Bản án 59/2020/DS-ST ngày 29/09/2020 về tranh chấp đòi tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DẦU TIẾNG, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 59/2020/DS-ST NGÀY 29/09/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 196/2020/TLST-DS ngày 29 tháng 5 năm 2020 về “tranh chấp đòi tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 73/2020/QĐXXST-DS ngày 15 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Minh P, sinh năm 1958. HKTT: số 255/6A, N2, phường S, quận b, Thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ hiện nay: 133/4/9 đường V, phường S, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1976. HKTT: Ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Xin vắng mặt

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lê Thị Ngọc A, sinh năm 1962; Địa chỉ: số 255/6B, N2, Phường S, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Xin vắng mặt

4. Người làm chứng:

+ Ông Trần Công M, sinh năm 1978 và bà Nguyễn Thị N1, sinh năm 1983. Cùng địa chỉ: Ấp H, xã Đ, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Xin vắng mặt

+ Ông Huỳnh Văn C, sinh năm 1960 và bà Võ Thị Tuyết N, sinh năm 1974. Địa chỉ: Ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Xin vắng mặt

+ Bà Ngô Thị RA, sinh năm 1953. Địa chỉ: Ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Xin vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 26/12/2019, đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 08/9/2020, bản tự khai và quá trình tham gia t tụng, nguyên đơn (ông Trần Minh P) trình bày.

Ông P có vườn cao su thuộc thửa đất số 21, tờ bản đồ số 56 tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00186 do UBND huyện D1 cấp cho bà Lê Thị Ngọc A ngày 16/10/2004 (bà A là vợ của ông P, đã ly hôn năm 2013 nhưng chưa chia tài sản).

Năm 2015, ông P có thuê vợ chồng ông Huỳnh Văn C, bà Võ Thị Tuyết N để gắn kiềng, chén, máng để cạo mủ. Sau khi gán xong thì ông P thấy vợ chồng C, N ra về, ông P hỏi thì biết là do ông D đuổi vợ chồng C, N ra vì cho rằng ông P không có quyền đối với thửa đất số 21. Hôm sau ông P ngủ dậy thì thấy kiềng, chén, máng bị đập, gỡ hết, không biết ai làm.

Sau đó, ông Phú tiếp tục mua kiềng, chén, máng rồi thuê bà Nguyễn Thị U gắn kiềng, chén, máng. Sau khi gắn xong, hẹn 3 giờ sáng hôm sau đi cạo. 3giờ sáng hôm sau, ông P không thấy ai cạo và đi hỏi thì bà U nói là kiềng, chén máng đã bị đập phá hết, ông P vào kiểm tra thì thấy kiềng, chén máng đã bị đập phá hết nhưng ông không biết ai làm nên có làm đơn thưa gửi ông D nhưng không được giải quyết.

Vì ông D có hành vi đuổi vợ chồng C, N do ông P thuê ra khỏi vườn cao su dẫn đến việc kiềng chén máng bị đập, phá nên ông D phải bồi thường tiền mua kiềng, chén máng là 5.400.000 đồng và tiền thuê người cạo là 1.700.000 đồng và tiền 49.230.000 đồng là thiệt hại do ông Phú không thể thực hiện viện được việc cạo mủ cao su trên thửa đất số 21, tờ bản đồ số 56 toạ lạc tại ấp Tân Hoà, xã L từ tháng 06/2015 đến tháng 10/2015. Tổng số tiền ông P yêu cầu ông D bồi thường thiệt hại số tiền 56.330.000 đồng.

Ngoài ra, năm 2010, khi ông P ra ứng tiền bán mủ ông Trần Công M, bà Nguyễn Thị N1 thì ông M, bà N1 nói từ nay ấp giữ vườn cao su của ông Phú nên môi tháng, trích 3.000.000 đồng từ tiền mủ của ông P để giao cho bà R, bà này nhận tiền theo sự ủy thác của ấp mà trưởng ấp là ông D. Vì vậy ông P yêu cầu ông D phải trả lại cho ông P số tiền đã nhận của ông P từ tháng 01/2010 đến nay là 396.000.000 đồng.

Chứng cứ nguyên đơn cung cấp để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là: đơn khởi kiện, bản tự khai, biên nhận xác nhận, phiếu giao hàng, đơn khởi kiện bổ sung.

Theo các bản tự khai và đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt, bị đơn (ông Nguyên Văn D) trình bày:

Ông D không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông P vì ông không có hành vi ngăn cản vợ chồng ông C, bà N cạo mủ thuê cho ông P vào năm 2015. Ông không có liên quan gì đến thiệt hại về kiềng, chén, máng bị mất, bị vỡ như lời ông P trình bày.

