TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 64/2018/HS-PT NGÀY 24/08/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 23 và 24 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 42/2018/TLPT-HS ngày 14 tháng 6 năm 2018 do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 31/2018/HS-ST ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng.
Bị cáo bị kháng nghị: Đàm Duy K, sinh ngày 19 tháng 4 năm 2001 (khi phạm tội bị cáo 16 tuổi 3 tháng 06 ngày) tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Đ, xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Học sinh; trình độ văn hóa: Lớp 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đàm Văn S và bà Nguyễn Thị L; chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.
Người đại diện hợp pháp cho bị cáo: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1966; trú tại: Thôn Đ, xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng – là mẹ đẻ của bị cáo; có mặt.
Đại diện của trường THPT 25/10: Cô Bùi Thị D, sinh năm 1984 – là giáo viên chủ nhiệm lớp 11B3, trường THPT 25/10; có mặt.
Bị hại: Anh Cao Ngọc M, sinh ngày 03/7/2001; trú tại: Thôn Đ, xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng; vắng mặt
Người đại diện hợp pháp của bị hại Cao Ngọc M: Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1965, trú tại: Thôn Đ, xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng – là mẹ đẻ của bị hại; có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phạm Duy Khoa – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, thành phố Hải Phòng; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 20 giờ 00 phút ngày 25/7/2017, Đàm Duy K mang theo người 01 con dao dạng gọt hoa quả dài 23 cm đi bộ từ nhà sang nhà của Phạm Thế M1, sinh ngày 05/02/2003 và Phạm Đình H, sinh năm 1999 ở xã LĐ, huyện TN chơi thì gặp Đào Ngọc P, sinh ngày 10/9/2001 cùng ở xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng (K, H, P, M1 là bạn). Sau đó, cả nhóm rủ nhau đi bộ đi chơi. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Đ, xã LĐ thì cả nhóm gặp Cao Ngọc M, sinh ngày 03/7/2001 đi cùng với Nguyễn Trịnh K, sinh ngày 09/10/2002; Đàm Hưng N, sinh ngày07/8/2001; Phạm Văn T, sinh ngày 10/11/2002; Nguyễn Trịnh Khải Đ, sinh ngày 12/7/1999 và Hoàng Trung H1, sinh ngày 17/02/2001 đều ở xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng đi xe đạp điện và xe máy cúp ngược chiều. Do Cao Ngọc M và Đào Ngọc P có mâu thuẫn từ trường nên Cao Ngọc M đã dùng tay, chân đấm đá vào P, P cũng dùng tay đánh lại Cao Ngọc M. Phạm Văn Thắng chạy vào can ngăn. Thấy Cao Ngọc M và Đào Ngọc P đánh nhau nên Đàm Hưng N chạy vào hỗ trợ Cao Ngọc M. Khi N xông vào đánh P, P có gọi “K ơi, K” với mục đích để K can ngăn N. Thấy vậy, K dùng dao gọt hoa quả dài khoảng 23cm giấu sẵn trong người vào đâm 01 nhát vào cẳng tay phải của N. N bỏ chạy theo hướng đường liên xã LĐ – xã Hoa Động, huyện TN. K xông đến chỗ P và Cao Ngọc M đang đánh nhau, đứng phía sau Cao Ngọc M và đâm 03 nhát dao vào người Cao Ngọc M, trong đó 01 nhát vào vai phải, 01 nhát vào vai trái và 01 nhát vào mạng sườn phải. P và Cao Ngọc M vẫn tiếp tục đánh nhau được khoảng 5 phút thì P thấy sau lưng M chảy nhiều máu nên P dừng lại. Cao Ngọc M, Đàm Hưng N bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.
Sau khi dùng dao đâm gây thương tích cho Cao Ngọc M, K đã vứt dao ở ven đường. P thấy con dao K cầm lúc trước vứt ở ven đường nên đã nhặt đưa cho K, K cầm dao và lấy một mảnh nhựa hình chữ nhật dài 19 cm, rộng 03 cm để cắm lưỡi dao vào trong mảnh nhựa và vứt ở bụi cây trước cổng nhà Phạm Thế M1. Phạm Thế M1 nhặt con dao này cất vào nóc chuồng chó trong sân nhà. Cơ quan điều tra đã thu giữ con dao trên.
