

Ông Lê Đình Thu bào chữa cho bị cáo Quàng Văn T nhất trí quan điểm truy tố của VKS, đề nghị hội đồng xét xử các tình tiết giảm nhẹ TNHS, áp dụng điều 91 BLHS cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất và áp dụng Điều 65 BLHS cho bị cáo được hưởng án treo, tạo điều kiện cho bị cáo trở lại học tập để trở thành người tốt.

Bị hại Tòng Văn C yêu cầu các bị cáo Quàng Văn M; Quàng Văn T bồi thường các khoản thiệt hại cụ thể như sau:

- Tiền viện phí 2.000.000đ;

- Tiền mất thu nhập của 01 người chăm sóc trong thời gian nằm viện: 2.000.000đ;

- Tiền mất thu nhập của 01 người chăm sóc sau ra viện: 9.000.000đ;

- Tiền giám định: 1.000.000đ;

- Tiền mất thu nhập của bản thân trong 12 tháng: 170.000.000đ;

Tổng số tiền yêu cầu: 184.000.000đ (một trăm tám mươi tư triệu đồng).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Tòng Văn C đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại mà mức yêu cầu bồi thường như trong đơn đề nghị của Tòng Văn C.

Bị hại Lò Văn D yêu cầu các bị cáo Quàng Văn M; Quàng Văn T bồi thường các khoản thiệt hại cụ thể như sau:

- Tiền viện phí + tiền phẫu thuật: 3.000.000đ

- Tiền cược BHYT: 2.000.000đ

- Tiền thuê phòng yêu cầu: 3.600.000đ

- Tiền ăn 12 ngày nằm viện của tôi và 2 người chăm sóc: 6.800.000đ

- Tiền công người nhà chăm sóc 12 ngày: 10.560.000đ

- Tiền nuôi con nhỏ trong thời gian 4 tháng: 3.600.000đ

- Tiền chăm sóc trong thời gian không đi làm được: 12.000.000đ

- Tiền làm lý theo phong tục: 7.000.000đ

- Tiền đi Điện Biên kiểm tra lại sức khỏe theo chỉ định của bác sỹ: 3.260.000đ

- Tiền lương 4 tháng không đi làm được: 92.000.000đ

- Tiền mua thuốc ngoài: 4.353.000đ

- Tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe: 89.400.000đ

- Tiền bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại: 30.000.000đ.

Tổng số tiền yêu cầu: 267.573.000đ (Hai trăm sáu mươi bảy triệu năm trăm bảy mươi ba nghìn đồng).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Lò Văn D đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại của bị hại Lò Văn D. Riêng mức thu nhập hàng tháng của Lò Văn D thì không có cơ sở chấp nhận, cần tính theo mức thu nhập bình quân của 01 lao động hạng A với mức 300.000đ/ngày là hợp lý.

Bị hại Lò Văn C yêu cầu bị cáo Quàng Văn U bồi thường các khoản thiệt hại cụ thể như sau:

- Tiền viện phí: 2.000.000đ

- Tiền đi giám định: 1.160.000đ

- Tiền ăn 7 ngày nằm viện của tôi và 2 người chăm sóc: 1.050.000đ

- Tiền công 1 người nhà chăm sóc trong thời gian nằm viện: 1.540.000đ

- Tiền làm lý theo phong tục: 5.000.000đ - Tiền đi khám răng: 480.000đ

- Tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe: 45.000.000đ

- Tiền lương 4 tháng không đi làm được: 52.000.000đ

- Tiền bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại: 30.000.000đ.

Tổng số tiền yêu cầu: 138.230.000đ (một trăm ba mươi tám triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng).

Người bảo vệ quyền lợi ích cho Lò Văn C ông Nguyễn Trần Dễ yêu cầu hội đồng xét xử chấp nhận các khoản như viện phí, giám định sức khỏe, tiền khám răng, tiền công 1 người chăm sóc theo đơn đề nghị của Lò Văn C; đề nghị bồi thường tổn thất về tinh thần 10 tháng lương. Các khoản tiền làm lý, thu nhập bị mất đề nghị hội đồng xét xử xem xét theo qui định của pháp luật.

