Bản án 59/2019/HS-PT ngày 05/08/2019 về tội hủy hoại rừng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

BẢN ÁN 59/2019/HS-PT NGÀY 05/08/2019 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Trong các ngày 01, 02 và 05 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 21/2019/TLPT-HS ngày 22 tháng 01 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 25/2019/QĐXXPT-HS ngày 22 tháng 02 năm 2019, các Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 03/2019/HSPT-QĐ ngày 08 tháng 3 tháng 2019, số: 08/2019/HSPT-QĐ ngày 02 tháng 4 tháng 2019, số: 11/2019/HSPT-QĐ ngày 17 tháng 4 tháng 2019, số: 13/2019/HSPT-QĐ ngày 16 tháng 5 tháng 2019, số: 16/2019/HSPT-QĐ ngày 30 tháng 5 tháng 2019; số: 18/2019/HSPT-QĐ ngày 20 tháng 6 tháng 2019; số: 22/2019/HSPT-QĐ ngày 16 tháng 7 tháng 2019 đối với các bị cáo Phạm Xuân S và Vũ Việt H, do có kháng cáo của các bị cáo Phạm Xuân S và Vũ Việt H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 62/2018/HSST ngày 12-12-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông.

Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Xuân S, sinh năm 1974, tại tỉnh Nghệ An; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ 5, phường N, thị xã G, tỉnh Đăk Nông; chỗ ở trước khi phạm tội: Tổ 6, phường N, thị xã G, tỉnh Đăk Nông; nghề nghiệp: Nguyên là cán bộ Công an; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Xuân Đ (đã chết) và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Phạm Thị Thu P và 02 con; bị bắt tạm giam ngày 16-3-2017, đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Đ – Có mặt.

Vũ Việt H, sinh năm 1982 tại tỉnh Hải Dương; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Thôn T, xã L, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Xuân B và bà Trịnh Thị L (đã chết); bị cáo chưa có vợ và con; bị bắt tạm giam ngày 13-6-2015 đến ngày 13-12-2018 thì chấp hành án xong, tại ngoại - Có mặt.

Bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng nghị:

Hoàng Văn Đ, sinh năm 1989 tại tỉnh Đồng Nai; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Ấp 3, xã S, huyện C, tỉnh Đồng Nai; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 08/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T và bà Phạm Thị N; bị bắt tạm giữ ngày 10-5-2015, sau đó chuyển tạm giam, hiện đang chấp hành án tại Trại giam Đ, huyện C, tỉnh Đăk Lăk - Có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân S:

- Ông Thái Văn C và ông Nguyễn Văn S - Luật sư của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng Luật N thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: 70/1E1 đường 109, khu phố 5, phường P B, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh – Ông Thái Văn C có mặt, ông Nguyễn Văn S vắng mặt.

- Ông Hoàng Văn H, ông Hoàng Văn D, bà Hoàng Thị D, ông Nguyễn Văn T - Luật sư của Văn phòng luật sư Hoàng H thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; địa chỉ: Phòng 202, Tòa nhà N, đường L, quận T, Thành phố Hà Nội – Ông Hoàng Văn H có mặt, ông Hoàng Văn D, bà Hoàng Thị D, ông Nguyễn Văn T vắng mặt.

- Ông Trần Đình T - Luật sư của Văn phòng luật sư V thuộc đoàn luật sư Thành phố Hà Nội; địa chỉ: Phố 28, Ngõ 81, phố Đ, quận Đ, Thành phố Hà Nội – Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự:

Ủy ban nhân dân huyện Đ; trụ sở: Thôn 1, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông. Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Tá L, chức vụ: Chủ tịch Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn H, chức vụ: Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Nguyễn Thị L; địa chỉ: Tổ dân phố 6, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông – Vắng mặt.

Ông Nguyễn Văn D; địa chỉ: Tổ 6, thôn N, xã Đ, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

Chị Bùi Thị H; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, thị xã G, tỉnh Đắk Nông- Vắng mặt.

Anh Trần Văn T, địa chỉ: Tổ dân phố 6, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt

Anh Vũ Đức T; địa chỉ: Thôn 3A, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt

- Người tham gia tố tụng khác:

Người làm chứng:

- Anh Nguyễn Minh S; địa chỉ: Thôn 2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt – Có đơn xin xét xử vắng mặt

- Anh Nguyễn Đình N; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn T; địa chỉ: Thôn 1B, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Đoàn Văn K; địa chỉ: Tổ 2, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Đỗ Văn H; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt;

- Ông Lê Bá H; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Trương Bảo T; địa chỉ: Số nhà 08 đường C, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Lê Kim M; địa chỉ: Tổ 10, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Triệu Tử D; Thôn 3, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Anh Đỗ Văn T; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Đoàn Xuân H; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Đoàn Nhị H; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn C; địa chỉ: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Ngô Văn C; địa chỉ: Tổ 3, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Trần Văn T; địa chỉ: Tổ 3, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Lê Tuấn K; địa chỉ: Số nhà 33, đường T, tổ 11, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Ông Cao Sỹ L; địa chỉ: Tổ 4, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Chí Đ; địa chỉ: Số nhà 06, đường B, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Duy C: địa chỉ: Thôn T, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Trần Văn H; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn T; địa chỉ: Thôn 2, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Khổng Văn Đ; địa chỉ: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

- Anh Vũ Đức T; địa chỉ: Thôn 2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Ông Vũ Trung Đ; địa chỉ: Thôn 2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Trần Minh T – sinh năm 1983; địa chỉ: Thôn 2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt.

- Ông Hoàng Văn T; địa chỉ: Ấp 3, xã S, huyện C, tỉnh Đồng Nai - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn H, địa chỉ: Bon R, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Cao Sỹ L; địa chỉ: Buôn H, xã D, huyện C, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Anh Mai Hồng P; địa chỉ: Thôn K, xã H, huyện C, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Anh Lý Văn L; địa chỉ: Thôn Q, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Lại Văn T; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn H – sinh năm 1979; địa chỉ: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Có mặt.

- Anh Lê T; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, vụ án được tóm tắt như sau:

Vụ thứ nhất:

Ngày 07-05-2013, Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ (XNLN) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên G (TNHH MTV) có tờ trình gửi Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Đ xin chủ trương trồng lại rừng phần đã bị chặt phá tại khoảnh 1, 2, 5, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697. Ngày 11-6-2013, UBND huyện Đ có công văn số: 634/UBND-VP thống nhất chủ trương cho XNLN Đ trồng lại rừng trên diện tích rừng đã bị phá nói trên. Sau khi được UBND huyện Đ đồng ý, XNLN Đ tiến hành lập dự án trồng lại rừng trên những diện tích rừng bị phá trái phép với tổng diện tích 54,673 ha thuộc khoảnh 1, 2, 5, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697.

Khoảng tháng 6-2013, Phạm Xuân S biết được chủ trương XNLN Đ tiến hành lập dự án trồng lại rừng trên những diện tích rừng bị phá trái phép nêu trên, S đã liên hệ với Hoàng Văn Đ (trú tại: Ấp 3, xã S, huyện C, tỉnh Đồng Nai - S quen biết Đ vào khoảng năm 2009 – 2010), lúc này Đ đang buôn bán quần áo dạo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, để nhờ Đ về tỉnh Đắk Nông với mục đích chiếm giữ trước khu vực đất rừng nói trên để xin dự án trồng rừng. Sau đó, S đến Công ty TNHH MTV G gặp ông Phạm Quốc Đ – Phó giám đốc Công ty, đề cập muốn xin đất để trồng rừng tại các tiểu khu 1685, 1697. Do không biết rõ khu đất nên ông Đ gọi cho ông Lê Tuấn K – Giám đốc XNLN Đ để hỏi, đồng thời nói ông K tạo điều kiện giúp đỡ S và được ông K đồng ý. Để bảo vệ khu đất trước khu có dự án, S đưa cho Đ tiền để sinh hoạt, ăn uống, mua đồ dùng và dựng nhà bạt để ở tạm ngay trên khu vực dự tính xin lập dự án. Trong quá trình ở đây, S chỉ đạo Đ phát dọn trồng keo vào những khu vực rừng mới bị phá để giữ đất. Đ xin S tìm thêm người cùng phụ giúp và được S đồng ý. Đ gọi thêm Trần Minh T (trú tại: thôn 02, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông) và dẫn ra gặp S tại thị xã G, S nói Trần Minh T cứ phụ giúp Đ, sau này dự án thành công S cho mỗi người một ít đất để canh tác. Theo chỉ đạo của S, Đ thuê thêm Lục Văn C (trú tại: thôn 02, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước – hiện Lục Văn C đã chết), Lục Văn L (địa chỉ: xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk – L đã bỏ đi khỏi địa phương không biết đang ở đâu) và 03 đến 04 người dân tộc thiểu số tại xã Đ (chưa xác định được họ, tên, địa chỉ) để phát dọn cùng trồng keo với Đ và Trần Minh T. Từ khoảng giữa năm 2013 đến giữa năm 2014, Đ, Trần Minh T và nhóm người làm thuê trồng được khoảng 10ha cây keo.

Cây keo giống là do S mua và thuê xe vận chuyển vào, tiền công, tiền ăn là do S đưa cho Đ để chi trả. Trong thời gian trồng keo và phát dọn, S thuê ông Đoàn Nhị H (trú tại: thôn 3, xã Đ, huyện Đ) múc ranh khu vực đất mà S đang cho Đ và T chiếm giữ. Để chuẩn bị dựng nhà gỗ trên đất dự án, S đưa cho Đ cưa xăng (Đ trực tiếp đến nhà S tại thị xã G lấy) để cắt gom gỗ dần, trong thời gian làm nhà S còn đưa cho Đ thêm 5 triệu đồng để Đ và Lục Văn C mua thêm cưa xăng để cắt gỗ. Khoảng tháng 8-2014, S cùng Đ làm nhà gỗ trên diện tích đất đang cho Đ chiếm giữ. Gỗ làm nhà được Đ, Trần Minh T, Lục Văn C, L cưa xẻ trong rừng tự nhiên đang chiếm giữ. Vật liệu khác dùng để làm nhà do S mua vào, S nhờ thêm Khổng Văn Đ là thợ mộc (trú tại: Thôn 02, xã Đ, huyện Đ) đến làm nhà giúp.

