Bản án 61/2021/HS-PT ngày 08/11/2021 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 61/2021/HS-PT NGÀY 08/11/2021 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Trong các ngày 01 và ngày 08 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh A xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 81/2021/HSPT ngày 04 tháng 6 năm 2021 đối với bị cáo Nguyễn Thị Y và đồng bọn phạm tội “Tham ô tài sản” do có kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Minh T và Mai Thị Thùy L đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2021/HSST ngày 20/04/2021 của Tòa án nhân dân huyện A .

- Các bị cáo kháng cáo:

1. Nguyễn Thị Y, sinh ngày 12/12/1982 tại huyện A, tỉnh A; nơi cư trú: Số 68 đường Thoại Ngọc Hầu, ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh A; nghề nghiệp: Công chức; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Phi V, sinh năm 1953 (chết) và bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1955; chồng tên Lâm Hỏa T, sinh năm 1981; bị cáo có 02 người con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2014; anh, chị, em ruột có 06 người, bị cáo là người thứ tư.

Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú;

Bị cáo có mặt.

2. Nguyễn Thị Minh T, sinh ngày 15/9/1976 tại huyện Chợ Mới, tỉnh A; nơi cư trú: Tổ 28, ấp V, xã V, huyện A, tỉnh A; nghề nghiệp: Công chức; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Đạo Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1953 (chết) và bà Phan Thị T, sinh năm 1956; chồng tên Nguyễn Văn M, sinh năm 1978; bị cáo có 02 người con, con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2011; chị, em ruột có 04 người, bị cáo là người lớn nhất.

Tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú;

Bị cáo có mặt.

3. Mai Thị Thùy L, sinh ngày 06/5/1980 tại huyện A, tỉnh A; nơi cư trú: Ấp V, xã V, huyện A, tỉnh A; nghề nghiệp: Công chức; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Đạo Cao Đài; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mai Văn K, sinh năm 1931 (chết năm 2012) và bà Lâm Thị N, sinh năm 1943; anh, chị, em ruột có 14 người, bị cáo là người thứ mười một.

Tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú;

Bị cáo có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Thị Y, Mai Thị Thùy L:

1. Ông Nguyễn Văn T – Luật sư Văn phòng luật sư Đ, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H; địa chỉ: Số 517, đường Kinh Dương Vương, phường A, quận B, Thành phố H.

2. Ông Nguyễn Xuân H – Luật sư Văn phòng luật sư H, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H; địa chỉ: Phòng số 02.04, lầu 2, Tòa nhà Newton Residence, số 38 Trương Quốc Dung, phường 8, quận P, Thành phố H.

3. Ông Nguyễn Đức Thắng Y – Luật sư Công ty luật TNHH YLAW & PARTNERS, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H; địa chỉ: Số 128/41, đường Huỳnh Tấn Phát, phường T, Quận 7, Thành phố H.

Các Luật sư có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Hội Liên hiệp phụ nữ huyện A, tỉnh A (có đơn xin vắng mặt).

Địa chỉ trụ sở: Ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh A.

Đại diện theo pháp luật bà Lê Bích L, sinh năm 1977, chức vụ: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện A.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện A, tỉnh A (có đơn xin vắng mặt).

Địa chỉ trụ sở: Ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh A.

Đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện A: Ông Huỳnh Hưng T, sinh năm 1982, chức vụ: Phó trưởng Phòng tài chính Kế hoạch huyện A.

(Theo Công văn số 79/UBND-NC ngày 24/01/2018 của Chủ tịch UBND huyện A, tỉnh A).

2. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1964 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh A.

3. Ông Cao Văn T (Cao Thiên), sinh năm 1970 (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh A.

4. Bà Dương Thị M, sinh năm 1959 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh A.

5. Bà Phùng Thị Diệu H, sinh năm 1986 (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp V, xã V, huyện A, tỉnh A.

6. Ông Trần Hoàng V, sinh năm 1958 (vắng mặt) Địa chỉ: Số 7, đường Nguyễn Văn Linh, phường L, thị xã T, tỉnh A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện A (gọi tắt Hội LHPN huyện) là tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A. Kinh phí hoạt động của Hội LHPN huyện gồm kinh phí thường xuyên, kinh phí đặc thù do Ủy ban nhân dân huyện A cấp (gọi chung là kinh phí được cấp) và thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được Hội LHPN huyện cụ thể hóa các mục chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2015 và năm 2016 (không thực hiện trích lập quỹ phúc lợi do nguồn kinh phí chỉ đủ chi hoạt động thường xuyên). Ngoài ra, hàng quý Hội LHPN huyện còn nhận phí ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A để nhập quỹ sử dụng hỗ trợ các hoạt động chung của đơn vị theo Quy chế sử dụng nguồn vốn Ủy thác (trong đó được trích 30% quỹ phúc lợi; 20% phụ cấp trách nhiệm, làm thêm giờ hoặc lương cho cán bộ hợp đồng, cán bộ trực tiếp theo dõi công tác cho vay ủy thác; 30% cho việc tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn ủy thác; 10% mua sắm thiết bị văn phòng).

Từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, Nguyễn Thị Y với chức vụ Chủ tịch Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Huỳnh Kim H (Phó Chủ tịch, kiêm kế toán), Nguyễn Thị Minh T (Phó Chủ tịch, kiêm thủ quỹ), Tô Thị Kim X (kế toán) và Mai Thị Thùy L (Thủ quỹ từ tháng 3/2016 đến 8/2016) lập chứng từ rút các nguồn kinh phí được cấp tại Kho bạc Nhà nước huyện A (gọi tắt Kho bạc huyện). Sau đó, lập chứng từ quyết toán khống hoặc nâng khống số tiền thực chi thông qua việc: Lập danh sách khống một phần hoặc toàn bộ số người tham dự, số báo cáo viên, tiền bồi dưỡng khi tham dự; mua hóa đơn để chi trả cao hơn hoặc chi khống số tiền thuê hội trường, trang thiết bị phục vụ, … Trong đó, H cùng X lập, ký chứng từ kế toán; T, L rút tiền từ Kho bạc Nhà nước huyện, quản lý, chi tiền, ký thủ quỹ; L mua hóa đơn khống nội dung để hợp thức hóa chứng từ. Số tiền được quyết toán khống, Y chỉ đạo sử dụng chi hoạt động khác của đơn vị; tặng quà biếu và chiếm đoạt chia nhau tiêu xài cá nhân. Cụ thể:

- Từ ngày 19/10/2015 đến ngày 28/4/2016, Y chỉ đạo cho H, X lập dự toán trình Y ký chủ tài khoản; T, L đến Kho bạc huyện rút 06 nguồn kinh phí được cấp về nhập quỹ đơn vị, với tổng số tiền 280.780.000 đồng. Trong đó, Hội LHPN huyện thực chi 111.533.000 đồng, còn lại 169.247.000 đồng Y chỉ đạo cho H, T, X, L nâng khống chứng từ quyết toán. Số tiền quyết toán khống, Y chỉ đạo chi không đúng nguyên tắc (chi hoạt động khác của đơn vị) 114.247.000 đồng, còn lại 55.000.000 đồng chiếm đoạt chia nhau tiêu xài. Cụ thể các nguồn kinh phí như sau:

+ Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2015) được cấp số tiền 45.400.000 đồng và Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội năm 2015 được cấp số tiền 47.380.000 đồng. Ngày 04/11/2015, Y chỉ đạo H, X lập chứng từ rút 92.780.000 đồng. Trong đó, kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 19/10/2015, thực chi 35.298.000 đồng, quyết toán khống 10.102.000 đồng; tập huấn nghiệp vụ công tác Hội năm 2015 tổ chức ngày 23/11/2015, thực chi 6.440.000 đồng, quyết toán khống 40.940.000 đồng. Số tiền quyết toán khống từ 02 nguồn tổng cộng 51.042.000 đồng, Y chỉ đạo T chi Y, T, H chiếm đoạt tổng cộng 12.000.000 đồng, gồm: Ngày 09/11/2015, T chi Y, T, H mỗi người 3.000.000 đồng và ngày 10/11/2015 chi thêm Y, T, H mỗi người 1.000.000 đồng, tổng tộng mỗi người 4.000.000 đồng; còn lại 39.042.000 đồng nhập quỹ chi hoạt động khác.

+ Kinh phí thường xuyên nhận tháng 01/2016, được cấp số tiền 40.000.000 đồng. Ngày 28/01/2016, Y chỉ đạo H, X lập chứng từ để T đến Kho bạc huyện rút 40.000.000 đồng, cùng ngày Y chỉ đạo T chi Y, H, T mỗi người 7.000.000 đồng và X 2.000.000 đồng, tổng cộng chiếm đoạt 23.000.000 đồng, còn lại 17.000.000 đồng nhập quỹ đơn vị chi hoạt động khác.

+ Họp mặt nữ tù đày kháng chiến qua các thời kỳ năm 2016 số tiền được cấp 55.000.000 đồng và Kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 08/3/2016 số tiền được cấp 50.000.000 đồng. Ngày 02/02/2016, Y chỉ đạo H, T và X lập chứng từ, rút tổng cộng 105.000.000 đồng. Ngày 04/3/2016, HLHPN huyện tổ chức họp mặt Kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 08/3, thực chi 17.395.000 đồng, còn lại 32.605.000 đồng Y chỉ đạo H nâng khống để quyết toán với Kho bạc huyện. Đối với Họp mặt nữ tù đày kháng chiến qua các thời kỳ năm 2016 theo kế hoạch tổ chức ngày 04/02/2016, nhưng không tổ chức. Ngày 29/4/2016, Y chỉ đạo H lập chứng từ khống để quyết toán số tiền 55.000.000 đồng với Kho bạc huyện. Đến ngày 19/8/2016, khi có quyết định kiểm tra sai phạm tại HLHPN huyện, Y chỉ đạo tổ chức lại, chi đúng 25.000.000 đồng, chi khống 30.000.000 đồng. Số tiền quyết toán khống từ 02 nguồn là 62.605.000 đồng, ngày 27/4/2016, Y chỉ đạo L chi bồi dưỡng 30/4 cho 05 người với số tiền 10.000.000 đồng, gồm: Y, H, X và L mỗi người 2.000.000 đồng, riêng phần T 2.000.000 đồng L không đưa mà giữ lại chiếm đoạt tiêu xài; còn lại 52.605.000 đồng nhập quỹ đơn vị chi hoạt động khác.

Trong hai nguồn kinh phí nêu trên, lúc đầu các bị cáo khai nhận Y chỉ đạo lấy 8.000.000 đồng từ số tiền quyết toán khống chi bồi dưỡng 8/3 Y, T, H mỗi người 2.000.000 đồng, X và L mỗi người 1.000.000 đồng, nhưng sau đó khai số tiền trên lấy từ nguồn phí ủy thác, tiền vận động xe đạp còn thừa. Kết quả điều tra có căn cứ xác định số tiền trên các bị cáo lấy từ nguồn phí ủy thác và tiền vận động xe đạp còn thừa chia nhau tiêu xài, không chiếm đoạt tiền Nhà nước.

+ Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội năm 2016 số tiền được cấp 43.000.000 đồng. Ngày 05/4/2016, Y chỉ đạo H, X, L lập chứng từ, ngày 28/4/2016 L rút 43.000.000 đồng nhập quỹ. Ngày 15/6/2016, Y chỉ đạo H, X, L lập khống chứng từ quyết toán hết số tiền 43.000.000 đồng. Ngày 16/7/2016, Y chỉ đạo tổ chức tập huấn, thực chi 10.200.000 đồng; số tiền còn lại, ngày 28/7/2016 Y chỉ đạo chi bồi dưỡng cho 05 người với số tiền 10.000.000 đồng, gồm: Y, H, X và L mỗi người 2.000.000 đồng, riêng phần T 2.000.000 đồng L không đưa mà giữ lại chiếm đoạt tiêu xài; còn lại 22.800.000 đồng nhập quỹ đơn vị chi hoạt động khác.

- Ngoài 06 nguồn kinh phí liên quan hành vi chiếm đoạt nêu trên, từ ngày 15/6/2016 đến ngày 05/8/2016, Y chỉ đạo H, X lập dự toán trình Y ký chủ tài khoản, rồi giao L đến Kho bạc Nhà nước huyện rút 04 nguồn kinh phí được cấp với tổng số tiền 223.820.000 đồng nhập quỹ đơn vị, gồm: Tuyên truyền đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt năm 2016” số tiền 69.200.000 đồng; tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2016 số tiền 3.620.000 đồng; tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước năm 2016 số tiền 31.000.000 đồng; tổ chức Đại hội Đại biểu phụ nữ huyện A lần VI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 số tiền 120.000.000 đồng. Số tiền trên, Y chỉ đạo H, X, L nâng khống chứng từ để quyết toán hết, nhưng thực chi 146.800.000 đồng, còn lại 77.020.000 đồng, Y chỉ đạo gửi tiết kiệm 50.000.000 đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A và chi hoạt động khác cho đơn vị 27.020.000 đồng, không chiếm đoạt.

Ngày 27/12/2016, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy A kiểm tra phát hiện sai phạm và có văn bản kiến nghị khởi tố.

Ngày 04/01/2018 và ngày 27/8/2018 Y, H, T, L và X bị khởi tố, điều tra.

Trong quá trình Ủy ban kiểm tra huyện ủy A làm việc và trong quá trình điều tra vụ án, Y, H, T, L, X đã tự nguyện nộp số tiền khắc phục hậu quả 179.800.000 đồng. Ngoài ra, ông Cao Văn Tr, bà Dương Thị M và bà Phùng Thị Diệu H là chủ các cửa hàng, hiệu sách xuất bán cho Hội LHPN huyện A tổng cộng 20 hóa đơn khống, nhưng không biết Hội LHPN huyện sử dụng hóa đơn khống chiếm đoạt tiền Nhà nước, đã tự nguyện nộp lại số tiền thuế trên hóa đơn đã nhận 2.740.600 đồng và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện A nộp 5.000.000 đồng do Hội LHPN huyện chúc Tết Nguyên đán năm 2016.

Cáo trạng số 10/CT-VKSAG-P3 ngày 02/02/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A đã truy tố bị cáo Nguyễn Thị Y và đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” theo các điểm a, điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2021/HSST ngày 20 tháng 4 năm 2021, Tòa án nhân dân huyện A:

Đã tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thị Y, Huỳnh Kim H, Nguyễn Thị Minh T, Mai Thị Thùy L và Tô Thị Kim X đồng phạm tội “Tham ô tài sản”.

2. Về hình phạt chính:

2.1 Căn cứ các điểm a, điểm c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 38, 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Y 02 (hai) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt.

2.2 Căn cứ các điểm a, điểm c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Huỳnh Kim H 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 03 (ba) năm tính từ ngày tuyên án.

2.3 Căn cứ các điểm a, điểm c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Minh T 01 (một) năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án.

2.4 Căn cứ các điểm a, điểm c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Mai Thị Thùy L 01 (một) năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án.

2.5 Căn cứ các điểm a, điểm c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Tô Thị Kim X 01 (một) năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án.

Giao các bị cáo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi các bị cáo cư trú giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về hình phạt bổ sung cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 02 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính và thời gian thử thách của án treo; các biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo pháp luật.

Ngày 23 tháng 4 năm 2021, bị cáo Nguyễn Thị Y có đơn kháng cáo nội dung án sơ thẩm xử bị cáo tội “Tham ô tài sản” là oan.

Ngày 29 tháng 4 năm 2021, bị cáo Mai Thị Thùy L có đơn kháng cáo nội dung án sơ thẩm xử bị cáo tội “Tham ô tài sản” là oan.

Ngày 04 tháng 5 năm 2021, bị cáo Nguyễn Thị Minh T có đơn kháng cáo nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Bị cáo Nguyễn Thị Y thừa nhận thời gian từ tháng 9 năm 2015 đến tháng 8 năm 2016 khi là chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A (Hội LHPN huyện) có chỉ đạo kế toán, thủ quỹ và nhân viên kê khống chứng từ (hoặc nâng chứng từ) chi để quyết toán các khoản tiền được cấp từ các nguồn trên cơ sở dự toán được duyệt. Bị cáo xác định các khoản tiền chỉ đạo chi bồi dưỡng nhiều đợt cho cán bộ trong đơn vị đều nằm trong nguồn vận động và phí ủy thác do tiết kiệm được. Các lần nhận tiền theo án sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt là không đúng. Cụ thể:

- Tiền chi bồi dưỡng 20/10/2015 chi cho Y, H và T mỗi người 3.000.000 đồng từ nguồn tiền phí ủy thác của Ngân hàng và khách mời gởi phong bì tiền khi đến dự tiệc, ngoài ra bị cáo không chỉ đạo chi thêm mỗi người 1.000.000 đồng.

- Đối với tiền tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 chia Y, H và T mỗi người 7.000.000 đồng, bị cáo Y cho rằng trong đó 2.000.000 đồng chi từ nguồn phí ủy thác nên được phép chi bồi dưỡng; số còn lại 5.000.000 đồng trong đó có 1.800.000 đồng tiền công tác phí và 3.200.000 đồng tiền trực tết chi từ nguồn kinh phí thường xuyên.