Ông D không có mối quan hệ gì với ông P về tiền bạc, cũng không ủy thác cho bất cứ ai nhận số tiền 396.000.000 đồng của ông P. Ông P trình bày việc ông D nhận 396.000.000 đồng từ ông Phú thông qua bà R là hoàn toàn sai sự thật. Ông P có trách nhiệm chứng minh cho các yêu cầu của mình.

Chứng cứ bị đơn cung cấp để chứng minh cho ý kiến của mình là: Bản tự khai.

Do bận công việc ở và ở xa, ông D yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

Theo biên bản ly lời khai và đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà Lê Thị Ngọc A) trình bày:

Bà A và ông P trước đây là vợ chồng, ly thân từ năm 2011, đã ly hôn vào năm 2013 nhưng chưa giải quyết về tài sản chung. Thửa đất số 21, tờ bản đồ số 56 tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00186 do UBND huyện D1 cấp cho bà A ngày 16/10/2004, thửa đất này do bà trực tiếp quản lý. Bà A xác định ông P trình bày bà có giao hoặc thông quá ông M mua mủ giao cho ấp T và ông D số tiền 3.000.000 đồng/tháng là không đúng. Không có sự việc ấp T hay ông D thu tiền của gia đình bà. Sau khi ly hôn, bà vẫn tiếp tục canh tác trên trên vườn cao su nói trên tuy nhiên đầu năm 2015, ông P vào vườn đập chén máng không cho bà cạo mủ nên các bên thống nhất không có bên nào khai thác nữa, đợi giải quyết tranh chấp xong thì khai thác tiếp nên bà A bỏ về Thành phố Hồ Chí Minh không khai thác nữa nhưng vẫn tiếp tục quản lý thửa đất. Sau đó ông P nhiều lần kêu người vào cưa trộm cây cao su để bán, do có nhu cầu trả nợ ngân hàng và tránh làm phiền chính quyền địa phương nên khoảng năm 2017, bà A bán hết cây cao su còn lại cây cao su trên đất, bà không nhớ rõ số tiền đã thanh lý. Hiện nay trên đất chỉ còn lại căn nhà cấp 4. Yêu cầu khởi kiện của ông P là không có căn cứ, yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Do bận công việc, bà A yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

Theo bản tự khai và đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt, người làm chứng ông Huỳnh Văn C và bà Võ Thị Tuyết N trình bày:

Vào khoảng tháng 6/2015, ông C, bà N được ông P thuê gán kiềng, chén, máng tại phần đất của ông p, bà A tại ấp T, xã L với số lượng khoảng 500 cây cao su. Ông c, bà N gán kiềng, chén, máng khoảng một tuần thì xong, nhưng đến ngày cạo mủ thì kiềng chén máng không còn nên ra về thì gặp ông P nên báo cho ông P biết, số tiền thuê cạo là 1.400.000 đồng ông P vẫn chưa thanh toán cho ông C, bà N nhưng hiện chưa yêu cầu ông P thanh toán số tiền này. Ông C, bà N xác định không có sự việc ông D đuổi, không cho ông C, bà N cạo mủ cho ông D, việc ông, bà không cạo được là do kiềng, chén, máng đã bị gỡ hết. Ông P trình bày không đúng sự thật. Ông C, bà N không biết ai là người gỡ kiềng, chén máng.

Do bận công việc, ông c, bà N yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

Theo bản tự khai và đơn yêu cầu giải quyết vng mặt, người làm chứng ông Trần Công M và bà Nguyễn Thị N1 trình bày:

Vợ chồng ông M, bà N1 có mua mủ của bà A (vợ cũ ông P). Quá trình mua bán, bà A có ứng tiền bán mủ nhiều lần, tổng cộng còn nợ ông M, bà N1 số tiền 21.900.000 đồng. Ông M, bà N1 cũng có mua mủ chén từ ông P giá khoảng vài chục ngàn đồng, sau đó ông P có mượn thêm 250.000 đồng để đổ xăng đến nay chưa trả.

Về sự việc ông P trình bày vợ chồng ông M, bà N1 mỗi tháng trích từ tiền bán mủ của ông P 3.000.000 đồng từ năm 2010 đến nay để giao cho bà R theo sự chỉ đạo của ông D là không đứng sự thật. Vì ngoài giao dịch mủ chén như đã trình bày thì ông, bà không còn giao dịch nào khác với ông P nên không thể trích tiền mủ của ông P giao cho bà R.