Về tội danh và điều khoản áp dụng, quan điểm xử lý của Viện kiểm sát đối với các bị cáo, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại nhất trí, không có ý kiến gì.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo nhất trí với quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng truy tố là đúng, không có ý kiến tranh luận với đại diện Viện kiểm sát mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.Quàng Văn M thừa nhận, bản thân bị cáo là người rủ rê Quàng Văn T. Trong khi thực hiện hành vi phạm tội, thương tích của D, Cẩn do chính bị cáo gây ra. Bị cáo rất ân hận vì bị cáo mà T phải chịu chung hậu quả. Bị cáo tha thiết đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự cho Tùng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1]. Về hành vi bị truy tố của bị cáo:

Lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phù hợp với nhau, kết luận giám định, lời khai của bị hại, lời khai của người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án; do vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định: Khoảng 00 giờ ngày 04/3/2019, tại khu vực bản Ly Xôm, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Quàng Văn M, Quàng Văn T đã có sự thống nhất ý chí thực hiện hành vi cố ý gây tích cho Tòng Văn C và Lò Văn D, thể hiện: Khi được M rủ về nhà lấy hung khí đi đánh nhau, T đã nhất trí ngay. M chuẩn bị dao dạng kiếm, T chuẩn bị gậy sắt. T là người ngồi sau xe cầm gậy và kiếm giúp M, còn M điều khiển xe. Quàng Văn M là người thực hiện hành vi phạm tội tích cực, là người trực tiếp dùng kiếm gây thương tích cho Tòng Văn C và Lò Văn D. Quàng Văn T có dùng gậy sắt đánh vào lưng C, không trực tiếp gây thương tích cho D, C nhưng vẫn phải chịu liên đới TNHS với vai trò đồng phạm.

Hành vi dùng hung khí nguy hiểm là 01 con dao nhọn bằng kim loại (dạng kiếm) và 01 thanh sắt gây thương tích cho anh Tòng Văn C của Quàng Văn M và Quàng Văn T, đã để lại tỷ lệ tổn thương cơ thể cho anh C là 20%, Lò Văn D là 15%.

Quàng Văn U thấy M và T đánh D, C nên đã dùng 01 chiếc gậy gỗ đánh và gây thương tích cho Lò Văn C, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 6%. Quàng Văn U không có sự thống nhất ý chí với M, T nên chỉ phải chịu TNHS với thương tích đã gây ra cho Lò Văn C là 6%.

Hành vi nêu trên của các bị cáo Quàng Văn T, Quàng Văn M, Quàng Văn U là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền được bảo vệ về sức khỏe của con người, do vậy các bị cáo M, T có đủ các yếu tố cấu thành tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự. Bị cáo U tuy gây ra thương tích cho Lò Văn C 6% nhưng đã dùng gậy gỗ là hung khí nguy hiểm. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, quy định:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

Các bị cáo Quàng Văn T, Quàng Văn M, Quàng Văn U là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Các bị cáo thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp; Nguyên nhân do các bị cáo thiếu ý thức chấp hành pháp luật, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, không làm chủ được bản thân nên đã cố ý phạm tội. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra. Vì vậy, bản cáo trạng số: 49/CT-VKS-TG ngày 10/6/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo truy tố các bị cáo về tội Cố ý gây thương tích theo Điều luật đã viện dẫn ở trên là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.