Đến tháng 10-2014, S gọi điện cho Đ và T đem theo chứng minh nhân dân đến Xí nghiệp lâm nghiệp Đ để đứng tên giúp S trong Hợp đồng huy động vốn trồng rừng. Vào các ngày 19, 20-10-2014, Đ và Trần Minh T ký các hợp đồng huy động vốn trồng rừng số 07 và 11/HĐ – XN với XNLN Đ để trồng rừng trên diện tích 28,406 ha tại khoảnh 2, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697. Trên hợp đồng diện tích giao khoán là 28,406ha, nhưng theo bản đồ giao khoán thì diện tích đất mà Xí nghiệp lâm nghiệp Đ giao cho S mà Đ và Trần Minh T đứng tên là 45,837ha. Trong đó, đất có rừng tự nhiên là 15,993ha, đất có rừng trồng là 2,962ha, đất trống quy hoạch trồng rừng là: 26,882ha. Ký hợp đồng xong, Lê Tuấn K – Giám đốc XNLN Đ giao ông Nguyễn Chí Đ – Cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp dẫn Đ và Trần Minh T đi bàn giao ngoài thực địa.

Sau đó, Vũ Đức T (trú tại: thôn 2, xã Q, huyện Đ) thấy khu vực đất mà S thuê người phát dọn trồng keo đẹp nên Nguyễn Văn T liên hệ với S với mục đích là thuê đất để trồng khoai lang. Khi Nguyễn Văn T gọi điện cho S thì S hướng dẫn Nguyễn Văn T gặp trực tiếp Đ tại khu đất để trao đổi. Sau khi xin ý kiến của S, Đ thỏa thuận cho Nguyễn Văn T thuê đất để trồng khoai lang với giá 8.000.000 đồng/ha/năm, diện tích đất cho thuê là khoảng 30ha. Sau đó, Nguyễn Văn T đặt cọc trước cho Đ 60.000.000 đồng, Đ viết giấy nhận tiền đưa cho Nguyễn Văn T. Số tiền Nguyễn Văn T đặt cọc, Đ cầm đưa cho S và S đưa lại cho Đ 40.000.0000 đồng dùng để chi phí, trả tiền nhân công phát dọn.

Sau khi hợp đồng cho Nguyễn Văn T thuê đất xong, S chỉ đạo cho Đ tiếp tục phá diện tích rừng tự nhiên còn lại giao cho Nguyễn Văn T. Người do Đ tự thuê, tiền công phá rừng và thu gom đốt dọn do S đưa cho Đ trả. Để có người phá rừng, Đ liên hệ với Vũ Việt H (trú tại: Thôn T, xã L, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng) để thuê H phát dọn với giá 3.000.000 đồng/ha. Đ báo cho S biết về giá thuê H, S đồng ý và giao cho Đ chỉ đạo, theo dõi việc phá rừng và báo cho S biết về tiến độ. Đ cho H biết diện tích đất này Đ và Trần Minh T được Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ cấp theo hồ sơ huy động vốn để trồng rừng. H được Đ cho xem 01 cuốn dự án trồng rừng nguyên liệu năm 2014 của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ với tổng diện tích 54,673ha thuộc khoảnh 1, 2, 5, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 và 02 cuốn hồ sơ huy động vốn trồng rừng do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ ký với Đ và Trần Minh T tổng diện tích 28,406ha (diện tích 28,406ha này nằm trong 54,673ha nêu trên) cùng sơ đồ khu đất kèm theo. Sau khi xem hồ sơ Đ dẫn H đi xem đất và chỉ ranh giới đất. Quá trình chỉ ranh giới Đ chỉ diện tích đất Đ và Trần Minh T được giao và cả diện tích rừng phải quản lý khoanh nuôi bảo vệ liền kề. Đối với diện tích đất mà Đ và Trần Minh T được giao hiện trạng trên đất chủ yếu cây cỏ bụi, lác đác cây gỗ nhỏ đường kính từ 12cm trở xuống xen lẫn là cây chồi. Đối với diện tích rừng liền kề hiện trạng trên đất chủ yếu là cây gỗ đường kính từ 30cm trở xuống với mật độ thưa, xen lẫn là cây chồi và cây bụi phủ kín diện tích. Do H thấy một phần diện tích Đ chỉ ranh vẫn còn rừng nên H hỏi Đ chặt phá có bị sao không? Đ nói đã “lo” hết rồi cứ phát dọn có gì Đ chịu trách nhiệm nên H đồng ý. Đ nói H chỉ cần chặt những cây gỗ đường kính nhỏ, còn những cây to không phát được thì để lại, phát quang các cây dây leo và các bụi rậm. Sau đó, H thuê Nguyễn Đình N (trú tại: thôn 8, xã Đ, huyện Đ), Nguyễn Minh S (trú tại: thôn 2, xã Đ, huyện Đ) cùng 04 người khác (chưa rõ nhân thân lai lịch) tiến hành phát dọn và chặt phá rừng cho Đ, với giá 200.000đ/01 người/01 ngày. Khi thuê H nói diện tích rừng này được phép chặt phá, có hồ sơ, nếu có việc gì xảy ra H chịu trách nhiệm, lúc trao đổi Nguyễn Minh S, Nguyễn Đình N nhìn thấy Đ đưa hồ sơ dự án cho H xem nên Nguyễn Minh S và Nguyễn Đình N đồng ý. Sau đó, H mua 06 dao phát (loại cán bằng tre dài khoảng 01m và phần lưỡi dao dài 0,3m) rồi dẫn Nguyễn Minh S, Nguyễn Đình N và 04 người nói trên đến khu vực đất của Đ để phát dọn và chặt hạ cây rừng. Bắt đầu từ ngày 11-01-2015, Nguyễn Đình N, Nguyễn Minh S và 04 người trên dùng dao phát chặt hạ cây rừng có đường kính từ khoảng 12cm trở xuống còn các cây gỗ lớn thì để lại. H tham gia chặt phá trong ngày đầu tiên để làm mẫu, sau đó chỉ đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn vị trí cần chặt phá và phục vụ cơm, nước, còn Đ thì giám sát việc chặt phá rừng và chỉ ranh giới. H, Nguyễn Minh S, Nguyễn Đình N và những người trên chặt phá rừng trong khoảng thời gian từ 07 giờ S đến 11 giờ trưa và buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Đến khoảng cuối tháng 01-2015 và đầu tháng 02-2015, H và Đ bị các anh Nguyễn Duy C, Nguyễn Văn T, Cao Sỹ L, Nguyễn Văn C, Ngô Văn C đều là nhân viên quản lý bảo vệ rừng của XNLN Đ phát hiện 02 lần và yêu cầu không được chặt phá rừng, nhưng khi những người này đi khỏi thì Đ vẫn chỉ đạo H và những người làm thuê tiếp tục chặt phá, nếu có gì Đ chịu trách nhiệm. Từ ngày 11-01-2015 đến 08-02-2015, H cùng các anh Nguyễn Đình N, Nguyễn Minh S và 04 người còn lại phát dọn và chặt phá được khoảng hơn 30ha thì nghỉ ăn tết âm lịch.

Sau tết âm lịch, ngày 26-02-2015, H thuê Nguyễn Minh S và 06 người đồng bào tại xã Đ (chưa rõ nhân thân lai lịch) tiếp tục chặt phá rừng cho Đ. H cho người chặt phá khoảng 08 ngày được khoảng 05ha thì bị anh Cao Sỹ L (nhân viên quản lý bảo vệ rừng của XNLN Đ) phát hiện ngăn chặn không cho chặt phá tiếp nên H nghỉ. Đ đưa thêm cho H 05 triệu và nói số tiền công còn lại sẽ tính toán sau.

Để phát dọn các cây rừng đã bị chặt hạ và các gốc cây còn lại trên đất, ngày 31- 3-2015, Đ tiếp tục giao khoán cho Vũ Việt H và anh Vũ Đức T (trú tại xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông) thu gom, dọn đốt toàn bộ những cây rừng trên diện tích mà Đ đã thuê H chặt phá nêu trên. Sau khi nhận khoán, Vũ Việt H thuê: Nguyễn Đức H, Hoàng Văn T, Nguyễn Thị Q, H D, Nguyễn Thị Thu H, Nguyễn Thị G, Nguyễn Thị Kim N đều trú tại xã Đ, huyện Đ và Vũ Đức T thuê: Lý Văn L, Nguyễn Thị N, Phan Thị T, Trần Thị Vị, Đoàn Văn S, Nông Văn H, Nguyễn Thúy K, Bùi Văn T, Nông Văn L đều trú tại xã Q, huyện Đ tiến hành thu gom dọn, đốt cây rừng trên những diện tích mà H đã thuê người phát dọn, chặt phá trước đó. Đến ngày 03-4-2015, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông, Công an huyện Đ và Hạt kiểm lâm huyện Đ đã phát hiện, ngăn chặn hành vi trên.

Quá trình thuê H phá rừng, S thường xuyên liên lạc với Đ qua điện thoại để chỉ đạo cũng như để nghe Đ báo cáo công việc. S nhiều lần vào nhà gỗ nơi Đ ở để đưa tiền cho Đ trả tiền công và đưa tiền cho Đ sinh hoạt hằng ngày. S nói với Đ, nếu cần tiền thì cứ vào gặp Nguyễn Văn T mà tạm ứng trước. Do đó, mỗi lần cần tiền trả công phát dọn là Đ đến gặp Nguyễn Văn T để ứng tiền. Tổng cộng Nguyễn Văn T đã đưa cho S, Đ và Trần Minh T tạm ứng trước 160.000.000 đồng.

