TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
BẢN ÁN 64/2017/HSPT NGÀY 19/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 19 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 73/2017/HSPT ngày 07 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo BVQH cùng các bị cáo khác do có kháng cáo của người bị hại C đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2017/HSST ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Vĩnh Long.
Các bị cáo bị kháng cáo:
1. Họ và tên: BVQH, sinh năm 1981; trú tại: Ấp K1, xã NB, huyện T, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp 4/12; nghề nghiệp: Làm thuê; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; Con ông BVS (Chết) và bà H; có vợ là G và có 02 con (lớn nhất sinh năm 2011, nhỏ nhất sinh năm 2014).
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/3/2017 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: NHD, sinh năm: 1995; trú tại: Ấp M1, xã MH, thị xã N, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp 05/12; nghề nghiệp: Làm thuê; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông T và bà P (Chết); anh, em ruột: 03 người (lớn nhất sinh năm 1992, nhỏ nhất sinh năm 2001).
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 07/12/2016 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
3. Họ và tên: NHT, sinh năm: 1993. Tên gọi khác: TB.
Trú tại: Ấp X, xã MH, thị xã N, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp
6/12; nghề nghiệp: Làm thuê; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Hòa Hảo; con ông X (Chết) và bà A.
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 12/12/2016 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
4. Họ và tên: NMN, sinh năm: 1997. Tên gọi khác: Bảo.
Trú tại: Số xx/xy, khóm y, thị trấn L, huyện L, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp 10/12; nghề nghiệp: Mua bán; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông NHP và bà BTBL.
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/3/2017 đến ngày 30/6/2017 được trả tự do, có mặt tại phiên tòa.
5. Họ và tên: NHN, sinh năm: 1998; trú tại: Ấp Phước Trinh B, xã D, huyện M, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp 12/12; nghề nghiệp: Học sinh; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông NVT và bà K.
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
6. Họ và tên: PMK, sinh ngày: 19/4/1999. Tên gọi khác: Ka.
Trú tại: Ấp PA, xã D, huyện M, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp 10/12; nghề nghiệp: Làm thuê; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông PMC và bà PTT.
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
7. Họ và tên: ĐNH, sinh ngày 31/8/1999; trú tại: Ấp PA, xã D, huyện M, tỉnh Vĩnh Long; trình độ học vấn: Lớp 12/12; nghề nghiệp: Nội trợ; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông ĐHH và bà BĐE.
Tiền sự, tiền án: Không.
Bị cáo đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:
Người bào chữa cho bị cáo BVQH: Ông PDV – Luật sư văn phòng luật sư B, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.
Người bào chữa cho bị cáo NHD: Ông NTĐ – Luật sư văn phòng luật sư E, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.
Người bị hại: Anh C, sinh năm: 1975.
Trú tại: Ấp Phước Tường B, xã D, huyện M, tỉnh Vĩnh Long.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại C: Ông PNK - Luật sư chi nhánh Văn phòng luật sư TN, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Bà BĐE, sinh năm: 1977.
2. Ông ĐHH, sinh năm: 1980.
Cùng trú tại: Ấp P A, xã D, huyện M, tỉnh Vĩnh Long.
3. Bà BTBL, sinh năm: 1976.
Trú tại: Số XX/xy, khóm y, thị trấn L, huyện L, tỉnh Vĩnh Long.
NHẬN THẤY
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện M và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện M thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trước đây, anh ĐHH có thiếu nợ anh C số tiền 2.000.000 đồng và anh C đã nhiều lần yêu cầu anh ĐHH trả nợ nhưng anh ĐHH chưa trả.
Ngày 14/8/2016, anh ĐHH từ Thành phố Hồ Chí Minh về nhà dự đám giỗ, sau đó anh ĐHH đã gặp anh C và bị anh C đòi số tiền 2.000.000 đồng. Hai người xảy ra cự cãi với nhau, anh C dùng tay và mũ bảo hiểm đánh anh ĐHH, ĐNH là con của anh ĐHH thấy anh ĐHH bị đánh nên đã gọi điện thoại cho NMN nhưng không được. Sau đó sự việc được can ngăn, anh ĐHH lên xe chạy qua dự đám giỗ và điện thoại cho em vợ là BVQH nói “Tao bị đánh trên số 3 nè”, BVQH không trả lời mà tắt điện thoại. Lúc ĐNH chạy xe theo anh ĐHH thì mẹ của ĐNH là chị BĐE đang làm thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh điện thoại gặp ĐNH và biết được sự việc anh ĐHH bị đánh nên điện thoại cho em ruột là BVQH, nói anh ĐHH bị đánh và kêu BVQH lên xem anh ĐHH bị đánh có sao không, thì BVQH trả lời “ừ ”.