Xét lời khai của người bị hại Lò Văn D cho rằng, những người bị hại không có mâu thuẫn gì với các bị cáo mà các bị cáo vô cớ gây thương tích. Anh D cho rằng có ai đó thuê các bị cáo đánh và còn có người khác cùng đánh. Hội đồng xét xử xét thấy ý kiến của anh D không có căn cứ. Bởi lẽ, xét về nguyên nhân dẫn đến xô xát xuất phát từ việc khi bị cáo Quàng Văn M sang phòng có nhóm hát của Lò Văn D, ứng xử của anh D cũng chưa thể hiện được sự lịch thiệp, thể hiện câu nói “Mày biết tao là ai không”. Quàng Văn M cho rằng bản thân không được tôn trọng, sẵn có hơi men nên Quàng Văn M đã có hành vi thiếu kiểm soát dẫn đến việc xô xát đánh nhau và lúc đó ý định đánh nhau mới nảy sinh. Trước khi đánh nhau, Mới rủ T và cùng T chuẩn bị công cụ. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, chỉ có M, T, U thực hiện thể hiện ở lời khai của các bị cáo, người làm chứng Lường Văn T, Nguyễn Thanh H (bút lục số 205; 206; 209; 210) và người có nghĩa vụ liên quan Hoàng Văn D (bút lục số 215; 216); Cà Văn Đ (bút lục số 227; 228) Quàng Văn C (bút lục số 221; 222), Quàng Văn N (bút lục số 233; 234) và lời khai của Quàng Văn N, Quàng Văn C tại phiên tòa. Lời khai của những người này thể hiện nhóm đánh gồm 03 người là Quàng Văn M, Quàng Văn T và Quàng Văn U. Bản kết luận pháp y về vật gây thương tích của Lò Văn D, Tòng Văn C thể hiện: Thanh kiếm như mô tả ở trên có thể gây thương tích cho Lò Văn D, Tòng Văn C, phù hợp với đặc điểm hình thành dấu vết thương tích do ngoại lực vật sắc nhọn gây nên.

Bởi vậy, có căn cứ xác định thương tích của Lò Văn D, Tòng Văn C do Quàng Văn M trực tiếp dùng kiếm gây nên. Quàng Văn M có sự thống nhất ý chí với Quàng Văn T nên M và T phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự và dân sự đối với thương tích của Lò Văn D và Tòng Văn C. Ngoài ra không còn ai khác. Quàng Văn U không được thống nhất ý chí, là người gây thương tích cho Lò Văn C nên phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự đối với thương tích của Lò Văn C.

[2]. Xét tính chất, vai trò của các bị cáo trong vụ án:

Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, trong đó Quàng Văn M là người khởi xướng, đồng thời cũng là người tích cực thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, là người trực tiếp gây thương tích cho D và C. Quàng Văn T là đồng phạm thể hiện ở việc thống nhất ý chí với Quàng Văn M, khi được Quàng Văn M rủ đi đánh nhau, Quàng Văn T đã nhất trí về nhà Quàng Văn M tìm công cụ để đi đánh nhau. Quàng Văn T cũng là người giúp sức cho Quàng Văn M thể hiện ở hành vi ngồi sau xe do M điều khiển cầm kiếm cho M. Tuy nhiên, vai trò đồng phạm của bị cáo T ở mức độ thứ yếu, không trực tiếp gây ra thương tích cho Lò Văn C và Lò Văn D.

Quàng Văn U là người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho anh Lò Văn C, tuy nhiên U không được biết, được bàn bạc với T và M. Khi thấy T, M đánh anh C và anh D thì U cũng vào đánh cùng, do vậy U chỉ chịu TNHS với thương tích do U gây ra cho Lò Văn C.

[3]. Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo thì thấy:

Về nhân thân: Các bị cáo đều sinh ra và lớn lên tại bản B, xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên. Bị cáo Mới được gia đình cho ăn học đến lớp 8 thì bỏ học, bị cáo Tùng được gia đình cho ăn học đến lớp 11 thì bỏ học, bị cáo Quàng Văn U được gia đình cho ăn học hết lớp 10 thì bỏ học. Các bị cáo đều chưa có tiền án, tiền sự và chưa xây dựng gia đình. Các bị cáo đều có nhân thân tốt.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Quàng Văn M phạm tội có tính chất côn đồ, vì nguyên cớ nhỏ nhặt mà liên tiếp dùng dao chém các bị hại. Tuy nhiên, đây cũng là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt nên không áp dụng tình tiết tăng nặng trong khung theo điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng TNHS.