Đàm Hưng N sau khi được sơ cứu đã ra viện, Cao Ngọc M nhập viện điều trị từ ngày 25/7/2017 đến ngày 07/8/2017 thì xuất viện.
Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 421/2017/TgT ngày 21/8/2017 của Trung tâm Pháp y Hải Phòng, kết luận: Nạn nhân bị 03 vết thương phần mềm có kích thước nhỏ trong đó, vết thương khoang liên sườn 7 bên phải thấu ngực đã được phẫu thuật dẫn lưu màng phổi, thắt động mạch liên sườn 7, khâu vết thương thùy dưới phổi trái, đang dần ổn định, còn hình ảnh ít dịch và dày màng phổi phải ở vùng đáy phổi, xẹp khu trú nhu mô thùy dưới phải ở vùng đáy phổi. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể cuả nạn nhân do 02 vết thương vùng dưới vai trái và sau vai phải gây nên là 02%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do vết thương khoang liên sườn 7 đường nách sau bên phải gây nên là 32%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích trên gây nên theo phương pháp cộng lùi và làm tròn số là 33%. Các thương tích trên có đặc điểm do vật sắc, nhọn tác động trực tiếp gây nên.
Kết luận giám định số 77/2017/GĐHS ngày 30/8/2017 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận con dao thu được có dính máu của Cao Ngọc M.
Về nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra: Theo bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại là do trước đó, giữa nhóm bạn của hai bên là Đào Ngọc P và Cao Ngọc M xảy ra xô xát tại sân bóng đá của thôn. Tối ngày 25/7/2017, khi đi chơi gặp nhau đã xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên.
Tại Bản án sơ thẩm số 31/2018/HS-ST ngày 03/5/2018, Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng đã căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 91; Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14; xử phạt Đàm Duy K 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian thử thách là 60 tháng kể từ ngày tuyên án.
Ngoài ra, còn tuyên xử lý vật chứng và nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo Bản án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 16/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng kháng nghị phúc thẩm với nội dung:
- Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, áp dụng hình phạt tù giam và không cho bị cáo được hưởng án treo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015; tuyên quyền kháng cáo bản án cho người bào chữa và áp dụng khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm trong thời hạn luật định nên được xem xét, giải quyết.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng.
Tại phiên tòa, bị cáo Đàm Duy K trình bày: Bị cáo và Đào Ngọc P là bạn thân. Vào tối ngày 25/7/2017, khi nhóm của bị cáo đang đi bộ thì gặp nhóm của Cao Ngọc M, do M và P có mâu thuẫn từ trước nên đã xông vào đánh P. Bị cáo có đứng quan sát các bên đánh nhau nhưng khi thấy P gọi: “K ơi, K”, bị cáo thấy P hoảng loạn, bị nhiều người xông vào đánh nên gọi bị cáo hỗ trợ. Bị cáo cũng thấy hoảng sợ do nhóm của bị hại đông hơn, bị cáo cầm dao chỉ nhằm mục đích đe dọa chứ không có ý định tấn công trước, khi thấy N xông vào đánh P thì bị cáo mới đâm vào tay của N khiến N bỏ chạy, sau đó, bị cáo quay lại thấy M và P vẫn tiếp tục đánh nhau bị cáo mới đâm M. Bị cáo đâm nhát đầu tiên vào tay M nhưng M không biết vẫn tiếp tục đánh nhau với P không chịu dừng lại, bị cáo đâm thêm 2 nhát nữa M cũng không dừng việc đánh P, chỉ đến khi chảy nhiều máu M mới dừng lại. Khi đâm, bị cáo chỉ nhằm vào tay để đâm nhưng không may trúng sườn M.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị hại và đại diện nhà trường nơi bị cáo học tập đều khẳng định: Đây là lần đầu tiên bị cáo vi phạm pháp luật. Bị cáo là người ngoan ngoãn, luôn tuân thủ pháp luật và quy định của nhà trường, chưa bao giờ đánh nhau. Giáo viên chủ nhiệm và mẹ của bị hại đều xin cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội. Gia đình bị cáo cũng đã tiếp tục bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 10.000.000 đồng.
* Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thể hiện như sau:
Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đàm Duy K về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Có tính chất côn đồ” và quyết định cho bị cáo K được hưởng án treo là không đúng quy định, bởi lẽ: Giữa bị cáo K và bị hại Cao Ngọc M không có mâu thuẫn từ trước. Mặc dù, bị cáo thấy M và P đánh nhau nhưng không can ngăn mà xông đến dùng dao đâm Đàm Hưng N khiến N bỏ chạy và tiếp tục đâm M. Giữa M và P khi đánh nhau chỉ sử dụng tay chân nhưng bị cáo K lại sử dụng dao để tấn công, bị cáo hoàn toàn có thể chủ động vào can ngăn nhưng bị cáo lại lựa chọn việc dùng dao nhọn đâm gây thương tích cho người khác, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Do đó, hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 36 tháng tù là đã áp dụng chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng việc cho bị cáo được hưởng án treo là chưa đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi của bị cáo, không đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Ngoài ra, bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội nên có người bào chữa cho bị cáo, tuy nhiên khi tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm đã không tuyên quyền kháng cáo cho người bào chữa là vi phạm điểm o khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự và không áp dụng nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 là thiếu sót, vi phạm tố tụng.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN; ghi nhận các thiếu sót trong áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm và sửa Bản án sơ thẩm, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn – không cho bị cáo được hưởng án treo.
* Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Đàm Duy K: Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TN đã tuyên phạt bị cáo 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN và quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có phần nghiêm khắc, chưa áp dụng triệt để chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội.
Hành vi của bị cáo không có tính chất côn đồ, bởi lẽ: Giữa 2 nhóm của bị cáo và bị hại đã có mâu thuẫn từ trước, nguyên nhân dẫn đến việc đánh nhau là do bị hại đã chủ động tấn công nhóm của bị cáo trước; khi các bên xông vào đánh nhau, bị cáo K cũng không tham gia đánh nhau, bị cáo chỉ đứng nhìn, khi thấy bạn mình bị đánh và gọi bị cáo cầu cứu, bị cáo mới có hành động xông vào. Do thời điểm đó bị cáo chỉ mới 16 tuổi 3 tháng 06 ngày, nhận thức của bị cáo còn chưa hoàn thiện nên chưa có cách hành xử phù hợp với quy định của pháp luật. Hành vi của bị cáo là bộc phát xuất phát từ hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra trước nên có thể thấy việc phạm tội của bị cáo không hoàn toàn từ nguyên cớ do bị cáo gây ra nên bị cáo phạm tội không có tính chất côn đồ. Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên chỉ được đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản Cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn, tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên lại truy tố thêm 1 tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” so với nội dung Cáo trạng đã truy tố, việc truy tố thêm tình tiết này làm xấu đi tình trạng của bị cáo nên việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ.
Ngoài ra, theo nhận xét của chính quyền địa phương, nhà trường đã xác nhận bị cáo luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật, quy định của nhà trường. Đại diện chính quyền địa phương, nhà trường, đại diện của bị hại cũng đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội, thể hiện bản thân bị cáo không phải là người côn đồ, bên cạnh đó, hậu quả thương tích bị cáo gây ra cho bị hại không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng nên bị cáo vẫn có đủ điều kiện được hưởng án treo.
