Bản án 63/2020/DS-ST ngày 08/01/2021 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 63/2020/DS-ST NGÀY 08/01/2021 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

Ngày 08 tháng 01 năm 2021 tại Tòa án nhân dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 148/2015/TLST- DS ngày 06 tháng 11 năm 2015 về tranh chấp “yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 41/2020/QĐXXST- DS ngày 24 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Lê Thị T, sinh năm 1966 (có mặt) Địa chỉ: Tổ 7, khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bị đơn: Ông Phạm T, sinh năm 1979 (có mặt) Địa chỉ: Tổ 7, khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Người làm chứng:

1/ Bà Lê Thị M, sinh năm 1943 (yêu cầu giải quyết vắng mặt) Địa chỉ: Tổ 7, khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

2/ Bà Phạm Thị S, sinh năm 1946 (yêu cầu giải quyết vắng mặt) Địa chỉ: Tổ 7, khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

3/ Ông Lê Duy H, sinh năm 1957 (yêu cầu giải quyết vắng mặt) Địa chỉ: Tổ 7, khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

4/ Ông Nguyễn Thành N, sinh năm 1965 (yêu cầu giải quyết vắng mặt) Địa chỉ: Khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

5/ Ông Phạm Tấn L, sinh năm 1959 (yêu cầu giải quyết vắng mặt) Địa chỉ: Tổ 7, khu phố GH 2, phường HT, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

NỘI DUNG VỤ ÁN

+ Theo đơn khởi kiện và trình bày của nguyên đơn, bà Lê Thị T là: Vào năm 1980, cha bà là ông Lê Trọng K có khai hoang một phần đất tại Gò Đá thuộc thôn GH 2, xã HT (nay là khu phố GH 2, phường HT). Năm 1987, vợ chồng bà ly hôn nên cha bà cho bà phần đất này. Bà đã trực tiếp xây dựng trên phần đất này một ngôi nhà. Ngày 08/3/2007, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà với diện tích 284 m2 tại thửa đất số 1345 C, tờ bản đồ số 11 phường HT. Phần diện tích đất bà sử dụng thực tế nhiều hơn diện tích đất nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà. Phần đất phía sau tuy chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bà có trồng một số cây lâu niên như bạch đàn, đào.

Vì công việc nên bà phải đi làm ăn xa. Ngày 22/3/2014, bà phát hiện 01 cây bạch đàn do bà trồng đường kính 0.5m, 03 cây đào có trái trên 20 năm tuổi và một số cây bạch đàn nhỏ bị ông Phạm T chặt phá, đem đi bán. Ngoài ra, ông T còn trồng một số cây như gòn, trụ tiêu, chuối trên phần đất này.

Vào ngày 11/11/2015, khi vụ án đang được Tòa án giải quyết, ông T còn chặt cây vừng, phá cửa nhà bà và lấp giếng của bà. Bà đã trình báo công an xã về sự việc này.

Nay bà yêu cầu ông T phải bồi thường số cây đã chặt cho bà theo quy định pháp luật. Bà T không yêu cầu ông T phải nhổ bỏ những cây, trụ tiêu trên phần đất này.

+ Theo trình bày của bị đơn, ông Phạm T là: Ông đã canh tác và trồng cây trên đất mà bà T cho rằng là của bà T trên 10 năm. Năm 2013, ông có chặt một số cây đào và bạch đàn trên đất này vì cây này là của bà nội ông, vì cây không có trái nên bà nội ông có nói ông qua chặt cây để trồng mì. Ông đang trồng tiêu, gòn, mì và một cây khác trên đất này. Bà T cũng có nhổ một số cây trồng của ông.

Vào ngày 11/11/2015, bà T có chặt một số cây do ông trồng. Ông có chặt cây vừng của bà T. Các cây mà ông trồng bị bà T chặt ông đã bỏ xuống giếng. Ông không có chặt phá cửa nhà bà T.

Nay bà T yêu cầu bồi thường số cây ông đã chặt, ông không đồng ý.

Ông chỉ chặt của bà T một cây lộc vừng, còn số cây còn lại bà T cho rằng ông chặt không phải của bà T, số cây này nằm ngoài diện tích đất cấp cho bà T, số cây này do bà nội và cha ông trồng. Nguyên nhân ông chặt cây là do bà T có chặt của ông trước một số cây như chuối, cây gòn, tiêu.