Tình tiết giảm nhẹ: Các bị cáo xuất thân trong gia đình lao động, bản thân chưa có tiền án, tiền sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi phạm tội, các bị cáo cùng gia đình đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho các bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Đối với bị cáo Quàng Văn U phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là tình tiết giảm nhẹ theo điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cần xem xét áp dụng thêm cho bị cáo U khi quyết định hình phạt. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, cần áp dụng mức hình phạt đầu khung là phù hợp.

Đối với bị cáo Quàng Văn T tính đến thời điểm phạm tội mới 17 tuổi 01 tháng. Ở độ tuổi này, bị cáo chưa phát triển đầy đủ về thể lực và trí lực nên sự nhận thức còn hạn chế dẫn đến có những hành xử không đúng đắn.Vai trò đồng phạm của bị cáo trong vụ án không tích cực, thuộc thứ yếu. Bởi vậy, không cần thiết cách ly bị cáo mà cần áp dụng Điều 91, Điều 65 BLHS cho bị được hưởng án treo với mức án thích hợp, ấn định thời gian thử thách, giao bị cáo cho chính quyền địa phương và gia đình quản lý giáo dục trong thời gian thử thách là đủ để cải tạo giáo dục bị cáo, giúp bị cáo sữa chữa lỗi lầm, trở thành người công dân tốt có ích cho xã hội như mức án VKS đề nghị là phù hợp.

Đối với bị cáo Quàng Văn M, hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, thể hiện sự liều lĩnh, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc. Song xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bản thân chưa có tiền án, tiền sự nên cần xử phạt bị cáo với mức án đầu khung là phù hợp.

[4]. Về trách nhiệm dân sự:

- Bị hại Tòng Văn C yêu cầu Quàng Văn M, Quàng Văn T bồi thường các khoản sau: Tiền viện phí 2.000.000đ; Tiền mất thu nhập của 01 người chăm sóc trong thời gian nằm viện: 2.000.000đ; Tiền mất thu nhập của 01 người chăm sóc sau ra viện: 9.000.000đ; Tiền giám định: 1.000.000đ; Tiền mất thu nhập của bản thân trong 12 tháng: 170.000.000đ; Tổng số tiền yêu cầu: 184.000.000đ (một trăm tám mươi bốn triệu đồng).

Xét yêu cầu bồi thường của bị hại C là có cơ sở, tuy nhiên nhiều khoản chi phí là không hợp lý và quá cao nên HĐXX cần tính toán lại cho hợp lý. Khoản thiệt hại thu nhập thực tế bị mất, Tòng Văn C không có tài liệu chứng minh mức thu nhập hàng tháng. Hiện nay, C đang công tác tại một công ty TNHH nên cần tính theo mức thu nhập của một công nhân kỹ thuật là 300.000/ngày.

Chỉ chấp nhận các khoản bồi thường như sau: Viện phí: 2.335.000đ; thu nhập bị mất trong 11 ngày nằm viện: 3.300.000đ; công 1 người chăm sóc trong 11 nằm viện: 2.200.000đ; chi phí giám định: 1.000.000đ; thu nhập bị mất sau khi ra viện chưa lao động được 01 tháng: 9.000.000đ; tổn thất tinh thần: 12 tháng × 1.490.000đ = 17.880.000đ. Bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 7.000.000đ. Tiền giường bệnh theo yêu cầu: 1.800.000đ; Tổng số tiền phải bồi thường: 44.515.000đ.

Về trách nhiệm bồi thường, Quàng Văn M là người khởi xướng và là người thực hiện tích cực, trực tiếp gây thương tích nên phải chịu 2/3 tổng số thiệt hại; Quàng Văn T đồng phạm vai trò thứ yếu nên phải chịu 1/3 tổng số thiệt hại. Quàng Văn T là người chưa thành niên nên căn cứ vào Điều 586 BLDS, buộc ông Quàng Văn H là bố đẻ, đại diện hợp pháp của bị cáo Quàng Văn T phải bồi thường.

