Bản án 590/2019/HS-PT ngày 07/10/2019 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 590/2019/HS-PT NGÀY 07/10/2019 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG VÀ LỢI DỤNG CHỨC VỤ QUYỀN HẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 07 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 650/2017/TLPT-HS ngày 28 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Lê Văn T.

Do có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Đặng Thị Trâm A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 63/2017/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.

- Phạm nhân liên quan đến kháng cáo:

Lê Văn T, sinh năm: 1965. Nơi cư trú: Khóm B, thị trấn H, huyện H, Kiên Giang. Nghề nghiệp: Nguyên trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện H; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; con ông Lê Văn N và bà Trần Thị L; vợ: Đặng Thị Trâm A và 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giam ngày 18/7/2013 (có mặt).

- Nguyên đơn dân sự: Quỹ đầu tư và phát triển Kiên Giang (vắng mặt).

Địa chỉ: số 40 Tôn Đức Thắng, phường H1, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Đặng Thị Trâm A, sinh năm 1974 (có mặt).

Địa chỉ: số 390, khu phố H2, thị trấn H, huyện H, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà A: Luật sư Dương Tấn L1 – Văn phòng luật sư Dương Tấn L1, đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt).

Địa chỉ: 34 Hùng Vương, Phường H3, Thành phố R, Kiên Giang.

(Trong vụ án còn có những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa.).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện H, tỉnh Kiên Giang được thành lập theo quyết định 713 ngày 24/03/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Lê Văn T được bổ nhiệm làm Trưởng phòng, chị Nguyễn Ngọc D - Phó phòng, anh Nguyễn Minh N - Phó phòng. Theo quy chế công tác phân công nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp được xây dựng từ năm 2009 đến 2012 thì Lê Văn T là Bí thư chi bộ, Trưởng phòng, được phân công phụ trách chung, công tác tổ chức cán bộ, tư tưởng, chính trị, kiểm tra, lãnh đạo toàn diện, trên tất cả lĩnh vực của phòng, phụ trách công tác tài chính, điều hành công tác xây dựng cơ bản; Trực tiếp điều hành chỉ đạo các Trưởng ban chỉ đạo, Phó trưởng ban chỉ đạo do Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện giao; Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông nghiệp.

Chị Nguyễn Ngọc D phụ trách công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Anh Nguyễn Minh N phụ trách kinh tế hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2012, Phòng Nông nghiệp huyện H được Ủy ban nhân huyện H phân công làm chủ đầu tư nhiều công trình thủy lợi, xây dựng cơ bản, trong đó có công trình kênh 3B và 4B.

Theo quy chế và quyết định phân công nhiệm vụ thì Lê Văn T là Trưởng phòng làm Chủ đầu tư các công trình xây dựng trong đó có kênh 3B và 4B, cụ thể trong hồ sơ kênh 3B, 4B gồm: Hợp đồng thẩm tra thiết kế, quyết định phê duyệt thiết kế thi công, hợp đồng tư vấn khảo sát địa hình, hợp đồng thi công, biên bản bàn giao mặt bằng thi công, hồ sơ dự toán, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, đề nghị thanh toán vốn, giấy rút tiền, báo cáo tổng hợp quyết toán, hồ sơ quyết toán…, Lê Văn T ký với tư cách Chủ đầu tư công trình kênh 3B, 4B, như vậy Lê Văn T là Chủ đầu tư hai công trình kênh 3B, 4B. Quá trình làm Chủ đầu tư kênh 3B, 4B Lê Văn T đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi phạm tội như sau.

1. Hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Kênh 3B, 4B).

- Công trình kênh 3B, 4B thuộc xã R3, huyện H, tỉnh Kiên Giang; kênh 3B có chiều dài toàn tuyến là 5.180 mét; kênh 4B có chiều dài 4.976 mét, nguồn vốn do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, nếu trong năm làm chưa xong thì nguồn vốn sẽ được tiếp tục sử dụng vào năm sau, đến khi nào làm xong thì thôi. Lê Văn T - Trưởng Phòng Nông nghiệp làm Chủ đầu tư. Tổng giá trị dự toán kênh 3B là: 787.192.556 đồng, kênh 4B là 861.187.151 đồng, đơn vị giám sát là Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện H, đơn vị được chỉ định thầu là Doanh nghiệp tư nhân R1, thời gian thi công 90 ngày, hợp đồng thi công là nạo vét toàn bộ hai con kênh. Về vốn thanh toán Nhà thầu tự bỏ ra thi công trước, sau khi công trình nghiệm thu hoàn thành sẽ được thanh toán vốn trong năm 2009. Ngày 20/04/2009 Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện H ký quyết định phân công Lê Thị Thanh Mai - Cán bộ Ban quản lý giám sát công trình, nhưng thực tế do Mai là nữ, mới ra trường nên Ban quản lý đã phân công Nguyễn Hữu T1 - Cán bộ Ban quản lý trực tiếp giám sát kênh 3B, 4B. Lê Văn T là Trưởng phòng làm Chủ đầu tư phân công Tạ Minh C - Cán bộ Phòng Nông nghiệp làm giám sát công trình. Kênh 3B, 4B được khởi công từ ngày 09/11/2009, quá trình thi công được khoảng hai mươi ngày, khối lượng kênh 3B làm được 600 mét, còn lại 4.580 mét chưa làm; kênh 4B làm được 2.126 mét, còn lại 2.850 mét chưa làm thì bị vướng đường dây điện, cáp quang nên đơn vị thi công không thực hiện được.