- Đối với tiền bồi dưỡng do L chi theo án sơ thẩm quy kết chia thành hai lần bồi dưỡng 30/4 (10.000.000 đồng cho 5 người) và bồi dưỡng cho cơ quan sau tập huấn Hội (10.000.000 đồng cho 5 người).

Hoàn toàn không chiếm đoạt tiền từ ngân sách Nhà nước. Bị cáo thừa nhận sai trong việc chỉ đạo quyết toán khống chứng từ.

- Bị cáo Nguyễn Thị Minh T: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T xác định không tham gia mua chứng, do bị cáo là cấp phó nên thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Y. Số tiền được chia từ nguồn Nữ tù đày trên thực tế bị cáo không nhận. Các khoản tiền bị cáo rút đều có sổ sách kế toán rõ ràng, bị cáo không thừa nhận hành vi tham ô. Bị cáo T thừa nhận có nhận tiền lần thứ nhất và lần thứ hai là sai và bị cáo đã khắc phục trả lại.

- Bị cáo Mai Thị Thùy L khai nhận tại tòa chỉ nhận có 500.000 đồng, án sơ thẩm quy kết bị cáo chi 2 lần (mỗi lần 10.000.000 đồng cho 5 người vào dịp Lễ 30/4 và bồi dưỡng sau khi tập huấn) là hoàn toàn không có.

Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm về vụ án và đề xuất với Hội đồng xét xử:

- Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo viết trong hạn luật định, có nội dung cụ thể đủ cơ sở xem xét theo trình tự phúc thẩm.

- Về nội dung: Từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2016, Nguyễn Thị Y với chức vụ Chủ tịch Hội LHPN huyện A đã chỉ đạo Huỳnh Kim H (Phó Chủ tịch, kiêm kế toán), Nguyễn Thị Minh T (Phó Chủ tịch, kiêm thủ quỹ), Tô Thị Kim X (kế toán) và Mai Thị Thùy L (Thủ quỹ từ tháng 3/2016 đến 8/2016) lập chứng từ rút các nguồn kinh phí được cấp tại Kho bạc Nhà nước huyện A. Sau đó, lập chứng từ quyết toán khống hoặc nâng khống số tiền thực chi thông qua việc: Lập danh sách khống một phần hoặc toàn bộ số người tham dự, số báo cáo viên, tiền bồi dưỡng khi tham dự; mua hóa đơn để chi trả cao hơn hoặc chi khống số tiền thuê hội trường, trang thiết bị phục vụ, … Trong đó, H cùng X lập, ký chứng từ kế toán; T, L rút tiền từ Kho bạc Nhà nước huyện, quản lý, chi tiền, ký thủ quỹ và mua hóa đơn khống nội dung để hợp thức hóa chứng từ. Số tiền được quyết toán khống, Y chỉ đạo sử dụng chi hoạt động khác của đơn vị và chiếm đoạt chia nhau tiêu xài cá nhân. Cụ thể:

Từ ngày 19/10/2015 đến ngày 28/4/2016, Y chỉ đạo cho H, X (kế toán) lập dự toán trình Y ký chủ tài khoản, T, L (thủ quỹ) đến Kho bạc Nhà nước huyện rút 06 nguồn kinh phí được cấp về nhập quỹ đơn vị, với tổng số tiền 280.780.000 đồng. Trong đó, Hội LHPN huyện thực chi 111.533.000 đồng, đồng thời Y chỉ đạo cho H, T, X, L nâng khống chứng từ quyết toán số tiền 169.247.000 đồng. Số tiền quyết toán khống, Y chỉ đạo chi không đúng nguyên tắc 114.247.000 đồng, còn lại 55.000.000 đồng chiếm đoạt chia nhau tiêu xài. Trong đó, Y và H mỗi người 15.000.000 đồng, T 11.000.000 đồng, L 8.000.000 đồng và X 6.000.000 đồng.

- Về hình phạt: Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Y, L cho rằng bị oan vì số tiền các bị cáo chiếm đoạt không thuộc kinh phí do ngân sách nhà nước cấp mà là các nguồn phí ủy thác và vận động xã hội hóa. Tuy nhiên, các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thể hiện giai đoạn từ tháng 9/2015 đến tháng 03/2016 các bị cáo Y, H, T, X chiếm đoạt 02 lần với số tiền 35.000.000 đồng; giai đoạn từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2016 Y, H, L, X chiếm đoạt 02 lần với số tiền 20.000.000 đồng. Trong đó, bị cáo Y là người cầm đầu, chỉ đạo việc kê, nâng khống chứng từ để quyết toán hết các nguồn theo dự toán được cấp, chỉ đạo việc chia tiền. Và các bị cáo H, T, L, X là người thực hiện theo sự phân công của bị cáo Y.

Án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá, áp dụng đầy đủ, đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo, Quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Y 02 năm tù, Nguyễn Thị Minh T 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm; Mai Thị Thùy L 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của hai bị cáo, có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Giai đoạn phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Thị Y, Mai Thị Thùy L kháng cáo kêu oan và xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm; bị cáo Nguyễn Thị Minh T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng các bị cáo không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Xem xét toàn diện vụ án không còn điều kiện giảm nhẹ nào mà cấp sơ thẩm chưa áp dụng. Do đó, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Quan điểm bào chữa của các luật sư:

- Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý: cho rằng chưa đủ căn cứ kết tội các bị cáo (kể cả bị cáo H và bị cáo X). Qua nhiều phiên tòa án sơ thẩm quy buộc các bị cáo chiếm đoạt tiền từ nguồn ngân sách nhà nước và áp dụng Khoản 2 Điều 353 BLHS, phạt bị cáo Y 2 năm tù; phạt bị cáo L 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Bản án chưa bao quát hết các nội dung về những khoản tiền chiếm đoạt nên cần phải xem xét. Cụ thể:

+ Khoản tiền 12 triệu đồng chi bồi dưỡng cho 3 bị cáo Y. H, T mỗi bị cáo 4 triệu (lúc này bị cáo L chưa về Hội). Bị cáo Y xác định chi từ nguồn ủy thác và mạnh thường quân hỗ trợ. Quá trình điều tra xét xử sơ thẩm chưa làm rõ nguồn tiền từ đâu mà có (ai cho bao nhiêu…) mà quy kết bị cáo chiếm đoạt từ ngân sách là không có căn cứ. Mặt khác, thời điểm chi tiền cũng không phù hợp với nguồn quỹ còn tồn. Bị cáo Y cũng không thừa nhận có nhận thêm số tiền 1 triệu.