Kỷ phần: Quàng Văn M 29.677.000đ; Quàng Văn T 14.838.000đ. M đã bồi thường: 25.335.000đ; số tiền còn phải bồi thường tiếp là 4.342.000đ. Quàng Văn Tùng đã bồi thường: 3.235.000đ; Số tiền còn phải bồi thường tiếp là 11.603.000đ.

- Bị hại Lò Văn D yêu cầu Quàng Văn M, Quàng Văn T bồi thường các khoản sau: Tiền viện phí + tiền phẫu thuật: 3.000.000đ; Tiền cược BHYT: 2.000.000đ; Tiền thuê phòng yêu cầu: 3.600.000đ; Tiền ăn 12 ngày nằm viện của tôi và 2 người chăm sóc: 6.800.000đ; Tiền công người nhà chăm sóc 12 ngày: 10.560.000đ; Tiền nuôi con nhỏ trong thời gian 4 tháng: 3.600.000đ; Tiền chăm sóc trong thời gian không đi làm được: 12.000.000đ; Tiền làm lý theo phong tục: 7.000.000đ; Tiền đi Điện Biên kiểm tra lại sức khỏe theo chỉ định của bác sỹ: 3.260.000đ; Tiền lương 4 tháng không đi làm được: 92.000.000đ; Tiền mua thuốc ngoài: 4.353.000đ; Tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe: 89.400.000đ; Tiền bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại: 30.000.000đ. Tổng số tiền yêu cầu: 267.573.000đ (Hai trăm sáu mươi bảy triệu năm trăm bảy mươi ba nghìn đồng).

Xét yêu cầu bồi thường của Lò Văn D là có căn cứ. Tuy nhiên, nhiều khoản yêu cầu bồi thường bất hợp lý và mức yêu cầu quá cao nên cần tính lại mức bồi thường cho phù hợp. Thời gian để tính khoản mất thu nhập căn cứ vào thời gian nằm viện là 11 ngày và 1 tháng chờ hồi phục sau khi ra viện. Mức thu nhập hàng tháng của bị hại tính theo công của một người lao động kỹ thuật cao là 300.000đ/ngày. Lò Văn D không xuất trình được bảng lương hàng tháng, chỉ căn cứ vào hợp đồng lao động là không đủ cơ sở xác định mức lương hàng tháng 23.900.000đ. Tiền thuốc mua ngoài không có chỉ định của bác sỹ, tiền nuôi con, tiền ăn, tiền làm lý, mất thu nhập 12 tháng; tiền đi khám lại, không có hóa đơn, tiền thuốc không có chỉ định của bác sỹ là những khoản thiệt hại không hợp lý nên không được chấp nhận.Tiền phòng theo yêu cầu chấp nhận ½ vì số tiền này tính cả của Tòng Văn C; viện phí 4.670.000đ của Lò Văn D và Tòng Văn C, các bị hại và ông Quàng Văn Ch (bố đẻ Quàng M, Quàng Văn U), ông Quàng Văn H (bố đẻ Quàng Văn T) thừa nhận do ông Ch, H trực tiếp thanh toán cho bệnh viện (có phiếu thu kèm theo). Ngoài ra, ông Ch đã trả tiền thuê xe 3.000.000đ cho Lò Văn D đi giám định sức khỏe. Bởi vậy, ngoài số tiền mặt mà các bị cáo và gia đình đã trả cho các bị hại, cần phải tính thêm khoản viện phí và tiền thuê xe.

Số tiền yêu cầu bồi thường sức khỏe 89.400.000đ không hợp lý vì số thiệt hại này đã tính gồm các khoản viện phí và các khoản khác trong tổng số thiệt hại phải bồi thường.