Trong thời gian này, Ủy ban nhân dân xã R3, huyện H có làm đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện H là Chủ đầu tư xử lý, nhưng Phòng Nông nghiệp không quan tâm và cũng không tìm cách xử lý để công trình được tiếp tục thi công. Khoảng cuối tháng 12/2009 Lê Văn T - Trưởng phòng Nông nghiệp làm Chủ đầu tư đã chỉ đạo cho Nguyễn Hữu T1 - Cán bộ giám sát Ban quản lý, Tạ Minh C - Cán bộ giám sát Chủ đầu tư, cùng đơn vị thi công làm hồ sơ thủ tục để quyết toán khống công trình kênh 3B, 4B. Lúc đầu T1 và C phản đối, do công trình kênh 3B, 4B thi công chưa xong, nhưng do Lê Văn T là Trưởng phòng, Chủ đầu tư trực tiếp ra lệnh cho C, T1, cùng đơn vị thi công phải làm hồ sơ quyết toán khống theo T nói mục đích để giữ vốn, nên C, T1, phải làm theo lệnh của T. Ngày 25/12/2009 Nguyễn Hữu T1, Tạ Minh C tiến hành cùng đơn vị thi công làm hồ sơ quyết toán khống công trình kênh 3B, 4B gồm: Nhật ký công trình, hồ sơ hoàn công, biên bản nghiệm thu hoàn thành quyết toán A-B, quyết toán tài chính…, sau khi làm xong T1 đưa cho Nguyễn Văn C1 - Phó Giám đốc Ban quản lý, mặc dù C1 biết hai công trình thi công chưa xong, nhưng C1 vẫn ký đề nghị. Sau đó hồ sơ được chuyển cho Tạ Minh C, giám sát của Chủ đầu tư ký, khi ký xong C chuyển hồ sơ cho Lê Văn T - Chủ đầu tư ký và đưa lại cho T1, T1 đưa cho ông Trần Văn C2 - Chủ Doanh nghiệp tư nhân R1 đơn vị thi công. Do thi công chưa xong nên Cảnh hỏi T1 sao thi công chưa xong mà đã quyết toán, T1 nói làm theo lệnh của T quyết toán để giữ vốn, chưa tin T1 nên Cảnh điện thoại cho T nói công trình kênh 3B, 4B chưa làm xong sao đã quyết toán, T nói với Cảnh cứ làm theo lệnh của T, Cảnh nói làm vậy là sai, T nói sai T chịu trách nhiệm, nghe T nói vậy nên Cảnh đã ký hồ sơ quyết toán và đưa lại cho T1. Do làm biên bản nghiệm thu khống, nên T1 không đưa cho Ủy ban nhân dân xã và Tổ giám sát nhân dân xã R3 ký vào biên bản, T1 và C có nói việc này cho T biết nhưng T nói việc đó để T lo, hồ sơ hai kênh 3B, 4B được chuyển đến Phòng Tài chính thẩm định, sau khi thẩm định xong Phòng Tài chính làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Ngày 30/12/2011, ông Lê Văn N - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H ký phê duyệt quyết toán kênh 3B. Ngày 04/7/2012, ông Trần Văn Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H ký quyết toán kênh 4B. Công trình kênh 3B được quyết toán với tổng giá trị công trình là 748.995.021 đồng, trong đó giá trị công trình là: 662.384.780 đồng, số tiền chi phí, giám sát quản lý là 86.610.241 đồng, như vậy phần quyết toán khống kênh 3B so với thực tế là 627.715.324 đồng. Ngày 12/4/2010, Lê Văn T - Chủ đầu tư kênh 3B ký giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư và giấy rút vốn đầu tư, nội dung đề nghị Kho bạc nhà nước huyện H thanh toán cho Doanh nghiệp tư nhân R1 491.000.000 đồng, ngày 12/4/2010 Doanh nghiệp tư nhân R1 được Kho bạc giải ngân là 491.000.000 đồng. Ngày 09/4/2010, Lê Văn T - Chủ đầu tư kênh 4B ký giấy rút vốn đầu tư, giải ngân cho Doanh nghiệp tư nhân R1 400.000.000 đồng. Kênh 4B được quyết toán tổng giá trị công trình là 837.368.299 đồng, trong đó giá trị công trình là 719.617.395 đồng, chi phí quản lý giám sát dự án, chi phí hỗ trợ đứt cáp quang là 117.750.904 đồng. Như vậy, phần quyết toán khống kênh 4B là 323.703.390 đồng, (trong đó chi phí xây dựng là 312.233.437 đồng và chi phí quản lý, giám sát dự án là 11.469.953 đồng). Tổng cộng hai kênh là 891.000.000 đồng. Sau khi Doanh nghiệp tư nhân R1 nhận được tiền Kho bạc giải ngân, Lê Văn T đã điện cho Cảnh yêu cầu Cảnh phải cho T mượn ba lần là 500.000.000 đồng, số tiền đó đến nay T vẫn chưa trả. Như vậy với tư cách là Bí thư chi bộ, Trưởng phòng nông nghiệp, Chủ đầu tư hai công trình kênh 3B, 4B ngay từ đầu Lê Văn T đã thừa biết kênh 3B, 4B thi công chưa xong, còn dang dở, nhưng T đã chỉ đạo phải làm hồ sơ quyết toán khống, theo T nói là để giữ vốn.

Tổng số tiền quyết toán hai công trình kênh 3B, 4B là 1.586.363.320 đồng, Kho bạc nhà nước huyện H đã giải ngân 1.378.997.145 đồng (Trong đó cho đơn vị thi công là 1.174.636.000 đồng, cho Ban quản lý là 204.361.145 đồng); Kho bạc còn giữ lại 207.366.175 đồng. Trong đó, phần đã thi công kênh 3B, 4B là 634.944.606 đồng, phần công trình chưa làm quyết toán khống là 951.418.714 đồng (Trong đó giá trị xây lắp công trình là 916.627.108 đồng, chi phí quản lý, giám sát là 34.791.606 đồng). Hành vi của Lê Văn T, Nguyễn Hữu T1, Tạ Minh C, Nguyễn Văn C1 đã gây cho Nhà nước thiệt hại tổng số tiền là: 744.052.539 đồng (951.418.714 đồng - 207.366.175 đồng). Đến nay Doanh nghiệp tư nhân R1 đã nộp trả cho Nhà nước 709.260.933 đồng, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện H nộp trả 34.791.606 đồng.

