Bản án 609/2017/HS-PT ngày 26/12/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 609/2017/HS-PT NGÀY 26/12/2017 VỀ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 354/2017/HSPT-TL ngày 17 tháng 7 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Hoài Ph do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2017/HSST ngày 24/05/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Bị cáo bị kháng nghị:

Nguyễn Hoài Ph, sinh năm 1992 tại tỉnh Quảng Nam; Hộ khẩu thường trú: đường M, khu phố B, phường T A, Quận Ch, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nhân viên; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông Nguyễn Đình Kh, sinh năm 1964 và bà Trần Thị Thanh V, sinh năm 1973; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo đang bị tạm giam trong vụ án khác; (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương và nội dung bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2014, ông Lê Phan Trọng H là chồng của bà Vũ Thị Phương Th  có vay của ông Bùi Nhựt Th1 số tiền 175.000.000 (một trăm bảy mươi lăm triệu) đồng, do đó Th và Nguyễn Hoài Ph (là người làm công cho Th) nhiều lần gặp Th1 để trả tiền lãi cho số tiền mà ông H đã vay. Thông qua ông Th1, Th quen biết với Dương Văn Q (là bạn của Th1) và Lê Võ Xuân Th2 (là vợ của Th1).

Ngày 25/02/2014, Th thuê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn BAT do ông Nguyễn Đức Q1 làm giám đốc 01 xe ô tô Toyota hiệu Camry 2.4G sản xuất năm 2008, biển số 51A-081.57, số máy 2AZ-E085126, số khung PL4BE42K186002933 do ông Trần Văn Đ có địa chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên đăng ký sở hữu với giá là 24.000.000 (hai mươi bốn triệu) đồng/tháng. Do không có tiền nên Th vay của Q 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng để trả tiền thuê xe một tháng, tiền đặt cọc 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng, số tiền còn lại Th giữ tiêu xài. Cùng ngày 25/02/2014, Th gọi Q đến nhà giao xe ô tô cho Q với mục đích để Q làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô và giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Đ nhằm cầm cố lấy tiền trả nợ cho vợ chồng ông Th1.

Ngày 26/02/2014, Q gọi điện cho Th thông báo cho Th biết đã làm xong giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô và giấy chứng minh nhân dân, đồng thời nói Th tìm người để cầm cố xe. Th nhờ Nguyễn Hoài Ph tìm giúp chỗ để cầm cố xe ô tô. Ph biết Th thuê xe ô tô của người khác và làm giả giấy tờ xe mang đi cầm nhưng vẫn đồng ý giúp Th.

Ph có quen biết với bà Trần Thị L nên gọi điện nói bà L tìm người để cầm cố xe ô tô của một người anh với giá 600.000.000 (sáu trăm triệu) đồng và hứa sẽ cho bà L số tiền 10.000.000 (mười triệu) đồng.

Bà L có quen biết với Nguyễn Đình Q2 nên gọi điện nhờ Q2 tìm người cầm cố xe ô tô cho Ph, Q2 đồng ý và hẹn ngày 27/02/2014 sẽ dẫn người đến xem xe ô tô.

Khoảng 07 giờ 30 phút, ngày 27/02/2014, bà L gọi điện thoại cho Ph nói có người đến xem xe, Ph nói lại cho Th biết, Th gọi điện thoại báo cho Q biết, đồng thời yêu cầu Q mang xe đến quán cà phê ở khu dân cư NL thuộc phường PL B, Quận Ch, Thành phố Hồ Chí Minh để cho người nhận cầm cố xem xe.

Khoảng 08 giờ cùng ngày, Th nói Ph dẫn người nhận cầm xe đến quán cà phê ở khu dân cư NL gặp Q để xem xe. Ph đồng ý và gọi điện thoại hẹn bà L đến để xem xe. Khi đến quán cà phê, Ph gặp Q, Th2 và một người đóng giả chủ xe, xe ô tô để ở trước quán. Tại đây, Ph nói với Q có người đến xem xe để nhận cầm cố, Q đưa cho người đóng giả chủ xe bộ giấy tờ giả có dán ảnh của người này, sau đó Q và Th2 bỏ đi.