Chấp nhận các khoản sau: Viện phí: 2.335.000đ; mất thu nhập do nằm viện: 3.300.000đ; tiền phòng theo yêu cầu: 1.800.000đ; chi phí giám định: 1.000.000đ;

tiền thuê xe đi giám định: 3.000.000đ; tiền công một người chăm sóc: 11 ngày × 200.000 = 2.200.000đ; bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 6.000.000đ; mất thu nhập một tháng sau ra viện chưa phục hồi hoàn toàn: 9.000.000đ; tổn thất tinh thần: 10 tháng × 1.490.000đ = 14.900.000đ. Tổng cộng: 43.535.000đ. Kỷ phần: Quàng Văn T phải bồi thường: 14.512.000đ; đã bồi thường 14.035.000đ; số còn phải bồi thường tiếp là 477.000đ. Quàng Văn M phải bồi thường: 29.023.000đ; đã bồi thường 20.835.000đ; số tiền còn phải bồi thường tiếp là: 8.188.000đ.

- Bị hại Lò Văn C yêu cầu Quàng Văn U bồi thường các khoản sau: Tiền viện phí: 2.000.000đ; Tiền đi giám định: 1.160.000đ; Tiền ăn 7 ngày nằm viện của tôi và 2 người chăm sóc: 1.050.000đ; Tiền công 1 người nhà chăm sóc trong thời gian nằm viện: 1.540.000đ; Tiền làm lý theo phong tục: 5.000.000đ; Tiền đi khám răng: 480.000đ; Tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe: 45.000.000đ; Tiền lương 4 tháng không đi làm được: 52.000.000đ; Tiền bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại: 30.000.000đ. Tổng số tiền yêu cầu: 138.230.000đ (một trăm ba mươi tám triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng).

Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của Lò Văn C là quá cao và các khoản chi phí không hợp lý và quá cao như: Tiền làm lý; tiền ăn; tiền thiệt hại sức khỏe; mất thu nhập 4 tháng. Cần tình toán lại cho phù hợp.

Chấp nhận các khoản sau: Viện phí: 2.000.000đ; chi phí giám định: 1.160.000đ; tiền công 01 người chăm sóc trong thời gian nằm viện: 4 ngày × 200.000đ = 800.000đ; mất thu nhập trong 4 ngày nằm viện: 4 ngày × 300.000đ = 1.200.000đ; tiền khám răng: 480.000đ; tiền bồi dưỡng sức khỏe: 2.000.000đ; tổn thất về tinh thần 3 tháng × 1.490.000đ = 4.470.000đ. Tổng số tiền phải bồi thường: 12.110.000đ. Số thiệt hại này do Quàng Văn U gây ra nên Quàng Văn U phải bồi thường. Quàng Văn U đã bồi thường trước: 9.500.000đ; số tiền còn phải bồi thường tiếp là: 2.610.000đ.

[5]. Về vật chứng vụ án: Đối với 01 thanh kiếm bằng kim loại dài 65cm; 01 thanh gỗ màu xám, dạng hình trụ vuông dài 64cm vuông 4,5cm; 01 thanh kim loại dạng ống trụ tròn, bên trong rỗng được sơn đỏ đã hoen gỉ dài 68cm, đường kính 2,2cm; 01 dao phay - dao chặt cả cán dài 35cm là công cụ phương tiện phạm tội cần tịch thu để hủy. Đối với 02 chiếc dép tông màu vàng; 01 áo gió đã cũ màu cà phê hiệu NIKE; 01 quần sóc nam màu đen không còn giá trị sử dụng, bị hại không có nhu cầu lấy lại nên tịch thu tiêu hủy. Tịch thu sung quỹ nhà nước 01 xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại EXCITER, màu sơn đỏ đen BKS 27B1-844.26 số khung RLCUG1010KY101829, số máy G3D4E868260 của Quàng Văn M. Trả cho bị cáo Quàng Văn M 01 sợi dây chuyền kim loại màu trắng bạc. Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự và Khoản 1; điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