Tổng số tiền công phát dọn mà Đ phải trả cho H là khoảng 75.000.000 đồng, nhưng Đ mới trả trực tiếp cho H 61.500.000 đồng, Đ còn nợ lại H khoảng 12.000.000 đồng. Số tiền Đ trả cho H là do S đưa và Đ trực tiếp tạm ứng từ Vũ Đức T. Do cần tiền, H tìm Đ để hỏi nhưng Đ không có trả, Đ nói với H sẽ hỏi S để lấy tiền trả tiếp cho H. Thời gian này Đ đang bị Cơ quan điều tra Công an huyện Đắk G’Long triệu tập làm việc nên H chủ động xin số điện thoại của S từ Trần Minh T để đòi tiền. Sau khi xin được số điện thoại, H gọi điện, nhắn tin cho S để đòi tiền, nội dung tin nhắn giữa H (Số điện thoại 0964302410) và S (số điện thoại 0913897447) thể hiện việc H và S nhiều lần nhắn tin trao đổi về nội dung H yêu cầu S thanh toán tiền công chặt phá rừng.

Sau khi bị H nhắn tin đòi tiền, ngày 29-5-2015, Phạm Xuân S nhờ Trần Minh T xin số tài khoản của Vũ Trung Đ (là người quen của Đ, S và H) để chuyển tiền, nhờ Vũ Trung Đ trả cho H số tiền 7.000.000 đồng tiền công phá rừng. Sau đó, Vũ Trung Đ thông báo cho H biết và cùng nhau đến rút tiền tại cây ATM trên đường 3/2, thị xã G, tỉnh Đắk Nông.

Đối với số tiền 160.000.000 đồng mà Vũ Đức T đã đưa cho Đ, S và Trần Minh T, Sau khi Đ bị bắt Nguyễn Văn T thường xuyên liên lạc với Trần Minh T để đòi tiền, T báo lại cho S biết, S nói từ từ S sẽ lo để trả. Sau đó, S nói Trần Minh T xin số tài khoản của Nguyễn Văn T để S trả tiền. Trần Minh T gọi điện thoại cho Nguyễn Văn T để xin số tài khoản, sau đó Trần Minh T cung cấp cho S. Ngày 29- 5-2015, S tự ghi và lấy tên Trần Minh T nộp 50.000.000 đồng vào tài khoản của Nguyễn Văn T để trả tiền cho Nguyễn Văn T. Số tiền còn lại đến nay S, Đ vẫn chưa trả đủ cho Nguyễn Văn T.

Trong thời gian Đ bị bắt tạm giam để điều tra, S cùng Trần Minh T và Đặng Thái S (trú tại: thị xã P, tỉnh Bình Phước) là người quen của Đ, xuống nhà của Đ (ở xã S, huyện C, tỉnh Đồng Nai) để gặp động viên ông Hoàng Văn T (bố của Đ) và hứa sẽ lo cho Đ. S nói Đ khai báo nhận tội, có gì S sẽ lo cho giảm án, tin tưởng S nên trong quá trình điều tra trước đó Đ không khai báo về hành vi của S. Đồng thời S gặp và nói với Trần Minh T là phải trốn đi một thời gian, nên T đã bỏ đi khỏi địa phương. Trong khi Đ thi hành án, S nhiều lần gọi điện thoại cho ông T về việc cho tiền để đi thăm Đ, nói chuyện liên quan đến diện tích đất do Đ và Trần Minh T đứng tên, ông T có ghi âm các cuộc nói chuyện và đã nộp cho Cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra xác định diện tích S, Đ và H thuê người khác chặt phá và phát dọn: 25,742ha thuộc khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 và khoảnh 2, 7 tiểu khu 1685 do XNLN Đ quản lý, trong đó có 12,637ha là diện tích rừng phải khoanh nuôi bảo vệ và 13,105ha là diện tích đất được XNLN Đ giao khoán.

Tại bản Kết luận giám định ngày 20-7-2015, xác định diện tích 12,637ha bị chặt phá tại các khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 và khoảnh 2, 7 tiểu khu 1685 thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh núi đất nghèo, mức độ thiệt hại 100%, tổng thiệt hại về rừng là: 337.068.108 đồng.

Vụ thứ 2:

Khoảng đầu năm 2015, S quen biết với Trần Văn T (trú tại: Tổ 6, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông), S nói với Trần Văn T là S được các sếp nhờ bán lô đất đẹp, giá rẻ nên giới thiệu cho Trần Văn T. Sau đó, S dẫn Trần Văn T vào khu rừng tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 thuộc địa giới hành chính xã Đ để xem đất. Trần Văn T quan sát thấy hiện trạng là khu rừng rậm rạp, diện tích khoảng 03 ha, còn có nhiều cây gỗ lớn, xen lẫn là cây bụi và cây thân leo; lô đất có chiều dài khoảng 200m dọc theo mặt đường Quốc lộ 28, chiều sâu vào rừng khoảng 150m. Trần Văn T nói đất đẹp, giáp đường thuận tiện nhưng còn nhiều cây lớn, rừng rậm nên không dám chặt phá. S động viên Trần Văn T là đất của sếp nhờ bán nên không phải lo, nếu có ai ngăn cản thì S chịu trách nhiệm; đồng thời S nói lô đất có giá khoảng 180.000.000 đồng. Nghe S nói vậy thì Trần Văn T đồng ý, tuy nhiên do không có tiền nên Trần Văn T nói với S bán cho người khác đi chứ Trần Văn T không có tiền. S tiếp tục nói với Trần Văn T nếu không đủ tiền thì S với Trần Văn T chung nhau mua, mỗi người một nửa, nhưng giờ S chưa có tiền nên Trần Văn T cứ thế chấp bìa đỏ của Trần Văn T vay tiền để trả cho cả phần của S, tiền lãi thì S chịu. Nghe S nói vậy thì Trần Văn T đồng ý. Ngày 27-01-2015 S dẫn Trần Văn T và chị Nguyễn Thị L (Sinh năm 1975 – là của vợ Trần Văn T) đến Quỹ tín dụng phát triển cây Cao su Đăk Nông để vay 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, Quỹ tín dụng chỉ duyệt cho vay 50.000.000 đồng. Sau khi vay được tiền, Trần Văn T đưa toàn bộ số tiền vay được cho S và cộng với số tiền 11.000.000 đồng Trần Văn T đã đưa cho S trước đó, S viết cho Trần Văn T một giấy nhận tiền thể hiện S nhận của Trần Văn T 61.000.000 đồng để tiến hành các thủ tục mua 03 ha đất tại xã Đ, mỗi bên một nửa với giá đã thỏa thuận, đến lúc nào hoàn thành thủ tục sẽ Nguyễn Văn T toán hết số tiền còn lại. Đến khoảng đầu tháng 02-2015, S nhiều lần thúc giục vợ chồng Trần Văn T giao tiền cho đủ nên ngày 05-02-2015, Trần Văn T và chị L tiếp tục vay của chị Ngô Thị T (Sinh năm: 1977, hộ khẩu thường trú: tổ 6, phường N, thị xã G, tỉnh Đăk Nông - là chị dâu của Trần Văn T) số tiền 100.000.000 đồng rồi đưa cho S. Như vậy, tổng số tiền vợ chồng Trần Văn T đưa cho S là 161.000.000 đồng.

Sau khi đưa tiền cho S đến khoảng nửa đầu tháng 02-2015, S và Trần Văn T thuê Nguyễn Văn D (Sinh năm 1969), Bùi Thị H (Sinh năm: 1980, hộ khẩu thường trú: Đội 7, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; chỗ ở: thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - là người sống với Trần Văn T như vợ chồng), Bế Văn T (Sinh năm: 1998, hộ khẩu thường trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đăk Nông), Đàm Vi V (Sinh năm: 1979, hộ khẩu thường trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đăk Nông) và một số người khác để chặt phá khu rừng trên. Nguyễn Văn D, Trần Văn T, Bùi Thị H sử dụng dao phát (Bùi Thị H sử dụng dao phát 110 cm; cán bằng gỗ dài 86 cm, đường kính 2,5 cm; lưỡi bằng sắt dài 24 cm; Nguyễn Văn D và Trần Văn T sử dụng mỗi người một con dao phát dài khoảng 50 cm; cán bằng gỗ dài khoảng 25 cm, đường kính khoảng 2,5 cm; lưỡi bằng sắt dài khoảng 25 cm), chặt phát những cây gỗ, cây bụi và cây thân leo có đường kính từ 10cm trở xuống; còn một số cây gỗ có đường kính lớn thì chưa chặt phá mà để lại. Chặt phá được khoảng 02 tuần thì S và Trần Văn T bàn bạc làm chòi và chuồng bò, để người làm ở và nuôi bò. S và Trần Văn T nhờ thêm Hoàng Văn Đ, Bế Văn C và Lục Văn C (đã chết) giúp dựng chòi và làm chuồng bò. Trong quá trình dựng chòi và làm chuồng bò, Lục Văn C đã sử dụng cưa xăng (màu vàng cam, lam dài khoảng 60 cm) cắt những cây gỗ (đường kính từ 10 đến 20 cm) thành từng khúc dài khoảng 04m để làm cây ngang, kèo và đòn tay. Tổng số gỗ đã cắt trong khu vực rừng trên là khoảng 50 khúc. Sau khi dựng chòi xong, Trần Văn T mua 02 con bò cho Nguyễn Văn D vừa chăn thả, vừa chặt phá rừng; S cũng thường xuyên vào xem để chỉ đạo Nguyễn Văn D chặt phá rừng, đồng thời S hứa hẹn với Nguyễn Văn D khi nào chặt phá rừng xong sẽ chia cho Nguyễn Văm D 10 mét theo mặt đường để làm nhà ở. Trong quá trình chặt phá rừng, có ông Nguyễn Văn H (Sinh năm: 1966, hộ khẩu thường trú: Bon R’B, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông; Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Q) ra ngăn cản, vì đám đất rừng này ông Đỗ Văn H đang xin chủ trương để làm bãi xử lý rác thải. Thấy vậy S gặp ông Đỗ Văn H rồi đưa sơ đồ cho ông Đỗ Văn H xem và nói diện tích rừng trên là của S. Nghĩ S nói thật nên ông Đỗ Văn H không ngăn cản nữa. Sau đó, S chỉ đạo cho Trần Văn T, Nguyễn Văn D và H tiếp tục chặt phá rừng.

