Bản án 586/2017/DS-ST ngày 15/12/2017 về phân chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN TÂN BÌNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 586/2017/DS-ST NGÀY 15/12/2017 VỀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 15 tháng 12 năm 2017, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 260/2016/TLST- DS ngày 19 tháng 7 năm 2016 về “tranh chấp phân chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 300/2017/QĐXX-ST ngày 24 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Thế X, sinh năm 1988, cư trú tại: Số 30 đường A, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Trọng H, cư trú tại: số 8/23A đường G, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (Văn bản ủy quyền ngày 3 tháng 8 năm 2016).

- Bị đơn: Ông Phạm Nguyễn Thế V, cư trú tại: Số 239/143 đường I, phường M, quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1948

2. Ông Phạm Nguyễn Thế H1, sinh năm 1973

3. Ông Phạm Thế T, sinh năm 1976

Cùng cư trú tại: Số 30 đường A, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Trọng H, cư trú tại: số 8/23A đường G, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Văn bản ủy quyền ngày 5 tháng 12 năm 2016).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 16 tháng 6 năm 2016, nguyên đơn là ông PhạmThế X và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Trọng H đều trình bày:

Ông Phạm Tường D và bà Nguyễn Thị T1 là vợ chồng chung sống với nhau có 04 người con là: Phạm Nguyễn Thế V, Phạm Nguyễn Thế H1, Phạm Thế T vàPhạm Thế X. Tài sản của ông D, bà T1 là căn nhà số 30 đường A, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2001, ông D chết không lập di chúc. Năm 2005, các người con và bà nội là Nguyễn Thị H2 đã ưng thuận cho bà T1 đại diện làm văn bản khai nhận di sản thừa kế tại Phòng công chứng số 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Do ông Phạm Nguyễn Thế V giữ toàn bộ bản chính các giấy tờ nhà như: Giấy phép mua bán chuyển dịch nhà cửa, trước bạ, văn bản đề nghị nhận thừa kế nên nguyên đơn khởi kiện với yêu cầu chia di sản là căn nhà số 30 đường A, Phường B, quận C (số nhà cũ: 16 tổ 1, đường A, Phường F, quận C). Nguyên đơn xin được chia hưởng một suất thừa kế di sản của cha để lại và xin được nhận giá trị là tiền.

Bị đơn, sau khi Tòa án thụ lý vụ án đã tiến hành tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn đến Tòa để trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện củanguyên đơn nhưng bị đơn không đến Tòa. Tại phiên tòa ngày 31/7/2017, bị đơn cómặt và trình bày đang giữ bản chính giấy tờ nhà. Ngày 16/8/2017, bị đơn sẽ cố gắng sắp xếp cung cấp các chứng cứ cho Tòa nhưng đến nay bị đơn vẫn không cung cấp chứng cứ nào cho Tòa cũng không có mặt tham gia phiên tòa.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Nguyễn Thị T1 trình bày: Tôi với ông Phạm Tường D (sinh năm 1931, mất năm 2001) là vợ chồng chung sống trong điều kiện chiến tranh nên vợ chồng không lập hôn thú. Trong quá trình chung sống chúng tôi có 4 người con là PhạmNguyễn Thế V, Phạm Nguyễn Thế H1, Phạm Thế T và Phạm Thế X. Nguồn gốc căn nhà số 30 đường  có số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, quận C. Theo tờ

khai nguồn gốc căn nhà do chồng tôi khai năm 1984 là do vợ chồng tôi tạo lập cách đây mấy chục năm. Nhà này chưa được cấp chủ quyền do con tôi (V) đang giữ toàn bộ hồ sơ gốc nên không làm thủ tục được. Sau khi chồng tôi mất thì vào ngày 5/9/2005, tôi đại diện cho các con và mẹ chồng là bà Nguyễn Thị H2 ra côngchứng lập văn bản khai nhận thừa kế. Ngoài tôi và các con thì chồng tôi không có vợ con nào khác. Năm 2006, mẹ chồng mất nhưng có lập di chúc để cho tôi phần di sản của bà tại căn nhà trên. Nay tôi được biết con tôi Phạm Thế X có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế thì tôi đồng ý theo đơn khởi kiện của con. Trường hợp di sản được chia theo pháp luật, tôi cũng xin được nhận phần thừa kế của tôi. Tôi đề nghị phát mãi nhà để chia thừa kế cho tôi và các con.

