Bản án 63/2021/DS-PT ngày 19/01/2021 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 63/2021/DS-PT NGÀY 19/01/2021 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Trong các ngày 16/12/2020, ngày 12/01/2021 và ngày 19/01/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 326/2019/TLPT-DS ngày 15 tháng 7 năm 2019 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 215/2019/DS-ST ngày 19/04/2019 của Tòa án nhân dân quận TĐ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5944/2020/QĐPT-DS ngày 23/11/2020 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 27023/2020/QĐPT- DS ngày 16/12/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Phan Văn N, sinh năm 1959; cư trú tại: Ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

2. Bà Trần Thị Ánh T, sinh năm 1962; cư trú tại: Số nhà 20/1 Khu phố 2, phường Trung Mỹ T, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Bà Phan Thị M1 M, sinh năm 1968; cư trú tại: Số nhà 34/6 Đường 45, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bà Phan Thị H, sinh năm 1954; cư trú tại: Số nhà 86/3/6 Đường số 6, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Ông Phan Văn T1, sinh năm 1957; cư trú tại: Số nhà 84 Đường số 6, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Bà Phan Thị M1, sinh năm 1966; cư trú tại: Số nhà 34/5 Đường số 45, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Ông Phan Văn Mười H1, sinh năm 1969; cư trú tại: Số nhà 159 đường Kha Vạn Cân, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Trẻ Phan Thị Quỳnh N1, sinh năm 2006;

Người đại diện theo pháp luật của trẻ Như: Bà Lê Thị T2, sinh năm 1973. Cùng cư trú tại: Số nhà 78/15 Đường số 6, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

9. Bà Phan Thị N2, sinh năm 1976; cư trú tại: Số nhà 159 đường Kha Vạn Cân, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

10. Ông Phan Văn S, sinh năm 1961; cư trú tại: Số nhà 405 Ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đoàn Hữu S1, sinh năm 1991; cư trú tại: Số nhà 16 Đường số 2, khu phố Hưng Gia 5, phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 09/9/2019) (có mặt).

- Bị đơn: Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Kim Kiều H2, sinh năm 1985; cư trú tại: Số nhà 12 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, quận TĐ, Thành phồ Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 11/4/2016) (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Phan Văn B, sinh năm 1955; cư trú tại: Số nhà 15/19 Đường số 5, Khu phố 1, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt);

2. Ông Phan Văn H2, sinh năm 1982; cư trú tại: Số nhà 86/3 Đường số 6, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt);

3. Ông Nguyễn Ngọc Thanh P, sinh năm 1978; cư trú tại: Số nhà 86/3/6 Đường số 6, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện hợp pháp của ông Hiếu và ông Phong: Ông Nguyễn Hồng Nh, sinh năm 1988; cư trú tại: Số nhà 528 đường Nguyễn Văn Khối, Phường 9, quận GV, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 11/7/2020) (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ba, ông Hiếu và ông Phong: Ông Lê Bá Nhật B1, sinh năm 1963; cư trú: Số nhà 6A/106 đường Nguyễn Lộ Trạch, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế – Luật sư của Văn phòng Luật sư Lê Bá Khánh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế (có mặt).

4. Ông Phan Phúc D, sinh năm 1987;

5. Ông Phan Duy T, sinh năm 1997;

Cùng cư trú tại: Số nhà 20/1 Tổ 31, Khu phố 2, phường Trung Mỹ T, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh;

6. Bà Phan Kim Hồng Đ, sinh năm 1993; cư trú tại: Số nhà 78/15 Đường số 6, Khu phố 2, phường Hiệp Bình Ch, quận TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của ông Duy, ông Tùng và bà Đào: Ông Đoàn Hữu S1, sinh năm 1991; cư trú tại: Số nhà 16 Đường số 2, khu phố Hưng Gia 5, phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 09/9/2019) (có mặt).

- Người làm chứng: Ông Huỳnh Thiện A, sinh năm 1958; cư trú tại: Số nhà 121 đường Lương Ngọc Quyến, Phường 5, quận GV, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người kháng cáo: Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn B, ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

+ Nguyên đơn là bà Phan Thị H, ông Phan Văn T1, ông Phan Văn N, ông Phan Văn S, Bà Trần Thị Ánh T, bà Phan Thị M1, bà Phan Thị M1 M, ông Phan Văn Mười H1, bà Lê Thị T2, bà Phan Thị N2 do ông Đoàn Hữu S1 là người đại diện trình bày:

Ông Phan Văn Đ và bà Huỳnh Thị Cúc có 11 người con là: Bà Phan Thị H, ông Phan Văn B, ông Phan Văn T1, ông Phan Văn N, ông Phan Văn S, ông Phan Văn Chín (đã chết có 02 người con là ông Phan Phúc D và ông Phan Duy T), ông Phan Văn Phước (đã chết có 02 người con là bà Phan Kim Hồng Đ và cháu Phan Thị Quỳnh N1), bà Phan Thị M1, bà Phan Thị M1 M, ông Phan Văn Mười H1 và bà Phan Thị N2.