Đầu tháng 12/2012, Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang tiến hành thanh tra Phòng Nông nghiệp huyện H. Để đối phó với Đoàn thanh tra về kênh 3B, Lê Văn T đã đọc cho Phạm Văn V - Cán bộ Phòng Nông nghiệp đánh máy khống biên bản cuộc họp về việc xử lý kênh 3B. Thời gian theo V khai khoảng đầu tháng 12/2012, nhưng trong biên bản T bắt V ghi là ngày 10/10/2012, địa điểm họp là Phòng Nông nghiệp. Theo T nói phải làm biên bản trước khi Thanh tra tiến hành thanh tra, thành phần cuộc họp T đọc cho V ghi gồm anh Nguyễn Minh N, Nguyễn Ngọc D - Phó phòng, Nguyễn Văn T3, Phạm Văn V, Lương Kim O, Nguyễn Đức I, Đặng Thị Ngọc L (Cán bộ Phòng), cùng ông Trần Văn C2 - Chủ doanh nghiệp tư nhân R1. Nội dung biên bản T đọc cho V đánh máy là “Năm 2009 và quý I năm 2010, do T đi học không có nhà, anh C phụ trách xây dựng tham mưu, nhắc nhở. Từ đó Hội đồng đã trình cho Trưởng phòng ký hồ sơ hoàn thành công trình này, hồ sơ nghiệm thu Trưởng phòng là người ký cuối cùng, việc nghiệm thu giai đoạn hoặc hoàn thành công trình từ trước đến nay đồng chí Trưởng phòng giao cho đồng chí C phụ trách, nên đồng chí Trưởng phòng không biết việc kênh 3B chưa hoàn thành khối lượng, cứ ngỡ là hoàn thành rồi thì Hội đồng mới trình ký, nên đã ký hồ sơ nghiệm thu”. Theo lời khai anh Nguyễn Văn T3 - Nguyên cán bộ Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông nghiệp huyện H, thì đến khoảng giữa tháng 12/2012 Lê Văn T cho mời anh T3 đến Phòng Nông nghiệp để nhờ anh T3 nói với anh em trong phòng ký giùm T biên bản họp khống để đối phó với Đoàn thanh tra về công trình kênh 3B để T tháo gỡ khó khăn, anh T3 đồng ý. Theo anh N khai khoảng cuối tháng 12/2012 T cho mời anh, anh T3, anh V đến quán cà phê, thuộc thị trấn H để trao đổi nội dung T nói về thanh tra thì T lo hết rồi mình ký biên bản này là để hợp T1 hóa cho T không sao đâu, thấy T và anh T3 nói vậy, nên anh N và anh T3 cùng ký. Theo anh N, anh T3, anh V, chị D, chị O, chị L thì thực tế họ không tham gia cuộc họp này. Đây là biên bản khống để T đối phó Đoàn thanh tra về việc quyết toán khống kênh 3B. Qua việc Lê Văn T làm biên bản khống cuộc họp một lần nữa khẳng định là việc T ký quyết toán khống kênh 3B, 4B là T hoàn toàn chủ động và có mục đích từ trước.

Ngày 03/12/2012, Đoàn Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang tiến hành thanh tra một số công trình đầu tư xây dựng huyện H, Lê Văn T đã chỉ đạo cho Doanh nghiệp tư nhân R1 khắc phục phần còn lại kênh 3B, đến tháng 04/2013 thì kênh 3B đã khắc phục xong và được Ủy ban nhân dân huyện H quyết toán năm 2016, còn kênh 4B đến nay chưa khắc phục.

2. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ:

Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông nghiệp huyện H được thành lập theo Quyết định số 183/QĐ-UBND, ngày 26/2/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H, do Lê Văn T làm Giám đốc, Phạm Văn V - Phó Giám đốc, Lương Kim O làm Phó Giám đốc, kiêm Kế toán. Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực nông nghiệp là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản theo quy định pháp luật.

Trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động, không được ngân sách cấp vốn, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là lợi nhuận từ hai trại giống lúa năm 2010, 2011 là 48.000.000 đồng/năm, năm 2012 khoảng 100.000.000 đồng. Nguồn vốn này chủ yếu chi hoạt động của Trung tâm như trả tiền điện, điện thoại, nước, chi lương cho nhân V hợp đồng, những khoản chi này có sổ sách theo dõi và được báo cáo về Phòng Tài chính huyện hàng năm đều có quyết toán, còn vốn kinh doanh là vốn vay, nhưng không được mở sổ sách theo dõi. Năm 2010, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Lê Văn T lấy tư cách pháp nhân của Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông nghiệp huyện H để làm hồ sơ vay Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang số tiền 7.500.000.000 đồng và được NĐ chấp nhận bảo lãnh, hợp đồng thế chấp bằng nhà đất của T, được Ngân hàng cho vay 4.387.000.000 đồng. Ngày 23/8/2010, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang giải ngân 1.500.000.000 đồng, số tiền này Lê Văn T là người đứng ra nhận tiền ký nhận theo giấy rút tiền số No 0000037 ngày 23/8/2010, nhưng không mang về nhập quỹ. Ngày 15/11/2010 Trung tâm tư vấn yêu cầu Ngân hàng chuyển khoản 1.687.000.000 đồng cho Công ty thuốc sát trùng Việt Nam để trả tiền mua thuốc trừ sâu. Ngày 24/6/2011 Ngân hàng tiếp tục giải ngân 1.200.000.000 đồng, Lê Văn T chủ tài khoản cùng Lương Kim O kế toán đến ngân hàng rút tiền, sau khi rút xong T nhận số tiền này, nhưng không mang về nhập quỹ. Như vậy sau khi T nhận hai lần tiền tại Ngân hàng là 2.700.000.000 đồng, không thấy T mang về nhập quỹ, T sử dụng số tiền này làm việc gì thì Lương Kim O, Phạm Văn V là hai Phó Giám đốc Trung tâm không biết. Thời điểm này Lương Kim O là Phó Giám đốc, kiêm Kế toán của Trung Tâm, Nguyễn Quốc K Thủ quỹ của Trung tâm cũng thừa nhận số tiền 2.700.000.000 đồng, T rút ở Ngân hàng ra đều không nhập quỹ, còn T sử dụng số tiền đó vào việc gì thì không ai được biết.

Ngày 15/11/2010, sau khi Trung tâm chuyển khoản cho Công ty cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam, số tiền 1.687.000.000 đồng để trả tiền mua thuốc sâu. Trong năm 2010, 2011 Công ty thuốc sát trùng Việt Nam chuyển nhiều lần lô hàng cho Trung tâm, khi có hàng về T quan hệ bán cho một số đại lý như Đại lý Mạnh Lân số hàng trị giá khoảng trên 60.000.000 đồng, đại lý Phong F số hàng giá trị khoảng từ 500.000.000 đến 700.000.000 đồng, đại lý Minh Trí số hàng trị giá 12.000.000 đồng, theo các đại lý khai thì sau khi giao hàng xong thì T nhiều lần trực tiếp đến các đại lý để lấy tiền, còn chị F chủ đại lý Phong F khai chị đã nhiều lần mang tiền đến nhà T để trả cho T số tiền mà chị đã mua hàng của Trung tâm khoảng từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng. Số hàng còn lại bán tại cửa hàng Trung tâm, các nhân V bán hàng như Đặng Thị Ngọc L, Nguyễn Quốc K, Lương Kim O, Nguyễn Thị Kim Y khai nhận sau khi bán hàng thu tiền thì T đều yêu cầu họ đưa tiền cho T giữ, chứ không cho nhập quỹ Trung tâm, việc mua bán không mở sổ thu chi, tiền giao lại cho T, không nhập quỹ, không công khai tài chính, lời lỗ với tập thể. Số tiền bán hàng thu được T sử dụng vào mục đích cá nhân, lý do T không nhập quỹ của Trung tâm, vì T nói với O đây là số tiền T vay bằng tài sản thế chấp của gia đình T, để đảm bảo số tiền sau này còn trả cho Ngân hàng, nên T không cho nhập quỹ của Trung tâm mà do T quản lý.