Vào ngày 23/7/2018, ông phát hiện một số cây trồng của ông gồm: dừa, đu đủ, cau, bơ, trụ tiêu đang có bông đã bị bà Lê Thị T chặt phá, dọn dỡ. Sự việc đã được công an phường HT lập biên bản. Nay ông yêu cầu bà T phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông.

+ Theo trình bày của người làm chứng bà, bà Lê Thị M là: Bà là hàng xóm của bà Lê Thị T và ông Phạm T. Bà đã sống ở tổ 7, khu phố GH 2, phường HT gần 70 năm. Trước đây, phần đất có các cây trồng bị chặt là gò hoang. Số cây bạch đàn lớn và cây đào là do ông Lê Trọng K, cha bà T trồng.

+ Theo trình bày của người người làm chứng, bà Phạm Thị S là: Bà là hàng xóm của bà Lê Thị T và ông Phạm T. Bà đã sinh sống ở địa phương gần 70 năm. Cha bà T là ông K có lấp đất để trồng tỉa cây. Hai người em của bà thì chặt đá đem bán vì trước đây vùng này là gò đất hoang. Còn ai là người trồng bạch đàn, trồng điều trên đất thì bà không biết rõ.

+ Theo trình bày của người làm chứng, ông Lê Huy Hạnh là: Ông là hàng xóm của bà Lê Thị T và ông Phạm T. Cha bà T là ông Lê Trọng K có khai thác và trồng một số cây mì gòn trên gò đá. Còn về điều và bạch đàn do ai trồng thì ông không biết rõ.

+ Tại biên bản lấy lời khai của ông Phạm Tấn L là: Ông là hàng xóm của bà T và là cha của ông Phạm T. Cây bạch đàn lớn đường kính 50 cm do ông Phạm Tấn Đ trồng. Cây bạch đàn này là do ông Phạm T chặt và đem đi bán.

Ông có cưa 5-7 cây bạch đàn nhỏ hơn để làm nhà, để lại cây lớn. Sau khi ông Đồng bán đất đi nơi khác thì để lại những cây bạch đàn này cho ông tiếp tục sử dụng.

Cây đào thì ông không biết ai trồng. Cây này là do ông T chặt đem bán.

Ngoài ra còn những cây bạch đàn trắng, bạch đàn keo mà ông T đã chặt cũng là do ông trồng.

+ Tại bản tự khai ngày 08/8/2016 của ông Nguyễn Thành N là: Ông có chặt và đẽo cây cho ông Phạm Tấn L làm nhà.

+ Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án là phù hợp quy định của pháp luật. Tuy nhiên còn vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử.

Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bà Lê Thị T buộc ông Phạm T bồi thường cho bà Lê Thị T 1 cây lộc vừng, 03 cây đào.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng, thẩm quyền: Nguyên đơn bà Lê Thị T có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm đối với ông Phạm T. Nguyên đơn và bị đơn hiện đang cư trú trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Vì vậy, Tòa án nhân dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết là đúng thủ tục tố tụng quy định tại khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[2] Về nội dung: Năm 1980, cha bà Lê Thị T là ông Lê Trọng K có khai hoang một phần đất tục danh Gò Đá thuộc khu phố GH 2, phường HT. Năm 1987 bà T đã trực tiếp xây dựng trên phần đất này một ngôi nhà. Ngày 08/3/2007, Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Lê Thị T với diện tích 284 m2 tại thửa đất số 1345 C, tờ bản đồ số 11 phường HT. Ngoài diện tích đất được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T thì còn một phần đất khác cũng được cha bà T khai hoang và đã trồng một số cây như đào, bạch đàn trên diện tích đất này nhưng chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai.

Năm 2014 bà T phát hiện ông T chặt của bà 03 cây đào, 01 cây bạch đàn có đường kính 0,5m, 03 cây bạch đàn có đường kính từ 0,15cm đến 0,25cm. Sau đó ông T tiếp tục chặt của bà cây lộc vừng, phá cửa sổ và bỏ cành cây xuống giếng nước của bà. Trong quá trình giải quyết vụ án ông T không thừa nhận phá cửa sổ của nhà bà T.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Ông Phạm T thừa nhận hành vi chặt cây bạch đàn nhưng không thừa nhận đó là cây của bà T nên không chấp nhận bồi thường. Thấy rằng, số cây này bạch đàn không phải do bà T trồng, việc này cũng được bà T thừa nhận. Do đó, không có căn cứ để buộc ông T phải bồi thường cây bạch đàn này cho bà T. Đối với 03 cây đào, số cây này do cha bà T trồng để lại cho bà T, ông T thừa nhận chặt 03 cây đào nhưng không thừa nhận đó là của bà T nhưng cũng không phải là của ông. Do đó, ông T phải bồi thường cho bà T 03 cây đào này.