[6]. Các vấn đề khác:

Đối với 01 xe máy nhãn hiệu HONDA loại AIRBALADE, BKS 27Z1 - 174.81 số khung 6303FZ089102, số máy JF63E1089121. Qua điều tra, xác minh chủ sở hữu là ông Quàng Văn Ch, ông Ch cho bị cáo T mượn xe, không biết bị cáo dùng phương tiện để đi đánh nhau. Ngày 18/4/2019, Cơ quan điều tra công an huyện Tuần Giáo ra Quyết định xử lý đồ vật bằng hình thức trả lại chiếc xe máy trên cho ông Ch. Xét việc trả tài sản của Cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo là phù hợp với quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[7]. Về phần án phí: Tại phiên tòa các bị cáo đề nghị HĐXX xét miễn án phí HSST cho các bị cáo. Căn cứ vào Điều 136 BLTTHS và Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, HĐXX xét thấy các bị cáo là dân tộc thiểu số sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên miễn án phí HSST theo quy định.

[8]. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, bị hại, người bào chữa cho bị cáo Quàng Văn T và người đại diện hợp pháp của bị cáo Quàng Văn T được quyền kháng cáo bản án theo quy định.

[9]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên trong quá trình điều tra, truy tố đã được thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 134; Điều 17; Điều 58; điểm s, b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với Quàng Văn M.

Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 134; Điều 17; Điều 58; điểm s, b khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 65 Bộ luật hình sự. Điều 586 Bộ luật dân sự. Khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự đối với Quàng Văn T.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với Quàng Văn U.

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự. Khoản 2, Khoản 3 Điều 106; Khoản 2 Điều 136; Điều 331; Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 584, 586, 587; Điều 590 Bộ luật dân sự. Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[1]. Tuyên bố: Các bị cáo Quàng Văn T, Quàng Văn M, Quàng Văn U phạm tội "Cố ý gây thương tích".

[2]. Hình phạt:

- Xử phạt bị cáo Quàng Văn M 05 (năm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 04/3/2019.

- Xử phạt bị cáo Quàng Văn U 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Xử phạt bị cáo Quàng Văn T 18 (mười tám) tháng tù cho hưởng án treo.

Thời gian thử thách là 36 (ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 06/8/2019).

Giao bị cáo Quàng Văn T cho UBND xã C, huyện T, tỉnh Điện Biên quản lý giáo dục trong thời gian thử thách.

Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố tình vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[3]. Vật chứng:

Tịch thu tiêu hủy 01 thanh kiếm bằng kim loại dài 65cm; 02 chiếc dép tông màu vàng; 01 thanh gỗ màu xám, dạng hình trụ vuông dài 64cm vuông 4,5cm; 01 thanh kim loại dạng ống trụ tròn, bên trong rỗng được sơn đỏ đã hoen gỉ dài 68cm, đường kính 2,2cm; 01 dao phay - dao chặt cả cán dài 35cm; 01 áo gió đã cũ màu cà phê hiệu NIKE; 01 quần sóc nam màu đen.

Tịch thu sung quỹ nhà nước 01 xe máy nhãn hiệu YAMAHA, loại EXCITER, màu sơn đỏ đen BKS 27B1-844.26 số khung RLCUG1010KY101829, số máy G3D4E868260 của Quàng Văn M.

Trả cho bị cáo Quàng Văn M 01 sợi dây chuyền kim loại màu trắng bạc.

(Theo phiếu nhập kho số: PNKVC 67 ngày 11/6/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

[4]. Trách nhiệm dân sự:

4.1. Buộc bị cáo Quàng Văn M và ông Quàng Văn H (bố đẻ của Quàng Văn T) bồi thường cho anh Tòng Văn C các khoản sau: Viện phí: 2.335.000đ; mất thu nhập do nằm viện: 3.300.000đ; tiền phòng theo yêu cầu: 1.800.000đ; chi phí giám định: 1.000.000đ; tiền công một người chăm sóc: 11 ngày × 200.000 = 2.200.000đ; bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 7.000.000đ; mất thu nhập một tháng sau ra viện chưa phục hồi hoàn toàn: 9.000.000đ; tổn thất tinh thần: 12 tháng × 1.490.000đ = 17.880.000đ. Tổng cộng: 44.515.000đ (bốn mươi bốn triệu năm trăm mười lăm nghìn đồng).