Bà Cúc chết ngày 24/12/2013 có để lại 01 bản di chúc chung với ông Được lập ngày 23/3/2010 tại Phòng Công chứng số 3. Di chúc này được các bên thừa nhận và không tranh chấp. Ông Được chết ngày 15/02/2016. Trước khi chết, ông Được có lập 03 di chúc để lại thừa kế phần tài sản riêng của ông gồm: Tờ di chúc số 33432 lập ngày 24/11/2014 tại Phòng Công chứng số 3, Văn bản sửa đổi bản di chúc số 35262 lập ngày 12/11/2015 tại Phòng Công chứng số 3, Bản di chúc số 35263 lập ngày 12/11/2015 tại Phòng Công chứng số 3. Nhưng cũng trong thời gian này, ông Được bị bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thoái hóa cột sống khớp, ung thư tuyến tiền liệt, đau đầu, sa sút trí tuệ và phải điều trị gần như thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh nên các nguyên đơn cho rằng ông Được không thể đủ sức khỏe, minh mẫn để lập di chúc. Do đó, đề nghị Tòa án tuyên bố 03 văn bản công chứng gồm Tờ di chúc nêu trên là vô hiệu.

+ Bị đơn là Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh do bà Nguyễn Kim Kiều H2 đại diện trình bày:

Ông Phan Văn Đ đã lập Tờ di chúc số 33432 ngày 24/11/2014, Văn bản sửa đổi bản di chúc số 35262 ngày 12/11/2015 và Bản di chúc số 35263 ngày 12/11/2015 tại Phòng Công chứng số 3, đã được công chứng viên của Phòng Công chứng số 3 kiểm tra nhân thân, tình trạng sức khỏe và quyền sở hữu tài sản một cách đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật. Công chứng viên tự đánh giá về khả năng nhận thức của ông Được là ông có đủ năng lực nhận thức, đủ minh mẫn và sáng suốt để làm chủ hành vi của mình. Tại thời điểm công chứng thì ông Được có hai giấy khám sức khỏe tâm thần ngày 28/7/2014 và ngày 12/6/2015 của Bệnh viện Quận 9 xác định ông Được hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt. Mặt khác, trình tự thủ tục giám định trên hồ sơ đối với ông Được cũng không được các cơ quan tiến hành chặt chẽ, đầy đủ, không đúng quy định pháp luật thì không đủ căn cứ để kết luận ông Được bị mất nhận thức, đề nghị bác yêu cầu của nguyên đơn.

+ Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn B trình bày: Cha mẹ ông có 11 người con như nguyên đơn đã trình bày, ông đồng ý thực hiện theo di chúc chung ngày 23/3/2010 của cha mẹ. Theo Kết luận giám định của Phân viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đã xác định ông Được đã ký tên, thực hiện giao dịch gửi tiền, rút tiền tại ngân hàng Sacombank trên 07 tài liệu trong cùng thời gian lập di chúc; đồng thời ngân hàng cũng xác nhận là trong quá trình đến giao dịch tại ngân hàng, ông Được hoàn toàn minh mẫn và đã thực hiện việc ký đầy đủ các hồ sơ thủ tục có liên quan để gửi, rút tiền. Điều đó có nghĩa là trong thời gian lập các di chúc ông Được vẫn minh mẫn, không bị mất năng lực hành vi dân sự. Ông không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, vì việc lập di chúc là nguyện vọng của ông Được, phải có quyết định tuyên bố ông Được mất năng lực hành vi dân sự thì mới có cơ sở để xem xét giải quyết.

+ Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P do ông Nguyễn Hồng Nh đại diện trình bày:

Ông Hiếu và ông Phong đồng ý với ý kiến của ông Phan Văn B và đại diện Phòng Công chứng số 3, không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị thực hiện theo đúng di chúc của ông Được để lại.

+ Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Phan Kim Hồng Đ, ông Phan Phúc D và ông Phan Duy T do ông Đoàn Hữu S1 đại diện trình bày: Bà Đào là con của ông Phan Văn Phước, ông Duy và ông Tùng là con của ông Phan Văn Chín. Ông đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

+ Người làm chứng là ông Huỳnh Thiện A trình bày: Ông là thợ cắt tóc của ông Phan Văn Đ, ông đến Tòa để làm chứng rằng ông Được còn minh mẫn sáng suốt cho đến khi chết.