Đến khoảng cuối tháng 4-2015, do thấy lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Hạt kiểm lâm huyện Đ thường xuyên tuần tra, Trần Văn T sợ bị bắt nên không chặt phá diện tích rừng còn lại, đồng thời đòi lại số tiền đã đưa cho S. Cuối tháng 5-2016, S trả lại cho Trần Văn T số tiền 100.000.000 đồng.

Với phương thức, thủ đoạn chặt phá rừng như trên, trong khoảng thời gian hai tháng, S và Trần Văn T đã chỉ đạo những người làm thuê dùng dao phát và cưa xăng để chặt phá được diện tích rừng là 8.404m2. Sau khi các cây rừng đã khô thì S và Trần Văn T chỉ đạo cho Nguyễn Văn D dùng lửa đốt cháy; quá trình đốt, lửa đã cháy vào những cây rừng chưa bị chặt phá làm những cây này chết đứng; chỉ còn lại khoảng 03 % cây rừng do ở xa không bị lửa đốt cháy còn sót lại trên hiện trường.

Căn cứ biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 23-3-2017 của Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm huyện Đ xác định: Tổng diện tích rừng bị hủy hoại là 8.404m2.

Tại bản Kết luận giám định ngày 10-4-2017 và Bản kết luận giám định bổ sung ngày 07-11-2017 của giám định viên tư pháp thuộc Hạt kiểm lâm huyện Đ kết luận: Diện tích 8.404m2 rừng bị chặt phát tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 thuộc rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất.

Về giá trị thiệt hại: Do vụ án xảy ra đã lâu, hiện trường không còn nguyên vẹn, các cây gỗ đã khô mục, một số bị đốt cháy nên không đủ cơ sở để xác định giá trị thiệt hại thực tế đã xảy ra. Tuy nhiên căn cứ Bản kết luận giám định bổ sung số 10/2018/KL-GĐ ngày 20-9-2018 của giám định viên thuộc Hạt kiểm lâm huyện Đ thì có thể xác định được giá trị thiệt hại thấp nhất về tài nguyên rừng trên diện tích 8.404m2 mà S và Trần Văn T đã hủy hoại là 84.539.886 đồng.

Quá trình điều tra, Vũ Việt H đã tự nguyện khắc phục số tiền 5.000.000 đồng; Trần Văn T tự nguyện khắc phục số tiền 3.000.000 đồng.

Vật chứng thu giữ: 01 (Một) con dao phát (dài 110 cm; cán bằng gỗ dài 86 cm, đường kính 2,5 cm; lưỡi bằng sắt dài 24 cm) do Bùi Thị H sử dụng để chặt phá rừng; 01 (Một) Giấy nhận số tiền 61.000.000 đồng giữa Phạm Xuân S và vợ chồng Trần Văn T; đối với 02 (hai) con dao phát (dài khoảng 50 cm; cán bằng gỗ dài 25 cm, đường kính 2,5 cm; lưỡi bằng sắt dài 25 cm) do Trần Văn T và Nguyễn Văn D sử dụng để chặt phát rừng; cưa xăng màu cam, lam dài khoảng 60 cm (sử dụng để cắt hạ cây gỗ trên hiện trường để làm chòi, chuồng bò). Sau khi chặt phá rừng đã bị thất lạc. Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Glong tiến hành xác minh truy tìm nhưng không thu giữ được.

Quá trình giải quyết vụ án:

Đối với vụ việc hủy hoại diện tích rừng 12,637ha:

- Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2016/HSST ngày 28-01-2016, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông đã áp dụng khoản 3 Điều 189, điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Hoàng Văn Đ 07 (Bảy) năm tù về tội hủy hoại rừng; áp dụng khoản 3 Điều 189, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Vũ Việt H 05 (Năm) năm tù về tội Hủy hoại rừng.

- Ngày 02-02-2016, Hoàng Văn Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 286/2016/HSPT ngày 30-6-2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo của Hoàng Văn Đ, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với Hoàng Văn Đ.

- Ngày 14-01-2017 và ngày 12-3-2017, Vũ Việt H và Hoàng Văn Đ gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông tố cáo Phạm Xuân S là người chủ mưu trong vụ án hủy hoại rừng mà Hoàng Văn Đ và Vũ Việt H đã bị xét xử.

- Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 27/2017/HS-GĐT ngày 11-12-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 286/2016/HS-PT ngày 30-6-2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2016/HSST ngày 28-01-2016, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với vụ việc hủy hoại diện tích rừng 8.404m2:

- Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2018/HSST ngày 05-4-2018, Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đã căn cứ khoản 1 Điều 189, các điểm b, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Trần Văn T 07 (Bảy) tháng tù về tội hủy hoại rừng; căn cứ khoản 1 Điều 189, điểm s khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Trần Văn T 09 (Chín) tháng tù về tội hủy hoại rừng.

- Ngày 19-4-2018 bị cáo Phạm Xuân S kháng cáo kêu oan.

- Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 61/2018/HS-PT ngày 17-8-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông đã hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2018/HSST ngày 05-4-2018, Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong về phần trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, án phí hình sự sở thẩm và án phí dân sự sơ thẩm đối với Phạm Xuân S, trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm đối với Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H để điều tra lại. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glong giải quyết theo thủ tục chung.

- Tại Quyết định nhập vụ án hình sự số 01/QĐ-VKS-P3 ngày 31-10-2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông đã nhập vụ án hình sự số 02 ngày 07 -3- 2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông và vụ án số 33 ngày 20-4-2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glong.

Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2018/HSST ngày 12-12-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đã quyết định:

1. Tuyên bố: Các bị cáo Phạm Xuân S, Hoàng Văn Đ, Vũ Việt H phạm tội "Hủy hoại rừng".

1.1. Áp dụng khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 243 ; điểm v khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Xuân S 07 (Bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 16-3-2017.

1.3 Áp dụng khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 243; các điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Vũ Việt H 03 (Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ là ngày 13-6- 2015 Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm hình sự đối với bị án Hoàng Văn Đ, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.

Ngày 24-12-2018, bị cáo Vũ Việt H kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm để minh oan cho bị cáo.

Ngày 26-12-2018, bị cáo Phạm Xuân S kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả tự do và xem xét giải quyết oan sai cho bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Xuân S vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; bị cáo Vũ Việt H có đơn xin rút đơn kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, Sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Vũ Việt H; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Xuân S, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2018/HSST ngày 12-12- 2018 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đối với bị cáo Phạm Xuân S.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân S trình bày:

Luật sư Hoàng Văn H Sau khi trình bày luận cứ bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án, đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị cáo tại ngoại.

Luật sư Thái Văn C Sau khi trình bày luận cứ bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ vụ án vì cho rằng chứng cứ buộc tội đối với bị cáo còn nhiều mâu thuẫn. Ngoài ra, Luật sư Thái Văn C đồng ý với bản luận cứ bào chữa của Luật sư Hoàng Văn H.

Luật sư Trần Đình T trình bày: Việc nhập vụ án hủy hoại 12,637ha rừng để xét xử cùng với vụ án hủy hoại 8.404m2 là không đúng; Theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trước khi chuyển hồ sơ vụ án thì Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nhưng Viện kiểm sát chưa thực hiện nội dung trên; Việc định giá không đúng quy định; Một hành vi bị xử lý 02 lần, cụ thể: Đã có kết luận của Bộ công an, Công an tỉnh Đăk Nông nhưng lại có kết luận điều tra trong khi kết luận của Bộ công an chưa bị hủy bỏ; Cần làm rõ khái niệm rừng nghèo là gì? Bị cáo Phạm Xuân S không chỉ đạo việc phá rừng; Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại và thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo được tại ngoại.

Bị cáo Phạm Xuân S trình bày tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử điều tra, xác minh lại vụ án; hủy bản án sơ thẩm và trả tự do cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa bị cáo Vũ Việt H rút đơn kháng cáo, xét thấy việc rút đơn kháng cáo của bị cáo Vũ Việt H là hoàn toàn tự nguyện và không trái pháp luật nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Vũ Việt H theo quy định tại Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Xuân S, trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Đối với vụ việc hủy hoại diện tích rừng 12,637ha:

Theo lời khai của bị án Hoàng Văn Đ và bị cáo Vũ Việt H và những người làm chứng Trần Minh T, Lê Tuấn K, Phạm Quốc Đ, Nguyễn Chí Đ, Khổng Văn Đ, Vũ Đức T, Nguyễn Văn T, Vũ Trung Đ (từ bút lục số 1158 đến bút lục số 1411) đã xác định: Từ mối quan hệ quen biết với Phạm Xuân S, Hoàng Văn Đ được S rủ đến Đắk Nông để trông coi, quản lý đất rừng S dự định nhận giao khoán, sau đó Đ rủ thêm Trần Minh T cùng làm. S giao cho Đ thuê người chặt phát diện tích đất rừng được giao khoán để trồng keo, Sau khi trồng được khoảng 10ha trong H năm 2013 và 2014. Đến ngày 19 và 20-10-2014, Đ và T được S nhờ đứng tên trong 02 hợp đồng huy động vốn trồng rừng với tổng diện tích 28,406ha tại khoảnh 2, 7 tiểu khu 1685 và khoản 1, 3 tiểu khu 1697 do XNLN Đ quản lý (hiện nay do UBND huyện Đ quản lý). Khi Vũ Đức T thỏa thuận với S về việc thuê đất để trồng khoai với diện tích khoảng 30ha, S đồng ý và chỉ đạo cho Đ chặt phát sang phần diện tích rừng phải khoanh nuôi bảo vệ liền kề để lấy đất giao cho Nguyễn Văn T. Từ ngày 11-01-2015 đến ngày 08-2-2015, Đ thuê Vũ Việt H và một số người khác chặt và phát dọn được 25,742ha thuộc khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 và khoảnh 2, 7 tiểu khu 1685 do XNLN Đ quản lý (nay là UBND huyện Đ quản lý), trong đó có 12,637ha là diện tích rừng phải khoanh nuôi bảo vệ và 13,105ha là diện tích đất được XNLN Đ giao khoán.