Đến khoảng 08 giờ 30 phút cùng ngày, L và Q2 dẫn hai người bạn của Q2 (không rõ lai lịch) đến gặp Ph để xem xe nhưng không thỏa thuận được do người đóng giả chủ xe không đồng ý đi công chứng hợp đồng cầm cố với lý do không có sổ hộ khẩu. Q2 và hai người bạn của Q2 bỏ về, L nói Ph và người đóng giả chủ xe chờ để bà L giới thiệu người khác nhận cầm cố xe. Q2 quen biết với Phạm Kim L1 nên gọi điện thoại cho L1 nhờ L1 tìm người cầm cố xe cho Ph. L1 đồng ý và điện thoại cho một người tên U (không rõ lai lịch) hỏi U có cầm cố xe ô tô hay không, U nói có cầm cố xe ô tô và yêu cầu xem xe. L1 điện thoại thông báo cho Q2 biết có người nhận cầm xe và yêu cầu được xem xe. Q2 điện thoại cho Ph hẹn gặp tại quán cà phê để xem xe, Ph đồng ý. L1 đến tiệm sửa xe của Q2 chở Q2 đến gặp U và người đi chung với U tên Th3 (không rõ lai lịch), tất cả đến gặp Ph và người đóng giả chủ xe. Tại đây, người đóng giả chủ xe đưa giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô cho Th3 và U xem, sau khi xem xong giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô trên, Th3 và U phát hiện giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô trên là giả nên không đồng ý nhận cầm cố. Th3, U, L1 và Q2 đi về, trên đường về Th3 nói cho L1 và Q2 biết giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô trên là giả.

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, U gọi điện thoại cho L1 nói có chỗ cầm xe được nhưng phải cho U tiền hoa hồng là 10%. L1 điện thoại nói cho Q2 biết đồng thời dẫn U và Th3 đến nhà của Q2. Tại đây, Q2 gọi điện thoại cho Ph để cho Th3 thỏa thuận giá cầm cố xe là 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng, nếu cầm được tiền nhiều hơn thì bên Th3, U, Q2 và L1 hưởng, bên Ph không chịu chi phí gì. Ph gọi điện thoại hỏi ý kiến của Th và Q, Th và Q đồng ý.

Đến khoảng 18 giờ 10 phút cùng ngày, Th3, U và Q2 hẹn gặp Ph và người đóng giả chủ xe, tất cả đi đến một tiệm cầm đồ (không rõ tên) thuộc quận Th, Thành phố phố Hồ Chí Minh cầm cố xe nhưng không được do người đóng giả chủ xe nói không có sổ hộ khẩu. Q2, Th3 và U đi về.

Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, Ph, Q và người đóng giả chủ xe điều khiển xe ô tô tìm nhà của người tên H1 (không rõ lai lịch) thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do bà L giới thiệu để cầm cố xe nhưng quay về do trời tối H1 không đồng ý xem xe.

Ngày 28/02/2014, U gọi điện thoại nói Q2 gọi Ph mang xe ô tô để U dẫn đi cầm cố, Q2 gọi điện thoại nói cho Ph biết. Sau đó, Ph nói cho Th biết, Th nói Ph đến đầu đường Đặng Văn Bi thuộc quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh chờ Q ra đón, Th gọi điện thoại cho Q yêu cầu mang xe ô tô đến chở Ph. Q cùng người đóng giả chủ xe điều khiển xe ô tô đến điểm hẹn chở Ph đến gặp U và Th3 như đã hẹn trước đó.

Cùng thời điểm này tại quán cà phê SGX thuộc quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh, L1 gặp U thì được U nói cho biết đã gọi điện thoại nói Q2 yêu cầu Ph mang xe ô tô đến để U dẫn đi cầm cố nhưng Ph chưa mang xe đến, nghe vậy L1 gọi điện thoại cho Q2 để hỏi thì Q2 nói Ph đang trên đường đi, L1 nói lại cho U biết, do bận công việc nên L1 nói với U liên lạc với Q2 để đi cầm cố xe, còn tiền hoa hồng thì để L1 tính với Q2.