Khi ĐNH quay trở lại lấy nón kết của anh ĐHH thì gặp anh C chỉ tay hăm dọa và nói “Mai mốt gặp cha mày ở đâu là tao đánh ở đó, mày kêu cha mày coi chừng tao”. Thấy cha bị anh C đánh mà anh C còn tiếp tục đe dọa nên ĐNH tìm người đánh anh C. ĐNH điện thoại cho cậu ruột là BVQH nói “Cha con bị đánh”, BVQH trả lời “Biết rồi”. Khi ĐNH điện thoại cho BVQH xong thì NMN điện thoại cho ĐNH hỏi sự việc và hẹn gặp tại ngã ba Cái Nhum.
Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, BVQH điều khiển xe mô tô biển số 59Y1 – 787.xx đi một mình đến xã Tân Long, huyện M thì gặp ĐNH và PMK tại quán Lâm Tuyền và được ĐNH kể lại sự việc, BVQH hỏi “Có biết mặt C không”, PMK trả lời “Con biết ông C” và nói “C thường uống cà phê ở quán của Q con F ở chợ số 2”. Sau khi nghe ĐNH kể lại sự việc anh ĐHH bị đánh và C đe dọa tiếp tục đánh ĐHH, thì BVQH điện thoại cho cháu ruột là NHD nói “Dượng bảy của mày bị người ta đánh mày có binh được không”, NHD trả lời “Dạ” và hẹn gặp tại ngã ba Cái Nhum. BVQH điện thoại cho NHD xong thì chạy xe ra ngã ba Cái Nhum đợi, còn ĐNH và PMK chạy xe về nhà.
Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, ĐNH chạy xe qua nhà PMK rủ “Ra số 2 uống cà phê ”. Trên đường đi PMK hỏi ĐNH “Ra số 2 làm gì?”, ĐNH trả lời “Đi ra số 2 xem ông C đang ở đâu để chỉ cho cậu BVQH dùm tao”. Khi chạy đến chợ số 2, PMK thấy anh C mặc áo thun màu xanh tại quán cà phê của anh Phong và nói với ĐNH “Ông C đang ngồi uống cà phê trong quán của Phong, ông C là người mặc áo xanh”. PMK và ĐNH chạy xe lên ngã ba Cái Nhum gặp BVQH, NHD và NHT tại quán cà phê MD thuộc ấp X, xã Y, huyện L. BVQH hỏi “Có thấy ông C ở đâu không?”, PMK trả lời “Ông C đang ngồi uống cà phê xem bóng đá tại quán của Phong con Ba Cam ở chợ số 2, ông C mặc áo xanh”. NHD hỏi “Quán đó gần đây không?”, ĐNH trả lời “Quán đó gần đây thôi”. NHD nói “Vậy chở tôi xuống đó xem mặt ra sao”. BVQH kêu PMK chở NHD vào số 2 để NHD biết mặt anh C. Khi đến quán cà phê, thấy anh C còn ngồi trong quán PMK nói với NHD “Ông C là người ngồi trong quán mặc áo xanh đang bấm điện thoại đó”. NHD hỏi lại PMK “Người mặc áo thun màu xanh phải không?”, PMK trả lời “Phải”. Sau đó, cả hai trở lại ngã ba Cái Nhum. ĐNH hỏi PMK “Sao mậy?”, PMK trả lời “Ông C còn ở trong quán của Phong”. Khoảng 05 phút sau NMN đến quán, ĐNH giới thiệu BVQH cho NMN biết rồi kể lại sự việc cho NMN nghe. BVQH nói “Bây giờ đi xuống dưới đánh dằn mặt nó để cho nó đừng có đánh Lý Hải nữa”, rồi hỏi NMN “Có đồ chơi không?”