Để có tiền trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Na m - Chi nhánh Kiên Giang. Ngày 07/6/2012, Lê Văn T tiếp tục lập dự án đầu tư số 04/DA-TrT về Mua phân bón, thuốc nông dược phục vụ phát triển cánh đồng mẫu lớn, thực hiện vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện H. Dự án xin vay NĐ khoảng từ 12.000.000.000 - 15.000.000.000 đồng. Để hợp T1 hóa hồ sơ vay vốn ngày 23/7/2012 T chỉ đạo cho Phạm Văn V làm hai hợp đồng kinh tế số 02; 03/HĐKT với ông Đặng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Đức (bên bán hàng) để mua phân bón, thuốc trừ sâu, giá trị hợp đồng là 4.231.652.250 đồng, người nhận hàng là ông Phạm Văn V - Phó Giám đốc Trung tâm. Hợp đồng ngày 10/8/2012 T ký hợp đồng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà Phan Thị Hồng F - Chủ cửa hàng Vật tư nông nghiệp Phong F (chồng của F là em vợ T) giá trị hợp đồng là 5.104.440.000 đồng. Theo Phạm Văn V khai nhận hai hợp đồng này là hai hợp đồng giả mà T đã chỉ đạo cho V làm, để đối phó với Quỹ đầu tư, để Quỹ đầu tư giải ngân ứng tiền.

Ngày 25/7/2012, Lê Văn T - Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông nghiệp huyện H lập tờ trình số 07/TTr - TrT về việc xin ứng kinh phí vốn vay từ NĐ thực hiện dự án đầu tư mua phân bón thuốc nông dược số tiền xin ứng từ 4.000.000.000 - 5.000.000.000 đồng. Ông Trần Minh Sơn - Giám đốc NĐ đề xuất Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ cho phép giải ngân ứng trước 4.000.000.000 đồng theo lãi suất ưu đãi 13,5% năm. Ngày 30/7/2012, ông Trần Thanh Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời là Chủ tịch NĐ ký Công văn số 03/CV-ĐTPT chấp thuận cho Quỹ đầu tư giải ngân. Ngày 31/7/2012, Quỹ đầu tư ký hợp đồng ứng vốn vay với Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông thôn huyện H, số tiền ứng vốn là 4.000.000.000 đồng và ngày 01/8/2012 Lê Văn T ký giấy xác nhận nợ. Quỹ đầu tư giải ngân số tiền 4.000.000.000 đồng theo yêu cầu của T, Quỹ đầu tư đã chuyển 4.000.000.000 đồng sang tài khoản Trung tâm mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang. Ngày 02/8/2012, theo yêu cầu của Lê Văn T, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang đã chuyển 3.527.568.589 đồng chuyển khoản trả số tiền mà T đã vay năm 2010, 2011 để trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang, còn lại số là 472.431.000 đồng, Lê Văn T là người ký nhận tiền theo phiếu lĩnh tiền mặt ngày 02/8/2012 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Kiên Giang, số tiền này T không mang về nhập quỹ, còn T sử dụng vào việc gì thì không ai được biết. Việc vay vốn, mua bán là do một mình Lê Văn T quan hệ thực hiện, các kế hoạch thủ tục vay vốn do T chỉ đạo Phạm Văn V, Lương Kim O lập theo sự chỉ dẫn của T, kế hoạch không có thông qua tập thể, dự án cũng không thông qua Ủy ban nhân dân huyện H và cũng không được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Như vậy toàn bộ số tiền 4.000.000.000 đồng, Lê Văn T không nhập quỹ của Trung tâm tư vấn kỹ thuật - dịch vụ nông nghiệp huyện H, mà chiếm giữ trả nợ và sử dụng cho lợi ích cá nhân và dự án cũng không có thực hiện.

Theo báo cáo số 08 ngày 25/6/2013 của NĐ do Giám đốc Trần Minh Sơn ký, sau khi kiểm tra tình hình sử dụng vốn của Trung tâm dịch vụ kết luận:

- Đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng ứng vốn về thời gian trả gốc, lãi.

- Đơn vị không thực hiện việc ghi chép đầy đủ sổ sách kế toán về nhập xuất hàng hóa, nên làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra tình hình sử dụng vốn.