+ Nguồn kinh phí thường xuyên năm 2016 rút về ngày 28/1/2016 (nhằm 19 tháng chạp âm lịch), bị cáo Y xác định là kinh phí ủy thác nên chia cho mỗi người 7 triệu đồng. Trong đó, 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng từ nguồn kinh phí ủy thác, còn 5 triệu là các khoảng bao gồm công tác phí khoán 1,8 triệu và chi trực Tết 3,2 triệu. Đây là những nguồn được phép chi (nếu có chi sai thì cũng không phạm tội tham ô tài sản) + Án sơ thẩm quy chụp chiếm đoạt lần 3 số tiền 10 triệu đồng từ nguồn kinh phí Họp mặt Nữ tù đày và lần 4 số tiền 10 triệu đồng từ nguồn kinh phí tập huấn. Trong đó, xác định bị cáo T không nhận nên quy buộc bị cáo L là chưa có cơ sở. Hơn nữa, tiền giao không có chữ ký nhưng cơ quan điều tra lại căn cứ vào sổ của L lập khống để quy buộc các bị cáo là không có cơ sở. Đối với kết luận giám định sổ do doanh nghiệp Tiến Phát phát hành ra thị trường từ năm 2014, do đó thời điểm năm 2016 các quyển sổ này là đang lưu hành trên thị trường. Án sơ thẩm quy kết căn cứ vào thời điểm phát hành sổ để buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự là chưa đúng.

+ Đối với bị cáo L, án sơ thẩm quy chụp L nhận số tiền của T nhưng L tại phiên tòa chỉ thừa nhận nhận 500 nghìn từ bị cáo Y. Do đó, đề nghị HĐXX cần thiết bổ sung chứng cứ về chứng từ (nếu có) của Phòng tài chính huyện A năm 2015, 2016. Từ những phân tích trên, luật sư Ý đề nghị HĐXX ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập chứng cứ. Nếu qua nghị án thấy rằng có oan sai thì hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại.

Luật sư Ý bổ sung: Đề nghị HĐXX thu thập chứng từ quyết toán năm 2015 – 2016 để làm sáng tỏ các nguồn chi có quyết toán như thế nào. Đối với khoản tiền Họp mặt Nữ tù đày (theo sổ sách rút vào tháng 02/2016) đã chi thực tế cho sự kiện tổ chức họp mặt. Trong khi L nhận thủ quỹ từ tháng 4/2016, tồn quỹ là 247.000 đồng nên việc chi bồi dưỡng từ nguồn tiền này thực sự không còn. Nếu so sánh thời gian các nguồn tiền được cấp, rút về, chi cho sự kiện và chiếm đoạt có nhiều thời điểm rất khác nhau.

Luật sư Hưng bào chữa cho bị cáo Y và bị cáo L: Thống nhất phần trình bày của Luật sư Ý đã nêu tại phiên tòa phúc thẩm. Đối với bị cáo L vì sao bị án sơ thẩm xử mức hình phạt nhẹ và cho hưởng án treo mà vẫn kháng cáo kêu oan do có uẩn khúc bên trong. Cụ thể: L về nhận nhiệm vụ tại Hội ngày 01/4/2016, Khi bị cáo T thôi làm thủ quỹ thì quỹ tiền mặt chỉ còn 247.000 đồng, tại phiên tòa L xác định không có nhận bàn giao khoản tiền nào khác, trong thời gian từ khi nhận việc đến ngày 27/4/2016 L chưa rút bất kỳ khoản tiền nào dù đó là nguồn ngân sách hay từ nguồn huy động. Do vậy, án sơ thẩm quy kết tại lần thứ ba (ngày 27/4/2016) chi 10.000.000 đồng rõ ràng thiếu căn cứ vì lúc nầy L không còn tiền mặt để chi. Với số tiền lần thứ tư ngày 28/7/2016 chi 10.000.000 đồng từ nguồn Họp mặt Nữ tù đày nhưng trên thực tế theo sổ sách kế toán và tài liệu thì nguồn tiền nầy đã thực chi hết cho hoạt động sự kiện đã diễn ra đã được quyết toán theo sổ sách. Về cuốn sổ, theo nhà sản xuất xác định quyển sổ có niên hạn sản xuất thời gian về sau nầy (khoảng năm 2018 trở về sau) thì không thể nào tại thời điểm bị cáo làm thủ quỹ có được cuốn sổ ấy đây là chi tiết quan trọng đề nghị HĐXX hết sức quan tâm xem xét. Như vậy, án sơ thẩm đã không đánh giá một cách toàn diện, khách quan chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên bị cáo L kháng cáo kêu oan là có căn cứ. Từ đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên các bị cáo Y, L không phạm tội hoặc hủy án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đối với bị cáo Y thời gian làm chủ tịch Hội trong khi kinh phí hoạt động Tờng X còn nhiều khó khăn nhưng để đảm bảo đơn vị hoạt động ổn định, bị cáo đã thực hiện xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và vận dụng Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí (Thông tư 71) cùng với thực hiện các đề án trong đó sử dụng tiền tiết kiệm được từ những nguồn vận động để chi bồi dưỡng cho chị em trong Hội. Trong năm 2015 có một cán bộ Hội nghỉ thai sản nên bị cáo Y vận dụng kinh phí có được từ các nguồn do tiết kiệm được để chi, trong đó có chi bồi dưỡng cho mọi người nên không thể xem đây là hành vi phạm tội. Qua nhiều phiên tòa vẫn không thu thập tài liệu quan trọng xem là chứng cứ đó là Báo cáo quyết toán năm 2016 của Phòng Tài chính Kế hoạch huyện A để biết được nội dung các mục đã chi trong năm cụ thể là bao nhiêu, tiết kiệm được là bao nhiêu, đúng sai như thế nào? Cơ quan điều tra chưa nắm rõ nội dung trong Thông Tư 71, chưa kiểm tra cụ thể các đề án và Báo cáo năm tài chính để xác định các khoản tiết kiệm để chi bồi dưỡng từ nguồn ngân sách. Do đó đề nghị HĐXX cho dừng phiên tòa để yêu cầu Phòng Tài chính cung cấp văn bản duyệt quyết toán và đề nghị tiến hành kiểm toán để có quyết định chính xác.