Tại khu vực ngã tư đường L2 thuộc quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh, Ph và Q cùng người đóng giả chủ xe gặp U và Th3, U dẫn người đóng giả chủ xe điều khiển xe ô tô chở Ph đến tiệm cầm đồ của ông Phạm Văn T để cầm cố xe. Khi gặp ông T, người đóng giả chủ xe đưa giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô cùng giấy chứng minh nhân dân cho ông T. Ông T xem và đồng ý nhận cầm cố xe với giá 600.000.000 (sáu trăm triệu) đồng, Ph nhận tiền rồi đưa cho U 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng và Q2 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng, số tiền 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng còn lại Ph về đưa cho Th. Khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, Q2 hẹn gặp L1 và chia cho L1 số tiền 3.000.000 (ba triệu) đồng.

Cùng ngày 28/02/2014, ông T nghi ngờ giấy đăng ký ô tô là giả nên làm đơn tố cáo hành vi của Ph và những người khác.

Tại Kết luận giám định số 221/GĐ-PC54 ngày 06/3/2015 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương xác định: Hình dấu tròn có nội dung: “*C.H.X.H.C.N VIỆT NAM * CÔNG AN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH” và chữ ký mang tên “Nguyễn Hoàng D”, trên 01 (một) giấy “Chứng nhận đăng ký xe ô tô”, số 000091 đề ngày 29/3/2011 là giả, được làm bằng phương pháp in phun màu điện tử.

Với hành vi nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2017/HSST ngày 24/5/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Áp dụng khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 267 của Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố Nguyễn Hoài Ph không phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Việc giải quyết khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo  được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 31/5/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tỉnh Bình Dương có Quyết định kháng nghị số 01 đề nghị xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài Ph phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm theo hướng tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài Ph phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự và đề nghị xử phạt bị cáo Ph từ 06 tháng đến 09 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Hoài Ph trình bày tại phiên tòa phúc thẩm: Bị cáo không tham gia bàn bạc và làm tài liệu giả là chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Đ. Bị cáo chỉ biết được khi tài liệu giả đã làm xong và nhận giấy tờ xe đi cầm.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét toàn diện, đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án cho thấy: Do không có tiền trả nợ nên Vũ Thị Phương Th đã thuê xe ô tô hiệu Camry biển số 51A-081.57 của Công ty TNHH BAT và nhờ Dương Văn Q làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Đ để cầm cố, kiếm tiền trả nợ. Sau khi làm giả giấy tờ xong, Th nhờ Nguyễn Hoài Ph tìm giúp người để tìm xe. Ph đồng ý và cùng với các bị cáo khác như Nguyễn Đình Q2, Phạm Kim L1 liên hệ với nhiều người để cầm cố xe. Đến ngày 28/4/2014, các bị cáo đã mang xe cùng giấy tờ giả cầm cho ông Phạm Văn T lấy 600.000.000 đồng đem về đưa cho Th. Bị cáo Nguyễn Hoài Ph bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố về 02 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử và tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài Ph phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và không phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương kháng nghị cho rằng không xét xử bị cáo Nguyễn Hoài Ph về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là bỏ lọt tội phạm.

