TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 60/2020/HS-PT NGÀY 20/02/2020 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 20 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 435/2019/TLPT-HS ngày 27/12/2019 đối với các bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 38/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Hà Văn Q, sinh năm 1994, tại huyện A, tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn C, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn T1 và bà Hà Thị C1; tiền sự: Không, tiền án: Có 01 tiền án:
Tại bản án số 33/2015/HSPT ngày 05/02/2015 bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 03 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 07/8/2017 chấp hành xong hình phạt tù. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/8/2019. Hiện đang tạm giam - Có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Trần Văn T, sinh năm 1995, tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Sinh viên; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Thiên Chúa giáo; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn T2 và bà Trần Thị M; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/8/2019. Hiện đang tạm giam - Có mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra, trong vụ án còn có các bị cáo Hà Mạnh T3 và Trần Thanh U không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.
- Người bào chữa cho bị cáo Hà Văn Q: Ông Nguyễn Hữu H - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đ; địa chỉ: Đường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.
- Bị hại:
1. Ông Nguyễn Ngọc S; trú tại: Thôn G, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.
2. Ông Bùi M1; trú tại: Buôn V, thị trấn K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Văn T2, sinh năm 1968; trú tại: Thôn D, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.
- Người làm chứng:
1. Ông Hà Văn T4; trú tại: Thôn R, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.
2. Ông Nghiêm Xuân K1; trú tại: Thôn Y, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 17 giờ 45 phút ngày 10 tháng 11 năm 2018, sau khi cùng nhau uống rượu tại thị trấn P, huyện K xong, Trần Văn T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47M8-1219 (xe của bố Trần Văn T) chở Hà Mạnh T3 cùng Trần Thanh U và Hà Văn Q đi về nhà ở xã E, huyện K. Trên đường đi, do xe bị ngã nên Hà Mạnh T3 nhờ xe người đi đường rồi về trước, còn Trần Văn T, Trần Thanh U và Hà Văn Q đi về sau. Khi đến ngã tư O thuộc thôn C, xã E, huyện K, Hà Mạnh T3 cởi trần, lấy một bàn gỗ của người dân để ở bên đường ra đặt giữa đường và cầm một cán xẻng bằng gỗ dài khoảng 1m la hét và đứng ở giữa đường chặn xe ôtô qua lại. Một lúc sau, Trần Văn T, Trần Thanh U và Hà Văn Q cũng vừa đến. Thấy vậy, U, T đến kéo bàn và T3 vào nhưng không được, nên cũng đứng ở giữa đường với T3. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, anh Bùi M1 điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 47C- 140.50 đi từ hướng xã E về thị trấn P thì bị T3 chặn xe lại. T3 dùng gậy gỗ gõ cửa xe bên tài, tài xế anh Bùi M1 hạ cửa xuống thì T3 nói “Tụi tao nhậu hết tiền rồi, cho tiền tụi tao nhậu”, nói xong T3 đi ra trước đầu xe đồng thời nói với T “Mày làm luật đi”, có nghĩa là “Xin tiền đểu của các tài xế đi”, T nghe T3 nói vậy thì nói với U “Mày dẻo miệng thì ra xin tiền đi”. Nghe vậy, U đi lại chỗ cửa tài xế nói với anh M1 “Anh ơi cho em xin mấy đồng uống nước”. Anh M1 nhìn T3 chặn xe, một tay cầm gậy gỗ, người cởi trần xăm trổ, có T, U và Q đứng xung quanh, sợ bị đánh và đập phá xe ô tô nên anh M1 đưa cho U 01 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Sau khi lấy tiền từ anh M1 xong, U nói T3 tránh đường cho xe đi, thì T3 đứng vào lề đường cho xe qua. Một lúc sau, xe ô tô biển kiểm soát 70C-098.49 do anh Nguyễn Ngọc S điều khiển từ hướng thị trấn P về xã