. NMN trả lời “Có” và nói “Để về lấy và rước bạn rồi quay trở lại”, NMN về Long Hồ gọi điện thoại cho NHN kêu lấy dao và ra đi với NMN. NHN vào nhà lấy 02 con dao bỏ vào túi màu xanh mang ra xe. Lúc này có ĐNH Minh Đoàn và HTT tại nhà nên NHN rủ Đoàn và NHT cùng đi ra thị trấn Long Hồ uống cà phê. Khi gặp nhau NHN hỏi NMN “Mày đụng với ai nữa vậy?”, NMN trả lời “Mấy thằng ở dưới M”. Lúc này ĐNH điện thoại cho NMN hỏi “Sao lâu vậy?”, NMN trả lời “Đang rước bạn” và kêu NHN lên xe đi. Đoàn hỏi NMN “Đi đâu vậy?”, NMN trả lời “Đi xuống M chơi”. Đoàn hỏi “Cho hai em theo chơi với” NMN đồng ý, NHN mới lấy cái giỏ đựng 02 con dao đi qua xe của NMN, NHN ngồi sau ôm cái giỏ, NMN điều khiển xe chạy trước, còn Đoàn chạy xe chở NHT chạy theo sau và chạy về hướng ngã ba Cái Nhum. Lúc đến ngã ba Cái Nhum khoảng 20 giờ 15 phút cùng ngày, BVQH hỏi NMN “Đi chưa?”, NMN trả lời “Đi thì đi” nên tất cả cùng đi. BVQH điều khiển xe mô tô 59Y1 – 787.xx đi một mình, NHT điều khiển xe mô tô 64F6 – 44xx chở NHD, NMN chở NHN, Đoàn chở NHT (Méo), PMK chở ĐNH chạy về hướng số 2 theo đường tỉnh lộ 903. Chạy vào một đoạn BVQH nói “Đưa đồ cho hai thằng nó đi”, NMN kêu NHN “Đưa dao cho bên kia đi”, nên NHN đưa cái giỏ đựng 02 con dao cho NHD. NHD lấy 01 con dao dắt vào tay áo bên trái, còn 01 con dao đưa cho NHT. Sau đó, PMK chở ĐNH đứng đợi gần quán của anh F. BVQH, NHD, NHT chạy xe đến trước cửa quán cà phê của anh F thì dừng xe lại. BVQH ngồi trên xe chỉ tay về hướng anh C ngồi nói “Chém thằng mặc áo xanh cho tao”, NHD và NHT mỗi người cầm 01 con dao chạy vào quán chém anh C, anh C lấy cái ghế đang ngồi đưa lên đỡ và chạy vào bên trong quán, lúc này có anh L cùng chạy, các bị cáo NHD và NHT cầm dao đuổi theo. Khi chạy vào buồng thì NHT đưa dao lên định chém anh L thì anh L la lên “Tôi không có làm gì”, NHT thấy anh L không phải là người mặc áo xanh nên không chém mà quay qua đuổi theo anh C. Khi chạy vào đến buồng của anh Phong không có cửa sau nên anh C mới đứng tựa lưng vào vách quay mặt ra tay vẫn còn cầm cái ghế, NHD và NHT đuổi theo. NHD bước lên giường đứng đối diện với anh C, còn NHT thì đứng dưới đất dùng dao chém liên tục nhiều nhát vào người của anh C. Sau khi chém anh C bị thương, NHD và NHT cầm dao đi ra, NHT đưa con dao cho NHD rồi điều khiển xe chở NHD đi. BVQH nói “Thử coi mai mốt gặp LH ở đâu đánh đó nữa không”, nói xong BVQH chạy xe đi tất cả chạy theo. PMK chở ĐNH về nhà, những người còn lại chạy ra hướng quốc lộ 53. Trên đường NHD đưa lại 02 con dao cho NHT và NHT đưa lại dao cho NHN rồi tất cả về nhà. NHN bỏ 02 con dao xuống sông và về nhà ngủ.
Anh C sau khi bị chém được đưa đến Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu và điều trị, đến ngày 19/8/2016 xuất viện về nhà viết đơn yêu cầu giám định tỷ lệ thương tích và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 127/TgT ngày 20/10/2016 của Trung tâm pháp y - Sở y tế tỉnh Vĩnh Long kết luận về thương tích của anh C như sau:
- Vết thương đỉnh kích thước 7 x 0,1cm và 4 x 0,3cm
- Vết thương chẩm kích thước 4,5 x 0,1cm; 4 x 0,1cm và 3 x 0,1cm.
- Vết thương cẳng tay phải kích thước 7,5 x 0,2 cm.
- Vết thương cổ tay phải kích thước 9 x 0,2cm.