Ông Phạm Nguyễn Thế H1 và ông Phạm Thế T cùng thống nhất trình bày:

Chúng tôi là con ông Phạm Tường D (sinh năm 1931, mất năm 2001). Gia đình chúng tôi có 4 anh em:  Phạm Nguyễn Thế V, Phạm Nguyễn Thế H1, Phạm Thế T và Phạm Thế X. Chúng tôi xác nhận nguồn gốc căn nhà 30 đường A, Phường B, quận C là do cha mẹ chúng tôi tạo lập trong thời kỳ chung sống với nhau. Cha chúng tôi không có vợ con nào khác ngoài mẹ và các anh em chúng tôi. Trường hợp di sản của cha chia theo pháp luật chúng tôi cũng xin được hưởng một suất thừa kế theo pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Bình phát biểu:

Về tố tụng: Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử là đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền, xác định đúng tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng, quan hệ pháp luật tranh chấp. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm như: Nguyên tắc xét xử, sự có mặt của đương sự tại phiên tòa.

Về nội dung: Căn cứ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận chia thừa kế theo pháp luật cho các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiêntòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng: Nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Đây là vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản theo khoản 5 Điều 26; bất động sản tại quận Tân Bình nên theo điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

[1.1] Về sự ủy quyền của các đương sự: Nguyên đơn ông Phạm Thế X ủy quyền cho ông Nguyễn Trọng H đại diện. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị T1, ông Phạm Nguyễn Thế H1, ông Phạm Thế T cùng ủy quyền cho ông Nguyễn Trọng H đại diện. Việc ủy quyền của các đương sự là phùhợp theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.2] Về sự có mặt của đương sự tại phiên tòa: Ông Nguyễn Trọng H là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời đại diện theo ủy quyền củanhững người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt. Đối với bị đơn, theo xác minh của Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú thì bị đơn có tạm trú tại nhà số 239/143 đường I, phường M, quận S từ năm 2015 cho đến tháng 6/2017 trả nhàđi đâu không rõ nơi tạm trú. Tòa án đã tiến hành thủ tục niêm yết ngày xét xử cho bị đơn theo quy định nhưng tại phiên tòa hôm nay bị đơn vắng mặt . Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.

[2] Về áp dụng pháp luật nội dung:

[2.1] Thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “…Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối vớibất động sản,…,kể từ thời điểm mở thừa kế…”, ông Phạm Tường D chết ngày 4/12/2001, ngày 16/6/2016 ông Phạm Thế X (con của ông D) khởi kiện tại Tòa án yêu cầu chia di sản của ông D là nhà số 30 đường A, Phường B, quận C nên thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của ông D vẫn còn.

[2.2] Di sản: Căn nhà số 30 đường A, Phường B, quận C có số cũ là 16 đườngA, LTK Phường F, quận C do ông Phạm Tường D làm chủ sở hữu theo Giấy phép mua bán chuyển dịch nhà cửa số 07/P26/GP-UB ngày 6/3/1985 do Ủy ban nhândân quận Tân Bình cấp. Kê khai nhà đất năm 1999 do ông Phạm Tường D và bàNguyễn Thị T1 đứng tên đăng ký kê khai. Tuy ông D và bà T1 chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987 không lập hôn thú nhưng theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 1959 thì vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sửdụng ngang nhau đối với tài sản sau khi cưới. Do đó, căn nhà số 30 đường A, Phường B, quận Ccó số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, quận C là tài sản chung của ông D và bà T1, mỗi người cùng sở hữu ½.  Như vậy, di sản của ông D là ½ tài sản của ông D trong tài sản chung với bà T1 tại căn nhà nêu trên.

[2.3] Những người thừa kế theo pháp luật: ông Phạm Tường D chết ngày4/12/2001 (giấy chứng tử số 90/2001 ngày 4/12/2001 của UBND Phường 9, quậnTân Bình) có vợ là bà Nguyễn Thị T1, có bốn người con là: Phạm Nguyễn Thế V, Phạm Nguyễn Thế H1, Phạm Thế T, Phạm Thế X và mẹ ruột là cụ Nguyễn ThịH2. Ông D chết không để lại di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều651 Bộ luật dân sự 2015 thì bà T1, cụ H2 và các ông V, H1, T và X là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông D. Như vậy, những người được hưởngthừa kế theo pháp luật của ông D là là bà T1, cụ H2 và các ông V, H1, T và X.