Bản án dân sự sơ thẩm số 215/2019/DS-ST ngày 19 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận TĐ đã xử:

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Tuyên bố các văn bản công chứng:

- Bản di chúc số 33432 quyển số 7 TP/CC-SCC/HĐGD do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/11/2014;

- Văn bản sửa đổi di chúc số 35262 quyển số 8 TP/CC-SCC/HĐGD do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/11/2015;

- Bản di chúc số 35263 quyển số 8 TP/CC-SCC/HĐGD do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/11/2015;

Là vô hiệu do ông Phan Văn Đ bị mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi tại các thời điểm lập các văn bản công chứng nêu trên.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về chi phí giám định, án phí dân sự sơ thẩm, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự.

Ngày 26/4/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn B có đơn kháng cáo, đề nghị sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 02/5/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn H2, ông Nguyễn Ngọc Thanh P có đơn kháng cáo, đề nghị sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 03/5/2019, bị đơn là Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh có đơn kháng cáo, đề nghị hủy toàn bộ hoặc sửa bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, những người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Bà Nguyễn Kim Kiều H2 đại diện cho Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn B, ông Nguyễn Hồng Nh đại diện cho ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Ba, ông Hiếu và ông Phong trình bày:

- Các bệnh án ghi tên ông Được chỉ ghi các bệnh khác, hoàn toàn không ghi nhận gì về việc ông Được bị bệnh tâm thần.

- Các công chứng viên Phòng Công chứng số 3 đã thực hiện các thủ tục công chứng đúng theo quy định pháp luật, ông Được phải nhận thức và làm chủ được hành vi của mình mới có thể đọc, hiểu và ký vào di chúc.

- Cùng thời gian lập các di chúc kể trên thì ông Được đã 7 lần thực hiện giao dịch gửi tiền, rút tiền tại Ngân hàng Sacombank. Đại diện ngân hàng cũng xác nhận là trong quá trình đến giao dịch tại ngân hàng, ông Được hoàn toàn minh mẫn và đã thực hiện việc ký đầy đủ các hồ sơ thủ tục có liên quan để gửi, rút tiền. Phân viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kết luận ông Được ký tên, thực hiện gửi tiền, rút tiền trên 7 tài liệu giao dịch tại ngân hàng trong cùng thời gian lập di chúc. Điều này đủ chứng minh ông Được hoàn toàn minh mẫn khi lập di chúc.

- Hồ sơ trưng cầu giám định tâm thần ông Được tại Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa còn nhiều thiếu sót như việc thu thập tài liệu để giám định không đúng quy định, chưa đầy đủ, không có nhận xét của cơ quan y tế địa phương… làm ảnh hưởng đến kết quả giám định.

Vì những lý do kể trên, đề nghị sửa toàn bộ án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ông Đoàn Hữu S1 đại diện cho các đồng nguyên đơn trình bày:

Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã có kết luận ông Được bị mất năng lực hành vi dân sự trong thời gian lập các di chúc. Việc giám định chữ ký của ông Được khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng không phải là căn cứ, không thể dựa vào đó để xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này có vô hiệu hay không. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tuyên bố 03 văn bản công chứng là các tờ di chúc lập tại Phòng Công chứng số 3 bị vô hiệu là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm, không chấp nhận các kháng cáo của các đương sự.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Tòa án cấp phúc thẩm và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm. Về nội dung vụ án, đề nghị không chấp nhận kháng cáo của Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn B, ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, xét kháng cáo của Phòng Công chứng số 3 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn B, ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Ông Phan Văn Đ và bà Huỳnh Thị Cúc có 11 người con là: Bà Phan Thị H, ông Phan Văn B, ông Phan Văn T1, ông Phan Văn N, ông Phan Văn S, ông Phan Văn Chín (chết, có 02 con là ông Phan Phúc D và ông Phan Duy T), ông Phan Văn Phước (chết, có 02 con là bà Phan Kim Hồng Đ và cháu Phan Thị Quỳnh N1), bà Phan Thị M1, bà Phan Thị M1 M, ông Phan Văn Mười H1 và bà Phan Thị N2.

Bà Cúc chết ngày 24/12/2013 có để lại 01 bản di chúc chung với ông Được lập ngày 23/3/2010, được các bên thừa nhận và không tranh chấp.

Ông Được chết ngày 15/02/2016. Trước khi chết, ông Được có lập 03 di chúc tại Phòng Công chứng số 3 để định đoạt thừa kế phần tài sản riêng của ông, gồm Tờ di chúc số 33432 lập ngày 24/11/2014, Văn bản sửa đổi bản di chúc số 35262 lập ngày 12/11/2015, Bản di chúc số 35263 lập ngày 12/11/2015.