Quá trình Nguyễn Văn T liên hệ thuê 30ha đất trồng khoai lang, lời khai của Nguyễn Văn T, Hoàng Văn Đ xác định: Nguyễn Văn T gọi điện liên hệ với S để thuê đất. S nói Nguyễn Văn T làm việc với Đ. Đ hỏi ý kiến S về giá cho thuê, diện tích... S đồng ý cho thuê 8triệu/ha/năm và chỉ đạo Đ thuê người phát dọn, làm sạch để giao đất cho Nguyễn Văn T. Thời điểm ký hợp đồng có mặt S, khi Nguyễn Văn T đặc cọc 60 triệu, Đ đưa cho S. S cầm tiền để vào cặp và nói Đ đi ra nhà S. Tại nhà S, S đưa lại cho Đ 40 triệu để lo việc phát dọn. S nói với Đ “khu vực đã trồng keo thì để nguyên, từ chỗ chưa trồng keo kéo xuống dưới cứ thế mà phát(Bút lục (viết tắt là BL) 1239). Đ thường xuyên báo cáo và được S đồng ý việc thuê người, phát dọn mở rộng thêm diện tích để giao cho Nguyễn Văn T. S cũng vài lần vào xem hiện trường nơi Đ thuê H phát dọn và dặn Đ nếu có ai kiểm tra thì đưa hồ sơ cho xem, nếu có rắc rối thì gọi điện báo S xử lý (BL 1239). Khi thiếu tiền để trả cho H, S gọi điện, chỉ đạo Đ 2 lần ứng thêm tiền của Nguyễn Văn T trả tiền công phát dọn. Khi vụ việc bị phát hiện, S gửi 50 triệu trả lại cho Nguyễn Văn T qua tài khoản ngân hàng BIDV, ghi tên người gửi là Trần Minh T (đã được giám định chữ viết) - BL 1345 – 1346 (Lời khai của ông Vũ Đức T).

Quá trình Đ nhận chỉ đạo của S rồi thuê Vũ Việt H, Vũ Đức T phát dọn rừng: Lời khai Hoàng Văn Đ, Vũ Việt H, Vũ Đức T thể hiện: Đ thuê H phát dọn với giá 3tr/ha, diện tích phát khoảng 30ha. Đ có cho H xem 02 cuốn sổ giao khoán với diện tích 54ha và dẫn H đi xem, chỉ ranh giới đất để phát dọn. Đ chỉ luôn cả phần đất được giao khoán và diện tích rừng phải khoanh nuôi, bảo vệ liền kề. H hỏi thì Đ nói đã "lo" hết, cứ phát dọn, có gì Đ chịu trách nhiệm. Sau khi thuê H, Đ gọi báo cáo và được S đồng ý. S chỉ đạo Đ Sau khi phát dọn thì gom cây đốt sạch để bàn giao đất cho Nguyễn Văn T. Thỉnh thoảng S cũng vào xem hiện trường và dặn Đ tiếp tục quản lý đất cũng như việc phát dọn, nếu có ai kiểm tra thì đưa hồ sơ dự án cho xem, nếu có rắc rối thì gọi S xử lý. Quá trình Đ, H phát dọn, có 03 lần bị lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Xí nghiệp Đ phát hiện, ngăn cản. Trong đó, có 02 lần Đ đưa hồ sơ dự án ra thì được bỏ qua (những lần này Đ đều gọi báo cho S và nghe S nói S đã nói chuyện với K). Lần thứ 03 (khoảng sau tết âm lịch 2015), nhóm H đang phát dọn thì lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Xí nghiệp Đ gồm Ngô Văn C, Cao Sỹ L, Nguyễn Văn C ngăn cản, đòi thu dao phát. H gọi điện cho Đ mang hồ sơ dự án ra nhưng Ngô Văn C, Cao Sỹ L, Nguyễn Văn C vẫn không chịu nên Đ gọi điện thông báo cho S. S nói để S gọi cho K, sau đó, Nguyễn Văn C gọi nói chuyện với S rồi nhóm Ngô Văn C, Cao Sỹ L, Nguyễn Văn C bỏ đi (Lời khai của Đ phù hợp với lời khai của H, Nguyễn Văn C). Sau lần này, S nói Đ thuê nhóm H phát dọn vào buổi S sớm và chiều tối để tránh bị phát hiện nhưng H từ chối vì H thuê người trả công theo ngày. Thời điểm này, Nguyễn Văn T liên tục gọi điện cho Đ đòi giao đất, Đ gọi điện cho S thì được S chỉ đạo thuê thêm người nên Đ thuê nhóm Vũ Đức T để thu dọn phần diện tích rừng nhóm H đã phát, giá thuê 3tr/ha.

Về việc trả tiền thuê chặt và phát dọn rừng: Lời khai của Hoàng Văn Đ thể hiện: Khi nhóm H đã phát được khoảng 30ha rừng, H đòi tiền công nên Đ gọi báo cho S thì S chỉ đạo Đ tiếp tục ứng tiền của Nguyễn Văn T để trả cho H. Trước Tết 2015, Đ đã trả cho H là hơn 50 triệu (trích trong số tiền 40 triệu S đưa Sau khi ký hợp đồng và tiền Đ ứng từ Nguyễn Văn T). Sau tết, nhóm H tiếp tục phát dọn, Đ còn nợ H khoảng hơn 30 triệu. Khi sự việc bị phát hiện, H và Nguyễn Văn T gọi điện đòi tiền công và đòi giao đất nên Đ gọi báo lại để S giải quyết. Khoảng 02 ngày sau, S đưa cho Đ 15 triệu, Đ trả H 8 triệu. Khi Đ bị bắt, H gọi điện, nhắn tin cho S để đòi tiền. S đã trả cho H 7 triệu qua số tài khoản của Vũ Trung Đ (BL 879, 894, 895), phù hợp với lời khai của Vũ Trung Đ (BL 1324 - 1325, 1333).

Nội dung S nhờ Đ nhận tội thay để S ở bên ngoài lo giảm án, giữ đất, giữ dự án: Khi nhóm Đ, H bị phát hiện, lập biên bản, S dặn Đ nếu có ai hỏi thì trả lời đã nhận được thông báo của Xí nghiệp Đ về việc tạm ngừng dự án. Sau đó, S đưa cho Đ tờ trình xin tiếp tục dự án (đơn ghi tháng 11-2014) để Đ và T ký nộp nhằm tránh trách nhiệm cho S và K. Đ khai S dặn Đ nếu bị Cơ quan chức năng gọi lên làm việc thì cứ nhận hết mọi việc là do Đ thực hiện, từ nhận giao khoán, thuê người trồng keo, thuê người phát dọn rừng để cho Nguyễn Văn T thuê đất; đừng khai ra S để S ở ngoài lo liệu và giữ đất, giữ dự án. Nếu Cơ quan điều tra hỏi và xác minh diện tích rừng đã thuê H phát nếu có vi phạm nằm ngoài hợp đồng giao khoán thì nói là do Đ chỉ nhầm vì H phần diện tích này giống nhau (BL 1243 - 1244). S liên lạc với bố của Đ là Hoàng Văn T để động viên ông T, hứa sẽ chịu trách nhiệm, lo giảm án cho Đ và cho tiền ông T để đi thăm Đ (kèm file ghi âm).

Thực trạng rừng tại thời điểm bị huỷ hoại:

- Theo Quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 02-12-2013 của UBND tỉnh Đăk Nông "v/v phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng tỉnh Đăk Nông" thì khoảnh 1,3 tiểu khu 1697 và khoảnh 1, 2, 5,7 tiểu khu 1685 là rừng sản xuất.

- Căn cứ vào bản đồ kiểm kê rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt, công bố tại Quyết định số 67 ngày 14-01-2015 thì hiện trạng trên diện tích 25,742ha này là rừng thường xanh nghèo kiệt.

- Báo cáo số 201 ngày 30-6-2014 của công ty T Sau khi khảo sát 84.022ha tại khoảnh 1, 2, 5, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 xác định trong tổng số 84.022ha đã khảo sát có 39.453ha rừng tự nhiên (Trong đó: Rừng trung bình: 7,807ha; rừng nghèo: 31.646ha).

- Lời khai của các hộ dân có rẫy liền kề khu vực bị huỷ hoại: Thời điểm 2012 - 2014, tại khoảnh 1, 2, 5, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1,3 tiểu khu 1697 cây rừng tự nhiên còn sinh sống bình thường, chủ yếu là cây gỗ có đường kính 20cm trở xuống, thưa thớt mới có cây trên 20cm, mật độ cây không dày, chủ yếu là gỗ tạp. Rải rác có một số hộ dân lấn chiếm đất và đã xâm canh cà phê, tiêu, cao su; một số khu vực nhỏ trong khu vực là đất trống và đất xấu không có rừng (BL 1415, 1429 – 1435, 1438 – 1439, 1441 – 1442, 1445).

- Làm việc với Lãnh đạo và cán bộ quản lý bảo vệ rừng Xí nghiệp Đ, trạm kiểm lâm địa bàn xã Q, xã Đ xác nhận: Trong thời gian tháng 5-2013 đến tháng 12- 2014 tại khu vực khoảnh 1,2,5,7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1,3 tiểu khu 1697 không phát hiện hay xử lý vụ việc nào vi phạm quy định về khai thác và vận chuyển lâm sản ngoài 03 lần phát hiện Đ và người làm của Đ chặt phát rừng và trồng keo.