Do bận công việc, ông M, bà N1 yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

Theo bản tự khai và đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt, người làm chứng bà Ngô Thị R trình bày:

Bà Ngô Thị R tên thường gọi là HR. Bà quen bà A vì bà A là người chơi hụi của bà R vào năm 2010 và vợ chồng ông M khi còn mua mủ bên cạnh Văn phòng ấp T, xã L. Bà R chỉ biết ông P là chồng của bà A, còn ông D là trưởng ấp T, xã L. Bà R xác định không có sự việc bà nhận ủy thác từ ông D từ tháng 01/2010 đến nay mỗi tháng nhận số tiền 3.000.000 đồng của ông P từ ông M, bà N1 hay bà A.

Do bận công việc, bà R yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

- Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng có ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Quá trình tố tụng cũng như diễn biến tại phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án đã tiến hành thu thập chứng cứ, công khai chứng cứ, hòa giải, xét xử đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Các đương sự đã chấp hành đúng quy định tại các Điều 70, 71, 72 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn có mặt, bị đơn ông D, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà A, người làm chứng ông M, bà N1, ông C, bà N, bà R có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt nên đề nghị xét xử vắng mặt các đương sự. Không kiến nghị khắc phục, bổ sung thủ tục tố tụng.

Về nội dung vụ án: Yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn là không có căn cứ. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn ông P yêu cầu bị đơn ông D phải trả lại số tiền là 396.000.000 đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 56.330.000 đồng. Ông D hiện đang cư trú tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương theo quy định tại khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Tại phiên tòa, nguyên đơn ông P có mặt, bị đơn ông D, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà A, người làm chứng ông M, bà N1, ông C, bà N, bà R có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự theo quy định tại Điều 227, Điều 228, 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về yêu cầu tranh chấp đòi tài sản:

[3.1] Ông P yêu cầu ông P phải trả lại cho ông P số tiền 396.000.000 đồng vì cho rằng ông P đã nhận số tiền này bằng cách ông M, bà N1 đã trích tiền mủ môi tháng 3.000.000 đồng (trong 11 năm) của ông P và bà A để giao cho bà R, bà R nhận tiền do được trưởng ấp là ông D uỷ thác. Bị đơn ông D không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông P. Do tổng số tiền ông Phú yêu cầu ông D trả lại 396.000.000 đồng là liên tục từ năm 2010 đến năm 2020 nên Hội đồng xét xử áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để xem xét, giải quyết.

[3.2] Tại biên bản lấy lời khai ngày 06/8/2020, ông P xác định từ năm 2010 đến năm 2012, bà A là người bán mủ, số tiền bán mủ do bà A nắm hết, từ năm 2012 đến khi cưa cao su đều do bà A khai thác hoặc thuê khai thác, việc bán mủ cho vợ chồng ông M đều do bà A thực hiện.

[3.3] Tại biên bản lấy lời khai ngày 08/9/2020 bà A xác định không có sự việc ấp T hay ông D thu tiền của gia đình bà mỗi tháng 3.000.000 đồng như ông P trình bày.

[3.4] Người làm chứng vợ chồng ông M, bà N1, bà R xác định không có sự việc ông M, bà N1 trích tiền bán mủ của ông p, bà A để giao cho bà R. Bà R không nhận ủy thác từ ông D, cũng không nhận số tiền 3.000.000 đồng/tháng từ ông M, bà N1.

[3.5] Theo biên bản xác minh ngày 23/7/2020 đối với ông Huỳnh Văn Bụng - Phó ban lãnh đạo ấp T cũng xác định không có sự việc Ban lãnh đạo ấp ủy quyền cho bà R nhận số tiền 3.000.000 đồng/tháng trong vòng 11 năm bằng việc trích tiền bán mủ của ông P, bà A thông qua ông M, bà N1.

[3.6] Tòa án cũng đã ra Thông báo yêu cầu ông P chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu ông D hoàn trả số tiền đã nhận là 396.000.000 đồng nhưng ông P không cung cấp được chứng cứ chứng minh.

[3.7] Từ những chứng cứ nêu trên cho thấy bà A là người trực tiếp việc giao dịch bán mủ của vườn cây cao su tại phần đất thuộc thửa đất số 21, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Bà A và tất cả những người liên quan đến việc giao số tiền 396.000.000 đồng cho ông D theo như lời khai của ông P đều xác định không có sự việc nêu trên, ông P cũng không chứng minh được yêu cầu của mình. Do đó, việc ông P yêu cầu ông D phải trả lại số tiền 396.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận.