[2] Theo lời trình bày của ông Đoàn Hữu S1 đại diện cho các nguyên đơn thì trong thời gian này, ông Được bị bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thoái hóa cột sống khớp, ung thư tuyến tiền liệt, đau đầu, sa sút trí tuệ nên các nguyên đơn cho rằng ông Được không thể đủ sức khỏe, minh mẫn để lập di chúc, do đó đề nghị Tòa án tuyên bố 3 văn bản công chứng là 3 tờ di chúc trên bị vô hiệu.

[3] Tuy nhiên, bà Nguyễn Kim Kiều H2 đại diện cho bị đơn là Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi ông Được lập 3 Tờ di chúc trên tại Phòng Công chứng số 3, đã được công chứng viên kiểm tra nhân thân, tình trạng sức khỏe và quyền sở hữu tài sản đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật. Công chứng viên nhận thấy ông Được có đủ năng lực nhận thức, đủ minh mẫn và sáng suốt để làm chủ hành vi của mình. Tại các thời điểm công chứng thì ông Được có giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện Quận 9 vào các ngày 28/7/2014 và 12/6/2015 xác định ông Được hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt. Mặt khác, trình tự thủ tục giám định trên hồ sơ đối với ông Được cũng không được các cơ quan tiến hành chặt chẽ, đầy đủ, không đúng quy định pháp luật thì không đủ căn cứ để kết luận ông Được bị mất nhận thức. Đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

[4] Ông Phan Văn B, ông Nguyễn Hồng Nh (đại diện cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P) và luật sư bảo vệ quyền lợi cũng cho rằng khi lập các di chúc trên, ông Được hoàn toàn minh mẫn, khỏe mạnh, sáng suốt, không có biểu hiện bị tâm thần, đã nhiều lần gởi và rút tiền tại Ngân hàng Sacombank. Tại phiên tòa, bà Phan Thị H là một trong các đồng nguyên đơn, là người trực tiếp chăm sóc, đưa ông Được đi điều trị bệnh cũng thừa nhận rằng trong các lần đưa ông Được đi khám chữa bệnh, chỉ nghe bác sĩ nói bị ung thư chứ không nghe nói bị tâm thần gì. Vì vậy, các ông cũng đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

[5] Kết luận giám định pháp y tâm thần số 1750/2017/KLGĐTC ngày 18/5/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có kết quả như sau: Về y học: Trước và tại thời điểm lập di chúc ngày 24/11/2014, đương sự bị bệnh sa sút tâm thần trong bệnh mạch máu/tăng huyết áp/ ung thư tuyến tiền liệt di căn. Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: Trước và tại thời điểm lập di chúc ngày 24/11/2014 và cho đến lúc tử vong, đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

[6] Sau khi ông Phan Văn B yêu cầu giám định lại, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã có Kết luận giám định pháp y tâm thần số 667/KL- VPYTW ngày 28/12/2018 như sau: “Tại các thời điểm ông Phan Văn Đ lập di chúc số 33432 ngày 24/11/2014 tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Văn bản sửa đổi di chúc số 35262 lập ngày 12/11/2015 và di chúc số 35263 lập ngày 12/11/2015 tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh: Đương sự bị mất năng lực nhận thức và điểu khiển hành vi.

[7] Căn cứ vào các kết luận giám định pháp y tâm thần như trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử tuyên bố các văn bản công chứng trên là vô hiệu.

[8] Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, những người kháng cáo yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông Được khi gởi và rút tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín trong cùng các thời điểm lập di chúc, để chứng minh ông Được vẫn khỏe mạnh, sáng suốt, không có biểu hiện bị tâm thần vào thời gian này. Kết luận giám định số 589/C09B ngày 18/02/2020 của Phân viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

“...II. ĐỐI TƯỢNG GIÁM ĐỊNH:

1. Tài liệu cần giám định: 07 tài liệu:

- 03 (ba) “Giấy gửi tiền tiết kiệm - VNĐ”, cùng ghi ngày 11/7/2014 (ký hiệu A1, A2, A3).

- “Giấy gửi tiền tiết kiệm - VNĐ”, ngày 12/7/2014 (ký hiệu A4).

- 02 (hai) “Hóa đơn giá trị gia tăng”, cùng ghi ngày 12/11/2015 (ký hiệu A5, A6).

- “Giấy lĩnh tiền tiết kiệm - VND”, ngày 07/01/2016 (ký hiệu A7).

2. Tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh kèm theo: 04 tài liệu:

- “Biên nhận hồ sơ”, ngày 22/3/2012 (ký hiệu M1).

- “Hợp đồng ủy quyền”, ngày 21/01/2014 (ký hiệu M2).

- “Hợp đồng ủy quyền”, ngày 16/7/2014 (ký hiệu M3).

- “Bản di chúc”, ngày 21/7/2015 (ký hiệu M4).

… V. KẾT LUẬN VỀ ĐỐI TƯỢNG GIÁM ĐỊNH:

Chữ ký dưới mục “Người gửi tiền” trên 03 (ba) “Giấy gửi tiền tiết kiệm - VNĐ”, cùng ghi ngày 11/7/2014 (ký hiệu A1, A2, A3), 01 (một) “Giấy gửi tiền tiết kiệm - VNĐ”, ngày 12/7/2014 (ký hiệu A4); Chữ ký đứng tên Phan Văn Đ dưới mục “Họ tên, chữ ký Người nộp tiền” trên 02 (hai) “Hóa đơn giá trị gia tăng”, cùng ghi ngày 12/11/2015 (ký hiệu A5, A6); Chữ ký dưới mục “Khách hàng” trên “Giấy lĩnh tiền tiết kiệm - VND”, ngày 07/01/2016 (ký hiệu A7) so với chữ ký đứng tên Phan Văn Đ trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M4 là do cùng một người ký ra…”.

Kết luận giám định này của Phân viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh chứng minh ông Được đã thực hiện hành vi gửi tiền, rút tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (vào các ngày 11/7/2014, ngày 12/7/2014, ngày 12/11/2015, ngày 07/01/2016) là cùng với thời điểm lập di chúc tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 24/11/2014 và ngày 12/11/2015).

[9] Như vậy, các tài liệu do những người kháng cáo đưa ra để chứng minh ông Được vẫn sáng suốt minh mẫn khi lập di chúc là:

- Xác nhận của Công chứng viên Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh khi công chứng các di chúc.

- Hai phiếu khám sức khỏe tâm thần ngày 28/7/2014 và ngày 12/6/2015 của Bệnh viện Quận 9, xác định ông Được hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt.

- Xác nhận của nhân chứng tên Huỳnh Thiện A (là người cắt tóc cho ông Được) về việc ông Được vẫn minh mẫn sáng suốt đến khi chết.

- Kết luận giám định của Phân viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định ông Được đã ký tên, thực hiện các giao dịch tại ngân hàng trên 07 tài liệu (các giấy gửi tiền, rút tiền) trong cùng thời gian lập di chúc.

- Xác nhận của đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín là trong quá trình đến giao dịch tại ngân hàng, ông Được hoàn toàn minh mẫn và đã thực hiện việc ký đầy đủ các hồ sơ thủ tục có liên quan để gửi, rút tiền.

- Ngoải ra còn có lời thừa nhận của bà Phan Thị H (một trong các đồng nguyên đơn, là người trực tiếp chăm sóc ông Được tại nhà, đưa ông đi điều trị bệnh) tại phiên tòa rằng trong các lần đưa ông Được đi khám chữa bệnh, chỉ nghe bác sĩ nói ông bị bệnh ung thư chứ không nghe nói bị tâm thần gì.

[10] Còn các tài liệu của bên nguyên đơn để xác định ông Được mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, được cấp sơ thẩm chấp nhận là chứng cứ, là Bản Kết luận giám định pháp y tâm thần số 1750/2017/KLGĐTC ngày 18/5/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Kết luận giám định pháp y tâm thần số 667/KL-VPYTW ngày 28/12/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Hội đồng xét xử nhận thấy:

[11] Đối với Kết luận giám định Pháp y tâm thần số 1750/2017/KLGĐTC ngày 18/5/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh:

Các văn bản liên quan đến kết luận giám định này gồm có:

- Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ số 18/2016/QĐ-CCCC ngày 03/11/2016 của Tòa án nhân dân quận TĐ, yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cung cấp toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Phan Văn Đ từ khi nhập viện đến khi xuất viện trong các đợt điều trị từ năm 2014 đến năm 2015.

- Công văn số 391-116/CV-BVVH ngày 16/11/2016 của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh gửi Tòa án nhân dân quận TĐ: Xác nhận cung cấp hồ sơ bệnh án từ năm 2014 đến năm 2015 của ông Phan Văn Đ theo yêu cầu của Tòa án (bản sao) nhưng không ghi hồ sơ bệnh án gồm những tài liệu có nội dung gì, có bao nhiêu bản.