Tại bản Kết luận giám định ngày 20-7-2015, xác định diện tích 12,637ha bị hủy hoại là rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh núi đất nghèo, mức độ thiệt hại 100%, tổng thiệt hại về rừng là 337.068.108 đồng. Vì vậy, mặc dù, suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo Phạm Xuân S không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, song theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của những người tham gia tố tụng nêu trên, lời khai của Hoàng Văn Đ và Vũ Việt H đã có đủ cơ sở để kết luật các bị cáo Phạm Xuân S, Hoàng Văn Đ và Vũ Việt H phạm tội "Hủy hoại rừng" theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó bị cáo S là người chủ mưu, Đ và H là người thực hành và giúp sức. Đối với Trần Minh T, Nguyễn Đình N, Nguyễn Minh S, Lê Tuấn K và một số người khác do không chứng minh được có hành vi hủy hoại rừng, hoặc là người đi làm thuê, thực hiện chặt phá rừng theo sự chỉ đạo và không xác định được cụ thể diện tích rừng bị hủy hoại hoặc không chứng minh được có đồng phạm với các bị cáo trong việc hủy hoại rừng nên cấp sơ thẩm không xử lý trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Đối với bị cáo Vũ Việt H, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Bản án Hình sự sơ thẩm số 10/2016/HSST ngày 28-1-2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xử phạt bị cáo 05 năm tù về tội Hủy hoại rừng, bị cáo không kháng cáo, bản án đã có hiệu lực pháp luật đối với bị cáo, hành vi hủy hoại rừng bị bắt quả tang khi đang đốt dọn. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 27/2017/HS-GĐT ngày 11-12-2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hoàng Văn Đ và Vũ Việt H về tội hủy hoại rừng là có căn cứ, đúng pháp luật”. Lý do Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm là để xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phạm Xuân S với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu.

Đối với Phạm Xuân S, Quyết định Giám đốc thẩm số 27/2017/HS-GĐT ngày 11-12-2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng nhận định: “có đủ căn cứ để xác định Phạm Xuân S là người chủ mưu, chỉ đạo việc chặt phá rừng. S bỏ tiền để Hoàng Văn Đ thuê Vũ Việt H chặt phá 25,742 ha đất rừng do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý, trong đó 12,637 ha là diện tích rừng phải khoanh nuôi bảo vệ, tổng thiệt hại về rừng là 337.068.108đ”. Như vậy hành vi hủy hoại diện tích rừng 12,637ha và thiệt hại về rừng 337.068.108đ, trách nhiệm hình sự, dân sự, qua các bản án xét xử đều có căn cứ, việc hủy bản án để xét xử lại để tránh bỏ lọt người phạm tội và làm rõ vai trò của các bị cáo trong đó truy cứu trách nhiệm hình sự thêm bị cáo Phạm Xuân S với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu.

[2]. Đối với vụ việc hủy hoại diện tích rừng 8.404m2: Theo lời khai của Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H xác định: Đầu năm 2015, từ mối quan hệ quen biết với nhau từ trước, S rủ Trần Văn T cùng mua chung diện tích đất rừng khoảng 03ha tại vị trí đối diện xưởng cưa T thuộc xã Đ; vợ chồng ông Trần Văn T đã giao cho S 161.000.000 đồng; Sau khi được S chỉ đất, Trần Văn T và S thống nhất thuê người chặt phá và phát dọn để lấy đất sản xuất; Trần Văn T thuê Nguyễn Văn D làm công theo năm và giao cho Nguyễn Văn D chặt phá và phát dọn đối với diện tích đất có rừng S đã chỉ; trong thời gian chặt phá, phát dọn, Nguyễn Văn D được S và Trần Văn T trực tiếp chỉ đạo chặt phát những cây có đường kính khoảng từ 10cm trở xuống, Nguyễn Văn D có thuê thêm Bùi Thị H cùng phát dọn. Trong khoảng thời gian hai tháng, Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H đã dùng dao chặt phá được diện tích rừng là 8.404m2, trong đó diện tích rừng Nguyễn Văn D tham gia chặt phát được xác định là 4.757m2, Bùi Thị H tham gia chặt phát được xác định là 1.526m2. Lời khai của những người làm chứng Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C thừa nhận hiện trạng rừng tại thời điểm tháng 3-2015 là rừng rậm rạp, chủ yếu là cây rừng đường kính dưới 20cm, cây bụi, dây leo, rải rác một số cây 20 – 40cm, cao 10 – 15m; tại hiện trường có các gốc cây đường kính 20 – 40cm đã bị cưa hạ từ trước bằng cưa xăng. Sau khi thống nhất việc mua đất chung, Trần Văn T – S thuê Nguyễn Văn D, Bùi Thị H, Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C phát dọn trên diện tích đất S chỉ. Quá trình phát dọn, các đối tượng dùng dao phát những cây gỗ có đường kính dưới 10cm, cây bụi, cây gai rồi gom đốt (làm những cây lớn bên cạnh bị cháy, một số cây chết khô). Sau đó, dựng lán gỗ, làm chuồng bò, trồng mì, cà phê trên diện tích đất đã được phát dọn (quá trình làm lán gỗ, S cung cấp đinh, tôn, búa để làm lán;Phạm gọi Hoàng Văn Đ chở cây gỗ, mang cưa xăng từ lán của Đ sang và phụ giúp dựng lán;). Ngoài ra, Nguyễn Văn D, Trần Văn T, Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C còn khai nhận việc gom những cây đã bị cưa hạ từ trước tại hiện trường, cắt thành trụ tiêu rồi bán cho ông Lê T, bà Tôn Nữ Kim L (thể hiện tại các bút lục số 1022-1025; 1028- 1029; 1046-1049; 1050-1053; 1062-1065; 1086 - 1087).

Lời khai của Nguyển Thị L (vợ Trần Văn T): Chị Nguyển Thị L nghe Trần Văn T nói về việc chung tiền với S để mua 03 hecta đất tại khu vực xã Đ. Chị Nguyển Thị L đã 03 lần gặp, đưa tiền cho S với tổng số tiền 161.000.000 đồng. S có viết 02 giấy nhận tiền: 01 giấy nhận 61.000.000 đồng; 01 giấy nhận 161.000.000 đồng (viết xong thì lấy lại giấy trước).

Lời khai của ông Nguyễn Văn D, chị Bùi Thị H thể hiện trong quá trình chặt phát cây, ông Nguyễn Văn D có 02 lần gặp S, chị Hà 01 lần gặp S tại hiện trường và được S chỉ đạo, hướng dẫn việc chặt phát cây rừng. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn D còn trình bày việc S, Trần Văn T hứa cho ông Nguyễn Văn D 10m đất mặt đường Sau khi phát dọn xong.

Lời khai của bị án Hoàng Văn Đ thể hiện: S có nói cho anh Đ biết S và Trần Văn T đang chiếm khu rừng đối diện xưởng cưa Thái Thịnh. Đồng thời, khi có tranh chấp với ông Nguyễn H, S nhờ Đ tới giải quyết; khi Trần Văn T chở cây về dựng lán, chuồng bò, S gọi Đ sang giúp nhưng lúc này Đ đang bận nên có cho Lục Văn C (là người làm công cho Đ) sang giúp Trần Văn T.

Lời khai của ông Nguyễn H – Giám đốc công ty Q: Phần đất S và Trần Văn T thuê người chặt phát là giáp ranh với đất của công ty Q đang trình UBND tỉnh xin làm dự án. Khi thấy ông Nguyễn Văn D, chị Hà chặt phát cây, ông Nguyễn H sang ngăn cản thì gặp S. Sau đó, S tới gặp ông Nguyễn H, đưa cho ông Nguyễn H xem 01 tấm bản đồ thể hiện khu vực đang chặt phát không thuộc diện tích đất của công ty, tạo điều kiện cho Nguyễn Văn D, Bùi Thị H tiếp tục chặt phát rừng.

Đối với vụ việc hủy hoại diện tích rừng 8.404m2, trong quá trình điều tra hồ sơ vụ án vẫn còn có những vi phạm, sai sót như: Quyết định khởi tố vụ án có nêu căn cứ báo cáo của UBND xã Đ nhưng hồ sơ vụ án không có; lời khai của những người tham gia chặt phát rừng, người làm chứng có sự mâu thuẫn về một số tình tiết nhưng chưa được làm rõ; Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xác minh hiện trường ghi lập tại lô 3, khoảnh 1 tiểu khu 1697 nhưng trên thực tế được lập cách hiện trường 10km nhưng không nêu rõ lí do; kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường và ký tên trong biên bản nhưng chưa được ghi tên; quyết định nhập vụ án không được gửi cho bị cáo và luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và một số vi phạm khác. Vì vậy, quan điểm của Luật sư bào chữa và bị cáo S về những vi phạm về thủ tục tố tụng là có căn cứ. Tuy nhiên, những người tham gia khám nghiệm hiện trường, xác minh hiện trường khai nhận đều có mặt tại hiện trường với đầy đủ các thành phần theo biên bản, số liệu thể hiện trong biên bản được đo bằng máy định vị, được ghi lại sau đó về trụ sở Trạm kiểm lâm để in sơ đồ và lập biên bản. Các vi phạm trên không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không ảnh hưởng đến việc giải quyết nội dung vụ án. Hơn nữa, vụ việc hủy hoại diện tích rừng 8.404m2 đã hủy để điều tra lại.

Kết quả điều tra lại các nội dung theo Bản án phúc thẩm số 61/2018/HS-ST ngày 17-8-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông đã xác định được:

Về Kết luận giám định (BL 926 - 928):

- Về xác định là rừng, trạng thái và loại rừng: Diện tích rừng 8.804m2 bị huỷ hoại tại thời điểm tháng 3-2015 thuộc lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 do công ty G quản lý, có hiện trạng là rừng tự nhiên, trạng thái rừng là rừng tự nhiên thường xanh trung bình.