Kỷ phần:

+ Quàng Văn M 29.677.000đ; đã bồi thường: 25.335.000đ; số tiền còn lại Quàng Văn M phải bồi thường tiếp là 4.342.000đ (bốn triệu ba trăm bốn mươi hai nghìn đồng).

+ Ông Quàng Văn H 14.838.000đ; đã bồi thường: 3.235.000đ; Số tiền còn lại ông Quàng Văn Hải phải bồi thường tiếp là 11.603.000đ (mười một triệu sáu trăm linh ba nghìn đồng).

4.2. Buộc bị cáo Quàng Văn M và ông Quàng Văn H (bố đẻ của Quàng Văn T) phải bồi thường cho anh Lò Văn D các khoản sau: Viện phí: 2.335.000đ; mất thu nhập do nằm viện: 3.300.000đ; tiền phòng theo yêu cầu: 1.800.000đ; chi phí giám định: 1.000.000đ; tiền thuê xe đi giám định: 3.000.000đ; tiền công một người chăm sóc: 11 ngày × 200.000 = 2.200.000đ; bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 6.000.000đ; mất thu nhập một tháng sau ra viện chưa phục hồi hoàn toàn: 9.000.000đ; tổn thất tinh thần: 10 tháng × 1.490.000đ = 14.900.000đ. Tổng cộng: 43.535.000đ (bốn mươi ba triệu năm trăm ba mươi lăm nghìn đồng).

Kỷ phần:

+ Quàng Văn H phải bồi thường: 14.512.000đ; đã bồi thường 14.035.000đ; số còn lại Quàng Văn H phải bồi thường tiếp là 477.000đ (bốn trăm bảy mươi bảy nghìn đồng).

+ Quàng Văn M phải bồi thường: 29.023.000đ; đã bồi thường 20.835.000đ; số tiền còn lại Quàng Văn M phải bồi thường tiếp là: 8.188.000đ (tám triệu một trăm tám mươi tám nghìn đồng).

4.3. Buộc bị cáo Quàng Văn U phải bồi thường cho Lò Văn C các khoản sau: Viện phí: 2.000.000đ; chi phí giám định: 1.160.000đ; tiền công 01 người chăm sóc trong thời gian nằm viện: 4 ngày × 200.000đ = 800.000đ; mất thu nhập trong 4 ngày nằm viện: 4 ngày × 300.000đ = 1.200.000đ; tiền khám răng: 480.000đ; tiền bồi dưỡng sức khỏe: 2.000.000đ; tổn thất về tinh thần 3 tháng × 1.490.000đ = 4.470.000đ. Tổng số tiền phải bồi thường: 12.110.000đ (mười hai triệu một trăm mười nghìn đồng). Số thiệt hại này do Quàng Văn U gây ra nên Quàng Văn U phải bồi thường. Quàng Văn U đã bồi thường trước: 9.500.000đ; số tiền còn lại Quàng Văn U phải bồi thường tiếp là: 2.610.000đ (hai triệu sáu trăm mười nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

[5]. Án phí: Các bị cáo Quàng Văn T, Quàng Văn M, Quàng Văn U được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

[6]. Quyền kháng cáo: Các bị cáo Quàng Văn M, Quàng Văn T, Quàng Văn U; các bị hại Lò Văn D, Tòng Văn C; người bào chữa và người đại diện hợp pháp của bị cáo Quàng Văn T có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 06/8/2019). Bị hại Lò Văn C được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

209
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 64/2019/HS-ST ngày 06/08/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:64/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuần Giáo - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về