- Vết thương bàn tay phải kích thước 11 x 0,2cm gãy xương bàn ngón V, nền đốt gần ngón V tay phải, đứt thần kinh quay tay phải, đứt các gân duỗi tay phải.
- Vết thương cẳng tay trái kích thước 12 x 0,2cm đứt nhóm cơ duỗi.
- Vết thương đùi phải kích thước 3,5 x 0,4cm.
- Vết thương cẳng chân phải kích thước 14 x 0,3cm.
- Vết thương gối trái kích thước 3 x 0,2cm.
- Tất cả các vết thương trên không gây cố tật.
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là 30%.
Về vật chúng: Sau khi Cơ quan điều tra mời làm việc bị cáo NHN khai nhận sự việc và đã tìm mua 02 con dao có đặc điểm giống hung khí gây án giao nộp cho cơ quan điều tra. 02 con dao đã thu giữ có cùng đặc điểm và kích thước: Chiều dài lưỡi dao là 26,8cm, chiều rộng lưỡi dao là 04cm bằng kim loại màu trắng, mũi dao bằng bị khuyết một phần ở phía trên, lưỡi dao sắc bén, chiều dài phần cán dao là 11,5cm, cán dao vuông bằng nhựa màu đen.
Về bồi thường thiệt hại: Người bị hại anh C yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại các khoản tiền gồm: Tiền điều trị vết thương, tiền xe đi lại, tiền ăn của người bệnh, người nuôi bệnh, tiền mất thu nhập của người bệnh, người nuôi bệnh và tiền tổn thất tinh thần với tổng số tiền là: 134.808.304 đồng.
Các bị cáo đồng ý bồi thường và đã thỏa thuận bồi thường như sau: Bị cáo BVQH số tiền 20.000.000 đồng, bị cáo PMK số tiền 3.000.000 đồng, bị cáo ĐNH số tiền 20.000.000 đồng, bị cáo NHD số tiền 25.000.000 đồng, bị cáo NHT số tiền 16.808.304 đồng, bị cáo NMN số tiền 30.000.000 đồng và bị cáo NHN số tiền 20.000.000 đồng.
Bà BĐE bồi thường thay cho các bị cáo ĐNH, NHD và NHT tiền61.808.304 đồng, bà BTBL bồi thường thay cho bị cáo NMN số tiền 30.000.000 đồng. Bà BĐE và bà BTBL không yêu cầu các bị cáo phải trả lại số tiền trên. Bị cáo BVQH và bị cáo PMK đã bồi thường xong. Bị cáo NHN bồi thường được số tiền 3.000.000 đồng.
Như vậy, hiện nay người bị hại C đã nhận được số tiền bồi thường là117.808.304 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2017/HSST ngày 30 tháng 6 năm 2017của Tòa án nhân dân huyện M đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo BVQH, NHD, NHT phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; Điều 33; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội;
- Xử phạt bị cáo BVQH 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21/3/2017.
- Phạt bị cáo NHD 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 07/12/2016/
- Phạt bị cáo NHT 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 12/12/2016.
Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009; các Điều 604 và Điều 609 của Bộ luật Dân sự năm 2005;
Chấp nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo NHN với người bị hại C. Buộc bị cáo NHN có trách nhiệm bồi thường tiếp cho anh C số tiền 17.000.000 đồng (Mười bảy triệu đồng).
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên xử phạt đối với bị cáo NMN, NHN, PMK, ĐNH, tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo quy định của pháp luật
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12 tháng 7 năm 2017 người bị hại C có đơn kháng cáo với nội dung: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết:
1. Đề nghị tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo BVQH, NHD, NHT.
2. Về bồi thường thiệt hại: Các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại phần phát sinh từ ngày 15/3/2017 đến ngày 15/7/2017, mất thu nhập do không lao động được gồm: 9.000.000đ x 4 tháng = 36.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại C rút lại một phần kháng cáo về yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập 4 tháng, vẫn giữ nguyên yêu cầu tăng mức hình phạt đối với các bị cáo BVQH, NHD, NHT.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích hành vi phạm tội của bị cáo, phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đề nghị áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; Điều 33; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Xử phạt bị cáo BVQH 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21/3/2017. Xử phạt bị cáo NHD 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 07/12/2016. Xử phạt bị cáo NHT 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 12/12/2016.
Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Các phần khác không kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Luật sư bào chữa cho bị cáo BVQH trình bày: Đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm vì bị hại cũng có lỗi trong vụ án này, chính bị hại đã đánh anh ĐHH trước, vì nóng ruột người thân bị đánh nên BVQH mới tìm đánh lại.
Luật sư bào chữa cho bị cáo NHD trình bày: Đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm đã tuyên.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trình bày: Đề nghị tăng nặng hình phạt với cả 3 bị cáo, vì các bị cáo này phạm tội với tình tiết tăng nặng có tính chất côn đồ nhưng cấp sơ thẩm chưa áp dụng, các bị cáo phạm tội mang tính tổ chức, có chuẩn bị hung khí, mức án tuyên chưa tương xứng với hành vi của các bị cáo.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo;
XÉT THẤY
Lời trình bày của các bị cáo, người bị hại tại phiên tòa hôm nay đã có căn cứ xác định các bị cáo NHD, NHT cùng các đồng phạm BVQH, NMN, NHN, PMK, ĐNH có hành vi dùng dao gây thương tích cho anh C, trong đó NHD và NHT là người trực tiếp gây thương tích cho anh C với tỉ lệ thương tật 30%. Do đó, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ.
Xét yêu cầu của người bị hại C yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo BVQH, bị cáo NHD và bị cáo NHT là có căn cứ vì, các bị cáo BVQH, NHD, NHT không mâu thuẩn với anh C, thậm chí các bị cáo còn không biết mặt anh C, khi nghe ĐNH kể lại sự việc, các bị cáo rất tích cực đi tìm anh C để đánh, thể hiện rõ bản chất côn đồ của các bị cáo, cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết tăng nặng này là chưa xem xét hết hành vi của các bị cáo gây ra đối với anh C, cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo là chưa đúng với tính chất, mức độ các bị cáo gây ra, chưa đủ sức răn đe đối với các bị cáo, cần thiết phải tăng hình phạt để răn đe giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội. Tuy nhiên, khi lượng hình cũng cần cân nhắc hành vi của mỗi bị cáo để quyết định mức hình phạt tương xứng với hành vi của mỗi bị cáo, xét thấy bị cáo BVQH là người chủ mưu và cũng là người lớn tuối nhất trong số các bị cáo, khi nghe bị cáo ĐNH báo sự việc xảy ra giữa anh ĐHH và anh C, lẽ ra bị cáo phải là người can ngăn, ngược lại BVQH còn kêu xuống đánh dằn mặt C, còn kêu NHN đưa dao cho NHD và NHT, khi gặp anh C BVQH còn ra hiệu lệnh “Chém thằng mặt áo xanh cho tao”, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo BVQH chưa thành khẩn khai báo, bị cáo BVQH phải có mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác là phù hợp. Bị cáo NHD và NHT, tuy không chủ mưu, nhưng rất tích cực và là người trực tiếp gây thương tích cho bị hại C, nên cũng cần có mức án thật nghiêm khắc để răn đe các bị cáo. Do đó, chấp nhận kháng cáo của người bị hại C.
Đối với yêu cầu rút lại yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại C là hoàn toàn tự nguyện nên chấp nhận yêu cầu của anh C, đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này.
Bị cáo BVQH thuộc hộ nghèo, lẽ ra cấp sơ thẩm phải miễn án phí cho bị cáo theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, nên sửa lại phần này, miễn án phí cho bị cáo BVQH.
Về án phí: Không ai phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248, 238 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chấp nhận kháng cáo của người bị hại C. Sửa bản án sơ thẩm số:15/2017/HSST ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện M.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; Điều 33; các điểm b, p khoản 1 Điều46 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999, khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều134 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 12, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Xử phạt bị cáo BVQH 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21/3/2017.
- Xử phạt bị cáo NHD 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 07/12/2016.
- Xử phạt bị cáo NHT 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 12/12/2016.
Đình chỉ xét xử yêu cầu của người bị hại về bồi thường tiền mất thu nhập. Tiếp tục tạm giữ số tiền 17.000.000 đồng (Mười bảy triệu đồng) theo biên lai thu số 008740 ngày 18/9/2017 của Chi cục Thi hành án huyện M để đảm bảo thi hành án.
Về án phí: Bị cáo BVQH được miễn án phí hình sự sơ thẩm. Không ai phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 64/2017/HSPT ngày 19/09/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 64/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Long |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về