- Luật sư Nguyễn Văn Tiến bào chữa cho bị cáo Y và bị cáo L trình bày: giữa kết luận điều tra, cáo trạng và án sơ thẩm, xác định các con số hoàn toàn không giống nhau. Sau khi cộng trừ đối chiếu lại thì kết quả quy kết các bị cáo chiếm đoạt 55 triệu đồng là không phù hợp.

+ Các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ sót việc chứng minh các nguồn tiền có được là từ đâu, cụ thể bao nhiêu. Tại phiên tòa phúc thẩm, T xác định có tài liệu sao chụp từ điện thoại nhưng T không cung cấp cho Cơ quan điều tra cho thấy việc điều tra là chưa đầy đủ. Lần nhận tiền thứ ba tổng số 10 triệu đồng và lần nhận tiền thứ tư 10 triệu đồng tại thời điểm chi tiền theo sổ quỹ do L cung cấp thì không còn tiền mặt để chi. Tại phiên tòa phúc thẩm lần trước, bị cáo Y yêu cầu làm rõ việc T nhiều lần cạy tủ nhưng vẫn chưa được làm rõ vấn đề này. Xét thấy vụ án còn nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra, bản án sơ thẩm thiếu sức thuyết phục, buộc tội thiếu căn cứ nên đề nghị HĐXX áp dụng 3 Điều 358 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Trong phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát khẳng định vẫn quy kết các bị cáo chiếm đoạt tiền ngân sách 55.000.000 đồng từ 6 nguồn được nêu trong Bản án sơ thẩm. Đại diện Viện kiểm sát dẫn chứng sổ sách thu chi của T, L; lời khai các bị cáo giai đoạn điều tra; Kết luận giám định số 551, 232 ngày 30/8/2018 và ngày 07/5/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh A xác định chữ ký nhận tiền của Y; nội dung cuộc ghi âm nói chuyện giữa các bị cáo L với T; lời khai các bị cáo tại phiên tòa; phân tích quy định Thông tư liên tịch số 71 về tự chủ các khoản chi tiết kiệm được; Hướng dẫn số 18 ngày 25/7/2013 của Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh A hướng dẫn về Xây dựng, quản lý và sử dụng quỹ hội tại cơ sở nguồn tiền tiết kiệm được, muốn sử dụng thì phải có sự thống nhất với tổ chức công đoàn cơ sở bằng văn bản thì mới được chi và được quyết toán theo quy định. Đối với quyển sổ theo dõi thu chi của bị cáo L giao nộp lần thứ hai, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh A đã tiến hành xác minh tại nơi sản xuất là Công ty TNHH SX TMDV Tiến Phát, xác định: quyển sổ có niên hạn sản xuất thời gian về sau này (khoảng năm 2018 trở về sau), đây là kết quả xác minh đối với quyển sổ thứ hai L viết lại giao nộp cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh A nhưng luật sư Ý đưa ra nội dung này để phủ định đối với quyển sổ thứ nhất L giao nộp là không có cơ sở. Về việc thu thập Báo cáo quyết toán tài chính năm 2015 và năm 2016 của Phòng Tài chính huyện và yêu cầu kiểm toán là không cần thiết, vì khi kiểm tra từng nội dung chi, Đoàn kiểm tra do Ủy ban kiểm tra Huyện ủy thành lập (về sau là Cơ quan điều tra) xác định các nguồn tiền rút về từ Kho bạc đã được các bị cáo quyết toán xong hoàn toàn. Như vậy, án sơ thẩm có đủ căn cứ quy kết các bị cáo đồng phạm tội “Tham ô tài sản” với tình tiết “có tổ chức” và “phạm tội 02 lần trở lên”.

Các bị cáo nói lời nói sau cùng:

- Bị cáo Y thừa nhận sai sót trong quản lý có chỉ đạo nâng khống chứng từ để quyết toán các nguồn kinh phí, không thừa nhận phạm tội tham ô.

- Bị cáo T thừa nhận nhận tiền là sai trái. Khi đó bị cáo chưa nhận thức được hành vi vi phạm. Sau khi Ủy ban kiểm tra huyện ủy yêu cầu nộp khắc phục hậu quả, bị cáo đã chấp hành nộp lại tất cả. Vai trò của bị cáo chấp hành quyết định của cấp trên. Mong Hội đồng xét xử xem xét việc bị cáo đã có đấu tranh, cung cấp tài liệu cho Cơ quan điều tra nên đề nghị HĐXX giảm mức hình phạt và tuyên bị cáo không phạm tội tham ô.