Hiện nay, gia đình T đã khắc phục bằng tiền mặt là 1.255.661.000 đồng và giao tài sản gồm nhà, đất cho Quỹ đầu tư trị giá khoảng 4.800.000.000 đồng, tài sản này đang được NĐ tiến hành bán đấu giá để thu hồi nợ.

Ngày 29/5/2014, bà Đặng Thị Trâm A - vợ Lê Văn T đã nộp cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang để khắc phục là 100.000.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số: 05/KSĐT-KT ngày 09/6/2017 của Viện kiểm sát nhân tỉnh Kiên Giang đã truy tố bị cáo Lê Văn T về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 165 Bộ luật hình sự và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm 63/2017/HS-ST ngày 15 tháng 09 năm 2017 Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn T phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

p dụng: Khoản 3, 4 điều 281; điểm d khoản 2 Điều 165; điểm b, s khoản 1 Điều 46, Điều 33 và Điều 50 Bộ luật hình sự.

ử phạt: Bị cáo Lê Văn T 08 (Tám) năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 02 (Hai) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo T chịu chung cho cả hai tội là 10 (Mười) năm tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 18/07/2013.

Cấm bị cáo Lê Văn T đảm nhiệm chức vụ quản lý 02 (hai) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

Về trách nhiệm bồi thường: áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự.

Buộc Doanh nghiệp tư nhân R1 có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước 709.260.993 đồng (Doanh nghiệp đã trả đủ).

Buộc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện H có trách nhiệm trả cho Nhà nước 34.791.606 đồng (Ban quản lý đã trả đủ).

Buộc bị cáo Lê Văn T trả cho NĐ tổng số tiền cả gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2017 là 8.092.952.367 đồng và lãi phát sinh trên số nợ gốc theo hợp đồng ứng vốn kể từ ngày 16/9/2017 cho đến khi thanh toán xong nợ theo Thông báo của NĐ. Khấu trừ số tiền gia đình bị cáo đã trả nộp vào tài khoản của Thanh tra Nhà nước huyện H, tỉnh Kiên Giang 400.000.000 đồng, nộp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang 100.000.000 đồng.

Bị cáo T và vợ là Đặng Thị Trâm A giao tài sản gồm nhà, đất cho NĐ. Sau khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, phần còn lại sẽ chia đôi, một nửa là của bà Đặng Thị Trâm A, đề nghị trả lại cho bà Đặng Thị Trâm A, một nửa còn lại là của bị cáo Lê Văn T dùng để thanh toán nợ cho NĐ.

Đề nghị Thanh tra nhà nước huyện H, tỉnh Kiên Giang giao 400.000.000 đồng; Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang giao 100.000.000 đồng, theo yêu cầu của NĐ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 20/09/2017 nguyên đơn dân sự là NĐ kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Đến ngày 19 tháng 9 năm 2019, nguyên đơn dân sự là NĐ có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo.

Tại Thông báo số 44/2019/TB-TA ngày 25/9/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản về việc rút kháng cáo của NĐ.

Ngày 29/9/2017, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị Trâm A kháng cáo một phần bản án yêu cầu NĐ trả cho bà 50% số tiền gia đình bà đã nộp là 427.830.000 đồng; yêu cầu Thanh tra huyện H trả lại cho bà 400.000.000 đồng và Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang trả lại số tiền 100.000.000 đồng vì đây là nguồn tiền của cá nhân bà, bà vay bên ngoài để nộp chứ không phải nguồn đây là nguồn tiền của vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan – bà Đặng Thị Trâm A giữ nguyên kháng cáo yêu cầu NĐ trả lại cho bà ½ số tiền đã trả trước đó là 427.830.500 đồng và yêu cầu trả lại số tiền 400.000.000 đồng bà đã nộp tại Thanh tra huyện H và 100.000.000 đồng nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm: Kháng cáo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị Trâm A làm trong hạn luật định. Khi khởi tố vụ án, bà Trâm A và bị cáo T là vợ chồng, việc bà Trâm A khắc phục hậu quả cho bị cáo là tự nguyện, lấy tài sản chung để khắc phục hậu quả và bị cáo đã được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là khắc phục một phần hậu quả và đã được nhận định trong bản án sơ thẩm. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Trâm A, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trâm A trình bày: Bà Trâm A không phải là người gây thiệt hại, không có liên quan đến vụ án. Tại phiên tòa bị cáo cũng thừa nhận không đề nghị bà Trâm A khắc phục hậu quả. Bà Trâm A và ông T hiện đã ly hôn, số tiền bà Trâm A nộp không phải tài sản chung của vợ chồng. Bản án sơ thẩm đã ghi nhận bà Trâm A có yêu cầu nhận lại tiền nhưng đã không xem xét đến vấn đề tài sản chung và tài sản riêng để giải quyết vấn đề bồi thường. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà Trâm A.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về nội dung:

Bị cáo Lê Văn T là Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện H từ tháng 3/2018, đồng thời là Chủ đầu tư công trình nạo vét kênh 3B, 4B. Dù biết công trình kênh 3B, 4B chưa thi công xong nhưng T đã chỉ đạo nhân V làm hồ sơ quyết toán khống công trình làm thất thoát của Nhà nước tổng số tiền là 744.052.539 đồng.

Đồng thời, bị cáo Lê Văn T còn là Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật – dịch vụ nông nghiệp huyện H. Từ năm 2010, T đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lấy tư cách pháp nhân của Trung tâm để vay Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Kiên Giang với tổng số tiền là 4.387.000.000 đồng. T nhận trực tiếp 2.700.000.000 đồng nhưng không dùng cho Trung tâm mà dùng cho mục đích cá nhân. Số tiền còn lại là 1.687.000.000 đồng T chuyển cho Công ty thuốc sát trùng Việt Nam để mua hàng, sau khi hàng về T trực tiếp bán hàng thu tiền và không nộp lại quỹ. Sau đó để có tiền trả nợ Ngân hàng, T tiếp tục lấy pháp nhân của Trung tâm để làm hồ sơ xin vay vốn của Quỹ đầu tư Kiên Giang, và được Quỹ đầu tư Kiên Giang giải ngân trước số tiền 4.000.000.000 đồng trong đó chuyển khoản cho Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam 3.527.568.589 đồng để trả tiền vay trước đó còn lại 472.431.000 đồng T đứng ra ký nhận tiền và sử dụng cho mục đích cá nhân không nhập quỹ.

Tại cơ quan điều tra, gia đình bị cáo T (bà Trâm A) đã trả cho Quỹ đầu tư Kiên Giang 855.661.000 đồng, nộp khắc phục hậu quả số tiền 100.000.000 đồng tại Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang và 400.000.000 đồng tại Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang.

[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Đặng Thị Trâm A kháng cáo yêu cầu NĐ trả lại cho bà ½ số tiền đã trả trước đó là 427.830.500 đồng và yêu cầu trả lại số tiền 400.000.000 đồng bà đã nộp tại Thanh tra huyện H và 100.000.000 đồng nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang.

Hội đồng xét xử xét thấy: Số tiền bà Đặng Thị Trâm A đã trả cho NĐ và nộp khắc phục hậu quả cho bị cáo tại Chi cục thi hành án và Thanh tra nhà nước huyện H là hoàn toàn tự nguyện, tại phiên tòa bà Trâm A cũng đã xác định việc nộp tiền là hoàn toàn tự nguyện. Nhờ đó bị cáo cũng đã được xem xét tình tiết giảm nhẹ theo điểm b Khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự vì đã khắc phục một phần hậu quả. Bà Trâm A cho rằng bà và ông T đã ly hôn và số tiền bà nộp không phải tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa bà Trâm A cũng đã xác nhận, sau khi vụ án bị khởi tố bà Trâm A mới nộp đơn ly hôn với bị cáo T nên trong thời điểm phạm tội bị cáo và bà Trâm A là vợ chồng hợp pháp. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị Trâm A, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí: Người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

1/ Không chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị Trâm A.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 63/2017/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.

2/ Về án phí: áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bà Đặng Thị Trâm A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

702
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 590/2019/HS-PT ngày 07/10/2019 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Số hiệu:590/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về