TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 59/2017/DS-PT NGÀY 18/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 18/9/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý 40/2017/TLPT-DS ngày 28/6/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2017/DS-ST ngày 12/5/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 65/2017/QĐ-PT ngày 21/8/2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị V, sinh năm 1967; địa chỉ: Thôn A, xã H, huyện L, tỉnh Bắc Giang (có mặt)
Bị đơn: Ông Đỗ Điền L, sinh năm 1957; địa chỉ: số nhà B, đường C, phường T, thành phố B, tỉnh Bắc Giang (vắng mặt)
Người kháng cáo: Ông Đỗ Điền L là bị đơn
Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố B
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu khác có trong hồ sơ, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong đơn khởi kiện đề ngày 16/12/2016 và các lời khai tiếp theo sau trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là Bà Đỗ Thị V trình bày: Tổng số tiền bà cho ông Đỗ Điền L vay từ năm 2015 đến năm 2016 là 296.000.000đ, cụ thể:
Năm 2014 bà có nhờ ông L làm giúp thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đưa cho ông L 18.000.000đ. Trong khoảng thời gian ông L giúp bà làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông L có vay bà 20.000.000đ, do quan hệ thân thiết nên khi cho vay bà không yêu cầu ông L viết giấy biên nhận. Khi đưa cho bà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông L nói là chi phí làm thủ tục hết 10.000.000đ, còn lại 8.000.000đ nhưng ông L chưa trả bà được. Ông L vay bà thêm 12.000.000đ nữa, tổng số là 40.000.000đ. Ông L viết cho bà 01 giấy biên nhận vay số tiền 40.000.000đ ghi ngày 25/5/2015. Giấy này ông L viết, giao tiền tại nhà bà, có người chứng kiến là ông Trịnh Văn H
Tháng 02/2014 ông L vay của bà 35.000.000đ, khi vay ông L nói là để nộp tiền vào cơ quan vì ông L chưa thu được thuế của một số người. Khi đưa 35.000.000đ cho ông L, bà không yêu cầu ông L viết giấy vay tiền, cũng không thỏa thuận gì về lãi suất. Tháng 5/2015 ông L vay ông Trịnh Văn H số tiền 70.000.000đ, tính lãi ngày nên bà cho ông L vay 70.000.000đ để trả ông H, khi vay hai bên thống nhất là lãi suất 1%/1 tháng. Cộng hai khoản vay này, ông L viết cho bà 01 giấy biên nhận vay 105.000.000đ ngày 25/5/2015 âm lịch.
Sau khi bà cho ông L vay 70.000.000đ để trả ông H thì ông L còn nợ ông H 02 giấy vay tiền nữa, tổng số tiền là 35.000.000đ. Tháng 11/2015 bà cho ông L vay thêm 35.000.000đ để ông L trả ông Hào. Khi bà đưa cho ông L 35.000.000đ thì ông L hẹn đến ngày 16/9/2016 trả bà, nên bà tính luôn tiền lãi từ tháng 11/2015 đến tháng 9/2016 là 5.000.000đ, cộng với 35.000.000đ nợ gốc là 40.000.000đ. Ông L viết giấy vay bà số tiền 40.000.000đ ngày 16/11/2015.
Tháng 7/2015 ông L vay 50.000.000đ và nói vay hộ em trai đang làm nhà và ông L có viết giấy nhận nợ đến ngày 23/7/2016 thì trả. Đến tháng 9/2015 ông L vay tiếp 50.000.000đ, ông L có nói là để chạy việc cho con trai, ông L có viết giấy nhận nợ hẹn đến ngày 23/7/2016. Đến ngày 23/7/2016 ông L không có khả năng trả và đã viết một giấy vay nợ bà số tiền 111.000.000đ (trong đó có 100.000.000đ tiền gốc và 11.000.000đ tiền lãi).
Từ ngày vay đến nay ông L chưa trả được bà đồng tiền gốc nào. Khi bà đòi liên tục thì cũng trả bà nhiều lần, mỗi lần 500.000đ, 1.000.000đ đến 2.000.000đ, tổng cộng ông L trả bà được 12.000.000đ. Khi ông L trả tiền bà, hai bên không thỏa thuận là trả tiền lãi hay trả tiền gốc, nên bà đề nghị Tòa án trừ 12.000.000đ này vào tiền gốc.