E, T3 tiếp tục chặn xe, U đi lại xin tiền, anh S sợ nên đưa 100.000 đồng cho U, nhận tiền xong thì U nói T3 cho xe qua, rồi U đi lại chỗ T3, T và Q đang đứng thì Q hỏi “Có xin được tiền không?”, U nói cho cả ba người biết “Xin được hai xe, mỗi xe được một trăm ngàn đồng”. Sau đó, T3, T, U và Q đi xe mô tô lên đoạn trước cổng trường trung học phổ thông Nguyễn Thái B1, T3 vào tiệm cắt tóc gần đó để cắt tóc, còn U, T và Q đứng ở ngoài đường thì thấy một xe ô tô đi từ hướng xã F đến, U ra chặn xe lại để tiếp tục xin tiền nhưng nhận ra tài xế là người quen nên cho đi qua. Đứng một lúc rồi T, U, Q rủ nhau đi xe mô tô lên khu vực chợ E để chặn xe xin tiền. Đến nơi, cả ba dừng xe bên đường, chặn hai xe ô tô nữa để xin tiền nhưng cũng gặp người quen nên U cho đi qua. Sau đó, cả ba quay lại khu vực ngã tư O thì gặp T3 vừa ở tiệm cắt tóc ra, lúc này Công an huyện Ea Kar nhận được tin báo đã có mặt và đưa U, T3 về trụ sở Công an xã E làm việc, còn T và Q bỏ về nhà. Quá trình triệu tập làm việc tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, T, U và Q đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình; riêng T3 cho rằng mình chặn xe để tìm người tên H1 để đánh, không biết việc T, U và Q xin tiền các tài xế. Vật chứng thu giữ gồm: 01 gậy gỗ hình trụ dài 146cm, đường kính 4cm; số tiền 200.000 đồng do Trần Thanh U giao nộp; 01 xe máy biển kiểm soát 47M8- 1219 Cơ quan điều tra đã trả lại cho ông Trần Văn T2 là chủ sở hữu hợp pháp.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 38/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Hà Mạnh T3, Trần Thanh U, Hà Văn Q và Trần Văn T phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Áp dụng khoản 2 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g, h khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự. Xử phạt Hà Văn Q 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 21/8/2019.
Áp dụng khoản 2 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự. Xử phạt Trần Văn T 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 21/8/2019.
Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Toà án. Buộc các bị cáo Hà Mạnh T3, Trần Văn T, Trần Thanh U mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về xử lý vật chứng và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 20/11/2019, bị cáo Trần Văn T có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 22/11/2019, bị cáo Hà Văn Q có đơn kháng cáo bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng bản án sơ thẩm xét xử bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại điểm đ khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự và tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là không đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trần Văn T và Hà Văn Q đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hậu quả gây ra đối với hành vi phạm tội của bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T và cho rằng Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 170 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đứng tội. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Hà Văn Q 02 năm 03 tháng tù, xử phạt bị cáo Trần Văn T 02 năm tù là phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo và xem xét vai trò của các bị cáo trong vụ án nên đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với các bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, không có căn cứ chấp kháng cáo của các bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm 38/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, về hình phạt đối với bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 điểm g, h khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự; xử phạt Hà Văn Q 02 năm 03 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 21/8/2019.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Văn T 02 năm tù.
Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 21/8/2019.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo Trần Văn T không tranh luận, bào chữa nội dung gì, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo Hà Văn Q cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Q về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên bị cáo không tham gia cưỡng đoạt tài sản tại khu vực ngã tư O cùng các bị cáo khác, khi đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội thì bị cáo đứng nói chuyện với người dân ở đó nên không biết các bị cáo khác xin tiền, bị cáo chỉ tham gia cùng các bị cáo khác chặn xe xin tiền tại khu vực trường THPT Nguyễn Thái B1 và khu vực chợ xã E. Thời điểm các bị cáo chặn xe xin tiền ở các địa điểm nói trên thì trời đã tối, ít người qua lại. Do đó, bị cáo chỉ phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 170 của Bộ luật hình sự, mà không phải chịu tình tiết tăng nặng định khung “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự. Bị cáo cũng không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 02 năm 03 tháng tù là nặng, tại phiên tòa kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là nghiêm khắc. Vì vậy, tôi đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hà Văn Q, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Hà Văn Q. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 170; điểm b, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt Hà Văn Q mức án nhẹ nhất theo quy định của pháp luật. Trường hợp Hội đồng xét xử xét xử bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự, thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Bị cáo Q đồng ý với quan điểm bào chữa của Luật sư, không tranh luận, bào chữa gì thêm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Kiểm sát viên không chấp nhận quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Q đã nêu trên. Bởi lẽ, bị cáo Q không trực tiếp thực hiện hành vi chặn xe xin tiền, nhưng biết các bị cáo khác chặn xe xin tiền, bị cáo còn hỏi bị cáo U là người trực tiếp xin tiền là xin được bao nhiêu, biết số tiền đồng bọn xin được là 200.000 đồng, vẫn cùng đồng bọn tiếp tục chặn xe xin tiền tại khu vực trường THPT Nguyễn Thái B1 và khu vực chợ xã E. Địa điểm các bị cáo xin tiền là nơi công cộng, đông người qua lại và đứng xem, gây hoang mang cho người dân, làm mất trật tự an toàn xã hội. Do đó kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày ở phần trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Xét kháng cáo của bị cáo Hà Văn Q cho rằng bị cáo không tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức về tinh thần, không trao đổi trực tiếp và không chặn xe xin tiền cùng các bị cáo khác vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 10/11/2018 tại ngã tư O, thuộc thôn C, xã E, huyện K, lúc này bị cáo chỉ đứng ở xa, hòa lẫn vào người dân để quan sát sự việc, không nghe thấy nội dung sự việc; bị cáo chỉ tham gia chặn xe xin tiền tại cổng trường THPT Nguyễn Thái B1 đến khu vực chợ E cùng bị cáo Trần Văn T và Trần Thanh U.
Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại các biên bản ghi lời khai (BL 202, 203, 204), biên bản hỏi cung (BL 213, 214) bị cáo Q xác định “Sự việc xin tiền đểu chỉ có 04 người tham gia gồm tôi (Q), T3, T và U... Tôi thấy U lấy tiền của các tài xế thì tôi chỉ đi theo để giúp sức về mặt tinh thần cho U, T3 và T”... “Tôi và các bị can Trần Văn T, Trần Thanh U, có sự tham gia của Hà Mạnh T3 đã chiếm đoạt được tổng số tiền 200.000 đồng”... “Tại ngã tư O tôi đã nhìn thấy U, T3, T chặn xe xin tiền và nhận tiền của các tài xế, tôi biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nhưng tôi vẫn đồng ý tham gia”... Tại các bản tự khai, bản tường trình và các biên bản lấy lời khai ban đầu, cũng như tại phần thủ tục hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Q đều thừa nhận bị cáo đi theo T3, T và U từ khi các bị cáo bắt đầu thực hiện hành vi chặn xe xin tiền các tài xế tại ngã tư O, tuy không trực tiếp tham gia chặn xe nhưng bị cáo đứng bên lề đường quan sát, giúp sức về tinh thần để các bị cáo khác thực hiện hành vi chặn xe xin tiền, sau khi chiếm đoạt được tiền bị cáo U có đi đến chỗ bị cáo đứng, bị cáo U nói với bị cáo và các bị cáo khác xin được 200.000 đồng; sau khi U chặn xe xin tiền bị cáo còn hỏi “Có xin được tiền không?” và “Được bao nhiêu tiền?”. Tại cổng trường THPT Nguyễn Thái B1 và tại khu vực chợ E các bị cáo đã chặn xe của một số người đi đường, nhưng không lấy tiền của họ do bị cáo U phát hiện ra họ là người quen. Lời khai của bị cáo U tại các bút lục 247, 148, 155, 156 và tại phiên tòa sơ thẩm đều xác định bị cáo Q biết việc các bị cáo chặn xe xin tiền của bị hại. Sau khi bị cáo U chiếm đoạt được tiền của các bị hại, bị cáo U đã đi đến chỗ bị cáo Q đang đứng và nói với các bị cáo T3, T và Q là xin được 200.000 đồng. Như vậy, đã có đủ căn cứ xác định bị cáo cùng chung ý chí với các bị cáo khác trong việc chặn xe xin tiền các bị hại tại ngã tư O, tại cổng trường THPT Nguyễn Thái B1 và tại khu vực chợ E để cùng nhau sử dụng.
Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào khoảng thời gian từ 17 giờ 45 phút đến 18 giờ 30 phút; địa điểm các bị cáo thực hiện tội phạm là nơi đông người qua lại, hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm cho người dân xung quanh và người đi đường tập trung đứng xem, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân. Do đó, các bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự. Bị cáo và đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
[2] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm cơ bản phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị cáo U, bị cáo T tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như tại Cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã đủ căn cứ pháp lý kết luận: Khoảng 17 giờ 45 phút ngày 10 tháng 11 năm 2018, tại ngã tư O thuộc thôn C, xã E, huyện K, các bị cáo Hà Mạnh T3, Trần Văn T, Trần Thanh U và Hà Văn Q đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh Bùi M1 và anh Nguyễn Văn S mỗi người 100.000 đồng. Sau đó, Trần Văn T, Trần Thanh U và Hà Văn Q đi đến khu vực cổng trường trung học phổ thông Nguyễn Thái B1 và khu vực chợ E tiếp tục chặn xe xin tiền nhưng do gặp các tài xế là người quen nên không xin được tiền. Các bị cáo là người có đầy đủ khả năng nhận thức hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật, không những trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, mà còn gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt cho xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, nhưng do ý thức coi thường pháp luật, các bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 170 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội.
[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bản án sơ thẩm xử phạt 02 năm 03 tháng tù đối với bị cáo Hà Văn Q và 02 năm tù đối với bị cáo Trần Văn T là thỏa đáng tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Khi quyết định hình phạt, tòa án cấp sơ thẩm cân nhắc nhân thân của các bị cáo và đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Nhận thấy các bị cáo phạm tội với vai trò thứ yếu, giúp sức cho các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Do đó cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T. Sau khi xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo.
Xét quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa không chấp nhận quan điểm bào chữa của người bào chữa cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự - Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T, là có căn cứ cần chấp nhận.
Xét quan điểm của người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa cho rằng bị cáo Q phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự, không phải chịu tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội từ hai lần trở lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là không có căn cứ để chấp nhận.
[4] Về các nội dung khác:
Đối với số tiền các bị cáo chiếm đoạt của bị hại: Ngay sau khi hành vi phạm tội của các bị cáo bị phát hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Ka đã lập biên bản thu giữ số tiền 200.000 đồng do phạm tội mà có, do bị cáo U đang quản lý (BL 13), không thuộc trường hợp người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả. Song, cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo là không phù hợp.
Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không nhận định vào bản án là thiếu sót.
Bị cáo Q là hộ nghèo được miễn án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuy nhiên cấp sơ thẩm không nhận định vào bản án, cũng không tuyên vào phần Quyết định của bản án là thiếu sót.
Đối với các nội dung trên không có kháng cáo, kháng nghị, do đó Hội đồng xét xử không xem xét để sửa án sơ thẩm, Hội đồng xét xử sẽ xem xét, điều chỉnh tại bản án phúc thẩm cho phù hợp. Tuy nhiên những thiếu sót trên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[5] Về án phí:
[5.1] Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo Hà Mạnh T3, Trần Văn T, Trần Thanh U mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Do bị cáo Hà Văn Q là hộ nghèo, nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
[5.1] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Do bị cáo Q là hộ nghèo nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Hà Văn Q và Trần Văn T; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 38/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar về phần hình phạt đối với các bị cáo Trần Văn T và Hà Văn Q; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm nói trên về việc áp dụng pháp luật đối với bị cáo Hà Văn Q.
[2] Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 170; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51;
điểm g, h khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hà Văn Q 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 21/8/2019.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 170; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật hình sự. Xử phạt Trần Văn T 02 (Hai) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 21/8/2019. [3] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[3.1] Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc các bị cáo Hà Mạnh T3, Trần Văn T, Trần Thanh U mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Miễn án phí hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Hà Văn Q.
[3.2] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Văn T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm. Miễn án phí hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Hà Văn Q.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 60/2020/HS-PT ngày 20/02/2020 về tội cưỡng đoạt tài sản
Số hiệu: | 60/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/02/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về