- Quyết định trưng cầu giám định số 28/2016/QĐ-TCGĐ ngày 23/11/2016 của Tòa án nhân dân quận TĐ, trưng cầu giám định tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh: Không ghi các tài liệu có liên quan để thực hiện giám định là tài liệu nào, nội dung gì, có bao nhiêu bản (trong khi Mẫu số 04 Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2015/TT- BYT ngày 14/7/2015 của Bộ Y tế có quy định yêu cầu này).

- Biên bản giám định Pháp y tâm thần số 1750/2017/BBGĐTC ngày 18/5/2017 và Kết luận giám định Pháp y tâm thần số 1750/2017/KLGĐTC ngày 18/5/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh: Phần ghi các tài liệu liên quan để giám định chỉ ghi hồ sơ bệnh án có 13 bản photo nhưng không ghi rõ đó là 13 bản gì, có nội dung gì, có đối chiếu bản chính hay không, do ai nộp. Trong khi đó, Mẫu số 01 về Biên bản tiếp nhận hồ sơ trưng cầu giám định trong Danh mục các biểu mẫu dùng trong giám định pháp y tâm thần (Ban hành kèm theo Thông tư số: 18/2015/TT- BYT ngày 14/7/2015 của Bộ Y tế) quy định hồ sơ tài liệu giám định phải có đánh số bút lục, có bảng kê cụ thể kèm theo.

Ngoài ra, Điều 27 Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20/6/2012 về giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định quy định: Việc giao, nhận trực tiếp hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định phải được lập thành biên bản, phải ghi rõ đối tượng cần giám định, tài liệu có liên quan. Nhưng hồ sơ vụ án không có biên bản bàn giao tài liệu để giám định giữa Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với Tòa án nhân dân quận TĐ và giữa Tòa án nhân dân quận TĐ với Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa, các nguyên đơn và người đại diện của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cũng xác nhận là khi giao nộp tài liệu cho tòa án để giám định thì cũng không lập biên bản giao nộp tài liệu. Từ đó, không thể xác định được hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định là những tài liệu nào, có nội dung gì, có bao nhiêu tài liệu.

Do trình tự, thủ tục giám định không theo đúng quy định của Luật giám định tư pháp và Thông tư số 18 của Bộ Y tế, không lập biên bản giao nhận tài liệu giám định, không biết được những tài liệu nào dùng để giám định, nên theo quy định tại khoản 6 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Kết luận giám định Pháp y tâm thần số 1750/2017/KLGĐTC ngày 18/5/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh không được xem là chứng cứ.

[12] Đối với Kết luận giám định pháp y tâm thần số 667/KL-VPYTW ngày 28/12/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa:

Giống như trường hợp trên, kết luận giám định này cũng không ghi rõ các tài liệu có liên quan gồm những tài liệu nào, bao nhiêu bản, chỉ ghi nhận những hồ sơ bệnh án được lập từ ngày 03/9/2014 đến ngày 20/11/2014 (trước thời gian ông Được lập các di chúc).

Những văn bản liên quan đến kết luận giám định này gồm có:

- Quyết định trưng cầu giám định số 18/2016/QĐ-TCGĐ ngày 12/10/2017 của Tòa án nhân dân quận TĐ, trưng cầu giám định tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa: Phần các tài liệu gửi kèm theo ghi gồm toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Phan Văn Đ do Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cung cấp, nhưng không ghi rõ tài liệu đó là tài liệu nào, nội dung là gì, bao nhiêu bản… - Công văn số 23/VPYTW ngày 01/02/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa yêu cầu Tòa án nhân dân quận TĐ cung cấp tất cả tài liệu nào có liên quan, do ông Được lập ra lúc còn sống (nhật ký…). Yêu cầu này của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là đúng theo quy định tại điểm 3.1 Khoản 3 Mục I phần I Quy trình Giám định Pháp y tâm thần (Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14/7/2015 của Bộ Y tế) và Luật giám định tư pháp, quy định trách nhiệm của người trưng cầu giám định phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của tổ chức thực hiện giám định tư pháp. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không thể hiện Tòa án cung cấp cho cơ quan giám định 3 tờ di chúc của ông Được lập tại Phòng Công chứng số 3, hai phiếu khám sức khỏe tâm thần ngày 28/7/2014 và ngày 12/6/2015 của Bệnh viện Quận 9 đối với ông Được, các giấy gửi và lĩnh tiền tiết kiệm của ông Được tại ngân hàng… nên kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cũng không đề cập, nhận xét đến các tài liệu này.