Nay bà yêu cầu ông L trả bà 145.000.000đ theo hai giấy vay tiền ngày 25/5/2015 tiền gốc và lãi của số tiền này theo quy định của pháp luật. Còn đối với hai giấy vay tiền ngày 16/11/2015 và ngày 23/7/2016 bà chỉ yêu cầu trả bà số tiền như giấy biên nhận vay tiền với số tiền 151.000.000đ. Tại phiên tòa sơ thẩm bà nhất trí trừ cho ông L số tiền 28.000.000đ như ông L trình bày.
Ông Đỗ Điền L là bị đơn trình bày: Ông và bà V là chỗ bạn bè có quan hệ thân thiết nhiều năm nay, ông có vay tiền bà V nhiều lần, cụ thể:
Ngày 25/5/2015 ông vay bà V số tiền 40.000.000đ, hẹn đến ngày 25/3/2016 trả, khi vay hai bên không thỏa thuận lãi suất. Ông có viết 01 giấy biên nhận vay số tiền 40.000.000đ đưa cho bà V. Ông đã trả bà V số tiền này, nhưng không yêu cầu bà V viết giấy biên nhận tiền.
Ngày 25/5/2015 âm lịch, ông vay bà V số tiền 105.000.000đ, hẹn đến ngày 25/3/2016 trả, khi vay hai bên không thỏa thuận lãi suất. Ông có viết 01 giấy biên nhận vay số tiền 105.000.000đ đưa cho bà V. Ông đã trả bà V số tiền này, nhưng không yêu cầu bà V viết giấy biên nhận tiền.
Ngày 16/11/2015 âm lịch ông vay của bà V số tiền 40.000.000đ (đã cộng cả tiền lãi), hẹn đến ngày 16/9/2016 trả. Ông có viết 01 giấy biên nhận vay số tiền 40.000.000đ đưa cho bà V. Ông đã trả bà V số tiền này, nhưng không yêu cầu bà V viết giấy biên nhận tiền.
Ngày 23/7/2016 ông vay của bà V 111.000.000đ, hẹn đến ngày 23/02/2017 thì trả, giấy vay này ông đã trả cho bà V 28.000.000đ. Còn nợ lại 83.000.000đ.
Tất cả các khoản vay của bà V ông đều sử dụng vào mục đích cá nhân, không liên quan gì đến vợ, con ông. Mỗi lần vay tiền bà V, ông đều viết giấy vay tiền chỉ có 01 bản, do bà V giữ. Chữ viết trong giấy vay tiền đều là của ông. Khi ông trả tiền thì ông không yêu cầu bà V viết giấy nhận tiền và bà V cũng không trả lại ông giấy vay tiền. Do vậy, ông không có giấy tờ gì chứng minh việc ông đã trả tiền cho bà V. Ông không nhớ là ông trả tiền bà V ngày nào. Khi ông vay tiền bà V thì chỉ có ông và bà V, không có sự chứng kiến của ông Hào hay bà Đệ như trong giấy vay tiền. Ông đã trả hết bà V số tiền vay theo 03 giấy vay ghi các ngày 25/5/2015, ngày 25/5/2015 âm lịch và 16/11/2015. Ông chỉ còn nợ bà V 83.000.000đ của giấy vay tiền ngày 23/7/2016 âm lịch. Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà V.
Bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2017/DS-ST ngày 12/5/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B đã quyết định: Áp dụng khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 147; Điều 271; khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 463; Điều 468; Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015. Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử: Buộc ông Đỗ Điền L phải trả cho Bà Đỗ Thị V số tiền 295.118.100đ, trong đó số tiền gốc là 268.000.000đ, tiền lãi là 27.118.100đ.
Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm, tuyên về lãi suất chậm thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự
Ngày 23/5/2017 ông Đỗ Điền L nộp đơn kháng cáo và ngày 29/5/2017 nộp tạm ứng án phí phúc thẩm; nội dung kháng cáo: Yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang sửa bản án sơ thẩm, bác một phần khởi kiện của bên nguyên đơn đối với ông liên quan đến số tiền gốc 268.000.000đ và tiền lãi là 27.118.100đ
Tại Quyết định số 03/QĐKNPT-DS ngày 26/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố B kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa phần bản án đối với việc áp dụng pháp luật và việc giải quyết số tiền lãi.