Theo biên bản định giá ngày 22/4/2016 (hai đều thống nhất giá theo biên bản định giá ngày 22/4/2016 không yêu cầu định giá lại) thì mỗi cây bạch đàn có giá: 262.500 đồng/cây x 3 cây = 787.500 đồng.

Cây lộc vừng trồng trên đất cấp cho bà T, ông T thừa nhận chặt cây lộc vừng này nên phải có nghĩa vụ bồi thường. Cây lộc vừng có giá: 340.000 đồng.

Như vậy: ông Phạm T phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Lê Thị T tổng cộng: 787.500 đồng + 340.000 đồng = 1.127.500 đồng.

[3] Đối với yêu cầu phản tố được thụ lý ngày 18.4.2019 của ông Phạm T. Ông Phạm T cho rằng bà Lê Thị T chặt phá của ông một số cây như tiêu, đu đủ … nhưng ông không cung cấp được biên bản hiện trường. Bà T cũng không thừa nhận việc này và qua xác minh ngày 23/12/2020 tại công an phường HT cũng không lưu giữ hồ sơ về việc này nên không có căn cứ cho rằng bà Lê Thị T chặt phá số cây trên của ông. Hơn nữa ông Phạm T trồng số cây này trên phần đất mà từ trước đã có cây cối của cha bà T trồng, sau đó bà T trồng trên phần đất này. Việc trồng cây này của ông Phạm T là không hợp pháp. Do đó, không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Phạm T.

[4] Đối với yêu cầu phản tố được thụ lý ngày 30.11.2016 đã được ông Phạm T rút yêu cầu khởi kiện tại biên bản lấy lời khai ngày 24/11/2017 (BL số 67) nên Hội đồng xét xử đình chỉ yêu cầu phản tố này.

[5] Về chi phí định giá: Vì yêu cầu của bà Lê Thị T được chấp nhận nên ông Phạm T phải trả lại số tiền định giá cho bà Lê Thị T đã nộp là 1.000.000 đồng. Ông Phạm T phải chịu tiền chi phí định giá cho yêu cầu phản tố của ông là 1.500.000 đồng, ông Phạm T đã nộp đủ chi phí định giá này.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Vì yêu cầu của bà Lê Thị T được chấp nhận nên ông Phạm T phải nộp theo quy định của pháp luật, ông Phạm T phải chịu án phí phản tố vì yêu cầu phản tố không được chấp nhận. Đối với yêu cầu phản tố ngày 30.11.2016 mà ông T đã rút yêu cầu khởi kiện, ông Phạm T được trả lại số tiền tạm ứng án phí này.

[7] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì những lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 227, Điều 228 và Điều 273 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, Căn cứ vào các Điều 584, 585, 589 Bộ luật dân sự 2015;

Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị T.

Buộc ông Phạm T phải bồi thường cho bà Lê Thị T giá trị 03 cây đào và 01 cây lộc vừng với tổng số tiền: 1.127.500 đồng.

2/ Không chấp nhận yêu cầu phản tố được thụ lý ngày 18.4.2019 của ông Phạm T.

3/ Đình chỉ yêu cầu phản tố được thụ lý ngày 30/11/2016 của ông Phạm T.

4/ Chi phí định giá tài sản: ông Phạm T hoàn trả cho bà Lê Thị T 1.000.000 đồng. Ông Phạm T phải chịu tiền chi phí định giá phản tố là 1.500.000 đồng, ông Phạm T đã nộp đủ tiền định giá phản tố.

5/ Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phạm T phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm số tiền là: 200.000 đồng . Ông Phạm T phải chịu tiền án phí phản tố số tiền 300.000 đồng. Ông Phạm T đã tạm ứng 300.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0005059 ngày ngày 18 tháng 4 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nên được khấu trừ án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố. Ông Phạm T đã tạm ứng án phí 200.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lại thu tiền tạm ứng án phí số 01755 ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nên được khấu trừ vào án phí dân sự sơ thẩm phải nộp. Ông Phạm T đã nộp đủ.

Hoàn trả cho bà Lê Thị T 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 09620 ngày 06 tháng 11 năm 2015 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để tòa án cấp trên xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Trưng hợp bản án, quyết định được thi hành tại Điều 2, Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

452
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 63/2020/DS-ST ngày 08/01/2021 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Số hiệu:63/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Hoài Nhơn - Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về