- Các tài liệu liên quan đến hồ sơ bệnh án để giám định:

Theo Giấy xác nhận số 752A/XN-KHTH ngày 07/3/2016 và Giấy xác nhận số 758A/XN-KHTH ngày 18/3/2016 của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh thì ông Được đã khám bệnh tại Phòng khám 2 - Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh 3 lần vào các ngày 11/10/2014, ngày 03/11/2014 và ngày 11/5/2015, kèm theo là các đơn thuốc của những ngày khám bệnh này. Tuy nhiên, theo các tài liệu do nguyên đơn Phan Thị N2 nộp tại tòa án thì có đến 08 đơn thuốc của ông Được do Bệnh viện đa khoa khoa Vạn Hạnh kê toa điều trị vào các ngày 23/12/2014, 06/01/2015, 30/01/2015, 11/02/2015, 23/3/2015, 27/4/2015, 06/5/2015, 16/5/2015. Như vậy, ông Được khám tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh 3 ngày (theo 2 giấy xác nhận của bệnh viện cấp cho nguyên đơn để nộp cho Tòa án) hay 11 ngày (nếu tính thêm cả 8 ngày theo các đơn thuốc do nguyên đơn Phan Thị N2 nộp)? Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh thừa nhận 2 giấy xác nhận trên đúng là của bệnh viện nhưng khai nhận thực tế ông Được đến khám điều trị tất cả là 15 lần.

Trong khi đó, Kết luận giám định pháp y tâm thần số 667/KL-VPYTW ngày 28/12/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa không ghi rõ các tài liệu có liên quan để giám định gồm những đơn thuốc nào, được lập ngày nào, chỉ ghi chung chung là tài liệu liên quan gồm những hồ sơ bệnh án được lập từ ngày 03/9/2014 đến ngày 20/11/2014. Qua đối chiếu thì thấy thời gian lập hồ sơ bệnh án được sử dụng làm tài liệu giám định ghi trong Kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (từ ngày 03/9/2014 đến ngày 20/11/2014), lại khác hoàn toàn và diễn ra trước so với 11 ngày khám điều trị ghi trong các đơn thuốc do Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh và nguyên đơn cung cấp cho Tòa án để làm tài liệu giám định. Như vậy, các hồ sơ bệnh án mà Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa sử dụng làm tài liệu để giám định, có phải là các đơn thuốc do Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh và nguyên đơn cung cấp cho Tòa án, và do tòa án thu thập được để làm tài liệu giám định hay không? Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20/8/2020, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh xác nhận các hồ sơ bệnh án mà Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa sử dụng làm tài liệu giám định đúng là của bệnh viện, nhưng khi giao nộp cho tòa án để giám định đã không lập biên bản. Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cũng cho biết mỗi khi nhận bệnh và trong suốt quá trình khám, chữa bệnh cho ông Được, bệnh viện không có lưu giữ bất cứ hình ảnh hay tài liệu nào để xác định người được khám chữa bệnh chính là ông Được.

Xét thấy: Theo Quy trình Giám định pháp y tâm thần (Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế) thì hình thức giám định trên hồ sơ (tức giám định vắng mặt) chỉ áp dụng trong trường hợp đối tượng giám định đã bị chết, bị mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Người trưng cầu giám định hoặc cung cấp tài liệu để giám định phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý, sự chính xác của tài liệu để giám định theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 21, Điểm a Khoản 3 Điều 22 Luật Giám định tư pháp. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh là nơi cung cấp hồ sơ bệnh án lại không thể xác định người được khám chữa bệnh có phải là ông Được hay không, nghĩa là không thể khẳng định được các hồ sơ bệnh án để sử dụng làm tài liệu giám định là hồ sơ bệnh án của chính ông Được.

Do trình tự, thủ tục giám định không theo đúng quy định pháp luật, không lập biên bản giao nhận tài liệu giám định, không biết được những tài liệu nào dùng để giám định; hồ sơ bệnh án sử dụng làm tài liệu giám định khác hoàn toàn và lập ra trước so với các đơn thuốc do Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh và nguyên đơn cung cấp cho Tòa án để làm tài liệu giám định; không có căn cứ để xác định các hồ sơ bệnh án để giám định là của chính ông Được; không cung cấp cho cơ quan giám định tất cả tài liệu có liên quan do ông Được lập ra lúc còn sống (03 tờ di chúc của ông Được lập tại Phòng Công chứng, 02 Giấy xác nhận của Bệnh viện Quận 9, các giấy gửi và lĩnh tiền tiết kiệm của ông Được tại ngân hàng) nên Kết luận giám định pháp y tâm thần số 667/KL-VPYTW ngày 28/12/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cũng không được xem là chứng cứ.

[13] Do Kết luận giám định Pháp y tâm thần số 1750/2017/KLGĐTC ngày 18/5/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Kết luận giám định pháp y tâm thần số 667/KL-VPYTW ngày 28/12/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa không được xem là chứng cứ nên án sơ thẩm căn cứ vào hai bản kết luận giám định này để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là không đúng.