[2.4] Phân chia di sản: Như vậy ½ di sản của ông D sẽ được chia đều cho 6 người là: Bà T1 (vợ), cụ H2 (mẹ ruột) và 4 người con là các ông V, H1, T, X, mỗingười được hưởng một suất thừa kế bằng nhau là 1/12. Riêng đối với bà T1, ngoàisở hữu ½ căn nhà, được hưởng một suất thừa kế từ chồng thì vào ngày 23/9/2005, cụ Huề (mẹ chồng) lập di chúc để lại phần di sản của cụ được thừa hưởng trong căn nhà số 30 đường A, Phường B, quận C có số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, Quận C cho bà T1 (di chúc được lập tại Phòng công chứng số 4 thành phố Hồ Chí Minh) đến ngày 11/8/2006 cụ H2 chết. Cho nên phần sở hữu và hưởng thừa kếcủa bà T1 tại căn nhà nêu trên là 8/12. Hiện nay, bà T1 cùng các con (trừ bị đơn)đang quản lý, sử dụng căn nhà trên. Vì không có khả năng chia tiền cho các connên bà T1 và các con (H1, T, X) đồng ý phát mãi nhà, phần di sản của ông D sẽ được chia theo pháp luật. Do đó, phần di sản của ông D sẽ chia theo phương thức phát mãi nhà, sau khi trừ đi chi phí phát mãi, số tiền còn lại phần bà T1 được nhận8/12; các ông V, H1, T  và X mỗi người được nhận 1/12. Đối với chi phí sửa chữanhà vì không xác định được chi phí như thế nào và cũng chỉ là sửa chữa nhỏ để ở nên bà T1 và các con H1, T, X không yêu cầu tính toán công sức cũng như không đặt ra yêu cầu gì.

[3] Qua phân tích trên, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 649, 650 Bộ luật dân sự năm 2015 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đương sự cũng như chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với  giá  trị  phần  di  sản  được  hưởng.  Cụ  thể:  Theo  biên  bản  định  giá  ngày 23/02/2017 thì tổng giá trị nhà, đất là 4.620.309.710 đồng. ½ di sản của ông D có giá  trị  2.310.154.855  đồng  nên  một  suất  thừa  kế  có  giá  trị  thành  tiền  là 385.025.809 đồng. Do vậy, các ông bà T1, V, H1, T và X mỗi người phải chịu án phí là 19.251.290 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 85, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 , Điều 147, 273, 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 623, 649, 650, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

1. Ông Phạm Thế X được hưởng một suất thừa kế là 1/12 trị giá nhà đất tại số 30 đường A, Phường B, quận C(có số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, quận C).

2. Ông Phạm Nguyễn Thế V, ông Phạm Nguyễn Thế H1 và ông Phạm Thế T mỗi người được hưởng một suất thừa kế là 1/12 trị giá nhà đất tại số 30 đường A, Phường B, quận C (có số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, quận C).

3. Phần của bà Nguyễn Thị T1 có tại nhà đất số 30 đường A, Phường B, quận C (có số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, quận C) là 8/12 trị giá nhà đất.

4. Giao cho Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi nhà đất số 30 đường A, Phường B, quận C(có số cũ là 16 đường A, LTK Phường F, quận C). Sau khi khấu trừ chi phí phát mãi và các chi phí khác (nếu có) số tiền còn lại các ông Phạm Thế X, Phạm Nguyễn Thế V, Phạm Nguyễn Thế H1 và Phạm Thế T mỗi người được nhận 1/12; Bà Nguyễn Thị T1 nhận 8/12.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phạm Thế X phải chịu án phí sơ thẩm là 19.251.290 đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là14.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0010798 ngày 6/7/2016 của Chi cục thi hành án dân sự quận Tân Bình. Ông X còn phải nộp 5.251.290 đồng tiền án phí sơ thẩm.

Bà Nguyễn Thị T1, ông Phạm Nguyễn Thế V, ông Phạm Nguyễn Thế H1 và ông Phạm Thế T mỗi người phải chịu án phí sơ thẩm là 19.251.290 đồng.

6. Về quyền kháng cáo, kháng nghị: Đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên được quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

7. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1292
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 586/2017/DS-ST ngày 15/12/2017 về phân chia di sản thừa kế

Số hiệu:586/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Tân Bình - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về