Đối với việc không tuyên quyền kháng cáo của người bào chữa. Do Bản án cấp sơ thẩm tuyên đã thỏa đáng nên người bào chữa không kháng cáo. Tuy có vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến quyền của bị cáo cũng như người bào chữa trong vụ án này.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN và đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa; giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại giai đoạn sơ thẩm, phù hợp với lời khai của những người làm chứng, lời khai của bị hại, Kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện:
[2] Khoảng 20h ngày 25/7/2017, Đàm Duy K, sinh ngày 19/4/2001 (khi thực hiện hành vi phạm tội mới 16 tuổi 3 tháng 06 ngày) mang theo người 01 con dao dạng dao gọt hoa quả dài 23 cm đi bộ từ nhà mình sang nhà của Phạm Thế M1, Phạm Đình Hướng chơi thì gặp Đào Ngọc P. Sau đó, cả nhóm rủ nhau đi bộ đi chơi. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Đ, xã LĐ thì cả nhóm gặp Cao Ngọc M đi cùng với Nguyễn Trịnh K, Đàm Hưng N, Phạm Văn T, Nguyễn Trịnh Khải Đ, Hoàng Trung H1 đi ngược chiều. Do Cao Ngọc M và Đào Ngọc P có mâu thuẫn từ trước nên Cao Ngọc M đã dùng tay, chân đấm đá vào P, P cũng dùng tay đánh lại. Phạm Văn Thắng chạy vào can ngăn. Thấy Cao Ngọc M và Đào Ngọc P đánh nhau, Đàm Hưng N chạy vào hỗ trợ M. Khi N xông vào đánh P thì P có gọi “K ơi K”. Thấy vậy, K dùng dao gọt hoa quả dài khoảng 23 cm giấu sẵn trong người đâm 01 nhát vào cẳng tay phải của N, N bỏ chạy. K xông đến chỗ P và M đánh nhau, đứng phía sau M và đâm 03 nhát vào người M. Hậu quả làm Cao Ngọc M tổn thương 33% cơ thể. Do đó, bị cáo Đàm Duy K bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN:
[3] - Thứ nhất, về việc không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Có tính chất côn đồ” và quyết định cho bị cáo K được hưởng án treo là không đúng quy định:
[4] Theo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của Tòa án nhân dân tối cao và Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 thì: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”. Trong vụ án này, giữa nhóm của bị cáo và nhóm của bị hại đã có mâu thuẫn từ trước giữa Cao Ngọc M và Đào Ngọc P. Mặc dù, khi đi chơi, bị cáo K có mang theo dao nhưng chỉ nhằm mục đích tự vệ và không có ý định tấn công trước những bị hại, điều này thể hiện ở việc, khi Cao Ngọc M xông vào đánh Đào Ngọc P, bị cáo chỉ đứng nhìn, không tham gia đánh nhau, chỉ khi P gọi “K ơi, K” để nhờ K trợ giúp mình thì bị cáo K mới có hành vi tấn công M và N. Bên cạnh đó, sau khi bị cáo thấy N xông vào tấn công P, bị cáo đâm N khiến N bỏ chạy, bị cáo có quay lại thấy M vẫn đang tiếp tục tấn công P nên bị cáo K mới đâm tiếp M. Bị cáo đâm M 3 nhát nhưng M vẫn không dừng việc đánh P lại cho thấy việc M tấn công P cũng rất quyết liệt. Ngoài ra, bị cáo chỉ nhằm vào tay của M và N để tấn công (việc đâm trúng ngực của M là ngoài chủ đích của bị cáo) thể hiện bị cáo cũng đã nhận thức được một phần mức độ nguy hiểm của hành vi của mình nhưng bị cáo chưa lựa chọn được cách giải quyết phù hợp hơn do tâm lý, nhận thức còn hạn chế. Tuy giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn từ trước nhưng xuất phát từ việc bị hại có hành vi trái pháp luật đối với P (là bạn của bị cáo) trước. Khi thấy bạn gọi giúp, bị cáo chỉ nhận thức được bạn của mình đang hoảng sợ vì bị đánh, bị cáo phải giúp bạn tuy nhiên, do bị cáo đang ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức pháp luật còn hạn chế thiếu hiểu biết nên việc lựa chọn cách xử sự còn chưa phù hợp, dẫn tới việc gây thương tích cho bị hại. Sự việc xảy ra cũng có một phần lỗi của phía bị hại; do đó, hành vi của bị cáo không thể hiện tính chất côn đồ.
[5] Theo Cáo trạng số 23/CT-VKS ngày 05/02/2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng truy tố bị cáo Đàm Duy K về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có bổ sung thêm tình tiết định khung đối với bị cáo là phạm tội “Có tính chất côn đồ” theo điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Việc bổ sung thêm tình tiết định khung tăng nặng này làm xấu đi tình trạng của bị cáo, không đúng với quy định tại các Điều 266, 306, 319, 321 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” đối với bị cáo là phù hợp, đúng quy định.