- Về xác định khối lượng và giá trị đối với khối lượng gỗ bị cắt bằng cưa:

+ Do vụ vi phạm xảy ra đã lâu, hiện trường không còn nguyên vẹn, một số gốc cây gỗ đã mục, một số khác đã bị đốt cháy hết, có một phần diện tích đã bị tác động Đ bới mất gốc nên Giám định viên không có cơ sở, dữ liệu thực tế cũng như áp dụng các quy định pháp luật để đo đếm, bóc tách các cây gỗ bị cắt hạ bằng cưa để xác định khối lượng thực tế trên diện tích rừng bị huỷ hoại nhằm tính gái trị thiệt hại theo nội dung yêu cầu giám định.

+ Căn cứ hiện trạng rừng được xác định theo Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 14-01-2015 và Quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 02-12-2013 của UBND tỉnh Đăk Nông và trữ lượng thực tế theo hồ sơ kiểm kê rừng năm 2014 thì lô rừng này có trữ lượng 113,4m3/ha.

- Về giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng đối với cây bụi, cây thân leo và cây gỗ bị chặt bằng dao:

+ Do vụ vi phạm xảy ra đã lâu, hiện trường không còn nguyên vẹn, một số gốc cây gỗ đã mục, một số khác đã bị đốt cháy hết, có một phần diện tích đã bị tác động đào bới, một phần diện tích đã có cây bụi, thân leo mọc lại và cây gỗ tái sinh chồi nên Giám định viên không có cơ sở để đo đếm, xác định lượng cây bị chặt phá bằng dao để tính giá trị thiệt hại theo nội dung yêu cầu giám định. Do đó, áp dụng phương pháp tính giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng đối với loại rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh trung bình, mức độ thiệt hại 100% theo Quyết định số 1578/QĐ-UBND ngày 04-10-2013 của UBND tỉnh, Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10-6-2009 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn để xác định, đối chiếu với các Bản Kết luận giám định trước. Kết quả:

· Giá trị thiệt hại thấp nhất về tài nguyên rừng là: 84.539.886đ;

· Giá trị thiệt hại cao nhất về tài nguyên rừng là: 158.460.319đ.

Cấp sơ thẩm áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, xác định và sử dụng Giá trị thiệt hại thấp nhất về tài nguyên rừng là: 84.539.886đ để xác định trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là phù hợp, đúng quy định.

Về Kết quả làm việc, xác minh tại các cơ quan chức năng xác định:

- Tiến hành lồng ghép bản đồ diện tích 8.804m2 rừng bị chặt phá với bản đồ kèm theo Quyết định số 67 của UBND tỉnh và toạ độ bản đồ phúc tra hiện trạng rừng theo báo cáo 201 của Công ty T xác định: diện tích 8.804m2 rừng bị chặt phá nằm ngoài diện tích rừng Công ty T phúc tra, khảo sát. Đồng thời, công ty T chỉ khảo sát một phần nhỏ của khoảnh 1 tiểu khu 1697, chưa khảo sát trên diện tích 8.804m2 rừng có toạ độ trên. Khoảng cách từ vị trí rừng bị phá có diện tích 8.804m2 đến vị trí xác minh hiện trạng rừng của công ty T là trên 680m (BL 1000 - 1004). Diện tích 8.804m2 rừng bị chặt phá nằm ngoài hiện trường vụ án huỷ hoại rừng do Công an tỉnh Đăk Nông khởi tố đối với diện tích 12.637ha thuộc khoảnh 2, 7 tiểu khu 1685 và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 (BL 961).

- Tại thời điểm kiểm kê năm 2014, diện tích rừng tại lô 3 khoảnh 1, tiểu khu 1697 có diện tích 9.59ha, trong đó: Rừng thường xanh trung bình là 7.78ha; rừng thường xanh nghèo là 1.81ha (BL 1005).

- Đối chiếu toạ độ diện tích 8.804m2 rừng bị chặt phá với bản đồ kèm theo Quyết định số 67 xác định hiện trạng rừng bị phá là rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh trung bình (BL 1006).

- Từ năm 2006 đến năm 2014, Xí nghiệp Đ, Công ty G, Hạt kiểm lâm huyện Đ không thiết kế khai thác hay phát dọn tại khu vực có toạ độ khoanh vùng diện tích 8.804m2 rừng bị chặt phá; không phát hiện vụ việc phá rừng tại địa điểm nêu trên (BL 1007 - 1008).

Về Kết quả làm việc với Nguyễn Văn D, Trần Văn T, Bùi Thị H, Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C:

- Kết quả thực nghiệm hiện trường: Nguyễn Văn D, Trần Văn T, Bùi Thị H đã sử dụng dao phát diễn tả lại hành động chặt phát, thu gom, đốt cây rừng trên diện tích do chính từng người xác định bằng máy định vị. Kết quả trùng khớp với diện tích rừng bị huỷ hoại đã xác định trong quá trình điều tra (BL 966-991).

- Lời khai của Nguyễn Văn D, Trần Văn T, Bùi Thị H, Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C: thừa nhận hiện trạng rừng tại thời điểm tháng 3-2015 là rừng rậm rạp, chủ yếu là cây rừng đường kính dưới 20cm, cây bụi, dây leo, rải rác một số cây 20 – 40cm, cao 10 – 15m; tại hiện trường có các gốc cây đường kính 20 – 40cm đã bị cưa hạ từ trước bằng cưa xăng. Sau khi thống nhất việc mua đất chung, Trần Văn T – S thuê Nguyễn Văn D, Bùi Thị H, Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C phát dọn trên diện tích đất S chỉ. Quá trình phát dọn, các đối tượng dùng dao phát những cây gỗ có đường kính dưới 10cm, cây bụi, cây gai rồi gom đốt (làm những cây lớn bên cạnh bị cháy, một số cây chết khô). Sau đó, dựng lán gỗ, làm chuồng bò, trồng mì, cà phê trên diện tích đất đã được phát dọn (quá trình làm lán gỗ, S cung cấp đinh, tôn, búa để làm lán;Phạm Xuân S gọi Hoàng Văn Đ chở cây gỗ, mang cưa xăng từ lán của Đ sang và phụ giúp dựng lán;). Ngoài ra, Nguyễn Văn D, Trần Văn T, Bế Văn C, Bế Anh T, Lại Xuân T, Đàm Vi V, Nông Văn T, Lã Vi C còn khai nhận việc gom những cây đã bị cưa hạ từ trước tại hiện trường, cắt thành trụ tiêu rồi bán cho ông Lê T, bà Tôn Nữ Kim L (BL 1022-1025; 1028-1029; 1046-1049; 1050-1053; 1062-1065; 1086 - 1087).

Theo kết luận giám định xác định, diện tích 8.404m2 rừng bị chặt phát tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 thuộc rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất do XNLN Đ quản lý (nay là UBND huyện Đ quản lý); giá trị thiệt hại thấp nhất là 84.539.886 đồng.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận hành vi của bị cáo Phạm Xuân S phạm tội "Hủy hoại rừng" theo khoản 1 Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đối với hành vi của Nguyễn Văn D, Bùi Thị H, Bế Văn T, Đàm Vi V và một số người khác có tham gia trong quá trình chặt phá rừng nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không phạm tội. Hành vi của Trần Văn T đã được xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật nên không xem xét lại.

[3]. Bị cáo Phạm Xuân S và các Luật sư cho rằng vị trí các diện tích được khám nghiệm hiện trường và theo sơ đồ không còn là rừng. Tuy nhiên, theo biên bản xác minh ngày 15-9-2017, Hạt kiểm lâm huyện Đ xác định cuối năm 2014, diện tích 8.404m2 mà S và Trần Văn T chặt phá là rừng tự nhiên, núi đất, lá rộng, thường xanh trung bình; tại thời điểm S chỉ vị trí đất cho Trần Văn T và thời điểm Nguyễn Văn D chặt phát thì trên đất có cây bụi, cây dây leo, cây gỗ có đường kính khoảng dưới 10cm và một số cây gỗ lớn. Bùi Thị H khai tại thời điểm tham gia chặt phá thấy cây có đường kính khoảng 10cm, cây bụi và cây dây leo; theo biên bản làm việc với công ty T trong quá trình điều tra lại đã xác định vị trí 0,9ha trong báo cáo phúc tra số 201 không phải vị trí của 8.404m2 rừng bị hủy hoại (có lồng ghép bản đồ). Đối với diện tích rừng bị hủy hoại 12,637ha, theo kết quả điều tra và điều tra lại xác định vị trí diện tích rừng 12,637ha bị hủy hoại không nằm trong diện tích giao theo hợp đồng huy động vốn trồng rừng mà Đ và T đã ký kết; theo kết luận giám định và các tài liệu, chứng cứ khác thể hiện 12,637ha là rừng phải khoanh nuôi bảo vệ. Tại các bút lục số 227, 224, 225, 243, 244, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh các tọa độ, vị trí mà Chi cục kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra. Tại các bút lục nêu trên, cơ quan điều tra đã yêu cầu Chi cục kiểm lâm xác minh 146 tọa độ vị trí trong vụ án 12,637ha là rừng gì, trạng thái rừng ra sao và được cung cấp là rừng thường xanh kiệt, 146 tọa độ vị trí này chưa được Chi cục kiểm lâm kiểm tra ngày 18-11-2014. Báo cáo của Chi cục kiểm lâm có xác định trước đó ở các khoảnh 1,3 tiểu khu 1697, khoảnh 2,7 tiểu khu 1685 có xảy ra phá rừng nhưng một khoảnh của một tiểu khu diện tích rất rộng, không thể hiện có phá rừng trắng các khoảnh trong tiểu khu.

Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Quyết định số 627/QĐ-UBND ngày 21-5-2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông tạm thu hồi của Công ty G 175ha và tạm giao cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Nông quản lý, bảo vệ. Thời hạn tạm giao là đến hết ngày 30-10-2008. Sau khi hết thời hạn tạm giao Ban chỉ huy quân sự tỉnh có văn bản xin nhận diện tích để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, cho đến nay UBND tỉnh chưa có quyết định thu hồi diện tích trên của Công ty G để giao cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh nên thẩm quyền giải quyết vụ án là của Tòa án nhân dân vì chủ rừng vẫn do Công ty G đứng tên chủ sở hữu (BL 187, 215, 244). Về việc nhập vụ án: Bị cáo Phạm Xuân S phạm tội nhiều lần, do vậy việc nhập vụ án là theo hướng có lợi cho bị cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 236, điểm b khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc giám định, cử người giám định phù hợp với các khoản 1, 2, 4, 5, 6 Điều 2, khoản 1 Điều 7 và Điều 21 Luật giám định tư pháp.

Theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố và chuyển hồ sơ vụ án để Tòa án cấp dưới xét xử theo thẩm quyền. Chậm nhất là hai tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án chứ không phải tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án.

Đối với quan điểm của Luật sư và bị cáo cho rằng một nội dung được giải quyết 02 lần là không có căn cứ, bởi lẽ quá trình điều tra, truy tố, xét xử trước đây Hoàng Văn Đ khai nhận Đ là người chủ mưu việc phá rừng, không khai ra hành vi phạm tội của Phạm Xuân S nên các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để xử lý đối với Phạm Xuân S. Đến ngày 14-01-2017 và ngày 12-3-2017 Hoàng Văn Đ và Vũ Việt H có đơn tố cáo hành vi phạm tội của S và khai báo toàn bộ nội dung sự việc. Lời khai của Đ và H phù hợp với lời khai của những người biết sự việc, những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được (file ghi âm, nội dung tin nhắn, giám định chữ ký, chữ viết). Do đó, có căn cứ xác định Phạm Xuân S là người chủ mưu, chỉ đạo trong việc chặt phá rừng.

Do đó, quan điểm của các Luật sư và bị cáo trình bày là không có căn cứ.

[4]. Từ những phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Phạm Xuân S và các Luật sư, có căn cứ chấp nhận đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát; hành vi của bị cáo Phạm Xuân S đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Mức hình phạt về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là tương đương với mức hình phạt về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng quy định tại Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi hơn cho bị cáo. Do vậy, Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2018/HSST ngày 12-12-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đã xét xử bị cáo Phạm Xuân S về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Xét thấy các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo là có căn cứ, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Xuân S không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì thêm. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 62/2018/HSST ngày 12-12-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông đối với bị cáo Phạm Xuân S.

[5]. Về xử lý vật chứng: Đối với vật chứng trong vụ việc diện tích rừng bị hủy hoại 8,404m2, gồm: 01 giấy nhận tiền ngày 27-01-2015 (Có nội dung S nhận 61.000.000 đồng) là tài liệu giám định nên lưu giữ trong hồ sơ vụ án. Đối với 01 con dao phát là công cụ phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên Tòa án cấp sơ thẩm tịch thu tiêu hủy là có căn cứ.

Đối với vật chứng trong vụ việc diện tích rừng bị hủy hoại 12,637ha: Do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ đã xử lý sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật nên không xem xét xử lý.

[6]. Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên qua phải liên đới bồi thường thiệt hại thành tiền theo giám định cho Ủy ban nhân dân huyện Đ theo yêu cầu của người đại diện theo ủy quyền là có căn cứ, cụ thể:

Đối với diện tích rừng bị hủy hoại là 12,637ha, thiệt hại thành tiền là 337.068.108 đồng, xét thấy Hoàng Văn Đ, Vũ Việt H là những người trực tiếp phá, dưới sự khởi xướng, chỉ đạo của Phạm Xuân S, nên cần buộc S, Đ, H liên đới bồi thường thiệt hại là phù hợp, trong đó S phải chịu trách nhiệm bồi thường 40% giá trị thiệt hại, tương ứng 134.827.243 đồng; Đ là người trực tiếp thuê bị cáo H và những người khác để hủy hoại rừng nên phải chịu trách nhiệm bồi thường 40% giá trị thiệt hại, tương ứng 134.827.243 đồng, được trừ số tiền đã bồi thường là 3.200.000 đồng, số tiền bị cáo còn phải bồi thường 131.627.243 đồng; H phải chịu trách nhiệm bồi thường 20% giá trị thiệt hại, tương ứng 67.413.622 đồng, được trừ số tiền 5.000.000 đồng đã bồi thường, số tiền còn phải bồi thường là 62.413.622 đồng.

Đối với diện tích rừng bị hủy hoại 8.404m2, thiệt hại thành tiền là 84.539.886 đồng, xét thấy Trần Văn T là người trực tiếp hủy hoại và thuê những người khác cùng thực hiện, nên cần buộc những người liên quan chịu trách nhiệm liên đới khi bồi thường thiệt hại, tuy nhiên việc Trần Văn T phá rừng dưới sự khởi xướng, chỉ đạo của Phạm Xuân S nên S phải chịu trách nhiệm bồi thường 40% giá trị thiệt hại là 33.815.595 đồng; Trần Văn T phải chịu trách nhiệm bồi thường 30% giá trị thiệt hại là 25.361.965 đồng, được trừ 3.000.000 đồng, còn phải tiếp tục bồi thường 22.361.965 đồng; Nguyễn Văn D phải chịu trách nhiệm bồi thường 20% mức thiệt hại là 16.907.977 đồng; Bùi Thị H phải chịu trách nhiệm bồi thường 10% giá trị thiệt hại là 8.453.988 đồng;

[7]. Về án phí sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật là có căn cứ.

[8]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Phạm Xuân S phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật là 200.000 đồng. Do bị cáo Vũ Việt H rút đơn kháng cáo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[9]. Đối với các đơn khiếu nại của bị cáo Phạm Xuân S gửi đến và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông giải quyết tại các các văn bản số 125/2019/CV-TA ngày 13-5-2019; 128/2019/CV-TA ngày 27-5-2019; 236/2019/CV-TA ngày 17-6- 2019; 391/2019/CV-TA ngày 19-7-2019.

[10]. Kiến nghị Công an tỉnh Đắk Nông giải quyết đơn khiếu nại của bị cáo Phạm Xuân S đối với các đồ vật, tài liệu Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đắk Nông đã thu giữ của bị cáo mà không phải là vật chứng được xử lý trong vụ án này, không lưu giữ trong hồ sơ, không được chuyển cùng hồ sơ vụ án theo công văn số 392/2019/CV-TA ngày 19-7-2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.

[11]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, Căn cứ các Điều 342, 348, điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Vũ Việt H, Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2018/HSST ngày 12-12-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đối với bị cáo Vũ Việt H có hiệu lực pháp luật kể từ ngày đình chỉ xét xử phúc thẩm (là ngày 05-8-2019).

2. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Xuân S, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2018/HSST ngày 12-12-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đối với bị cáo Phạm Xuân S.

2.1. Tuyên bố bị cáo Phạm Xuân S phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng khoản 3, Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 243; điểm v khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Phạm Xuân S 07 (Bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 16-3-2017.

2.2. Xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 (Một) con dao phát có đặc điểm như trong biên bản giao nhận vật chứng ngày 08-12-2017 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra và Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.

2.3. Trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 288, Điều 290, khoản 2 Điều 468, Điều 584, Điều 587, Điều 589 của Bộ luật Dân sự, chấp nhận gia đình Trần Văn T đã nộp 3.000.000đ (Ba triệu đồng); Vũ Việt H đã nộp 5.000.000đ (Năm triệu đồng); gia đình Hoàng Văn Đ đã nộp 3.200.000đ (Ba triệu hai trăm nghìn đồng) để khắc phục một phần thiệt hại cho Ủy ban nhân dân huyện Đ, Ủy ban nhân dân huyện Đ liên hệ Cục thi hành án dân sự tỉnh Đ, Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ để nhận theo quy định của pháp luật.

Buộc bị cáo Phạm Xuân S và Hoàng Văn Đ, Vũ Việt H phải liên đới bồi thường cho Ủy ban nhân dân huyện Đ số tiền 337.068.108đ (Ba trăm ba mươi bảy triệu không trăm sáu mươi tám nghìn một trăm linh tám đồng), trong đó: bị cáo Phạm Xuân S bồi thường 134.827.243đ (Một trăm ba mươi tư triệu tám trăm hai mươi bảy nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng); Hoàng Văn Đ phải tiếp tục bồi thường 131.627.243đ (Một trăm ba mươi mốt triệu sáu trăm hai mươi bảy nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng); Vũ Việt H phải tiếp tục bồi thường 62.413.622đ (Sáu mươi hai triệu bốn trăm mười ba nghìn sáu trăm hai mươi hai đồng).

Buộc bị cáo Phạm Xuân S, Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H phải liên đới bồi thường cho Ủy ban nhân dân huyện Đ số tiền 84.539.886đ (Tám mươi tư triệu năm trăm ba mươi chín nghìn tám trăm tám mươi sáu đồng), trong đó: Bị cáo Phạm Xuân S phải bồi thường 33.815.595đ (Ba mươi ba triệu tám trăm mười lăm nghìn năm trăm chín mươi lăm đồng); Trần Văn T phải tiếp tục bồi thường 22.361.965đ (Hai mươi hai triệu ba trăm sáu mươi mốt nghìn chín trăm sáu mươi lăm đồng); Nguyễn Văn D phải bồi thường 16.907.977đ (Mười sáu triệu chín trăm linh bảy nghìn chín trăm bảy mươi bảy đồng); Bùi Thị H phải bồi thường 8.453.988đ (Tám triệu bốn trăm năm mươi ba nghìn chín trăm tám mươi tám đồng);

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

2.4. Về án phí sơ thẩm: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án:

Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo Phạm Xuân S phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm;

Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bị cáo Phạm Xuân S phải nộp 8.432.000đ (Tám triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm;

3. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Phạm Xuân S phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

439
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 59/2019/HS-PT ngày 05/08/2019 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:59/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về