Tại phiên tòa phúc thẩm Bà Đỗ Thị V là nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và đồng ý với kháng nghị của Viện kiểm sát, ông Đỗ Điền L là bị đơn kháng cáo vắng mặt. Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định kháng nghị
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến:Việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, để chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố B về việc sửa bản án sơ thẩm về tính lãi suất. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của ông Đỗ Điền L.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang. Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm ông Đỗ Điền L là bị đơn kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm được mở lần thứ 3 đã được tống đạt hợp lệ. Ngày 15/9/2017 ông L có nộp đơn đề nghị khẩn cấp về việc đề nghị tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Nhưng ông L không nộp kèm theo các căn cứ chứng minh cho yêu cầu của ông là có căn cứ và hợp pháp được quy định tại Điều 214 của Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của ông L về việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm.
[2] Ông Đỗ Điền L vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm được mở lần thứ ba, đã được tống đạt hợp lệ, không có lý do chính đáng. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của ông L.
[3] Tòa án cấp sơ thẩm đã xử buộc ông Đỗ Điền L phải trả cho Bà Đỗ Thị V số tiền 295.118.100đ (trong đó, tiền gốc là 268.000.000đ, tiền lãi là 27.118.100đ)
[4] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B thì thấy: Đối với yêu cầu tính lãi, các bên đương sự có tranh chấp về lãi suất (bà V trình bày lãi suất thỏa thuận là 1%/tháng, ông L trình bày lãi suất là 2%/tháng) theo khoản 2 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 thì áp dụng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết (Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, tức 0,75%/tháng và 0,025%/ngày). Trong vụ án này, số tiền lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là:
[4.1] Đối với giấy vay tiền ngày 25/5/2015, số tiền vay là 40.000.000đ, thời gian tính lãi là 01 năm 11 tháng 18 ngày: Tiền lãi phải trả (40.000.000đ x 9%/năm x 01 năm) + (40.000.000đx0,75%/tháng x 11 tháng) + (40.000.000đ x 0,025%/ngày x 18 ngày) = 7.080.000đ;
[4.2] Đối với giấy vay tiền ngày 25/5/2015 âm lịch (tức ngày 10/7/2015 dương lịch), số tiền vay là 105.000.000đ, thời gian tính lãi là 01 năm 10 tháng 02 ngày: Tiền lãi phải trả là (105.000.000đ x 9%/năm x 01 năm) + (105.000.000đ x 0,75%/tháng x10 tháng) + (105.000.000đ x 0,025%/ngày x 02 ngày) =17.377.500đ.
[4.3] Tổng số tiền lãi ông Đỗ Điền L phải trả cho Bà Đỗ Thị V là 7.080.000đ + 17.377.500đ = 24.457.500đ. Do vậy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B để sửa bản án sơ thẩm về tính lãi.
[5] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm, nên ông Đỗ Điền L không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự. Hoàn trả ông L số tiền đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B. Án phí sơ thẩm ông L phải chịu được xác định lại như sau: 292.457.500đ x 5% = 14.622.800đ.
[6] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 296, khoản 2 và khoản 5 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự
Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của ông Đỗ Điền L;
Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B; Sửa bản án sơ thẩm
Áp dụng Điều 471, Điều 474 và khoản 2 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005. Các điều 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự. Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử:
Buộc ông Đỗ Điền L phải trả cho Bà Đỗ Thị V số tiền 292.457.500đ (hai trăm chín hai triệu bốn trăm năm bẩy nghìn năm trăm đồng), trong đó số tiền gốc là 268.000.000đ, tiền lãi là 24.457.500đ.
Kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng còn phải trả cho người được thi hành án số tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chưa thi hành số tiền còn phải trả.
Về án phí:
Ông Đỗ Điền L phải chịu 14.622.800đ án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả Bà Đỗ Thị V số tiền 7.865.000đ tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộptheo biên lai số AA/2012/05867ngày 20/12/2016 và AA/2012/05979 ngày 23/02/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.
Hoàn trả ông Đỗ Điền L 300.000đ đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số AA/2014/0001280 ngày 29/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 59/2017/DS-PT ngày 18/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 59/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về