[6] Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, không cho hưởng án treo đối với người phạm tội là người côn đồ. Theo từ điển Tiếng Việt, côn đồ được hiểu là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có hành động ngang ngược, thô bạo. Bị cáo Đàm Duy K được địa phương, nhà trường nơi bị cáo sinh sống và học tập đã có đơn bảo lãnh và xác nhận bị cáo luôn chấp hành đúng và đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phòng trào do địa phương phát động, bị cáo luôn ngoan ngoãn ở gia đình, nhà trường và xã hội. Bị cáo không phải là kẻ chuyên gây sự, hành hung hay có những hành động ngang ngược nên bị cáo không phải là người côn đồ.
[7] Bên cạnh đó, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình bị cáo đã bồi thường cho bị hại và được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo và gia đình tiếp tục bồi thường cho bị hại và được bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 nên khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xử phạt bị cáo mức án thấp dưới khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 là phù hợp, có cơ sở.
[8] Theo nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Xét thấy, bị cáo còn đang trong độ tuổi chưa thành niên, khả năng nhận thức pháp luật còn hạn chế, hành vi của bị cáo chỉ mang tính chất bộc phát, tức thời, bản thân bị cáo cũng luôn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, phong trào của địa phương. Chính quyền địa phương và Nhà trường nơi bị cáo sinh sống, học tập đã có đơn xin cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội và cam kết có trách nhiệm quản lý, giáo dục bị cáo trong thời gian cải tạo tại địa phương (BL 340, 341). Bị cáo tuổi còn trẻ, tương lai còn dài; bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, ăn năn hối cải; đồng thời gia đình, Nhà trường, chính quyền địa phương đều quan tâm, giám sát, giáo dục, quản lý bị cáo nên bị cáo có khả năng tự cải tạo ngoài xã hội. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp và thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam nói chung cũng như pháp luật về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi nói riêng. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp kháng nghị này của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN, không chấp nhận quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa; chấp nhận đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý tại phiên tòa.
[9] - Thứ hai, về việc không tuyên quyền kháng cáo Bản án đối với người bào chữa cho người dưới 18 tuổi quy định tại điểm o khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự và việc không áp dụng khoản 1 Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
[10] Điểm o khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về quyền của người bào chữa: “o. Kháng cáo bản án của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi…”. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, bị cáo mới chỉ 17 tuổi 14 ngày (dưới 18 tuổi) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa tuyên quyền kháng cáo Bản án cho người bào chữa là thiếu sót, vi phạm tố tụng. Ngoài ra, bị cáo là người dưới 18 tuổi, khi quyết định hình phạt và điều luật áp dụng, Hội đồng xét xử chưa áp dụng khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là thiếu sót. Mặc dù, mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo là phù hợp nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải nhận định và thể hiện điều luật áp dụng trong phần quyết định. Như vậy, kháng nghị này của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN là có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị và quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Xét thấy thiếu sót này của Tòa án cấp sơ thẩm tuy có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo Đàm Duy K không có ý kiến về việc kháng cáo nên vẫn giữ nguyên Bản án cấp sơ thẩm.
[11] Về án phí: Bị cáo Đàm Duy K không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
[12] Kiến nghị Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng nghiêm túc rút kinh nghiệm khi xét xử cần áp dụng các quy định của pháp luật về quyền kháng cáo và điều luật áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
[13] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện TN và giữ nguyên Bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đàm Duy K.
2. Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 91; Điều 54; Điều 65; Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 và xử phạt Đàm Duy K 36 (Ba mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian thử thách là 60 (Sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Đàm Duy K cho Ủy ban nhân dân xã LĐ, huyện TN, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo Đàm Duy K thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, bị cáo Đàm Duy K cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo K phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.
3. Kiến nghị Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng nghiêm túc rút kinh nghiệm khi xét xử cần áp dụng các quy định của pháp luật về quyền kháng cáo và điều luật áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo Đàm Duy K không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
5. Các quyết định khác của Bản án số 31/2018/HS-ST ngày 03/05/2018 của Toà án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 64/2018/HS-PT
Số hiệu: | 64/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/08/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về