- Bị cáo L thừa nhận việc tham gia nâng khống chứng từ là sai trái, bị cáo không tham ô, không chiếm dụng tiền cho bản thân. Bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan do không nhận bất kì khoản tiền nào.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau;

[1] Về tố tụng:

- Đơn kháng cáo của các bị cáo nộp trong thời hạn và đúng thủ tục theo quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Minh T và Mai Thị Thùy L vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Điều tra viên và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo và Luật sư không khiếu nại.

- Về việc áp dụng pháp luật: Án sơ thẩm căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội áp dụng Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) để truy tố, xét xử đối với các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng chính sách pháp luật hình sự theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

- Về việc vắng mặt đương sự: Các bị cáo Huỳnh Kim H, Tô Thị Kim X không kháng cáo; những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Hoàng Võ và những người khác có đơn xin vắng, thống nhất quyết định của bản án sơ thẩm đồng thời giữ nguyên lời trong giai đoạn điều tra, xét xử sơ thẩm. Xét thấy, sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng này không gây trở ngại cho việc xét xử, nên tiến hành xét xử vắng mặt họ là phù hợp quy định các Điều 292, 293 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2] Về nội dung vụ án:

Giai đoạn từ tháng 9/2015 – 3/2016, T là Phó chủ tịch Hội kiêm nhiệm vụ thủ quỹ và H là kế toán. Đến tháng 4/2016, X sau khi nghỉ thai sản trở lại làm việc giữ nhiệm vụ kế toán thì lúc nầy L được phân công làm thủ quỹ. Giai đoạn T làm thủ quỹ, Hội LHPN có 4 thành viên gồm Y, H, T, X. Thời gian này, T rút và nhập quỹ các nguồn kinh phí như: Tổ chức Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội LHPN VN 20/10; kinh phí tập huấn Hội cơ sở năm 2015; kinh phí hoạt động thường xuyên tháng 1/2016; kinh phí tổ chức Họp mặt Nữ tù đày kháng chiến qua các thời kỳ; kinh phí tổ chức Họp mặt kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3/2016. Các khoản này được Ủy ban nhân dân Huyện A cấp theo dự toán, kế hoạch của Hội LHPN huyện. Các nguồn tiền này xác định là ngân sách, sau khi rút tiền mặt từ Kho bạc Nhà nước huyện về, Y chỉ đạo kế toán, thủ quỹ nâng khống chứng từ để quyết toán đã chi hết toàn bộ các khoản tiền rút. Trong thời gian này, theo sự chỉ đạo của Y, vào ngày 9/11/2015 và ngày 10/11/2015 các bị cáo Y, H, T đã lấy 12.000.000 đồng (lần thứ nhất) chia nhau mỗi người 4.000.000 đồng. Đến ngày 28/1/2016, các bị cáo Y, H, T, X đã lấy 23.000.000 đồng (lần thứ hai). Trong đó, Y, H, T mỗi người 7.000.000 đồng và X 2.000.000 đồng. Căn cứ vào lời khai trong quá trình điều tra của các bị cáo; căn cứ vào sổ thu chi tiền mặt của T; các phiếu thu (giấy rút hạn mức kinh phí, hồ sơ quyết toán, tài liệu, chứng từ nâng khống đã được chứng minh trong quá trình điều tra); căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ 2015-2016 của Hội LHPN huyện; Kết luận giám định số 19/KLGĐ-PC09 ngày 13/4/2020 và các chứng cứ khác tại phiên tòa có đủ cơ sở xác định nguồn quỹ do T giữ là kinh phí được cấp, còn nguồn quỹ do H giữ là phí ủy thác của ngân hàng và các khoản vận động. Như vậy, có đầy đủ căn cứ xác định khỏan tiền T chi bồi dưỡng theo chỉ đạo của Y có được từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tại phiên tòa, bào chữa của các luật sư cho rằng chi bồi dưỡng từ nguồn vận động tiết kiệm được theo Thông tư 71 là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ, những khoản tiền T (giai đoạn tháng 9/2015 đến tháng 3/2016) làm thủ quỹ là tiền ngân sách nhà nước, rút từ Kho bạc về, sau khi nâng khống quyết toán hết nguồn kinh phí được cấp, trở thành nguồn tiền dôi ra và được theo dõi riêng (không báo cáo ngành dọc, cơ quan quản lý ngân sách địa phương, không thỏa thuận với công đoàn của đơn vị). Mặt khác, khi tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm, UB kiểm tra huyện ủy đã thành lập đoàn kiểm tra gồm Thanh tra nhà nước, Phòng Tài chính và các chuyên viên am hiểu lĩnh vực tài chính…đã loại trừ các nguồn do Hội vận động và phí ủy thác (nguồn nầy được phép chi bồi dưỡng và không phải đưa vào quyết toán) nên các bị cáo có trách nhiệm lý giải các nguồn chi là tiền từ ngân sách. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Y cho rằng tiền T đưa 2 lần nói trên là công tác phí, bồi dưỡng trực tết, làm thêm giờ là không có căn cứ.

Giai đoạn L làm thủ quỹ từ tháng 4/2016 – tháng 8/2016, Hội LHPN có 5 người, L rút kinh phí từ các nguồn Tập huấn hội cơ sở năm 2016; Đề án 704 Tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội Hội LHPN huyện lần 6; Đề án 343 và L nhận kinh phí tổ chức hợp mặt nữ tù đày kháng chiến qua các thời kỳ sau khi quyết toán còn thừa là 30.000.000 đồng. Theo sự chỉ đạo của Y, L lấy 10.000.000 đồng (lần thứ ba) từ nguồn Tổ chức họp mặt nữ tù đày kháng chiến chi bồi dưỡng dịp 30/4 cho 5 người, mỗi người 2.000.000 đồng. Sau đó, với cách thức như trên lấy từ nguồn tập huấn hội cơ sở 2016 số tiền 10.000.000 đồng (lần thứ tư) chi bồi dưỡng cho 5 người, mỗi người 2.000.000 đồng. Nguồn tiền L giữ và chi bồi dưỡng đều từ ngân sách Nhà nước.