[14] Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Các văn bản công chứng do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/11/2014 và ngày 12/11/2015 không vi phạm các điều kiện nêu trên nên không bị vô hiệu. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn B, ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P, sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

[15] Về chi phí giám định: Do không chấp nhận kết luận giám định Pháp y tâm thần của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa nên các nguyên đơn phải chịu chi phí giám định. Quá trình giải quyết, các nguyên đơn đã nộp tạm ứng chi phí giám định tại Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nên được khấu trừ, riêng ông Phan Văn B đã nộp tạm ứng chi phí giám định tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa nên các nguyên đơn phải hoàn trả lại cho ông Ba số tiền này. [16] Về án phí dân sự:

- Trong số các nguyên đơn có bà Phan Thị H, ông Phan Văn T1 và ông Phan Văn N là người cao tuổi, đã được giải thích về việc có thể được miễn nộp án phí nhưng không làm đơn xin miễn án phí theo quy định. Các nguyên đơn không được chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, bị đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Những người kháng cáo được chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, nên những người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào Điều 121và Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005;

- Căn cứ Điều 5 và Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 ; Tuyên xử:

- Chấp nhận kháng cáo của Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn B, ông Phan Văn H2 và ông Nguyễn Ngọc Thanh P.

- Sửa bản án dân sự sơ thẩm.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn – ông Phan Văn N, Bà Trần Thị Ánh T, bà Phan Thị M1 M, bà Phan Thị H, ông Phan Văn T1, bà Phan Thị M1, ông Phan Văn Mười H1, bà Lê Thị T2, bà Phan Thị N2 và ông Phan Văn S về việc tuyên bố các văn bản công chứng: Bản di chúc số 33432 quyển số 7 TP/CC-SCC/HĐGD do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng công số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/11/2014; Văn bản sửa đổi di chúc số 35262 quyển số 8TP/CC-SCC/HĐGD do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/11/2015; Bản di chúc số 35263 quyển số 8TP/CC-SCC/HĐGD do ông Phan Văn Đ lập tại Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/11/2015 là giao dịch dân sự vô hiệu.

2. Về chi phí giám định:

- Bà Phan Thị H, ông Phan Văn T1, ông Phan Văn N, ông Phan Văn S, Bà Trần Thị Ánh T, bà Phan Thị M1, bà Phan Thị M1 M, ông Phan Văn Mười H1, bà Lê Thị T2 và bà Phan Thị N2 phải chịu chi phí giám định tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh là 852.500 (tám trăm năm mươi hai ngàn năm trăm) đồng (được trừ vào số tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp theo Phiếu thu số 961 ngày 05/6/2017 và Hóa đơn số 0000918 ngày 05/6/2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh).

- Bà Phan Thị H, ông Phan Văn T1, ông Phan Văn N, ông Phan Văn S, Bà Trần Thị Ánh T, bà Phan Thị M1, bà Phan Thị M1 M, ông Phan Văn Mười H1, bà Lê Thị T2 và bà Phan Thị N2 phải hoàn trả lại cho ông Phan Văn B chi phí giám định là 4.137.500 (bốn triệu một trăm ba mươi bảy ngàn năm trăm) đồng mà ông Ba đã nộp tạm ứng theo Phiếu thu số 00366 ngày 06/3/2019 và Hóa đơn số 0007775 ngày 06/3/2019 do Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa phát hành.

3. Về án phí dân sự:

- Bà Phan Thị H, ông Phan Văn T1, ông Phan Văn N, ông Phan Văn S, Bà Trần Thị Ánh T, bà Phan Thị M1, bà Phan Thị M1 M, ông Phan Văn Mười H1, bà Lê Thị T2, bà Phan Thị N2 phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 (hai trăm ngàn) đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 200.000 (hai trăm ngàn) đồng theo Biên lai thu số 0007502 ngày 31/3/2016 của Chi cục thi hành án dân sự quận TĐ. Các ông bà trên đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

- Hoàn trả cho Phòng Công chứng số 3, Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu số 13370 ngày 09/5/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận TĐ.

- Hoàn trả cho ông Phan Văn B số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu số 13267 ngày 03/5/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận TĐ.

- Hoàn trả cho ông Phan Văn H2 số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu số 13268 ngày 03/5/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận TĐ.

- Hoàn trả cho ông Nguyễn Ngọc Thanh P số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu số 13295 ngày 08/5/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận TĐ.

4. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

361
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 63/2021/DS-PT ngày 19/01/2021 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Số hiệu:63/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về