[4] Về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

[4.1] Ông P cho rằng vào khoảng tháng 6 năm 2015, do ông D có hành vi ngăn chặn ông C, bà N (là người ông P thuê cạo) đến cạo mủ cao su dẫn đến việc kiềng, chén, máng gắn trên cây cao su tại thửa đất số 21, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương bị gỡ và bị đập hết nên ông P yêu cầu ông D phải bồi thường thiệt hại cho ông P tổng số tiền 56.330.000 đồng gồm: Tiền mua kiềng, chén, máng 5.400.000 đồng, tiền thuê người gắn kiềng, chén, máng là 1.700.000 đồng và tiền thu nhập bị mất do không cạo mủ được trong vòng 05 tháng từ tháng 06/2015 đến tháng 10/2015 là 49.230.000 đồng. Bị đơn ông D không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông P. Do bị đơn không có yêu cầu áp dụng thời hiệu và sự việc đã xảy ra từ năm 2015 nên Hội đồng xét xử áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để xem xét, giải quyết.

[4.2] Theo biên bản lấy lời khai ngày 23/7/2020, người làm chứng ông C, bà N xác định vào khoảng tháng 6 năm 2015, vợ chồng ông bà được ông P thuê gắn kiềng, chén, máng và cạo mủ trên thửa đất của ông P, bà A tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương. Sau khi gán kiềng, chén, máng xong hôm sau đi cạo thì kiềng chén máng đã không còn nên ra về và thông báo cho ông P biết. Không có sự việc ông D ngăn cản ông C, bà N cạo mủ vào thời gian nêu trên như ông P trình bày. Ông bà cũng không biết ai là người gỡ kiềng, chén, máng.

[4.3] Theo biên bản lấy lời khai ngày 11/6/2020, 06/8/2020 và tại phiên tòa ông P xác định không biết ai là người gỡ, đập phá kiềng, chén, máng trên phần đất cao su thuộc thửa số 21, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương.

[4.4] Tòa án đã ra Thông báo yêu cầu ông P chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với ông D nhưng ông P chỉ cung cấp được phiếu giao hàng tại cơ sở sản xuất kiềng chén máng Thanh Hải đối với việc mua chén hứng mủ, ngoài ra không cung cấp được chứng cứ nào khác.

[4.5] Hội đồng xét xử nhận thấy ông P không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông D có hành vi ngăn cản ông C, bà N cạo mủ cao su, không chứng minh được thiệt hại thực tế cũng như sự liên quan giữa thiệt hại thực tế với hành vi của ông D. Thiệt hại do kiềng, chén, máng bị gỡ, bị đập cũng như chi phí thuê người gán kiềng, chén, máng và cạo mủ là hậu quả trực tiếp từ hành vi gỡ, đập kiềng, chén, máng (nếu có) và trách nhiệm trông giữ của chủ sở hữu vườn cao su. Ong P không xác định được ai là người thực hiện hiện hành vi này nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông p. Từ những chứng cứ và phân tích nêu trên, sự việc ông P thuê người gắn kiềng, chén, máng trên phần đất cao su thuộc thửa số 21, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D1, tỉnh Bình Dương và việc kiềng chén máng bị gỡ là có thật. Tuy nhiên, nguyên đơn không chứng minh được là do bị đơn gây ra nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 604 của Bộ Luật Dân sự 2005. Đồng thời, theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh của đương sự khi yêu cầu thì phải có căn cứ nên yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông P không có cơ sở chấp nhận.

[5] Quan điểm về nội dung vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng tại phiên tòa là có căn cứ và phù hợp quy định pháp luật.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn ông P là người cao tuổi theo quy định của Luật người cao tuổi nên được được miễn án phí đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ các Điều 26, 35, 39, 91, 147, 227, 228, 229, 266, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ các Điều 604, 606, 607, 608 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

- Căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015;

- Căn cứ Điều 12 Nghị quyết số 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Minh P về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn D trả số tiền 396.000.000 đồng (ba trăm chín mươi sáu triệu đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Minh P về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn D bồi thường thiệt hại số tiền 56.330.000 đồng (năm mươi sáu triệu ba trăm ba mươi ngàn đồng).

3. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trần Minh P không phải nộp do được miễn án phí theo quy định.

3. Quyền kháng cáo:

Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 29/9/2020).

Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

269
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 59/2020/DS-ST ngày 29/09/2020 về tranh chấp đòi tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:59/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Dầu Tiếng - Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về