Như vậy, thời gian từ tháng 9/2015 – 8/2016, theo sự chỉ đạo của Y với sự giúp sức của các bị cáo T, H, L và X đã sử dụng kinh phí được cấp chi bồi dưỡng không đúng quy định với tổng số tiền là 55.000.000 đồng, trong đó, bị cáo Y hưởng là 15.000.000 đồng; bị cáo T 11.000.000 đồng; bị cáo H 15.000.000 đồng; bị cáo L là 8.000.000 đồng; bị cáo X là 6.000.000 đồng.

[3] Về tội danh: Việc nâng khống chứng từ quyết toán các nguồn kinh phí được cấp, sau đó tự ý chi bồi dưỡng trái nguyên tắc cho nội bộ có sự tham gia từ khâu lập dự toán, kê chứng từ khống, mua hóa đơn và sự thể hiện chữ ký đầy đủ các chức danh trên chứng từ tại vị trí kế toán, thủ quỹ đơn vị của các bị cáo T, H, L, X đều do bị cáo Y chỉ đạo và ký tên thủ trưởng đơn vị nên án sơ thẩm xác định vụ án đồng phạm có tổ chức tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn có căn cứ.

Cả 4 lần chiếm đoạt, mỗi bị cáo đều được chia số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, trong đó, bị cáo Y được chia 4 lần, bị cáo T được chia 2 lần, bị cáo H được chia 4 lần, bị cáo L được chia 2 lần, bị cáo X được chia 2 lần. Án sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS với tình tiết tăng nặng, “Phạm tội 02 lần trở lên” là có căn cứ.

Quá trình điều tra xét xử sơ thẩm, bị cáo T khai không nhận lần thứ 3 và lần thứ 4 (mỗi lần 2.000.000 đồng), do T không nhận nên L còn giữ, án sơ thẩm không quy kết L chiếm đoạt số tiền này và buộc L giao nộp lại ngân sách là phù hợp. Song hành vi phạm tội của L thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm có tổ chức và phạm tội hai lần trở lên.

Tại phiên tòa phúc thẩm các luật sư bào chữa cho bị cáo Y, L nêu nhiều nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét như: Các bị cáo được phép chi từ nguồn tiết kiệm theo Thông tư 71; ngày chi tiền theo số sách do bị cáo L cung cấp thì quỹ không còn tiền mặt; Các khoản tiền chi không phải từ nguồn Ngân sách Nhà nước; Cơ quan điều tra chưa thu thập báo cáo tài chính năm 2015 – 2016… Hội đồng xét xử có xem xét những nội dung các luật sư và bị cáo nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm và nhận thấy các chứng cứ tài liệu đã được Cơ quan điều tra thu thập đầy đủ; lời khai của các bị cáo trong giai đoạn điều tra phù hợp với nhau, phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án cũng như qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm nhận thấy án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội có tổ chức và phạm tội 02 lần trở lên là hoàn toàn có căn cứ. Kháng cáo kêu oan của các bị cáo Y, L không có sơ sở chấp nhận.

[4] Về hình phạt: Án sơ thẩm đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, có xem xét đầy đủ tình tiết giảm nhẹ và nhân thân. Xác định bị cáo Y giữ vai trò chủ mưu, xem xét bị cáo Y có 3 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS phạt bị cáo 2 năm tù là mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt liền kề. Đối với các bị cáo T, H, L và X án sơ thẩm vận dụng các quy định pháp luật xác định các bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xử các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo là đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội và có căn cứ. Ngoài hình phạt chính, án sơ thẩm áp dụng hình phạt bổ sung cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 2 năm là cần thiết và thỏa đáng.

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Y, L kháng cáo kêu oan cho rằng không chiếm đoạt, không phạm tội “Tham ô tài sản” nhưng qua tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và qua tranh luận, đối đáp giữa người bào chữa, các bị cáo với Kiểm sát viên. Đặc biệt, HĐXX quan tâm xem xét luận cứ bào chữa của các vị Luật sư nhưng không tình tiết nào chứng minh việc các bị cáo bị án sơ thẩm xử phạt oan ức. Đối với bị cáo T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không cung cấp tình tiết giảm nhẹ nào mới nên cấp phúc thẩm không có căn cứ xem xét.

[5] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với ý kiến, quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Y, L. Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo T

[6] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Minh T, Mai Thị Thùy L phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Tờng vụ Quốc hội.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ Luật tố tụng hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Minh T, Mai Thị Thùy L. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2021/HSST ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện A.

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Minh T và Mai Thị Thùy L đồng phạm tội “Tham ô tài sản”.

2. Về hình phạt chính:

2.1 Căn cứ các điểm a, c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 38, 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Y 02 (hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành bản án.

2.2 Căn cứ các điểm a, c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Minh T 01 (một) năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án.

2.3 Căn cứ các điểm a, c khoản 2 Điều 353, điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điều 17, 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Xử phạt bị cáo Mai Thị Thùy L 01 (một) năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Nguyễn Thị Minh T cho Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trường; bị cáo Mai Thị Thùy L cho Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc, huyện A, tỉnh A giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về hình phạt bổ sung:

Cấm bị cáo Nguyễn Thị Y đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Cấm các bị cáo Nguyễn Thị Minh T, Mai Thị Thùy L đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 01 (một) năm kể từ khi án có hiệu lực pháp luật.

[4] Án phí hình sự phúc thẩm: các bị cáo Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Minh T và Mai Thị Thùy L mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng.

[5] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2021/HSST ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện A không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 08 tháng 11 năm 2021)

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

440
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 61/2021/HS-PT ngày 08/11/2021 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:61/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về