[2] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, Hội đồng xét xử thấy: Lời khai của Vũ Thị Phương Th tại các bút lục 105 đến 117, 386-387 và 447-448 xác định dựa trên gợi ý và giới thiệu của vợ chồng Bùi Nhựt Th1 và Lê Võ Xuân Th2, Vũ Thị Phương Th đã liên hệ với Dương Văn Q (tên gọi khác là Quan) làm giấy tờ xe ôtô giả để Th thuê xe và đem đi cầm cố lấy tiền trả nợ. Sau đó, Th liên hệ với Ph để nhờ Ph tìm người nhận cầm cố. Tại bản tự khai ngày 18/2/2015 (BL449-450), Th cũng khẳng định “Th1 đã đề nghị vấn đề thuê xe đi cầm, hình thức là làm giấy tờ giả để đi cầm”, sau đó “Th1 chở 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ tự giới thiệu là bạn của Th1, người đàn ông xưng tên Q và người phụ nữ nói tên là M… Hai người đó đã làm rất nhiều trường hợp chỉ thuê xe giúp người ta, và làm giấy tờ để chỉ chỗ đi cầm, trả nợ giải vây… Đó là những gì mà Q + Th2 + Th1 và tôi đã gặp tại nhà tôi”. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 09/6/2016 và 19/5/2017, Th cũng xác định Ph không tham gia bàn bạc việc làm giấy tờ giả, Ph chỉ biết giấy tờ là giả khi được Q2 thông báo. Trong khi đó, lời khai của Bùi Nhựt Th1 từ bút lục 130 đến 139 đều khẳng định có gặp Ph thông qua Th nhưng không có việc bàn bạc làm giả giấy tờ, Th1 chỉ giới thiệu cho Th gặp Q để vay tiền. Tại biên bản đối chất ngày 24/7/2015 (BL766-769) giữa Bùi Nhựt Th1 và Nguyễn Hoài Ph, Ph xác định có mặt lúc Th bàn bạc với Th1 nhưng bị cáo chỉ nghe chứ không tham gia bàn bạc, Th1 lại phủ nhận việc có gặp Th để bàn về việc làm giấy tờ giả. Tại biên bản đối chất ngày 24/7/2015 giữa Vũ Thị Phương Th và Bùi Nhựt Th1 (BL770-775), Th xác định có đi cùng Ph đến gặp Th1 03 lần, trong đó có lần Th1 giới thiệu Th với Th2 và Q để làm giấy tờ giả, Th1 lại xác định có gặp 4 lần nhưng Th1 không hề bàn bạc gì với Th về việc làm giấy tờ giả. Cả Th và Th1 đều xác định những lần gặp mặt đều có mặt Ph, Ph có nghe về sự việc nhưng không hề tham gia vào việc bàn bạc làm giấy tờ giả. Lời khai của Nguyễn Hoài Ph tại các bút lục từ 154 đến 163, 451 đến 454 và tại hai phiên tòa sơ thẩm bị cáo Ph có lúc xác định biết việc Th làm giấy tờ giả trước khi nhận xe, có lúc khai biết sau khi đã đem xe đi cầm và được Q2 báo cho biết là giấy tờ giả. Tuy nhiên, các lời khai đều thể hiện bị cáo không hề tham gia bàn bạc việc làm giấy tờ giả, bị cáo là người làm công cho Th và chở Th đi gặp Th1, Th2 và Q, có lúc nghe về việc làm giấy tờ giả nhưng bị cáo không hề tham gia bàn bạc. Sau khi Th làm giấy tờ giả xong thì nhờ bị cáo đem đi cầm xe, bị cáo liên hệ với bà L và các đối tượng khác đem xe đi cầm cố giùm cho Th.

Như vậy, lời khai của các bị cáo có sự thống nhất xác định Ph không tham gia bàn bạc về việc làm giấy tờ giả. Hành vi làm giấy tờ giả của Th, Th1 và Q đã hoàn thành. Sau khi hành vi này hoàn thành, Th mới nhờ Ph tìm người để cầm xe. Ph biết giấy tờ xe là giả nhưng vẫn tìm người cầm giúp Th. Hành vi của Ph là sử dụng giấy tờ giả để tạo lòng tin từ người bị hại, sử dụng công cụ là giấy tờ giả đã được Th làm trước đó để thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi của Ph phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, và bị cáo đã bị xét xử theo Bản án sơ thẩm số 34/2016/HSST ngày 16/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương và Bản án phúc thẩm số 24/2017/HS-PT ngày 19/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài Ph không phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ; kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là không có căn cứ chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-KSĐT-P1 ngày 31/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 34/2016/HSST ngày 16/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Áp dụng khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 267 của Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài Ph không phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Việc giải quyết khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

888
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 609/2017/HS-PT ngày 26/12/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:609/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về